Tuesday, December 29, 2015

NGƯỜI DŨNG KHÍ

(Hằng Như dịch từ "How to Become a Powerful Person" của Bhikkhu Bodhi)

Không phải ở những kho vũ khí đầy súng ống,
Hay tìm trong các đoàn quân sáng quắc gươm đao,
Ta có thể xóa tan bao tối tăm tàn bạo,
Để cánh cửa tự do rộng mở cho muôn loài.


Nguồn dũng khí không nằm trong quyền năng thống trị,
Không ở người dạ thú hay lắm bạc nhiều vàng.
Mà dũng khí nằm sâu trong mỗi một con người,
Để khơi nguồn lực này cần dụng công thích đáng.

TÍN lực, chìa khóa đầu tiên mở cửa thành công,
Tin đuốc tuệ soi đường đưa ta về nẻo thiện.
Niềm tin là chất liệu dưỡng nuôi lòng can đảm,
Tinh TẤN giúp hoàn thiện mình và được an vui.

Nhưng…
Nguy hiểm vẫn rập rình trong ngõ ngách con tim,
Để tránh bẫy, cần có NIỆM hộ trì nghiêm mật.
Chặn đường tấn công và khắc ghi lòng tự trọng,
Tâm ‘tàm’ sẽ giúp ta không lầm lạc lối về.

Với tâm ĐỊNH ta hiểu mình sống cùng người khác,
Ta đẹp trong mắt người bằng tâm ‘quý’ trang nghiêm.
Hành vi thiếu nghĩ suy thường tạo nên quả đắng,
Khơi nguồn tâm giữ mình tránh vực thẳm hố sâu.

Đường giải thoát không sẵn dành người yếu đuối,
Cũng không phải cho người thất vọng, tự cảm thương.
Trên đường ấy, chỉ có người không ngừng dõng tiến,
Những người hùng thật sự, biết làm chủ tâm mình.

Ta từng quờ quạng trong đêm dày đặc mù sương,
Lang thang mãi trong mê cung chập chùng sanh tử.
Đã đến lúc cần đốt lên đuốc TUỆ rạng ngời,
Soi tỏ lối cho ta về bờ giác an vui.

Bậc Đại Giác dạy ta cần năm lực đủ đầy,
Để khi xung trận ta luôn là người chiến thắng.
Bao tiền bối nêu gương lành cho dân cho nước,
Hãy thắp sáng mặt trời trí tuệ giữa trần gian.


HOW TO BECOME A POWERFUL PERSON (By Ven. Bhikkhu Bodhi)
It is not through arsenals stacked with lethal weapons
Nor by battalions of lightning-swift troops
That we can vanquish the forces of darkness
And open the gates to freedom for the world.

The source of true power lies not in domination
By the brute force of armies or the bright lure of gold.
The source lies hidden deep within ourselves,
But to find it we must use the appropriate tools.

The first key to success is the power of faith,
Trust in a supreme wisdom that points us to the good.
Faith settles the mind and inspires us with courage,
Inciting us to deeds of joyful self-transcendence.

But the agents of harm lurk in the mind’s dark shadows,
Ready to spring their traps when our vigilance slackens.
To stem their attacks and sustain our self-respect
The power of shame keeps us firmly on the path.

Contemplate deeply our relatedness to others,
Consider the value of esteem in others’ eyes.
Reflecting on the bitter fruits of thoughtless deeds,
Let the power of moral dread hold us back from the abyss.

The path to liberation is not for the weak,
Nor for those given to self-pity and despair.
It is only by the invigorating power of energy
That we can become heroes, true masters of our minds.

Traveling by night, enveloped in dense mist,
We have wandered pointlessly in the maze of birth and death.
Now use the power of wisdom as the light
To guide our steps to the shore of final freedom.

Equipped with these five powers taught by the Great Sage
We rise up as conquerors stronger than any foes.
Masters of ourselves, examples for the nation,
We illuminate the world like the blazing noontime sun.

QUẢN LÝ THỜI GIAN HỢP LÝ

Hôm qua, chuyện đã qua,
Ngày  mai, chuyện chưa đến,
Hôm nay thật nhiệm màu,
Hiện tại là quà tặng (present).

Thời gian vật lý, thời gian tâm lý

Thời gian, vốn là một khái niệm vật lý, đã trở thành một ý niệm đối với con người nên mỗi người có ‘thời gian’ của chính mình. Cuộc sống con người bị chi phối rất nhiều bởi ý niệm thời gian để rồi mỗi người có cách sống, cách sử dụng thời gian và chọn góc đứng để nhìn lại những gì được mất theo dòng thời gian rất khác nhau.

Wednesday, December 16, 2015

CHUNG SỐNG NHẸ NHÀNG VỚI MỌI NGƯỜI

Đến với cuộc đời này, ta mang nặng ân tình nhiều người, từ cha mẹ, ông bà tổ tiên huyết thống đến cả những người không quen đã góp mặt trong dây chuyền duyên sinh để ta có cuộc sống hiện tại. Ta sống đây là nhờ ơn của bao người, dù ta có ghi nhận điều này hay chối bỏ, nhưng sự thật là như vậy. Do vậy, ta cần phải có bổn phận và trách nhiệm với cuộc sống này để trả ơn những gì ta đang thọ hưởng. Trả ơn có nhiều phương diện và nhiều cấp độ. Ở cấp độ thấp nhất là ta phải tự biết lo cho bản thân mình để đừng trở thành gánh nặng cho ai. Ta biết tự định hướng cuộc sống mình để đừng làm phiền đến ai khi chưa thật sự cần thiết. Nếu ta không đóng góp được gì cho lợi ích chung của nhiều người thì ít ra cũng đừng để người khác phải lo cho mình. Làm được như thế, ta đã phần nào đền ơn cuộc đời này với sự có mặt của mình. Để có thể làm được những điều tưởng chừng bình thường và đơn giản này, ta cần phải khắc sâu và thực hành thường xuyên một số nguyên tắc căn bản trong cuộc sống để chúng trở thành một phần trong nếp sống thường ngày như cơm ăn, nước uống, khí thở thiết thân với mình, cụ thể:

Friday, December 11, 2015

VÔ THƯỜNG...

Vô thường đang đến trong từng sát na sống trong mỗi tế bào trong thân ta. Ta mang cả nguyên lý vũ trụ của sự đổi thay trong người mà vẫn giật mình bàng hoàng khi vô thường khẽ chạm đến mình...
Vô thường trong từng tia nắng... trong từng hạt mưa... trong cỏ cây hoa lá khắp vũ trụ đất trời...
Vô thường chứa đựng trong tấm hình này đây:


Cánh, nhụy, gương, hạt, hoa, lá có đủ...
Lá non, lá già, lá xanh, lá úa đều góp mặt...
Hoa búp, hoa nở e ấp, nở "rộng lượng", nở hết công suất, sắp tàn, và tàn trơ gương hạt đều hiện diện ở đây ...
Vô thường là đây chứ ở đâu xa!

Tuesday, December 1, 2015

ĐỨC PHẬT SỬ DỤNG THẦN THÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Thần thông của đức Phật là một trong những đề tài thu hút người viết và lôi cuốn người đọc. Từ trước đến nay, đã có nhiều bài viết đề cập đến vấn đề này. Điểm chung nhất trong các bài viết phần lớn đều khẳng định rằng, Đức Phật rằng chỉ chú trọng đến giáo hóa thần thông. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Khi đọc kỹ một số bản kinh có nhắc đến các loại thần thông và những lần đức Phật sử dụng thần thông, người viết nhận ra còn nhiều điều liên quan đến thần thông nhưng chưa được triển khai đúng mức. Bài viết sau đây sẽ bàn sâu hơn về thái độ cũng như phương thức vận dụng thần thông của Đức Phật, qua kinh tạng Nikāya. 

Monday, November 23, 2015

HỌ LÀ AI???

Tôi dành entry này để viết về những học viên “đặc biệt” của khóa học… khá đặc biệt. Đó là những người khắp các nẻo miền đất nước tham gia khóa học cử nhân Phật học, hệ đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Họ là ai?

Họ là những người xuất gia vừa lo việc chùa, việc giáo hội và cố gắng lắm để theo học chương trình cử nhân Phật học mà lẽ ra, họ dành ra 4 năm xuyên suốt để theo học khóa này theo hệ thường xuyên. Họ là những người vừa làm vừa học, vừa trang bị tri thức cho tự thân, vừa phụng sự trên tinh thần độ tha. Ngoài công việc, họ còn phải tranh thủ sắp xếp thời gian để còn vào mạng lấy bài, nghe, đọc và học…Đó là những tăng ni theo học hệ từ xa, phần lớn còn lại là cư sĩ.
Entry này tôi viết chủ yếu về những người cư sĩ theo học Phật pháp ở khóa IV hệ đào tạo từ xa này. 
Họ là...
Họ là những người từ miền Bắc xa xôi, miền Tây sông nước, miền Đông đất đỏ, miền Trung khô cằn và miền cao nguyên nắng gió… không có điều kiện dự lớp vào các buổi học cuối tuần (vốn được khuyến khích nên có mặt nếu có điều kiện, nhưng không bắt buộc), vì khoảng cách địa lý là cả một vấn đề. Chính vì vậy họ mới chọn học theo hệ từ xa.

Saturday, November 21, 2015

SỐNG BÌNH AN VÀ HIẾN TẶNG BÌNH AN

Trong các phương diện biếu tặng giữa con người, đem lại sự bình an, không nguy hiểm cho đời là sự biếu tặng nhẹ nhàng, sâu sắc, không phô trương, không hình tướng nhưng có tác động vô cùng tích cực và lâu dài đến xã hội ta đang sống. Nếp sống đạo đức của mỗi cá nhân là chất liệu làm nên món quà tặng tuyệt vời này. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, con người có xu hướng thiên trọng vật chất, cứ ngỡ đó là chìa khóa đưa đến hạnh phúc cho mình, nên không mỏi mệt lao vào vòng xoáy của vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức xã hội. Thế rồi khi mệt nhoài trên con đường danh lợi, họ bế tắc và hiểu ra giàu có không liên quan nhiều đến hạnh phúc của người sở hữu nó. Những ai kịp nhận ra “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Trịnh Công Sơn) sẽ biết chuyển hướng đi tìm một hệ giá trị khác liên hệ nhiều hơn đến hạnh phúc thật sự. Đạo Phật mở ra một hướng nhìn mới cho tất cả: tìm hạnh phúc nơi chính bản thân mình chứ không phải thứ hạnh phúc gắn trên mớ vật chất trần gian tạm bợ ngoài kia. Đức Phật xác định trách nhiệm bản thân đối với cá nhân mỗi người cũng như đối với cộng đồng xã hội là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội an hòa và hạnh phúc. Ngài tuyên bố, người có đức hạnh không chỉ đem an lạc cho mình, mà còn đem lại an lạc cho cha mẹ, cho vợ con, cho các người phục vụ, cho các người làm công, cho bạn bè thân hữu (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương III, phẩm II, kinh số 9: Không con). Đây là cách đức Phật khuyến khích mỗi con người hiến tặng cho đời sự bình an qua bức thông điệp mang giá trị đạo đức và nhân bản siêu tuyệt của đạo Phật. Sau đây là một số giải pháp gợi ý để chúng ta kiến tạo một đời sống bình an, đồng an hiến tặng sự bình an ấy để chung tay xây dựng một cuộc sống lành mạnh trong cộng đồng.

Friday, November 20, 2015

NGÀY 20 THÁNG 11

Một ngày đặc biệt trong năm với bao cảm xúc...
Như thức ăn đưa vào cơ thể thì nhiều, cuối cùng, cái còn lại là tinh túy được chắt lọc để thấm vào thành mạch máu đi nuôi cơ thể...
Mấy chục năm học qua trường lớp, học trường đời với những cuốn sách không trang và chẳng bao giờ có trang cuối, cùng bao bài học không số, xuyên qua khối thông tin và kiến thức, những gì còn lại với ta là những ấn tượng đẹp về nhân cách sống, về phong cách làm việc, về cảm hứng tìm học những điều mới mẻ, tâm huyết với nghề cùng tình cảm chân thành của bao người thầy niên khóa và thầy cuộc đời còn đọng lại trong lòng...
 Xin cảm niệm tất cả ân tình của các thầy cô với những mảnh ký ức vụn còn chắt chiu lưu giữ trong tâm qua bao thời gian năm tháng cuộc đời....

Hãy đo lường cuộc đời bằng tình thương...
Gần cuối ngày, Thụy Khanh bonus cái hình hay, cho lên đây luôn nè:

Wednesday, November 18, 2015

CON ĐÒ AI LÁI???

Sáng hôm qua (17.11), trong giờ học mình phụ trách, ở lớp có tiết sinh hoạt đột xuất (có lẽ đột xuất với mình, vì cứ nghĩ đến giờ học là chỉ học thôi; chứ về phía sinh viên thì có sự chuẩn bị) khá bất ngờ và vui. Các bạn sinh viên chúc ngày Nhà Giáo, có đốt pháo bông giấy kim tuyến, rồi văn nghệ ca hát…. Hết 1 tiết học quý báu. Mà thôi… chìu số đông; một năm chỉ có một ngày này. Vui nhất là khi nghe đại diện sinh viên chúc ngày Nhà Giáo, trong đó có nói rằng, người học là con đò và người đứng lớp là làn gió đẩy những con đò ấy ra dòng để lướt nhẹ nhàng hơn
Người học như hình ảnh con đò đã là biểu tượng xưa cũ. Ngạn ngữ Ấn Độ có câu “sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”. Hình ảnh con đò, con thuyền được nhắc đến trong ngày Nhà Giáo là không mới. Nhưng tiếc rằng, trong ngày tri ân những người “vắt tim, vắt óc và vắt phổi” để cống hiến cho sự nghiệp ‘trồng người” thì hình ảnh rất thơ, rất nhạc, rất họa này được ví cho thầy cô giáo mới đáng buồn làm sao!

Thursday, November 12, 2015

NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO...

Sắp đến ngày nhà giáo 20.11 rồi...
Ngày hội năm nay, cho đến giờ này thì chưa có cảm hứng viết gì. Đọc lại hai bài mình viết trước đây, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn. Thôi thì nối link lại hai bài đã viết trước đây và chia sẻ với những ai chưa đọc:

Nhân ngày nhà giáo 20/11

Ngày nhà giáo: nhìn người ta, nghĩ về mình

Friday, November 6, 2015

LỜI NÓI NHƯ BÀI CA...

Hôm nay, trong cái “trùng trùng duyên khởi, tôi nhớ đến bài thơ “The Arrow and the Song” của nhà thơ nổi tiếng Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882). Đây là một trong những bài thơ hay nhất của ông và tồn tại như thể chưa hề có sự bào mòn của thời gian. Xưa đến nay và có lẽ còn lâu dài ở mai sau, nó vẫn còn nguyên ý nghĩa vì bài thơ chứa đựng một giá trị nhân bản và đạo đức mà thời nào cũng cần đến.

Saturday, October 31, 2015

LỄ HỘI HALLOWEEN

Hôm nay 31 tháng 10, ngày hội Halloween diễn ra sôi động ở Mỹ và nhiều nước. Nhiều ngày trước, các gia đình đã đưa các em đi đến các ruộng bí ngô để chọn mua bí về vẽ mặt ma quỷ lên đó, rồi mua các bộ quần áo đủ kiểu cho ngày lễ hội này. Từ tối qua, hầu hết trẻ em và thiếu niên trong đêm Halloween hóa trang với đủ kiểu áo ma quỷ và mặt nạ hình ma quỷ, rồi cầm lồng đèn đi từ nhà này sang nhà khác trong xóm, gõ cửa và nói “trick or treat” - Nếu muốn chúng tôi không chơi xấu thì hãy đãi chúng tôi cái gì đi. Người lớn cũng hưởng ứng mặc áo ma quỷ đi chơi với các em. Ngày 31 tháng 10 này, có nhà mở tiệc hóa trang, nhảy múa, ăn uống, khách cũng thường mặc áo quần ma quỷ.

Monday, October 26, 2015

THẦY TÔI

Gần đây, gặp vài việc khiến tôi liên tưởng đến cách học, cách thực hành làm các nghiên cứu nhỏ mà các thầy cô hướng dẫn khi mình còn đi học, không khỏi chạnh lòng khi thấy một số bạn sinh viên chỉ hướng đến mục đích học... để thi chứ không phải tích lũy tri thức và thuần thục các kỹ năng!
Hôm nay có duyên nghe clip Thầy Shyam B. Menon trả lời phỏng vấn với tư cách là Vice-Chancellor của trường Đại học Ambedkar do CECED films thực hiện vào tháng 5 năm 2015; tự nhiên thấy nhớ Ấn Độ, nhớ C.I.E., nhớ cách truyền cảm hứng về việc học và nghiên cứu của Thầy Menon.

Thầy Shyam Menon là Vice-chancellor đầu tiên của trường đại học Ambedkar, một ngôi trường mới thành lập cuối năm 2008. Khả năng và tâm huyết của Thầy đã được lãnh đạo tiểu bang, MHRD (Ministry of Human Resource Development: Bộ Phát triển nguồn nhân lực) và Hội đồng giáo viên của trường tin tưởng giao phó và Thầy đã không phụ niềm tin ấy. Bộ mặt trường Ambedkar ngày càng đổi mới dưới sự lèo lái của vị thuyền trưởng là Thầy Menon. Một giới thiệu ngắn về trường Ambedkar ở đây.
Hình cắt từ clip phỏng vấn 
Nhớ lại những ngày cùng chung sống và thảo luận nhiều vấn đề trong các giờ học tại C.I.E.; nay có cảm hứng post lại entry cũ viết từ tháng 2 năm 2009 như một sự chia sẻ về cách Thầy dạy và cách chúng tôi học thông qua câu chuyện tản mạn về Thầy Menon trong entry này:

Trong cuộc sống cũng như trong môi trường học đường, ngoài những người thân trong gia đình, mỗi chúng ta đều có thể chịu ảnh hưởng sâu sắc của một số người khác, do duyên này hay duyên khác. Nhiều lúc tôi nhận ra tôi học được một số nguyên tắc sống từ những người tôi quý mến thương yêu và có phần ngưỡng mộ. Tôi thấy mình may mắn khi được quen biết và tạo được mối quan hệ thân mật với một số người có nhiều cái hay trong tính cách. Hôm nay, trong entry này, tôi muốn viết vài điều về một người thầy có ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm của tôi trong mấy năm gần đây. Những dòng này tôi viết ra như là sự bày tỏ lòng cám ơn của tôi đối với Thầy. Tôi nghe bạn bè đồng nghiệp của Thầy gọi Thầy là bằng 'first name' là 'Shyam' rất thân mật, chúng tôi là học trò, gọi Thầy bằng 'surname' là 'Menon'. Thầy Shyam B. Menon, một người thầy mẫu mực, dễ thương đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Saturday, October 24, 2015

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

 “Học để làm gì?” thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục, nhưng hầu hết người học ít quan tâm đến câu hỏi này. Để kịp nhắc người học biết định hướng cho mình mục đích của việc học, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo vào năm 1996 có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Đây được xem là bốn trụ cột của giáo dục theo quan điểm của UNESCO.

Friday, October 23, 2015

Sunday, October 18, 2015

HIẾN TẶNG TRONG PHẬT GIÁO

Khái niệm “hiến tặng” trong Phật giáo

Hiến tặng, cách nói khác của sự cho đi, là một nghĩa cử cao đẹp con người thường thể hiện với nhau trong cuộc sống. Đó là cách chúng ta cho người khác những gì có thể với lòng chân thành và trân trọng, kèm theo thông điệp ta muốn trao gởi đến người nhận. Thường thì sự cho đi ấy sẽ góp phần hỗ trợ và bổ sung những gì người khác đang cần để giúp họ vượt qua khó khăn, bức bách, cấp thiết trong cuộc sống về vật chất, đồng thời đem lại cảm giác ấm áp và được quan tâm về tinh thần. Cùng một khái niệm “cho”, song tùy theo đối tượng nhận, trường hợp hay hoàn cảnh mà nghĩa của từ này có những tên gọi khác nhau như cho, biếu, tặng, cúng dường, bố thí.. Trong khi “hiến tặng” hay “cho” theo cách hiểu thông thường của nhiều người là sự chia sẻ vật chất, thì trong nhà Phật, nghĩa của từ này rộng hơn nhiều, bao gồm không chỉ bố thí vật chất, mà còn bố thí Phật pháp, bố thí sự không sợ hãi, cũng như góp phần đem lại sự bình an và hạnh phúc cho người và cho môi trường sống ta đang có mặt. Hiện thân của từ bi và trí tuệ, Phật giáo mang sứ mệnh của một tôn giáo vị tha, đem lại bao lợi ích thiết thực cho cuộc đời qua nghĩa cử “hiến tặng”. Vì lẽ đó, khái niệm “hiến tặng” trong Phật giáo cũng bao quát nhiều phương diện trong cuộc sống và ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Bài viết này là một gợi mở về các cách hiến tặng trong Phật giáo thông qua sự thực hành các kỹ năng, đem lại lợi ích thiết thực cho mình và cho người.

Monday, October 12, 2015

10 CÁCH TẠO PHƯỚC LÀNH


                                                                        Mahinda Wijesinghe
                                                                              Liên Trí dịch
Làm thế nào để tạo phước? Có 10 cách sau đây để tạo phước cho mình:
 1. Bố thí
2. Giữ giới
3. Thực hành thiền
4. Tôn trọng người
5. Phát tâm giúp người
6. Hồi hướng phước lành
7. Hoan hỷ với phước lành của người khác
 8. Giảng giải giáo pháp
9. Nghe pháp
 10. Chuyển tà kiến thành chánh kiến

 1. BỐ THÍ (dāna)

Đây là cách tạo phước lành căn bản nhất. Bố thí vật chất là những việc làm như cho cơm người đói, cho thuốc người đau… Bố thí được đức Phật tán thán vì đây là đức hạnh nền tảng và vì chính bố thí giúp người thực hành pháp này giảm đi tâm tham ái – tên thủ phạm xây dựng ngôi nhà khổ đau, vì Ngài gọi tham ái là tâm nhiễm ô.

Sunday, October 11, 2015

VẪN NÊN ĐỌC SÁCH GIẤY, BỚT XÀI ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH….

Tại các sảnh đợi máy bay ở các phi trường, tôi thấy có những người lặng lẽ ngồi đợi với cuốn sách giấy trên tay, mắt chăm vào từng trang sách, hoặc cầm bút đánh vào các ô chữ sudoku trên tờ báo, tôi biết chắc… đó không phải là người Việt! Quả thật, khi tôi có dịp lại gần thì thấy sách viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, nên họ có thể là người phương Tây, có thể người Nhật, hoặc người từ một xứ nào khác…. Nếu tôi thấy một nhóm nhí nhố soạn đồ ăn ra dùng, nói cười huyên thuyên, thoải mái chốn công cộng… như thể nhà mình, trên 80% khả năng nhóm đó là nhóm người Việt! Còn những người thuộc độ tuổi thanh niên đến trung niên, người nào cũng lo việc riêng của mình, không quan tâm đến người bên cạnh làm gì, chỉ chăm vào màn hình chiếc điện thoại thông minh – tài sản bất ly thân của mỗi người – lên facebook đọc tin, gởi tin nhắn hoặc chơi các trò chơi, tôi tin chắc 100% họ là người Đông Nam Á, trong đó có lớp trẻ người Việt chúng ta (tôi đoán và tự kiểm chứng nhiều lần và lần nào tôi cũng đúng!).

Tuesday, October 6, 2015

NIỀM TIN TRONG ĐẠO PHẬT

Niềm tin trong đạo Phật” là đề tài vô cùng quen thuộc, thế nhưng, đề tài này vẫn luôn là nguồn cảm xúc dạt dào cho người học Phật và tu Phật. Bàn về “Niềm tin trong đạo Phật” thú vị ở chỗ, thường thì khi nói đến niềm tin, nhiều người nghĩ ngay đến mê tín, tín ngưỡng, sùng tín, cuồng tín vào một đấng linh thiêng bên ngoài thiên về cảm tính mà không có dự phần của lý trí. Thường thì trong các tôn giáo, đức tin và lý trí thường không cùng tồn tại: khi có lý trí thì không có đức tin, khi có đức tin thì lý trí lùi bước. Trong khi đó, đạo Phật được biết đến là tôn giáo của lý trí; “chỉ có trí tuệ là sự nghiệp” là phương châm của người học Phật, vậy niềm tin trong đạo Phật là niềm tin gì? Liệu niềm tin ấy có đi ngược lại với lý trí không? niềm tin và lý trí cùng đồng hành trong đạo Phật không?  Tôi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc trên qua bài viết này.
Khi tìm hiểu về một đề tài không mới này, tôi vẫn ngạc nhiên đến thú vị với quan điểm đậm chất nhân văn của đức Phật về niềm tin khi Ngài chủ trương niềm tin phải đặt trên nền tảng của lý trí, “đến để mà thấy” (Trung bộ kinh số 7: Kinh ví dụ tấm vải; số 38: Đại kinh đoạn tận ái), chứ không phải đến để mà tin. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ bàn về vấn đề niềm tin trong giáo pháp của đức Phật được thể hiện qua kinh điển như là một quan điểm sống của đức Phật và tăng đoàn thời Phật chứ không phải bàn đến niềm tin trong tín ngưỡng Phật giáo khi hòa nhập cùng văn hóa bản địa trên con đường du nhập và phát triển của đạo Phật qua nhiều vùng miền văn hóa xã hội khác nhau.

Saturday, October 3, 2015

NGƯỜI TIN MÌNH CÓ THỂ...

Nếu bạc nhược bạn nghĩ mình bị đánh,
Bạn đã thua khi chưa ai đánh mình.
Nếu nghĩ rằng mình thiếu đi can đảm,
Thì làm gì có can đảm bạn ơi!
Mong chiến thắng mà nghĩ mình không thể,
Thì phần thua chắc chắn sẽ về ta.
Nghĩ thất bại, sớm muộn gì cũng bại,
Bởi thành công từ ý chí con người.
Thành-bại, thắng-thua, được-mất cuộc đời,
Tất cả đều nằm trong suy nghĩ mà thôi.
Nếu bạn nghĩ mình là vượt trội,
Bạn sẽ biết cách trở thành người như thế.
Nếu bạn luôn vươn tới tầm cao,
Điều trước tiên, cần nhìn lại bản thân,
Và tin tưởng vào những gì ta có,
Rồi vững vàng tay với đến thành công.

Trận chiến cuộc đời nhiều thử thách cam go,
Không phải thắng luôn thuộc về kẻ mạnh,
Kẻ nhanh hơn cũng chưa chắc có phần,
Nhưng sớm muộn gì phần thắng cũng sẽ về,
Với người có niềm tin, rằng “TÔI CÓ THỂ”!
 (Liên Trí dịch)

Nguyên tác: who think he can
If you think you are beaten, you are
If you think you dare not, you don't,
If you like to win, but you think you can't
It is almost certain you won't.
If you think you'll lose, you've lost
For out of the world we find,
Success begins with a fellow's will
It's all in the state of mind.
If you think you are outclassed, you are
You've got to think high to rise,
You've got to be sure of yourself before
You can ever win a prize.
Life's battles don't always go
To the stronger or faster man,
But soon or late the man who wins
Is the man WHO THINKS HE CAN! 

Thursday, October 1, 2015

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

Nhà tâm lý danh tiếng của Mỹ JB Watson từng tuyên bố: “Hãy mang đến cho tôi chục đứa trẻ khỏe mạnh..., tôi cam đoan với bất cứ đứa trẻ nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục biến nó thành một chuyên viên theo ý muốn: y sĩ, luật gia, nghệ sĩ, thương gia hoặc thành một kẻ ăn mày hay một tên trộm cướp, cho dù tài năng, năng khiếu thiên hướng hay chủng tộc của đứa bé đó như thế nào”.
Watson là nhà tâm lý học hành vi, nên ông đặt tầm quan trọng đặc biệt đến sự sửa đổi hành vi ở một con người. Ông xem giáo dục như một công cụ có thể nhào nặn con người theo ý muốn của mình. Quan niệm này có phần cực đoạn và sai lầm vì đã bỏ qua vai trò trọng yếu của di truyền, của những năng hướng tự nhiên, vốn quan trọng không kém giáo dục. Thế nhưng, quan điểm của ông có ưu điểm làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục, điều mà người xưa đã nói: “Dạy con từ thuở còn thơ...”; vấn đề còn lại là: phải giáo dục con theo mục đích nào?

Friday, September 25, 2015

THƯƠNG CON?

Con cái là chủ nhân tương lai của xã hội, là thành phần nòng cốt trong lực lượng lao động của xã hội, là trụ cột của gia đình. Một người gánh trên vai trọng trách xã hội như vậy phải là người có đầy đủ sức khỏe, kỹ năng chuyên môn và nhất là nhân cách, đạo đức. Căn bản và nền tảng nhất trong quá trình giáo dục con cái là môi trường gia đình, trong đó cha mẹ nhận trách nhiệm chính trong việc giáo dục nhân cách cho con cái.  Để chu toàn bổn phận của cha mẹ, thiết tưởng các bậc sinh thành các con mình cần thể hiện tình thương yêu của mình sao cho hợp lý và hiệu quả.

Thursday, September 24, 2015

Em tôi và hoa thược dược

Hằng năm, ngày 30 Tết, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tất bật, đúng nghĩa là Tết đã vào đến sân. Ngoài việc làm mới và làm đẹp nhà cửa, chúng tôi làm mới mình với những lời tự hứa “sang năm mới, mình sẽ thế này, sẽ không thế kia..” như thể ‘năm mới’ còn xa lắm. Thật ra, ngủ một đêm, mở mắt ra đã là năm mới. Không khí rộn rịp ở quê trong mấy ngày giáp Tết đã truyền cảm hứng cho những đứa trẻ như chúng tôi cũng có tâm thế chuẩn bị chào đón một sự kiện trọng đại và thiêng liêng của một năm. Tất cả đều bận rộn để khép lại một năm cũ và lật trang sang một năm mới với hy vọng nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình mình.

Wednesday, September 23, 2015

TÁC HẠI CỦA NGỦ NƯỚNG

Chúng ta đều biết rằng ngủ là một nhu cầu sinh lý tất yếu không thể thiếu đối với mỗi người chúng ta. Trung bình mỗi người cần khoảng 8 tiếng mỗi ngày để ngủ. Chúng ta không nên nghĩ rằng ta dành một phần ba thời gian trong ngày để ngủ, nghĩa là ta dành một phần ba cuộc đời mình để ngủ và như vậy, ngủ sẽ làm lãng phí thời gian, mà cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng đây là một nhu cầu sinh lý tất yếu để sống và tồn tại! Chỉ khi chúng ta có một giấc ngủ đầy đủ, ngủ sâu và ngon giấc thì ngày làm việc tiếp theo sau giấc ngủ ấy mới thực sự có ý nghĩa với hiệu quả cao trong công việc và học tập. Ngủ đủ giấc mỗi ngày là yếu tố quan trọng để tăng cường và nâng cao sức khỏe, chính vì thế mỗi người cần phải ngủ đủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Đối với người già, người sức khỏe yếu có thể ngủ nhiều hơn từ 9-10 tiếng. Tuy nhiên, ta chỉ nên ngủ đủ giấc theo quy định chứ không nên ngủ tùy tiện, ngủ quá nhiều mỗi ngày bởi nó sẽ gây ra những tác dụng ngược lại. Chúng ta cùng tìm hiểu những tác hại nguy hiểm của việc ngủ quá nhiều, ngủ ráng khi trời đã sáng, mà ta quen gọi là ngủ nướng.

Thursday, September 17, 2015

NGHIỆP CẦN ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Trên trang blog này, đã hơn một lần tôi bàn về vấn đề nghiệp và kết quả của nghiệp (cụ thể là bài viết bài dịch đã post trước đây) như một cách chia sẻ, gợi ý một cách nhìn khác không theo rãnh mòn, trong số đông người học Phật, tu Phật, biết đạo Phật và ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đạo Phật, về giáo lý này. Thế nhưng, mỗi lần thấy và nghe người khác nói về nghiệp không đúng theo cách hiểu truyền thống của Phật giáo, không phù hợp với lời đức Phật dạy được ghi lại trong kinh điển, tôi lại muốn viết tiếp và bài này được viết trong một duyên như thế. Tâm lý muốn an toàn vốn cố hữu ở con người nên chúng ta có khuynh hướng đi đường mòn, chấp nhận những quan điểm tồn tại lâu nay hơn là một cách hiểu khác đi và giáo lý về nghiệp không là ngoại lệ.

Sunday, August 30, 2015

TRÌ HOÃN SỰ HÀI LÒNG

Trì hoãn sự hài lòng: ngày càng hiếm
Tất cả chúng ta ai cũng hiểu rằng, xã hội chúng ta đang sống là xã hội hướng đến tiêu thụ, khuyến khích con người tiêu thụ, phục vụ tối đa cho nhu cầu tiêu thụ của con người. Các nhà sản xuất không ngừng nghiên cứu xu hướng thị hiếu của  con người để liên tục đưa ra thị trường các sản phẩm mới ngày càng tiện nghi hơn, thẩm mỹ hơn, tinh tế hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng. Thỏa mãn đem lại niềm vui cho con người, thế nhưng vui được bao lâu? Sau niềm vui tạm bợ ấy là gì, mấy ai chịu suy ngẫm? thật ra, được đáp ứng, được thỏa mãn những gì phục vụ cho cuộc sống của mình cũng giống như khát mà uống nước muối vậy. Cơn khát được giải tỏa trong thời gian chóng vánh, sau đó, khát càng nhiều hơn. Thỏa mãn chỉ là tạm thời, khát khao mới là vĩnh viễn. Đáp ứng chỉ là tạm thời, thiếu thốn mới là dài lâu. Hài lòng, chưa hẳn là một niềm vui vì tuổi thọ của nó ngắn ngủi. Vì lẽ đó, tôi xin trình bày ở đây niềm vui của sự trì hoãn sự hài lòng. Điều này nghe có vẻ lạ, có đúng không?

Wednesday, August 12, 2015

NHỮNG BÀI HỌC CUỘC SỐNG TỪ LỜI PHẬT DẠY

Đức Phật có mặt trên cuộc đời này như một viên ngọc quý đẹp từ mọi góc nhìn. Ở phương diện tâm linh, Ngài là nhà tâm linh tuyệt vời khi mở ra con đường sáng cho nhân loại để tự mình giải thoát khổ đau đày đoạn kiếp người. Ngài là ngThân sống trong hiện tại mà để tâm tham đắm giong ruổi theo những pháp bị thời gian chi phối là quá khứười đầu tiên và duy nhất “bãi nhiệm” vai trò sáng tạo của Phạm Thiên để con người biết rõ vị trí của mình mà thoát khỏi sự nô lệ tâm linh vào một đấng sáng thế. Ở phương diện xã hội, Ngài là nhà cải cách xã hội đem lại công bằng xã hội và sự bình đẳng giới, cũng như có nhiều cải cách đáng kể cống hiến cho xã hội Ấn Độ thời bấy giờ như chủ trương hòa binh, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Ở phương diện giáo dục, Ngài là một bậc thầy vĩ đại, Ngài dạy cho chúng ta nhiều bài học thiết thực trong cuộc sống để có nhiều an vui, hạnh phúc hơn. Trong bài viết này, tôi muốn nhìn Ngài là một nhà giáo dục đã chỉ dạy cho chúng ta nhiều bài học thiết thực ứng dụng trong cuộc sống của mình. Tôi xin khái quát những bài học thiết thực từ lời Phật dạy qua 10 điều sau:

Saturday, August 1, 2015

BÀI HỌC TỪ CHIẾC BẪY MỒI

Bẫy là gì?

“Bẫy” là một danh từ dùng để chỉ một dụng cụ được thiết kế với mưu mẹo và toan tính nhằm mục đích đưa con vật và con người sa vào tình huống bất lợi cho đối tượng để đem lại phần lợi cho người chủ mưu đặt bẫy. Từ “bẫy” còn có thể dùng như động từ để diễn tả hành động dùng chiếc bẫy để phục vụ mục đích của mình. Trong một số trường hợp, con người dùng bẫy để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của loài vật đến đời sống và sinh hoạt của mình, trong đó phổ biến nhất cần phải kể đến bẫy chuột, bẫy ruồi, bẫy gián. Trong một số trường hợp khác, với trí khôn và mưu chước hơn loài vật, con người thiết kế các loại bẫy khác nhau tùy vào đặc trưng của mỗi loài, để lừa con vật vào bẫy nhằm hạn chế sức mạnh bản năng của chúng để con người, với sức mạnh sinh học yếu hơn, có thể chế ngự và bắt chúng để sử dụng phục vụ cho nhu cầu của mình, có thể giết thịt hoặc lấy các bộ phận cơ thể con vật làm thuốc hoặc đồ trang sức. Hầu hết mồi dùng để câu nhử các loài vật sa bẫy là thức ăn để khêu gợi tính tham ăn có bản chất hoang dã của động vật và chỉ có những con vật thật khôn ngoan mới may mắn thoát khỏi bẫy do con người giăng đặt.

CÁM ƠN CUỘC ĐỜI

Let us rise up and be thankful, for if we didn’t learn a lot today, at least we learned a little, and if we didn’t learn a little, at least we didn’t get sick, and if we got sick, at least we didn’t die; so, let us all be thankful. (Hãy đứng lên và khởi niệm biết ơn, vì nếu ta không học được nhiều hôm nay, ta cũng học ít, nếu không học được ít, ta vẫn còn mạnh khỏe, nếu không mạnh khỏe mà bị bệnh, chí ít ta vẫn còn sống đây mà chưa chết. Do vậy, xin hãy cám ơn cuộc đời).
Cuộc đời là kết tinh tất cả những gì góp phần làm nên cuộc sống sinh động trong ta và quanh ta, nuôi dưỡng ta thành một con người trong hiện tại. Ông bà tổ tiên, cha mẹ là một phần của cuộc đời. Điều kiện sống, môi trường tự nhiên, xã hội văn hóa là một phần của cuộc đời. Những mối quan hệ ta thiết lập với người quen kẻ lạ là một phần của cuộc đời… Mỗi mảng là một phần của cuộc đời đang cưu mang ta và cơ thể ta cũng là một phần của chính cuộc đời mình. Với tất cả những điều này, tôi luôn tâm niệm cám ơn cuộc đời, khi ở phương diện này, lúc ở khía cạnh khác, đã đưa tôi vào một thế giới muôn sắc màu lung linh đầy sinh động. Chính cuộc đời đã cho tôi những trải nghiệm sâu sắc và thú vị của kiếp người vô cùng đặc trưng và quý giá. Cuộc đời tặng ta bao điều mới lạ để ta có chất liệu làm mới bản thân mình mỗi ngày. Xin cám ơn cuộc đời, ít nhất ở các phương diện sau:

Thursday, July 30, 2015

CẮT XÉN KHI TRÍCH DẪN

Thanissaro Bhikkhu
Hằng Như dịch
Lời người dịch: Thấy bài viết này có góc nhìn khá lý thú khi bàn về đoạn trích rất phổ biến trong bài kinh Kalama, tôi dịch và chia sẻ ở đây.
Nhiều người thường chỉ biết đến một đoạn trích trong kinh điển văn hệ Pāli, một phần của bài kinh Kalama (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65 – AN 3.65) mà không hiểu nhiều về các bản kinh nguyên thủy của đức Phật cho rằng kinh điển cổ xưa không đáng tin cậy.
 Những trích dẫn từ đoạn kinh này xuất hiện dưới nhiều hình thức và có độ dài ngắn khác nhau. Một số trích dẫn ngắn gọn cô đọng và súc tích, như dòng tin nhắn được đóng dấu trên chiếc bì thư có lần tôi nhận được, ghi rằng “hãy theo nhận định riêng của bạn về đúng và sai” (Đức Phật). Có khi cũng thấy dòng chữ chạy trên hình nền máy vi tính rằng “Không tin gì cả, bất luận điều đó do ai nói, không tin ngay cả những gì do Ta nói, nếu nó không phù hợp với sự thẩm định và trải nghiệm của chính bạn” (Đức Phật).

Sunday, July 12, 2015

CHỌN LỐI TA ĐI…

Đường đời vạn nẻo

Cuộc sống đang vận hành không ngừng tạo nên sự sinh động, muôn sắc màu luôn biến đổi ở nhiều cấp độ khác nhau trong ta và quanh ta ở mọi lúc mọi nơi. Đa dạng của cuộc sống tạo nên muôn chiều trong nhận thức, thái độ và phản ứng của con người đối với những gì đến với ta. Những lúc thành công hay viên mãn trong cuộc sống, ta hân hoan và hạnh phúc, thấy đời thật đáng yêu và đáng sống. Thế nhưng, không ít lần chúng ta gặp gian nan thử thách, khổ đau, thậm chí có lúc tưởng chừng như bế tắc. Trong mệt mỏi chán chường, ta thấy đời như đêm đen không một ánh sao đêm. Thật ra, thăng trầm của cuộc sống là một thực tế không thể tránh khỏi, có điều, khi không toại nguyện điều gì, ta đau khổ vì lòng ta muốn những gì đến với mình phải khác đi, phải suôn sẻ hơn, có lợi cho mình hơn là thực tế phũ phàng không như ý ta đang gánh chịu… Nếu bình tâm và có cái nhìn thực tế, ta sẽ nhận ra rằng, trong cuộc sống duyên sinh và cộng sinh này, không có cái gì có thể hoàn toàn độc lập mà tồn tại, không có điều gì gọi là “tự nhiên” như thể từ trên trời rơi xuống và “vận” vào ta như một điềm hên hay một vận xui. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó, nên ta muốn nó diễn ra theo ý mình cũng không thể được. Nếu không hiểu được những quy luật khách quan vận hành cuộc sống, ta trở thành nạn nhân và bị dòng đời cuốn vào trong sự thăng trầm này và bị dìm cho đến chìm trong những lượn sóng nhấp nhô ấy cùng bao khổ đau, căng thẳng, bất an và dao động không ngừng nghỉ trong tâm.

Thursday, July 9, 2015

CÙNG NHAU: thắng lớn!

Hôm nay, tôi mượn chuyện bóng đá để chia sẻ vài điều mình suy gẫm. Việc còn khá nóng, với trận chung kết diễn ra vào ngày 5 tháng 7 (giờ Mỹ), đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ đã lên ngôi vô địch World Cup nữ bằng chiến thắng 5-2 khá dễ dàng trước Nhật Bản. Chỉ trong 16 phút đầu tiên, các tuyển thủ Mỹ đã buộc Ayumi Kaihori, thủ môn đội tuyển Nhật Bản, phải vào lưới nhặt bóng đến 4 lần. Ngay sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài chính Kateryna Monzul người Ukraina, cả hai đội nhập cuộc khá khí thế nhưng rồi mạnh-yếu được phân định khá rõ khi đội Mỹ chơi gắn kết hơn, các cầu thủ trên sân hiểu ý nhau hơn. Thế rồi đội tuyển Mỹ thắng ồ ạt, tiền vệ đội trưởng Carli Lloyd có 2 bàn thắng chỉ trong 2 phút (phút thứ 3 và thứ 5). Phút 14, Laurent Holiday nâng tỷ số lên 3-0 và 2 phút sau, Lloyd hoàn tất cú hat-trick với một cú sút xa từ giữa sân đầy ngoạn mục. Như vậy, trong 16 phút đầu trận, tỷ số là 4-0 cho đội Mỹ và ưu thế nghiêng hẳn về đội bóng xứ cờ hoa.

Tuesday, July 7, 2015

NGHIỆP – tài sản đời người

Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy cũng hay hay. Khi đi mua đồ, mỗi người đều có sự chọn lựa món đồ cần mua. Trước hết là xét đến nhu cầu sử dụng của mình, món hàng ấy có đáp ứng chưa, có đầy đủ chức năng mình cần không; sau đó đến branch, hãng nào sản xuất, có đáng tin cậy không, rồi đến giá cả, hợp với túi tiền mình không, rồi tiếp đến là kiểu dáng, màu sắc… tất cả đều được chọn theo những gì mỗi người thích. Có thể tôi chọn màu xanh coban mà không phải màu đỏ cho một món đồ nào đó, trong khi người khác lại chọn màu cổ đồng và còn nhiều màu khác nhau cho cùng một món hàng đang bày trên kệ các gian hàng chờ mỗi người chọn theo sở thích. Nói là “tôi chọn” nhưng thật ra, xét cho cùng, nghiệp của tôi chọn đó thôi. Xin đừng hiểu nghiệp theo kiểu định nghiệp không thể thay đổi như nhiều người lầm tưởng xưa nay. Cần hiểu chữ nghiệp đúng với tinh thần lời Phật dạy, ngẫm ra, nhiều điều thú vị lắm.

Thursday, June 25, 2015

CÁT BỤI TRẢ VỀ CÁT BỤI: có gì đáng lo?

Chết là một hiện tượng khách quan

Chết là một hiện tượng phổ quát diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng phút trên thế giới và có thể lúc này đây, khi tôi đang ngồi gõ những dòng chữ này, cái chết đang diễn ra với ai đó ở một nơi nào đó trên hành tinh này. Ấy vậy mà ai cũng muốn né tránh đề tài này, né tránh đến mức không muốn nói đến, không muốn biết và không muốn đọc cả những bài viết thế này. Thế nhưng, vẫn còn một ít người dám nhìn vào sự thật, vì biết rằng đã là sự thật, thì không thể khác. Tôi viết về sự chết để nhắc chính mình và dành cho số ít người ấy.
Chết là gì? mỗi một con người có định nghĩa riêng cho mình tùy vào vốn tri thức, quá trình thẩm thấu cuộc sống và kinh nghiệm thực tế với chính bản thân cũng như qua quá trình tiếp cận với những người thân xung quanh. Dù quan niệm về ‘chết’ có khác nhau thế nào đi nữa, tôi tin rằng tất cả đều nhất trí ở một điểm chung: chết là một điều chắc chắn xảy ra với tất cả chúng ta và trong số những người bình thường, không ai biết được ‘điều chắc chắn’ ấy khi nào thì đến với mình. Vì thế cái chết luôn là một ẩn số, là nỗi ám ảnh, căng thẳng và lo sợ của nhiều người. Trong căng thẳng và lo sợ ấy, hầu hết mọi người đều có cách phản ứng như nhau: tránh né đến mức không dám nghĩ đến, không dám gọi “đích danh” hiện tượng này mà nói chệch đi bằng nhiều từ khác như mất, qua đời, quá vãng, quy tiên, khuất bóng, khuất núi, ra đi vĩnh viễn, an giấc ngàn thu, viên tịch, ra đi, lâm chung… Dù có gọi bằng từ gì đi nữa, chết là một sự thật không thể tránh khỏi.

Sunday, June 21, 2015

LÀM BẠN TỐT: có khó lắm không?

Đã là bạn, suốt đời là bạn,
Đừng như sông, lúc cạn lúc đầy...
Khi chúng ta dùng từ “bạn” đối với người nào, thì nên cư xử với bạn đúng cách. Từ “bạn” ngày nay bị lạm dụng đến mức nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Muốn làm một người bạn tốt, ta cần có suy nghĩ thế này: Nếu bạn là bạn của mình, bạn sẽ là bạn của mình mãi mãi, dù điều gì xảy đến cho bạn, dù bạn trở thành một người khác, dù tòa tuyên án tội ác của bạn, dù cả thế giới ruồng bỏ bạn, dù mình không đồng ý với hành động của bạn, dù mình cho là bạn sai và lạc đường, thì bạn vẫn là bạn của mình. Để tình bạn có thể được duy trì lâu dài đòi hỏi trung thành, vượt lên tất cả, đòi hỏi sự hy sinh, kiên trì, kiên nhẫn và quyết tâm rất lớn. Để làm một người bạn tốt, ta cần phải:

1. Không bao giờ nói xấu bạn, nhất là sau lưng bạn

Nói xấu bạn là điều tối kỵ trong tình bạn, mà nói xấu sau lưng là điều không thể chấp nhận được, vì với cách này, ta đã không giúp được gì cho bạn, còn thể hiện cái vô đạo đức, thiếu nhân bản của một con người tử tế. Ấy vậy mà trong thực tế, nhiều người nhân danh là bạn, mà đã trực tiếp “cộng hưởng” trong việc nói xấu bạn mình, thậm chí những điều bạn mình đang chịu đựng vì oan sai.

Thursday, June 18, 2015

CHỈ CẦN LÀM NHỮNG ĐIỀU ĐÃ HỌC Ở TRƯỜNG MẪU GIÁO

Nguyên tác: Robert Fulghum
Người dịch: Hằng Như
Ông Robert Fulghum có môt bài viết ngắn tựa đề là: “Những gì tôi thật sự cần biết tôi đã học trong trường mẫu giáo.” (All I Really Need to Know I Learned in Kindergarten).
Bài này đã được một Nghị sĩ Hoa kỳ mang ra đọc trước Thượng Nghị viện, với mục đích để nó được ghi lại và lưu mãi vào trong Hồ sơ Quốc hội Hoa kỳ (Congressional Record). Ông nói, nếu như người ta biết đơn giản hành xử theo những điều ấy, thì biết bao nhiêu vấn đề của quốc gia và thế giới đều sẽ được giải quyết tốt đẹp.
Xin dịch và chia sẻ  những kinh nghiệm của ông Robert Fulghum về cách sống của mình. Đơn giản là cứ thực hành những gì ta đã được học từ trường mẫu giáo. Cứ kiên định như vậy, an vui và hạnh phúc có có mặt trong mỗi bước chân của mình.
“Tôi tin rằng mình đã biết hết tất cả những điều cần thiết để sống một cuộc đời có ý nghĩa – thật ra nó cũng không có gì là phức tạp lắm. Tôi biết chắc là vậy. Mà tôi cũng đã biết nó từ lâu lắm rồi. Thế nhưng, sống đúng theo những điều này lại là một việc khác. Và những điều tôi muốn nói đến là:
Tất cả những gì mà tôi thật sự cần biết để sống, để xử sự và để hiện hữu trong cuộc đời, tôi đã học được hết trong lớp mẫu giáo. Tri thức về cuộc sống không phải tìm thấy nơi đỉnh núi cao của các trường học, mà là trên những đụn cát ở trường mẫu giáo.

Wednesday, June 10, 2015

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHUYỂN NGHIỆP?

Nguyên tác: David R. Loy
Lâu nay, ta vẫn thường quen tai với câu nói: “cái nghiệp của tôi, tôi chấp nhận…” khi một điều không như ý đến với mình. Cách hiểu về nghiệp như thế không đúng theo giáo lý đạo Phật, nhưng lại khá phổ biến trong cộng đồng tu học Phật. Với bài viết này, Davod R. Loy đã làm rõ ý nghĩa tích cực, đầy nhân bản của khái niệm “nghiệp”, đó là thái độ tâm lý chủ tâm của con người đặt vào trong mỗi hành động của mình. Đức Phật đã làm mới nội dung của khái niệm “nghiệp” khi thoát ra khỏi quan điểm tiền định và đặt trọng tâm vào phương diện đạo đức. Thế nhưng, người học Phật chưa góp phần làm sáng tỏ sự đóng góp mang tính cải cách tâm linh của đức Phật.
Bài này cần đọc chậm, đọc kỹ và tư duy mới có thể hiểu được thâm ý của tác giả. Nhiều chi tiết khá thú vị trong bài viết này giúp chúng ta nhìn lại, hiểu thêm một số giáo lý căn bản của đạo Phật để thấy trách nhiệm của mình đối với bản thân trong quá trình tu học.
Chúng ta đang làm gì với nghiệp? Không thể cho rằng nghiệp không phải là một vấn đề đáng lưu tâm trong Phật giáo hiện đại. Nói một cách trung thực, hầu hết chúng ta biết chắc rằng mình không hiểu hết về nghiệp. Nghiệp, anh em sinh đôi với tái sinh, luôn là giáo lý căn bản của đạo Phật, thế nhưng chúng ta không biết làm thế nào để giải thích các giáo lý này một cách hợp lý nhất. Nghiệp thường được hiểu là một ‘luật đạo đức’ của vũ trụ, không có sự can thiệp của con người và là thuyết tiền định, có thể tính toán chính xác được nguyên nhân và kết quả tương ứng, giống như định luật vật lý của Newton. Tuy nhiên, hiểu như thế có thể đưa đến sự phân vân do ‘mâu thuẫn nhận thức’ trong giới học Phật và tu Phật thời nay, vì nhân quả vật lý mà khoa học hiện đại đã khám phá về thế giới thì dường như không vận hành theo một cơ chế như vậy.

Thursday, June 4, 2015

THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM

Chánh niệm: đem tâm về chung sống với thân

“Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào”. Bắt đầu với bài thực tập đơn giản như thế, ta có thể chuyển hóa cuộc sống mình. Hòa thượng Nhất Hạnh, một bậc thầy lớn dạy về chánh niệm, đã đoan chắc như thế khi hướng dẫn các bài tập thở cho người bắt đầu.
Hòa thượng Nhất Hạnh có lần nói, ngôi nhà đích thực của chúng ta là hiện tại, là bây giờ, là ở đây, không phải ở trong quá khứ đã xa mờ, không phải ở tương lai còn tù mù chưa rõ. Đúng vậy, ai cũng chấp nhận điều này có lý,  nhưng không phải ai cũng làm được. Dù có lúc nào đó ta làm được việc trở về ngôi nhà trong hiện tại của mình, điều này cũng không có nghĩa là lúc nào cũng làm được.

Thursday, May 28, 2015

NHÂN NGÀY PHẬT ĐẢN: nhìn về Đức Phật như một bậc Thầy

Hôm nay, ngày trăng tròn tháng Vesak (ngày Rằm tháng Tư), ngày Phật Đản. Thông thường, nhiều người thường xem ngày này là ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, theo truyền thống, đây là ngày tưởng niệm ba sự kiện – Đản sanh, Giác ngộ và nhập Niết bàn–của Đức Phật, gọi là ngày Tam Hợp.
Ngày này hằng năm, khắp nơi trên thế giới, nhiều người nhớ về và làm lễ tưởng niệm, không ít người coi đây là một lễ hội tôn giáo và văn hóa của cộng đồng mình. Trong bất cứ hình thức tưởng niệm nào, dù là tập thể hay cá nhân, mỗi người có một cách tưởng niệm riêng. Ở đây, người viết xin được chia sẻ vài ý tưởng mà bản thân cảm nhận được trong quá trình học Phật bằng ngôn ngữ bình dân nhất như là một cách tưởng niệm ân đức của Đức Phật và những lời dạy của Ngài nhân ngày Phật đản.

Saturday, May 16, 2015

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

Là con người, ai cũng có muốn hạnh phúc, toại nguyện mà không thích khổ đau hay đối mặt với nghịch cảnh; thế nhưng, muốn là một việc, thực tế cuộc sống lại là việc khác, khi khổ đau và những điều không như ý là điều ta có thể gặp bất cứ lúc nào trên đường đi của mình. Nhìn mình, nhìn người khi đối mặt với nghịch cảnh, ta tự hỏi, tại sao có những người có thể thành công hơn những người khác khi đối mặt với môi trường làm việc khó khăn? Tại sao có những người được trải nghiệm cuộc sống với những thành công trong khi những người khác lại hay gặp thất bại? Theo giáo sư Paul Stoltz, một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về khả năng vượt khó của con người thì câu trả lời nằm ở khả năng khắc phục khó khăn trong cuộc sống của mỗi người.

Friday, May 8, 2015

NGHỆ THUẬT CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH

Đã mang thân người, sớm muộn gì ta cũng có bệnh; đây là một sự thật không thể chối cãi. Với sự phát triển của các khoa học và y học, ngày càng có nhiều loại bệnh có thể chữa lành, đây là một may mắn lớn. Có những căn bệnh mãn tính, triệu chứng không bộc phát ồ ạt, mà lại kéo dài nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm và bệnh nhân cũng không hề dễ chịu chứng sự hoành hành của các căn bệnh này. Các phương tiện điều trị chỉ có tác dụng hạn chế sự tiến triển của bệnh và thuộc chỉ là phương tiện hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng chứ không thể giúp người bệnh khỏi hẳn. Bên cạnh đó, có những căn bệnh nan y như ung thư, đến nay vẫn chưa có thuốc chữa trị. Với các bệnh mãn tính và nan y, chăm sóc giảm nhẹ về phương diện chuyên môn là một phần công việc hằng ngày của bác sĩ; trong khi đó, chăm sóc giảm nhẹ về phương diện tâm lý là phần việc của chính bản thân người bệnh và người nhà bệnh nhân. Để đương đầu hiệu quả hơn với bệnh tật, chúng ta cần có hiểu biết nhất định về căn bệnh này, có trải nghiệm tâm lý thực tế khi bị bệnh và hiểu rõ các cách để vượt qua nỗi lo tâm lý này.

Saturday, May 2, 2015

DẠY PHẬT PHÁP CHO TRẺ EM (Kỳ cuối)

Dạy Phật pháp cho trẻ em (Kỳ 1)
Dạy Phật pháp cho trẻ em (Kỳ 2)

Để giáo dục trẻ em hiệu quả hơn…

Chúng ta không cần và không nên dạy giáo lý đạo Phật cao siêu theo kiểu rao giảng cho trẻ em ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này. Điều cần thiết là một cách chủ tâm, chúng ta “ươm, cấy” vào trong tâm các em những hành vi và phẩm chất cao quý của người phật tử thông qua các môi trường giáo dục khác nhau như đã trình bày ở trên. Cần phải xuyên suốt và nhất quán hướng về các phẩm chất này như là tâm điểm và xuyên qua mọi hoạt động thường ngày, tận dụng mọi môi trường giáo dục để xâu kết, hướng các em về tâm điểm này. Để quá trình này diễn ra hiệu quả hơn, chúng ta cần:

Tuesday, April 28, 2015

TÔN TRỌNG CUNG KÍNH: Chỉ có được thêm, không mất gì!

Là một người nữ xuất gia theo đạo Phật, tôi không tránh né, nhưng chưa một lần muốn viết về đề tài Bát kỉnh pháp – tám điều kiện mà người nữ tu sĩ Phật giáo cần thực hành để thể hiện sự tôn kính đối với các vị nam tu sĩ Phật giáo. Đây là lời hứa của bậc Tổ Ni Maha Pajapati Gotami như là một điều kiện cần thiết để được thu nhận vào tăng đoàn với tư cách một người xuất gia.

Thursday, April 23, 2015

Tìm hiểu xuất xứ các câu PHẬT NGÔN trong Luật nghi Khất sĩ

 “Phật ngôn” là tập hợp 13 lời dạy cô đọng, súc tích được đức Tổ sư Minh Đăng Quang rút tỉa, trích dẫn gián tiếp hoặc tinh chiết từ lời Phật nói trong kinh điển, thuộc phần “Bài học Khất sĩ” trong cuốn “Luật nghi Khất sĩ” – một tài liệu gối đầu giường của chư tăng ni Khất sĩ. Tất cả nội dung trong phần “Bài học Khất sĩ” này được chư tăng ni Khất sĩ học thuộc lòng để hành trì trong mỗi lúc. Những câu “Phật ngôn” này chú trọng đến phương diện ứng dụng, hành trì nên có nội dung rất khúc chiết, chuyển tải những giáo lý cốt lõi nhất, tinh túy nhất, là những điều cần thiết nhất cho một người xuất gia ghi nhớ và hành trì. Đối với người xuất gia, chỉ cần thực hành miên mật bao nhiêu đó thôi cũng đủ để hiểu rõ phương pháp tu tập, giữ mình thanh tịnh ở ba phương diện thân, khẩu, ý, trở thành bậc chân tăng mô phạm cho đời.

Saturday, April 18, 2015

Dại gì mà không đổi kẹo lấy vàng?

Hôm nay, tôi có tí công việc phải đi. Thế là từ sáng, sau khi lên xe buýt rồi xuống xe buýt, tôi phải đi bộ một đoạn, không xa lắm nhưng phải rất tỉnh giác vì phải qua đường trên dòng giao thông đông đúc, xe lớn xe nhỏ dập dìu, hối hả tấp nập trên quốc lộ. Thế rồi cũng qua đường an toàn. Vào bến xe, lấy vé và ngồi đợi trong vài phút. Chuyến xe tôi sắp đi là xe của một công ty chiếm ưu thế tuyến đường này, là ưu tiên lựa chọn của nhiều người, vì cung cách phục vụ của hãng xe này hơn hẳn các hãng xe khác cùng tuyến. Thế này nha, xe xuất bến chính xác giờ ghi trên vé, không chậm trễ dù chỉ một phút nếu không có sự cố bất trắc nào. Cứ đến giờ là xe chạy, cho dù có lúc trên xe chỉ có dăm ba khách trên một chiếc xe 15 chỗ. Giãn cách giữa các chuyến là 15 phút. Tuyệt đối xe không đón khách dọc đường trong suốt chặng đường hơn 80 cây số ấy. Trong xe, có thông báo: nếu phát hiện tài xế dừng đón khách dọc được, hành khách vui lòng gọi về đường dây nóng số máy XXXX , quý khách sẽ nhận được 20 vé xe miễn phí. Đến nơi, xe cũng chỉ trả khách đúng những trạm quy định, chứ không phải tiện đâu dừng đó.

Wednesday, April 15, 2015

DẠY PHẬT PHÁP CHO TRẺ EM (Kỳ 2)

Thông qua các hình thức giáo dục nào?
Để giới trẻ thấm nhuần tinh thần giáo lý đạo Phật trong đời sống và biết thực hành thiền, chúng ta cần đưa Phật pháp vào đời qua nhiều hình thức khác nhau để hiệu quả giáo dục được cao nhất. Trẻ em chóng thích, nhanh chán nên chúng ta cần linh động thay đổi, đan xen và kết hợp các hình thức giáo dục vào nhau một cách hợp lý và đúng thời để tránh sự nhàm chán một màu khiến các em mất đi hứng thú. Một số hình thức giáo dục Phật pháp được gợi ý ở đây:

Monday, April 6, 2015

SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐÁNH GIÁ: Thầy chọn trò hay trò chọn thầy?

Nguyên tác: Thanissaro Bhikkhu
Người dịch: Liên Trí 
Lời người dịch:
Mối quan hệ Thầy-trò giữa những người xuất gia trong đạo Phật là một mối quan hệ thiêng liêng, bền chặt với thời gian. Trước khi chính thức thiết lập mối quan hệ này, thường thì người phát tâm xuất gia có thời gian “thử duyên” tại một nơi có một người thầy tâm linh mà mình có ý định gắn bó đời mình với vị ấy để được học hỏi, được hướng dẫn trong một môi trường thích hợp để trau sửa trên con đường mình chọn. Đây là thời gian quan trọng để người mới phát tâm tập sống đời xuất gia, đồng thời để người thầy có dịp quan sát người học trò để quyết định nhận người này làm đệ tử hay không. Quan điểm xưa nay là vậy. Thế mà trong bài viết này, thầy Thanissaro có một quan điểm mới hơn, rằng bước đầu ấy không phải chỉ để thầy quan sát chọn đệ tử mà người đệ tử cũng quan sát, đánh giá người thầy tương lai của mình để quyết định có nên chọn vị ấy làm thầy hướng dẫn mình hay không. Ý niệm này hoàn toàn đúng về phương diện lý, nhưng trên thực tế lại là một điều hơi lạ đối với văn hóa tu viện ở Việt Nam. Thấy thú vị, tôi dịch bài này chia sẻ với người có duyên.
Khi Đức Phật bảo Ananda rằng toàn bộ sự thực hành phạm hạnh là ở chỗ có được một người thiện tri thức, Ngài không nói về sự ấm áp và cảm giác an tâm về tình thương yêu của người khác. Vấn đề là Ngài chỉ ra ba sự thật không thoải mái, về sự mê mờ và tin tưởng, vốn đòi hỏi sự sáng suốt để thẩm định, đánh giá.