Wednesday, February 28, 2018

CÁI HÒA

Sống ở đời, hãy tìm cái hoà trong các mối quan hệ. Nếu cố công tìm lấy sự chiến thắng thì cái giá phải trả lớn lắm! Có khi phải sống quãng đời còn lại trong trong áy náy và bất an. Hãy bình tĩnh suy nghĩ trước khi đánh đổi. Ai hiểu được kiếp người quý giá ra sao, ý thức được làm người hạnh phúc hơn bao loài khác thế nào sẽ biết cách sử dụng giá trị của con người một cách ý nghĩa nhất. Khi ấy, con người sẽ sử dụng năng lượng để sống hòa hợp thay vì dùng năng lượng ấy để gây hấn và tranh đấu.

Saturday, February 24, 2018

ĐỪNG BỎ HÌNH BẮT BÓNG!

Mỗi người chúng ta sống giữa đất trời mênh mông với thời gian vô cùng không gian vô tận. Hiện tại ngay bây giờ, ngay ở đây là những gì đầy đủ nhất, nhiệm mầu nhất mà cuộc sống đã ban tặng.
Đừng nghĩ nhớ về quá khứ. Bạn thấy đó, nhìn về quá khứ, với những gì đã xảy ra, dù có đẹp như mộng, hạnh phúc như mơ, dù có làm bạn thỏa mãn đến tận cùng của hạnh phúc thế gian thì giờ cũng không còn; chính vì không còn thì chúng mới thành “quá khứ”, nếu còn kéo dài đến giờ, chúng được gọi bằng một cái tên khác là “hiện tại” rồi!
Đừng mơ tưởng tương lai. Sẽ không có gì chắc chắn khi tương lai còn ngoài tầm tay với, như áng mây trời thấp thoáng xa tít trên đỉnh núi còn mờ sương mai. Nhiều người tự cho mình là người biết lo xa nên ngồi mơ tưởng đủ thứ tốt đẹp, nhưng toàn là mơ ước viển vông treo tận ngọn cây! Thế rồi chống chế “ước mơ không tốn tiền, chuyện gì không mơ!” Liệu có ích gì khi dùng năng lượng và thời gian hiện tại chỉ có ở lúc này làm điều vô ích như vậy chứ?
Thời điểm giao thời trong dịp Tết thế này là lúc chúng ta ôn lại quá khứ để có bài học, chứ không phải nhắc lại để hâm nóng khổ đau, tiếc nuối hạnh phúc đã xa bay. Đây cũng là thời điểm để nhìn về tương lai tràn đầy hy vọng như một định hướng thực tế cần đầu tư ngay trong hiện tại, bắt đầu từ nơi bạn đứng, ngay từ bây giờ, chứ không phải viển vông ảo tưởng!

Hiện tại gói trọn bài học từ những thành công và thất bại, từ niềm vui cùng nỗi buồn trong quá khứ và mang đầy tiềm năng, sức khỏe và năng lượng dồi dào nhất cho cuộc sống phía trước ở tương lai. Hiện tại là tất cả! Hãy sống thật trọn vẹn với hiện tại nhiệm mầu, vì hiện tại chỉ có một mà thôi: đó là bây giờ và ở đây!

Saturday, February 10, 2018

TẾT – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TU TẬP

Tết Nguyên đán là thời điểm chuyển giao của năm cũ sau khi hoàn thành một chu kỳ thời gian bốn mùa để bước sang năm mới. Đây là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất trên khắp đất nước. Với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giai tầng xã hội, từ thành thị đến thôn quê, từ miền Bắc đến miền Nam đất Việt, Tết là thời điểm vô cùng đặc biệt, quan trọng và thiêng liêng. Đây là lễ hội thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, thể hiện sự giao hoà giữa con người và con người cũng như giữa con người và thiên nhiên. Bên cạnh những giá trị nhân văn, đạo đức và thẩm mỹ trong lễ hội truyền thống này, dưới cái nhìn Phật pháp, Tết còn là cột mốc để nuôi dưỡng tâm linh trong pháp lành và điều này góp phần làm cho lễ hội truyền thống này càng thêm nhiều giá trị.

Thursday, February 1, 2018

HỌC KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG

Một cô dâu mới về nhà chồng khá vụng về việc bếp núc. Dù trước khi làm đám cưới, cũng có tham gia học một khóa nấu ăn ngắn ngày, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu, vì những gì học được vẫn chưa có thời gian để thực tế. Người mẹ chồng thấy con dâu không giỏi nấu nướng, nghĩ con gái thời nay không giỏi nội trợ là chuyện bình thường, nên bà cũng thương mà thật lòng chỉ dẫn. Ấy vậy mà cô con dâu muốn lấy điểm trong mắt mẹ chồng, không muốn mọi người biết mình vụng về, cứ nghĩ đơn giản coi những chỉ dẫn trên mạng rồi theo đó làm. Thế là món nào cô cũng nói biết làm, biết nấu. Cuối cùng, đã hơn một tháng qua mà cô dâu mới lóng cóng chưa nấu được một món ăn nào cho ra hồn. Cô cứ biện hộ “con thấy họ chỉ dễ quá, mà sao bắt tay vào làm nó không giống vậy”. May mắn người mẹ chồng rất bao dung và thông cảm, nói “không sao, con cứ tập, cứ học rồi sẽ thạo. Cái gì không biết, cần mẹ giúp thì cứ nói”…

Ở đời, cái gì nửa vời cũng không đi đến đâu. Trong số những thứ nửa vời, biết nửa vời là cái nguy hiểm nhất. Khi bạn biết nửa vời mà chính bản thân bạn không ý thức điều này, tưởng “trạm trung chuyển” đã là bến đỗ, bạn sẽ mạnh dạn hành động một cách ngu xuẩn mà không e dè gì! Cho đến việc không có kết quả như mong muốn, vỡ lẽ ra thì mọi việc đã quá muộn màng, không còn cơ hội để sửa sai nữa rồi.
Vẫn biết vậy nhưng nhiều người vì sỉ diện hão nên muốn thể hiện một diện mạo hoàn hảo trong mắt mọi người. Thế là dù chỉ biết đại khái, nửa vời họ vẫn nhận bừa là biết. Đến khi “lỡ đường lỡ bột” thì họ lại biện hộ bằng nhiều cách để đẩy trách nhiệm về người khác hoặc đổ thừa cho hoàn cảnh. Một trái xoài chín thì vỏ nó tự chuyển sang màu vàng và cơm tự mềm, cho mùi thơm và vị ngọt. Nếu nhuộm màu cho vàng, nắn bóp cho mềm cơm thì trái xoài xanh ép chín kia cũng không thể nào cho mùi thơm và vị ngọt.
Không biết không có gì xấu, chỉ có không trung thực, che chắn bằng mọi cách mới là chướng ngại trên con đường học hỏi và tiến bộ của bản thân mà thôi! Khổng Tử từng dạy một câu rất hay “biết thì nói biết, không biết nói không biết. Đó mới thật là biết”. Mình cứ thật lòng, ai cũng thương quý và hết lòng chỉ dạy những chỗ chưa biết của mình. Thay vì vòng vo như vậy, bạn hãy mạnh dạn xác nhận mình có “biết” hay “không biết”.
Nếu biết đến nơi đến chốn, khi bắt tay vào việc là chỉ có làm, chỉ có hoàn thành và hoàn hảo mà thôi. Biết nửa vời mà cố chấp cho là đã “chín”, bạn dễ dàng làm cho người khác bực mình, không tin tưởng và nhiều hậu quả bi đát trở về với bạn như một sự phản hồi trung thực nhất về sự tắc trách của bản thân. Sự khoe mẽ mà ngôn ngữ bình dân gọi là “nổ” sẽ không giúp gì cho bạn, chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Nếu không biết, cũng chẳng sao, ai mà chẳng có nhiều điều chưa biết. Bạn không cần phải giấu cái dốt của mình một cách khờ khạo như thế. Cứ thẳng thắn chấp nhận nơi mình đang đứng, chỗ mình chưa biết để còn được học hỏi, để có cơ hội thực tập và dần thuần thục. Cứ ảo tưởng như rót nước ngọt có ga mạnh tay, thoạt nhìn thì đầy ly, để tí xíu ga lắng xuống thì thực chất chỉ có tí xíu. Cách tốt nhất để sống thoải mái là hãy sống “thật” mà không phải cố gồng lên để bao bọc, che chắn bản ngã của chính mình.
Nếu không biết, hãy chấp nhận không biết là cách sống khôn ngoan và chân thật để còn có cơ hội học hỏi và để người khác thương mà tận tình chỉ bảo cho. Còn sống là còn học; còn học là còn tiến bộ và đây là cách tự tạo cơ hội cho mình mỗi ngày mỗi tốt thêm lên. Học là cả một quá trình không bao giờ có điểm dừng.
Mỗi ngày qua, sách đời lật sang một trang với bao bài học mới mẻ và bổ ích. Cuốn sách đời không bao giờ có trang cuối cùng các bạn ơi!