Friday, November 6, 2015

LỜI NÓI NHƯ BÀI CA...

Hôm nay, trong cái “trùng trùng duyên khởi, tôi nhớ đến bài thơ “The Arrow and the Song” của nhà thơ nổi tiếng Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882). Đây là một trong những bài thơ hay nhất của ông và tồn tại như thể chưa hề có sự bào mòn của thời gian. Xưa đến nay và có lẽ còn lâu dài ở mai sau, nó vẫn còn nguyên ý nghĩa vì bài thơ chứa đựng một giá trị nhân bản và đạo đức mà thời nào cũng cần đến.
Trong bài thơ này, tôi học được bài học đạo đức trong các mối quan hệ đối nhân xử thế. Truyền thông bằng lời nói là nét đặc trưng của loài người và công năng của lời nói thật khôn lường. Với lời nói, ta có thể đem lại niềm vui cho người khác. Cũng với lời nói, ta có thể làm phiền lòng, đem lại nỗi khổ niềm đau cho người. Tác dụng của lời nói tốt hay xấu, có giá trị đóng góp tích cực hay tiêu cực là do cách con người sử dụng. Lời nói chỉ là công cụ của tâm ý; tâm ý thế nào, sẽ điều động lời nói phục vụ ý đồ của tâm ý theo hướng như thế.
Trong bài thơ “The Arrow and the Song”, nhà thơ Longfellow nhắc chúng ta rằng lời nói ra có thể là mũi tên làm tổn thương người khác, có thể là lời ca làm dịu mát lòng người. Mũi tên cũng như lời ca, một khi bay ra, chủ nhân nó mất quyền kiểm soát và định đoạt được vị trí, tầm ảnh hưởng của chúng. Lời nói một khi ra khỏi miệng, vút đi rất nhanh và lan tỏa trên một diện rộng, mà người “tạo” ra nó tưởng chừng nó đã bay mất hút không để lại dấu vết. Như mũi tên một khi ra khỏi dây cung là vút vào không trung, không ai còn quan tâm mũi tên rơi nơi nào. Như một bản nhạc được ngân lên, âm thanh hòa vào không gian, vang xa, vang xa và nhòa dần trong không khí. Ai ngờ rằng, sau đó, có thể lâu và lâu lắm, mũi tên vẫn chưa gãy và nằm im trên cây sồi già và lời ca du dương êm ái lắng đọng trong trái tim người bạn thân của mình. Mũi tên là hủy hoại và là chết chóc đau thương. Ngược lại, lời ca là hiện thân của những gì đẹp đẽ nhất, đầy sinh khí, là nhựa sống và sự sống.
Trong cuộc đời, chắc không ai muốn biến những người xung quanh mình thành cây sồi già sừng sững ôm giữ lấy mũi tên còn nguyên vẹn cả mà chỉ muốn bao người mình giao tiếp là người bạn giữ lại những lời ca ngọt ngào sâu lắng. Nếu chúng ta thốt ra lời nói như bông như hoa, như gió mát, nhẹ nhàng ngọt ngào như những nốt nhạc thì mọi người xung quanh ta đều là những người bạn thân. Nếu ta thốt lời như tên bắn thì ta giao du, tiếp xúc với ai, ta biến tất cả mọi người quanh ta thành những cây sồi già tội nghiệp. Mũi tên hay lời ca, chính chúng ta là tác giả; bạn thân hay sồi già, chính ta là người tạo nên. Chúng ta cần thận trọng trước khi sử dụng công cụ “đa năng” của lời nói, để kết nối tình thân, để kiến tạo môi trường sống thân tình, đem lại hòa khí, niềm vui và lợi ích cho người chung quanh và bản thân mình hơn là tạo nên sự đau đớn tổn thương cho nhau. 
Chúng ta, như bao người khác, đều là con người, ai dám tự hào là mình toàn hảo? khi này hay khi khác, chúng ta cũng có thể ‘bắn’ ra các mũi tên, do không làm chủ được luồng cảm xúc của mình. Bài thơ này là một lời khuyên chúng ta nên thận trọng, chú tâm, ý thức thường xuyên (chánh niệm tỉnh giác) để làm chủ tâm ý, làm chủ lời nói. Trong mọi tình huống, cần tự nói: ta muốn gì đây? bắn tên hay cất lên lời ca ? Chúng ta muốn bạn bè mình nhận gì và họ sẽ trở thành gì?  Khi ta sống với tâm ác, lời nói thốt ra là mũi tên dành cho những cây sồi già lưu giữ; khi sống với tâm thiện, mỗi lời  nói là một nốt nhạc du dương dành cho những người bạn trân quý đón nhận.
Ta không biến người quanh ta thành những cây sồi để nhận lấy những lời nói “mũi tên” của mình là một phương diện tích cực. Một phương diện khác cũng rất tử tế, bao dung là với những mũi tên của bạn bè hay những người xung quanh bắn nhằm mình thì không nên ôm ấp lòng giận hờn oán ghét. Hãy khởi tâm thương những vụng về của họ, như bản thân ta đã từng vấp phải, không lúc này thì lúc khác.
Hãy học cách chăm sóc suy nghĩ và hành vi của mình để cất lên bao lời ca, hòa trong đất trời và lưu lại trong tiềm thức mọi người. Một lời nhắc khuyên chân tình của Longfellow được gửi gắm qua bài thơ “The Arrow and the Song” là bài học cho tôi trong mọi lúc, mọi nơi, nhắc ta luôn ý thức để sử dụng lời nói một cách khôn ngoan, biết làm chủ lời nói và hành động của mình. Đâu chỉ đợi hôm nay, đâu cần chờ đến một dịp đặc biệt nào ta mới dùng lời đẹp cho nhau? Sẽ chẳng bao giờ thừa nếu chúng ta có thể kiểm soát tâm ý, lời nói và hành động của mình trong 24x7 vậy.
Điều đáng làm, dù khó làm, cũng nhắc mình nỗ lực làm…
The Arrow and the Song 
Henry Wadsworth Longfellow 
I shot an arrow into the air,
It fell to earth, I knew not where;
For, so swiftly it flew, the sight
Could not follow it in its flight.
I breathed a song into the air,
It fell to earth, I knew not where;
For who has sight so keen and strong,
That it can follow the flight of song?
Long, long afterward, in an oak
I found the arrow, still unbroke;
And the song, from beginning to end,
I found again in the heart of a friend.

Mũi tên và lời ca
Mũi tên tôi bắn lên trời,
Nhìn theo mất hút giữa vời không gian,
Mũi tên rơi xuống vội vàng,
Không ai nhìn thấy, gió ngàn lướt qua.

Bài ca tôi hát ngân nga,
Quyện vào trong gió đi xa muôn trùng,
Hòa vào trời đất mênh mông,
Mãi tìm chẳng thấy, hư không bặt lời.

Rồi lâu, mọi thứ dần quên,
Mũi tên còn đó nằm trên cây sồi,
Bài ca nốt nhạc không rời,
Trái tim ấm áp của người bạn thân.
(Hằng Như dịch)