Friday, December 23, 2016

XÁ LỢI…


Với tâm lý tò mò vốn có, con người bình thường dễ bị cuốn vào những điều kỳ lạ, dù rằng chẳng đem lại mảy may lợi ích nào. Gần đây, nhiều người Phật tử bị lôi cuốn vào các viên tròn tròn đủ màu trắng, xanh, hồng, vàng… được gọi là xá lợi của đức Phật và chư thánh tăng, rồi đua nhau sang Myanmar để thỉnh về. Nhiều chùa làm lễ cung rước xá lợi nghiêm trang lắm! Rồi đồn nhau ai thờ xá lợi mà tu tinh tấn thì xá lợi tự sinh thêm ra, còn ai giải đãi, đức hạnh kém thì nó giảm đi về số lượng. Rồi họ rất hiếu kỳ đồn nhau có viên phát sáng, tự tăng kích cỡ, tự sinh thêm ra, có khả năng di chuyển trong nước …

Sunday, December 18, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 8)

Chương 2: NGHIỆP QUẢ

 Đạo đức và bệnh tật
Người có trí cho rằng, sự băng hoại về đạo đức lan tràn ngày nay là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh lạ và mới (Sayadaw Tabyekan)

Sức khỏe, trường thọ và sắc đẹp

Có một thanh niên đang trên đường tìm cầu chân lý tên là Subha. Một hôm, nhận thấy sự khác biệt giữa bao con người, anh ta suy nghĩ hoài không ra, trong lòng cứ hoài nghi, bèn tìm đến đức Phật, thỉnh Ngài giải đáp vấn đề mà anh ta đang thắc mắc. Đức Phật trả lời như sau:

Wednesday, December 7, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 7)

MỘT TU SĨ CÓ THỂ LÀ MỘT BÁC SĨ KHÔNG?

Ajahn Brahmavamso
Một số cư sĩ Phật tử  hiểu lầm rằng một vị tăng có thể làm một lương y để chữa bệnh cho người cư sĩ. Một số chư tăng trở thành thiện xảo trong cách chữa trị bằng thảo dược và các cách trị liệu truyền thống khác, thế nhưng, có khi nào, theo giới luật, chư tăng được phép chữa bệnh như một lương y không?

Friday, November 25, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 6)

ĐẠO PHẬT, SỨC KHỎE VÀ BỆNH TẬT

Tác giả: Pinit Ratanakul (Tiến sĩ, hiệu trưởng trường đại học Tôn giáo Mahidol, Salaya, Puthamoltoll 4, Nakornpathom, 73170, Bangkok, Thailand).
Sức khỏe và bệnh tật là những trải nghiệm thông thường của kiếp sống con người và là mối quan tâm đặc biệt của tôn giáo. Trong mỗi xã hội, trên mỗi chặng đường lịch sử, tôn giáo đều hướng đến giá trị của an lạc và sức khỏe, xem đây là điều tiên quyết để có một cuộc sống ý nghĩa. Tôn giáo cũng đưa ra những phương tiện và giải pháp để giúp mọi người có sức khỏe tốt và có khả năng chống chỏi với bệnh tật, hóa giải nỗi khổ niềm đau một cách có sáng tạo. Nhiều người đồng ý rằng mạnh khỏe và an lạc không có nghĩa đơn giản là vắng mặt khổ đau hoặc ít đi sự bất toàn, giảm bệnh tật và chết chóc, mà mạnh khỏe và an lạc còn có nghĩa tích cực hơn những điều vừa nêu. Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về nghĩa tích cực của khái niệm “sức khỏe”. Bài viết ngắn này bàn về sức khỏe và bệnh tật theo quan điểm của đạo Phật. Nói chung, đạo Phật đã trải qua hơn 2500 năm lịch sử gắn liền với y học cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Là một tôn giáo sống động, giáo lý đạo Phật ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ, cách làm của người Phật tử đối với vấn đề sống và chết.

Wednesday, November 23, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 5)

Đức phật có thể dùng phép lạ để cứu người chết sống lại không?

Chúa Giê-su của Nazareth có thể biểu diễn phép lạ. Chúa có thể làm người bệnh khỏe mạnh và làm cho người chết sống lại. Liệu Đức Phật có làm điều tương tự vậy không?
Chắc chắn là Đức Phật có khả năng trị bệnh. Vấn đề ấy tôi không đề cập đến trong cuốn sách này. Ngay cả thái tử Sĩ-đạt-ta, theo truyền thống, Ngài cũng có nghiên cứu y phương minh nữa. Như vậy, Ngài am hiểu những kiến thức y khoa và các phương pháp chữa bệnh được áp dụng thời bấy giờ nơi đất nước Ngài sống. Câu chuyện sau đây từ bài kinh ‘Tam Bảo’ mô tả rất kỹ rằng đức Phật thật sự có khả năng dùng thần thông để trị bệnh.

Saturday, November 19, 2016

NHỮNG CÂU HỎI CẦN THIẾT


Hằng ngày, chúng ta có cảm giác mình luôn đối đầu với một núi công việc và lắm khi loay hoay chẳng biết mình nên bắt đầu từ đâu. Việc gì cũng thấy cần thiết và không biết chuyện nào nên ‘nhường quyền ưu tiên’ cho việc nào và bằng cách nào có thể hoàn thành công việc trong ngày một cách hiệu quả nhất. Do vậy, quản lý thời gian, sắp xếp và bố trí công việc hợp lý là cả một nghệ thuật và chính điều này góp phần đáng kể làm cho thành quả công việc ở mỗi người.
Những câu hỏi sau đây sẽ giúp chúng ta xác định việc mình muốn làm để rồi khối công việc vơi dần một cách nhẹ nhàng trong niềm vui qua cách bố trí khôn ngoan của mình.

Monday, October 31, 2016

HALLOWEEN ĐẾN RỒI...

Lại một lễ hội quen thuộc ở phương Tây: lễ hội Halloween; đọc lại bài cũ vậy!

Sunday, October 30, 2016

NHỚ DIWALI...

Mới đó mà đã đến lễ Diwali rồi. Năm nay, Diwali nhằm ngày 30 tháng 9 âm lịch. Lòng chạnh nhớ từ mấy hôm nay rồi! Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ trường lớp, nhớ đường sá, nhớ các món ăn quen thuộc, nhớ không khí lễ hội, nhớ văn hóa và nhớ về tất cả những gì thuộc về đất nước và con người thật dễ thương, hiền lành nơi đây!

Đọc lại bài cũ cho đỡ nhớ! DIWALI khi còn ở Ấn Độ nà!

Saturday, October 15, 2016

VIẾT THƯ ĐIỆN TỬ


Từ khi Ray Tomlinson gởi đi lá thư điện tử (email) đầu tiên vào năm 1971, phương tiện truyền thông này được ứng dụng trong cuộc sống ngày càng rộng rãi hơn. Nhờ vậy, thông tin được truyền đi nhanh hơn và điều này đã đem lại tiện nghi cho bao người, trong đó có chúng ta. 

Nhờ thư điện tử, thư tay ngày càng trở nên hiếm hoi, hiếm đến mức người bình thường như chúng ta có thể thấy không cần sử dụng đến phương tiện truyền thông cổ điển này. Có người không chỉ cả năm mà có thể nhiều năm không đặt bút viết một lá thư tay. Điều này chứng tỏ ta đã và đang sử dụng email nhiều như thế nào. Sử dụng nhiều là vậy, nhưng chúng ta lắm khi chủ quan, nhiều lúc lười biếng, có cả những trường hợp lạm dụng công nghệ thông tin này mà tạo cho người nhận email cảm giác không thoải mái.

Tuesday, October 11, 2016

THẤY KHỔ RỒI VƯỢT KHỔ – TỪ SAṂVEGA ĐẾN PASADA

 “Tôi tin rằng mỗi người đều không có sự lựa chọn nào khác là đối mặt với những khó khăn, bức bách (saṃvega) của riêng mình; chúng ta phải tìm ra lối thoát (pasada) cho chính mình vậy” (Thanissaro).
Câu nói “đời là bể khổ” trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta. Những điều không như ý, bất toàn là hiện thân của cái khổ mà ta gặp hầu như mỗi ngày. Như vậy, khổ là một chất liệu không thể thiếu làm nên cuộc sống đầy sắc màu sinh động này và chắc chắn là ta không thể nào tránh né chúng. Chính vì vậy, trọng tâm bài pháp đầu tiên đức Phật chia sẻ với năm người bạn đồng tu là khổ và con đường diệt khổ. Điều đầu tiên trên tiến trình này là nhận rõ diện mạo của khổ đau. Nếu không cảm nhận được cái khổ đang thống thiết bức bách mình, sẽ không có ai tìm cách để thoát khổ. Đây là một sự thật được đức Phật chứng minh hùng hồn qua cuộc từ bỏ vĩ đại của Ngài: từ bỏ những gì cao quý nhất của trần gian là cung vàng điện ngọc để đi tìm con đường thoát khỏi những giới hạn giam hãm kiếp người. Thái tử nhận ra cái khổ ở các phương diện bức bách, tù hãm, căng thẳng, bất an thường trực của già, bệnh và chết đè nặng lên kiếp sống nhân sinh. Thế rồi, hoàn toàn đối lập, hình ảnh một người đạo sĩ thanh thoát dạo trước cổng thành như một tia nắng lóe lên trên bầu trời u ám mây đen đã vực dậy tâm lý nặng nề ấy, thắp sáng động lực ra đi để tìm cách cởi bỏ những ràng buộc nơi thái tử Siddhattha. Sự ra đi lịch sử ấy, hành trình tìm đạo và thành đạo vô tiền khoáng hậu của đức Phật bắt đầu từ chuỗi tâm lý thấy khổ rồi vượt khổ, nỗ lực, tinh cần đúng mức để đi đến thành công.  Trên cơ sở nhận thức này, toàn bộ những lời dạy trong sự nghiệp hoằng pháp của Ngài đặt trên trục xoay của giáo lý về khổ và con đường diệt khổ.

Thursday, September 22, 2016

NHỮNG ĐỨC HẠNH LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI XUẤT GIA


Dẫu bề nào cũng một kiếp công phu,
Tu giồi luyện phẩm tu cho đáng giá (NT. Huỳnh Liên)
Tăng đoàn, tập thể những người đệ tử xuất gia của đức Phật, được thiết lập và vận hành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ngài. Đức Phật đã xây dựng tăng đoàn thành một đoàn thể lý tưởng, lấy tinh thần đoàn kết và hòa hợp làm tôn chỉ trong đời sống cộng đồng. Trong bài kinh Đại bát niết-bàn, Trường bộ kinh số 16; và bài kinh tương đương là kinh Du hành, Trường a-hàm số 2, đức Phật nêu lên bảy phương diện (thường được gọi là bảy pháp bất thối chuyển) khuyến khích mỗi thành viên trong tăng đoàn thực hành theo để tự trang nghiêm cho mình những phẩm hạnh cao quý không thối chuyển trên con đường tu tập, đồng thời góp phần xây dựng, củng cố và duy trì sự hưng thạnh của tăng đoàn.

Sunday, August 21, 2016

LÀM CHỦ BẢN THÂN

Sống theo bản năng: liều lĩnh và nguy hiểm

Khi không làm chủ được mình, người ta sống theo phản ứng bản năng hơn là sự điều khiển của ý thức qua việc quản lý tâm ý và hành vi. Thông thường khi ấy, người nguyên tắc nhất cũng dễ vi phạm những quy tắc mà bình thường họ tự lập ra và nghiêm túc thực hiện. Luật lệ, xét cho cùng, là phạm vi chúng ta xác định để tự mình thể hiện đầy đủ nhân vị làm ‘người’; vượt qua ngưỡng ấy, chúng ta tự hạ thấp nhân cách của mình và đôi khi phải chuốc họa vào thân. Ví như người đi đường, một khi không làm chủ được mình, thay vì đi bên phải và đi đúng làn dành cho phương tiện mình đang điều khiển theo luật định khi tham gia giao thông, họ lại đánh võng vòng vèo từ bên phải sang bên trái; thế là họ va quẹt vào người đi ngược chiều và gây ra tai nạn, rước họa cho mình và gieo khổ cho người. Nhiều người trẻ bốc đồng không làm chủ mình, đua xe tốc độ, không lường đến hiểm nguy, chỉ vài lời nói khích của bạn bè thì không còn biết tôn trọng luật lệ, coi mạng sống con người chẳng là gì cả và kết cuộc gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, dẫn đến khổ đau cho mình và người.

Saturday, August 20, 2016

BIẾT ƠN – NỀN TẢNG CỦA HƯỚNG THIỆN

Biết ơn, tiếng Pāli là kataññutā và thường đi đôi với từ katavedi. Kataññutā nghĩa là khởi tâm biết ơn khi mình có được lợi ích từ việc thọ nhận vật gì hay sự tử tế nào từ người khác, katavedi nghĩa là thể hiện sự biết ơn đó qua lời nói hay hành động. Kataññutā khi đứng một mình bao hàm cả nghĩa của từ katavedi. Biết ơn, tiếng Anh là gratitude, xuất  phát từ  gốc La-tinh là gratia, nghĩa là ơn huệ, biết ơn. Theo Pruyser (1976), tất cả những từ xuất phát  từ gốc gratia đều có nghĩa là “phải làm tất cả mọi điều với lòng tốt, tâm lượng rộng rãi, như là một món quà, cao đẹp trong việc cho và nhận một cái gì đó một cách không vụ lợi” (tr. 69). Emmons và Shelton (2002) định nghĩa biết ơn là “cảm giác kỳ diệu, cảm giác mang ơn và ghi nhận giá trị cuộc sống” (tr. 460). Trên phương diện đạo đức, biết ơn là cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng các tâm niệm lành, các hành động thiện và những suy nghĩ tích cực trên con đường hướng thiện được cụ thể hóa qua các nội dung sau:

Sunday, August 14, 2016

Ý NGHĨA GIÁO DỤC QUA PHÁP HÀNH TỰ TỨ

Pháp tự tứ là một pháp hành độc đáo trong đạo Phật dành cho chư tăng ni xuất gia và truyền thống này được duy trì từ thời Phật còn tại thế cho đến ngày nay. Pháp tự tứ được thực hiện định kỳ theo luật mỗi năm một lần vào cuối mùa an cư kiết hạ. Khi ba tháng an cư tu tập hoàn mãn, chư đệ tử xuất gia của Phật tập trung tại một giới trường để cùng nhau làm lễ tự tứ. Tự tứ nghĩa là thỉnh cầu người khác chỉ lỗi của mình ra, để cho mình biết mà sám hối cho sạch lỗi lầm, trả lại sự thanh tịnh vốn có cho tâm. Trong phần nội dung của buổi lễ Tự tứ, với tinh thần cầu tiến, mỗi cá nhân cần phải khẩn thiết thỉnh cầu chư Tôn đức và toàn thể đại chúng, qua ba phương diện thấy, nghe và nghi, hoan hỷ chỉ bảo cho mình biết thêm được những sơ sót, sai lầm, tội lỗi đã phạm mà bản thân không tự biết. Người tự tứ, đối chiếu những lời chư tôn đức nhận xét về mình với giới luật mình đã thọ trì, nếu có tội, thành khẩn sám hối những lỗi lầm đã phạm và hứa nỗ lực chuyển hóa. Lễ tự tứ là cái mốc để sau khi tự tứ xong, chư tăng ni hoàn toàn thanh tịnh, sạch lỗi lầm và được tính thêm một tuổi đạo. Đây là một ngày đặc biệt, đáng nhớ cho mỗi người đệ tử xuất gia. Vì lẽ đó, ngày tự tứ còn gọi là ngày thọ tuế, ngày sinh nhật trong Đạo vậy.

OBON-LỄ HỘI VĂN HÓA CỦA NGƯỜI NHẬT


Có được một số thông tin từ vài người bạn có mặt tại xứ sở hoa anh đào trong lễ hội truyền thống Obon và những gì tìm hiểu được, tôi viết entry này để lưu lại làm tài liệu cho bản thân mình. Hiểu và biết thêm một tí về lễ hội văn hóa các nước cũng là điều thú vị. Nghĩ vậy, tôi chia sẻ với các bạn vài nét về một lễ hội văn hóa lớn của đất nước Phù Tang.


Ở Việt Nam và Trung Quốc, nhân ngày Rằm tháng Bảy, Phật tử tổ chức lễ hội Vu lan với ý nghĩa báo hiếu, một lễ hội lớn hội tụ sự giao thoa, tiếp biến và hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tôn giáo và truyền thống văn hóa. Tương tự như vậy, ở Nhật, Phật tử và dân chúng tổ chức lễ Obon (お盆) vào ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 dương lịch (ngày lễ chính là 15) hằng năm với ý nghĩa tương tự.

Friday, July 22, 2016

BIỂU TƯỢNG HOA SEN VÀ NGỌN ĐÈN TRONG GIÁO PHÁP KHẤT SĨ

1. Biểu tượng là di sản văn hóa

Theo Nguyễn Văn Hậu (1996), giảng viên khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa Hà Nội, “Nói đến đời sống văn hóa không thể không nói đến biểu tượng. Nó được xem như là “hạt nhân cơ bản” của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc”. Cụ thể hơn, trong bài viết “Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”, ông Nguyễn Như Hảo, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cho rằng “Các biểu tượng Phật giáo đã hình thành nên những di sản văn hóa vật thể và “di sản văn hóa phi vật thể”. Chúng là một trong những yếu tố cốt lõi  nhất làm nên “bản sắc văn hóa” của cộng đồng - dân tộc Việt Nam”. Chu Hy, một triết gia đời Tống đã giải thích: “Tượng là lấy hình này để trỏ nghĩa kia”, tức là dùng cái tri giác để nói lên cái khó có thể tri giác, hay dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v… Như vậy, rõ ràng biểu tượng luôn chứa đựng, hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa nhất định.

Tuesday, July 12, 2016

“LẤY LÒNG ĐỂ SỐNG” TỐT HƠN “SỐNG ĐỂ LẤY LÒNG”!

Chạm tay vào phím gõ về đề tài này, tôi nhớ lại câu chuyện gia đình mình cách đây vài năm:
Ngày công bố điểm thi, nhỏ chị biết mình đậu cả hai trường đại học với số điểm khá cao, vui ra mặt, dù chưa có điểm chuẩn vẫn chắc suất vào một trường đại học có uy tín lớn. Hai chị em mừng rơn sau nhiều ngày chờ đợi. Ngày lên đường nhập học, nhỏ chị tỏ ra điềm tĩnh, cố cho mọi người thấy tâm thế sẵn sàng ra đi và bắt đầu cuộc sống xa nhà để ba mẹ yên tâm, nhưng rồi vừa quay lưng là khóe mắt đỏ hoe. Đứa em thoáng buồn vài giây nhưng rồi kịp nén lòng, vui vẻ tiễn chị “từ nay, em được sở hữu nguyên một phòng học và chiếc máy vi tính,” để chị không bịn rịn phút chia tay. Thế rồi ngay sau khi chị rời nhà, nhỏ em nước mắt giọt ngắn giọt dài nói với mẹ “chị đi rồi, mình con ở nhà, buồn lắm”…

Sunday, July 10, 2016

BẢO HỘ SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Quan niệm của đức Phật về sự hình thành con người 

Nguồn gốc xuất hiện của con người trên trái đất này là một câu hỏi muôn thuở và ai trong chúng ta cũng muốn tìm hiểu. Các lý thuyết tôn giáo cũng như các nhà khoa học đã nỗ lực đưa ra những lý giải khác nhau về vấn đề này. Hầu hết các tôn giáo hữu thần chấp nhận con người là sản phẩm do thượng đế sáng tạo, trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng con người là hậu duệ của một giống vượn người trải qua một chuỗi quá trình tiến hoá lâu dài theo thuyết tiến hoá của Darwin. Trước vấn đề này, Phật giáo vốn tin tưởng vào thuyết tái sanh, luân hồi theo nghiệp, cho rằng tất cả các loài chúng sanh lên xuống, qua lại quanh quẩn trong vòng luân hồi sinh tử, tùy vào nghiệp mình đã gây tạo trong quá trình sống ở những kiếp sống trước. Theo sự mô tả của đức Phật trong kinh Đại sư tử hống (Trung bộ kinh số 12) và kinh Phúng tụng (Trường bộ kinh số 33), mỗi chúng sanh, theo nghiệp nhân mình đã tạo, được sinh ra thông qua một trong bốn cách thế khác nhau, tùy vào từng chủng loại. Bốn loại đó là: noãn sinh – sanh ra từ trứng (gà, chim…), thai sinh – sanh ra từ bào thai của người mẹ (người, chó, mèo…), thấp sinh – sanh ra từ sự ẩm thấp hay từ rịn rỉ của các thành tố, đất, nước v.v (trùng, bọ…) và hóa sinh – do hóa hiện mà sanh ra, không phải trải qua các giai đoạn phôi thai (nhộng hóa tằm, nhộng hóa ve sầu…).

Friday, June 24, 2016

ĐẠO ĐỨC LÀ LÒNG QUYẾT TÂM GIÚP ĐỠ

Lời dạy thứ tư (trong 108 lời dạy) của Ngài Dalai Lama Hãy bố thí mà không mong đợi một sự hồi đáp nào và cũng không tính toán gì cả. Không vì mong muốn tìm sự thích thú mà bố thí hay là để người khác yêu quý mình, bố thí như thế mới có thể mang lại hạnh phúc lớn hơn cho mình. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có thể đem tất cả chúng sinh đến gần nhau hơn chính là tình thương yêu”.

Bố thí không mong hồi đáp

Quan sát cuộc sống quanh mình, chúng ta thấy phần lớn người ta thường bố thí đều mong chờ một sự hồi đáp tương xứng nào đó. Đó không phải là một hành động bố thí đúng nghĩa mà chỉ là một hình thức đầu tư, không hơn không kém. Người bố thí mà mong sao cho những gì thu về có giá trị hơn, giúp mình thỏa mãn hơn, lấp vào chỗ trống mình đang thiếu thì đó không phải là bố thí đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật. Khi bố thí, nếu trong tâm mình khởi lên một mong cầu được hồi đáp, dù đó là sự biết ơn từ người nhận, là quả báo tốt đẹp ở tương lai hay bất cứ gì khác đều không trọn vẹn. Nếu khởi tâm mong cầu hồi đáp, sự bố thí của mình là một việc trao đổi hay sao? Mong cầu là biểu hiện của tâm tham, mà bố thí, ngược lại, là biểu hiện của tâm vô tham. Đem tâm mong cầu đặt vào trong việc bố thí, thì “nước tham một dải đen sì” (NT Huỳnh Liên) sẽ nhuộm pháp bố thí thành màu đen tối, mất hết ý nghĩa cao đẹp và thiêng liêng. Do đó, muốn việc bố thí trọn vẹn ý nghĩa này, người bố thí cần làm với tâm hoàn toàn tinh khiết, không tham cầu gì cả. Chỉ có sự buông xả tuyệt đối mới có thể giúp chúng ta thực thi  bố thí đúng nghĩa của nó, bố thí không chờ đợi một sự hồi đáp nào.

Monday, June 20, 2016

ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ: ĐỘ SANH BẰNG CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC

Tổ sư Minh Đăng Quang đã rất coi trọng Pháp bảo: “Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo. Vì trong đời Pháp bảo là quý hơn hết(Chơn Lý – Có và không, tr. 94). Vì lẽ đó, đức Tổ sư chọn con đường độ sanh qua các phương tiện giáo dục, lấy Bát chánh đạo làm tôn chỉ trong sự hành trì, khuyến tấn mọi người siêng năng nghe pháp, thực hành pháp để chuyển hóa tự tâm.
Sự chú trọng đến giáo dục được thể hiện trong việc đức Tổ sư dạy về các hạng mục cần xây dựng trong một ngôi tịnh xá. “Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước” (Luật nghi Khất sĩ). Trong tịnh xá nhất thiết phải xây dựng nhà giảng đã nói lên tinh thần lấy giáo dục làm hàng đầu trong sự tu tập và hoằng pháp. Đây là chỗ để chư Tăng trụ xứ, tức là những vị Khất sĩ không đủ sức khỏe đi du phương nên phải ở một chỗ, thực hiện bổn phận dạy dỗ cư gia, mà Ngài gọi là Bồ tát trụ xứ (Luật nghi Khất sĩ). Chính hình ảnh dạy dỗ cư gia bá tánh, “thuyết pháp cứu độ đông người theo lòng mong cầu của họ” (Chơn Lý – Cư sĩ, tr. 255) đã biểu hiện tinh thần truyền trao giáo pháp cho mọi người, và cũng chính là hình ảnh giúp cho thế nhân thắp sáng lên ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng lộ trình tiến hóa cho nhân sanh.
Nỗ lực của đức Tổ sư là làm tái hiện nếp sống tăng đoàn thời Phật. “Thuở xưa hồi Phật sanh tiền, Phật và Tăng chỉ thuyết pháp, đem chơn lý dạy cho người tu tấn hóa, chớ không có thờ phượng chi cả; các người đi đi mãi không ở trụ một chỗ; tịnh xá người ta cất ra, để thỉnh Phật Tăng đến nghỉ chơn, và dạy đạo; tịnh xá làm bằng cây lá sơ sài, gồm cả một khu vườn rộng, cốc am, nhà giảng; nhà giảng là nhà mát trống rộng để che mưa nắng, trong khi giảng đạo tạm thời, khi nào các Ngài đi, thì bỏ hết, vì Tăng chúng luôn luôn theo Phật” (Chơn Lý – Tông giáo, tr. 369-370).  Cho nên Ngài mới nói: Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại” (Chơn Lý – Y bát chơn truyền, tr. 194).
Chú trọng đến việc dạy pháp cho người cư sĩ, trên đường du hóa, đức Tổ sư và chư đệ tử Ngài luôn thuyết giảng kinh pháp khi có Phật tử đến hỏi đạo. Khi nào có dịp quy tụ Phật tử là Ngài giảng, bất luận đó là đâu. Có khi ở rạp hát, có khi ở đình, miễu, có lúc ở công viên, cũng có khi ở sân vận động. Ngài quy định, mỗi tuần vào ngày chủ nhật có giải đáp thắc mắc cho người phật tử học pháp, mỗi tháng 4 ngày cúng Hội (cúng thường kỳ mỗi tháng 4 lần; trong ngày này, Phật tử tùy tâm dâng vật thực thanh đạm cúng dường chư tăng ni) đều phải có thuyết pháp. Điều này còn được đức Tổ sư đề cập qua lời dạy: “Tại chùa, những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, các sư có nói pháp cho cư gia” (Luật nghi Khất sĩ). Tinh thần thuyết pháp trong các ngày cúng Hội có tính truyền thống này còn được duy trì nguyên vẹn ở các tịnh xá nhằm thể hiện tinh thần hoằng pháp giáo hóa nhân sanh của hàng Tăng sĩ.
Trong Di cảo (bản viết tay) của đức Tổ sư còn lưu lại về nội dung “Tế độ cư gia” như sau:
1. Ba mươi, Rằm, Mùng tám và Hai mươi ba, thuyết pháp cho cư gia từ 9 đến 10 giờ sáng, và chứng minh sự đọc kinh.
Cúng dường cầu nguyện cho cư gia.
2.  Ngày Chúa nhựt: trả lời câu hỏi của cư gia, từ 9 đến 10 giờ sáng.
3. Ngày thường: sáng sớm đi khất thực, trưa độ cơm, chiều 3 giờ đến 4 giờ dạy học. Tối xét việc đã qua; khuya nhập định, gần sáng quán xét nhân duyên sẽ đến.
4. Thêm sự viết sách phổ thông và đi du hành mỗi chỗ nửa tháng.
Với đức Tổ sư, thể hiện pháp trong đời sống thường nhật, du hành hóa độ chúng sanh là bổn phận của người Khất sĩ. Ngài khuyến tấn “hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo. Tạo tâm chơn là sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc” (Chơn lý – cư sĩ, tr. 248). “Lòng từ bi bắt buộc người Khất sĩ, nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh, làm nghề nghiệp” (Chơn Lý – Trên mặt nước, tr. 303).  Chính tinh thần nhận lấy trách nhiệm tế độ chúng sanh nên người Khất sĩ đã phải vân du và dùng mọi phương tiện để thuyết pháp độ sanh, từ việc sử dụng loa phát thanh để thuyết giảng kinh pháp tại các hội trường cho đến việc giảng giải giáo pháp trong bữa ngọ trai hay cúng hội, bất cứ lúc nào có dân chúng, phật tử câu hội về là chư tăng ni thuyết pháp. Tất cả đều với mục đích giúp cho sanh chúng nhận thức rõ con đường xấu ác nên né tránh và đạo lộ thiện lành nên đi để thiết lập đời sống an vui, hạnh phúc.
Vấn đề quan trọng là những thế hệ đệ tử kế thừa của hệ phái ý thức được tâm nguyện, tôn chỉ và tâm huyết của các bậc Tổ Thẩy để kế thừa và phát huy một cách tốt đẹp nhất.
Duy tuệ thì nghiệp là đây chứ ở đâu xa...

Tuesday, June 14, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 4)

Đạo Phật có thể giúp gì cho sức khỏe của chúng ta?

-Stephen S. Hall
THE NEW YORK TIMES (Thời Báo New York), ngày 14 tháng 9 năm 2003
Vào mùa xuân năm 1992, bất thình lình, chiếc máy fax trong văn phòng của Richard Davidson ở khoa tâm lý, trường Đại học Wisconsin ở Madison, chạy ra một lá thư của Ngài Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso. Bậc lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng lưu vong đã viết thư mời giới nghiên cứu khoa học nghiên cứu về các trạng thái tâm thức của các hành giả thực tập với Ngài, đặc biệt là năng lực thiền định. Davidson, nhà khoa học thần kinh tại trường Harvard, đã khẳng định tên tuổi của mình qua công trình nghiên cứu về bản chất của tình cảm tích cực và ông vừa hoàn thành công việc nghiên cứu này ở Bắc Ấn.

Thursday, June 9, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 3)

Bốn chân lý tối thượng: một mô hình y khoa

Bốn chân lý tối thượng là giáo lý căn bản trong lời dạy của Đức Phật. Bốn chân lý ấy được tóm tắt như sau:
Chân lý thứ nhất: Khổ là điều tất yếu trong cuộc sống.
Chân lý thứ hai: Nguyên nhân khổ đau trong cuộc sống là do tham ái.[1]
Chân lý thứ ba: Khổ đau trên cuộc đời này có thể chấm dứt hoàn toàn. Trạng thái đó gọi là Niết Bàn.
Chân lý thứ tư: Con đường đạt đến trạng thái an lạc ở đời là con đường Bát chánh đạo.[2]
Bốn chân lý tối thượng nếu được nhìn dưới góc độ y khoa là một mô hình mô tả về bệnh tật như sau:
Chân lý thứ nhất: Về khổ đau trong cuộc đời gồm bệnh về thân và bệnh về tâm.
Chân lý thứ hai: Về quá trình tìm nguyên nhân của bệnh.
Chân lý thứ ba: Về tiên lượng tình trạng bệnh.
Chân lý thứ tư:  Về cách đối trị căn bệnh.

Tuesday, June 7, 2016

CHỚ LO LẮNG, HÃY SỐNG AN LẠC (kỳ 2)

-Ajahn Brahmavamso-
Một đêm nọ, có một người đến nhà bạn theo lời mời của bạn. Khi anh ta bưng tách trà chủ nhà mời lên định uống, bất thình lình anh ta thấy một con rắn nhỏ nằm trong đáy tách trà. Anh ta không muốn để chủ nhà cảm thấy ngại, thế là anh ta lấy hết cam đảm nuốt một hơi cho hết chén trà. Đêm đó về nhà, anh cảm thấy đau bụng dữ dội. Qua ngày hôm sau, cơn đau càng khủng khiếp hơn. Anh ta đi hết bác sĩ này đến bác sĩ nọ, uống đủ thứ thuốc cũng không thuyên giảm. Anh ta vẫn cứ đau ngày càng nhiều hơn và có cảm giác như đang đứng trước nguy cơ sắp chết. Nghe tình hình như vậy, cô bạn bèn mời anh ta đến nhà trở lại. Cũng ngồi vào vị trí cũ, anh đón nhận một tách trà giống hôm trước. Anh ta đang bệnh nhưng cũng cố ráng nâng tách trà. Lần này cũng vậy, bất ngờ anh ta thấy con rắn. Thế là anh ta quyết định nói với chủ nhà để cô ta để ý. Không nói lấy một lời, cô chủ nhà đưa tay chỉ trên trần nhà phía trên chỗ khách ngồi. Anh ta nhìn theo ngón tay chỉ. Thì ra ngay trên đầu anh ta, ở chỗ đòn tay, có cột một sợi dây thừng dài. Người bệnh bây giờ mới vỡ lẽ, cái mà anh tưởng là con rắn con kia chỉ là cái bóng của sợi dây thừng. Hai người bạn nhìn nhau rồi cười vang. Cơn đau bụng quằn quại bỗng nhiên biến mất và anh ta trở lại người khỏe mạnh bình thường.

CHỚ LO LẮNG, HÃY SỐNG AN LẠC (kỳ 1)

Nguyên tác: Phang Cheng Kar
Liên Trí dịch

TAM BẢO – MÔ HÌNH Y KHOA

Tam bảo, ba ngôi quý báu được tôn kính nhất trong Phật giáo, là khái niệm chỉ cho Đức Phật: bậc sáng lập ra Đạo Phật; Pháp: những lời dạy của Đức Phật và Tăng: chúng đệ tử của Đức Phật, những người đã thấu hiểu và đạt được lợi ích thiết thực từ những lời Đức Phật dạy.
Nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể hiểu Đức Phật là vị bác sĩ đại tài, chánh pháp là thuốc do Đức Phật kê toa và chư tăng là những bệnh nhân đã thuyên giảm bệnh nhờ vào những vị thuốc mà Đức Phật đã đưa ra.

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Phần giới thiệu)

Nguyên tác: Phang Cheng Kar
Người dịch: Liên Trí (Hằng Như)

Lời người dịch

Tập sách này không dành cho các độc giả có phước thừa về sức khỏe: chỉ cảm xoàng vài hôm rồi khỏi và chưa trải nghiệm cái đau của thân kéo theo cái khổ của tâm. Tập sách này cũng không dành cho những độc giả đang tìm kiếm tri thức cao sâu về Phật giáo hay kiến thức chuyên môn về Y học. Những gì chứa đựng trong tập sách này là những lời chia sẻ rất mộc mạc so với giáo lý cao thâm của nhà Phật và kỹ nghệ tiên tiến của Y học hiện nay. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là tôi tin bạn sẽ tìm thấy giá trị ứng dụng thực tế rất lớn trong tập sách này, cụ thể là biết được một số kỹ năng sống với bệnh để làm vơi đi (hay ít ra cũng không làm tăng thêm) nỗi khổ niềm đau do bệnh gây nên.
Tôi đã một lần bệnh chí tử và Thầy tôi đã từng đem bài Kệ Thị Tịch của Thiền Sư Mãn Giác giảng cho tôi hiểu vô thường của cuộc sống để rồi lỡ “chia tay” sớm, tôi còn có chút tư lương để đi tiếp mà tâm lý không quá lưu luyến những gì mình không thể níu kéo. Thoát chết lần ấy, tôi lại mang chứng bệnh khác và “nó” đã theo tôi suốt, ngày cũng như đêm, trong nhiều năm qua. Tôi đã sống chung với bệnh mãn tính hơn 15 năm rồi. Và lần này, chứng kiến tường tận một người thân đương đầu với cơn bạo bệnh, tôi càng thấm thía nỗi đau do bệnh gây nên. Trong khi chăm sóc người bệnh đang được điều trị tại Bệnh Viện Đa Khoa Huế, tôi tình cờ đọc được tập sách Don’t Worry, Be Healthy của Bác sĩ Phang Cheng Kar, người Malaysia. Nhờ những kinh nghiệm cá nhân này, tôi lập tức nhận ra giá trị của những lời chia sẻ và hướng dẫn rất đơn giản mà hiệu nghiệm được Bác sĩ Phang Cheng Kar sưu tập và biên soạn trong tập sách này. Trong lúc bản thân mang bệnh mãn tính và đang nuôi người thân mắc bệnh nan y, tôi như đang đi giữa đường hầm và khi đọc cuốn sách này, ánh sáng nơi cuối đường hầm đã xuất hiện.
Những câu chuyện với các bệnh nhân, với y bác sĩ ở Bệnh viện Huế trong thời gian tôi lưu lại ở đây để nuôi thầy là động cơ khiến tôi tranh thủ dịch tập sách này để chia sẻ với những ai có cùng cảnh ngộ, hy vọng sẽ có người có được lợi ích, như bản thân tôi, với những kinh nghiệm và hướng dẫn mà Bác sĩ Phang Cheng Kar đã bỏ công sưu tập trong suốt 5 năm.   
Với những ai đã thực sự thấm mùi đau bệnh mà chưa tìm ra một lối thoát khả dĩ nào để vơi đi nỗi khổ đau, tập sách này đặc biệt có ý nghĩa. Một điều cần nhớ là dù thân đau bệnh thì đó là một phần của cuộc sống, nên ta không để tâm khổ vì bệnh.
Tôi sẽ lần lượt chia nhỏ nội dung post lên trang blog này từng phần để chia sẻ cùng quý vị có duyên. 
Mong tất cả đều an lành.
                                                                      Liên Trí (Hằng Như)

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách “Chớ lo lắng, hãy sống an lạc: Phương pháp sống mạnh khỏe và bình an theo quan điểm Phật giáo”của bác sĩ  Phang Cheng Kar là một sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến thức y học và Phật pháp để tạo cho mình một cuộc sống an lạc và hạnh phúc.  Vị bác sĩ giỏi này đã sử dụng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ y khoa cùng với những kinh nghiệm của mình về Phật pháp viết ra những lời hướng dẫn về sống khỏe và an lạc.
Trị liệu Thân Tâm ngày càng trở nên lãnh vực quan trọng trong y học hiện đại mặc dù cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã dạy sức mạnh của tâm đối với đời sống con người. Y học phương Tây  đã trị bệnh con người bằng cách tập trung vào thân, trị liệu hậu quả mà không trị liệu nguyên nhân. Cứ như thế, bệnh nhân phải tiếp tục dùng thuốc để chữa bệnh theo cách như vậy. Điều này chỉ giúp cho những người bán thuốc tây thôi, còn bệnh nhân phải chịu đựng những phản ứng phụ do dùng thuốc lâu ngày. Nếu chúng ta biết trị liệu nguyên nhân để không cần phải dùng đến thuốc nữa, điều này sẽ tốt hơn rất nhiều. Dược liệu quan trọng nhất là luyện tập tâm thức bên cạnh các trị liệu hợp lý trong quá trình chữa bệnh. Cuốn sách này là bản hướng dẫn để ngăn ngừa và chữa trị các vấn đề y khoa thông thường mà con người thường mắc phải như đau nhức, nghiện ngập, căng thẳng và trầm cảm. Nhiều đề tài quan trọng được bàn đến như chế độ ăn uống lành mạnh, chăm sóc người bệnh, trị liệu về sự tiếc nhớ quá khứ và làm thế nào để đương đầu với cái chết. Xin chúc mừng bác sĩ Phang Cheng Kar đã có đóng góp tuyệt vời trong lãnh vực giáo dục Phật giáo khi đề cập đến thể trạng khỏe mạnh và an lạc nhờ vào sự thực hành Phật giáo.
Cám ơn các nhà tài trợ đã ấn hành cuốn sách này.
Nguyện cầu tất cả mọi người bình an và hạnh phúc.
Thượng Tọa  B. Saranankara Thero,
Chủ tịch tăng đoàn Chùa Sri Lanka
Sentul, Kuala Lumpur.
31 tháng 3 năm 2005
  

LỜI NÓI ĐẦU

Con xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.
Tôi viết cuốn sách này ngay sau khi tôi rời phòng săn sóc đặc biệt của bệnh viện tổng quát Ipoh, nơi chị dâu tôi, một phụ nữ trẻ và là thành viên của hội Từ thiện Từ Tế, đang được điều trị. Chị tôi có thai được 4 tháng, nhưng đã trải qua nguy kịch phải nhập viện mổ cấp cứu vì căn bệnh u não vừa mới phát hiện. Tôi rất vui khi nhận ra rằng nhiều điều trong cuốn sách này được ghi lại từ những việc làm của các bạn bè Phật tử của chị cũng như các thành viên trong gia đình đã giúp chị bình phục.
Tôi bắt đầu thích các nguyên tắc sống của Phật giáo về sức khỏe và an lạc từ khi tôi có cơ duyên trình bày một bài nghiên cứu với tựa đề “sức khỏe toàn diện qua thực hành Phật pháp” tại cuộc hội thảo Phật giáo toàn cầu tổ chức vào năm 2000 ở Singapore. Kể từ đó, tôi để tâm sưu tập các bài nghiên cứu và các bài viết chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong lãnh vực này. Những gì tập hợp trong cuốn sách này không thể nào đầy đủ và toàn diện, thế nhưng cũng đủ để làm tài liệu hướng dẫn cho những ai chưa biết mình cần phải làm gì theo quan điểm của Phật giáo trong lúc mình đang bệnh.
Khi tôi viết cuốn sách đầu tiên “Chớ lo lắng, hãy sống an lạc: hướng dẫn về động cơ và truyền cảm hứng cho sinh viên ngành Y”, tôi thật sự chuẩn bị mình cho công việc của một bác sĩ y khoa. Ở cuốn sách thứ hai này, tôi cũng đang chuẩn bị mình để đương đầu với những thử thách lớn hơn trong cuộc đời: đó là Bệnh. Tôi hy vọng rằng mình có thể sống và trưởng thành hơn khi đối mặt với bệnh tật.  Tôi mong mỏi các bạn tìm thấy niềm vui khi đọc cuốn sách này và không quên cầu chúc các bạn sống lâu, sức khỏe dồi dào và hạnh phúc.
Bác sĩ Phang Cheng Kar (MD)
20th February, 2005


Monday, May 30, 2016

TU TRONG CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG

Khi  nói đến “tu”, nhiều người cứ nghĩ rằng việc ấy không dành cho mình mà chỉ dành cho những người đầu tròn áo vuông ở chùa kia. Với họ, tu là công việc của những người thật là thánh thiện chứ không phải dành cho người phàm như chúng ta. Trong suy nghĩ của họ, tu là phải lánh đời, tìm một nơi yên tĩnh, tránh xa đời sống xã hội ồn náo mà không quan tâm đến nỗi khổ niềm đau của người khác. Thế nhưng, chữ “tu” đúng nghĩa theo đạo Phật có phạm vi rất rộng và thoáng. Dù rằng từ khi mới lập đạo, đức Phật vẫn khuyên các đệ tử tìm nơi thanh vắng để nuôi dưỡng và phát triển sự an tịnh của tâm, nhưng không vì thế để trở thành người tách rời cuộc sống. Đức Phật ra đời vì sự an lạc hạnh phúc cho mọi người, nên con đường Ngài tu tập và chủ trương không thể nào đi chệch hướng chủ đạo này. Trên cơ sở đó, dù người nào tìm một nơi thanh vắng để tu, nhất định họ sẽ có cách chia sẻ thành quả tu tập của mình để giúp người khác sống an vui, hạnh phúc một cách thiết thực chứ không hề thờ ơ, sống ích kỷ với cuộc đời.

Thursday, May 19, 2016

ĐỨC PHẬT - MỘT BẬC THẦY LỚN CỦA NHÂN LOẠI

Hôm nay, ngày trăng tròn tháng Vesak (ngày Rằm tháng Tư), ngày Phật Đản. Thông thường, nhiều người thường xem ngày này là ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, theo truyền thống, đây là ngày tưởng niệm ba sự kiện – đản sanh, giác ngộ và nhập Niết bàn–của đức Phật, gọi là ngày Tam Hợp.
Ngày này hằng năm, khắp nơi trên thế giới, vô số người nhớ về và làm lễ tưởng niệm đức Phật trong niềm tôn kính vô hạn, trong số đó, không ít người coi đây là một lễ hội tôn giáo và văn hóa của cộng đồng mình. Trong bất cứ hình thức tưởng niệm nào, dù là tập thể hay cá nhân, mỗi người có một cách tưởng niệm riêng. Ở đây, người viết xin được chia sẻ vài ý tưởng mà bản thân cảm nhận được trong quá trình học Phật bằng ngôn ngữ bình dân nhất như là một cách tưởng niệm ân đức của Đức Phật cùng những lời dạy của Ngài nhân ngày Phật đản.

Thursday, May 5, 2016

HƯ VÀ THỰC

Một lần nọ, có một nhóm người tụ tập khá đông tại ngã tư đường. Nó biết ngay là gánh xiếc lưu động đang trình diễn ảo thuật ở một hội trường gần đó. Nó tạm hoãn công việc lại và lấy cho được vé vào xem chỉ vì sự hấp dẫn và lôi cuốn của gánh xiếc. Những người xem đều trầm trồ tán thán những trò lạ mắt và ảo hóa thần thông của nhà ảo thuật. Kể ra, trong đám đông này, hầu hết đều giống nó. Nhìn những đôi mắt tròn xoe đầy vẻ thán phục là biết ngay thôi. Ai cũng nán lại đến phút chót, màn biểu diễn dừng rồi mà họ còn nuối tiếc, nấn ná chưa  muốn về…

Saturday, March 26, 2016

HÀI LÒNG VỚI CUỘC SỐNG

Lời dạy thứ hai trong 108 lời dạy của ngài Dalai Lama là “Điều cốt yếu có thể mang lại hạnh phúc cho quý vị chính là biết hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự toại nguyện bên trong nội tâm đó sẽ biến cải cảm quan của quý vị khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và nhất định quý vị sẽ tìm thấy sự an bình trong tâm thức.

Ít hài lòng về cuộc sống

Thường chúng ta ít khi hài lòng về mình và về cuộc sống của mình. Trước hết là không hài lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Lúc nào ta cũng thấy thiếu không cái này thì cái khác. Nếu phải đi làm suốt tuần ta than thiếu thời gian nghỉ ngơi. Nếu gặp dịp nghỉ các ngày lễ ngay trước ngày cuối tuần nối những ngày nghỉ lên đến 4 hoặc 5 ngày ta than ở nhà chán quá, thiếu chỗ đi! Ở phố ta chê ồn và ô nhiễm chỉ vì cảm thấy thiếu sự an tịnh, trong lành của miền quê, thế nhưng về quê ta chê buồn, chê vắng, chê thiếu tiện nghi, thiếu phương tiện giải trí, vì cảm giác thiếu hơi phố thị! Công việc làm ăn thuận lợi, ta than thiếu thời gian nghỉ ngơi và hưởng thụ. Công việc làm ăn bế tắc ta than thiếu tiền thiếu nợ. Cái cảm giác thiếu hụt và trống vắng như một phần của cuộc sống khiến ta chao đảo, bối rối và bất an. Hầu như lúc nào ta cũng là nạn nhân của chính mình mà bản thân ta không hề ý thức việc này.

Thursday, March 10, 2016

SỐNG CHÂN THẬT: CÓ KHÓ LẮM KHÔNG?

Một điều rất thật: con người ít chịu sống thật

Thiếu chân thật là một biểu hiện tâm lý xuất hiện ở mọi con người bình thường, kể cả những người được cho là ‘chân thật’ hoặc tự nhận mình ‘chân thật’. Cái gọi là ‘chân thật’ ở đời chỉ mang tính tương đối mà thôi. Thiếu chân thật có thể được hiểu qua nhiều khía cạnh, trong nhiều tình huống khác nhau trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống mà hơn ai hết, mỗi người tự biết mình chân thật với mình và với người đến mức độ nào. Mức độ chân thật được xét từ trong động cơ chứ không thể chỉ căn cứ trên hành vi. Không ai hiểu động cơ trong mỗi hành động của mình bằng chính bản thân mình cả. Ai cũng có thể hiểu lầm mình, chỉ có mình thì không, trừ phi cố tình tự đánh lừa mà thôi.

Tuesday, March 1, 2016

TÌM HIỂU VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG CHƠN LÝ

Dẫn nhập

Bát chánh đạo là một trong những giáo lý căn bản nhất của đạo Phật, do đó, tất cả các học giả và hành giả đều chú trọng về đề tài này là một điều tất nhiên. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng không ngoại lệ. Trong 60 bài giảng (cùng với 9 bài chuyên về Luật dành riêng cho giới xuất gia) của Ngài được kiết tập lại trong bộ Chơn Lý, Bát chánh đạo là một trong số những bài được coi là quan trọng nhất thể hiện quan điểm, đường hướng hành trì và tôn chỉ của hệ phái Khất sĩ. Bát chánh đạo trong Chơn Lý là một sự diễn đạt khác của tôn chỉ: Nối truyền Thích Ca chánh pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam của Tổ sư Minh Đăng Quang. Bài Bát chánh đạo này được nhiều vị trong hàng đệ tử học thuộc lòng, coi đây là kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của mình. Cùng với một số bài khác trong Chơn Lý, bài Bát chánh đạo được đọc tụng thường xuyên trong các giờ học Chơn Lý tại các cơ sở tịnh xá.

Thursday, February 25, 2016

TÌM LẠI CHÍNH MÌNH

Con người vừa là một thực thể sinh học vừa là thực thể xã hội, do đó, nhu cầu cộng đồng là một trong những nhu cầu thiết yếu của tất cả chúng ta. Từ sâu thẳm trong tâm thức, con người rất sợ đơn độc và cảm thấy cô đơn khi bên cạnh không có người. Con người bình thường không thể sống một mình ở cả phương diện xã hội lẫn tâm lý. Họ cần lắm những mối quan hệ con người, cần lắm một cộng đồng để qua đó, họ ghi dấu sự tồn tại của mình và tìm sự nương náu về tâm lý. Như những con cừu muốn xích lại gần nhau thành bầy để tìm hơi ấm của nhau, con người cũng thích tụ họp thành nhóm để có đoàn thể, cộng đồng. Nhiều người ở một mình thì sợ, ở đông thì không sao, sống nơi vắng thì không yên tâm, tụ hội chen chúc nơi đông đúc thì chẳng có vấn đề gì. Ở một mình dù trong một thời gian ngắn là điều khó làm được đối với nhiều người. Cái tâm lý sống dựa dẫm vào người khác dần trở thành thói quen của con người sống trong xã hội và vô hình trung, ai cũng thấy đây là một điều bình thường. Sống một mình, với họ, mới là điều “không bình thường”. Thế mới biết tâm lý “sống một mình” đã dần mất đi trong xã hội con người. Thật ra, ưa tụ hội và thích đám đông là cách sống từ chối quyền tự chủ của mình và giao cho các yếu tố bên ngoài định đoạt để rồi đổi lấy sự bất an, căng thẳng và lệ thuộc khi tự đánh mất chính mình.

Thursday, February 18, 2016

KHÔNG LÀM TỔN HẠI MỌI LOÀI

Có thể nói mà không sợ sai rằng Phật giáo là tôn giáo duy nhất tôn trọng quyền sống của tất cả các loài. Với giá trị nhân bản vốn được biết đến như một nền tảng trong toàn bộ giáo lý, Phật giáo là tôn giáo vì con người, hướng đến con người, nhưng không xem con người là chủ thể của cõi sống và là chủ thể phải được phục vụ bởi các loài vật khác. Bởi từ ngàn xưa, từ bi và trí tuệ là “dấu ấn” xác định lời Phật dạy và trong tinh thần này, con người và loài vật đều có quyền sống như nhau. Không giết và không hại vật là một trong những phương diện quan trọng, nhất quán xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống kinh điển. Viết về nguyên tắc sống đạo đức đầu tiên của người cư sĩ tại gia: không giết hại đã được bàn rất nhiều từ xưa đến nay. Tuy nhiên, tìm hiểu về những lợi ích của việc không giết hại như là một biểu hiện sự tôn trọng quyền sống của mọi sinh vật dường như vẫn chưa được triển khai đầy đủ. Bài viết này là một sự bổ khuyết phần nào về phương diện này.

Sunday, January 31, 2016

GIÁO HÓA LA-HẦU-LA: Học từ đức phật cách dạy trẻ em

La-hầu-la (Rahula) là một vị đệ tử đặc biệt nhất của đức Phật, vì La-hầu-la không chỉ là người đệ tử của đức Phật mà còn là người con duy nhất của thái tử Sidhattha – người sau này chứng ngộ giải thoát trở thành đức Phật. Tuy nhiên, không có nhiều kinh điển ghi lại rõ ràng những chi tiết về mối liên hệ giữa đức Phật và La-hầu-la. Trong trưởng lão Tăng kệ, câu 295 chỉ thoáng qua rằng “Ta có đầy đủ hai đức tánh tốt đẹp. Với hai đức tánh này, người có trí gọi ta là ‘La-hầu- may mắn’, đó là: Ta là con đức Phật,  lại có được pháp nhãn”. Thế nhưng, nhiều chi tiết trong một vài bài kinh với số lượng khiêm tốn, như những nét chấm phá tuyệt vời vẽ nên cho chúng ta một bức tranh sinh động và cảm động về cách đức Phật dạy La-hầu-la. Ba bài kinh tiêu biểu đức Phật dạy La-hầu-la, nếu chúng ta xâu kết lại với nhau, trở nên một quy trình giáo dục hoàn hảo để một người đạt đến giác ngộ  hoàn toàn. Khi La-hầu-la lên bảy, đức Phật dạy cậu bé về đạo đức (giới) , nhân cách của một người tốt. Đến khi La-hầu-la lớn hơn một chút, khoảng mười mấy tuổi, Ngài dạy La-hầu-la phương pháp tĩnh tâm bằng thiền quán (định). Rồi khi được hai mươi tuổi, La-hầu-la được đức Phật dạy phương pháp phát triển trí tuệ vô lậu giải thoát. La-hầu-la đã thành công, trưởng thành và tiến bộ trên con đường tu tập giải thoát mà đức Phật vạch ra cho tất cả. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu những bài học qua cách đức Phật dạy La-hầu-la khi cậu bé lên bảy và vừa gia nhập tăng đoàn không lâu.

Saturday, January 16, 2016

ĐỨC PHẬT VÀ TUỔI TRẺ

Cách đây 26 thế kỷ, thái tử Siddattha đã sanh ra tại vườn Lumbini. Lớn lên trong cung vàng điện ngọc, nhưng rồi sau khi cảm nhận sâu sắc những bức bách của thân phận con người, thái tử khước từ tất cả những lạc thú trần gian vốn giam hãm kiếp người trong bốn tường thành của ăn, mặc, ở, bệnh. Ý thức được nỗi khổ đau mà kiếp sống nhân sinh gánh chịu, Ngài quyết chí thoát trần, ra đi tìm đường thoát khổ khi ở tuổi thanh xuân. Tràn đầy nhiệt huyết, nghị lực phi thường của tuổi trẻ, Đức Phật nỗ lực tìm cầu chân lý giác ngộ. Với tuổi trẻ, Ngài đã thành tựu đạo quả giải thoát. Với sức trẻ, Ngài đã dấn thân trên con đường hoằng hóa.  Hơn ai cả, Ngài hiểu được tiềm năng của tuổi trẻ. Hơn ai cả, Ngài biết được những gì tuổi trẻ có thể làm. Hơn ai cả, Ngài biết sử dụng tuổi trẻ một cách ý nghĩa nhất. Hơn ai cả, Ngài khuyến khích mọi người đừng lãng phí tuổi trẻ của mình.

Tuesday, January 5, 2016

ĐẠO VĂN

 Ban ngày cho người chân thật, ban đêm cho kẻ trộm (Euripides)
Đạo văn là một hiện tượng ngày càng phổ biến trong trường học vì sinh viên  có thể tìm thấy đây là cách nhanh nhất, dễ dàng nhất để có bài tiểu luận nộp cho giáo viên đúng kỳ hạn. Nhiều sinh viên cảm thấy yêu cầu làm bài tiểu luận quá nhiều, quá áp lực với một thời lượng hạn chế, nên cứ thế, chép và dán là cách để đối phó với yêu cầu của khóa học. 
Hơn bao giờ hết, sinh viên cần ý thức hơn rằng, việc hoàn thành những bài luận, đạt điểm tốt là cần thiết, nhưng trưng dẫn nguồn tham khảo và trích dẫn từ những tài liệu có giá trị và uy tín còn cần thiết hơn (Harris, 2001). Nhiều giáo viên đã lên tiếng khuyến khích sinh viên ý thức về tầm quan trọng của thành thực trong nghiên cứu, cần tôn trọng và thành thật trong quá trình sử dụng những công trình nghiên cứu của người đi trước mà mình sử dụng lại (Bellack, 2004).

TÌNH BẠN CHÂN THẬT

Có một hoàng tử và con trai một vị đại thần cùng nhau vào rừng săn bắn. Suốt một ngày dài đi trong rừng, cả hai đều đói lả và thấm mệt. Họ tìm được một bóng cây và ngồi nghỉ lưng. Chẳng bao lâu, hoàng tử ngủ thiếp đi, trong khi đó, người con vị đại thần thức canh chừng.

THIỆN, MỸ VÀ CHÂN (Kỳ cuối)

Có những cái quên không thể lý giải…
Số là Hằng Như dịch bài viết dài của Ngài Bhikhu Bodhi, nên chia ra nhiều kỳ post ở đây để chia sẻ với người có duyên. Cách đây gần 1 năm, đã post 3 kỳ, còn kỳ cuối, quên bẵng đi mất!
Mãi đến hôm nay, tình cờ gặp lại file bài này, mới thấy phần cuối còn nguyên trong “kho”! Đoảng thật luôn!!!
Thôi thì cho em nó lên đây cho có chị có em vậy…

Chân

Bây giờ chúng ta đề cập đến yếu tố thứ ba của hạnh phúc, đó là Chơn, hay rõ ràng hơn là thấu hiểu chân lý. Đức Phật dạy rằng ngay cả khi một người nào đó có đạo đức thuần thục, tâm định tĩnh, người ấy vẫn không thể đạt đến hạnh phúc và an lạc cao nhất. Các tầng thiền chứng đạt được đưa đến hạnh phúc và an lạc không thể diễn tả được, thấm nhuần tâm với ánh sáng, nâng hành giả lên cảnh giới của bậc thánh, nhưng họ vẫn không hoàn toàn giải quyết được những vấn đề khổ đau. Trạng thái hạnh phúc và an lạc hành giả đạt được là không hoàn chỉnh, không hoàn hảo và không ổn định. Để đạt được hạnh phúc và an lạc cao nhất, hành giả phải bước thêm một bước nữa. Điều mà hành giả cần chính là trí tuệ, sự nhận thức trực tiếp chân lý.

VỀ NÚI...

Những lần ở lại nơi đây, thấy yên và lành.
Thấy đúng như bài thơ thứ 57 trong 100 bài thơ về cuộc sống trong núi (Sơn cư bách vịnh) của Tông Bản thiền sư diễn tả:
       Ở núi kết cỏ ở gành non,
      Mừng được rời thân khỏi lối mòn,
       Biết đủ là vui niềm an lạc,
      Thẹn thuồng quá phận khó chu toàn.
Nắng nóng, mây ngàn của trời, hương của đất quyện vào làn gió vi vu, vi vu…
Đường đất lặng lẽ, người vắng hoe, xa xa thấp thoáng dãy nhà mồ nghĩa địa…
Lòng nhẹ tênh…