Monday, December 25, 2017

TÌM CHỖ ĐỂ CẢM ƠN CHO ĐÚNG!

Ngày xưa, đức Phật dạy, chỗ lý tưởng nhất cho chư tăng ni ở là một nơi không quá xa khu dân cư đến mức cư sĩ Phật tử khó khăn mới tới được, cũng không nên ở quá gần nơi dân ở để đủ yên tĩnh mà tu học. Ở xứ mình, ban đầu, chùa chiền cũng được xây dựng theo tiêu chí này. Thế nhưng, khi “người sinh mà đất không sinh” đã khiến cho mọi chùa chiền dần gần nơi sinh sống của người dân hơn. Vì lẽ đó, chùa tôi đang ở, nơi thành phố đông dân nhất nước này, thì ở phòng cuối cùng dãy lầu cửa hướng ra mặt sau, thì lại là nơi gần dân nhất.
Âm thanh từ những sinh hoạt của bà con khu phố hai bên con hẻm và âm thanh rao hàng từ các xe bán hàng dạo dọc con hẻm cứ dội vào phòng. Tôi cũng đã dần quen với thứ âm thành này và không quan tâm đến, coi như đây là một thứ tạp âm như nhạc nền. Thế nhưng, thỉnh thoảng âm thanh với âm lượng lớn bất thường, cũng làm tôi phải bận tâm một tí.
Mới sáng nay, tôi nghe hai người hàng xóm gây lộn nhau, một người nói lớn tiếng: “Tôi cảm ơn cô, nhờ cô mà tôi tu được hạnh nhẫn nhục”… Sau đó, tôi không để ý nghe họ nói gì nữa, vì câu nói này nó choán lấy suy nghĩ trong đầu tôi …
Người nói câu ấy chắc là một Phật tử. Tất nhiên trong tình huống này, bạn nhẫn nhịn được là tốt, là tu. Thế nhưng, khởi tâm cảm ơn người chửi mình, liệu có ổn không? Nếu bạn đi vào một vạt cỏ may và bông cỏ ghim vào đầy hai ống quần, bạn ngồi đó kiên trì gỡ ra từng bông cỏ có đầu nhọn như kim may vào quần áo bạn một cho đến cái cuối cùng, liệu bạn có nên cảm ơn đám cỏ kia không? Nếu ở trong một tập thể mà bạn bị đì đọt vì lợi ích nhóm, vì bị ganh tỵ thì bạn phải nỗ lực và kiên nhẫn nhiều hơn. Thế nhưng, bạn phải có nghĩa vụ biết ơn những người không công tâm, công bằng và có ác ý với bạn sao?

Rõ ràng bạn học được tính kiên nhẫn khi làm sạch những bông cỏ may đan vào quần áo, hoặc học được tính nhẫn nhịn, bao dung khi tiếp xúc với người hàng xóm không biết điều, hay làm việc với người không công tâm. Thế nhưng, bạn không cần, và không nên có ý niệm biết ơn cỏ dại hay người hàng xóm kia hoặc người cộng sự nọ. Xét cho cùng, họ không hề có tấm lòng tử tế giúp bạn, tại sao bạn phải có nghĩa vụ biết ơn họ?
Khi khởi tâm biết ơn cũng là lúc trong lòng bạn đang rất trân trọng những gì bạn nhận được. Nếu biết ơn người hàng xóm quá quắt đang chửi mình, vậy chửi mắng người khác là hay, là đáng trân trọng và người đem đến điều ấy cho bạn cần được coi như người thi ân sao?
Trong những tình huống như vậy, bạn nên khởi tâm biết ơn cha mẹ: người cho bạn thân-tâm này để bạn có thể tiếp thu kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Bạn nên khởi tâm biết ơn các bậc thầy lành, bạn tốt đã chỉ cho bạn những kỹ năng để có thể sống bình thản trước giông bão cuộc đời. Bạn nên khởi tâm cảm ơn những người đã thành công nhờ nhẫn nhục và kiên trì mà bạn biết và coi đây là những bậc ân nhân đã cho bạn niềm tin và động lực để thực hành những hạnh quý này. Nói chung, bạn chỉ nên biết ơn những người đã góp phần đem lại sự lợi lạc trong tâm mình. Những người này đã nỗ lực tận tình giúp đỡ bạn, và với những gì họ làm cho bạn, họ đã dạy bạn nhiều bài học quý giá về sự kiên trì, lòng bao dung và cảm thông. Khi khởi tâm biết ơn những đối tượng này, cũng là lúc bạn biết trân trọng những gì họ dành cho bạn và mỗi lần như thế, các hạnh lành này được khắc sâu hơn trong tâm trí.
Do vậy, phải tìm đúng “địa chỉ” để biết ơn thì bạn mới là người biết tri ân đúng nghĩa và để có thêm nhiều lợi ích cho bản thân mình trong cuộc sống!

Wednesday, December 13, 2017

GIỚI THÂN HUỆ MẠNG THẦY CHO…

Trong nhà đạo, chúng ta thường dùng câu ‘Thầy là người cho chúng ta giới thân huệ mạng để tỏ lòng biết ơn của người đệ tử khi bày tỏ lòng mình đối với Thầy. Thế nhưng, đây không chỉ là những lời hoa mỹ được dùng trong các bài tác bạch, trong các sự kiện liên quan đến người Thầy của mình, mà hơn thế nữa, đây có phương châm sống, con đường sống và mục đích sống của mỗi một người đệ tử vậy.
“Giới thân” là dùng các nguyên tắc đạo đức để kết thành thân. Điều này có nghĩa là nhờ học hỏi Thầy qua gương sống động của bản thân Thầy (thân giáo), lời Thầy chỉ dạy (khẩu giáo) và tâm ý Thầy luôn mong mỏi người đệ tử thấm nhuần trong nếp sống đạo đức (ý giáo) mà người đệ tử ấy có giới tướng trang nghiêm, giới hạnh thanh tịnh.
“Huệ mạng” nghĩa là lấy trí tuệ làm đời sống của chính mình. Nói cách khác, mọi suy nghĩ, hành động và lời nói đều được vận hành dưới sự soi sáng của lý trí, của tuệ giác. Đó là nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc. Muốn làm được điều này, người đệ tử cần nghe nhiều, biết rộng, ý thức mạnh mẽ, huân tập dần dần để trí tuệ trở thành đời sống của chính mình. Tất cả những điều này có được là nhờ sự dạy dỗ, bảo ban, giám sát và hướng dẫn của Thầy vậy.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là đã cảm nhận đầy đủ được ơn sâu nặng giáo dưỡng của Thầy, người đã nuôi chúng ta lớn lên bằng chất liệu của chánh pháp. Thầy là người cho đệ tử:
Mặc thì áo giới ấm êm,
Ăn thì sữa pháp, cơm thiền nuôi thân” (NT. Huỳnh Liên).
Mỗi ngày thân và tâm người đệ tử được ướp đẫm hương vị bình an của đời sống đạo đức, của thiện lành, của yêu thương để rồi nguồn tâm an tịnh, trí tuệ tỏa sáng cho đệ tử theo đó hành động, nói năng và suy nghĩ sáng suốt, đem lại lợi ích cho mình và cho người.

Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là khẳng định rằng thân mình được kết tinh bằng giới và cuộc sống của mình là hiện thân của trí tuệ. Nói một cách khác, dưới sự dẫn dắt của thầy, người đệ tử luôn thể hiện đạo phong, oai nghi tế hạnh, cách ăn nói, hành xử và suy nghĩ hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc đạo đức và cách sống, và cách xử  lý mọi vấn đề của mình luôn hợp lý, khế hợp lời Phật dạy, sáng suốt, đem lại hiệu quả tích cực trong cuộc sống.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là luôn đặt mình dưới sự dìu dắt, nâng đỡ, định hướng của Thầy, chúng ta đang trên con đường hình thành giới thân huệ mạng ấy, với một lòng tin tưởng tuyệt đối vào người thầy tâm linh của mình. Như đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết trong bài Chơn Lý “Hột giống”, tâm đang được thuần thục trong pháp thiện được ví như hột đã tượng hình trong vỏ trái, nhưng hột đó còn non, còn mềm thì chúng ta phải nương vào thầy để tự nuôi dưỡng hột cho đến lúc già, chắc, không hư hoại với thời gian.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là ý thức được vai trò kế thừa, nhiệm vụ lớn lao thầy trao lại cho mình là mỗi người tự làm ngôi chùa di động chuyên chở đầy giới và tuệ, để tự thân an lạc và hạnh phúc, đồng thời và góp phần đem lại bình an và hạnh phúc cho người . Người đệ tử như vậy đã thừa kế thầy mình đúng theo tinh thần đức Phật dạy rằng “là đệ tử chân chánh, hãy thừa tự giáo pháp, không thừa tự tài vật” (Trung bộ kinh, kinh số 3: Thừa tự pháp). Gia tài Thầy để lại không phải là ngôi chùa vật chất mà nhiều người mê mờ tham đắm tranh nhau để làm chủ, mà đó là ngôi chùa tâm linh được xây bằng giới, định và tuệ. Đây là điều mong mỏi nhất của một người thầy ở những người đệ tử mà thầy đã vắt tim vắt óc, đem hết sức lực, thời gian và năng lượng để nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời mình vậy!
Thầy già như chuối chín cây… Thầy là ngọn đèn đã dần hao gầy sau một thời gian dài thắp sáng soi đường cho đệ tử. Để thầy được thanh thản, an ủi tuổi già phần nào, hãy ướp tẩm thân tâm mình trong từng giây từng phút với giới và tuệ cho dần viên mãn, trọn vẹn “giới thân, huệ mạng”. Đệ tử làm được điều này thì các bậc thầy yên tâm khi “tre già” thì đã có “măng mọc” và lớp măng này mạnh khỏe, đủ sức để thay tre!
Một đời sống chánh niệm tỉnh giác, thuần thục giới để xâu kết đạo đức thiện lành thành thân, định hướng cuộc sống và xử lý mọi tình huống bằng tuệ là món quà quý giá nhất của người đệ tử trân trọng dâng lên cúng dường người thầy đã trọn đời cống hiến cho đạo pháp và đào tạo nên những người đệ tử là chúng ta vậy!

Thursday, December 7, 2017

CHUYỆN CỦA MÌNH, TỰ LÀM MỚI CHẮC…

Lúc trước, tôi có đọc một câu chuyện thế này. Có con chim Chiền Chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Mẹ con quây quần hạnh phúc bên nhau. Rồi một ngày, khi lúa những ngọn lúa chín vàng đong đưa trong gió, bác nông phu và những người con thường ra đồng thăm lúa. Một hôm, lúa đã chín, bác nông phu cầm những bông lúa mẩy hạt (hạt no tròn) nặng oằn, nói với mấy người con “lúa này thu hoạch được rồi, để ít bữa lỡ mưa lớn bão to không kịp thu hoạch là hư hết. Chúng ta phải nhờ cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch cho nhanh”.
Bầy chim Chiền Chiện con trong tổ ngay sát đó nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy lớn nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến. Khi chim Chiền Chiện Mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con nhao nhao kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được.
"Đừng sợ, các con ạ, bác ấy nói vậy chứ chưa tiến hành đâu”, Chiền Chiện mẹ nói.
Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín, và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ Chiền Chiện con. Hôm đó, bác nông phu lại nói với mấy người con “nếu không gặt gấp đám lúa này, chúng ta sẽ thất thoát nhiều. Không được rồi. Ngày mai, cả nhà chúng ta đều ra đồng hết, không ai ở nhà, để gặt đám này cho rồi”.

Cũng như hôm trước, lũ Chiền Chiện con chỉ chờ Chiền Chiện mẹ về để kể  lại những gì chúng nghe ngày hôm nay. Nghe xong, Chiền Chiện mẹ bảo: “Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta định nhờ ai đó thì việc trì trệ, chậm chạp, chứ họ đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu”.


 Cả nhà chim tíu tít lo bay tới bay lui dọn tổ đi ngay buổi trưa đó. Quả không sai, đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, bác nông phu và những người con ra đồng gặt lúa. Cả nhà Chiền Chiện đã di dời trước đó, chỉ để lại một cái tổ rỗng không.
Vậy đó các bạn. Việc của mình, mình phải chủ động nó mới thành, còn ngồi đó đợi người khác giúp thì không có gì chắc cả, lại thêm lo lắng, căng thẳng và bất an, vì quyền quyết định, lẽ ra là của mình, chúng ta đã giao nộp cho người khác! Ai biết tự quyết định đời mình, người ấy ở thế chủ động để quyết định nhiều thứ, kể cả hạnh phúc của đời mình! Còn nếu trông chờ vào sự giúp đỡ, nghĩa là thở bằng buồng phổi của người khác, thì không có gì chắc chắn, ổn định và bền vững cả.
Sự giúp đỡ của người khác, nên coi đó là một thứ gia vị, cho cuộc sống này thêm đậm đà, thêm hương sắc. Người khác có thể giúp chúng ta để công việc tốt hơn, hạnh phúc chúng ta trọn vẹn hơn, nhưng ỷ lại và chờ đợi nơi người khác, coi đó là yếu tố chính quyết định phần việc của mình thì cái chúng ta nhận lại được chỉ là thất vọng và khổ đau do chính mình tạo ra mà thôi!
Đừng quá lệ thuộc vào một ai đó trên cuộc đời này, bởi vì ngay cả cái bóng của bạn cũng bỏ rơi bạn khi bạn đi trong bóng tối!
Đừng mong chờ ai đó đem lại hạnh phúc cho mình! Đừng đặt chìa khóa hạnh phúc của mình vào túi người khác! Đơn giản là khi họ đi xa, hạnh phúc của mình cũng theo đó bay xa! Cũng đừng viển vông mở rộng cửa nhà mình, ngồi đó đợi một “tảng” hạnh phúc từ trên trời rơi xuống ngay cửa để chúng ta lăn vào nhà mà cất! Hạnh phúc là thứ chúng ta phải tự làm, phải tự xây mới có được vậy!
Hãy tự ra đồng, chịu lao động, chịu đổ mồ hôi, hãy nỗ lực và cần mẫn để tự gặt lấy mảnh ruộng cuộc đời của mình đi các bạn!
Đức Phật cũng nhiều lần nhắc nhở và khuyến khích “hãy tự làm ngọn đèn cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, đừng nương tựa vào ai khác” (Trường bộ kinh số 16: Đại bát Niết-bàn; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh Tự mình làm hòn đảo).

Wednesday, November 29, 2017

HÃY THA THỨ…

Tha thứ: nói thì dễ, ai ở trong cuộc mới thấy làm được là cực khó!
Tha thứ cho một ai đó cũng có nghĩa là bạn không phải đưa vào tâm những hiềm hận vốn không ở trong tâm mình từ trước. Để các “tế bào lạ” như sân hận xâm nhập vào tâm thì chúng sẽ gây nên u độc cho tâm, khó mà chữa trị cho lành.
Tha thứ, nghĩa là bạn độ lượng, khoan dung với lỗi lầm của người khác. Sau khi bị người khác làm tổn thương, việc cần thiết là cấp cứu cầm máu, chăm sóc vết thương của chính mình, hơn là cứ để vết thương đau đớn không hề can thiệp đến, mà cứ dõi theo người đã từng làm mình tổn thương, xem họ làm gì, sống như thế nào, lại tiếp tục làm tổn thương người khác nữa ra sao… Đức Phật từng dạy, người bị một người khác dùng cung bắn bị thương. Việc cần kíp là nhanh chóng rút mũi tên ra khỏi và chữa trị vết thương của chính mình. Nếu cứ theo tìm hiểu về người bắn cung, về mũi tên mà không lo rút mũi tên ra và chữa trị vết thương thì đó là người không khôn ngoan (Tiểu kinh Malunkya, Trung bộ kinh số 63). Giải pháp thứ nhất là cách hành xử của người biết tha thứ. Sẽ là người thiếu khôn ngoan nếu bạn chọn cách hành xử thứ hai. Hãy dùng thuốc tha thứ để sát trùng vết thương, để hỗ trợ cho cơ thể tạo kháng thể làm lành vết thương và có thể tăng khả năng đề kháng đối với những vi khuẩn rập rình chờ xâm nhập.
Khi chưa hoặc không thể tha thứ, tâm bạn trĩu nặng như đeo đá! Bạn hận, bạn thù, bạn ghét người đã từng làm mình tổn thương, cũng có nghĩa bạn cứ phải mang theo bóng hình của người đó trong tâm. Thương ai thì mang bóng hình người đó trong mọi lúc mọi nơi đã đành, ghét ai thì cũng è cổ ra mà mang hình bóng người đó cả khi thức lẫn khi ngủ! Cái gì cũng mang vác như vậy, tâm rất nặng nề. Do đó, rất có thể người gây ra tổn thương cho bạn khó khó có thể tha thứ được, họ không xứng đáng để được tha thứ, thì bạn vẫn cứ phải tha thứ cho tâm mình khỏe nhẹ, thanh thản khi đặt gánh nặng hận thù, giận hờn, trách móc xuống!
Vì lợi ích của bản thân, vì sự công bằng cho chính mình, đừng để bản thân bạn chịu thiệt thòi một cách vô lý, thì hãy tha thứ! Tha thứ là món quà bạn tự trao cho bản thân mình và cho người vụng về đã làm tổn thương bạn. Khi tha thứ, giận hờn, đau đớn… rơi lại sau lưng, bạn sống trong hiện tại với tâm thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Nếu bạn thấy những điều vừa chia sẻ là đúng và logic, thì mỗi khi bị tổn thương, bạn hãy dùng cách quán chiếu như trên để soi vào tâm mình, dùng lý trí và chánh niệm tác động vào nhận thức, thái độ sống để có thể mở rộng lòng ra mà tha thứ. Tâm có khả năng mở rộng và uyển chuyển để được an toàn và bảo vệ với những tác nhân không tốt bên ngoài, đức Phật gọi là tâm “nhu nhuyến, dễ sử dụng”. Ai có khả năng làm cho tâm mình thuần thục như vậy, sẽ làm chủ được tâm và điều khiển theo ý muốn của mình để chế tác hạnh phúc, an lạc nhiều hơn trong cuộc sống.
Vì sự thanh thản của tâm, hãy tha thứ!

Vì đó là chìa khóa để mở cửa cho đau khổ ra đi, hãy tha thứ!
Vì đó là nguồn lợi ích và an lạc cho chính mình, hãy tha thứ!
Vì đó là món quà tặng quý giá cho mình và cho người, hãy tha thứ!
Vì đó là nơi bạn dừng lại không tạo thêm oán cừu với người khác, hãy tha thứ!
Vì đó là nơi bạn biết dừng lại để quán chiếu và sám hối những lỗi lầm xưa, hãy tha thứ!
Vì đó là dịp để bạn lùi lại một tí mà nhìn dòng nhân quả đang vận hành, hãy tha thứ!
Vì đó là cơ hội để bạn mở rộng lòng yêu thương, hãy tha thứ!
Vì đó là việc làm được người thiện lành đã làm và thường tán thán, hãy tha thứ!

Friday, November 17, 2017

CÓ BIẾT MÌNH ĐANG THỞ?

Thở là một hoạt động quyết định sự sống của con người. Ta thở trọn đời, nhưng không mấy khi ta để tâm đến hơi thở. Chúng ta thở tự động, thở như một cái máy. Khi sức khỏe bình thường, hầu như chúng ta không ai đoái hoài gì đến nó. Đến lúc nghẹt mũi, ta mới biết hơi thở mình trở nên khó khăn, nặng nề. Lúc bệnh và mệt, chúng ta mới thấy hơi thở mình cạn, ngắn và hơi thở không tròn đầy… Khi ấy, bạn mới thấy sự quý giá của mỗi hơi thở ra vào.
Mạng người được tính bằng từng hơi thở. Thế nhưng, chính vì không quan tâm đến hơi thở, hay nói cách khác, coi thường hơi thở, chúng ta không dành cho nó một sự chú ý xứng đáng!
Hơi thở là sợi dây vô hình kết nối giữa thân và tâm. Hơi thở kết nối giữa sự sống và cái chết. Hơi thở kết nối giữa ý thức và tiềm thức (thuật từ Phật học là tàng thức hoặc A-lại-da thức). Hơi thở kết nối giữa tứ đại trong thân và tứ đại vũ trụ.
Hơi thở không phải là luồng hơi từ ngoài đi vào buồng phổi và đi ra, mà hơi thở là dòng năng lượng tỏa khắp toàn thân. Chỉ khi nào ý thức về hơi thở, chúng ta mới dần cảm nhận ra điều này.
Thiền hơi thở là tập trung, chú tâm để tập nhận biết sự có mặt cũng như tính chất của năng lượng hơi thở, từ thô đến tế cũng như tất cả những gì thuộc về hơi thở. Vì hơi thở là sự sống, hơi thở là thân-tâm, hơi thở là tất cả nên khi hiểu về hơi thở một cách trọn vẹn, là hiểu trọn vẹn sự sống và làm chủ được sự vận hành của tâm. Làm chủ được tâm là làm chủ được hạnh phúc đời mình!
Đức Phật là người thành công khi vận dụng thiền hơi thở trong quá trình thành tựu sự định tĩnh và tuệ giác cao tột và trọn vẹn. Thiền hơi thở là chủ đề được đức Phật xây dựng thành một phương pháp chủ đạo để chia sẻ cho những người tập sống tỉnh thức, đang đi trên con đường rèn tâm định tĩnh và khai nguồn tuệ giác.
Thiền thở không cần công cụ gì cả, vì hơi thở là vật thiết thân không thể rời của mỗi con người! Khi nào còn sống là còn mang theo hơi thở; khi nào còn mang theo hơi thở thì có thể tập nhận thức về sự có mặt của hơi thở.
Hơi thở là quà tặng của cuộc sống dành cho mỗi người.
Thở tự động như máy là chưa biết sử dụng món quà vô giá này!
Thở có ý thức và bắt đầu đưa món quà quý này vào sử dụng để đem lại bình an và hạnh phúc cho mình rồi đó!
Có biết mình đang thở?

x

Saturday, November 11, 2017

ĐỪNG TRAO NHẦM CHÌA KHÓA!

Ai trong chúng ta cũng mong những người chung quanh đối xử tốt với mình, thế nhưng dường như thực tế thì phũ phàng hơn những gì ta mong! Rõ là “quý nhân thì ở thật xa; tiểu nhân thì ở quanh ta thiếu gì; Quý nhân tìm mãi chẳng ra; Tiểu nhân mở mắt là ta thấy liền ”… Nếu bạn nhìn cuộc sống và thấy theo cách này, bạn sẽ thấy mình là người thiếu may mắn! Bạn buồn bực người thân, hờn giận người thương, trách móc bạn bè …
Thế nhưng, tự xét lại, mình đã đủ tốt với những người chung quanh chưa? Cái chúng ta cho đi có tương xứng với những gì chúng ta mong nhận lại hay không? Có hoang tưởng không khi nghĩ rằng tất cả những người này đều sống trên sự hy sinh của bạn? Nếu biết nhìn vào trong tâm mình, với sự đánh giá khách quan và công tâm, tôi tin rằng bạn sẽ có câu trả lời cho mình và điều chỉnh thái độ, cách sống sang một hướng mới tích cực và vui vẻ hơn. Còn trách móc, than vãn và mong chờ người khác đem lại cho bạn những điều tốt đẹp, có nghĩa ta còn mong ngóng hạnh phúc từ bên ngoài chạy vào nhà mình, chạy vào cơ thể mình! Ta đau khổ vì sai “ngay từ điểm xuất phát” nếu cứ nghĩ theo cách “hạnh phúc là cái ngoài thân” này!
Thật ra, khả năng tự tạo hạnh phúc là món quà tặng vô giá chúng ta có từ lâu rồi. Thế nhưng, tiếp sau đó, chúng ta có thêm những món quà nho nhỏ như tình thân gia đình, tài sản, các mối quan hệ xã hội, địa vị công danh… Khi những món quà mới này đem lại cho ta chút niềm vui, hạnh phúc tạm bợ. (Tôi nói tạm bợ vì nó có điều kiện, hầu như không có thời gian “bảo hành” và quan trọng là ta không thể kiểm soát được). Ta dần quên món quà quý giá ta đã cất trong kho lâu quá rồi mà không chịu đem ra sử dụng! Giây phút hiện tại này là lúc tốt nhất để mình sử dụng món quà quý giá này: kiến tạo hạnh phúc cho chính mình!
Được như vậy, mở mắt chào ngày mới, lòng ta đã bình an. Nguồn năng lượng bình an này nuôi dưỡng tâm chúng ta trong tươi mát, bình thản và hạnh phúc trọn ngày và chúng ta tạm biệt một ngày đầy ý nghĩa với tâm bình an.Thức bình an, ngủ bình an thì ta sẽ có cuộc sống bình an. Chìa khóa nằm ở trong tâm mỗi người. Đừng đem chìa khóa hạnh phúc trao nhầm cho người khác để rồi tự chuốc lấy căng thẳng không đáng có! Chần chừ gì nữa mà không lấy chìa khóa bình an mở cửa hạnh phúc.
Chìa khóa đó là: Thay vì lo lắng, bất an với những gì ngoài tầm tay, hãy đầu tư năng lượng vào những gì ta có thể tạo được!

Sunday, November 5, 2017

PHÁP TU QUAN THẾ ÂM THEO QUAN ĐIỂM CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG

Nhân ngày vía Quan Âm...
 (Bản đã có bổ sung)
Cầu nguyện, mong ước những điều tốt đẹp nhất đến với mình và người thân là tâm lý chung của tất cả mọi người trong các nền văn hóa khác nhau. Trong văn hóa dân gian Việt Nam, tinh thần đó hòa quyện với tín ngưỡng Phật giáo vốn trở thành mạch sống của dân tộc đã làm thành một tín ngưỡng Quan Thế Âm (hay Quán Thế Âm). Tín ngưỡng Quan Thế Âm gần gũi, quen thuộc trong nếp sống của người dân Việt và thấm nhuần trong lòng mọi người qua nhiều thế hệ. Nói đến Bồ-tát Quan Thế Âm, ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến một vị Bồ-tát quán sát cuộc đời, xem xét thế sự, lắng nghe tiếng khổ của tha nhân, nhìn các pháp đúng bản chất như chúng vốn là, để tùy duyên cứu độ. Do đó, hầu hết chúng ta tin rằng, trong cảnh khổ, nếu nghĩ đến, cầu nguyện, hy vọng và hết lòng tin tưởng Bồ-tát Quan Thế Âm, Ngài sẽ hiện thân cứu giúp chúng ta vượt qua cảnh khổ. Cách nghĩ, cách làm ấy đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Việt, cũng như nhiều dân tộc Châu Á cùng chia sẻ chung nền văn minh lúa nước. Thế nhưng, về phương diện hành trì, văn hóa Quan Thế Âm không chỉ có cầu nguyện, kêu cứu mà còn là một pháp tu dành cho tất cả. Trong phạm vi bài này, người viết xin bàn về khái niệm Quan Thế Âm và pháp tu Quan Thế Âm theo quan điểm của đức Tổ sư Minh Đăng Quang xuyên qua tiểu luận “Quan Thế Âm” trong bộ Chơn Lý.

Thursday, November 2, 2017

TỰ KỶ ÁM THỊ TÍCH CỰC

Tự kỷ ám thị tích cực là cách giúp chúng ta gieo vào tiềm thức mình những suy nghĩ, niềm tin, dự định và cả hoài bão mong muốn. Từ đó, tâm điều động thần kinh trung ương gởi đi những tín hiệu tích cực như một sự kích hoạt cơ thể hoạt động phục vụ cho định hướng của tâm.
Napoleon Hill rất đề cao vai trò của tự kỷ ám thị, coi đây là một trong những nhân tố dẫn đến thành công. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường sử dụng tự kỷ ám thị để vượt qua sợ hãi, trấn an bản thân, vượt qua bệnh tật và cụ thể nhất là hoàn thành những công việc quan trọng trong cuộc sống.
Sử dụng tự kỷ ám thị tích cực khởi đầu từ một suy nghĩ có tính tích cực, tiếp tục suy nghĩ, đóng dấu vào tâm để lại một dấu ấn sâu sắc về suy nghĩ đó trong tâm trí của mình. Sự “đóng dấu” ấy sâu sắc đến mức nó có sức mạnh để trở thành hiện thực. Ví dụ ta có thể quên sót nhiều sự kiện cần làm trong ngày, nhưng việc gì quan trọng đối với mình thì ta nhắc tâm nhiều lần, chắc chắn việc đó nổi thường trực trên bề mặt ý thức, cho đến khi việc đó được thực hiện mới thôi.
Không những tự kỷ ám thị có tác dụng khi con người ở trạng thái thức, mà thuật nhắc tâm này còn điều động hệ thần kinh trung ương làm việc ngay cả khi chúng ta đi vào giấc ngủ. Ví dụ trước khi đi ngủ, chúng ta muốn dậy sớm lúc 3 giờ sáng để đi công tác. Vì không muốn làm ảnh hưởng giấc ngủ của những thành viên trong gia đình, chúng ta không để đồng hồ báo thức lúc mọi người đang ngon giấc. Ta tự nhắc mình “sáng mai 3 giờ dậy”. Liên tục nhắc tâm nhiều lần như thế, quả thật, chúng ta dậy đúng vào thời điểm đó! Tôi đã thử nhiều lần, rất hiệu quả.
Tự kỷ ám thị không chỉ thức dậy đúng giờ mình muốn mà còn nhiều việc khác nữa, một khi đã nhắc tâm nhiều lần thì nó khắc sâu vào thành ấn tượng trong tâm, thì không còn quên sót nữa.
Nhiều người thường nhắc đi nhắc lại với bản thân: “tôi sẽ làm được việc này”. Như thế họ đang tự khắc vào trí óc mình lời khẳng định sẽ làm, phải làm chứ không phải “có thể làm”. Ở đây, yếu tố cương quyết, kiên định đóng vai trò quan trọng khi tự đặt mình vào hành trình của con đường “một chiều”, chỉ có đi và tiếp tục đi, chỉ có làm và tiếp tục làm cho đến khi thành công.
Các nhà nghiên cứu đã xác định giá trị, tác dụng của tự kỷ ám thị tích cực qua nhiều thí nghiệm. Trong một cuộc thử nghiệm giữa hai nhóm người hút thuốc lá, họ quyết định sẽ bỏ thuốc trong thời gian là 3 tháng. Nhóm người thứ nhất được các nhà nghiên cứu yêu cầu nhắc lại câu nói: “tôi sẽ bỏ thuốc” hàng ngày, nhóm thứ hai được yêu câu nói câu: “tôi thử bỏ thuốc!” Trong ba tháng liên tục họ đã làm theo lời các nhà nghiên cứu.
Kết quả là nhóm thứ nhất có tới 98% số người tham gia bỏ hẳn hút thuốc, không tái lại. Nhóm thứ hai chỉ có đến 20% số người làm được điều đó! Bạn có biết vì sao không? Bởi vì nhóm thứ nhất họ khẳng định với bản thân việc bỏ thuốc là cần thiết cho họ. Còn nhóm thứ hai, áp lực cho họ không nhiều, có thể bỏ hay không cũng không quan trọng, bởi vì chính người ấy chưa thật sự muốn làm điều này.
Tự kỷ ám thị tích cực thường được sử dụng trong lĩnh vực y khoa để chữa bệnh và kích thích ý chí cho bệnh nhân. Điều này hỗ trợ rất nhiều trong quá trình trị bệnh.
Quảng cáo là cách sử dụng những hình ảnh và ngôn từ tạo ấn tượng để kích thích sự tự kỷ ám thị ở người tiêu dùng. Với cách này, người nghe, người xem truyền hình ghi nhớ tên của sản phẩm với ấn tượng tốt để rồi chọn lựa sản phẩm ấy.
Trong cuộc sống, người ta cũng sử dụng tự kỷ ám thị để nhắc nhở, khích lệ tinh thần chính bản thân mình thực hiện những điều mà trước đây mình nghĩ không thể nào có được. Thay vì nói: “tôi có thể làm được” thì bạn hãy nói: “Tôi nhất định làm được”. Hai câu nói mang nghĩa gần giống nhau nhưng hiệu quả lại khác nhau rất nhiều. Một khi quyết tâm làm việc này, bạn “đóng dấu” vào tâm và việc này làm bạn tự tin hơn, quyết tâm hơn và không bao giờ cho phép mình gục ngã.
Tự kỷ ám thị tích cực có tác dụng và hiệu quả tốt do sự phối hợp của niềm tin, ý chí, nghị lực và sự kiên định trên suốt chặng đường dài trong cuộc sống. Tất cả những thuộc tính tích cực và thiện lành này của tâm được huy động trong quá trình tự kỷ ám thị tích cực. Do vậy, hai câu kệ đầu tiên của kinh Pháp cú, đức Phật dạy:
Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm ô nhiễm, khổ não sẽ theo ta, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe (Pháp cú 1).
Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói năng hoặc hành động với tâm thanh tịnh, an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình (Pháp cú 2).


Friday, October 27, 2017

HẠNH PHÚC: CÓ CẦU ĐƯỢC KHÔNG?

Thỉnh thoảng tôi thấy trên facebook có những trang share nhau bức thông điệp đại loại như “sáng nay, ai thấy tượng Mẹ Quan Âm này, gõ chữ “A”, gia đình bạn sẽ bình an, hạnh phúc, cầu gì được nấy… Nếu bạn bấm “like”, hạnh phúc và những điều may mắn sẽ đến nhiều hơn và nếu bạn “share”với người khác,  thì những điều này còn dồi dào và dài lâu hơi thế nữa ”... bla bla…
Thế là tôi thấy rất nhiều người gõ chữ “A”, rồi “like”, rồi “share”… Tôi cảm thấy thương cho họ quá! Lý do thương đầu tiên: tâm lý chung, ai cũng muốn gia đình mình được bình an, hạnh phúc, vui vẻ… nói chung, mọi thứ tốt đẹp ở thế gian, rủ nhau chạy về nhà mình ngay cả không cần đọc thần chú “vừng ơi, mở cửa!”  Thấy họ… tha thiết quá mà thương!
Lý do thứ hai để thương: họ muốn hạnh phúc, muốn đủ đầy mọi điều tốt đẹp nên ai xúi gì, nghe nấy mà không còn biết gì nữa! Họ không biết cách để hiện thực hóa những cái muốn của mình!
Tôi xin nói thẳng, nói thật rằng: sẽ không có hiệu quả nào đâu khi làm điều đó! Hạnh phúc! Bạn nghĩ đó là cái gì mà dễ dàng, chỉ thò tay gõ phím chữ “A” là hạnh phúc ùa nhau chạy về chất đầy nhà bạn?
Bạn có thể gõ phím chữ “A” để có hạnh phúc, nhưng phải gõ chỗ khác, gõ cách khác mới được! Nếu bạn muốn, tôi thử gợi ý, chỉ gợi ý thôi nhé, còn mỗi người sẽ có một cách gõ đặc trưng cho mình, qua gợi ý của tôi, bạn sẽ biết tự tìm ra cách gõ, không ai giống ai.
Bạn muốn gõ chữ “A” để có hạnh phúc, đúng không? Mới sáng vừa thức dậy, nghĩ về những người thân trong gia đình bạn, rồi hàng xóm, bà con, rồi những người nơi chỗ làm lát nữa bạn gặp, rồi những người bán hàng các thứ mà bạn có dịp giao tiếp, bạn gõ vào tâm mình: “Ai ai cũng dễ thương!” chữ “A” này (trong chữ “Ai”) chắc chắn đem lại cho bạn hạnh phúc! Ra đường, giờ đi làm là giờ cao điểm, bạn đã lường sự việc và đi sớm 5 phút, nên khi tham gia giao thông, bạn không cần phải quá hối hả, bạn gõ vào đầu: “Ai gấp tôi nhường” (cũng chữ “A” nhé) để vẻ mặt vẫn giữ được sự vui tươi và điềm tĩnh; bạn cũng gõ vào tay và chân câu đó để bạn giảm ga, đạp thắng. Đến nơi làm, bạn dồn năng lượng và tâm trí vào công việc một cách trọn vẹn, bạn gõ vào tâm dòng chữ “Ai làm gì mặc kệ, tôi lo việc mình” (lại chữ “A” nữa). Trưa ở chỗ làm hoặc về nhà, bạn nhớ gõ vào tâm câu: “Ăn gì cũng được” (chữ “A” đó nha), bạn có bữa ăn hạnh phúc, dù ăn món gì. Rồi cuối ngày, về với mái ấm gia đình, bạn gõ vào tâm câu “An vui cả ngày” (chữ “A” nữa!).
Với những chữ “A” này, tâm bạn tươi mát suốt ngày vì nó được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn. Gõ được những dòng chữ có chữ “A” này, chắc chắn bạn biết cần phải làm gì rồi. Suy nghĩ, dự định và hành động tích cực thế này thì đảm bảo hạnh phúc sẽ theo các bạn trên từng bước chân! Bạn sẽ không có cơ hội để làm phiền lòng người khác, không có cơ hội để bực bội sân si… Một khi biết gõ vào tâm những câu ấy thì tâm sẽ chỉ đạo mọi hành vi, lời nói của bạn cùng xây dựng lâu đài hạnh phúc!

Đây chỉ là gợi ý nhỏ để bạn gõ chữ “A” đúng cách để có hạnh phúc. Bạn có thể gõ chữ “B”, “C”… thậm chí hết bảng chữ cái để có hạnh phúc và muôn điều may mắn. Mong muốn của bạn sẽ thành nếu bạn biết cách gõ.
Mong muốn hạnh phúc không có gì sai, thậm chí vô cùng chính đáng! Có điều mong suông thì không bao giờ thành. “Mong” chỉ là điểm xuất phát của một quá trình thiết lập, nuôi dưỡng hạnh phúc. “Mong” là điểm ta bắt đầu rót năng lượng hành động để đi đến cái đích mà mình muốn. Thay vì ngồi đó muốn có hạnh phúc, chúng ta cần chăm sóc cái nhân đưa đến hạnh phúc, thì mới có hạnh phúc được. Do vậy, thay vì tin quàng tin xiên ở thế lực bên ngoài nào có thể bê nguyên một khối hạnh phúc to đùng thả vào nhà mình, ta hãy tự tin vào bản thân mình. Khi ấy, niềm tin như bình xăng vừa mới nạp, sẽ cung cấp nhiên liệu cho quá trình xây dựng hạnh phúc, thay vì mong cầu hạnh phúc. Điều kỳ diệu ở đây là bình xăng niềm tin càng chạy càng được sạc và đầy hoài (theo kiểu bình xăng khô ấy!) Ta phải chắt chiu từng giọt hạnh phúc bằng những việc làm bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Hãy tin vào chính mình, chỉ có mình là ông thần đem lại hạnh phúc và mọi điều tốt đẹp cho gia đình mình, đừng cầu ở đâu xa!
Tin ở bản thân mình là đi được nửa chặng đường! Phần còn lại, đòi hỏi chúng ta có phương pháp đúng, có kỹ năng, cùng một chút nghệ thuật, một chút kiên định và cần mẫn, ta sẽ có được điều mình muốn.
Hạnh phúc như ngọc ở trong đá,
Hạnh phúc như mật ở trong hoa,
Không đến với ai không cần cù tìm kiếm!


Thursday, October 26, 2017

KHÓ QUÁ…. BỎ QUA!

Trên đời này, có rất nhiều việc diễn ra ngoài sự kiểm soát, điều khiển của mình. Trong số đó, lại rất những cái không theo ý chúng ta muốn. Đối trước tình huống này, tâm lý thường tình, ta căng thẳng, bất an, buồn bực, trách móc, ganh tỵ và đau khổ, tùy theo mức độ. Hãy nhớ lại từ sự trải nghiệm của mình, cứ mỗi lần đối mặt với những sự thật không mong muốn, ta đau khổ, căng thẳng và bất an như thế nào. Nếu chuyện không như ý đến từ đầu ngày, ta có trọn một ngày căng thẳng và bất an! Với năng lượng tiêu cực đó, ta làm hư cả một ngày của bản thân của gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Trong thời đại @ thì không chỉ những người chung quanh trong tầm nhìn, tầm nghe bị ảnh hưởng mà cả người xa hơn cũng bị lây! Sóng wifi phủ tới đâu, ta đem năng lượng tiêu cực là một loại bệnh “truyền nhiễm” phát tán đến đó!
Đừng nhấn ga, hãy đạp thắng! Lùi lại một tí (giống như coi TV, ngồi gần không thấy rõ), ta sẽ thấy rõ bản chất của vấn đề. Sự không như ý trong cuộc sống có thể giáng xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào, không chừa một ai. Những gì ngoài tầm tay mình, ta không thể can thiệp được, tại sao ta phải cố gắng để can thiệp rồi bất an và đau khổ? Một sự thật rõ ràng mà những ai đã từng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” sẽ hiểu và chấp nhận: có những việc ta chỉ có thể chấp nhận, không thể làm gì khác!
“Muốn mà không được” là một trong tám hình thái khổ ở thế gian mà đức Phật đã chỉ ra. Từ đó, Ngài dạy, muốn hạnh phúc, trong những trường hợp này, cần tu tập tâm xả. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là “thôi thì, khó quá… bỏ qua!”
Đây là kỹ năng giữ tâm thanh tịnh, bình thản, điềm tĩnh, không bấn loạn trước nghịch cảnh chướng duyên. Đây là cách để chúng ta giữ được năng lượng cuộc sống và đầu tư vào những việc ta có thể góp phần làm thay đổi để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.

Hãy tập chấp nhận từ những việc hiển nhiên nhất. Ví dụ sáng nay đi làm, ta muốn trời nắng đẹp mà trời lại mưa, thì chuyện gì phải bực bội khi hiểu rõ “nắng mưa là chuyện của trời”! Việc của mình là sẵn sàng một chiếc áo mưa đủ tốt cho chúng ta khỏi ướt! Trời mưa còn đỡ, đời mưa còn dễ sợ hơn! Nên cứ phải trang bị cho mình sự bảo hộ cần thiết để không phải chịu đựng những cái khổ không cần thiết!

Chính chúng ta, không ai khác, là người họa sĩ vẽ nên tâm trạng vui buồn cho chính mình. Chọn trang phục nào để mặc trong ngày hôm nay là quyền của bạn, cũng giống vậy, tâm mình màu xám hay màu hồng là do ta tự vẽ vậy!
Vừa thức dậy, tự nhắc mình “ngày hôm nay, tôi sẽ không để tâm mình căng thẳng với những gì tôi không thể kiểm soát, can thiệp được”, chắc chắn ta có một ngày trọn vẹn ngập tràn hạnh phúc!

Monday, October 23, 2017

CỨ PHẢI SỐNG TỬ TẾ

Khi liên tiếp gặp nhiều người không tốt, ta có cảm giác như cả thế giới không tử tế! Ta muốn hờn cả thế gian này! Khi niềm tin xói mòn và bạc màu, ta vẫn thường nghi ngờ rằng “đời này chẳng còn ai tử tế cả, tuyệt chủng hết rồi!” Cái cảm giác chùng lòng khi nghĩ cuộc đời này thật phũ phàng và cay đắng, khi gặp ai đó quay lưng, bạn bè bội tín, người mình từng hết lòng tin tưởng bán đứng mình không cần đặt cọc… nó mới nặng nề, chơi vơi, hụt hẫng làm sao! Niềm tin vào con người và cuộc sống tả tơi từng mảnh vụn!
Dù là như vậy, cũng không nên mang cặp kính đen để nhìn khắp thế gian. Với cách khái quát hóa thiếu cơ sở khoa học như vậy, chúng ta chịu nhiều thiệt thòi khi tự mình làm cho bản thân bị “mù màu”: thấy ai cũng xấu ác, đáng nghi ngờ! Đêm có đen thì hãy ngẩng nhìn lên, trên bầu trời cao và xa kia, muôn vì sao lấp lánh đó mà!
Một vài, thậm chí nhiều, cá nhân ta gặp có thể đối xử tệ với ta, nhưng số người đó chưa đủ để đại diện cho tất cả!
Dù thế nào đi nữa, cuộc đời còn nhiều mảng màu khác, chỉ vì ta chưa đủ duyên lành để gặp đó thôi!
Đừng vội quy kết, cứ vẫn phải tư duy tích cực và tin tưởng vào cuộc sống! ít ra cũng còn những người thân yêu luôn bên cạnh, chia sẻ, đồng cảm, thấu cảm với chúng ta mà! Họ là người tử tế!
Người tử tế trên đời này còn nhiều lắm. Nếu bạn chưa gặp được người tử tế, bạn hãy là người tử tế đi! Với cách này, ta gặp ngay được người tử tế, chính là mình đây, đâu cần tìm kiếm đâu cho xa xôi!

Nguyên tắc sống và tư duy tích cực để có hạnh phúc và an lạc cho mình là: muốn có bạn tốt, bản thân mình phải là người bạn tốt; muốn gặp người tử tế, bản thân mình phải là người tử tế!

Saturday, October 21, 2017

XÉT ÍT THƯƠNG NHIỀU


Chúng ta đang sống trong cuộc đời là nơi chưa hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo! Đây là một sự thật, dù có “duy ý chí”, gồng lên cỡ nào cũng không thể phủ nhận sự thật này. Chất liệu chính yếu tạo nên cuộc đời này là con người, và lẽ dĩ nhiên, hầu hết họ đều chưa hoàn hảo. Do vậy, đừng nhìn những cái khuyết, thiếu, kém, dở và những thứ mình cho là chưa được của người khác để phiền lòng và trách móc.
Tâm lý lấy mình làm trung tâm là một thói quen của tất cả, ta thấy mình xứng đáng được nhiều hơn những gì ta đang có, về mọi phương diện. Đây là lý do từ nhỏ mình đã biết trách móc sớm hơn nhiều cái biết khác! Còn nhỏ thì trách mẹ sao gọi con dậy sớm. Lên lớp thì thầy cô cho bài nhiều, bắt học nhiều. Lớn tí nữa học nhiều môn nhiều người dạy thì trách thầy A dạy khó hiểu, cô B nghiêm quá. Ra trường đi làm trách việc nhiều lương ít, về nhà thì so sánh chồng/vợ mình với người hàng xóm với tâm bực bội cau có… Xâu chuỗi những trách móc, giận hờn lại, đó là chuỗi ngày không hạnh phúc, đã lấy đi một phần lớn quỹ thời gian cuộc sống của bạn! Vô lý quá đúng không? Bạn trách người khác, đồng nghĩa với việc bạn tự thấy mình tốt hơn, đáng để được đối xử tử tế hơn. Ấy vậy mà ở đây, chính bạn là người đối xử quá tệ với bản thân mình! Bạn đày đọa mình trong căng thẳng, buồn bực, ghen tỵ, trách móc… thì đời còn gì vui? Bạn đáng được hưởng nhiều hơn vậy mới phải!

Vấn đề nằm ở cách nghĩ, nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người. Trong cái thân này thôi, cả thế giới sanh khởi! Trong cái thân này thôi, hạnh phúc hay khổ đau có mặt! Một cách nhìn nhận vấn đề rất khoa học là hãy chấp nhận sự chưa hoàn thiện ở tất cả những con người trong đời này, trong đó có bản thân mình, cũng như những gì liên quan đến cuộc sống của mình, để cố gắng tốt hơn mỗi ngày, bổ khuyết cho nhau. Steve Jobs cùng các cộng sự đã chọn quả táo khuyết làm logo cho Apple cũng không ngoài ý tưởng này! Có thể bạn đang sở hữu một chiếc iphone, ipad với hình ảnh này nhưng chưa bao giờ đọc được thông điệp mà người tạo ra nó muốn chuyển tải: tất cả còn chưa hoàn thiện và chúng ta phải góp phần dần hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể.
Nếu chúng ta cứ phiền trách những người khác vì những lỗi không đáng, ta là người chuốc lấy khổ đau, đầu tiên và nhiều hơn. Ai không làm vừa lòng mình, ta “nghỉ chơi” ngay thì chỉ sau một thời gian ngắn, ta sẽ không còn thấy ai đáng để mình duy trì mối quan hệ cả! Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn, vì nhu cầu xã hội, nhu cầu giao tiếp của bạn vẫn còn đó! Để mình không đi vào ngõ cụt, chúng ta cần thay đổi cách nhìn: nếu đường này dẫn vào ngõ cụt, chắc chắn đi ngược lại ngả đối diện sẽ có đường ra! Lối mở cho tất cả chúng ta: đừng xét nét, đòi hỏi, mong muốn ở người khác nhiều quá. Hãy xét ít lại và thương nhiều hơn, cuộc sống sẽ chuyển tone màu sáng ngay và hạnh phúc lại ngập lòng. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự nó giản đơn lắm, ở ngay trong ta và quanh ta, ở ngay nơi những con người gần gũi nhất của mình chứ không đâu xa!
Một bức tường được xây bởi 1000 viên gạch mà có 2 viên gạch lệch ở hàng dưới cùng (vì chưa kinh nghiệm lúc đầu), người có cách nhìn tích cực sẽ thấy bức tường đẹp khi nhìn 998 viên gạch kia, người xét nét sẽ chê bức tường vì 2 viên gạch lệch!
Hãy làm người hào phóng đi bạn! Có khi mọi người cũng đang chịu đựng mình mà ta không biết đó thôi!
Chúc các bạn luôn là người xét ít, thương nhiều!

Wednesday, October 18, 2017

KHÓ KHĂN, ĐAU KHỔ LÀ CẦN THIẾT...

Đau khổ, bất toàn và bất như ý là những sự thật hiển nhiên của cuộc đời. Đã là sự thật hiển nhiên thì ta không cần hoài công tránh né, vì “chạy đường trời cũng không khỏi nắng”. Sẽ là chọn lựa khôn ngoan nếu ta học cách đương đầu với khó khăn, học kỹ năng chuyển hóa đau khổ và tập chấp nhận sự bất toàn và bất như ý ở trong ta và từ bên ngoài đến với ta!
Những người có hoàn cảnh khó khăn từ nhỏ là người có nhiều cơ hội để rèn luyện những kỹ năng vượt khó để rồi những người này, khi gặp cảnh khốn khó, lao đao, hoàn cảnh bất hạnh… thì khả năng thích nghi, sinh tồn và vươn lên của họ tốt hơn so với nhiều người có hoàn cảnh “thuận buồm xuôi gió”. Một cái cây được trồng trên triền đồi khô cằn sẽ có giá trị sử dụng tốt hơn cái cây cùng loại được trồng ở đất đồng bằng phì nhiêu hơn! Cây rừng hoa dại mọc hoang ngoài đồng nội sẽ thích nghi với môi trường sống hơn hẳn cây cảnh ta chăm chút cưng chìu!
Chỉ số vượt khó AQ (Adversity Quotient) không phải là một hằng số vốn sẵn có nơi mỗi con người! Từ khi sinh ra, ta có tất cả mọi thứ ở dạng tiềm năng, chưa được kích hoạt. Cùng với thời gian năm tháng, mọi tiềm năng, tùy vào nhu cầu của cuộc sống, tùy vào thái độ, nhận thức cuộc đời và tùy vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân mà mỗi người thể hiện mỗi khác. Chỉ số AQ cũng như vậy, sẽ biến thiên tùy vào kỹ năng đương đầu với khó khăn và đau khổ. Cứ mỗi lần đương đầu với một khó khăn, là lúc chúng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và là dịp tốt để trui rèn bản lĩnh và tính cang cường vốn rất cần thiết nơi con người mình.
Đừng mong đường ta bước không chông gai, chỉ mong mình có đủ kỹ năng để tự trang bị một đôi giày, và đủ chí khí để mạnh mẽ, tự tin bước qua rừng gai mà vẫn an toàn. Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta xây cuộc đời mình bằng những giọt mồ hôi của nỗ lực, của vươn lên không ngừng, cộng với những giọt nước mắt của thất bại cùng với những giọt nước mắt của thành công!
Cứ mỗi khó khăn qua đi, can đảm và nghị lực ở lại! Mỗi con người trưởng thành thêm lên sau mỗi lần đi xuyên qua khó khăn, đau khổ. Văn hào W. Goethe từng phát biểu: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Hãy vững tin một điều rằng Sức sống trong bàn tay trong bàn chân (Trịnh Công Sơn- Dựng lại người, dựng lại nhà). Do đó:
Với những ai đang sống để trở thành can đảm hơn, đau khổ có thể trở thành nguồn lý tưởng để trưởng thành. Một đời sống bình lặng không khó khăn bất cứ ở phương diện nào cũng như một chiếc thuyền không, hễ gặp bão một cái là lật úp ngay!” (Khenpo Sodargye- Đi xuyên qua đau khổ).

Sunday, October 8, 2017

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 11)

Đức Phật nói gì về ăn thịt?

Ajahn Brahmavamso
Ngay từ lúc đạo Phật được hình thành hơn 2500 năm về trước, các Tăng Ni vẫn sống nhờ vào khất thực. Trước kia và hiện giờ cũng vậy, họ không được phép trồng tỉa để lấy lương thực, không được tích lũy thực phẩm, cũng như không được tự nấu nướng thức ăn. Thay vào đó, mỗi buổi sáng họ dùng bữa bằng bất kỳ thứ gì các Phật Tử tự nguyện dâng cúng. Cho dù thức ăn có giàu năng lượng hay kém phẩm chất, khoái khẩu hay khó ăn, tất cả đều được họ chấp nhận với lòng tri ân và được xem như là dược phẩm để duy trì sự sống. Ðức Phật đã đặt ra nhiều giới luật ngăn cấm chư Tăng không được đòi hỏi thức ăn mà họ ưa thích. Kết quả là chư Tăng chỉ nhận các loại thực phẩm giống hệt như thức ăn người dân thường hay sử dụng - và thông thường thì các thực phẩm đó có thịt cá.

Saturday, October 7, 2017

THẬT SỰ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM (Phần 2 và Hết)

ANDREW OLENDZKI

Liên Trí dịch

THẬT SỰ  phần THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM (Phần 1)
Phần này hay quá! Vì muốn chia sẻ phần chánh niệmnày mà bỏ công dịch nguyên bài cho ý trọn vẹn, dễ hiểu hơn!

Chánh niệm và những tâm sở đồng hành

Theo A-tỳ-đàm, chánh niệm (sati, 29) là một tâm sở thiện, chỉ sinh khởi trong một số tình huống đặc biệt. Ngày nay, trong hầu hết các cách  nói thông thường, chúng ta hay dùng thuật ngữ này để chỉ bất cứ các yếu tố nào đã nêu trên hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố này. Trong các bài kinh nguyên thủy, đặc biệt là kinh Niệm xứ (Trung bộ kinh số 10), hành giả đi đến một chỗ vắng, ngồi kiết già, giữ lưng thẳng, đặt chánh niệm vào sự hiện diện trước mặt. Luận A-tỳ-đàm đưa ra một định nghĩa về chánh niệm có bốn phương diện, theo cách giải thích trong các bản sớ giải A-tỳ-đàm: (1) thể của nó là giữ tâm không dao động, hoặc giữ tâm không trượt khỏi đối tượng đang trú tâm; (2) dụng của nó là làm vắng bặt sự xáo trộn, ghi nhớ không quên sót (từ “niệm” xuất phát từ chữ “ký ức”); (3) tướng của nó là trạng thái đối đầu một lãnh vực cảm nhận bằng giác quan một cách khách quan; và (4) nhân trực tiếp là cảm thọ mạnh mẽ hay bốn cơ sở của chánh niệm (thân, thọ, tâm và pháp). Tất cả những định nghĩa này đưa ra sự hiện diện rõ ràng hơn của tâm, nhấn mạnh sự chủ tâm vào đối tượng kinh nghiệm trong giây phút hiện tại, một tính chất đặc biệt của tác ý. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều hơn nữa qua việc quan sát nhóm mà nó đi cùng.

Monday, October 2, 2017

THẬT SỰ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM (phần 1)

Andrew Olendzki
Liên Trí dịch
Khi thuật ngữ “chánh niệm” ngày càng được sử dụng rộng rãi, thường có sự nhầm lẫn, cho rằng chánh niệm là “có mặt trong giây phút hiện tại”. Andrew Olendzki nghiên cứu luận tạng A-tỳ-đàm đã khám phá ra thật sự thực hành chánh niệm là làm gì, và nó diễn ra thế nào. Bài viết này rất thú vị khi Ông cho rằng, không thể có “chánh niệm” về cơn giận nếu chúng ta chỉ ý thức, biết rõ cơn giận đang có mặt, không can thiệp gì, cho phép nó có mặt, không phê phán, không đè nén, không để nó sai sử... Cái đó không thể gọi là “chánh niệm”! Nói cách khác, giận và chánh niệm không cùng hiện hành trong một sát na tâm (được nói đến ở phần cuối bài này rất thú vị!).
Tôi rất tâm đắc ý này, đọc bài viết thấy hay quá, nên dành thời gian dịch để chia sẻ với người có duyên. 
Tiếng Anh được sử dụng rất phong phú trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là khi giải thích những đặc tính của thế giới vật chất, thế nhưng khi cần diễn đạt những sắc thái đặc thù thuộc sự trải nghiệm nội tâm, ngôn ngữ này trở nên khá vụng về. Đây là một trong những lý do gây nên sự bối rối, khó hiểu khi bàn luận về tâm, thiền định và tâm lý nói chung.

Thursday, September 28, 2017

NGƯỜI CỐ CHẤP

Một cách ngẫu nhiên đến thú vị trong cuộc sống là có khi chúng ta đang đi tìm cái này, mà lại gặp một thứ khác! Có khi dự định ra phố mua một món đồ này, tình cờ thấy một món đồ khác vô cùng ưng ý, mà lại cần nữa, ta mua ngay! Tôi cũng đang có trải nghiệm vui vui như thế, khi đi lục tìm trong các bài kinh vài dẫn chứng về một đề tài đang viết lở dở thì tình cờ đọc được mấy câu kinh đức Phật dạy về tánh cố chấp, thấy khá lý thú và cũng “hợp thuốc” với căn bệnh của nhiều người (trong đó có mình)! Thế là vẫn “ngâm” tiếp đề tài đang viết, chuyển sang viết về người có tánh cố chấp. Bài viết nhỏ này được hình thành một cách tình cờ như vậy!

Sunday, September 24, 2017

GIỌT NƯỚC TRÀN LY!

Trong tiếng Việt, hình ảnh “giọt nước tràn ly” khá hình tượng! Nước tràn ra ngoài chỉ cho cảm xúc tràn ra khỏi tâm, quá khả năng chứa giữ của một con người!
Giọt nước tràn ly...

Thuật ngữ tiếng Việt đã hay, cụm từ tiếng Anh dùng để diễn đạt ý  này còn hay hơn! Khi nói đến tình huống cuối cùng đưa đến “cáo phó” cho một mối quan hệ, chấm dứt một trạng huống đeo đẳng lâu dài, dừng lại một sự hợp tác nào đó để “giải phóng” sự chịu đựng, người ta dùng thuật từ “the last straw” hoặc “the final straw”, và khi dịch thành ngữ này, ta dịch giọt nước tràn ly.
Thành ngữ này được lấy từ câu nói đầy đủ là “the last/final straw on the camel’s back”. Hình ảnh này sinh động hơn nhiều! Một con lạc đà to lớn, mạnh khỏe thế kia mà thêm một cọng rơm nữa là quỵ ngã! Một cọng rơm có thể là nhỏ nhặt, nhẹ nhàng đối với người đặt lên lưng lạc đà. Thế nhưng, về phía mình, lạc đà đã chạm ngưỡng của sự chịu đựng, không thể thêm được gì nữa, dù chỉ tí xíu!
The last/final straw

Thành ngữ “giọt nước tràn ly” cho ta hiểu rằng ngưỡng chịu đựng của người ấy chỉ đến được bấy nhiêu thôi! Dung tích cái ly của họ có sức chứa chừng đó. Khi sự bình đẳng, công bằng, được hiểu và tôn trọng không còn tìm thấy ở đối tác, thì tình trạng lúc này là “bế quan tỏa cảng”, các van cảm thông giữa người và người đóng chặt, mọi thứ co cụm lại để hình thành nên một chiếc ly vô hình, cứng nhắc, không còn khả năng giãn nở để đựng thêm được gì, dù chỉ một giọt nước! Đó là tình huống cuối cùng để phá vỡ một thế cân bằng, ổn định thành những mảnh vụn không thể “tái chế”!
Với người nhỏ/ rót giọt nước cuối cùng ấy vào ly, hay đặt cọng rơm nhỏ và nhẹ ấy lên lưng con lạc đà mà làm cho nước tràn ra hay lạc đà oằn xuống quỵ ngã sẽ nghĩ rằng “gớm, làm gì mà xoắn lên! Hơi tí đã làm ầm lên…” nhưng họ không chịu hiểu: đã quá nhiều thứ bạn đè lên người ta, đã lắm lần người ta đã chịu đựng vì bạn, âm thầm và lặng lẽ, đến mức không thể chịu đựng thêm nữa. Ở phương diện tích cực, “giọt nước tràn ly” giúp chúng ta giải phóng bế tắc để rồi có thể “làm mới” theo một cách nào đó! Tản ra thành mảnh nhỏ mới… thấm!
Thôi thì…

Với sự nhận thức rõ ràng, cuộc hành trình xuyên qua nỗi khổ niềm đau là con đường đưa đến sự trọn vẹn. Khổ đau có thể đưa chúng ta đến tầm hiểu biết sâu sắc đủ để vượt qua sự mất mát cá nhân”. Mark Matousek - “Mảnh vỡ tình yêu”.
Khi ly nước tràn hoặc lạc đà quỵ xuống là lúc ngôn ngữ bị đơ” vì cảm xúc đã đông đá”. Do đó, chúng ta đừng quá vô tâm với những người thân của mình mà phải lắng nhìn (lâu nay quen từ lắng nghe mà ít ai dùng lắng nhìn”; thật ra, khi lắng lòng để nhìn thì mới thấy rõ!) để mình đừng bao giờ là người rót giọt nước cuối cùng làm tràn ly, hay đặt cọng rơm cuối cùng để con lạc đà quỵ ngã!
Đó mới là cách thương người người thân của mình một cách thực tế nhất!