Tuesday, July 7, 2015

NGHIỆP – tài sản đời người

Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ, tôi thấy cũng hay hay. Khi đi mua đồ, mỗi người đều có sự chọn lựa món đồ cần mua. Trước hết là xét đến nhu cầu sử dụng của mình, món hàng ấy có đáp ứng chưa, có đầy đủ chức năng mình cần không; sau đó đến branch, hãng nào sản xuất, có đáng tin cậy không, rồi đến giá cả, hợp với túi tiền mình không, rồi tiếp đến là kiểu dáng, màu sắc… tất cả đều được chọn theo những gì mỗi người thích. Có thể tôi chọn màu xanh coban mà không phải màu đỏ cho một món đồ nào đó, trong khi người khác lại chọn màu cổ đồng và còn nhiều màu khác nhau cho cùng một món hàng đang bày trên kệ các gian hàng chờ mỗi người chọn theo sở thích. Nói là “tôi chọn” nhưng thật ra, xét cho cùng, nghiệp của tôi chọn đó thôi. Xin đừng hiểu nghiệp theo kiểu định nghiệp không thể thay đổi như nhiều người lầm tưởng xưa nay. Cần hiểu chữ nghiệp đúng với tinh thần lời Phật dạy, ngẫm ra, nhiều điều thú vị lắm.
Nghiệp xưa nay thường được hiểu là một ‘luật đạo đức’ của vũ trụ, không có sự can thiệp của con người và là thuyết tiền định, có thể tính toán chính xác được nguyên nhân và kết quả tương ứng, giống như định luật vật lý của Newton. Thế nhưng, đường đi của nghiệp phong phú, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Phật nói ta là kẻ thừa tự của nghiệp (quá khứ) và là thai tạng của nghiệp (để tạo nghiệp trong hiện tại), đồng thời nghiệp là quyến thuộc, là điểm tựa (trong hiện tại) và ta là chủ nhân của nghiệp. Chính do nghiệp là có sự  phân chia trong các loài hữu tình; nghĩa là có liệt có ưu (Trung bộ kinh, số 135 : Tiểu nghiệp phân biệt ; Tăng chi bộ kinh, Chương V, phẩm VI, kinh số 57 ; chương VIII, phẩm VII, kinh số 56; chương IX, phẩm XXI, kinh 205; Chương V, phẩm XVII, kinh số 161; chương X, phẩm V, kinh số 48).

Nghiệp giải thích sự đa dạng ở con người

Thuyết nghiệp thường được dùng để giải thích sự phân biệt chủng tộc, giai cấp, đàn áp kinh tế, dị tật bẩm sinh và nhiều thứ khác nữa trong xã hội. Theo nghĩa đen, thuyết nghiệp thanh minh cho quyền uy và thế lực của những tầng lớp chính trị quý tộc, những người xứng đáng giàu có và quyền uy, còn những người lệ thuộc vào họ thì không. Điều này đưa ra quan điểm có tính thần luận rằng: nếu chắc chắn có mối liên hệ nhân quả giữa hành động và số phận, không cần đòi hỏi phải có công bằng xã hội bởi vì mọi thứ đã được định đoạt về đạo đức trong vũ trụ. Thế nhưng, đây là quan niệm của bà la môn giáo. Còn đức Phật, một nhà cải cách tâm linh, có cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn dù rằng Ngài không phủ nhận những gì ta có là nghiệp quả của những nghiệp nhân đã gieo trong quá khứ. Tuy thừa tự, ta không phải lệ thuộc hoàn toàn vào nghiệp và buông xuôi chấp nhận.
Nếu bạn vào một cửa hàng điện máy, hàng chục cái tivi cùng thể hiện một nội dung duy nhất nào đó (một bộ phim chẳng hạn) do một đầu máy duy nhất phát ra, bạn vẫn thấy màu sắc, ánh sáng, và độ tương phản mỗi tivi một khác. Cũng thế, bạn có dám tin chắc rằng người bạn bên cạnh mình cảm nhận màu lá thu vàng đúng y như bạn đang thấy không? Chưa chắc. Vì sao? Vì nghiệp của mỗi người mỗi khác mà. Thấy thế nào tùy theo cái nghiệp mình vậy. Trên cơ sở cảm nhận, ta tác ý và có hành động tương ứng.
Do nghiệp quá khứ (thừa tự) mà mỗi người khác nhau về 4 phương diện: sắc diện, sức khỏe, trí tuệ và hoàn cảnh sống. Ta không có quyền chọn lựa những cái  này vì nó là quả của nhân đã gieo trong quá khứ. Với nghiệp cũ, ta có thân xác này và tất cả những đặc điểm giới tính ta đang mang thân, với tính cách, sở thích, mong muốn… ở dạng tiềm năng chưa kích hoạt cùng với hoàn cảnh sống, gia đình dòng tộc mà bản thân ta không có quyền lựa chọn.

Mỗi người mỗi vẻ (nghiệp), mười phân vẹn mười…

Tất cả các thành tố cấu tạo nên một con người không có tính ổn định, nên tâm ý của mỗi người cũng đặc trưng và độc đáo. Trên cơ sở đó, sự tác ý để tạo nghiệp ở mỗi người mỗi khác. Sự đa dạng của quá trình tạo nghiệp dưới sự tác động của chủ tâm như một thái độ tâm lý làm cho thế giới này trở nên vô cùng đa dạng và phong phú đến mức phức tạp và rối ren.  Nghiệp là những dòng năng lượng có sức mạnh thúc đẩy con người hành động theo xu hướng của chủ tâm người ấy. Các dòng năng lượng này hành hoạt khác nhau ở các thời điểm khác nhau tùy thuộc vào chủ ý của chúng ta. Khi nào dòng chủ tâm mạnh, gặp duyên (môi trường phù hợp), dòng nghiệp ấy lãnh ấn tiên phong, không “nhường nhịn” các nghiệp khác và thế là nó trở thành nghiệp trội lấn át các khuynh hướng khác. Trước cùng một cảnh huống, mỗi người phản ứng mỗi kiểu mà qua đó, phản ánh chính xác diện  mạo nghiệp trội mà cá thể ấy tích lũy. Nếu ai có nghiệp sân giận, bạo lực thì khi gặp chuyện, đụng hơi tí là thượng cẳng tay, hạ cẳng chân trong khi người khác cùng đối mặt cảnh ấy thì lại bình chân như vại. Thấy một người lâm nạn, có người thể hiện sự đồng cảm, xót thương; có kẻ thì thấy đây là cơ hội để “dậu đổ bìm leo”, có người thì bàng quan vô sự. Ai có nghiệp chung thì cùng chung làm một loại nghiệp tương ứng, hoặc lòng hả hê vui sướng khi thấy người khác làm việc mà mình muốn làm. Cả một bức tranh xã hội nhiều màu sắc được thu nhỏ trong tầm mắt dưới sự biến tấu muôn màu muôn vẻ của nghiệp lực.
Với thân và tâm như mình đang có, ta thừa tự nghiệp quá khứ ở dạng tiềm năng, phôi thai, nên đức Phật gọi nghiệp là thai tạng. Khi chủ ý tác động, những tính cách ở dạng tiềm năng này được kích hoạt và bắt đầu hoạt động trong một cái ngưỡng nhất định: môi trường gia đình và xã hội và tất cả những gì liên quan cũng nằm trong một cái ngưỡng nào đó. Ví dụ hầu hết người sinh ra trong một gia đình thuần nông thì không thể nào có sẵn những tính cách và những kỹ năng đặc trưng của người sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh buôn bán.  Ngay cả ý chí, nghị lực, quyết tâm có tính chủ ý của mình cũng không thể phát sinh khơi khơi từ trên mặt đất mà từ nơi con người ngũ uẩn này, thân này, tâm này vốn có gốc gác, dấu vết từ trong quá khứ, hàm chứa tất cả nghiệp ở dạng chìm, dạng nổi, dạng ẩn, dạng hiện một cách đan xen và phức tạp cũng trong một cái ngưỡng nhất định. Nơi con người mình gói gom cả nghiệp quá khứ, hiện tại và tương lai. Do vậy, mỗi một tác ý khởi tâm, mỗi một lời nói, hành vi cử chỉ phản ánh trung thực nghiệp của chính mình.
Nghiệp gắn liền với thân phận mỗi con người như bóng với hình. Nghiệp cũ là khối hình hài ngũ uẩn này và ta mang theo suốt không chỉ trong kiếp sống này. Nghiệp là người bạn đồng hành, dù ta muốn hay không, là bà con quyến thuộc của mình. Cũng chính khối nghiệp cũ này tạo nên ngưỡng cho những nghiệp mới được hình thành vì những động cơ, động lực, xu hướng hành động vốn được phôi thai tiềm tàng trong khối nghiệp cũ này. Như vậy, tính chất của nghiệp mới phát sinh luôn đồng hành với nghiệp cũ đã kết thành thân và tâm này. Chính vì vậy, đức Phật nói nghiệp là quyến thuộc của mỗi người, cùng chia sẻ nhiều điểm chung “di truyền” và gắn bó khăng khít, lâu dài với con người ấy.

Ta là chủ nhân thừa tự của nghiệp

Đức Phật dạy, ta là chủ nhân của nghiệp và có đầy đủ thẩm quyền sử dụng “tài sản” nghiệp thừa tự để tạo nghiệp mới. Với thân và tâm này như là khối nghiệp quá khứ gom kết lại, ta cần sử dụng thân ngũ uẩn là làm cơ sở để quyết định hạnh phúc khổ đau cho mình. Dùng thân và tâm này tạo nghiệp mới là lúc ta làm chủ đời sống mình (chủ nhân của nghiệp). Thế nhưng, trên thực tế, dường như ít khi ta vận dụng được điều này khi cứ gán cho những điều bất hạnh, không toại ý của mình trong hiện tại là do nghiệp tiền định của mình. Ai vẫn giữ quan niệm như vậy trên con đường tu học thì không thể nào tiến bộ được, vì một khi chưa nhìn ra tiềm năng, khả năng đích thực của mỗi con người thì không thể phát huy được tối đa khả năng của bản thân.
Tác ý của tâm là nghiệp. Nghiệp, dù vô tình hay cố ý, là con đường dẫn đến nghiệp quả tương ứng. Nơi con người mình gói gom cả nghiệp quá khứ, hiện tại và tương lai. Do vậy, mỗi một tác ý khởi tâm, mỗi một lời nói, hành vi cử chỉ phản ánh trung thực nghiệp của chính mình.
Ta có trọn quyền quyết định con đường mình đi trên cơ sở từ nơi mình đứng với nghiệp thừa tự, nghiệp thai tạng của chính mình. Tâm lý tiếp thọ các duyên bên ngoài, thái độ tiếp nhận, phản ứng của chúng ta quan trọng trong quá trình tạo tác. Người nào có khuynh  hướng nghiệp gì mạnh, gặp duyên, nghiệp ấy lãnh ấn tiên phong, không nhường nhịn các nghiệp khác và thế là nó trở thành nghiệp trội. Trước cùng một cảnh huống, mỗi người phản ứng mỗi kiểu mà qua đó, phản ánh chính xác diện  mạo “nghiệp” trội, “nghiệp” lặn của cá thể đó. Nếu ai có nghiệp sân giận, bạo lực thì khi gặp chuyện, đụng hơi tí là thượng cẳng tay, hạ cẳng chân trong khi người khác cùng chứng kiến cảnh ấy thì lại bình chân như vại.

Nghiệp có thể thay đổi

Cuộc cách mạng tâm linh của Đức Phật là đặt trọng tâm vào một nguyên tắc đạo đức bằng cách nhấn mạnh vào yếu tố hành nghĩa là ‘động lực’, ‘chủ ý’. Hành là chìa khóa để hiểu được cách Đức Phật nhìn nghiệp ở phương diện đạo đức. Ví dụ, kinh Pháp Cú (Dhammapada) bắt đầu bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng vô song của thái độ tâm lý con người đặt vào mỗi một hành động của mình:
Việc gì cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm ô nhiễm, khổ đau sẽ đi theo như bánh xe đi theo chân con vật kéo xe. (Pháp cú kệ số 1)
Việc gì cũng do tâm dẫn đầu, tâm điều khiển, tâm tạo. Nếu một người nào đó nói hay hành động với tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo sau như bóng không rời hình.(Pháp cú kệ số 2)
Ví như thân thể này được cấu thành từ thức ăn đã được tiêu hóa, tính cách con người được cấu thành từ những sự chọn lựa có ý thức, vì cái ‘tôi’ được xây dựng bằng các thái độ tâm thần không gián đoạn, lặp đi lặp lại một cách quán tính. Người ta ‘bị phạt’ hay ‘được thưởng’ không phải do những gì họ đã gây tạo mà là những gì họ đang là, và những gì ta làm một cách có chủ ý tạo nên chính con người mình trong hiện tại. Ý này được diễn đạt qua mấy câu sau:
Gieo ý tưởng, gặt hành động,
Gieo hành động,  gặt thói quen,
Gieo thói quen, gặt tính cách,
Gieo tính cách, gặt số phận.
Nghiệp mình, mình tự soi, tự hiểu, tự biết và với vị trí “làm chủ”, phải “thừa tự” cái tài sản nghiệp đó thế nào. Đây là vấn đề của cả một đời người!
Nhìn sâu một tí nữa về phương diện nghiệp, trên đường đời, cách những người quanh ta đối xử với mình, ngoài việc phô diễn nghiệp của người ấy, còn là tấm gương phản chiếu nghiệp của chính mình, thông qua nghiệp của người khác. Ví dụ khi bị nạn, ta gặp người có tâm từ dang tay đón giúp hay gặp kẻ thờ ơ quay lưng hoặc có người thừa nước đục thả câu, thay vì đưa tay cho mình nắm thì họ đưa chân đạp mình xuống luôn cho không còn sức ngơ ngoeo… âu cũng do… nghiệp của mình chiêu cảm mà ra. Hiểu được điều này, xin hãy chấp nhận không thắc mắc, lấy đó làm nơi ta bắt đầu, là nền để xây dựng cuộc đời mình, xây dựng nhân cách của mình thay vì than trách, buồn phiền.
Những gì ta làm có động cơ từ những gì ta nghĩ. Các hành động có chủ ý, khi được lặp đi lặp lại hoài sẽ tạo ra một thói quen. Các cách suy nghĩ, cảm nhận, hành động và phản xạ theo thói quen sẽ xây dựng và hình thành cảm nhận của mình về bản thân: tôi thuộc loại người nào. Thái độ rất quan trọng. Charles R. Swindoll từng nói: “chúng ta không thể thay đổi quá khứ, cũng không thể thay đổi sự thật rằng mọi người sẽ hành động theo cách của họ. Chúng ta cũng không thể thay đổi được những điều không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể “tấu lên” một “giai điệu” mà chúng ta có, đó chính là thái độ. Tôi tin rằng cuộc sống là 10% những gì xảy ra với tôi, 90% còn lại là cách tôi phản ứng với nó. Bạn cũng thế – chúng ta chịu trách nhiệm về thái độ của chính mình.”  Thái độ chính là nghiệp. Nếu hiểu sâu hơn, nghiệp là chiếc chìa khóa đưa đến sự phát triển tâm linh: làm thế nào để tình thế có thể cải thiện tốt hơn bằng cách thay đổi động cơ của hành động ngay bây giờ.
Nghiệp có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu hơn, tùy vào định hướng và nỗ lực của mỗi cá thể. Nếu ta hiểu được tầm quan trọng của chủ tâm, của thái độ trong hành động của mình, ta nhận ra được giá trị của ăn năn và hối lỗi khi không muốn lặp lại thói quen sai lầm trong quá khứ. Ăn năn và hối lỗi vô cùng quan trọng bởi vì đây là những cách để nhận biết, đối với người khác cũng như đối với bản thân, rằng chúng ta đang nỗ lực để không cho phép những điều không hay chúng ta đã làm trở thành (hay vẫn còn) một khuynh hướng có tính thói quen hình thành để đưa đẩy mình không thoát ra khỏi quỹ đạo đã thành nếp ấy được. Sự nhận ra sai lầm là bước đầu tiên căn bản nhất để đổi hướng đi của nghiệp. Nếu không tự nhận ra, ta cần nhờ đến các bậc thiện tri thức – những người tốt có thiện chí với mình. Thế nhưng, điều cốt lõi nhất vẫn nằm ở thái độ tiếp thu và tinh thần tự giáo dục của bản thân.