“Niềm tin trong đạo Phật” là đề tài vô
cùng quen thuộc, thế nhưng, đề tài này vẫn luôn là nguồn cảm xúc dạt dào cho
người học Phật và tu Phật. Bàn về “Niềm
tin trong đạo Phật” thú vị ở chỗ, thường thì khi nói đến niềm tin, nhiều
người nghĩ ngay đến mê tín, tín ngưỡng, sùng tín, cuồng tín vào một đấng linh
thiêng bên ngoài thiên về cảm tính mà không có dự phần của lý trí. Thường thì trong các tôn giáo, đức
tin và lý trí thường không cùng tồn tại: khi có lý trí thì không có đức tin,
khi có đức tin thì lý trí lùi bước. Trong khi đó, đạo Phật được biết đến
là tôn giáo của lý trí; “chỉ có trí tuệ
là sự nghiệp” là phương châm của người học Phật, vậy niềm tin trong đạo
Phật là niềm tin gì? Liệu niềm tin ấy có đi ngược lại với lý trí không? niềm tin và lý trí cùng đồng hành trong đạo Phật không? Tôi đi tìm lời
giải đáp cho những thắc mắc trên qua bài viết này.
Khi tìm hiểu về một đề
tài không mới này, tôi vẫn ngạc nhiên đến thú vị với quan điểm đậm chất nhân
văn của đức Phật về niềm tin khi Ngài chủ trương niềm tin phải đặt trên nền tảng
của lý trí, “đến để mà thấy” (Trung bộ kinh số 7: Kinh ví dụ tấm vải; số 38: Đại kinh đoạn
tận ái), chứ không phải đến để mà tin. Trong phạm vi bài viết này, tôi
chỉ bàn về vấn đề niềm tin trong giáo pháp của đức Phật được thể hiện qua kinh
điển như là một quan điểm sống của đức Phật và tăng đoàn thời Phật chứ không phải
bàn đến niềm tin trong tín ngưỡng Phật giáo khi hòa nhập cùng văn hóa bản địa
trên con đường du nhập và phát triển của đạo Phật qua nhiều vùng miền văn hóa
xã hội khác nhau.Đối tượng của niềm tin
Đối tượng niềm tin trong đạo Phật không mang dáng dấp của thần linh, thượng đế dưới nhiều hình thức khác nhau, mong cầu tìm kiếm cho mình một nơi nương tựa che chở, mà niềm tin chủ yếu là tin vào bản thân. Trong đạo Phật, vẫn có niềm tin vào các yếu tố bên ngoài như tin Phật là bậc giác ngộ, tin Pháp là con đường sáng, tin vào thiện tâm vốn có ở mỗi con người… nhưng không phải tin để mong được che chở, để cầu nguyện các thần linh hộ trì hoặc làm thay phần việc của mình, hay ‘góp sức” với mình trong cuộc sống, mà đây chỉ là những phương tiện hỗ trợ, như ngón tay chỉ trăng để tìm về con đường tin tưởng và nương tựa tự thân mà thôi. Như vậy, chỉ có niềm tin trong đạo Phật mới thật sự đặc biệt, tỷ lệ thuận với lý trí (lý trí càng nhiều, tin càng nhiều) chứ không phải tỷ lệ nghịch (lý trí càng ít, niềm tin càng nhiều) như thường thấy ở các hình thức tín ngưỡng khác. Giáo sư Lakshmi Nasara viết trong cuốn “Essence of Buddhism (Tinh Hoa của Phật giáo)” rằng: “Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình”. Lời phát biểu của Lakshmi tái khẳng định rằng, niềm tin song hành cùng lý trí mới là niềm tin trong đạo Phật. Niềm tin trong chánh kiến, tin với lý trí ấy được Đức Phật từng tuyên bố “Này các Tỷ kheo, có hai hạng người xuyên tạc Như lai. Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận hay người có lòng tin với tà kiến. Đây là hai hạng người xuyên tạc Như lai”. (Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm 3, kinh số 22)
Niềm tin vào chính mình là yếu
tố đầu tiên cần thiết cho mọi cuộc hành trình, đời cũng như đạo. Niềm tin được đặt vào đầu chặng đường tu tập
như là điều kiện tiên quyết cho những giai đoạn tiếp theo. Niềm tin là điểm khởi
đầu, vì những ý tưởng trong hiện tại vẫn còn ở dạng tiềm năng, quá trình biến
nó thành hiện thực là một chặng đường dài và niềm tin là chất liệu định hướng
ban đầu và chất xúc tác cho suốt quá trình thực hiện ấy. Có niềm tin, ta sẽ làm
được nhiều việc tưởng chừng không thể. Vào một lúc nào đó trong cuộc sống, ta
có thể đánh mất tất cả; tiền tài, danh vọng, địa vị, gia đình, bè bạn... nhưng
tuyệt đối có một thứ mà ta đừng bao giờ đánh mất và hãy luôn luôn mang nó bên
mình: đó là niềm tin. Niềm tin là bệ phóng để chúng ta hoạch định kế hoạch cho
cuộc sống và từng bước thực thi kế hoạch của mình. Có niềm tin, ta sẽ có một chỗ
nương tựa để chúng ta phấn đấu, thậm chí có thể lấy lại được những gì đã mất.
Có niềm tin, ta sẽ có cuộc sống vui vẻ, hài lòng và hạnh phúc hơn. Không có niềm
tin thì ta sẽ như con thuyền không người lái. Nó sẽ chơi vơi và trôi theo dòng
mà không định hướng tương lai.
Trở lại với lời dạy đức Phật được ghi lại trong kinh điển, ta thử xem Ngài dạy ta tin gì, tin như thế nào để tinh thần và tâm linh ta luôn được nâng đỡ, luôn có điểm “tựa” vững chãi để có thể đưa cỗ xe thân-tâm vận hành tốt trên các tuyến đường “giao thông” cuộc đời:
Tin vào sự nỗ lực và thành tựu của đức Phật
Bằng
nỗ lực tự thân, đức Phật đã thành tựu giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc, bức
bách, khổ đau. Sự thành tựu của Ngài như một mẫu người thành công trên lộ trình
chuyển hóa đáng cho chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng. Trong Tương Ưng bộ kinh, tập II, chương I, phẩm V, Đức Phật dạy: “Vị Thánh đệ tử có lòng tin, đặt lòng tin ở sự
giác ngộ của Như Lai: Đây là Thế Tôn, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân
Sư, Phật”. Nếu vững tin rằng đức Phật là người tiên phong tự khai vẹt ra
con đường giữa rừng rậm tà kiến của hằng trăm triết thuyết trong xứ Ấn Độ thời
bấy giờ, nỗ lực một cách đúng phương pháp và có nghệ thuật, Ngài đã thành tựu
quả vị giác ngộ. Với tâm từ muốn giúp mọi người, mọi loài đều có được lợi lạc từ
việc thực hành những phương pháp này, Ngài dốc tâm truyền trao giáo pháp giải
thoát cho bao người còn đắm chìm trong đêm tối khổ đau. Nếu ta đủ niềm tin về sự
thành tựu đạo quả của đức Phật là kết quả của một quá trình phấn đấu và chuyển
hóa, ta bắt đầu hướng về Ngài như một vị thầy xứng đáng để tin tưởng. Tin theo những
phương cách chuyển hóa nội tâm Ngài thực hành và đã thành công, theo sự hướng dẫn
ấy, những ai dốc sức hành trì thì sẽ đạt được kết quả giải thoát như Ngài.
Trong kinh đức Phật dạy,
muốn tiếp cận một người nào để có thể học hỏi thì điều kiện cần thiết đầu tiên
là phải đặt niềm tin trọn vẹn vào người thầy đó (Trung bộ kinh số
95: Kinh Canki). Người Phật
tử tin tưởng vào đức Phật cũng như người chưa quen đường đặt trọn niềm tin tưởng
vào người dẫn đường, tức là người đã đi trước, đã đi đến đích an toàn trên con
đường ấy và chỉ dẫn cho những người theo sau. Đức Phật không phải là một vị thần
thánh coi trọng thần thông biến hóa và phép lực vô biên, mà là một con người
tiên phong đã quyết tâm đi tìm con đường giải thoát, và đã đạt được giác ngộ bằng
sự nỗ lực đúng cách của chính mình. Trong suốt cuộc đời hoằng hóa, Ngài
không mệt mỏi chỉ dẫn cho tất cả những ai muốn đi theo con đường ấy. Sau khi Phật
nhập diệt, giáo pháp giải thoát được lưu truyền qua bao thế hệ tiếp tục sứ mạng
dẫn đường thay Ngài. Do đó, trong tất cả những danh hiệu của ngài, có lẽ gọi
Ngài là “bậc Đạo Sư” là chính xác và thích hợp hơn cả.
Dĩ nhiên,
người đi đường phải đặt sự tin tưởng, lòng tin cậy ở người dẫn đường, bởi vì
lần đầu tiên đi trên con đường này, cũng như một người mắt kém đi trong bóng
tối, lỡ có khi sai bước sẩy chân, thì có thể té ngã bất cứ lúc nào, do đó lúc
đầu phải vững lòng tin vào người dẫn đường sau khi có sự thẩm định cẩn trọng.
Rồi dần dần, bằng kinh nghiệm bản thân, người đi đường sẽ tự mình nhìn rõ lối
đi và không còn phụ thuộc vào người dẫn đường. Lúc ấy, niềm tin ở
người dẫn đường chuyển thành niềm tin vào chính bản thân họ vậy.
Lấy
một ví dụ hình tượng nữa để làm rõ thêm ý này. Trong vòng luân hồi sanh tử, mọi
chúng sanh đều trải nghiệm khổ đau như một đoàn lữ hành đang đi qua sa mạc nóng
cháy, khát nước vô cùng. Đức Phật như người không cam chịu nỗi bức bách của cơn
khát, liền tiên phong đi tìm nước. Ngài nỗ lực, miệt mài, không chán nghỉ, cuối
cùng tìm được nguồn nước. Ngài uống dòng nước mát, giải tỏa cơn khát, trở nên
khoan khoái, dễ chịu, toàn thân thấm nhuần hạnh phúc vô biên. Nghĩ đến người
khác, với lòng thương tưởng họ và mong ai cũng được hạnh phúc, không để cơn
khát chế ngự, thế là Ngài đem nước về cho những người khác trong đoàn lữ hành,
và bảo họ đây là nước uống, hãy uống đi cho hết khát. Nếu những người lữ hành ấy đủ niềm tin vào
Ngài, uống nước, sẽ hết khát. Chỉ khi nào tự thân mỗi người uống thì mới giải quyết được vấn đề
thống khổ của cơn khát. Tương tự như vậy, Ngài đã tìm ra phương cách để cởi
trói, để tự tại, đạt đến hạnh phúc tối thượng và tận tâm tận lực chỉ dạy các
phương pháp ấy cho nhân loại. Công việc của mỗi người là nếu tin theo Ngài, thì
tự thực hành để được kết quả như Ngài. Như vậy, tin Phật chỉ là phương tiện để
đưa ta đến tự tin vào chính bản thân mình vậy.
Để
dần đến chỗ tự tin vào bản thân mình, tin vị thầy hướng dẫn tinh thần và tâm
linh là điểm khởi đầu vô cùng quan trọng, vì một người đi đúng đường mới có đủ
khả năng hướng dẫn người khác đi đúng đường. Do đó, khi Ngài dạy các đệ tử,
Ngài dạy hãy đánh giá cẩn thận vị đạo sư trước khi tin vị ấy, xem có triển vọng
nào dẫn tới chân lý trong sự dạy dỗ của họ hay không, và cho đến động cơ giảng
dạy của thầy có trong sáng hay không, có bị tham lam, sân giận và vô mình che mờ
hay không. Thật hạnh phúc khi đức Phật đầy đủ những phẩm hạnh tuyệt vời của người
chỉ lối. Ở một bài kinh, Ngài tuyên bố, trong khi các bậc Đạo Sư khác, đời
sống đạo đức không thanh tịnh, phương tiện nuôi mạng sống không thanh tịnh,
thuyết pháp không thanh tịnh, trả lời pháp không thanh tịnh, tri kiến không
thanh tịnh, thời đức Phật thật là tuyệt diệu về cả năm phương diện này (Tăng
Chi bộ kinh, chương Năm pháp, phẩm X, kinh số 100).
Trọn
niềm tin vào đức Phật, nghĩa là ta dành trọn vẹn sự tự tin vào bản thân mình, phát huy tất cả tiềm năng, tiềm lực từ đòn bẩy niềm tin để phấn chấn hơn trên
con đường thực hành pháp, đem lại cuộc sống an vui đích thực cho mình.
Tin vào hiệu quả của việc thực hành pháp
Tâm lý thường tình
của con người là cần một điểm tựa về tinh thần. Nếu điểm tựa không vững chắc và
an toàn, ta trở nên hụt hẫng và thất vọng, khổ đau lâu dài, không có được an
vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Lời đức Phật dạy được ghi lại trong Kinh Pháp cú rằng “con người kinh hãi đi tìm nương tựa ở nhiều nơi - đồi núi, rừng, vườn,
cây cối, và đền miếu. Không, đó không
phải là nương tựa an toàn, không phải nương tựa tối thượng. Nương tựa như vậy
không thể thoát ra khỏi phiền não” (câu 188-189). Nếu khôn
ngoan, sáng suốt dùng lý trí (mà trong kinh gọi là tri kiến chơn chánh) thẩm
định đối tượng rồi mới đặt niềm tin chọn làm nơi nương tựa, để từ điểm tựa ấy,
ta biết kiến tạo đời sống bình an, hạnh phúc cho mình. Thẩm định tính hiệu quả
trước khi tin là điều cần thiết vậy. Ở những câu tiếp trong Pháp cú, đức Phật dạy “người đi tìm nương tựa nơi đức Phật, giáo
Pháp và Tăng già, có tri kiến chơn chánh để nhận thức Tứ đế - Khổ, nguồn khổ,
vượt khỏi khổ, và Bát chánh đạo, dẫn đến sự Diệt khổ. Ðó quả thật là nương tựa an toàn. Ðó quả thật là nương
tựa tối thượng. Tìm đến các nương tựa ấy ắt thoát ra khỏi mọi phiền não” (Câu 190,
191, 192).
Đức Phật
khẳng định tin vào đức Phật, giáo Pháp và Tăng già, tin vào bốn chân lý cao
thượng: sự thật khổ đau, nguyên nhân khổ đau, sự vượt thoát khổ đau và bát
chánh đạo như là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, hành giả có được điểm
tựa an toàn để tự xây dựng hành trình cuộc sống an vui, hạnh phúc cho tự thân. Tin vào
hiệu quả của việc thực hành pháp được biểu hiện ở hai phương diện: những lời
dạy của đức Phật là những phương pháp thực hành hiệu quả (tin Pháp) và các thế
hệ đệ tử xuất gia của Phật, những người dành trọn cuộc đời áp dụng các phương
pháp này và đã có hiệu quả (tin Tăng), là những minh chứng thực tế cho việc ứng
dụng những phương pháp giải quyết sanh tử khổ đau. Niềm tin vào chánh pháp và
tăng đoàn củng cố và hỗ trợ cho niềm tin vào đức Phật như một người mở đường tuyệt
vời. Do vậy, những ai tin tưởng vào Ngài cùng những lời hướng dẫn từ Ngài thì
sẽ hưởng được hạnh phúc, an lạc lâu dài (Trung bộ kinh số 34: Tiểu kinh người chăn bò).
Cho đến ngày nay gần hai ngàn sáu trăm
năm, giáo pháp giác ngộ vẫn tồn tại, phát triển, và luôn thích ứng với mọi hoàn
cảnh, mọi thời đại, đem lại lợi ích thiết thức cho tất cả mọi người thực hành
theo đủ chứng tỏ giáo pháp là đối tượng niềm tin của bao người. Đây là sự “bảo
hành” lâu dài của giáo pháp nếu chúng ta tiếp cận, tiếp nhận và sử dụng pháp
đúng cách. Ví như sử dụng một món hàng hóa nào đó đúng theo sự hướng dẫn kèm
theo sản phẩm, thì món hàng ấy được sử dụng lâu dài hơn cả thời gian bảo hành
ghi trên sản phẩm. Giáo pháp của đức Phật được Ngài đảm bảo là “đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài” nếu
ta thực hành đúng theo lời Ngài dạy (Trung bộ kinh số 22: Kinh ví dụ con rắn).
Bao thế hệ đệ tử xuất gia của Phật đã thực hành thành công, có đời sống gương mẫu về nhân cách đạo đức, tự
tại thong dong hạnh phúc sống giữa cuộc đời là minh chứng hùng hồn đủ cho ta
niềm tin vững chắc.
Thành lập một tập thể gương mẫu có
khả năng ứng dụng tốt những hướng dẫn của đức Phật và với tâm nguyện nhân rộng
mô hình này ra trong xã hội để góp phần xua đi niềm tin tà kiến, thiết lập niềm
tin chánh kiến là mục đích của đức Phật. Khi ác ma khuyến khích đức Phật nhập
diệt, Ngài trả lời “Ta sẽ không diệt độ
khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những vị đệ tử chân chánh, sáng
suốt, có kỷ luật, sẵn sàng, đa văn, duy trì Chánh pháp, thành tựu Chánh pháp và
tùy pháp, sống chân chánh, sống theo Chánh pháp, sau khi học hỏi giáo lý, chưa
có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích, và giải
thích rõ ràng Chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên chưa có thể chất vấn và hàng
phục một cách khéo léo, chưa có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”. (Đại
bát Niết bàn, Trường bộ kinh số 16).
Lời tuyên bố này cho thấy đức Phật rất
tâm huyết để duy trì chánh pháp ở đời. Nỗ lực của Ngài là xua tan tà, xây dựng
chánh và mọi điều chánh đều xuất phát từ niềm tin chân chánh. Tin vào Phật là
một bậc chỉ đường tối thượng, tin vào giáo pháp của Phật là những phương cách
hiệu quả nhất để đưa đến an lạc, hạnh phúc tối thượng, tin vào tăng là người
thành công theo con đường chỉ dẫn của Phật, mỗi người chúng ta ứng dụng những kỹ năng sống an lạc bằng nỗ lực tự thân, chắc chắn sẽ có kết quả
tốt đẹp. Như vậy, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng là chiếc cầu nối đưa
ta về tin tưởng vào sự nỗ lực đúng cách của tự thân.
Tin vào thiện tâm vốn có của mỗi người
Niềm
tin, không phải tự nhiên mà có, mà là kết tinh của một tâm hồn trong sáng, một
nhận thức tích cực về con người và thế giới sống động quanh ta. Trong cuộc sống,
khi ta gặp năm, ba người chưa tốt, đừng vội nản lòng và mất niềm tin vào con
người và cuộc sống nếu bản thân ta đủ tốt. Con người thường lấy lòng mình mà đo
lòng thiên hạ, nếu mình tốt, mình tin rằng thiên hạ cũng có nhiều người tốt. Tin
vào sự thiện lành tồn tại trên thế gian là cách làm tăng thêm niềm tin vào sự
thiện lành của bản thân mình với niềm tin kiên cố nhất. Hãy tự nhắc mình rằng “nhân chi sơ, tánh bổn thiện...”. Mỗi người
đều có hạt giống thiện, ta cũng có hạt giống thiện, hãy tạo môi trường tốt nhất
để hạt giống thiện trong lòng ta nảy mầm, tiếp tục chăm bón cho nó trưởng
thành. Hãy vững tin điều này.
Hạt giống thiện ở mức
độ sâu cạn khác nhau trong tâm thức mỗi người. Với những ai có hạt giống thiện
lành nhiều và đã được nuôi dưỡng đúng cách để chúng phát triển, ta dễ dàng nhận
thấy những biểu hiện thiện lành này thông qua việc làm, lời nói và động cơ đằng
sau những việc làm của họ. Người như thế giống hoa sen đã ngoi lên khỏi mặt nước,
tỏa hương ngạt ngào. Còn ai chưa có biểu hiển rõ ràng của tâm thiện lành, không
có nghĩa họ không có hạt giống thiện trong tâm mà chúng đang còn chìm sâu trong
tâm thức, như sen vẫn còn chôn trong bùn vậy. Đức Phật thấy rõ điều này và đã
nhiều lần tuyên bố như một lời động viên, khích lệ các đệ tử trong các bài pháp được ghi
lại trong kinh rằng “Ta nhìn quanh thế giới.
Này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời,
nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có
hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới
khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen
hồng hay hồ sen trắng có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt
lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số sanh ra dưới nước, lớn
lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số sanh ra dưới nước, lớn lên
dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt” (Trung
bộ kinh số 26: Kinh Thánh Cầu; Tương ưng bộ kinh Tập I, chương VI, phẩm 1, kinh
số 1: Thỉnh cầu).
Chính
vì tin chắc là có những mầm chồi như thế, đức Phật đã không mệt mỏi trên con đường
giúp mọi người đánh thức những hạt giống này trong tâm mỗi người “cựa mình” thức
giấc để chuyển động nảy mầm, vươn lên khỏi nước. Chính vì tin chắc có những mầm
chồi này, ngay từ khi thiết lập tăng đoàn với 60 người đầu tiên, đức Phật đã
khuyến hóa các đệ tử Ngài hãy nỗ lực ra đi hoằng truyền chánh pháp, chia nhau
mà tỏa ra các hướng, hai người không đi chung một hướng, để đánh thức quần sanh
(Đại
Phẩm 19-20, Luật tạng; Tương ưng bộ kinh Tập I, chương IV, phẩm I, kinh số 5: Bẫy
sập). Chính vì tin chắc là có những
mầm chồi này trong tâm mình, ta mới dồn công sức và tâm huyết để nỗ lực hành
trì phát huy chúng. Và đây, một lần nữa củng cố niềm tin vào chính bản thân vậy.
Tin
vào những hạt giống thiện lành, chưa hiện thì ẩn, ở mỗi con người, ta có cơ hội
nuôi dưỡng tâm từ bi đối với mọi người và với chính bản thân mình. Như bất cứ hạt
mầm nào cũng cần môi trường phù hợp về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ… để sinh trưởng; cũng như thế, tâm bao dung, cảm thông, thấu hiểu của tâm từ là môi trường lý tưởng để hạt
giống thiện nảy mầm và sinh trưởng. Ta có đủ cơ sở để tin rằng bất cứ người
nào, dù là bị gắn cho nhãn là “người ác” vẫn có cơ hội làm mới mình, chuyển hóa
tích cực trong tâm thức và từ đó gây ảnh hưởng tích cực đến môi trường xung
quanh. Dù có những lúc thiếu chánh niệm, ta mắc phải lỗi lầm, ta vẫn đủ bao
dung cho mình cơ hội sửa lỗi sau khi cảm thấy hổ thẹn với những vụng về mình vừa
gây tạo. Sự chuyển hóa là một quá trình diễn tiến thường xuyên trong dòng sống,
nên không thể định danh “người thiện”, “người ác” mà chỉ có hành động thiện và
ác. Nếu dụng công và nỗ lực đúng cách, lấy những hạt mầm thiện làm điểm khởi đầu,
ta sẽ chuyển hóa tâm mình dần thanh tịnh hơn, thiện lành
hơn. Như vậy, niềm tin vào hạt giống thiện có trong mỗi người và niềm tin ở
chính bản thân mình hòa quyện làm một trong quá trình sống và hành trì chứ
không thể tách ra như hai yếu tố độc lập và đây là điều kỳ diệu của niềm tin có
lý trí. Người vững niềm tin vào các pháp thiện lành rồi thì không còn phải lo, có
thể tự lực trên con đường đã chọn, còn người chưa vững niềm tin được xem như
chưa đủ trưởng thành để có thể tự đi một mình và cần một người thầy dìu dắt. Đức
Phật dạy “khi nào vị Tỷ-kheo chưa gây được
lòng tin đối với các thiện pháp thì người thầy phải bảo hộ, giám sát người ấy
trên con đường học” (Tăng chi bộ kinh, chương V, phẩm 1, kinh số
7).
Tự tin vào khả năng chuyển hóa chính mình
Chúng ta
thỉnh thoảng nghe vài người nói, “mất niềm tin vào con người, mất niềm tin vào
cuộc sống” khi họ rơi vào tâm trạng hoang mang, mất phương hướng. Điều này mới
nghe qua, tưởng chừng có lý, nhưng xét cho cùng, tại sao ta lại phải mất niềm
tin vào các yếu tố bên ngoài để rồi phải lệ thuộc, giao nộp cảm xúc, tâm trạng
và có khi cả cuộc sống mình cho các yếu tố này chi phối và định đoạt? Còn một
nguồn có thể cho ta niềm tin không bao giờ cạn, đó là bản thân mình, tại sao ta
lại lãng quên điều này để rồi phải chệch choạng khi điểm tựa bên ngoài lung
lay, bật gốc?
Chúng ta té ngã không phải vì yếu mà
vì chúng ta không tin rằng ta đủ mạnh. Tin vào một điều gì đó tốt đẹp hơn, có
thể xảy ra trong tương lai, với những nỗ lực không mệt mỏi để biến những điều
đó thành hiện thực là con đường đi của những người thành công. Niềm tin vào bản
thân có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Trong Tương ưng bộ kinh (Tập I, chương VII, phẩm II, kinh
Cày ruộng), niềm tin được ví
như hạt giống, mang theo tiềm năng, tiềm lực, hy vọng và niềm hăng say, là động
lực hành động cho mỗi cá nhân. Niềm tin là tài sản tối thượng của mỗi
con người (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương X, phẩm XII). Đây là một trong năm nền tảng tâm linh, là một thuộc tính tâm lý tích cực, trong sáng để nuôi dưỡng
ý chí, thiện chí và nghị lực và quyết tâm của con người. Khi niềm tin là chất
liệu tan chảy, hòa quyện trong con người, thấm vào máu vào xương ta thì khi ấy,
niềm tin có sức mạnh vô cùng. Nó đẩy chúng ta đi tới, hiện thực hóa những ý
tưởng và mơ ước của mình.
Trong 37 pháp tu hỗ trợ cho tiến trình thành tựu đạo
quả mà trong kinh gọi là “ 37 phẩm trợ đạo”, niềm tin được xem như một
pháp tu, một trong năm yếu tố tâm lý căn bản thống trị và kiểm soát tâm (ngũ
căn) và là một trong năm yếu tố có sức mạnh, quyền lực (ngũ lực) để chuyển hóa
tâm. Chính sức mạnh của niềm tin đã giúp hành
giả trong quá trình hành trì luôn tinh tấn, kiên trì không lười mỏi. Đức Phật
từng nhắc nhở “các con phải tự nỗ lực
thực hành pháp, đức Như Lai chỉ là người dẫn đường” (Kinh Pháp cú, câu 276). Một
đoạn trong kinh Đại bát Niết bàn (Trường bộ kinh số 16) có ghi lại
việc Đức Phật dặn dò Ananda phải luôn sống trong Chánh Pháp, nương dựa nơi
Chánh Pháp, tự nương tựa mình, không nương dựa ai khác. Tự mình là ngọn đèn cho chính mình (cũng có thể hiểu tự mình là hòn đảo cho
chính mình nương tựa; vì từ dīpa trong tiếng Pāli có nghĩa là ngọn đèn, cũng có
nghĩa là hòn đảo). Điều này hầu như đã trở nên một phương châm sống tự tin phổ cập
toàn cầu. Các danh nhân thế giới như tác gia về khoa học ảo tưởng H. G. Wells,
triết gia Đức Schopenhauer, triết gia Pháp Bertrand Russell, triết gia Anh
Aldous Huxley, khoa học gia Einstein, văn hào Pháp Anatole France, đại tướng
Ian Hamilton, thủ tướng Winston Churchill, học giả kiêm tổng thống S.
Radhakrishnan, v.v. đều trân trọng xem đây là lời điểm đạo cho chính họ để xác
nhận tầm quan trọng của niềm tin vào chính mình.
Niềm tin
thể hiện điều chúng ta tâm niệm, định hướng và nó được tự kỷ ám thị liên tục,
có tác dụng thúc đẩy chúng ta đi theo một hướng nhất định với niềm đam mê và quyết
tâm cao. Vì thế mà nó có năng lực mãnh liệt. Nếu chưa đi thi mà nghĩ mình rớt,
tốt nhất không nên đi thi. Nhiều người không tin điều này cho đến khi tự thân
họ có trải nghiệm thực tế. Trên phương diện lý thuyết, ta thấy khó tin được, hễ
ta nghĩ, ta tin điều gì thì nó thành tựu, không tin thì không thành tựu sao? Sao
có vẻ mê tín thế? Thật ra, những ai từng có niềm tin chân chánh và phấn đấu cho
niềm tin của mình điều hiểu không đơn giản như vậy. Ở đây, tin là một trong
những yếu tố tham gia vào tiến trình diễn biến tâm lý trong một chuỗi các phản
ứng tâm lý phức hợp diễn ra trong ta. Niềm tin trong đạo Phật không phải là một
yếu tố có thể tồn tại riêng lẻ, nên khi tin vào chính mình, sẽ không thể có tin
suông. Niềm tin sẽ gắn kết với những suy nghĩ, định hướng, ý chí, nghị lực để
thực hiện điều ấy. Niềm tin là viên gạch đầu tiên và đồng hành trong suốt cuộc
hành trình để xây dựng mọi tòa nhà thành công lớn nhỏ. Hãy khắc ghi lời dạy của
đức Phật rằng “hãy nương tựa vào chính
mình, đừng nương tựa nơi nào khác. Người khéo điều phục mình, sẽ có nơi nương
tựa vững chắc mà ta không thể tìm được ở một nơi nào khác” (Pháp
cú câu 160).
Tin vào sự trải nghiệm tự thân
Một
trong những nguyên tắc quan trọng trong Phật Giáo là chân lý có thể được biết
và thẩm định thông qua sự quan sát, thấm nhuần bằng kinh nghiệm trực tiếp. Thí
dụ nhìn lại Kinh Kalama, người Kalama được Ðức Phật khuyên giảng không nên đơn
giản tin vào mọi nguồn đem lại thông tin từ bên ngoài, dù đó là do ai nói ra, từ
truyền thống, truyền thuyết, từ kinh điển, hoặc từ sự suy luận thiếu cơ sở và
căn cứ… Đừng để uy quyền bên ngoài chi phối và làm lệch lạc đi sự thẩm định thuần
túy và nguyên thủy của bản thân. Đừng để “vị nể” xen vào trong nhận thức để
đánh mất đi tính trung thực cần thiết của vấn đề. Ngài khuyên chúng ta chỉ nên tin
vào chính sự thẩm định của mình qua kinh nghiệm tự thân, so với kinh nghiệm cá nhân của người trí làm quy chuẩn, rằng điều nào thiện lành, tốt đẹp thì hãy phát triển những điều ấy để đem lại lợi ích cho mình và cho người,
những điều nào mình thấy xấu ác, sai dở thì loại bỏ đi. (Kinh Kalama,
Tăng Chi Bộ kinh, chương III, phẩm VII, kinh số 65).
Nhìn
vào cuộc đời Ðức Phật, chúng ta có thể thấy pháp quán chiếu kinh nghiệm bản
thân này được Ngài ứng dụng trong suốt quá trình tu tập của chính Ngài. Khi rời cung điện tìm giác
ngộ, Ngài đã thực hành các phuơng pháp tu tập thời bấy giờ: tu khổ hạnh, các
hình thức thiền nhập định phổ biến thời bấy giờ rồi từ đó, rút ra kinh nghiệm
quý báu, điều chỉnh cách hành trì. Cả đến khi Ngài sống trong rừng, Ngài thực
hành tất cả các phương cách thí nghiệm. Thí dụ, Ngài kể khi Ngài đã sống một
mình trong rừng hoang như thế nào, do đó Ngài thể thử nghiệm sự sợ hãi. Trong
đêm khuya, một cành cây gãy khiến cho bất cứ ai cũng có thể sợ hãi. Ðức Phật
luôn luôn tìm hiểu những nguyên nhân gây sợ hãi. Dù trong bất cứ trạng huống
nào, Ngài cũng vẫn giữ nguyên tư thế bình tĩnh cho đến khi vượt qua trạng huống
đó (Trung
bộ kinh số 4: Kinh sợ hãi và khiếp đảm). Ða số thường chạy trốn khi sợ
hãi! Ðức Phật không phản ứng như vậy, Ngài ở đó cho đến khi Ngài vượt qua khó khăn ấy. Một
thí dụ khác, sự thí nghiệm của Ðức Phật với tư tưởng tốt và xấu. Ngài thí nghiệm
với tư duy của Ngài cho đến khi có thể làm các tư tưởng không tốt lắng xuống (Trung
bộ kinh số 19: Kinh Song Tầm). Cứ thế, đức Phật dùng phương pháp chứng
nghiệm bản thân suốt trong quá trình tu tập của Ngài.
Mỗi
người chúng ta cũng vậy, tin Phật thôi chưa đủ, tin Pháp cũng chỉ cho ta phương
cách hành trì, tin tăng cũng chỉ cho ta những gương thành công khi tin theo Phật
và thực hành theo Pháp. Tất cả những đối tượng của niềm tin này cho ta năng lượng
để đặt niềm tin vào bản thân, dốc tâm thực hành, dần điều chỉnh cho tốt hơn và
hiệu quả hơn nhờ vào quy trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học vừa tu, vừa
đi vừa tới. Trong sự trải nghiệm ấy, có khi ta thất bại, ngay cả đức Phật cũng
đã từng thất bại trước khi thành công đó thôi. Điều quan trọng là ta làm gì sau
mỗi lần thất bại. Nếu nhụt chí, mất niềm tin, hoang mang và không còn muốn phấn
đấu thì ta đã thất bại “toàn tập” ngay từ đầu rồi. Nếu sau một lần té ngã, ta
chống đất đứng dậy ngay từ nơi mình ngã, rút kinh nghiệm để không trượt dài
trên vết trượt cũ thì sự trải nghiệm tự thân đóng một vai trò vô cùng quan trọng
trong thành công của đời mình.
Không
ai trải thảm đỏ cho mình bước lên mà con đường của mỗi một người là do mỗi cá
nhân tự bước trên đôi chân của chính mình với những bước đi thận trọng nhưng đầy
quyết tâm. Phải có niềm tin lớn, nghị lực lớn cùng sự quyết đoán lớn mới có thể
tiến bộ mỗi ngày và dần về đích. Dám nhìn nhận sai lầm và rút ra nhiều bài học
quý từ những sai lầm của mình là điều cần thiết để gia cố niềm tự tin ở mỗi người
vậy.
Tin vào sự vận hành của các quy luật khách quan
Với tuệ
giác của một bậc giác ngộ, đức Phật đã chỉ rõ cả thế giới, vũ trụ này đều vận
hành theo quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con
người. Thông thường, nhận thức chủ
quan luôn luôn đi theo cách mà người ta muốn sự vật là như thế, tức là như họ
nghĩ mà không như chúng thực sự diễn ra. Họ không thấy sự vật vận động theo quy
luật của nó vì mê mờ, nhầm lẫn, tham lam, thành kiến và quan niệm sai lầm. Một số
người kịp nhận ra điều này bắt đầu học được niềm tin chân chánh khi không in
bóng chủ quan và cảm tính của mình lên các quy luật khách quan và tạo khuôn mẫu
muốn chúng vận hành theo ý mình.
Tuy không “điều khiển” được guồng máy các quy luật tự nhiên vì nó vận hành khách quan, song ta có quyền thay đổi ngay lúc tạo
nguyên vật liệu cho guồng máy này làm việc. Ví dụ trong quy luật nhân-quả, một
nhân xấu khi đã tạo rồi thì ta không thể can thiệp để thay đổi tính chất của
quả khổ đau tương ứng từ nhân này, nhưng ta hoàn toàn có quyền can thiệp ở giai
đoạn phôi thai của tiến trình, là giai đoạn nạp nguồn, tức là tác ý tạo nhân.
Ta tạo nhân tốt, thay vì nhân xấu, là góp phần điều chỉnh hướng đi của quy luật
nhân quả và nghiệp báo để có quả hạnh phúc vậy. Trên cơ sở này, chúng ta nhận
ra ngay chính bản thân mình là nơi nương tựa, là nơi quyết định sự thay đổi
trên cơ sở tin vào sự vận hành khách quan của các quy luật chi phối cuộc sống. Những
quy luật vận hành vũ trụ như nghiệp, nhân quả, duyên khởi được đức Phật nhắc đi
nhắc lại nhiều lần trong các bài pháp của Ngài khuyến cáo chúng ta biết tác
động đúng cách, đúng thời nếu muốn can thiệp vào sự thay đổi kết quả theo chiều hướng tích cực. Ngài nói rõ, hễ mình gieo nhân gì thì chính mình sẽ
nhận lấy kết quả tương ứng của nó. Nên nhớ rằng không có một tha nhân hay một thế lực vô
hình nào trên thế gian này có thể thay nhân đổi quả của người khác được mà chỉ
có mình mới có thể lèo lái con thuyền định mệnh của chính mình mà thôi. Con người
không cần phải cầu nguyện, van xin để chư Phật độ cái này, thưởng cái kia vì có
van xin cầu nguyện cũng không bao giờ được, bởi vì nó đi ngược với luật nhân quả.
Chỉ có tự mình mới có quyền quyết định hành trình của bản thân. Vậy không tin
vào bản thân mình thì còn biết tin ai?
Mỗi con
người là kiến trúc sư của đời mình. Với thân-tâm như là những nguyên vật liệu
thô ta thừa hưởng từ nhiều kiếp trước, ta có thể sử dụng tất cả những thứ này
để xây dựng ngôi nhà cuộc đời. Trong quá trình xây dựng này, tự tin vào khả
năng, nhận thức, ý chí và nghị lực của bản thân đóng vai trò vô cùng quan trọng
nhằm kích hoạt tất cả tiềm năng mình có để sử dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có
một cách hiệu quả nhất. Một hình ảnh khác, thân-tâm này là một cỗ xe, còn điều
khiển cỗ xe này về hướng nào, đến đích nào phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Vì
lẽ đó, mỗi cá nhân không chỉ là người thừa tự của nghiệp mà còn là chủ nhân của
nghiệp (Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm VI, kinh số 57 : Sự kiên cần
phải quán ; Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 161: Trừ khử
hiềm hận). Đến đây, ta còn trông chờ vào ai, tin tưởng vào ai mà không
tin tưởng, nương tựa vào chính mình để quyết định nguồn nguyên vật liệu nào cần
nạp vào cho guồng máy này vận hành theo ý muốn? Đầu vào (input) tốt thì hứa hẹn
đầu ra (output) tốt; nếu ta đủ niềm tin, sáng suốt và nỗ lực không ngừng, ta có
thể góp phần điều hướng tiến trình vận hành của các quy luật khách quan.
Như
vậy, niềm tin trong đạo Phật chung quy là tự tin vào chính bản thân mình. Đức
Phật xác định đây là tài sản quý báu nhất, cao thượng nhất của mỗi con người (Tương
ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm VIII, kinh só 3: Tài sản).Với sự soi
rọi của lý trí, các đối tượng khác của niềm tin như đức Phật, giáo Pháp, những
người đã thành tựu nhờ thực hành giáo pháp, bản chất thiện lành vốn có ở mỗi người,
khả năng tự chuyển hóa nội tâm ở mỗi cá nhân và những trải nghiệm quý báu trong
cuộc đời và sự vận hành khách quan của các quy luật là những hỗ trợ cần thiết
đưa mỗi người về với niềm tin tự thân vậy. Trong Phật giáo, lý trí không phải
là “khắc tinh” của niềm tin mà là bạn tri kỷ đồng hành cùng niềm tin trong từng
bước đi suốt cuộc hành trình. Đây là điểm vô cùng đặc biệt và khác biệt giữa niềm
tin trong Phật giáo và niềm tin của các tín ngưỡng tôn giáo khác.