Hằng năm, ngày 30 Tết, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tất bật, đúng nghĩa là Tết đã vào đến sân. Ngoài việc làm mới và làm đẹp nhà cửa, chúng tôi làm mới mình với những lời tự hứa “sang năm mới, mình sẽ thế này, sẽ không thế kia..” như thể ‘năm mới’ còn xa lắm. Thật ra, ngủ một đêm, mở mắt ra đã là năm mới. Không khí rộn rịp ở quê trong mấy ngày giáp Tết đã truyền cảm hứng cho những đứa trẻ như chúng tôi cũng có tâm thế chuẩn bị chào đón một sự kiện trọng đại và thiêng liêng của một năm. Tất cả đều bận rộn để khép lại một năm cũ và lật trang sang một năm mới với hy vọng nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ đến với gia đình mình.
Thật ra, bao chuẩn bị, lo toan của bà con ở nhà quê trong dịp Tết là những tính toán sắp đặt từ nhiều ngày trước, có khi từ nhiều tháng trước. Chẳng hạn như trồng cải để ăn bắt đầu từ tháng mười; trồng hoa, trồng kiểng cũng vậy. Nhưng dường như, dù có chuẩn bị từ lâu, đến mấy ngày cận Tết thì việc gì bà con ở thôn quê cũng thấy công việc bề bộn và cấp bách như hối thúc bên lưng.
Một trong những việc cần làm trong ngày 30 của tôi là cùng với nhỏ em chăm mấy chậu thược dược và đôi hàng vạn thọ đón Tết. Tội thật, ở quê thời ấy đâu có bông hoa gì, phổ biến vẫn là hoa vạn thọ. Loài hoa này thì rất dễ trồng và không mất công tốn tiền gì cả. Không có chậu, chị em chúng tôi trồng vạn thọ trước sân nhà, Tết về, hoa nở làm thành một đường diềm vàng rực, nhìn cũng vui mắt lắm. Sửa sang vạn thọ cho ngày Tết cũng đơn giản. Chỉ cần vặt đi mấy lá khô úa là xong. Thược dược thì nhọc công hơn nhưng nhỏ em tôi rất đam mê trồng loại hoa này và năm nào nó cũng trồng được hoa chưng ba ngày Tết.
Nhỏ em tôi thường chăm chút mấy chậu thược dược màu vàng và màu cánh sen từ mấy tháng trước Tết. Hồi đó, nó còn nhỏ nhưng rất chịu khó và sáng ý nên năm nào, nhà cũng có được dăm ba chậu thược dược nở hoa đúng vào dịp Tết. Nó chăm kỹ nên cành thược dược nào cũng bụ bẫm, hoa lớn và nở tròn đầy, trông khỏe mạnh mà không kém phần duyên dáng. Từ khâu trữ củ đến cắt củ dâm thành cây, trồng thế nào, đến giai đoạn nào tỉa cành, bấm ngọn, nước, phân, ánh sáng ra sao, giống thược dược màu gì thì bao nhiêu ngày ra hoa, nó tính toán và nhớ hết. Mỗi khi cây nứt được một cặp lá mới là nó kéo tôi ra khoe sự thành công của nó cho bằng được. Khi hoa bắt đầu có búp non là nó mừng còn hơn bắt được vàng. Nó quan sát mỗi ngày và mỗi lần cây có sự thay đổi là nó mừng lắm. Có khi phát hiện ra một chiếc lá bị sâu ăn, thế là nó thức đến hơn nửa đêm, cầm đèn pin để bắt cho được con sâu đất. Tôi cũng phải thức theo để giữ ma cho nó. Một hôm con gà trống nghịch ngợm xoi mỏ vào chậu tìm trùn đất, làm gãy một nhánh cây, nó đi học về, khóc rống như thể chuyện trời long đất lở. Thằng bé cần mẫn chăm sóc mấy cây thược dược như là một thú vui và bổn phận đối với cây. Hễ ôm cặp từ trường về đến nhà, cất cặp là chạy ra thăm mấy cây thược dược, nói chuyện với cây trước khi thay áo quần. Trước khi đi học, ôm cặp ra khỏi sân, nó ghé chào cây, nói lời tạm biệt như thể nói với người thân, rồi mới ra khỏi nhà.
Thời tiết miền Trung tháng gần Tết thường biến đổi phức tạp. Có khi trời mưa lạnh miên man cả tuần, có khi nắng ấm suốt nhiều ngày giáp Tết. Thế là thằng bé cứ theo dõi thời tiết mà điều chỉnh chỗ để cũng như chế độ phân nước cho mấy chậu thược dược cưng của nó. Rồi nó đi nhờ tôi vót mấy thanh tre để nó chống mấy cành oằn. Rồi nó đi xin phân N.P.K. về thúc cho cây. Từng giai đoạn, từng công việc, nó làm một cách say mê đầy hứng thú. Có năm mưa nhiều và lạnh, thế là cả 10 ngày gần tết, nó cứ nấu nước nóng pha loãng tưới cho thược dược. Hễ thấy được ánh mặt trời hiếm hoi soi ở đâu là thằng bé rinh mấy cây thược dược đón nắng đến đó. Nếu năm nào nhiều nắng ấm, nó lại bưng cây vào bóng râm để giấu ánh nắng mặt trời. Nó canh làm sao mà đúng Mồng Một Tết là có ba đến năm hoa thược dược tươi tắn rộ nở, mấy đóa hàm tiếu, mấy nụ nho nhỏ nữa. Nó làm như thể phân chia công việc cho mỗi đóa hoa nó chăm chút, đóa nào có nhiệm vụ nở vào ngày nào. Vừa làm nói vừa hớn hở “chị coi, ngày nay 30 có ba cái hàm tiếu, ba cái nở to, hai sen, một vàng; mồng 1 hả, ba cái đó nở rộ rồi, có năm cái khác chuẩn bị sẵn sàng, mồng 2 sẽ bung cánh hết…”.
Công việc của tôi là giúp nó rửa chậu sạch sẽ và quét vôi chậu trong ngày 30. Kể mà tội, ngay cả vôi quét chậu, hai chị em cũng ngấm nghé trong xóm, nhà ai quét vôi ăn Tết thì xin một miếng về để dành, ngày 30 đem ra quét chậu thược dược. Nhờ sự đam mê và yêu thích ươm trồng cũng như chăm sóc thược dược của thằng bé, nhà tôi năm nào trông cũng sáng sủa trong ánh nắng mới vàng nhè nhẹ rải trên từng cánh hoa thược dược tươi rói trong những ngày đầu xuân.
Cách em tôi gắn bó với mấy cây thược dược và coi mấy cây hoa này như người bạn tri kỷ đã lôi kéo tôi để tâm vào công việc của nó lúc nào không hay. Thế là tôi cũng thích ngắm ‘thược dược của nó’, nhất là khi cây có thêm cặp lá mới hay nhú lên vài nụ hoa. Gọi là thược dược của nó vì thật ra, tôi vốn không thích loài hoa này lắm. Nhìn nó cũng có duyên đó, nhưng nó không có mùi hương và tôi chỉ thích loài hoa có hương. Em tôi trồng và chăm sóc thược dược được bốn năm thôi! Em mất năm em vừa tròn 12 tuổi sau hơn 7 tháng trời chống chỏi với căn bệnh hiểm nghèo.
Em tôi trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi, tôi lịm người không khóc và cũng không biết vì sao nước mắt tôi không chảy nổi, dù đôi mắt cay xè. Nỗi đau trầm lắng vào trong. Đau lắm, dù biết bệnh em không chữa khỏi. Nỗi đau tử biệt không gì thay thế được, tôi gói trọn niềm đau cất vào tâm. Từ trong niềm đau này, tôi nghiệm ra nhiều bài học trong cuộc sống.
Em không còn, những cây hoa thược dược tự tay em trồng chỉ còn củ hoa trong mấy cái chậu ở góc vườn. Tôi nhổ củ, rửa sạch, phơi khô và gói cất vào tủ như một kỷ vật. Sau này, củ bị mọt ăn và mẹ tôi mới đem bỏ cách đây vài năm, sau gần hai chục năm cất giữ.
Sau ngày em tôi mất, nhà tôi không ai trồng thược dược nữa. Thế nhưng, thỉnh thoảng những lời nó hay dùng để nói chuyện với thược dược được mọi người trong nhà nhắc đến như là cách giải tỏa tâm lý thương tiếc của người thân dành cho người đã mất. Mỗi dịp Xuân về hay ở đâu đó nhìn thấy hoa thược dược, hay có sự liên hệ nào gợi nhớ, hình ảnh đứa em trai tôi hiện về trong ký ức và nỗi đau mất mát lại trỗi dậy rồi lịm dần vào trong tiềm thức của người thân.