Hôm nay, tôi có tí công việc phải đi. Thế là từ sáng, sau khi lên xe buýt
rồi xuống xe buýt, tôi phải đi bộ một đoạn, không xa lắm nhưng phải rất tỉnh
giác vì phải qua đường trên dòng giao thông đông đúc, xe lớn xe nhỏ
dập dìu, hối hả tấp nập trên quốc lộ. Thế rồi cũng qua đường an
toàn. Vào bến xe, lấy vé và ngồi đợi trong vài phút. Chuyến xe tôi
sắp đi là xe của một công ty chiếm ưu thế tuyến đường này, là ưu tiên lựa chọn của nhiều người, vì
cung cách phục vụ của hãng xe này hơn hẳn các hãng xe khác cùng
tuyến. Thế này nha, xe xuất bến chính xác giờ ghi trên vé, không chậm
trễ dù chỉ một phút nếu không có sự cố bất trắc nào. Cứ đến giờ
là xe chạy, cho dù có lúc trên xe chỉ có dăm ba khách trên một chiếc xe 15 chỗ. Giãn cách giữa các chuyến là 15 phút. Tuyệt đối xe không đón khách dọc đường trong suốt chặng đường hơn 80 cây
số ấy. Trong xe, có thông báo: nếu phát hiện tài xế dừng đón khách
dọc được, hành khách vui lòng gọi về đường dây nóng số máy XXXX ,
quý khách sẽ nhận được 20 vé xe miễn phí. Đến nơi, xe cũng chỉ trả
khách đúng những trạm quy định, chứ không phải tiện đâu dừng đó.
Khi tôi đang ngồi đợi
ở băng ghế dành cho khách đợi không xa quầy vé là bao, tôi nghe cô nhân viên
bán vé hỏi một hành khách: Chị muốn đi liền giờ không chị? Nếu đi
liền thì còn vé băng cuối. Người hành khách trả lời: muốn đi liền.
Thật vậy, khi cô hành khách này vừa cầm vé thì nhà xe thông báo
rằng, ai có vé xe đi… chuyến 6 giờ 55 phút theo tài xế ra xe. Thế là
chúng tôi ra xe, chờ xé vé ở cửa và lên xe.
Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu chị hành khách mua vé
cuối không phản ứng gì. Đằng này, lên xe, chị ấy càm ràm “đã say xe
mà phải ngồi ghế chót, bực mình…” Rồi mới đi được chừng 4 hay 5 cây
số gì đó, chị nói chuyện điện thoại với ai đó oang oang như thể nói
cho cả xe cùng nghe, rằng ngồi ghế chót, xe xóc, khó chịu, bực bội… Tôi
ngồi băng ghế ngay trên chị ấy, nghĩ mà cười…
Sao ở đời cái gì chúng ta cũng muốn hết vậy? Một quy luật đơn
giản mà nhiều người không chịu hiểu, đó là sống ở đời là một sự
đánh đổi, không có gì cho không! chỉ vì tâm tham lớn quá mà ta không nhớ
và sống theo quy luật này, nên tự chuốc lấy bất an khổ não vào thân.
Như chị hành khách kia, nếu muốn đi liền, không phải mất 15 phút chờ
đợi chuyến xe sau thì chấp nhận ngồi băng cuối xe. Hoặc ngồi ghế
chót nhưng đi sớm 15 phút, hoặc ngồi ghế đầu đi sau 15 phút, đây là
hai lựa chọn đơn giản dành cho người hành khách này. Nếu trong lúc
này, yếu tố thời gian là quan trọng nên sớm phút nào, tốt phút ấy thì chị hãy chịu khó ngồi cuối xe với những bất tiện nhất định
của nó. Nếu chị muốn có chỗ ngồi tốt nhất trên xe thì hãy đợi 15
phút cho chuyến xe kế tiếp. Muốn có chỗ ngồi tốt, không phải mất
một phút nào chờ đợi, liệu có được không? Liệu có công bằng với
những người đợi trước cô ấy 15
phút không?
Khi việc đơn giản thế này xảy ra với người khác chứ không phải bản
thân mình, ta thấy vô lý, ta cười với cách phản ứng của người hành
khách này. Thế nhưng, trong cuộc sống, lắm khi ta có cách phản ứng
không khác người này là mấy. Ta muốn không phải làm nhiều mà thu
nhập cao, ta muốn ngồi mát mà ăn bát vàng, ta muốn hàng rẻ mà chất
lượng cao, ta muốn bỏ ra ít tiền mà được hưởng dịch vụ tốt nhất, ta
muốn thức ăn rẻ mà vừa tươi ngon vừa bổ dưỡng, ta muốn một vốn …
bốn mươi lời mới chịu, ta có lương cao mà vẫn còn tranh thủ mang hàng
lậu kiếm chác thêm, ta muốn… và ta muốn… không thể nào kể cho hết.
Đây mới nói về phương diện vật chất dễ thấy dễ nhìn dễ hiểu mà ta
còn không chịu hiểu, nói chi đến
cái khó thấy khác như tình cảm, rèn luyện tính cách hay tu tập tâm
linh.
Này nha, ta không quan tâm, chăm sóc người khác mà chỉ muốn người
khác thương yêu chăm sóc mình tận tình. Ta ích kỷ ky bo với người mà
mong người rộng rãi hào hiệp với ta. Ta biếng nhác mà mong người bỏ
công sức cho ta và vì ta không hề tính toán, ta buông thả sống theo
bản năng, dục vọng tầm thường mà muốn người kính trọng quý mến, ta hưởng
thụ hạnh phúc giác quan thỏa mãn nhu cầu cuộc sống mà muốn người ta
ngưỡng mộ như đối với bậc thánh, ta toan tính đê hèn mà mong người
nhìn nhận như là bồ tát hiện thân… Nói theo ngôn ngữ của Thanissaro
là ta không muốn đổi túi kẹo để lấy thỏi vàng mà muốn cả hai thứ:
vừa kẹo vừa vàng là điều không thể có được.
Vì phải chọn lựa, nên ta cần có sự chọn lựa khôn ngoan, điều này
đòi hỏi ta phải có kỹ năng buông bỏ. Bỏ đi một cái gì ta muốn buộc
mình phải hy sinh, nhưng cần có một sự hy sinh thông minh. Điều khôn ngoan là cân nhắc để cái ta bỏ đi ít giá trị
hơn cái ta chọn. Hy sinh khôn ngoan là sự hy sinh trong đó chúng ta có được hạnh phúc nhiều
hơn bằng cách đánh
đổi cái ít hạnh phúc hơn, tương tự như cách chúng ta đổi một túi kẹo để lấy một
thỏi vàng. Nếu ta thấy hình thành và
phát triển các tính cách tốt, tích cực ở con người là điều cần
thiết, ta phải bỏ đi những phản ứng bản năng bằng cách nỗ lực kiểm
soát, quản lỷ và điều tiết cảm xúc của mình một cách hợp lý dưới
sự soi rọi của tuệ giác và chú tâm.
Có nhiều điều chúng ta không hề muốn
từ bỏ. Chúng ta thích giữ kẹo lại cho mình và
cũng thích lấy vàng nữa. Thế nhưng kinh nghiệm cuộc sống dạy ta rằng ta không
thể nào có mọi thứ, và để thọ hưởng một niềm vui nào đó, chúng ta thường phải từ
chối một niềm vui khác. Như vậy, chúng ta cần thiết lập những ưu tiên một cách
rõ ràng để đầu tư thời gian và năng lượng giới hạn của mình vào những nơi nào
mà kết quả mang lại được bền vững nhất.
Xét cho cùng, những vật chất thế gian và các mối quan hệ xã hội vốn mang tính kết thành, liên hệ và liên đới nhiều yếu tố khác, không ổn định và dễ dàng bị các nhân duyên ngoài sự kiểm soát của mình tác động đến, nên hạnh phúc do những yếu tố này đem lại cũng mỏng manh và không đáng nương tựa. Thế nhưng sự an lạc của một tâm thức được rèn luyện vững chãi thì có thể tồn tại, ngay cả khi đối mặt với những sóng gió phong ba của cuộc đời, cũng như tuổi già, bệnh và chết. Muốn luyện tâm, ta phải có nỗ lực kiên trì miệt mài không dừng nghỉ. Điều này đòi hỏi hao tốn thời gian và năng lượng và chỉ những người thật sự sáng suốt, khôn ngoan mới có thể làm được. Câu châm ngôn ám thị cho người biết bỏ kẹo lấy vàng là khi tìm cầu hạnh phúc chân thật, chúng ta cần hy sinh một số thú vui đời thường ở bên ngoài bằng cách thực hành kỹ năng buông bỏ.