Tuesday, April 29, 2008

Được-Mất!

Không phải lúc nào nhận cũng là 'được' mà cho lại là 'mất'. Cho-nhận đúng cách: cả hai bên đều được; nhận-cho không đúng cách: cả hai bên đều mất. Ai không tin, thực hiện thử đi...biết liền!

Tuesday, April 22, 2008

CHẾT!


Chết là gì? mỗi một con người có định nghĩa riêng cho mình tùy vào quá trình thẩm thấu cuộc sống và kinh nghiệm thực tế với chính bản thân cũng như qua quá trình tiếp cận với những người thân xung quanh. Dù quan niệm về ‘chết’ có khác nhau thế nào đi nữa, tôi tin rằng tất cả đều có một điểm chung: chết là một điều chắc chắn xảy ra với tất cả chúng ta và trong số những người bình thường, không ai biết được ‘điều chắc chắn’ ấy khi nào đến với mình.

Có lẽ hồi nhỏ hay đọc truyện khoa học viễn tưởng/giả tưởng, tôi bị ảnh hưởng và có lần, mệt cái đầu vì phải suy nghĩ, chọn lựa, tôi thử giả sử rằng nếu không có hiện tượng ‘chết’, tất nhiên không cần thiết có sự chọn lựa nào, chắc tốt hơn. Nhưng rồi tôi giật mình, như vậy sẽ chán lắm đấy. Nếu cuộc sống được ‘bảo hành’ là ‘vĩnh cửu’, chúng ta sẽ thừa mứa mọi thứ, thừa mứa đến mức không thấy cái gì đáng quý cả. Cuộc sống không có gì để quý thì vô nghĩa quá. Làm sao chúng ta có cảm giác ngon miệng nếu chúng ta có thể ăn bất cứ lúc nào mình muốn? Cũng vậy, không có chết, hẳn chúng ta không biết quý từng ngày, từng giây phút trong cuộc sống đầy ý nghĩa này?
Cuộc sống mỗi con người được chắp nối bằng những tích tắc thời gian. Vì cuộc sống không biết khi nào kết thúc với mình, tôi cảm thấy yêu quý cuộc sống và thời gian mình được dành cho để sống. Chúng ta không có khả năng biết được chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong ‘ngân hàng cuộc sống’ dù biết không trước thì sau, thời gian ấy sẽ đến hồi cạn kiệt. Chính cuộc sống đầy bí ẩn, chúng ta phải trân quý từng sát na sống nhiệm mầu mình đang có được. Khi mình không có khả năng lựa chọn điểm dừng của cuộc sống, mọi chọn lựa trong suốt khoảng thời gian này trở nên vô cùng quan trọng. Cuộc sống sẽ cho ta quá ít cơ hội để chọn ‘nháp’ một phương thức nào đó vì không ai có thể quay lui trục thời gian. Do đó, thật cẩn thận và cân nhắc khi chọn lựa một giải pháp cho một vấn đề. Hệ trọng hơn, cần thận trọng thật nhiều khi chọn cho mình một con đường sống.

Thực tế là con người có thể ra đi bất cứ lúc nào. Ai cũng biết điều này qua những gì mình chứng kiến được trong cuộc sống.Thế nhưng, có lẽ vì quá sợ...'ngân hàng cuộc sống' sắp cạn thời gian, tôi trở nên tham lam nhiều quá. Tôi tự thấy mình chưa ‘sống’ được với một ‘sự thật ai cũng biết’ đó. Với tôi, việc này biết thì dễ mà thực hiện coi ra thật khó. Những trường hợp chết ‘bất đắc kỳ tử’ của những người tôi quen biết và không quen biết, cũng chỉ đủ cho tôi chột dạ rùng mình trong lúc ấy và cảm giác ‘nhìn người mà ngẫm đến ta’ cũng chỉ lưu lại với tôi một thời gian nữa mà thôi. Sau đó, cái tâm thế ‘chuẩn bị cho chuyến trở về’ ấy vẫn chưa đủ mạnh, những tưởng mấy chuyện đó đến với ai khác, chứ không (hoặc chưa) đến với mình! Tâm thức mê muội của tôi cứ thế, viện cớ này hay lý do khác để tránh né cái một sự thật rằng: một ngày nào đó, tôi cũng phải ‘khăn gói ra đi’ và không hề được báo trước. Có khi quên, có khi giả vờ quên và thậm chí có khi cố tình quên cuộc sống quá mong manh, tôi lo nghĩ quá nhiều cho những việc chưa xảy ra, tôi chịu ‘nợ nần’ cho những điều lẽ ra tôi cần giải quyết trong ngày hôm nay, tôi đành để lại cho ngày mai, thậm chí cho những ngày sau. Ý niệm ‘sớm muộn gì tôi cũng chết’ thì tôi hiểu từ lâu; còn thực hành thì ôi thôi, lòng tham ngăn lối và tôi vẫn tôi nghĩ…chuyện đó có lẽ đến với mình…muộn hơn. Mặc dù trong hiện tại, bệnh tật khá nhiều rồi đấy, tôi vẫn còn u mê quá đi thôi!

Từ lâu tôi được dạy rằng ‘chết không phải là hết mà chỉ là…thay áo”. Áo này sờn cũ thì thay áo mới; áo mới sẽ tốt hơn áo cũ thôi! Đúng vậy không hen? Tôi học hoài mà chưa thuộc bài. Nói vậy mà sao tôi vẫn…tiếc cái áo đang mặc này, bà con ạ. Tôi còn ‘thu vào’ nhiều quá, (vật chất thì khỏi phải bàn!), đến công việc, thời gian rồi thô, tế đủ loại, cứ luôn thu gom vào, không biết lúc nào mới chịu ‘thay áo’ mới đây. Chắc là khi nào áo đến hạn ngừng sử dụng, ‘cấp trên’ đổi áo thì chịu chứ tự mình không muốn đổi áo đâu đó nghen! Ai có 'chiêu' gì hay, giúp tôi với!
Mọi ý kiến chia sẻ, xin gởi về:
Xin chân thành tri ân!

Friday, April 18, 2008

CẢI CÁCH DẠY VÀ HỌC!

Giáo dục là nền tảng của một đất nước và như mọi nước trên thế giới, trong khả năng có thể của mình, nền giáo dục Việt Nam cũng đang chuyển mình đổi mới. Chương trình đổi mới, sách giáo khoa cải thiện, phương pháp dạy cần phải sửa đổi nhiều. Từ truyền thống thầy dạy-trò học theo quy trình một chiều, chương trình mới đòi hỏi người dạy và người học thay đổi phương pháp dạy, cải tiến hình thức học bằng cách “chuyển nhượng bản quyền” về tri thức. Trước đây, thầy ‘rót’ tri thức vào ‘đầu’ học trò; nay đòi hỏi học trò phải chủ động, sáng tạo và tự tích lũy tri thức cho mình dưới sự tổ chức và hướng dẫn có phương pháp của Thầy.


Qua tiếp xúc thực tế, một điều đáng mừng là chúng tôi thấy thầy cô tỏ ra rất có thiện chí trong việc áp dụng phương pháp mới vào trường học bằng cách tổ chức, gợi ý và khuyến khích trẻ em động não hơn trong việc học của mình. Kết quả của nỗ lực này thật đáng ghi nhận. Thế nhưng, có trường hợp, sự áp dụng phương pháp mới này một cách thiếu khoa học và nhất là, thầy cô chưa được trang bị đúng mức kiến thức về nền tảng triết lý, tiết học trở thành một vở hài là chuyện không thể tránh.


Trong một tiết học đánh vần ở lớp Một, cô giáo đang hướng dẫn học sinh ghép vần chữ “ơ” và “t”. Cô giáo yêu cầu một em học sinh đứng lên, bảo em ghép vần “ơ” và “t”. Đây là một đoạn đối thoại:
Cô giáo: ‘ơ’ ghép với ‘t’ thành gì? ơ tờ (t) gì vậy em?
Học sinh: (làm thinh, vẻ bối rối)…
Cô giáo gợi ý: cái này rất phổ biến ở nhà, nhà ai cũng có, nhà em cũng không thiếu. Cái gì mà nó cay cay…
Học sinh: ‘ơ’ ‘t’ ...tiêu cô ạ!
Cả lớp cười ầm lên…

Áp dụng phương pháp dạy cải cách kiểu này thì chỉ có nước…botay.com thôi!

Chứng kiến cảnh thật 100 % ở trên, tôi cũng gượng cười...một nụ cười méo xệch, mà lòng trăn trở và cảm thấy lo cho việc dạy và học đang diễn ra trong giai đoạn 'giao thời' này. Cải cách, nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào?!

Thursday, April 17, 2008

NHƯ LÀ CHUYỆN TIẾU LÂM

Trong dòng đời tất bật với bao áp lực của cuộc sống đời thường, nhất là trong thời đại @ này, cuộc sống vận hành với tốc độ nhanh hơn, tưởng chừng ta không còn có thời gian để nhớ về quá khứ, để sống với kỷ niệm xưa. Ấy thế nhưng ký ức con người thật màu nhiệm. Tôi thấy cái đầu tôi nó lạ lắm. Đôi khi trong bề bộn lăng xăng là vậy, quá khứ cứ ùn ùn chạy về như thể tranh thủ xí phần trong cái đầu loạn xà ngầu những ý tưởng lớn nhỏ, cũ mới lăn tăn. Có những chuyện xảy ra hồi năm nẩm nào đâu, khi tôi còn là con bé đen nhẻm, da cháy nắng và có màu gần giống màu tóc mãi đến bây giờ cũng không quên được! Những chuyện cỏn con hồi ấy, vẫn còn vùi sâu trong ngõ ngách nào đó của tâm thức, có dịp là nó trỗi dậy, thật ngộ và tức cười lắm. Giờ lớn rồi, trải đời nhiều hơn, nhìn lại, một góc nhìn khác, một suy nghĩ khác. Câu chuyện tôi sắp kể đây, bây giờ tôi thấy dễ thương làm sao! Càng nghĩ, càng thấy ‘cái con bé tôi’ lúc ấy sao đáng thương quá! Còn hồi đó thì sao? khỏi phải nói…
Tuổi thơ tôi gắn liền với đồng nội, với những chuỗi ngày, một buổi cắp sách đến trường làng, còn một buổi dắt trâu cày, trâu bừa cùng chăn trâu trên các đồng cỏ. Kỷ niệm tuổi thơ không thể thiếu những đêm trăng tụ tập cùng trẻ lối xóm chơi đủ trò con nít đến khi Mẹ ơi ới gọi về đi ngủ. Thế là tôi có cả “một kho tư liệu cổ” của tuổi thơ, không có áo đẹp dép mới, không được mỗi bữa đưa đón đến trường như trẻ em thành phố, nhưng tôi không thiếu những hoa và bướm, có cả ve ve rầy mít, cả dế mèn dế dũi đầy ắp trong ngăn kéo tuổi thơ đẹp và ngây thơ, ngây thơ đến ngây ngô và khờ dại của tôi đấy! Còn kỷ niệm ở trường thời ấy, cũng khờ khạo lắm…
Năm ấy tôi học lớp Một. Ngày đầu tiên đến lớp, chị tôi đưa tôi đến trường rồi chị về, bảo rằng tan học, tôi tự đi về. Chị học cùng trường với tôi nhưng mà khác buổi. Trên đường đi, lần lượt tôi gặp bọn trẻ chạc tuổi như tôi từ các ngả đường làng khác, nhập vào đường mòn và chúng tôi cùng đến trường trên con đường đất ấy. Chị bảo tôi theo các bạn đến trường, nhưng thấy tôi lo lắng, chị chìu lòng đưa tôi đến tận cửa lớp. Suốt buổi học đầu tiên, tôi cứ sợ đến lúc về sẽ đi lạc vì nhà tôi ở cuối xóm, không có bạn bè nào ở gần nhà để tôi cùng đi từ trường về cả. Tôi chỉ kịp nhớ từ nhà bà Hai đầu xóm, đi một tí quẹo phải, hai lần tiếp quẹo trái, rồi lại quẹo phải một lần nữa thì đến đường lớn dẫn đến trường. Bây giờ đi về, thì sẽ theo quy trình ngược, tức phải quẹo trái trước…rồi mới quẹo phải hai lần... Thế là đầu suy nghĩ, tay phải huơ một tí, rồi tay trái dang ra một chút để hình dung, định vị đường đi. Hồi đó tôi còn nhớ, nhỏ quá, nói tay phải thì phải giơ cánh tay phải ra mới có thể định vị. Trẻ em là vậy, khi tư duy trừu tượng chưa thuần thục, chúng chỉ biết dùng tư duy hình ảnh. Ngồi trong lớp, đâu có được tự do huơ tay múa chân như ở nhà, tôi đành ‘khiêm tốn’ huơ nhẹ nhẹ tí xíu để có thể mường tượng con đường tôi phải vượt qua để về nhà trưa nay. Trông sao về đến nhà bà Hai đầu làng là khỏi lo. Đến đó, tôi có thể phóng một mạch là đến nhà, không sợ lạc vì khi chơi bắn súng, trốn tìm, có khi tôi chạy đến vườn nhà bà Hai lận.
Mới đưa tay huơ huơ nhè nhẹ, ấy thế mà cô giáo bắt gặp. Đúng là cô giáo, đôi mắt tinh nhạy hết biết! Cô cảnh cáo tôi “làm gì mà huơ tay đó?” Tuy là ngày đầu tiên đến lớp, tôi hiểu được ngay đây không phải là câu hỏi để tôi trả lời, mà là câu rầy la cảnh cáo, vì tôi thỉnh thoảng gặp ‘loại câu hỏi’ này từ Cha Mẹ tôi mà. Người lớn có cách hỏi kỳ cục vậy đó, hỏi mà không phải hỏi…Tôi làm thinh cúi đầu nhìn xuống bàn như là một thái độ biết lỗi và cũng để tránh né ánh mắt nghiêm nghị của cô giáo. Từ đó, tôi sợ cô giáo, sợ hơn bất cứ người lớn nào khác. Ở nhà, tôi cũng sợ Cha Mẹ, nhưng không quá sợ và có khoảng cách nhiều đến vậy. Những ngày sau đó, cô càng làm cho tôi sợ nhiều hơn. Dù rằng tôi học rất tốt, nhưng tôi không thế nào có cảm giác gần gũi được với cô. Chính sự sợ hãi đến vô lý này (thật ra, với suy nghĩ của một con bé nhà quê học lớp Một thì nỗi sợ này có lý lắm!) mà một hôm, sự cố xảy ra với tôi.

Một hôm, trong giờ giải lao...

Trường làng, nhà vệ sinh đã không sạch sẽ, mà lại ít ỏi, chỉ có hai cái thôi! Thế là suốt giờ ra chơi, tôi canh chừng chạy vào nhà vệ sinh và lúc nào cũng…có người. Tôi lại chạy ra tranh thủ nhập vào nhóm bạn chơi thêm tí nữa. Lát sau, trở vào, cũng lại…bận, thế là chạy ra chơi tiếp, cho đến khi trống vào lớp trở lại. Vào lớp học, tôi ngồi nghiêm túc lắm. Kể từ cái hôm đầu tiên bị la, tôi không còn ngọ nguậy chân tay nữa, vì tôi cũng đã thuộc đường đi từ nhà đến trường và tôi cũng đã quá sợ cô giáo rồi. Đang ngồi học, tôi lại muốn... Chết rồi, cách đây ba hôm, có đứa xin cô ra ngoài, bị cô mắng là làm mất trật tự trong giờ học, làm ảnh hưởng người khác và cảnh cáo hôm sau không được ‘tái phạm’. Cuối cùng cô cũng cho phép ra ngoài nhưng nó phải bị la mắng trước mặt bạn bè. Tôi không muốn thế, tôi cố nín, nhưng rồi không thể đợi đến giờ tan học được.

Không biết bao lâu mới hết giờ nhỉ? Tôi mong sao thời gian trôi nhanh hơn. Ba tiếng trống là tất cả những gì tôi muốn lúc này. Không tìm đâu ra được một cái gì để có thể xác định thời gian. Phải chi đang đứng ngoài trời, tôi có thể nhìn bóng của mình đổ xuống ánh nắng thì có thể đoán được giờ. Người tôi bắt đầu run lên. Nguy rồi! Thế là chuyện xấu nhất đã xảy ra... Tôi định đổ bình đông nước dưới đất bên cạnh chân bàn để phi tang, nhưng chưa kịp…
Mấy đứa xung quanh biết chuyện, rồi mấy đứa xa hơn chút cũng biết luôn. Cuối cùng, khu vực quanh chỗ tôi ngồi bắt đầu mất trật tự. Chết rồi! cô đi xuống gần, tôi càng mất bình tĩnh hơn, ước gì có phép màu độn thổ được, chắc tôi làm liền! Khi thấy bạn bè xúm lại nhìn tôi, đứa cười chúm chím chọc ghẹo, mấy đứa ngồi gần quay mặt đi hướng khác vì ngượng…giùm cho tôi. Cô hỏi “chuyện gì xảy ra vậy?” Có thể câu hỏi này là để biết thông tin, sẽ không giống câu hỏi cô hỏi tôi trong ngày đầu tiên, nhưng miệng tôi cứng lại vì ngượng, mặt nóng bừng bừng, mắt chớp chớp liên hồi để cố ngăn dòng nước mắt chỉ chực trào ra. Cô biết chuyện (tôi lại ngồi đầu bàn mới ác chứ!), cô lặng lẽ quay lên. Cô gõ cây thước lên bàn, bảo “các em tập trung nghe đây” rồi cô tiếp tục bài giảng.
Một lát sau, trống tan trường vang lên. Cô giáo giả vờ như không có chuyện gì ‘đặc biệt’ xảy ra; cô đi thẳng ra cửa lớp…Tôi chỉ đợi có vậy. Thông thường, khi nghe trống hết giờ, chúng tôi thi nhau chạy ùa ra khỏi lớp như ong vỡ tổ. Hôm nay, đám bạn học tôi thay vì ùa ra cửa lớp, chúng xúm lại quanh tôi. Vài đứa con trai thì vừa ré vừa cười chọc ghẹo. Mấy đứa còn lại la và đẩy chúng ra xa, nước mắt tôi bắt đầu tuôn ra… Tôi nghe tụi nó nói với nhau “đừng có chọc nữa, nó khóc rồi kìa!” nước mắt tôi trào ra nhiều hơn vì bị bạn bè ‘thương hại’. Có mấy đứa ra chiều thông cảm đến bên tôi, dỗ dành “nín đi, đừng khóc nữa. Răng bạn không xin cô ra ngoài? Cùng lắm là cô la mất trật tự, có chi mô mà sợ kinh rứa?”. Tôi chỉ biết khóc và khóc. Dưới chân tôi chỉ còn lại vết vằn vện trên nền, khuôn mặt tôi nhạt nhòa nước mắt. Mắt đỏ hoe, sưng húp. Lại lo về nhà bị phát hiện thì đúng là “họa vô đơn chí”.
Bạn bè cũng đã ‘tha’ cho tôi mà lần lượt ra về. Đợi đến khi không còn ai nữa, tôi bẽn lẽn ôm cặp về theo. Mặt mày ủ ê, không dám nhìn ai cả. Tôi có cảm giác ai cũng biết chuyện của tôi, cả những người ngoài đường. Thường ngày tôi gặp mấy cô bác nông dân đi làm đồng về, tôi khoanh tay thưa, hôm nay, tôi lầm lũi bước đi trong tủi hổ. Tôi tưởng chừng những bụi hoa ngũ sắc ven đường tôi đi cũng đã biết chuyện và cười trêu tôi. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ với mấy cây dủ dẻ tôi thường chui vào hái hoa mỗi tối. Chắc từ nay, tôi sẽ mắc cỡ và không dám chui đầu vào hái hoa dủ dẻ nữa rồi, mặt mũi nào mà lại gần nó chứ! (hoa dủ dẻ thơm về đêm lắm, gần tối đi bứt hoa dủ dẻ là thú vui của tôi, tôi tiếc rẻ…) Tôi giận tôi nhiều quá, nhưng biết làm sao hơn. Văng vẳng trong đầu, câu trêu chọc của vài bạn trong lớp vẫn bám theo tôi nhiều ngày. May mà khi xảy ra ‘sự cố’ tôi cũng sắp xong lớp Một rồi.
Năm sau, tôi nằng nặc Mẹ xin cho tôi chuyển sang lớp khác mà không nói lý do gì. Tôi toại nguyện. Cô giáo lớp Hai của tôi vô cùng cởi mở và gần gũi. Mọi người thân thiện với tôi hơn. Tôi hòa nhập nhanh chóng vào môi trường lớp mới, tôi tự tin và học tốt cho đến ngày rời ngôi trường đầy ắp kỷ niệm vui buồn ấy. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi học với cô giáo cũ thêm một năm nữa…
Không biết trong kỳ họp phụ huynh cuối năm, cô giáo có nói gì với Mẹ tôi không, đến giờ tôi cũng không được biết. (Sau này, khi lên cấp II rồi, nghĩ lại, tôi tin giáo viên cả trường đều biết câu chuyện của tôi và hầu hết thầy cô đều thay đổi ứng xử với tôi để giúp tôi học trong môi trường tốt nhất).
Thế đấy, con nít ngây ngô, khờ dại và có những nỗi sợ vô lý như vậy đó mọi người ạ. Đã xa rồi cái thời người lớn mong trẻ con chỉ biết vâng phục và sợ sệt. Hãy khuyến khích các em nghĩ và nói ra suy nghĩ của mình. Hãy tạo môi trường thân thiện để các em được học thoải mái nhất. Làm cô giáo dạy trẻ nít, hiểu và giúp chúng vượt qua khỏi những gút mắc tâm lý, những sợ hãi không đáng có là một điều vô cùng quan trọng. Những hành vi, cách cư xử của thầy cô giáo trong những năm tháng đầu đời nơi học đường sẽ đi theo con người suốt thời gian dài trong cuộc sống và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách của người ấy. Hãy đến với các em như là một người bạn, các em sẽ ngoan và học tốt hơn. Giúp cho trẻ em thích nghi với môi trường học trong không khí cởi mở và cảm thông, các em nhanh trưởng thành và đi vào đời tự tin hơn vậy.

Wednesday, April 16, 2008

HỌC--XƯA VÀ NAY...



Ngót gần 30 năm tôi mới có dịp quay về trường cũ, ngôi trường đầu tiên trong cuộc đời tôi với bao kỷ niệm đầy vơi. Ngôi trường xưa giờ đã thay áo mới với vẻ ‘hiện đại’ và khang trang hơn nhiều so với ngôi trường làng học ba ca một ngày của cái thời tôi cắp sách. Duy có ba cây phượng vĩ và hai cây nhãn vẫn còn nguyên như những người bạn cũ đón tôi về, tuy chúng có già nua và cằn cỗi hơn theo năm tháng thời gian. Về trường, tôi mong tìm lại những kỷ niệm xưa qua từng trang sách vở học trò của các em… Đi ngang dãy hành lang khu B, một lớp học thuộc khối lớp 3 đang xôn xao bàn tán. Tôi dừng lại bên cửa sổ nhìn vào, từng đôi mắt ngây thơ cười nói, trao đổi tập vở và tham gia bình luận đẹp-xấu, được loại ‘A’ hay ‘B’. Tôi thấy hình bóng tôi trong các em: học sinh là vậy, mỗi lần cô giáo trả bài là lớp sôi nổi lắm. Một nhóm học sinh đang xem và bình luận một bức tranh vẽ ‘Mẹ em’ của một em bé gái. Bức tranh vẽ thật ngộ nghĩnh ấy trở thành trung tâm điểm của cả lớp. Em vẽ một người phụ nữ, một nửa khuôn mặt tô màu đỏ nhạt, một nửa kia chỉ phớt hồng trên gò má. Một con mắt to và tròn, trông rất giận dữ và một con mắt dịu dàng như biết cười. Nửa miệng há hoác ra lộ một chiếc răng trong khi đó nửa miệng kia đang mỉm cười. Bức vẽ lạ thật lạ ấy được cô giáo cho điểm ‘C’, theo quy ước thông thường là tương đương 5 điểm.



(hình minh họa-không phải hình em bé vẽ)
Tụi nhỏ chuyền tay bức tranh kỳ cục và xúm nhau cười, riêng cô bé là ‘tác giả’ bức tranh chỉ ngồi làm thinh không nói gì cả trước thái độ của bạn bè, mặt thoáng buồn với điểm ‘C’ trong khi bạn bè đều được ‘A’ hoặc ‘B’. Đợi đến giờ ra chơi, tôi trở lại gặp em bé có bức tranh ngộ nghĩnh ấy và được em giải thích rằng, đó là bức tranh em vẽ mẹ mình. Những lúc bình thường, mẹ rất dễ thương, đôi má ửng hồng, cặp mắt như biết cười. Thế nhưng, khi mẹ giận dữ thì ôi thôi, mặt đỏ bừng bừng, miệng la hét và mắt trợn lên trông thật dễ sợ. Do vậy, để diễn tả mẹ trong cả hai trạng thái, bé vẽ một nửa khuôn mặt khi mẹ vui, một nửa kia biểu thị khi mẹ giận dữ và ‘sản phẩm nghệ thuật’ là bức tranh kia. Tôi ngạc nhiên và đánh giá cao sáng kiến của em bé. Tôi đem câu chuyện này thuật lại với cô giáo, cô chỉ buông một câu “nhưng một bức tranh thiếu cân đối và xấu như thế thì chỉ có thể cho điểm ‘C’ thôi.” Câu trả lời của cô giáo cho tôi hiểu được nhiều điều. Tôi lại quay về ký ức với kinh nghiệm của chính mình, cũng môn ‘Tập vẽ’ và đây là câu chuyện của tôi.

Hồi ấy tôi học lớp 2. Tôi còn nhớ như in, cái môn tôi ghét và sợ nhất là môn ‘tập vẽ’, vì tôi chẳng có tí khiếu nào về kỹ năng này. Bạn bè thi nhau kháo, đứa nào có hoa tay mới vẽ đẹp, tôi thì chẳng có được cái hoa tay nào cả, hèn gì cái môn này đày đọa tôi suốt thời đi học ở cấp I. Hôm nào tôi được 7 điểm tập vẽ, tôi mừng…hết lớn trong khi tôi không có cảm giác nhiều với những con 10 tròn trịa ở các môn khác. Điểm trung bình hàng tháng và vị thứ của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào môn tập vẽ đáng ghét này, vì các môn kia, không có lý do gì để tôi bị điểm thấp. Tự biết mình không có khiếu, tôi gia công, cần cù nhiều hơn và lúc nào cũng cố gắng hoàn thành ‘tác phẩm’ của mình một cách xuất sắc nhất trong khả năng mình.

Quái thật, nhìn tranh trong sách, trong các cuốn truyện tranh tôi đọc, tôi rất thích và thấy từng chi tiết trong ấy sinh động lắm. Tôi hiểu khá nhiều chi tiết của câu chuyện qua tranh, thế nhưng bản thân tôi thì, ôi thôi tệ ơi là tệ. Khi nào đến tiết tập vẽ, tôi dồn mọi cố gắng, chú ý vào để vẽ cho ra hồn một tí. Tôi vật lộn với từng nét chì trông đến tội nghiệp. Rồi cái đoạn tô màu thì ôi thôi quả là một cực hình. Khi nào đề bài yêu cầu ‘vẽ tự do’, y như rằng, ‘điệp khúc bốn mùa’ của tôi là trang trí hình vuông, hình chữ nhật hoăc đường diềm. Thú thật, lúc đó, khái niệm đường diềm còn quá xa lạ với một con bé hơn 7 tuổi như tôi, chỉ biết đó là đoạn thẳng bề ngang 1 ô vở, chiều dài chừng 8 đến 10 ô vở. Với tôi đó là một dạng đặc biệt của hình chữ nhật, chứ không biết ‘diềm’ là gì, vì tôi quen dùng từ ‘viền’ hay ‘biên’ để chỉ khái niệm này. Đơn giản tôi chọn những hình này vì nó có thể vẽ dễ dàng với sự hỗ trợ của thước kẻ, không có những nét cong phức tạp và khó vẽ. Thế nhưng, khi nào vẽ những hình này, tôi thường được 5 điểm, may mắn lắm thì được 6 điểm thôi. Tôi không muốn điểm môn tập vẽ này cứ làm ảnh hưởng đến kết quả chung những môn học khác vốn quá dễ dàng với tôi. Thế là tôi quyết định làm một cuộc ‘cách mạng’ ra khỏi hình vuông, chữ nhật hay đường diềm khi vẽ tự do.


Một hôm, cô giáo bảo ‘ngày mai, tập vẽ tự do’, tôi quyết định áp dụng sáng kiến của mình. Tôi dự định vẽ một chiếc lá khoai lang. Tôi tin là mình sẽ có bức tranh khá hơn và biết đâu lại được điểm 7 không chừng. Sáng sớm hôm sau, tôi dậy sớm hơn thường lệ, chạy ra vườn, ngắt một đoạn khoai lang có đến 3 chiếc lá đẹp. Tôi tự nhủ, lỡ rụng hay héo lá này, còn có lá khác. Tôi cẩn thận bỏ cọng lang vào chiếc bọc nylon, rồi cho vào cặp, đến trường. Đến giờ tập vẽ, tôi lấy cọng lang ra, chọn chiếc lá đẹp nhất ra làm mẫu để vẽ. Tôi hì hục, hý hoáy một hồi, tìm mọi cách để vẽ chiếc lá lang thật giống với chiếc lá thật trong tay. Từng đường cong, nét uốn, tôi cố gắng vẽ, có khi nín thở cho một nét bút, có lúc tôi ướm chiếc lá lên trang vở nữa. Lại cặm cụi, hì hục… Cuối cùng, chiếc lá xong, đến đoạn tôi tô màu. Tôi đem mấy cây bút màu ra thử trên giấy, rồi đem lá lang ra so, không thấy màu nào giống màu thật của chiếc lá. Giờ vẽ cũng sắp hết, tôi bắt đầu lo lắng. Thế rồi, một sáng kiến chợt lóe lên trong đầu, tôi lấy chiếc lá, bóp nhàu nát thành một thứ ‘màu nước’ tự chế rồi tô vào hình chiếc lá tôi vừa vẽ rất công phu ấy. Thú thật, khá vất vả để màu không bị lòe ra bên ngoài. Lại là màu nước, nên rất dễ vấy bẩn. Thế là mồ hôi mẹ, mồ hôi con thi nhau tuôn ra. Bây giờ thì màu dính cả hai tay rồi, ô kìa lại vấy sang cả áo! Cuối cùng, tôi cũng hoàn thành ‘tuyệt tác’ của tôi đúng giờ và thu dọn ‘đồ nghề’ kịp lúc, nhưng than ôi, chiếc áo đi học của tôi (chiếc áo nền trắng, hoa màu hồng; hồi đó học sinh chưa phải mặc đồng phục) bây giờ thêm lốm đốm mủ khoai lang, màu xanh lá lang, trông dị hợm và dơ bẩn quá. Tôi bắt đầu lo về nhà bị một trận la vì không biết gìn giữ áo quần đi học. Tôi tự trấn an “bị la cũng được, nhưng ít ra mình cũng vẽ được một bức tranh khá hơn và quan trọng nhất là thoát ra khỏi kiếp hình vuông, đường diềm”.


Việc gì đến ắt phải đến, tôi bị mẹ la về chiếc áo, không sao, tôi làm thinh, thế là qua chuyện. Còn hình vẽ chiếc lá của tôi ư? Sau khi nộp ‘tác phẩm’ của mình, tôi nóng lòng chờ đời. Ngày hôm sau,cô trả tập vở lại, tim tôi đập nhanh hơn, tôi hồi hộp đợi chờ…Vừa nhận cuốn tập từ cô giáo, không một giây chần chừ, tôi lật ra coi liền. Trời ạ, vẫn con số 5 xấu xí đỏ chét như đang trêu ghẹo tôi về công sức dã tràng tôi đã ‘đầu tư’ cho bức vẽ. Tôi buồn…buồn lắm! Tôi nhớ, lúc ấy, tôi buồn cho con số 5 thì ít, mà buồn vì sự cố gắng của tôi chẳng ích gì thì nhiều. Tôi buồn vì phải trở lại quẩn quanh với hình vuông, đường diềm khi tự mình được chọn vật thể để vẽ (lâu lâu mới được ‘vẽ tự do’ một lần). Tôi buồn vì cứ phải bo bo dựa vào cây thước kẻ với những đường ngang, dọc cứng nhắc khô khan…
Rõ ràng em bé kia, và bản thân tôi cùng bao học sinh khác không thể trở thành họa sĩ, nhưng chúng tôi biết cảm nhận cái đẹp, cái hay trong cuộc sống và muốn thể hiện vào trong những bức vẽ. Chúng tôi có thể hiểu và yêu thích những bức vẽ hay các tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi vẫn có sáng kiến, một yếu tố khá quan trọng trong sáng tác nghệ thuật, và cố gắng thể hiện theo các nhìn, cách hiểu của mình. Thế nhưng, ai sẽ là người hiểu và đánh giá đúng mức sự nỗ lực và cách cảm nhận, thể hiện của chúng tôi?! Nếu thầy cô giáo cứ mong nhìn thấy những bức tranh đẹp từ học sinh cấp I, tôi e rằng sẽ có nhiều em bé như chúng tôi, luôn nhận được con số 5 méo mó hay loại ‘C’ tội nghiệp kia thôi. Thầy cô giáo muốn học sinh mình phát triển những gì? đánh giá học sinh và việc học của các em như thế nào? câu hỏi nhiều năm vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng…

Trường lớp vẫn vậy, bảng đen phấn trắng như xưa, học trò xưa và nay, cách nhau 30 năm mà cách học, cách đánh giá coi ra không khác mấy! Vì đâu?

Monday, April 14, 2008

CUỘC SỐNG

Ngày xưa, có một ông vua bảo người kỵ sĩ của ông rằng, “đất đai của ta bạt ngàn, ngươi cứ tha hồ mà cho ngựa duổi rong bất cứ nơi đâu ngươi thích. Nơi nào có dấu chân ngựa của ngươi, phần đất ấy thuộc về quyền sở hữu của ngươi.”Thế rồi, người kỵ sĩ vui mừng, nhanh lao lên ngựa, phi nước đại về phía trước. Ngựa lao vun vút, chẳng bao lâu, anh ta sở hữu được một vùng đất rất rộng lớn. Càng phấn chấn hơn, anh vung roi thúc ngựa tung vó như bay. Cứ thế, anh tiếp tục có thêm nhiều vùng đất mới. Một thời gian sau, anh cảm thấy đói lả người và gần như kiệt sức. Thế rồi anh lại cố gắng, lao ngựa về phí trước vì sau lưng anh, phần đất anh sở hữu ngày càng nhiều.

Cho đến lúc anh có được một vùng đất mênh mông, sức anh cũng cạn kiệt. Dù cố gắng hết sức, anh cũng không vực dậy nổi. Anh ta sắp chết! Khi ấy, anh ta tự nhủ “tại sao ta lại vắt hết sức tàn của mình chỉ để làm một việc là có thật nhiều đất. Để làm gì kia chứ khi ta không thể sống để giữ phần đất ấy. Khi ta chết đi, ta chỉ cần một mảnh đất nhỏ để chôn thây…”Cuộc hành trình của chúng ta tương tự như câu chuyện trên vậy. Hằng ngày, chúng ta lao tâm khổ tứ để làm ra đồng tiền, để có quyền lực và danh tiếng. Ta quên đi sức khỏe, thời gian cần thiết cho những người thân trong gia đình và cảm nhận những nét đẹp xung quanh và dành một chút thời gian cho sở thích của mình. Một ngày nào đó, khi nhìn lại, ta giật mình nhận ra rằng, thật ra, ta không cần những thứ mà cả một đời ta lận đận lao đao tạo ra nó đến mức nhiều như vậy. Chao ôi, ta không thể quay ngược thời gian và ta đã đánh mất nhiều thứ cần thiết hơn.Sống không chỉ để làm ra tiền, để tạo quyền lực và danh tiếng. Sống chắc chắn không phải chỉ để làm! Làm chỉ cần thiết để duy trì cuộc sống rồi từ đó, chúng ta biết thưởng thức cái đẹp, niềm vui đích thực của cuộc sống. Sống là để cân bằng giữa làm việc và vui chơi, thời gian cho gia đình và thời gian cho riêng mình. Mỗi người chúng ta cần quyết định ta muốn gì và cần gì để có được cuộc sống cân bằng. Hãy quyết định ta nên ưu tiên cho cái gì trong cuộc sống nhưng những quyết định này cần phải căn cứ trên khả năng của mình.


Hạnh phúc chỉ có mặt khi cuộc sống có ý nghĩa và mục đích và đó chính là mục tiêu cuối cùng của một kiếp người. Hãy sống thoải mái, làm những gì mình muốn và biết thưởng thức thiên nhiên. Cuộc sống mong manh và ngắn ngủi. Hãy trân quý cuộc sống. Hãy tạo cho mình một cuộc sống cân bằng và thoải mái!

Sakura


Chẳng uổng tháng ngày phơi tuyết ủ sương...

Nắng Xuân mơn nhẹ, cành đào lay lay...


Vươn cành trong nắng vi vu gió lùa

Vùi trong tuyết, vươn mình trong tuyết,
một nguồn sống tuôn trào bất tận

Thiên nhiên vốn hoàn hảo và trọn vẹn nghĩa dâng tặng

Màn đêm đen không làm cho cái đẹp mất đi;
ngược lại trong bóng tối, cái đẹp càng nổi bật hơn

Bài học từ thiên nhiên: sống là cho đi, là làm đẹp cho đời


Dịu dàng và uy nghiêm trong trời đất


Vững chãi và hài hòa

Duyên dáng buông mình qua dòng nước lặng
Quá tuyệt vời và kỳ diệu, nên người ta gọi là 'tạo hóa'!

Trong giá lạnh bao ngày mới có thể vươn
cành soi mình trong nắng xuân ấm áp

Tuyết sương nuôi chí cho hoa thắm màu


Đường đường đầy hoa, hoa thành rừng,
hoa ngợp trời, ngút ngàn hoa...

Thiên nhiên phủ kín đất trời với hoa anh đào ngập lối

Khoe sắc thắm dâng đời...


Hoa điểm tô cho mọi ngả đường thêm duyên dáng

Thơ mộng thả bộ dưới trời hoa

Yêu kiều một sắc hoa màu trắng

Nhẹ nhàng và thanh thoát

Saturday, April 12, 2008

CHƠI


All work and no play makes Jack a dull boy


Đối với trẻ em, chơi cũng là một hình thức học. Nếu chúng ta không cho trẻ chơi, các em sẽ chậm phát triển, kém thông minh và thiếu linh hoạt. Điều quan trọng là thầy cô giáo và phụ huynh biết cách lồng những điều cần học vào trong các trò chơi theo cách ‘chơi mà học’, việc học của các em sẽ trở nên thoải mái và hiệu quả. Sau đây là một số lợi ích của vui chơi.
Lợi ích về phương diện tình cảm
-- Các em sẽ cảm thấy thích thú, vui vẻ, yêu cuộc sống quanh mình hơn.
-- Thoải mái, giải phóng năng lượng, giảm căng thẳng lo lắng.
-- Có khả năng tự thể hiện mình.
Lợi ích về phát triển nhận thức
-- Phát triển khă năng sáng tạo
-- Ngày càng trau giồi suy nghĩ trừu tượng
-- Trí tưởng tượng phong phú
-- Phát triển khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả
-- Mở rộng hiểu biết xã hội, có thêm sự cảm thông đối với người khác, biết đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn vấn đề
Lợi ích về phát triển cảm xúc
-- Tự tin
-- Tự trọng
-- Giảm lo âu
-- Cân bằng cảm xúc
Lợi ích về phương diện xã hội
-- Có tinh thần làm việc hợp tác với người khác
-- Chia sẻ kiến thức kinh nghiệm với người xung quanh
-- Hài hòa trong giao tiếp
-- Giải quyết hợp lý những xung đột
-- Phát triển kỹ năng lãnh đạo (kiềm chế những hành động có tính cảm tính và hành vi có tính bạo động)
Lợi ích về phương diện phát triển cơ thể
-- Vận động cơ bắp giúp cơ thể phát triển cân đối và khỏe mạnh
-- Giúp trẻ thích vận động và trở nên năng động hơn
-- Thao tác nhanh nhẹn và nhuần nhuyễn hơn
Phát triển về khả năng chú ý
-- Có khả năng chú ý thường xuyên, đều đặn hơn
-- Tập trung tốt hơn
-- Tính kiên trì bền bỉ được trau giồi tốt hơn.
Khả năng phát triển ngôn ngữ
-- Phát triển kỹ năng giao tiếp
-- Vốn từ vựng phong phú
-- Phát triển kỹ năng kể chuyện
-- Khả năng dùng từ lưu loát, văn chương.
Lợi ích về phương diện giáo dục
-- Tạo môi trường học có ý nghĩa để trẻ em học những khái niệm và kỹ năng.
-- Làm cho việc học trở nên thoải mái và vui.
-- Khuyến khích trẻ em khám phá, phát minh nhiều điều mới mẻ
-- Tạo điều kiện cho trẻ em phát triển thêm những gì đang học
-- Khuyến khích trẻ em tự tin thử nghiệm và thử thách
-- Tạo cơ hội để các em làm việc cộng tác với bạn bè và người lớn.
-- Trẻ em có điều kiện thực hành các kỹ năng đã học.

Wednesday, April 9, 2008

Cuộc sống quanh ta







Bạn còn than phiền?
Hãy quan sát cuộc sống xung quanh mình và cảm ơn những gì mình đã có được trong cuộc đời ngắn ngủi này.
Chúng ta thật may mắn, chúng ta có nhiều hơn những gì chúng ta cần...
Hãy than phiền ít hơn và cho nhiều hơn!