Thursday, October 30, 2014

NGƯỜI PHẬT TỬ DẠY CON NHỮNG GÌ


Chưa bao giờ nhân loại lại phải đương đầu với lắm tệ nạn xã hội, và hiện trạng phức tạp như ngày nay. Không biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng khủng khiếp, xấu xa bại hoại diễn ra hằng ngày trong và ngoài nước mà chúng ta hoặc chứng kiến hoặc được báo chí truyền hình truyền tin đăng tải. Nào là chiến tranh khủng bố, nào là giết người cướp của ngay cả đối với người thân, nào là xì ke ma túy, nào là hiếp dâm giết người giấu xác… Trong một xã hội ngày càng nhiều bạo hành, đạo đức băng hoại khủng khiếp như vậy, cha mẹ nào cũng thấy bất an khi cho con hòa nhập vào môi trường xã hội, nhưng cũng không thể giữ con ở mãi trong nhà. Nỗi lo lắng càng tăng lên gấp bội đối với nhiều cha mẹ phật tử biết hướng về con đường đạo đức thuần lương, không muốn con em mình bị tác động tiêu cực từ bên ngoài mà trở nên hư hỏng.
Không chỉ lạy Phật kính tăng
Với đại đa số tín đồ Phật giáo châu Á, cụ thể là Việt Nam, tu là biết ăn chay, là biết đến chùa lễ lạy, cầu nguyện cho gia đình bình an, hạnh phúc, làm công quả tạo phước, tham gia các công tác từ thiện do chùa khởi xướng, như vậy là mẫu mực lắm rồi. Thế là những phụ huynh phật tử có khuynh hướng dẫn dắt con mình theo cách tương tự để lấp kín nỗi lo con hư. Những biểu hiện thường thấy ở người phật tử Việt Nam là đưa con em mình đến chùa, lạy Phật, chắp tay cung kính khi gặp những vị thầy tâm linh là những tăng ni và tạo điều kiện để con em mình tiếp cận môi trường chùa chiền. Thế nhưng, với cách này, tác dụng giáo dục trẻ rất hạn chế và không bền, Cụ thể, có thể các em không thể duy trì thói quen đến chùa khi lớn hơn một tí, khi các mối quan hệ xã hội trở nên rộng hơn. Vả lại, các em có thể trở thành người ngoan, lễ phép với mọi người, chứ không được trang bị kỹ năng để trở nên tự chủ, tự lập để có thể giữ tâm an tịnh và nhất là đủ bản lĩnh để sống đương đầu với thử thách mà không bị sự chi phối, lôi kéo của những tác động không tốt từ môi trường bên ngoài.

Monday, October 27, 2014

VIỆC ĐẾN THÌ LÀM, RẢNH THÌ CHƠI

Hôm 20.10 vừa rồi, tôi post 3 entry trong cùng một ngày, trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Có một bạn gõ tin cho tôi, hỏi bữa nay ăn chi mà viết kinh! He he… Hôm nay, viết xong mấy chữ này, xin đừng thắc mắc, ngày hôm nay cũng post 3 entry, ăn chi mà viết… kinh! Không đâu, một bài nghiêm túc cho mục “mỗi tuần một từ” như đã hứa với mình,  một bài viết đã lâu, nay post lại làm tài liệu, rồi thêm mấy dòng này nữa thôi.
Hôm trước, có người gởi mail hỏi, sao bạn không mở comment? Mình đã trả lời rồi. Hôm nay, nhận được một mail tương tự, có bạn hỏi thêm về các lễ hội Ấn Độ, trụ đá Asoka, quốc huy Ấn Độ, rồi cũng hỏi sao không mở comment, không để hiển thị pageview… nên mình nghĩ, cần vài dòng trần tình ở đây vậy.

BỆNH VÀ TƯ DUY TÍCH CỰC

Tôi có  một nguyên tắc là bài nào đã gởi đăng nơi khác, thì không đăng trên blog cá nhân trong cùng thời điểm đó. Bài này viết lâu rồi, gởi đăng trên dotchuoinon, sau đó, thấy bà con đăng lại ở vài trang khác. Còn file gốc trong máy thì đã "đột tử" theo ổ cứng cách đây không lâu. Nay tôi xin lại bài này, post ở đây (có chỉnh sửa tí xíu), lưu tài liệu cá nhân. Bạn nào chưa đọc bài này trên dotchuoinon, thì mời đọc:
Bệnh là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời. Có mang thân người là có bệnh. Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần bệnh, không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Nếu người nào, đến giây phút này vẫn chưa một lần bệnh thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhưng ít ra, người đó cũng chứng kiến người thân của mình bị bệnh và biết chắc rằng, đến một lúc nào đó, mình có thể bị bệnh. Do đó, bệnh là một hiện tượng rất gần gũi với con người mà chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nói đến bệnh, ai cũng có thể nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ hãi và vô số những tâm lý tiêu cực khác. Hễ bệnh là đau. Điều này không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có khổ (về tâm). Bạn có thể thắc mắc đến ngạc nhiên rằng bệnh làm sao mà không buồn không khổ? Tôi đã từng thắc mắc như vậy sau vài lần bệnh, nhưng sau đó, thay vào các thắc mắc là các bài học tự nghiệm ra được. Ở đây, tôi xin chia sẻ với các bạn một vài phương diện tích cực khi đang bệnh hoặc phải sống chung với bệnh.

AN TỊNH NỘI TÂM: nghệ thuật sống bình an


An tịnh nội tâm là một trạng thái vắng lặng và thanh bình của tâm thức như là kết quả của tự do thật sự trong tâm mình. Đó là sự tự do, sự thoát khỏi những suy nghĩ và lo lắng, vắng bặt phiền muộn, không có bóng dáng của căng thẳng và sợ hãi. Nói cách khác, an tịnh nội tâm chỉ có thể thiết lập nơi người biết điều chỉnh và giữ thế cân bằng giữa các cung bậc cảm xúc, tình cảm. Đây là một kỹ năng sống, kỹ năng làm chủ cảm xúc đòi hỏi cả một quá trình thực hành miên mật với sự chú tâm tỉnh giác thường xuyên trong cuộc sống mà không phải ai cũng có thể làm được. Đây là sự tịnh lặng xuyên suốt bề sâu của tâm thức đòi hỏi sự dụng tâm đúng mức một cách kiên định và có nghệ thuật. An tịnh nội tâm là kết tinh của tri thức và trí tuệ nơi những người có bản lĩnh sống vững chãi khi đối mặt với bao áp lực của cuộc đời. Người có tâm an tịnh luôn có cuộc sống hạnh phúc, an lành, bình an và thỏa mãn.

Wednesday, October 22, 2014

LỄ HỘI DEEPAWALI

Ngày mai, đến lễ Diwali (Deepawali) rồi!
Trước đây, tôi đã viết một entry về lễ hội này (link đây).
Nay xa rồi không khí lễ hội truyền thống ấy, nhưng ký ức, xúc cảm vẫn còn gần như nguyên vẹn, dù gần 5 năm rồi...

Nhớ CIE, nhớ không khí lễ hội quá đi thôi...
 https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjLs9YQvFkGXv-ibO18WSAow0VFBe4AK4FfeGUO-YzDlLRC3JQqmpWTBYOOUcDYMeCMdMzA5HcVZDO61o0s8XvgOiiO34tlCocvVMhFX96MQfI7emehrY9oRkZbS5aJ1cyPN0N0kSNMpD23/s1600/79.gif

LÒNG THƯƠNG YÊU: bí quyết của hạnh phúc và khỏe mạnh

Con người sinh ra đã có lòng thương yêu

Ngài Dalai Lama nói rằng lòng thương yêu là một bản chất sẵn có trong mỗi người khi mới sinh ra. Giáo sư tâm lý học Dacher Keltner cũng đưa ra kết luận này từ 10 năm trước rằng “lòng thương yêu là một phần trong bản chất con người và sinh vật sống”. Chúng ta là con người, hẳn có tâm lành đó, mà tâm lành vốn có này lại được nuôi dưỡng từ thuở mới lọt lòng qua tình thương của mẹ dành cho con, qua cách người lớn dành cho các em bé trên khắp hành tinh này.
Mặc dù có nhiều tranh cãi trong một thời gian dài, nhưng các nhà nghiên cứu càng ngày càng đưa ra nhiều chứng cứ cho thấy rằng khi vừa sinh ra, lòng thương yêu là một bản chất đã sẵn có nơi con người và động vật. Chính lòng thương yêu là yếu tố giúp cho sự sinh tồn của nòi giống. Điều này giúp chúng ta tự tin hơn về bản chất thiện lành này VỐN CÓ nơi mỗi con người để mình tin bản thân mình và tin những điều tốt đẹp trong xã hội người mình đang sống. Tuy nhiên, lòng thương yêu ở con người như một bản chất, thật ra chỉ ở dạng khuynh hướng hành động, ở dạng tiềm năng chứ chưa phải là một khả năng. Cũng như thân xác này và bao đặc tính thiện lành khác, lòng thương yêu, muốn lớn, cần phải được dưỡng nuôi đúng cách chứ không thể chủ quan và ảo tưởng rằng, cứ bỏ vật vạ ra đó, nó tự lớn và ta nghiễm nhiên trở thành một người chứa đầy tình thương yêu và có thể hào phóng cho bất cứ ai.

Monday, October 20, 2014

80% người ăn chay thiếu Vitamin B12

B12-Deficiencyfinal-7092-1413767266.png
Nguồn: vnexpress (link đây)
Cách đây không lâu, tôi nhận được một lọ B12 của một người thân từ xa gởi biếu. Người này cũng ăn chay trường nên có lẽ cũng có dùng B12 bổ sung, và hiểu được những người ăn chay như mình cũng cần vitamin này.
 Có điều liều dùng của B1 bao nhiêu là hợp lý? Mặc dù trên các lọ B12 ngoài thị trường, hàm lượng 1000 mcg cũng như 1200 mcg, có ghi rõ “take one table daily with a meal” (mỗi ngày uống một viên, sau khi ăn).
Sau khi tìm hiểu, tôi biết thêm một tí về nhu cầu và cách dung nạp B12 của cơ thể. Theo nghiên cứu của RDA (Recommended Dietary Allowance), cơ thể chúng ta cần một lượng tối thiểu từ 4 đến 7 mcg mỗi ngày để có thể duy trì khỏe mạnh (nên nhớ đây là lượng tối thiểu nghen). Vấn đề thắc mắc của chúng ta là tại sao chỉ cần một lượng nhỏ như vậy mà vitamin 12 dạng viên nén, hàm lượng thường là 1000 mcg hoặc 1200 mcg? Bác sĩ Michael Greger đã giải thích việc này khá rõ trong một video clip (bạn nào thích thì có thể xem video clip với link đây). Ông nói rằng, cơ thể chúng ta chỉ có thể mỗi lần hấp thu được có 1.5 đến 2 mcg vitamin B12 mà thôi. Nó trở nên bão hòa với B12 và không thể hấp thu nhiều hơn lượng này trong một lúc được. Sau khi hấp thu hết, nó lại tiếp tục nhận B12, mỗi lần cũng có thể chỉ 1.5 đến 2 mcg. Thế nhưng, một điều quan trọng là 1% lượng B12 còn lại được thẩm thấu qua thành mạch vào máu. Trên cơ sở này, bác sĩ Michael Greger khuyên chúng ta nên uống hàm lượng 2500 mcg vitamin B12 ở dạng cyanocobalamin (dạng dược chất thường dùng nhất trên thực tế của vitamin B12) mỗi tuần. Như vậy, có thể uống 2 viên hàm lượng 1200 mcg, hoặc với viên có hàm lượng 1000 mcg, chúng ta có thể uống ngày một ngày một viên, sau đó nghỉ hai ngày (3 ngày 1 viên).
Có người lo rằng, cơ thể không thể hấp thu B12 nhiều thì uống hàm lượng cao, lượng dư sẽ bị bài tiết ra ngoài, uổng phí thì sao? Bác sĩ Greger giải thích rằng cơ thể chúng ta được một cái là rất giỏi lưu trữ vitamin B12 để dùng dần dần cho những ngày sau. Nó lưu trữ trong gan các bạn à. Thế nên theo bác sĩ Greger, không phải quá lo nếu ta không uống B12 mỗi ngày, thì uống một liều cho cả tuần, vẫn có tác dụng như thường. Nếu uống mỗi ngày, bác sĩ Greger khuyên nên dùng liều 250 mcg mỗi ngày. Nếu lâu nay các bạn uống theo sự hướng dẫn trên lọ B12, “take one table daily with a meal”, thì cũng chẳng hề hấn gì đến sức khỏe, đơn giản là lượng B12 dư thừa thì sẽ bị bài tiết ra ngoài sau 7 đến 10 ngày.
http://ecx.images-amazon.com/images/I/41%2BiBljhqLL._SY300_.jpg 
Thế nhưng vẫn gặp ý kiến trái chiều từ một số chuyên gia khác, như bác sĩ Jack Norris chẳng hạn. Theo bác sĩ Jack Norris, chúng ta nên uống vitamin B12 hằng ngày với liều thấp vẫn tốt hơn là uống một lần rồi nghỉ cả tuần, để tránh hiện trạng thèm ăn trong những ngày vừa uống B12 (do tác dụng của B12) và thất thoát lượng B12 dư qua đường bài tiết. Với kiến thức cùi bắp như tôi, tôi vẫn tin rằng uống thuốc gì cũng vậy, hằng ngày vẫn tốt hơn. Thế nhưng, vấn đề là, thuốc B12 viên nén được bán trên thị trường thường có hàm lượng 1000 mcg hoặc 1200 mcg. Chắc hẳn các nhà nghiên cứu kỹ vấn đề này rồi, nên mới cho  phép nén viên B12 với hàm lượng đó. Nghĩa là cơ thể mình có khả năng để dành và cung cấp từ từ khi nó có nhu cầu hấp thu theo lời giải thích của bác sĩ Greger.
Lọ thuốc tôi đang có cũng có hàm lượng 1000 mcg. Thôi thì cứ uống ngày nghỉ hai ngày, mỗi lần uống 1 viên; ai dễ quên thì cứ uống ngày, nghỉ ngày cũng không sao (vì uống ngày nghỉ ngày dễ nhớ hơn uống ngày nghỉ hai ngày!). Cứ hỗ trợ cho cỗ máy thân xác này một lượng B12 hậu hỷ 3500 mcg mỗi tuần đi, để nó chạy tiếp giúp mình vậy.
Về phương diện bảo quản: lâu nay, các chuyên gia vẫn khuyên chúng ta nên bảo quản vitamin B12 nơi tránh ánh sáng trực tiếp (vì lẽ đó các lọ chứa vitamin B12 thường có màu tối), tuy nhiên, có một nghiên cứu thực hành năm 2009 của một nhóm chuyên gia (link đây) thì đưa ra kết luận rằng, việc để B12 phơi ngoài ánh sáng và để tránh ánh sáng đều như nhau, nên không nhất thiết phải căn dặn  protect from light.
Một điều quan trọng cần nhắc: bà con ai ăn chay thì nhớ uống bổ sung B12 vào nha.

VÔ CẢM - Căn bệnh xã hội


Trong xã hội văn minh, hiện đại, con người đã biết tạo ra những máy móc hiện đại để hỗ trợ cuộc sống con người đỡ vất vả. Nhiều công việc thủ công ngày xưa đòi hỏi toàn sức người, mất nhiều thời gian, sản phẩm cho ra lại kém tinh xảo. Ngày nay, chỉ cần một người vận hành cỗ máy có thể làm thay công việc của cả trăm người. Thêm vào đó, con người biết chế tạo “người máy” để nó giúp con người đỡ đần những công việc nặng nhọc. Công nghiệp robot của Nhật phát triển thật ấn tượng khi cải thiện không ngừng để đưa vào sử dụng trong cuộc sống ngày càng nhiều những con robot có hành vi giống như người thật: Robot đá bóng, robot đấu vật và robot có khả năng tự giới thiệu bằng tiếng Anh, mà có lần họ có đem qua Việt Nam trưng bày, biểu diễn tại Trường Đại học FPT vào năm 2012. 

Khi có máy móc hiện đại làm giúp và làm thay, con người lẽ ra có nhiều thời gian hơn để chăm sóc, quan tâm đến nhau nhiều hơn, nhưng sự thật đắng lòng không phải vậy. Trong khi con người tìm mọi cách để tạo ra ra một con chip “tình cảm” để khiến những cỗ máy thông minh nhưng vô tình này biết thể hiện tình cảm yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô cảm vô tình, thờ ơ với mọi người và mọi sự xung quanh. Bệnh vô cảm, một căn bệnh nan y đang hoành hành trên diện rộng trong mọi tầng lớp trong xã hội chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân nữa rồi.

Tiếp tục với "Mỗi tuần một từ"

Trước đây, khi còn là nghiên cứu sinh, tôi thích viết “Mỗi tuần một từ” trên trang blog này. Nghĩa là ngoài các bài ngẫu hứng viết để post lên đây chia sẻ với người có duyên, vào ngày thứ Hai, tôi viết một entry ngắn về một khái niệm, một hiện tượng, một phạm trù nào đó có tính chất như một bài học để tự nhắc nhở mình suy nghiệm về nó nhiều hơn trong tuần ấy, luôn tiện gởi gắm, chia sẻ một chút về nhận thức, quan điểm sống của mình đến những người thân quen có dịp ghé “ngôi nhà ảo” của mình. 

Sau đó, lượng công việc dồn lại, quỹ thời gian hụt đi, việc viết blog vốn được ưa thích và xem như một phương pháp trị liệu tinh thần khi sống xa quê dần thưa thớt. Thế là các entry thuộc mục “Mỗi tuần một từ” tự mất theo thời gian. Giã từ đời sống research scholar, về lại quê nhà cũng là lúc không thể tập trung viết gì được, tưởng chừng trang blog này không thể “sống” đến ngày nay chứ. Các đề tài khác còn không có, nói gì đến “Mỗi tuần một từ”. Tôi thường nói “cứ làm đến khi thấy vô lý thì dừng”, nên dạo gần đây, thấy cần phải cắt giảm thời lượng và năng lượng lâu nay dành cho những việc “vô lý” để dành phần ưu tiên cho blog như một sự tử tế với người bạn tốt duy nhất của mình (vì chưa từng làm tổn thương mình). Từ đây, mục “Mỗi tuần một từ” được tiếp nối. Nếu có duyên sự xa môi trường online trong hai ngày đầu tuần, thì tôi sẽ post bài trễ hơn; còn nếu hơn hai ngày, coi như “đặc cách” cho tuần đó vậy. Nói là vậy, nhưng trong điều kiện có thể, tôi sẽ cố gắng duy trì mục này, đơn giản vì thích.

Với từng entry trong “Mỗi tuần một từ”, tôi xem đây là cách nhắc mình những gì cần làm, cần điều chỉnh trong cuộc sống để có được chất lượng cuộc sống tốt nhất. Những giây phút đầu tiên của ngày đầu tiên trong tuần dành để tư duy, gõ ra, chiêm nghiệm và chia sẻ điều gì đó mang tính nhân văn và triết lý sống có một giá trị lay động tâm thức của tôi về vấn đề đang để tâm ấy rất nhiều. Tôi cảm nhận điều này và đây là cách nạp năng lượng để sống một tuần!

Friday, October 17, 2014

GIÀ: cỗ xe thân xác bắt đầu rệu...

Hôm nay, đọc được đoạn này hay và chí lý:

Trong tuổi già, người ta biết ơn sự nhiệm mầu của tạo hóa.  Có bộ máy nào, không phải là gang thép, bạch kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt động như quả tim, buồng phổi, trái thận, cái bao tử, não bộ.  Có hệ thống ống dẫn nào hoạt động sáu bảy chục năm mà chưa thay thế như các mạch máu của hệ thống tuần hoàn.  Thì dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng là sự thường tình, và mừng là còn sống, còn sinh hoạt được.  Dù có phải liền liền đi vào cầu tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn sung sướng là cái vòi xài mấy chục năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ sơ.  Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà năm bảy năm đã phải thay rồi...
(Nguồn: http://www.viet-studies.info/TuoiGiaSungSuong.htm)

Thấu hiểu và chấp nhận sự thật không thể thay đổi này rồi thì có đau tim, đau lưng hay đau gì gì đó vẫn cảm thấy sung sướng khi cảm nhận, lắng nghe sự thay đổi của cỗ xe thân xác đang cọc cạch vì ốc vít rơ quá nhiều rồi!
 http://naldzgraphics.net/wp-content/uploads/2009/10/charac36.jpg

Liên tưởng đến một bài kinh Đức Phật cảnh tỉnh mỗi người luôn nhớ đến cái già mà sống một đời đáng sống khi còn trẻ khỏe. Bài kinh thế này:

 Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Pub-bārāma, trong lâu đài của mẹ Migāra.

 Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương Tây.

 Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng:

– Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời (sithilāni), nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

– Sự thể là vậy, này Ānanda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn.

Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm:

– Bất hạnh thay tuổi già! Đáng sợ thay cuộc sống! Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng trước khả ý, nay già đã phá tan! Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót ai, tất cả bị phá sập.
(Tương ưng bộ kinh, tập V: Thiên Đại phẩm, Chương V, Phẩm Về già)
 

Wednesday, October 15, 2014

Tuesday, October 14, 2014

TÔN TRỌNG THEO TINH THẦN ĐẠO PHẬT (Kỳ 3)

3.    Tôn trọng người khác
Tôn trọng người khác rất được đề cao trong giáo lý Đức Phật. Điều này được phản ánh rất nhiều trong kinh điển khi đề cập đến thái độ tôn trọng. Kinh điển mô tả chi tiết cung cách người cư sĩ tại gia thời Đức Phật thể hiện lòng tôn trọng đối với Ngài và tăng đoàn bằng nhiều cách khác nhau. Trong phần duyên khởi ở các bài kinh, cách thể hiện lòng tôn trọng Đức Phật và tăng đoàn một cách truyền thống nhất là khi người cư sĩ đến yết kiến Đức Phật, cung kính đảnh lễ, rồi ngồi xuống một bên, sau đó mới lễ phép bạch hỏi điều cần thưa hỏi.
Tăng chúng còn có những cách thể hiện lòng tôn kính chuẩn mực hơn đối với Đức Phật. Trong hội chúng, bao giờ cũng có một vị trí đặc biệt hơn được soạn sẵn dành cho Ngài và chư tăng bao giờ cũng cung kính, đảnh lễ và lắng lòng nghe những gì Ngài chỉ dạy. Sự tôn trong giữa các thành viên trong tăng đoàn với nhau cũng rất đặc biệt, khi chư tăng “sống hòa hợp hoan hỷ, không có luận tranh, sống như nước và sữa lẫn lộn, nhìn nhau với cặp mắt ái kính” (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm X, kinh số 93; , chương III, phẩm XIII, kinh số 122; chương V, phẩm VI, kinh số 54; chương V, phẩm VIII, kinh số 78). Đối với những vị sống độc cư ở núi rừng, không ở trong các hội chúng đông đảo, không nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống cộng đồng, Ngài Xá Lợi Phất, đệ tử lớn của Đức Phật, cũng nhắc nhở chư huynh đệ rằng “Này chư hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng phạm hạnh. Nếu không, có người sẽ quở trách, chê cười” (Kinh Gulissani, Trung bộ kinh, số 69).

Friday, October 10, 2014

TÂM TỪ LÀ THIỆN CHÍ


 (Bài này đã đăng trên nguyệt san Giác Ngộ số 224 - tháng 11/2014)
Nguyên tác:Thanissaro Bhikkhu
Người dịch: Hằng Như
Tâm từ trong đạo Phật, một cách truyền thống, được hiểu là lòng thương yêu cao thượng, vô lượng và vô hạn đối với tất cả chúng sanh không phân biệt chủng loại, biên giới. Thế nhưng tỳ kheo Thanissaro có cách nhìn rộng hơn, đôi chỗ khác hơn cách hiểu truyền thống qua bài viết “Tâm từ là thiện chí” này. So những gì được trình bày trong bài viết với những lời dạy của đức Phật cũng như soi vào trong thực tế cuộc sống, tôi thấy những ý tưởng của thầy Thanissaro cũng khá chí lý và thú vị. Do vậy, tôi dịch ra tiếng Việt để chia sẻ với người có duyên.
Ajaan Fuang, thầy tôi, có lần thấy một con rắn chui vào và nằm im trong phòng Ngài không biết từ khi nào. Cứ mỗi lần bước vào phòng, Ngài thấy nó giấu mình trong một khe nhỏ dưới cái tủ trong phòng. Ngay cả khi Thầy tôi mở toang cửa phòng suốt ngày, con rắn ấy cũng không muốn đi. Thế là suốt ba ngày, thầy tôi sống chung với con rắn ấy. Thầy rất cẩn thận trong đi đứng để không làm nó giật mình, hoặc cảm thấy sợ với sự có mặt của Thầy. Thế nhưng đến đêm thứ ba, khi đang ngồi thiền, trong tâm, Ngài thầm nói với con rắn rằng “con thấy đó, không phải ta không thích con. Ta không phải không thương con. Nhưng ta và con có suy nghĩ không trùng khớp nhau, nên giữa chúng ta dễ dàng có sự hiểu lầm. Bây giờ, ở ngoài rừng kia có nhiều nơi con có thể sống mà không phải chịu đựng sự không thoải mái như khi sống chung với ta”. Và khi Ngài khởi tâm từ đến con rắn, nó rời phòng ra đi.

Thursday, October 9, 2014

Liệu có thần giao cách cảm?

Đang chùng lòng một tí với giả-thật trong các mối quan hệ tôi đã nuôi dưỡng lâu nay, viết một entry rồi mà lòng vẫn còn man mác. Tôi chợt nhớ đến Thầy Shyam B. Menon như là một hình ảnh trái ngược với những gì tôi đang gặp. Đây là cách để tâm lý pasada (tín tấm thuần khiết, niềm tin trong sáng về một giải pháp tích cực, tốt đẹp) nó vớt tâm lý samvega (chùng lòng, bất an và loay hoay muốn vượt thoát tình trạng hiện tại) đang lan tỏa xâm chiếm lòng mình. 

Với Thầy, mối quan hệ thầy trò đến rất tự nhiên, không cần quá nhiều năng lượng, tâm huyết để nuôi dưỡng mà nó tự lớn, khỏe mạnh thế này, trong khi đó, nhiều mối quan hệ mình nuôi sao nó không lớn?!

 Đang nghĩ đến Thầy Menon, định lục entry "Thầy tôi" đọc lại để nhắc mình, trên đời này hãy còn nhiều người chân tình lắm, thì mail Thầy đến. Hơi lâu rồi, Thầy chẳng mail cho tôi, có lẽ vì bận. Phần mình, không có gì mới, nên tôi chẳng có mail thăm Thầy cũng vài tháng rồi.

Phải chăng có cái gọi là "thần giao cách cảm" ở đây?!

Lòng bình an!

Entry "Thầy tôi" này được viết từ nhiều năm rồi...

GIẢ-THẬT?!



Xu thế thời đại này là xu thế phát triển của một nền vật chất ngày càng phong phú dồi dào. Trong cái phong phú ấy cũng tạo cơ hội cho một môi trường “vàng thau lẫn lộn” với người làm ăn không chân chánh. Hàng giả, hàng dỏm, hàng nhái tràn lan trên thị trường và khiến cho người tiêu thụ thật sự bối rối. Ngay cả những người sành điệu trong mua sắm vẫn bị lừa như thường. Cứ mua hàng giả mà phải trả giá hàng thật. Oan lắm nhưng biết kêu sao cho thấu trời!

Thử hỏi làm sao phân biệt được khi giả và thiệt giống nhau về mẫu mã, nhãn mác, hình thức, tất tần tật mọi thứ giống nhau. Chỉ có một cái khác nhau: đó là chất lượng mà chỉ khi nào người tiêu dùng đem về sử dụng thì mới biết. Biết thì việc đã rồi. Đem mặt hàng bị lừa ra so với hàng thật may mắn mua được trước đó, vẫn không thể nào phân biệt được. Nhức đầu chứ không phải chuyện đùa đâu!

Thời nay người ta khéo giả lắm. Khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc chở về tận Đà Lạt, lấy đất Đà Lạt bôi lên rồi chở đi các nơi tiêu thụ, làm sao người dân phát hiện ra? Dầu pha, dầu trộn đem về tận lò ép dầu, đổ hẳn vào lò để thấy dầu từ trong máy chảy ra! Ai đến tận nơi với hy vọng mua được dầu nguyên chất cũng bị lừa như thường. Chung quy, kiểu gì cũng bị lừa, lừa khắp nơi nơi, lừa hết mọi người dưới vỏ bọc hoàn hảo.

Mua hàng giả, về dùng cũng ức, nhưng xài xong rồi, cục ức cũng đi theo. Thế nhưng, giả trong quan hệ tình người là vết thương kín đau dai dẳng âm ỉ. Thà như vết thương hở toét miệng rách da lòi thịt ra vậy mà nhanh lành hơn. Đằng này, đạo đức giả là vết thương kín làm tổn thương ghê gớm, mà lại khó lành. Chính cái lớp da mỏng manh che vết thương ấy, cái gọi là “lịch sự”, “đãi bôi”, “xã giao” ấy nó giết chết tình người, tâm người và con đường làm người của biết bao sinh vật đang được gọi là “con người”! 

Đạo đức giả là giả vờ tử tế để phô trương những hành động tốt,  làm ra vẻ đối xử tốt với người khác nhưng thực tâm lại đi hãm hại người đó. Đạo đức giả là trước mặt thì tử tế lắm, sau lưng thì “đánh nguội” thường xuyên. Trong bóng đá, đánh nguội là hành vi không hề đẹp và có khi phải  nhận thẻ đỏ rời sân nửa chừng ah nghen! 

Tôi không dám hồ đồ nhận mình là đạo đức, nhưng đạo đức giả thì không. Tôi vẫn thích cách sống có sao thể hiện vậy mà Phùng Quán viết trong “Lời mẹ dặn” rằng “yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”. Từ bé, tôi đã có cách sống cương trực như thế. Mặc dù cách sống này đem lại cho tôi nhiều phiền toái, nhưng cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận. 

Tôi nhớ lúc tôi học lớp 2, có một bạn trên đường đi thăm người bà con, tiện đường, ghé vào nhà tôi chơi. Gặp bạn, tôi mừng lắm, dù chúng tôi mới gặp nhau trên lớp khi sáng. Thế là hai đứa chơi với nhau. Thấy nhà tôi có cây chanh giấy đang ra trái rất nhiều (thời ấy, ở quê tôi vẫn ít người trồng loại cây này), bạn ấy hái 2 trái chanh sắp chín nhét vội vào túi quần, nhưng chẳng may tôi thấy. Tôi làm thinh. Sau vài phút, bạn tôi chào mẹ tôi về, rồi chạy đi. Không nghe bạn đề cập gì đến 2 trái chanh, tôi đuổi theo kéo lại cho bằng được với lý do duy nhất “mày phải trở lại nhà tao xin mẹ tao rồi mới được đem 2 trái chanh đi, mẹ tao có ở nhà mà mày làm vậy là hái trộm”. Bạn mắc cỡ, không chịu quay lại. Tôi nói nếu vậy, mai tôi lên trường thưa với cô giáo. (Hồi đó, đứa nào cũng sợ cô giáo lắm). Thế là bạn tôi miễn cưỡng trở lại nhà tôi xin lỗi về việc hái 2 trái chanh. Mẹ tôi hái thêm cho bạn 5 trái nữa. Tôi nói “tao không phải quý 2 trái chanh, mà chưa xin thì không được lấy. Chuyện này tao với mày biết thôi”. Bạn tôi ra về. Tôi muốn giữ kín câu chuyện vì nghĩ trong việc này bạn sai, tôi đúng và giữ kín để bạn không xấu hổ với người khác. Ấy vậy mà bạn tôi lại nghĩ khác, bạn ức vì việc đó, cho là tôi quá đáng, bạn không sai. Thế là ngày mai, tôi lên lớp, bạn bè to nhỏ, có đứa nói thẳng luôn, tại sao tôi làm thế với bạn. Tôi thật ngạc nhiên và chấp nhận sự phiền phức do mình gây ra này mà không hề xem đó là một tai nạn. Tôi tiếp tục sống theo cách đó đến giờ. 

Với cách của mình, trong cuộc sống, rắc rối tôi gặp cũng nhiều, người không ưa mình càng nhiều hơn, nhưng tôi cảm thấy lòng bình yên lắm, khi không “xi mạ” cho mình một cái lớp áo đạo đức giả nào. Những người diễn viên  sau khi hoàn thành vai diễn trên sân khấu, rời ánh đèn và âm thanh rộn ràng, họ cũng về nhà và phải tẩy trang để mặt mộc chứ. Những người đạo đức giả cũng sẽ có lúc phải “về nhà”, đời thế nào cũng cho họ đủ thời gian để tẩy trang và sống với con người mộc để cảm nhận đầy đủ những việc họ làm chứ nhỉ?! Luật nhân quả vẫn vận hành mãi mãi; thời gian đi tới chứ đâu có đi lui bao giờ.

Cùng với những thói ích kỷ, đố kỵ, xu nịnh, a dua, thói đạo đức giả là một thói xấu đang hoành hành ăn mòn mối quan hệ giữa con người và con người. Nó làm mất dần vẻ chân thực của đời sống xã hội và dần làm băng hoại đời sống đạo đức từ cá nhân cho đến cộng đồng. Thói đạo đức giả có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chốn. Ghê tởm nhất là những người mang bộ mặt quân tử mà đằng sau đó là thủ đoạn, nhỏ nhen. Những lúc mình lên bờ xuống ruộng, họ cũng hè nhau đánh hội đồng, mà sau đó giở trò an ủi, thông cảm. Hẳn họ quên rồi sao? chính họ cũng đã “ủi” mình trước đó mà may sao, sau chao đảo mình cũng lấy lại thăng bằng, giờ thì an cái nỗi gì. Nếu họ chỉ ủi mà không  an, xem ra còn dễ chịu, vì dù sao, chuyện gì đến, rồi cũng qua đi, mình sẽ bấm nút cho qua nếu họ không quay lại bày trò nhân nghĩa, cảm thông. 

Như trên đã nói, phải thừa nhận một điều, thói đạo đức giả rất khó phát hiện. Mà khi phát hiện ra, đúng là đến giai đoạn 3 bệnh “ung thư mối quan hệ”, hết thuốc chữa! Người thẳng tính, muốn mọi thứ rõ ràng, làm việc có tính nguyên tắc thì rất dễ thấy và dễ bị lên án vì họ cho là khó chịu. Nhưng buồn thay, thói đạo đức giả lại vẫn thường chung sống với cộng đồng một cách… vui vẻ, ai cũng biết mà họ ngầm chấp nhận nhau. Cho đến một ngày, nó di căn khắp trong mọi cách thể hiện trong mối quan hệ, thế là đến giai đoạn 3. Con người dễ bị thói đạo đức giả dối lừa là bởi cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa của nó. Với vẻ bề ngoài, đạo đức giả cũng phô diễn vẻ đẹp của nhân cách, cao thượng trong đối xử, thấu cảm trong chia sẻ. Vì vậy, những người đã xi mạ này dễ chiếm được sự đồng cảm của số đông. Đây là thức ăn nuôi sống thói đạo đức giả trong xã hội.

Biết giả, ngán giả, mà cứ gặp giả. Thôi thì cứ tìm một góc nào đó xin chút không khí thừa để hít thở đi thôi!