Friday, August 31, 2018

NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ CHE


Như voi chiến ra trận, bằng mọi giá, phải giữ chiếc vòi, vì đó là sinh mạng của nó. Cũng như vậy, người tử tế phải biết giữ lời nói của mình, tôn trọng sự thật, và điều này cần trở thành một phần trong nhân cách của bạn. Đây là yếu tố tạo nên niềm tin tưởng, sự yêu quý và nể trọng của người chung quanh dành cho bạn. Đặc tính của chân thật là tự nó có khả năng tỏa sáng ở mọi lúc mọi nơi, nên không thể che là vậy.
Đức Phật dạy, trên đời có ba thứ không thể che giấu lâu dài, đó là: mặt trời, mặt trăng và sự thật (Tăng chi bộ kinh, Chương III, phẩm XIII, kinh số 129: Che giấu).
Mặt trời, có khối lượng lớn gấp hàng ngàn lần khối lượng trái đất, là một lò lửa khổng lồ, cách trái đất mấy trăm triệu cây số, làm sao có thể che được? Mặt trăng tuy có kích thước và khối lượng nhỏ hơn trái đất (khoảng 2% khối lượng trái đất), cũng đã lớn lắm rồi, lại cách rất xa trái đất chúng ta đang sống thì làm sao chúng ta có thể che được? Do vậy, những ai chủ quan qua mặt người khác, làm như thể không ai biết chuyện ấy, trong khi mọi việc cứ bày ra rành rành đó, thì người ta hay mỉa mai rằng “đừng lấy tay che mặt trời” là vậy.

Sunday, August 26, 2018

ĐẠO QUÂN NÀO THẮNG?


Trong tâm chúng ta có hai đạo quân luôn tranh chiến quyết liệt không một phút giây ngừng nghỉ, đó là “hạnh phúc” và “khổ đau”. Nếu bạn tiếp lương và nuôi dưỡng đạo quân nào, đạo quân ấy sẽ mạnh mẽ hơn và chiến thắng. Quyền chọn lựa đứng về phía nào nằm trọn vẹn trong lòng bàn tay của bạn vậy.
Có người kể tôi nghe câu chuyện thế này. Một hôm, khi cô đang cắm điện nấu cơm cho bữa ăn trưa, bỗng nhiên cúp điện, nồi cơm vừa mới sôi lăn tăn. Không hề có sự chuẩn bị cho sự cố này, cô hơi bị động, kèm theo chút bực bội. Cô ấy liền lấy lòng nồi cơm điện bắc sang bếp ga để nấu tiếp. Vừa bật ga cô ấy vừa càm ràm trách móc “cái ông nhà đèn này, bực mình hết sức. Người ta đang nấu cơm, tự nhiên cúp điện à”. Thế rồi, nồi cơm cuối cùng cũng được nấu chín. Hôm đó, điện cúp đến 5 giờ chiều. Nóng nực khiến bực mình, cô đi ra đi vào, cầm điện thoại, coi bâng quơ như một cách giải tỏa tâm lý. Khi mở loạt tin nhắn chưa đọc, cô thấy tin nhắn báo lịch cúp điện. Thì ra, nếu biết thì mọi việc trở nên đơn giản vô cùng và có thể chủ động công việc của mình. Chỉ vì thiếu thông tin nên cô bị động và bực mình trách móc.
Thì ra…, cái “ông nhà đèn” bị oan!

Tuesday, August 14, 2018

NÓI TRONG CHÁNH NIỆM

Lời nói là phương tiện truyền thông đặc trưng nhất ở loài người. Đây là tặng phẩm đặc biệt cuộc đời dành riêng cho con người. Sử dụng lời nói hiệu quả là cách bạn biết trân quý món quà vô giá chỉ có ở con người để xứng đáng phẩm hạnh của một chúng sanh cao quý nhất giữa những loài hai chân.
Những bậc hiền triết xưa, những người có tài năng, trí tuệ và tâm lành, thường khuyên dạy chúng ta, trước khi nói, cần phải suy nghĩ thật kỹ những gì mình sắp nói. Cụ thể, suy nghĩ ở các phương diện sau:
(1)                 Điều mình sắp nói có đúng không?
(2)                 Điều ấy có đem lại lợi ích cho người nghe không?
(3)                 Có truyền cảm hứng tích cực cho người nghe không?
(4)                 Có cần thiết cho người nghe không?
(5)                 Bạn có tử tế khi nói ra điều này không?

Friday, August 3, 2018

CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU


Trong cuộc sống, con người luôn đối mặt với khổ đau. Khi khổ đau có mặt, hoặc bạn phải chịu đựng và quỵ ngã, hoặc bạn sẽ nỗ lực vươn mình tìm cách chuyển hóa, vượt qua và đứng lên ngay chỗ mình vừa ngã xuống. Chỉ những người sáng suốt mới làm được việc này và một khi làm được, bạn đã biết sử dụng khổ đau làm chất liệu để xây dựng cuộc sống hạnh phúc và bình an.
Nếu cầm một ly nước trong giây lát, ai cũng đã từng làm và biết rằng; không có vấn đề gì. Nếu cầm ly nước ấy trong một tiếng đồng hồ, cánh tay sẽ mỏi nhừ và đau nhức. Nếu liên tục trong 24 tiếng đồng hồ cầm ly nước có cùng trọng lượng như vậy trên tay, chắc hẳn phải đi cấp cứu!