Friday, June 24, 2016

ĐẠO ĐỨC LÀ LÒNG QUYẾT TÂM GIÚP ĐỠ

Lời dạy thứ tư (trong 108 lời dạy) của Ngài Dalai Lama Hãy bố thí mà không mong đợi một sự hồi đáp nào và cũng không tính toán gì cả. Không vì mong muốn tìm sự thích thú mà bố thí hay là để người khác yêu quý mình, bố thí như thế mới có thể mang lại hạnh phúc lớn hơn cho mình. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có thể đem tất cả chúng sinh đến gần nhau hơn chính là tình thương yêu”.

Bố thí không mong hồi đáp

Quan sát cuộc sống quanh mình, chúng ta thấy phần lớn người ta thường bố thí đều mong chờ một sự hồi đáp tương xứng nào đó. Đó không phải là một hành động bố thí đúng nghĩa mà chỉ là một hình thức đầu tư, không hơn không kém. Người bố thí mà mong sao cho những gì thu về có giá trị hơn, giúp mình thỏa mãn hơn, lấp vào chỗ trống mình đang thiếu thì đó không phải là bố thí đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật. Khi bố thí, nếu trong tâm mình khởi lên một mong cầu được hồi đáp, dù đó là sự biết ơn từ người nhận, là quả báo tốt đẹp ở tương lai hay bất cứ gì khác đều không trọn vẹn. Nếu khởi tâm mong cầu hồi đáp, sự bố thí của mình là một việc trao đổi hay sao? Mong cầu là biểu hiện của tâm tham, mà bố thí, ngược lại, là biểu hiện của tâm vô tham. Đem tâm mong cầu đặt vào trong việc bố thí, thì “nước tham một dải đen sì” (NT Huỳnh Liên) sẽ nhuộm pháp bố thí thành màu đen tối, mất hết ý nghĩa cao đẹp và thiêng liêng. Do đó, muốn việc bố thí trọn vẹn ý nghĩa này, người bố thí cần làm với tâm hoàn toàn tinh khiết, không tham cầu gì cả. Chỉ có sự buông xả tuyệt đối mới có thể giúp chúng ta thực thi  bố thí đúng nghĩa của nó, bố thí không chờ đợi một sự hồi đáp nào.

Monday, June 20, 2016

ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ: ĐỘ SANH BẰNG CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC

Tổ sư Minh Đăng Quang đã rất coi trọng Pháp bảo: “Pháp bảo là thầy của Phật, là thầy của Tăng và chúng sanh. Vậy nên chúng ta mau mở trí ra mà chứa đựng Pháp bảo. Vì trong đời Pháp bảo là quý hơn hết(Chơn Lý – Có và không, tr. 94). Vì lẽ đó, đức Tổ sư chọn con đường độ sanh qua các phương tiện giáo dục, lấy Bát chánh đạo làm tôn chỉ trong sự hành trì, khuyến tấn mọi người siêng năng nghe pháp, thực hành pháp để chuyển hóa tự tâm.
Sự chú trọng đến giáo dục được thể hiện trong việc đức Tổ sư dạy về các hạng mục cần xây dựng trong một ngôi tịnh xá. “Tịnh xá phải tám thước, vuông bốn phía, hình bát giác. Có nhà giảng thuyết pháp, góc vuông mười sáu thước” (Luật nghi Khất sĩ). Trong tịnh xá nhất thiết phải xây dựng nhà giảng đã nói lên tinh thần lấy giáo dục làm hàng đầu trong sự tu tập và hoằng pháp. Đây là chỗ để chư Tăng trụ xứ, tức là những vị Khất sĩ không đủ sức khỏe đi du phương nên phải ở một chỗ, thực hiện bổn phận dạy dỗ cư gia, mà Ngài gọi là Bồ tát trụ xứ (Luật nghi Khất sĩ). Chính hình ảnh dạy dỗ cư gia bá tánh, “thuyết pháp cứu độ đông người theo lòng mong cầu của họ” (Chơn Lý – Cư sĩ, tr. 255) đã biểu hiện tinh thần truyền trao giáo pháp cho mọi người, và cũng chính là hình ảnh giúp cho thế nhân thắp sáng lên ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng lộ trình tiến hóa cho nhân sanh.
Nỗ lực của đức Tổ sư là làm tái hiện nếp sống tăng đoàn thời Phật. “Thuở xưa hồi Phật sanh tiền, Phật và Tăng chỉ thuyết pháp, đem chơn lý dạy cho người tu tấn hóa, chớ không có thờ phượng chi cả; các người đi đi mãi không ở trụ một chỗ; tịnh xá người ta cất ra, để thỉnh Phật Tăng đến nghỉ chơn, và dạy đạo; tịnh xá làm bằng cây lá sơ sài, gồm cả một khu vườn rộng, cốc am, nhà giảng; nhà giảng là nhà mát trống rộng để che mưa nắng, trong khi giảng đạo tạm thời, khi nào các Ngài đi, thì bỏ hết, vì Tăng chúng luôn luôn theo Phật” (Chơn Lý – Tông giáo, tr. 369-370).  Cho nên Ngài mới nói: Khất sĩ là kẻ thi hành pháp thí, ban bố tinh thần, tạo sự sống linh hồn cho muôn loại” (Chơn Lý – Y bát chơn truyền, tr. 194).
Chú trọng đến việc dạy pháp cho người cư sĩ, trên đường du hóa, đức Tổ sư và chư đệ tử Ngài luôn thuyết giảng kinh pháp khi có Phật tử đến hỏi đạo. Khi nào có dịp quy tụ Phật tử là Ngài giảng, bất luận đó là đâu. Có khi ở rạp hát, có khi ở đình, miễu, có lúc ở công viên, cũng có khi ở sân vận động. Ngài quy định, mỗi tuần vào ngày chủ nhật có giải đáp thắc mắc cho người phật tử học pháp, mỗi tháng 4 ngày cúng Hội (cúng thường kỳ mỗi tháng 4 lần; trong ngày này, Phật tử tùy tâm dâng vật thực thanh đạm cúng dường chư tăng ni) đều phải có thuyết pháp. Điều này còn được đức Tổ sư đề cập qua lời dạy: “Tại chùa, những ngày 30, Rằm, mùng 8, 23, các sư có nói pháp cho cư gia” (Luật nghi Khất sĩ). Tinh thần thuyết pháp trong các ngày cúng Hội có tính truyền thống này còn được duy trì nguyên vẹn ở các tịnh xá nhằm thể hiện tinh thần hoằng pháp giáo hóa nhân sanh của hàng Tăng sĩ.
Trong Di cảo (bản viết tay) của đức Tổ sư còn lưu lại về nội dung “Tế độ cư gia” như sau:
1. Ba mươi, Rằm, Mùng tám và Hai mươi ba, thuyết pháp cho cư gia từ 9 đến 10 giờ sáng, và chứng minh sự đọc kinh.
Cúng dường cầu nguyện cho cư gia.
2.  Ngày Chúa nhựt: trả lời câu hỏi của cư gia, từ 9 đến 10 giờ sáng.
3. Ngày thường: sáng sớm đi khất thực, trưa độ cơm, chiều 3 giờ đến 4 giờ dạy học. Tối xét việc đã qua; khuya nhập định, gần sáng quán xét nhân duyên sẽ đến.
4. Thêm sự viết sách phổ thông và đi du hành mỗi chỗ nửa tháng.
Với đức Tổ sư, thể hiện pháp trong đời sống thường nhật, du hành hóa độ chúng sanh là bổn phận của người Khất sĩ. Ngài khuyến tấn “hãy chất chứa gia tài là Pháp bảo. Tạo tâm chơn là sự sống, giới hạnh làm chỗ ở, từ bi làm quyến thuộc” (Chơn lý – cư sĩ, tr. 248). “Lòng từ bi bắt buộc người Khất sĩ, nhận lấy phận sự tế độ chúng sanh, làm nghề nghiệp” (Chơn Lý – Trên mặt nước, tr. 303).  Chính tinh thần nhận lấy trách nhiệm tế độ chúng sanh nên người Khất sĩ đã phải vân du và dùng mọi phương tiện để thuyết pháp độ sanh, từ việc sử dụng loa phát thanh để thuyết giảng kinh pháp tại các hội trường cho đến việc giảng giải giáo pháp trong bữa ngọ trai hay cúng hội, bất cứ lúc nào có dân chúng, phật tử câu hội về là chư tăng ni thuyết pháp. Tất cả đều với mục đích giúp cho sanh chúng nhận thức rõ con đường xấu ác nên né tránh và đạo lộ thiện lành nên đi để thiết lập đời sống an vui, hạnh phúc.
Vấn đề quan trọng là những thế hệ đệ tử kế thừa của hệ phái ý thức được tâm nguyện, tôn chỉ và tâm huyết của các bậc Tổ Thẩy để kế thừa và phát huy một cách tốt đẹp nhất.
Duy tuệ thì nghiệp là đây chứ ở đâu xa...

Tuesday, June 14, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 4)

Đạo Phật có thể giúp gì cho sức khỏe của chúng ta?

-Stephen S. Hall
THE NEW YORK TIMES (Thời Báo New York), ngày 14 tháng 9 năm 2003
Vào mùa xuân năm 1992, bất thình lình, chiếc máy fax trong văn phòng của Richard Davidson ở khoa tâm lý, trường Đại học Wisconsin ở Madison, chạy ra một lá thư của Ngài Dalai Lama thứ 14 Tenzin Gyatso. Bậc lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng lưu vong đã viết thư mời giới nghiên cứu khoa học nghiên cứu về các trạng thái tâm thức của các hành giả thực tập với Ngài, đặc biệt là năng lực thiền định. Davidson, nhà khoa học thần kinh tại trường Harvard, đã khẳng định tên tuổi của mình qua công trình nghiên cứu về bản chất của tình cảm tích cực và ông vừa hoàn thành công việc nghiên cứu này ở Bắc Ấn.

Thursday, June 9, 2016

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 3)

Bốn chân lý tối thượng: một mô hình y khoa

Bốn chân lý tối thượng là giáo lý căn bản trong lời dạy của Đức Phật. Bốn chân lý ấy được tóm tắt như sau:
Chân lý thứ nhất: Khổ là điều tất yếu trong cuộc sống.
Chân lý thứ hai: Nguyên nhân khổ đau trong cuộc sống là do tham ái.[1]
Chân lý thứ ba: Khổ đau trên cuộc đời này có thể chấm dứt hoàn toàn. Trạng thái đó gọi là Niết Bàn.
Chân lý thứ tư: Con đường đạt đến trạng thái an lạc ở đời là con đường Bát chánh đạo.[2]
Bốn chân lý tối thượng nếu được nhìn dưới góc độ y khoa là một mô hình mô tả về bệnh tật như sau:
Chân lý thứ nhất: Về khổ đau trong cuộc đời gồm bệnh về thân và bệnh về tâm.
Chân lý thứ hai: Về quá trình tìm nguyên nhân của bệnh.
Chân lý thứ ba: Về tiên lượng tình trạng bệnh.
Chân lý thứ tư:  Về cách đối trị căn bệnh.

Tuesday, June 7, 2016

CHỚ LO LẮNG, HÃY SỐNG AN LẠC (kỳ 2)

-Ajahn Brahmavamso-
Một đêm nọ, có một người đến nhà bạn theo lời mời của bạn. Khi anh ta bưng tách trà chủ nhà mời lên định uống, bất thình lình anh ta thấy một con rắn nhỏ nằm trong đáy tách trà. Anh ta không muốn để chủ nhà cảm thấy ngại, thế là anh ta lấy hết cam đảm nuốt một hơi cho hết chén trà. Đêm đó về nhà, anh cảm thấy đau bụng dữ dội. Qua ngày hôm sau, cơn đau càng khủng khiếp hơn. Anh ta đi hết bác sĩ này đến bác sĩ nọ, uống đủ thứ thuốc cũng không thuyên giảm. Anh ta vẫn cứ đau ngày càng nhiều hơn và có cảm giác như đang đứng trước nguy cơ sắp chết. Nghe tình hình như vậy, cô bạn bèn mời anh ta đến nhà trở lại. Cũng ngồi vào vị trí cũ, anh đón nhận một tách trà giống hôm trước. Anh ta đang bệnh nhưng cũng cố ráng nâng tách trà. Lần này cũng vậy, bất ngờ anh ta thấy con rắn. Thế là anh ta quyết định nói với chủ nhà để cô ta để ý. Không nói lấy một lời, cô chủ nhà đưa tay chỉ trên trần nhà phía trên chỗ khách ngồi. Anh ta nhìn theo ngón tay chỉ. Thì ra ngay trên đầu anh ta, ở chỗ đòn tay, có cột một sợi dây thừng dài. Người bệnh bây giờ mới vỡ lẽ, cái mà anh tưởng là con rắn con kia chỉ là cái bóng của sợi dây thừng. Hai người bạn nhìn nhau rồi cười vang. Cơn đau bụng quằn quại bỗng nhiên biến mất và anh ta trở lại người khỏe mạnh bình thường.

CHỚ LO LẮNG, HÃY SỐNG AN LẠC (kỳ 1)

Nguyên tác: Phang Cheng Kar
Liên Trí dịch

TAM BẢO – MÔ HÌNH Y KHOA

Tam bảo, ba ngôi quý báu được tôn kính nhất trong Phật giáo, là khái niệm chỉ cho Đức Phật: bậc sáng lập ra Đạo Phật; Pháp: những lời dạy của Đức Phật và Tăng: chúng đệ tử của Đức Phật, những người đã thấu hiểu và đạt được lợi ích thiết thực từ những lời Đức Phật dạy.
Nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta có thể hiểu Đức Phật là vị bác sĩ đại tài, chánh pháp là thuốc do Đức Phật kê toa và chư tăng là những bệnh nhân đã thuyên giảm bệnh nhờ vào những vị thuốc mà Đức Phật đã đưa ra.

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Phần giới thiệu)

Nguyên tác: Phang Cheng Kar
Người dịch: Liên Trí (Hằng Như)

Lời người dịch

Tập sách này không dành cho các độc giả có phước thừa về sức khỏe: chỉ cảm xoàng vài hôm rồi khỏi và chưa trải nghiệm cái đau của thân kéo theo cái khổ của tâm. Tập sách này cũng không dành cho những độc giả đang tìm kiếm tri thức cao sâu về Phật giáo hay kiến thức chuyên môn về Y học. Những gì chứa đựng trong tập sách này là những lời chia sẻ rất mộc mạc so với giáo lý cao thâm của nhà Phật và kỹ nghệ tiên tiến của Y học hiện nay. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là tôi tin bạn sẽ tìm thấy giá trị ứng dụng thực tế rất lớn trong tập sách này, cụ thể là biết được một số kỹ năng sống với bệnh để làm vơi đi (hay ít ra cũng không làm tăng thêm) nỗi khổ niềm đau do bệnh gây nên.
Tôi đã một lần bệnh chí tử và Thầy tôi đã từng đem bài Kệ Thị Tịch của Thiền Sư Mãn Giác giảng cho tôi hiểu vô thường của cuộc sống để rồi lỡ “chia tay” sớm, tôi còn có chút tư lương để đi tiếp mà tâm lý không quá lưu luyến những gì mình không thể níu kéo. Thoát chết lần ấy, tôi lại mang chứng bệnh khác và “nó” đã theo tôi suốt, ngày cũng như đêm, trong nhiều năm qua. Tôi đã sống chung với bệnh mãn tính hơn 15 năm rồi. Và lần này, chứng kiến tường tận một người thân đương đầu với cơn bạo bệnh, tôi càng thấm thía nỗi đau do bệnh gây nên. Trong khi chăm sóc người bệnh đang được điều trị tại Bệnh Viện Đa Khoa Huế, tôi tình cờ đọc được tập sách Don’t Worry, Be Healthy của Bác sĩ Phang Cheng Kar, người Malaysia. Nhờ những kinh nghiệm cá nhân này, tôi lập tức nhận ra giá trị của những lời chia sẻ và hướng dẫn rất đơn giản mà hiệu nghiệm được Bác sĩ Phang Cheng Kar sưu tập và biên soạn trong tập sách này. Trong lúc bản thân mang bệnh mãn tính và đang nuôi người thân mắc bệnh nan y, tôi như đang đi giữa đường hầm và khi đọc cuốn sách này, ánh sáng nơi cuối đường hầm đã xuất hiện.
Những câu chuyện với các bệnh nhân, với y bác sĩ ở Bệnh viện Huế trong thời gian tôi lưu lại ở đây để nuôi thầy là động cơ khiến tôi tranh thủ dịch tập sách này để chia sẻ với những ai có cùng cảnh ngộ, hy vọng sẽ có người có được lợi ích, như bản thân tôi, với những kinh nghiệm và hướng dẫn mà Bác sĩ Phang Cheng Kar đã bỏ công sưu tập trong suốt 5 năm.   
Với những ai đã thực sự thấm mùi đau bệnh mà chưa tìm ra một lối thoát khả dĩ nào để vơi đi nỗi khổ đau, tập sách này đặc biệt có ý nghĩa. Một điều cần nhớ là dù thân đau bệnh thì đó là một phần của cuộc sống, nên ta không để tâm khổ vì bệnh.
Tôi sẽ lần lượt chia nhỏ nội dung post lên trang blog này từng phần để chia sẻ cùng quý vị có duyên. 
Mong tất cả đều an lành.
                                                                      Liên Trí (Hằng Như)

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách “Chớ lo lắng, hãy sống an lạc: Phương pháp sống mạnh khỏe và bình an theo quan điểm Phật giáo”của bác sĩ  Phang Cheng Kar là một sự kết hợp tuyệt vời giữa kiến thức y học và Phật pháp để tạo cho mình một cuộc sống an lạc và hạnh phúc.  Vị bác sĩ giỏi này đã sử dụng kiến thức chuyên môn của một bác sĩ y khoa cùng với những kinh nghiệm của mình về Phật pháp viết ra những lời hướng dẫn về sống khỏe và an lạc.
Trị liệu Thân Tâm ngày càng trở nên lãnh vực quan trọng trong y học hiện đại mặc dù cách đây hơn 2500 năm, Đức Phật đã dạy sức mạnh của tâm đối với đời sống con người. Y học phương Tây  đã trị bệnh con người bằng cách tập trung vào thân, trị liệu hậu quả mà không trị liệu nguyên nhân. Cứ như thế, bệnh nhân phải tiếp tục dùng thuốc để chữa bệnh theo cách như vậy. Điều này chỉ giúp cho những người bán thuốc tây thôi, còn bệnh nhân phải chịu đựng những phản ứng phụ do dùng thuốc lâu ngày. Nếu chúng ta biết trị liệu nguyên nhân để không cần phải dùng đến thuốc nữa, điều này sẽ tốt hơn rất nhiều. Dược liệu quan trọng nhất là luyện tập tâm thức bên cạnh các trị liệu hợp lý trong quá trình chữa bệnh. Cuốn sách này là bản hướng dẫn để ngăn ngừa và chữa trị các vấn đề y khoa thông thường mà con người thường mắc phải như đau nhức, nghiện ngập, căng thẳng và trầm cảm. Nhiều đề tài quan trọng được bàn đến như chế độ ăn uống lành mạnh, chăm sóc người bệnh, trị liệu về sự tiếc nhớ quá khứ và làm thế nào để đương đầu với cái chết. Xin chúc mừng bác sĩ Phang Cheng Kar đã có đóng góp tuyệt vời trong lãnh vực giáo dục Phật giáo khi đề cập đến thể trạng khỏe mạnh và an lạc nhờ vào sự thực hành Phật giáo.
Cám ơn các nhà tài trợ đã ấn hành cuốn sách này.
Nguyện cầu tất cả mọi người bình an và hạnh phúc.
Thượng Tọa  B. Saranankara Thero,
Chủ tịch tăng đoàn Chùa Sri Lanka
Sentul, Kuala Lumpur.
31 tháng 3 năm 2005
  

LỜI NÓI ĐẦU

Con xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.
Tôi viết cuốn sách này ngay sau khi tôi rời phòng săn sóc đặc biệt của bệnh viện tổng quát Ipoh, nơi chị dâu tôi, một phụ nữ trẻ và là thành viên của hội Từ thiện Từ Tế, đang được điều trị. Chị tôi có thai được 4 tháng, nhưng đã trải qua nguy kịch phải nhập viện mổ cấp cứu vì căn bệnh u não vừa mới phát hiện. Tôi rất vui khi nhận ra rằng nhiều điều trong cuốn sách này được ghi lại từ những việc làm của các bạn bè Phật tử của chị cũng như các thành viên trong gia đình đã giúp chị bình phục.
Tôi bắt đầu thích các nguyên tắc sống của Phật giáo về sức khỏe và an lạc từ khi tôi có cơ duyên trình bày một bài nghiên cứu với tựa đề “sức khỏe toàn diện qua thực hành Phật pháp” tại cuộc hội thảo Phật giáo toàn cầu tổ chức vào năm 2000 ở Singapore. Kể từ đó, tôi để tâm sưu tập các bài nghiên cứu và các bài viết chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong lãnh vực này. Những gì tập hợp trong cuốn sách này không thể nào đầy đủ và toàn diện, thế nhưng cũng đủ để làm tài liệu hướng dẫn cho những ai chưa biết mình cần phải làm gì theo quan điểm của Phật giáo trong lúc mình đang bệnh.
Khi tôi viết cuốn sách đầu tiên “Chớ lo lắng, hãy sống an lạc: hướng dẫn về động cơ và truyền cảm hứng cho sinh viên ngành Y”, tôi thật sự chuẩn bị mình cho công việc của một bác sĩ y khoa. Ở cuốn sách thứ hai này, tôi cũng đang chuẩn bị mình để đương đầu với những thử thách lớn hơn trong cuộc đời: đó là Bệnh. Tôi hy vọng rằng mình có thể sống và trưởng thành hơn khi đối mặt với bệnh tật.  Tôi mong mỏi các bạn tìm thấy niềm vui khi đọc cuốn sách này và không quên cầu chúc các bạn sống lâu, sức khỏe dồi dào và hạnh phúc.
Bác sĩ Phang Cheng Kar (MD)
20th February, 2005