Hôm nay, tôi mượn chuyện bóng đá để
chia sẻ vài điều mình suy gẫm. Việc còn khá nóng, với trận chung kết diễn ra vào ngày 5 tháng 7 (giờ Mỹ),
đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ đã lên ngôi vô địch World Cup nữ bằng chiến thắng
5-2 khá dễ dàng trước Nhật Bản. Chỉ trong 16 phút đầu tiên, các tuyển thủ Mỹ đã
buộc Ayumi Kaihori, thủ môn đội tuyển Nhật Bản, phải vào lưới nhặt bóng đến 4 lần.
Ngay sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài chính Kateryna Monzul người Ukraina,
cả hai đội nhập cuộc khá khí thế nhưng rồi mạnh-yếu được phân định khá rõ khi đội
Mỹ chơi gắn kết hơn, các cầu thủ trên sân hiểu ý nhau hơn. Thế rồi đội tuyển Mỹ
thắng ồ ạt, tiền vệ đội trưởng Carli Lloyd có 2 bàn thắng chỉ trong 2 phút (phút
thứ 3 và thứ 5). Phút 14, Laurent Holiday nâng tỷ số lên 3-0 và 2 phút sau,
Lloyd hoàn tất cú hat-trick với một cú sút xa từ giữa sân đầy ngoạn mục. Như vậy,
trong 16 phút đầu trận, tỷ số là 4-0 cho đội Mỹ và ưu thế nghiêng hẳn về đội
bóng xứ cờ hoa.
Có vẻ như tôi đang nói về những lời bình
luận bóng đá phải không? Điều này đúng là không cần thiết, vì thông tin trên ai
cũng rõ (ngay cả người không xem, chỉ đọc tin cũng biết), tôi chỉ nhắc lại sự
kiện này để nói một điều khác có liên quan thôi. Rõ ràng không ai phủ nhận đội
Mỹ chơi quá hay trong khi đội Nhật có một ngày thi đấu không thật sự tốt. Điều
tôi ấn tượng là trong cuộc họp báo sau trận (xem tại đây), nói với
giới báo chí và người hâm mộ, cả đội trưởng Carli Lloyd (người phá kỷ lục World Cup Nữ 2015 bằng
cú hat-trick trong vòng 16 phút) và huấn luyện viên Jill Ellis đều có lời phát biểu thật ấn tượng.
Điều ngạc nhiên đến thú vị là trước báo chí và người hâm mộ, cả huấn luyện viên và đội trưởng đều nói về
đội của mình một cách rất tự hào, chứ không nói gì đến cá nhân
mình cả. Nội dung họ chia sẻ xoay quanh vấn đề rằng, chúng tôi có một đội tuyệt
vời, mọi người trong đội rất thân nhau, làm việc chung với nhau và hỗ trợ nhau
hết mực. Chúng tôi rất hiểu ý nhau trên sân tập và sân đấu, cùng hợp tác chặt
chẽ với nhau. Chúng tôi luyện tập với nhau rất gian khổ, làm việc nghiêm túc
cùng nhau để có được chiến thắng hôm nay. Được chơi trong một đội bóng như vậy
là một vinh dự và là một niềm vui lớn. Khi ra sân, tôi chỉ làm việc hết mình...”
Từ mà họ dùng nhiều nhất là TOGETHER
(cùng nhau)! Đây chính là yếu tố cốt lõi để đội Mỹ giành lại ngôi hậu từ đội đương
kim vô địch World Cup Nhật Bản.
TOGETHER (cùng nhau) là yếu tố để
đảm bảo sức mạnh của một tập thể các bạn ạ. Chính sự hiểu nhau, có tinh thần
đoàn kết cao, thương yêu thật lòng, nâng đỡ nhau tạo nên năng lượng cộng hưởng (synergy)
đưa đến thành công. Đội trưởng Carli Lloyd nói lời cảm ơn huấn luyện viên Jill
Ellis đã xây dựng được tinh thần đoàn kết, gắn bó này giữa các thành viên trong
đội tuyển. Như vậy đấy, người lãnh đạo tốt là người biết tạo một môi trường làm
việc, trong đó, mọi người cùng tôn trọng nhau, thương yêu nhau, nâng đỡ nhau, gắn
kết nhau cùng hướng đến một mục đích chung, quyền lợi chung thì tập thể đó sẽ
thành công. Điều này không chỉ đòi hỏi kỹ năng quản lý, điều hành mà còn cần lắm
tâm huyết của người lãnh đạo.
Nhiều người lãnh đạo cứ than van và
trách móc không có người cộng tác nhiệt tình, ai cũng không thể hiện tinh thần
trách nhiệm và rồi không ai chịu làm để bao nhiêu công việc đùn đẩy người ấy phải
è cổ ra mà gánh. Họ chỉ than và trách mà không tự nhìn lại, cách quản lý, lãnh
đạo và làm việc của mình có thật sự tôn trọng người khác chưa, có vì cái chung
chưa, có nuôi dưỡng yếu tố “together” (cùng nhau) hay chưa, có hiểu hết hiệu ứng
tuyệt vời của “synergy” (cộng hưởng) trong một tập thể biết đồng tâm hiệp
lực chưa… Bản thân người lãnh đạo không chủ động tạo sự kết hợp cần thiết giữa
các thành viên trong tập thể để có một sức mạnh tổng hợp thì phiền trách những
đồng sự của mình cũng chẳng giải quyết được gì.
Nếu trong một tập thể mà người lãnh đạo
coi những cộng sự của “đội mình” không khác người phụ việc, “sắm người” ra là
có cho mình sai vặt và thế là “nhất hô” có cả một đội ngũ “ứng” thì “đội” ấy sẽ
là một tập thể yếu kém vì “bị” dẫn dắt bởi một người lãnh đạo yếu kém. Kẻ tung
người hứng, cùng nhau bắc giàn cho bản ngã lên ngôi thì còn gì là sức mạnh tập
thể! Quan hệ chính-phụ rạch ròi như vậy là góp phần nuôi lớn quyền uy của người
lãnh đạo hơn là bồi dưỡng năng lực. Trong một tổ chức như vậy, quan hệ cộng tác
trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết và yêu thương lẽ ra cần được duy trì thì biến
chất thành quan hệ “gia đình trị” nồng mùi gia trưởng! Như một hệ quả tất yếu, quá
trình chọn lọc xã hội khắc nghiệt diễn ra trong tập thể còn nguyên vỏ mà bên
trong đã bắt đầu ung nhọt này là dòng năng lượng tiêu cực “chạy” trong tập thể ấy,
tương tự như dòng của các điện tích: cùng dấu thì hút nhau, khác dấu thì đẩy nhau!
Những ai có xu hướng quy phục, bợ đỡ, ngoan ngoãn như những chú cừu non thì được
trọng dụng, bất kể năng lực thế nào. Người nào không có tinh thần hợp tác
(khoan nói đến chống đối) thì sẽ bị đẩy ra, dìm đến chìm mới thôi! Những hạt giống
đố kỵ, ghen ghét, dìm hàng, thọc gậy bánh xe… và nhiều hơn thế nữa trong mỗi cá
nhân có môi trường thuận lợi để nảy mầm, phát triển và dấu ấn sự sống hoang dã
của tổ tiên nhiều tỷ năm về trước lại thấp thoáng hiện về trong cái mạnh được,
yếu thua!
Ối giời! nếu đen đủi làm thành viên cho
một “đội” như thế, nhanh chóng “thanh lý hợp đồng” thôi bạn!
Nếu không tìm được một tập thể cùng
hướng đến nuôi dưỡng tinh thần TOGETHER
(cùng nhau) và SYNERGY (cộng hưởng)
trong quá trình làm việc chung thì ẩn dật giữ tâm còn hơn. Thà chịu tiếng
tiêu cực trên hình thức mà ít ra mình còn làm được việc tích cực cho tiến trình
nhân quả của bản thân mình.
Lui về sống với núi, với rừng, với
khe, với suối để mỗi sáng nghe lá cỏ ngậm sương thủ thỉ bài ca bình minh còn hạnh
phúc hơn nhiều! Lòng thanh thản lắm khi dám bước ra khỏi cái main-stream ấy để
tự mình soi tâm trên dòng thời gian nhẹ lướt mỗi ngày!
Tôi xúi vậy thôi chứ lực hấp dẫn
mạnh lắm, không mấy ai chịu bỏ phố về quê đâu!
* Tôi loay hoay với từ “main-stream”
vì không tìm được từ tiếng Việt thật chính xác; dùng “dòng chảy chính thống” tạm
được, nhưng chưa lột tả hết ý, vì có khi nó “main” mà không hẳn là “chính thống”,
nên tạm dùng nguyên từ tiếng Anh; khá thú vị là có lần tôi nghe có người dịch từ
này là “thị trường” – cũng có phần có lý!)