Sunday, March 18, 2018

TỪ TỪ ĐI…

Mỗi lần máy bay hạ cánh, khi vừa đáp xuống đường băng, động cơ máy bay chưa tắt, hành khách đã vội bật điện thoại liên hệ với người thân đi đón, mặc dù tiếp viên thông báo yêu cầu chưa được phép mở điện thoại. Gấp gáp làm gì, từ từ đi!
Khi dừng ở bãi và chờ nhân viên mặt đất ráp thang, nhiều hành khách thiếu kiên nhẫn đã bắt đầu đứng dậy vội vàng lấy hành lý, rồi nôn nóng choán hết lối đi, bất chấp việc yêu cầu ngồi nguyên tại chỗ. Trên thực tế, trừ trường hợp khẩn cấp, tiếp viên không phải là người mở cửa máy bay, vì đây là nhiệm vụ của nhân viên mặt đất. Ai còn trong khoang máy bay đều phải chờ, mình nôn nao có ích gì, từ từ đi!

Cuộc sống mỗi ngày, nhất là ở các thành phố lớn, diễn ra hối hả từ sáng sớm. Khi đi ra đường, nhìn mặt ai cũng căng thẳng vì áp lực thiếu thời gian. Khi đèn giao thông từ vàng sắp chuyển qua đỏ là lúc chúng ta nên giảm tốc và dừng lại. Ấy vậy mà nhiều người tranh thủ vượt qua, bất chấp nguy hiểm, mới đến giữa ngã tư thì đèn đã chuyển sang đỏ và luồng xe bên kia đang ào tới. Nhiều tai nạn giao thông xảy ra do người cả hai hướng đều hối hả càn lướt lên theo kiểu này. Thậm chí nhiều người chở theo con nhỏ vẫn vội vàng chạy ẩu để nhiều em bé học từ cha mẹ mình để rồi khi lên lớp, cô giáo hỏi về các tín hiệu giao thông đã trả lời rằng “đèn xanh là được phép đi, đèn đỏ thì dừng lại, còn đèn vàng là tranh thủ vượt cho nhanh”. Nôn làm gì bạn, từ từ đi!
Đợi đèn đỏ, đồng hồ đếm ngược từng giây. Chỉ vài chục giây thôi mà nhiều người đi xe máy cứ càn tới, chen vượt lên, có khi cán lên cả chân người dừng xe phía trước, đèn chưa kịp bật xanh đã vội vàng rồ ga vượt lên, khi dòng xe hướng kia chưa kịp qua khỏi ngã tư, thật là nguy hiểm. Vội vàng chi lắm mà chạy như ma đuổi, từ từ đi!

Nhiều người sống vội vàng hối hả, lao mình theo công việc mà quên đi mọi thứ khác. Cuộc sống trở nên mất cân đối và một số phương diện có nhiều ý nghĩa và giá trị dần bị bỏ quên. Lắm người cả ngày không nói được lấy vài câu với người thân cùng sống chung một nhà, thở chung một bầu không khí với mình chỉ vì quá bận rộn với công việc, lúc nào cũng thiếu thời gian. Cuộc sống cứ hối thúc và lôi chúng ta vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền để càng ngày càng hối hả, càng lúc càng xa người thân. Đâu cần phải tất bật như vậy, từ từ đi!
Sống nhanh, sống vội, sống thực tế theo kiểu “mì ăn liền”, tôn trọng các giá trị sống thực dụng, chỉ quan tâm đến lợi nhuận vật chất trước mắt mà bỏ đi những giá trị đạo đức, tâm linh lâu dài, góp phần làm cho thức ăn, rau củ quả nhiễm độc tràn lan mọi nơi, để rồi bệnh viện ở tất cả các tuyến đều quá tải vì lối sống chụp giựt của nhiều người. Đâu cần phải kiếm tiền nhanh mà bất chấp, từ từ đi!
Nhiều người sống sòng phẳng đến mức lạnh lùng; khi vừa nhận từ ai món gì, họ nhanh chóng tìm cách trả món nợ ân tình ấy càng nhanh càng tốt, để khỏe nhẹ vì không muốn giữ trong tâm cảm giác mắc nợ. Họ không biết rằng, khi nào còn giữ trong tâm mình cảm giác ta mắc nợ người, mắc nợ cuộc đời, ta mới có trách nhiệm và sống tốt hơn. Có những thứ không cần vội vàng, hối hả, nôn làm gì, từ từ đi!
Người thân trong gia đình, bạn bè quanh ta… dần không còn vị trí quan trọng gì với bạn khi công việc và tiền bạc cứ xâm thực vào tâm và chiếm ưu thế, đòi chuyển nhượng hết “cổ phần” và các mối quan hệ tình thân nhạt dần theo năm tháng. “Ta vô tình nhẹ lướt qua nhau” cho đến lúc cảm nhận sự mất mát của người thân với tâm lý hụt hẫng, đã quá muộn để quay về. Hãy sống chậm hơn và trọn vẹn hơn với người thân, vội vã làm gì, từ từ đi!

Sống hối hả, tất bật thì không có thời gian cho suy nghĩ trước và đang khi hành động, không có thời gian để dừng lại và soi chiếu việc mình làm, nên cuộc sống trở nên hời hợt đến vô vị, khi chưa kịp cảm nhận và thưởng thức cuộc sống thì đã hết một đời. Ai cũng có mỗi một cuộc đời để sống, ai muốn thật sự “sống” với trọn vẹn nghĩa của từ này, hãy sống chậm. Đang sống trong bận rộn có nghĩa là đang chết trong bận rộn. Hãy sống chậm để hiểu thật rõ: sống ở đời, điều bạn thật sự cần và thật sự muốn là gì!

Wednesday, March 7, 2018

THẤU CẢM

1.    THẤU CẢM LÀ GÌ?

Thấu cảm không chỉ là thông cảm hoặc đồng cảm, mặc dù có sự liên quan giữa các trạng thái tâm lý này. Tiếng Việt ta có nhiều từ “thấu” rất hay như thấu hiểu, thấu đáo, đau hay lạnh thấu xương thấu tủy. Thấu có nghĩa là xuyên suốt, toàn diện, thấm nhuần, hòa lẫn, hòa nhập, giao thoa trọn vẹn. Vậy thấu cảm là sau khi cảm nhận, hiểu biết thấu đáo, hiểu tận ngọn nguồn, có sự thông cảm và đồng cảm khi chủ thể thâm nhập sâu hơn và hòa nhập vào tâm người đối diện như thể làm một.

Tuesday, March 6, 2018

KHÔNG AI NỢ BẠN BẤT CỨ MÓN GÌ

Sống ở đời, thường chúng ta ít khi hài lòng về người khác, hay trách móc, giận hờn… Sâu thẳm trong lòng, bạn thấy bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn từ người khác. Có khi nào bạn tĩnh tâm ngồi nhìn lại chính mình, thử hỏi mình là ai để có yêu sách đó? Thử hỏi mình đã làm được gì cho người khác, cho cuộc sống đang cưu mang và phục vụ mình lâu nay? Liệu đòi hỏi nhận về của mình có quá nhiều so với những gì mình đã cho đi?

Hãy sớm nhận ra rằng không ai nợ bạn bất cứ món gì, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và không mong chờ điều gì từ bên ngoài, càng không thất vọng khi không được đáp ứng. Không ai phải có trách nhiệm yêu thương bạn. Đừng coi tất cả những gì bạn có là điều hiển nhiên mà không hề khởi tâm biết ơn. Có người chưa bao giờ biết mở miệng nói lời “cảm ơn” cũng không hề có biểu hiện gì của sự biết ơn, ngược lại còn than van, trách móc đủ điều. Nếu bạn làm thế, bạn sẽ đánh mất tất cả, vì bạn không còn xứng đáng để nhận gì. Những gì tốt đẹp không thuộc về bạn một cách mặc định, bạn buộc phải nỗ lực để xứng đáng với đặc ân đó.

Sở dĩ người ta yêu thương bạn vì nơi bạn có cái gì đó khiến họ hạnh phúc và thoải mái khi tương tác, thế là họ tự nguyện yêu thương. Khi hiểu rằng, những gì tốt đẹp người khác dành cho bạn, đó là do bạn đã xứng đáng được nhận những thứ đó, bạn có đủ lý do để tự hào về tình yêu thương, sự quan tâm ấy. Sự tôn trọng, quý mến của người khác dành cho bạn, thật ra là do chính bạn đã xây dựng nên. Điều này cũng có nghĩa, bao lâu bạn còn xứng đáng, là bạn còn sống trong tình yêu thương của mọi người.
Hãy để người khác đến với bạn bằng tình yêu thương tự nguyện chứ không phải tình thương “từ thiện” khi ở vào một vị trí nào đó trong mối quan hệ tình thân mà xã hội đã đặt để!

Thursday, March 1, 2018

RẰM THÁNG GIÊNG

Dân gian có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Ngày trăng tròn đầu tiên trong năm được coi là một lễ hội quan trọng bởi lẽ đây là thời điểm mọi người đặt vào tâm niệm bao lời ước nguyện, mong muốn một năm tròn đầy sự an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển viên mãn như ánh trăng tròn kia. Thế nhưng, cầu nguyện đúng nghĩa là gắn vào tâm một “tự kỷ ám thị tích cực”, tạo một cú hích tâm lý, lập một niềm tin kiên định rằng bản thân mình phải sống và hành động để có sự viên mãn này. Nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh phúc, hãy coi sự mong muốn là khởi điểm, là động cơ, là niềm tin, là phương châm sống để tạo nhân an lành.

Cầu nguyện suông là “quái thai” của niềm tin Phật giáo. Cứ “khoán trắng” cho các bậc thần linh, trời đất và bản thân bạn không hề hướng đến sự bình an bằng những việc làm cụ thể và thiết thực của hành động, tư duy và lời nói thì đợi suốt kiếp bạn cũng không an, vì nó trái với luật nhân-quả.
Thay vì tin phước lộc tự dưng đến nhờ cầu nguyện, hãy tin luật nhân quả. Đây là sự thật của các sự thật, là tôn giáo của các tôn giáo, là chân lý không bao giờ thay đổi. Không gieo thì không có cái để gặt; không tạo nhân an lành mà muốn an lành là điều xưa nay chưa từng có!