Monday, October 26, 2015

THẦY TÔI

Gần đây, gặp vài việc khiến tôi liên tưởng đến cách học, cách thực hành làm các nghiên cứu nhỏ mà các thầy cô hướng dẫn khi mình còn đi học, không khỏi chạnh lòng khi thấy một số bạn sinh viên chỉ hướng đến mục đích học... để thi chứ không phải tích lũy tri thức và thuần thục các kỹ năng!
Hôm nay có duyên nghe clip Thầy Shyam B. Menon trả lời phỏng vấn với tư cách là Vice-Chancellor của trường Đại học Ambedkar do CECED films thực hiện vào tháng 5 năm 2015; tự nhiên thấy nhớ Ấn Độ, nhớ C.I.E., nhớ cách truyền cảm hứng về việc học và nghiên cứu của Thầy Menon.

Thầy Shyam Menon là Vice-chancellor đầu tiên của trường đại học Ambedkar, một ngôi trường mới thành lập cuối năm 2008. Khả năng và tâm huyết của Thầy đã được lãnh đạo tiểu bang, MHRD (Ministry of Human Resource Development: Bộ Phát triển nguồn nhân lực) và Hội đồng giáo viên của trường tin tưởng giao phó và Thầy đã không phụ niềm tin ấy. Bộ mặt trường Ambedkar ngày càng đổi mới dưới sự lèo lái của vị thuyền trưởng là Thầy Menon. Một giới thiệu ngắn về trường Ambedkar ở đây.
Hình cắt từ clip phỏng vấn 
Nhớ lại những ngày cùng chung sống và thảo luận nhiều vấn đề trong các giờ học tại C.I.E.; nay có cảm hứng post lại entry cũ viết từ tháng 2 năm 2009 như một sự chia sẻ về cách Thầy dạy và cách chúng tôi học thông qua câu chuyện tản mạn về Thầy Menon trong entry này:

Trong cuộc sống cũng như trong môi trường học đường, ngoài những người thân trong gia đình, mỗi chúng ta đều có thể chịu ảnh hưởng sâu sắc của một số người khác, do duyên này hay duyên khác. Nhiều lúc tôi nhận ra tôi học được một số nguyên tắc sống từ những người tôi quý mến thương yêu và có phần ngưỡng mộ. Tôi thấy mình may mắn khi được quen biết và tạo được mối quan hệ thân mật với một số người có nhiều cái hay trong tính cách. Hôm nay, trong entry này, tôi muốn viết vài điều về một người thầy có ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm của tôi trong mấy năm gần đây. Những dòng này tôi viết ra như là sự bày tỏ lòng cám ơn của tôi đối với Thầy. Tôi nghe bạn bè đồng nghiệp của Thầy gọi Thầy là bằng 'first name' là 'Shyam' rất thân mật, chúng tôi là học trò, gọi Thầy bằng 'surname' là 'Menon'. Thầy Shyam B. Menon, một người thầy mẫu mực, dễ thương đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Thầy Menon là một nhà giáo đúng nghĩa, một người nghiên cứu khoa học nghiêm túc, luôn đam mê trong công việc và hết mình đóng góp cho tổ chức nào thầy có mặt. Thầy từng là giám thị (proctor) của trường đại học Delhi. Thầy cũng vừa xong nhiệm kỳ làm Dean và Head của khoa Giáo Dục trường đại học Delhi (C.I.E), nay Thầy chuyển sang làm hiệu trưởng (Vice-chancellor) trường đại học Ambedkar vừa thành lập ở khu đô thị mới Dwarka. Thầy từng nhận được học bổng của chương trình Fulbright danh giá đầu tư cho nghiên cứu về giáo dục và văn hóa. Thầy cũng từng là giáo sư thỉnh giảng ở đại học Wisconsin (Mỹ). Nhiều năm Thầy làm công tác biên tập các tạp chí giáo dục. Hiện tại, Thầy đang là thành viên của Hội đồng tư vấn quốc tế về giáo dục so sánh. Những đóng góp của Thầy cho giáo dục nói chung qua các báo cáo khoa học ở các hội thảo quốc tế, cho đất nước Ấn Độ, cho trường Delhi, cho C.I.E và bây giờ, gánh vác trọng trách, làm đầu tàu cho một trường đại học mới mẻ thì nhiều lắm. Bạn có thể hỏi bạn 'google' của chúng ta về cái tên Shyam B. Menon (hoặc Shyam Menon) bạn sẽ biết phần nào về Thầy, dù rằng các thông tin ở đây còn quá ít ỏi với những gì Thầy đã làm. Do vậy, tôi không cần nói thêm gì nhiều về điều này. Tôi chỉ kể lại, qua kinh nghiệm cá nhân, vài mẩu chuyện nho nhỏ toát lên những đức tính rất hay về người Thầy tôi quý mến này.

Thầy Menon, một con người năng nổ trong hoạt động

Tuy thực tế, Thầy không còn là một professor chính thức của C.I.E. nữa (chỉ thỉnh thoảng C.I.E. mời Thầy trình bày seminar tại khoa thôi), nhưng vì nặng tình nặng nghĩa với nơi này, Thầy không chuyển về chỗ ở mới, chắc hẳn là khang trang hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, mà vẫn tiếp tục ở khu tập thể giáo viên cũ kỹ trong khuôn viên của C.I.E., sát bên khu ký túc xá sinh viên chúng tôi. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có dịp đi bộ cùng Thầy và thảo luận nhiều vấn đề. Chính bộ môn Nghiên cứu định tính (Qualitative research methodology) đã đưa chúng tôi đi vào nhiều câu chuyện vô cùng lý thú về giáo dục, văn hóa và cuộc sống.

Trong thời gian Thầy làm trưởng khoa Giáo dục, C.I.E. sôi động hẳn lên với nhiều hoạt động giàu tính giáo dục. Đoàn tàu chạy thế nào, phần lớn phụ thuộc vào đầu tàu. Trong suốt nhiệm kỳ của Thầy, khoa chúng tôi học luôn ngày thứ Bảy. Cả thầy lẫn trò đều làm việc nhiều hơn. Còn chủ nhật thì có thảo luận nhóm. Nhóm này thành lập tự nguyện gồm các nghiên cứu sinh tiến sĩ, theo sự gợi ý của Thầy Menon, duy trì hoạt động trong nhiều năm, rất hiệu quả. Còn bản thân Thầy, thường thì, 8 giờ sáng Thầy đã vào trường đến 7 giờ tối mới về ra khỏi phòng làm việc. Có hôm, chúng tôi đi dạo buổi tối, gặp Thầy ra khỏi khoa về nhà khá trễ, vì Thầy là người đặt sự chu toàn công việc, chuyên môn cũng như việc văn phòng, lên trên hết. Tôi ở ký túc xá ngay trong khuôn viên trường, gần nơi Thầy làm việc cũng như nhà Thầy, nên tôi biết khá rõ việc này.

Thầy Menon, một người nghiêm túc trong công việc và giảng dạy

Khoa giáo dục chúng tôi, tiền thân của nó là viện giáo dục trung ương (Central Institute of Education, viết tắt C.I.E.), sau này, sáp nhập vào thành một khoa của trường đại học Delhi. Về cơ cấu tổ chức, C.I.E. trực thuộc đại học Delhi. Thế nhưng, mọi người đều gọi cơ sở giáo dục được thành lập vào năm 1947 - ngay sau ngày giành được độc lập của đất nước Ấn Độ  này là C.I.E (trang nhà ở đây). Về tính chất, vì tính đặc trưng của chuyên ngành giáo dục, C.I.E. kết nối và liên kết rộng rãi với các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước. Người nào làm trưởng khoa Giáo dục, vì thế, nếu làm hết chức năng, trở nên bận rộn vô cùng. Dù vậy, công việc dạy học, Thầy không những đảm bảo giờ lên lớp mà còn lúc nào cùng dành thời gian cho học sinh nhiều hơn quy định. Học với Thầy, (năm ấy Thầy dạy chúng tôi môn phương pháp nghiên cứu) như thể là ngồi nói chuyện chơi vậy thôi. Giờ giấc không quá khắt khe, thường thì học từ 2 đến 3 tiếng, trong khi thời gian quy định là 2 tiết (100 phút). Lớp chúng tôi chỉ có 14 sinh viên (khóa M.Phil tối đa chỉ nhận 15 sinh viên. Lớp tôi lúc đầu đủ 15 bạn, sau đó, có một bạn vừa học vừa đi làm, nên bị buộc thôi học). Đến giờ Thầy là chúng tôi quây quần bất cứ chỗ nào. Mùa đông thì ngồi ngoài trời cho ấm, các mùa khác thì học ở phòng nghiên cứu của Thầy. Thầy gọi một bình trà sữa (loại trà người Ấn dùng hằng ngày gọi là 'chai’), tự tay rót, hỏi ý kiến mỗi người khi thêm đường nhiều hay ít, và phục vụ cả hết 14 đứa chúng tôi. Thầy trò vừa uống trà, vừa thảo luận. Thầy tạo không khí thoải mái nhất để chúng tôi trao đổi trong tinh thần thoải mái, bình đẳng và tự nhiên. Tuy vậy, Thầy rất nghiêm túc trong công việc và học tập. Đứa nào chưa chuẩn bị, chưa đọc tài liệu, chưa có gì trong đầu để hỏi và tranh luận, có lẽ, không dám đến lớp quá! Cách làm việc này, tôi rất thích, Không cồng kềnh áp lực, nhưng nghiêm túc và hiệu quả vô cùng. Trong lớp của Thầy, không ai có quyền ngồi im chỉ biết nghe. Đây là một nghệ thuật!

Thầy Menon, người rất quan tâm đến học trò mình

Ở khoa Giáo dục này, hầu hết thầy cô giáo rất dễ thương và quan tâm đến học trò mình. Ở đây, giảng đường không phải hằng trăm người như ở Việt Nam mình mà lớp học ít hơn, chia ra nhiều ban khác nhau. Các hoạt động khác như sinh hoạt ngoài giờ, hướng dẫn thực tập, nghiên cứu thực tế, các hoạt động văn hóa, thể thao làm cho thầy trò C.I.E thân thiết gắn bó với nhau là chuyện không có gì lạ. Thế nhưng quan tâm học trò như thầy Menon thì tôi chưa thấy ai trong suốt mấy năm học tại đây. Một phần bảng đen trong phòng nghiên cứu của Thầy ghi các thông tin cá nhân của Thầy và của 14 sinh viên. Nào là số điện thoại, email, địa chỉ nhà… Đứa nào vắng mặt liên tiếp hai bữa, Thầy gọi điện thăm hỏi. Khi có sự thay đổi hay điều chỉnh gì thời khóa biểu, Thầy gọi điện thoại báo cho từng bạn biết. Tôi còn nhớ, một buổi khuya mùa đông, đêm đó trời lạnh khoảng 12 độ C, trời sương mù đặc. Lúc 10.30 khuya, Thầy vào ký túc xá gọi tôi và một đứa bạn nữa xuống chỉ để thông báo, ngày mai giờ Thầy học 9 giờ thay vì học 8 giờ như mọi khi. (Ở đây, 8 giờ mới ăn điểm tâm, nhưng thường Thầy dạy sớm như vậy vì Thầy đang làm trưởng khoa, công việc quá nhiều, tranh thủ dạy sớm để còn lo việc văn phòng.) Khi tôi hỏi các bạn khác thì sao, Thầy nói Thầy đã gọi điện cho 12 bạn trong lớp thông báo rồi. Trời đất ạ, nếu chúng tôi vào khoa sớm 1 tiếng, chúng tôi có khối việc để làm, vẫn có thể ngồi đọc sách thư viện, có sao đâu. Thầy là vậy đó.

Thầy Menon, người tạo môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên

Tôi thấy đến nhiệm kỳ Thầy làm trưởng khoa, thư viện có thêm nhiều sách mới và đăng ký thêm mấy đầu tạp chí nghiên cứu uy tín. Mỗi lần có hội chợ sách, trước đó vài ngày, Thầy thông báo đến giáo viên cũng như nghiên cứu sinh chúng tôi, khi đến hội chợ, nếu thấy sách hay trong lãnh vực mình đang nghiên cứu, về giới thiệu với ban quản lý thư viện để nhà trường có kế hoạch mua. Có những sách quý hiếm, thư viện chỉ có hai bộ, Thầy sợ chúng tôi không mượn được để tham khảo. Thầy đem về phòng nghiên cứu của Thầy một bộ và giao chìa khóa cho chúng tôi tự do đến đó đọc sách, thảo luận với nhau khi cần. Khi đi làm nghiên cứu nhỏ áp dụng phương pháp nghiên cứu đang học, Thầy cũng bảo chúng tôi cùng nghiên cứu một trường, mỗi nhóm 3 bạn nghiên cứu một mảng về trường học. Thế là chúng tôi đi thu thập tư liệu, làm việc với học sinh và giáo viên, triển khai mảng nghiên cứu mình chọn, viết báo cáo đem để trên bàn Thầy ở phòng nghiên cứu. Nhóm nào cũng vậy, trước khi đi đến trường làm mảng của mình, vào phòng Thầy đọc báo cáo của nhóm trước để có thêm khái niệm và không làm trùng lặp với những gì bạn mình đã làm. Trong thời gian chúng tôi thực tập áp dụng nghiên cứu thực tế, cuối ngày, dù bận rộn mấy đi nữa, Thầy cũng về phòng đọc báo cáo của chúng tôi và trong mỗi lần thảo luận, chúng tôi lại có bao điều để chia sẻ với nhau. Cách làm việc này làm cho chúng tôi gắn bó với nhau nhiều một cách tự nhiên mà sợi dây gắn kết là việc học và nghiên cứu.

Thầy Menon, một người thầy dạy về nhân cách sống qua các câu chuyện hài hước và tế nhị

Lớp học với Thầy Menon rất thoải mái, cho nên ngoài kiến thức academic, các vấn đề liên quan cũng được thảo luận và qua đó, chúng tôi học được nhân cách sống, làm việc nhiều bài học đạo đức. Từ một vấn đề trong bài học, chúng tôi bàn rộng và sâu hơn để có cái nhìn bao quát và cái hiểu toàn diện. Ví dụ, khi thảo luận về đạo đức của người nghiên cứu, chúng tôi thảo luận một hồi và vấn đề đạo đức ở đây, không chỉ trong lãnh vực nghiên cứu. Cứ thế, những câu chuyện cứ chảy tự nhiên trong mạch thảo luận. Những câu chuyện ngụ ngôn, các câu chuyện thực tế mang tính giáo dục nhân cách luôn được Thầy nhắc đến một cách hài hước và tế nhị. Ví câu chuyện như cô nàng chuột kén chồng
[1] (hãy chấp nhận thực tế, đừng đứng núi này trông núi nọ), vua mặc áo không khí (không tự biết mình mà sống theo khen chê của thiên hạ đến mức không còn biết mình là ai) , triết lý con cua (không muốn ai hơn mình. Thay vì nỗ lực vươn lên cho hơn người ta thì đi lòng vòng, coi ai ‘ngóc’ đầu lên thì nắm chân lôi xuống, như một chậu chứa cua, không con nào trồi đầu lên được với các con cua khác). Những câu chuyện ngụ ngôn của việc ‘đẽo chân vừa giày”, “đẽo cày giữa đường” được Thầy nhắc nhở thường xuyên không chỉ cẩn thận áp dụng trong nghiên cứu khoa học và còn cả trong cuộc sống. Nhiều câu chuyện đại loại như vậy luôn xuất hiện trong các tiết học hoặc những lúc thầy trò chúng tôi cùng nhau đi dạo campus của trường. Rồi những mẩu chuyện thực tế trong quá trình làm nghiên cứu Thầy chia sẻ một cách chân tình, dí dỏm làm chúng tôi không thể nào quên được những bài học Thầy nhắn gởi. Dù là nội dung trong bài học hay kiến thức tổng quát, vấn đề nào Thầy và chúng tôi bàn đến, thầy trò đều bàn nghiêm túc và tập trung chứ không lan man và bản thân tôi cũng như bạn bè luôn khắc sâu những giây phút ấm áp thân mật cũng những mẩu chuyện vui chứa đựng nhiều triết lý của Thầy.

Thầy Menon, một người có tâm cảm thông sâu sắc với người khác

Từ khi bước vào C.I.E., tôi cũng như bạn bè người Ấn của mình, phải chạy đua với thời gian. Môn nào cũng viết bài thu hoạch, nghiên cứu nhỏ. Có khi chúng tôi đọc trên 1000 trang sách về các kỳ khảo sát nghiên cứu giáo dục chỉ để viết một bài đánh giá của mình về vấn đề này. Đến gần mùa thi, thời gian ai cũng…thiếu. Ở đây, thi viết cuối năm chiếm 70% và các bài nghiên cứu nhỏ, thu hoạch chiếm 30%. Theo nguyên tắc, các bài tập, bài báo cáo và nghiên cứu nhỏ chúng tôi phải nộp trước khi thi một tuần. Riêng Thầy Menon, Thầy hiểu chúng tôi cần thời gian để ôn thi và hoàn thành các bài kiểm tra, báo cáo các môn khác, thế là Thầy cho chúng tôi ‘nợ’, sau khi thi xong một tuần, chúng tôi phải nộp bài thu hoạch cuối cùng cho Thầy. Lúc đó, đứa nào cũng thở phào! Thế nhưng, sau khi thi, tụi tôi cũng quá mệt mỏi, khả năng tập trung và năng lực làm việc không còn hào hứng như lúc chưa thi, nên ba ngày trôi qua, hỏi nhau, đứa nào cũng nói chưa nộp bài thu hoạch cho Thầy. Hôm đó là ngày thứ tư sau thi, chúng tôi đi dự một seminar ở khoa. Ngồi nghe được một lát, tôi thấy Thầy viết viết gì đó trên
một mảnh giấy nhỏ, rồi nhờ người ngồi bên cạnh chuyển cho tôi, vì tôi ngồi gần Thầy nhất, chỉ cách một người. (Ở đây, thầy cô và sinh viên ngồi lẫn vào nhau như vậy trong các cuộc hội thảo). Tôi nhận tờ giấy. Trời đất, Thầy nhắn thế này “các bạn cố gắng nộp bài thu hoạch trong tuần này nhé, nếu không, tôi sẽ trễ trong việc nộp điểm về hội đồng khoa. Bạn có thể nộp bằng bản viết tay, đánh máy hay gởi bài qua địa chỉ điện thư của tôi. Bạn có thể đưa bài cho tôi bất cứ khi nào ở đâu, ngay cả ở nhà tôi. Cám ơn các bạn”. Thầy đang là trưởng khoa, người có uy quyền nhất C.I.E. mà Thầy vẫn nghiêm túc mọi quy định. Với tư cách giáo viên, Thầy phải nộp điểm đánh giá sinh viên về hội đồng khoa trước, rồi từ đó mới chuyển lên Thầy phê chuẩn với tư cách trưởng khoa. Vả lại, tôi chưa thấy thầy cô nào viết giấy nhắn với học trò mình dễ thương đến như vậy. Tôi chuyền lời nhắn sang các bạn khác. Ai cũng cảm động trước tấm chân tình của Thầy và cảm thấy mình là người có lỗi, chưa trễ hẹn nhưng đến giờ phút đó, chưa có dấu hiệu gì là giữ đúng hẹn cả!

Một lần khác, có một chuyện xảy ra hơn hai năm rồi. Thời gian đó, tôi còn ra tiệm để xài internet nên tài liệu tôi đem về có khả năng chứa virus cao. Một hôm, do máy bị virus, cả một tập tin của tôi hư luôn. Đây là bản nháp bài tôi đang làm, tôi chưa lưu lại cất ở đâu vì đang trong công đoạn làm, dự định vài bữa tạm ổn phần đang làm này, hãy lưu sang một phiên bản mới. Mất tập tin này, tôi đã mất đứt hai tháng. Tôi thật sự lo lắng. Người đầu tiên tôi nghĩ đến để chia sẻ điều rủi ro này là Thầy. Tôi gặp Thầy, Thầy nói “không sao đâu. Phiên bản trong máy mất, còn phiên bản trong đầu. Biết đâu giờ ngồi viết ra những gì đang ở trong đầu, nội dung còn hay và mạch lạc hơn. Trước đây, tôi biết có một người nghiên cứu. Đến công đoạn cuối ông cũng bị mất tài liệu. Ấy thế mà khi ông viết lại những gì còn trong đầu, ông có được một nghiên cứu vô cùng giá trị. Sau đó ông xuất bản cuốn sách về những điều ghi lại từ trong ký ức. Ai đọc cuốn sách này cũng thích cả. Yên tâm, tuy mất 2 tháng để làm bản nháp đó, bây giờ làm lại, chỉ cần 10 ngày là phục hồi được vì trí nhớ mình kỳ diệu lắm.” Thật vậy, lời an ủi của Thầy đã khuyến khích tôi làm việc. Tôi nỗ lực trong 10 ngày, tôi làm lại bản nháp gần như cũ. Thầy bảo tôi nên lưu tài liệu của mình trên gmail. Thầy gởi thư mời từ địa chỉ gmail của Thầy để tôi mở địa chỉ gmail. Dạo ấy, sử dụng gmail chưa được rộng rãi như bây giờ. Mỗi người có địa chỉ gmail chỉ được mời hai người khác. Ai nhận được mail mời mới có thể tạo địa chỉ ở mạng này. Sau này, nó phổ biến rộng rãi và không đòi hỏi điều kiện như trước nữa.

Còn quá nhiều điều tôi muốn kể về Thầy, nhưng nhìn lại, thấy gõ lan man vậy mà entry cũng đã dài lắm rồi. Cách đây hai ngày, ký túc xá tôi có một chương trình sinh hoạt nho nhỏ, Thầy có vào dự. Tôi ‘chộp’ được một tấm hình của Thầy (tuy không được đẹp vì chụp ban đêm, ở ngoài trời thiếu ánh sáng). Vẫn phong thái nhẹ nhàng, từ tốn, khiêm cung, vẫn nụ cười không bao giờ thành tiếng,  vẫn dáng ngồi nghiêm trang thường thấy, Thầy vẫn như mấy năm trước. Thầy dạy chúng tôi không chỉ kiến thức học đường, thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học mà còn nhiều kỹ năng sống qua các cuộc nói chuyện trao đổi và qua chính cuộc sống của Thầy. Tiếc rằng dạo rày, Thầy không thể dành nhiều thời gian cho chúng tôi như trước. Cũng mấy tháng rồi tôi mới gặp lại Thầy, vì Thầy quá bận với công việc của một người hiệu trưởng một trường đại học mới. Mỗi khi gặp, chỉ có thể chào hỏi và hỏi thăm tình hình vài câu thôi. Tôi định viết về Thầy từ hôm gặp lại Thầy đêm hôm kia tại ký túc xá, nhưng vì tôi quá bận, nay mới gõ entry này.

                 (Viết vào tháng 2 năm 2009)             

[1] Có ả chuột đến tuổi lấy chồng, muốn tìm người vĩ đại nhất làm bạn trăm năm! Cô ả muốn cưới mây, vì mây có thể che khuất mặt trời. Thế nhưng mây từ chối vì mây chưa vĩ đại, gió thổi được mây. Ả đến ngỏ lời với gió. Gió bảo gió chưa vĩ đại vì tường ngăn được gió. Cô ả đến bức tường, nhưng rồi bức tường từ chối làm chồng, vì… chuột khoét được tường. Cuối cùng cô ả cũng cưới được người vĩ đại nhất làm chồng. Không ai xa lạ, đó chính là anh chàng trong đồng loại chuột của mình!