Wednesday, April 15, 2015

DẠY PHẬT PHÁP CHO TRẺ EM (Kỳ 2)

Thông qua các hình thức giáo dục nào?
Để giới trẻ thấm nhuần tinh thần giáo lý đạo Phật trong đời sống và biết thực hành thiền, chúng ta cần đưa Phật pháp vào đời qua nhiều hình thức khác nhau để hiệu quả giáo dục được cao nhất. Trẻ em chóng thích, nhanh chán nên chúng ta cần linh động thay đổi, đan xen và kết hợp các hình thức giáo dục vào nhau một cách hợp lý và đúng thời để tránh sự nhàm chán một màu khiến các em mất đi hứng thú. Một số hình thức giáo dục Phật pháp được gợi ý ở đây:

Dạy trẻ em qua các lễ hội Phật giáo và hình ảnh tiêu biểu trong đạo Phật
Đưa các em về chùa, quan sát các đạo tràng tu tập hoặc tham gia các lễ hội Phật giáo, qua đó, không bỏ sót một cơ hội nào để đưa các em tiếp cận với giáo lý đạo Phật. Trong lễ Phật đản chẳng hạn, ta lấy gương hạnh của đức Phật để dạy con em mình rằng, dù là con vua, có cung điện đẹp, giàu có như vậy, mà Ngài không hưởng sự giàu sang ấy, mà tìm cách sống đơn giản, bình dân. Do vậy, con cũng không nên đua đòi ba mẹ phải mua sắm những gì không cần thiết. Trong lễ hội Vu lan thì nhân đó nhắc các em ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, siêng năng học hành để trở thành con hiếu của cha mẹ. Nhìn tòa ngồi của tượng Phật và các hoa văn có họa tiết hoa sen để dạy các em biết rằng, sen quý vì ở trong bùn dơ mà vẫn đẹp, vẫn thơm; nếu con sống trong trường, trong lớp, chơi với bạn bè cùng xóm, có những bạn nghịch ngợm, chưa ngoan mà con không bắt chước theo, con ngoan ngoãn thì được mọi người thương quý.
Sẽ không có gì sai khi cha mẹ giải thích với trẻ em rằng, hình ảnh đức Phật ngồi yên, tĩnh lặng là để suy xét lại mình (mặc dù cách giải thích thế này không thật đầy đủ, nhưng chúng ta tiếp tục giúp các em bổ sung kiến thức dần theo thời gian). Chúng ta nói như vậy là để mượn hình ảnh này nhắc con em mình rằng “con nên học theo Ngài, thường xuyên suy xét lại mình để thấy rằng, chính con chịu trách nhiệm việc con làm chứ không phải ai khác”.  Mối tương quan nhân-quả và trách nhiệm bản thân là điều cần nhắc đi nhắc lại thường xuyên với các em. Cứ thế, “mưa dầm thấm lâu”, rỉ rả, rỉ rả từng chút, sự nỗ lực và thiện chí của chúng ta chắc chắn sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp.
Đọc truyện, kể chuyện về Đức Phật và Phật pháp
Là người tu học Phật, chúng ta có một gia tài quý báu về các câu chuyện kể là cuộc đời đức Phật, các đệ tử của Ngài cùng 547 câu chuyện tiền thân cùng rất nhiều câu chuyện trong bộ “Truyện cổ Phật giáo”. Nếu biết cách, các câu chuyện này là đề tài vô tận để làm nguồn tài liệu trong quá trình giáo dục đạo Phật cho trẻ em. Trẻ em nào cũng mê nghe kể chuyện. Có nhiều bé phải nghe ông bà hoặc cha mẹ kể chuyện mỗi tối như một cách ru ngủ mới chịu. Nếu khéo vận dụng, đọc các mẩu truyện ngắn chứa đựng giá trị giáo dục, kể các câu chuyện được rút tỉa từ các nguồn kể trên, chọn lọc các chi tiết phù hợp với chủ ý giáo dục của mình, tâm hồn trẻ thơ sẽ dần thấm nhuần tinh thần Phật pháp.
Đối với những câu chuyện chứa đựng bài học đạo đức rõ ràng thì việc truyền đạt nội dung giáo dục tương đối dễ. Như câu chuyện số 215 trong chuyện tiền thân chẳng hạn, kể chuyện con rùa không có điều kiện đi xa, được hai bạn ngỗng tốt bụng tìm cách đưa đến tham quan một cái hồ rất đẹp. Chúng nghĩ ra một cách, cả ba cùng ngậm một cành cây, rùa ngậm giữa, hai bạn ngỗng hai bên, để ngỗng mang rùa vượt qua sông núi bay đến hồ kia. Để an toàn, ngỗng dặn rùa không được mở miệng. Ấy vậy mà khi bay ngang một làng nọ, đám con nít phía dưới thấy ngỗng và rùa cùng bay là một điều lạ, liền la ó; rùa định mở miệng chửi “chuyện này có dính dáng gì đến tụi mày chứ”, nhưng chưa kịp cất tiếng, nó rơi xuống đất, vỡ tan xác. Đây là hậu quả của người không giữ được cái miệng và các em dễ dàng nhận ra ý tưởng này ngay sau khi nghe câu chuyện.
Thế nhưng, có những câu chuyện cần gợi ý bằng các câu hỏi mở, các em mới nhận ra điều cần học. Chúng ta cần tinh ý hơn mới có thể chọn ra các chi tiết phù hợp để dắt dẫn trẻ em hiểu được phẩm chất tốt các em cần học tập và rèn luyện. Tôi có thể chọn câu chuyện tiền thân số 300, chuyện con sói xảo quyệt, làm ví dụ. Chuyện kể có một con chó sói sống trên một phiến đá cạnh bờ sông Hằng. Nước lũ tràn về, dâng cao, nó không đi kiếm ăn được. Nó nghĩ “ta nằm đây không có gì ăn, tốt hơn ngày nay ta tu phương pháp nhịn ăn.” Nó hứa sẽ giữ đúng lời để tạo công đức tu tập cho nó. Bất chợt, có con dê rừng xuất hiện. Nó nghĩ, “à có con dê rồi, để hôm khác tu nhịn ăn, giờ đói lả mà bỏ đi miếng mồi ngon thì tiếc quá.” Nó nhảy đến vồ con dê. Trượt mất, dê nhanh chân chạy vào rừng, nó bất lực nằm thở dài, tự nhủ, “được rồi, dù sao việc tu bằng cách nhịn ăn của ta ngày nay vẫn được giữ trọn vẹn!”  Với câu chuyện này, điều chúng ta muốn các em nhận thức rõ là không giữ lời hứa, dù với mình hay với người, đều không tốt. Nếu các em không tự nhận ra, chúng ta cần vài gợi ý nhỏ qua các câu hỏi định hướng dạng mở để các em tiếp cận vấn đề dễ dàng hơn.
Sau mỗi câu chuyện, chúng ta không quên liên hệ thực tế để các em khắc sâu ý tưởng hơn. Với ví dụ này, chúng ta có thể hỏi các em có khi nào không giữ lời hứa chưa? Đó là những trường hợp nào? Các em có cảm giác thế nào khi không giữ lời hứa? có khi nào từng là nạn nhân của việc không giữ lời hứa? cảm giác lúc đó thế  nào? Nếu khéo léo, đây là cách giáo dục đạo Phật hiệu quả nhất dành cho trẻ em.
Vẽ tranh, tô màu
Trẻ em rất đam mê nghệ thuật. Một hoạt động tất cả trẻ em đều rất hào hứng tham gia là chọn màu phù hợp tô tranh chưa có màu và vẽ tranh. Các em thích nhất là vẽ hình tự chọn vì không bị gò bó. Ban đầu, có thể cho các em tập vẽ, tô màu tranh ảnh liên quan đến đức Phật và các biểu tượng Phật giáo. Một số hình ảnh trắng đen chưa tô màu được đăng tải trên trang buddhanet.net có thể được sử dụng cho mục đích này. Chúng ta cũng tự phác họa ra nhiều hình ảnh khác cho các em tô màu. Có thể yêu cầu các em quan sát một vật thể hoặc một hoa văn quen thuộc nào đó trong chùa hoặc nhà mình và mô phỏng vẽ lại. Có thể cho các em quan sát hình mô tả về các sự kiện lớn trong cuộc đời đức Phật và vẽ lại các hình đó. Với các em trên 10 tuổi, có thể yêu cầu các em vẽ một cảnh thiên nhiên hay một cảnh sinh hoạt đời thường nào đó  mà em thích. Có thể yêu cầu các em vẽ chân dung mô tả cảm xúc, trạng thái khác nhau của mình, như khi vui mừng, lúc giận dữ, khi lo âu. Sau đó, cho các em tự nhận xét, so sánh nét mặt mình khi nào đẹp, lúc nào xấu, rồi khuyến khích các em phát triển các trạng thái tâm lý tích cực để có khuôn mặt tươi đẹp và bỏ đi các trạng thái tâm lý tiêu cực nếu không muốn mình trở nên xấu xí. Lúc nào, tâm niệm cũng hướng về giá trị đạo đức ta muốn “cấy” vào tâm các em mà đừng nên bỏ lỡ cơ hội nào cả.
Tôi chia sẻ một câu chuyện có thật tôi từng trải nghiệm với một em bé 7 tuổi trong việc vẽ tranh về cuộc đời đức Phật. Sau khi kể lịch sử đức Phật cho bé nghe, tôi yêu cầu bé chọn một hình nào bé thích và vẽ lại. Thế là bé chọn hình con ngựa Kiền-trắc đang tung vó, mang theo thái tử Sĩ-đạt-ta trên lưng và Sa-nặc bám theo chiếc đuôi. Tôi hỏi bé sao lại chọn hình đó mà không chọn hình khác, bé bảo “hình này đẹp, thái tử ngồi trên ngựa trông oai lắm, còn Sa-nặc nắm đuôi ngựa thật tức cười!” Thế rồi khi bắt tay vào vẽ, bé mới cảm nhận hình có nhiều chi tiết quá, nên khó vẽ. Bí quá, bé chạy đến hỏi tôi “thế con vẽ thái tử đi bộ được không, đi bộ dễ vẽ hơn cưỡi ngựa. Khi thái tử đi ngựa, lại còn đeo lủng lẳng ông Sa-nặc nữa, khó quá”. Tôi không nhịn được cười, hỏi bé “thái tử trốn vua cha đi tu mà, đi bộ bị bắt lại thì sao?” Bé nói “đúng rồi, không được. Vậy con cố gắng vẽ thái tử đi ngựa vậy. Còn ông Sa-nặc đeo theo đuôi ngựa khó vẽ thiệt đó. Con chưa thấy người nào đeo theo đuôi như vậy cả, hay là cho con bỏ ổng ra, để mình thái tử đi được rồi…” Tôi đồng ý “giảm giá” chi tiết mà bé kèo nài gọi là “tức cười” này để nâng đỡ tinh thần em. Thế là một lát sau, em hoàn thành ‘tuyệt tác” của mình, nhìn cũng tạm được. Tôi cảm thấy thú vị với sự nhạy bén và quan sát tinh tế của bé trong việc này.
Các bậc phụ huynh sẽ có niềm vui lớn, thú vị nhiều hơn khi sử dụng cách tô màu, vẽ tranh để truyền đạt thông tin và cảm hứng học Phật nơi trẻ em, đồng thời nâng cao khả năng quan sát và chú tâm, trí sáng tạo và tưởng tượng cũng như kỹ năng diễn đạt ý tưởng qua bộ môn nghệ thuật này.
Quan sát cuộc sống
Thiên nhiên muôn màu chứa đựng nhiều bài pháp rất thâm thúy nếu chúng ta biết nhìn sâu và lắng nghe. Hòa thượng Nhất Hạnh có tập sách Planting seeds (gieo trồng hạt giống), lấy ý tưởng từ sự quan sát thiên nhiên để nhắc khuyên thầy cô giáo và cha mẹ là người có thể chế tác hạnh phúc cho chính mình và gieo trồng hạt mầm hạnh phúc trong những tâm hồn trẻ thơ, ngay trong hiện tại. Nếu được gợi ý bằng những câu hỏi định hướng dạng gợi mở, trẻ em sẽ cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên rất tinh tế, có khi hơn cả người lớn. Có lần một em bé 6 tuổi sau khi quan sát bụi hoa dâm bụt trong một buổi chiều gió nhẹ nói với tôi “con thấy bông hoa nhảy múa và cười” khi những đóa hoa có cuống dài này rung rinh trong gió. Nếu biết nhìn vạn vật qua hình ảnh và hoạt động của con người như thế, tôi tin chắc các em dễ phát triển tâm từ của mình. Chúng ta có thể giải thích một cách đơn giản về sự sinh trưởng của các loài cây, loài hoa và nhu cầu chăm sóc chúng ra sao, đồng thời liên hệ với con người để thấy rằng, muốn trở thành người tốt, chúng ta cần trau giồi tri thức, đạo đức và nhân cách như bón phân, tưới nước và làm cỏ cho vườn để cây và hoa phát triển. Chỉ cần một khu vườn nhỏ đã có thể cho các em nhiều bài học lớn về cuộc sống sinh động đang diễn ra quanh mình. Thế giới chim chóc, động vật cũng phong phú và hấp dẫn còn hơn thế giới thực vật, nếu chúng ta biết cách dẫn dắt các em học Phật pháp thông qua việc tìm hiểu đời sống của chúng thì các bài học sẽ trở nên sinh động vô cùng. Có hôm, đứa cháu 5 tuổi của tôi thấy đám kiến tha con chuồn chuồn đã chết đi, chạy vào thông báo cả nhà “con thấy đàn kiến khiêng con chuồn chuồn đi chôn rồi”.
Nếu có dịp, cho các em quan sát cảnh nông dân đang làm ngoài đồng để hiểu rằng, có được hạt cơm chúng ta ăn hằng ngày, người nông dân phải lao động rất vất vả dưới trời nắng nóng, có khi mưa dầm lạnh buốt. Hiểu được nỗi cơ cực của nhiều người, các em sẽ dần tập thói quen tiết kiệm và biết trân trọng, thương yêu tất cả người lao động chân chính. Đưa các em đến thăm và tiếp xúc với những trẻ em bất hạnh hơn mình, như thăm các bạn cùng lứa tuổi ở bệnh viện nhi đồng, các trại mồ côi… rồi bằng cách trò chuyện, gợi mở để đánh động tâm thức thương cảm, chia sẻ với các bạn kém may mắn ấy. Đồng thời, nhắc bé cần trân quý những gì bé đang có để không vòi vĩnh mua sắm, khen chê tốt-xấu, ngon-dở và biết yêu thương chăm sóc mọi người nhiều hơn.
Trong cuộc sống bận rộn này, thời gian là quý với tất cả, nên chúng ta phải biết sử dụng thời gian một cách thông minh. Một trong những cách tiêu xài thời gian đáng giá nhất là chúng ta cần dành thời gian gần gũi, chia sẻ với con em mình để có những trải nghiệm thực tế cùng các em. Đây là cơ hội để trẻ tìm hiểu thế giới quanh mình, hiểu được mối tương duyên, nương vào nhau mà tồn tại và phát triển của vạn vật để biết trân trọng và yêu thương cuộc sống hơn.
Trong sinh hoạt hằng ngày
Chúng ta có thể dạy Phật pháp cho trẻ em thông qua tất cả các tình huống sinh hoạt hằng ngày. Ví dụ ta có thể học cách đức Phật dạy cậu bé La-hầu-la khi mới 7 tuổi về việc không nói dối qua hình ảnh thau nước sạch trước khi sử dụng và thau nước trở nên dơ sau khi rửa tay, không dùng được nữa (Kinh Trung bộ số 61) để dạy con em mình cần từ bỏ một hành vi hay phẩm chất không tốt. Thêm vào đó, trước hoặc sau bữa ăn chẳng hạn, phụ huynh phật tử nên dạy con em mình khởi niệm biết ơn thì chúng ta có được các món ăn này do công sức lao động của nhiều người. Khi chúng tỏ vẻ không muốn ăn những món không thích đang bày trên bàn, đừng nóng giận la mắng con trên bàn ăn mà nhẹ nhàng nhắc dạy con em mình hiểu rằng, ở nơi khác, còn nhiều người đang thiếu thốn hơn ta, không có bữa ăn đầy đủ thế này. Khi hiểu được vấn đề, các em không còn khởi tâm chê bai, chọn lựa mà dễ hài lòng hơn với những nhu cầu cuộc sống. Một nguyên tắc vàng trong việc dạy con là mình làm gương trước, con tiếp bước theo sau. Người phật tử nên hoan hỷ với những món ăn được bày lên bàn, cũng như người tu sĩ hài lòng đón nhận với những gì trong chiếc bát đất thọ dụng mỗi ngày. Nên nhớ bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên là lúc không khí gia đình ấm cúng nhất. Nơi đây, lúc này có thể chia sẻ nhiều thứ và đừng bỏ qua cơ hội này để định hướng con em mình trau giồi nhân cách qua hành động, lời nói và ý nghĩ.
Đơn giản như khi ăn trái cây. Chúng ta khuyên con em mình không nên ăn vội vã, ngấu nghiến cho nhanh xong để rồi chạy đi chơi, hoặc vừa ăn vừa chơi game, vừa ăn vừa đọc sách… mà tham gia trò chơi: ăn chánh niệm, nghĩa là ăn trong sự chú tâm, chậm rãi để thưởng thức từng khoảnh khắc một. Khi ăn trái cây tươi, nhớ đến cách hòa thượng Nhất Hạnh dạy chúng ta ăn táo: cắn một miếng, ngậm trong miệng một tí để cảm nhận cảm giác mát lạnh, hương vị thơm tho của táo, rồi từ từ nhai và cảm nhận sự vỡ ra của miếng táo, sự tan giòn theo hoạt động nhai của răng… mà hướng dẫn các em thực hành sự cảm nhận và ghi nhận cảm xúc. Trẻ em tiếp nhận và sẵn sàng thực hành theo, đơn giản vì chúng thấy lạ nên thích thú. Lâu nay chúng ăn nhanh, ăn là cách đưa vào dạ dày và miệng chỉ là công cụ mà không hề thưởng thức nên chúng sẽ cảm thấy thú vị với “trò chơi” này. Hằng ngày, ta có rất nhiều tình huống để đưa các em vào môi trường tập luyện. Ví dụ cho mỗi em một trái táo tàu khô và yêu cầu các em ngậm vào miệng một lát, rồi ăn từ từ và kể lại cảm nhận của mình. Luyện một thời gian, các em sẽ quen dần với cách ăn “chiêm nghiệm” này, đồng thời khả năng chú tâm và ghi nhận cảm xúc cũng trở thành thói quen tự nhiên ở các em. Chúng ta nên thường xuyên giải thích xuất xứ gốc của các loại trái cây, quá trình gieo trồng cho đến khi cho sản phẩm là món mà chúng ta đang dùng để các em hiểu được mối liên quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và con người, giữa con người và vạn vật trong thế giới cộng sinh này.
                                                                                          (Còn nữa)