Saturday, October 24, 2015

HỌC ĐỂ LÀM GÌ?

 “Học để làm gì?” thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục, nhưng hầu hết người học ít quan tâm đến câu hỏi này. Để kịp nhắc người học biết định hướng cho mình mục đích của việc học, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo vào năm 1996 có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Đây được xem là bốn trụ cột của giáo dục theo quan điểm của UNESCO.
UNESCO đã có câu trả lời hay cho câu hỏi “Học để làm gì?” Theo tinh thần của đạo Phật, học không ngoài mục đích phát huy bốn phương diện này một cách đúng hướng và đúng mức, trong đó, học để hoàn thiện (xác lập) mình là mục tiêu cao nhất. Học để biết trở thành điều hiển nhiên với tất cả mọi người, không riêng gì người tu học Phật. Học để làm, dùng để chỉ việc học ác kỹ năng, nghề nghiệp, thì đối với người tu, “làm” không chỉ dừng lại ở các kỹ năng làm việc mà còn là các kỹ năng quản lý và điều phục tâm ý mình. Học để “hoàn thiện mình” trong đạo Phật là phát triển tối đa năng lực của mỗi cá nhân thông qua con đường thực hành, qua đó giúp người học làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống, để sống an lạc và hạnh phúc với tâm định tĩnh, trí sáng suốt vô ngại. Học để chung sống với người khác được hiểu là kỹ năng sống hòa hợp trong tập thể với những người đồng tu cũng như trang bị các kỹ năng để sử dụng trên con đường nhập thế hoằng hóa giáo pháp với người cư sĩ có duyên. Như vậy, với người thực hành pháp và mang trách nhiệm hoằng truyền chánh pháp, học là điều cần thiết.

Học là điều cần thiết

Đức Phật từng dạy, cái khổ lớn nhất của con người không phải do thiếu ăn, thiếu mặc, làm con trâu, con bò kéo cày, kéo xe, hay con lạc đà chở nặng đi qua sa mạc nắng nóng, chưa chắc là khổ; bị đoạ làm súc sanh, quỷ đói, chưa chắc là khổ, mà cái khổ lớn nhất của con người là vô minh, mê muội, không biết lối đi mới thật là khổ. Để thoát khổ, học là điều cần thiết giúp cho con người nắm vững lý thuyết, làm cơ sở để sự thực hành có hiệu quả, phát triển trí tuệ vô lậu, giải thoát mọi khổ đau.
Học cần phải thấu đáo để không còn nghi ngờ các học pháp của đức Phật. Trong kinh số 16 Trung bộ kinh, kinh tâm hoang vu, Đức Phật nhấn mạnh rằng những ai nghi ngờ về các học pháp, sẽ không có niềm tin chân chánh, tâm của vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn và như vậy, tâm vị ấy sẽ hoang vu, nghèo nàn, còn nhiều triền phược và không thể tăng trưởng trên con đường tu tập. Ví như ta đi đến một nơi nào đó mà không rành đường, đi đến một ngã ba, ta nghi ngờ đứng lại, phân vân không biết rẽ hướng nào. Vì không biết rõ, ta không dám đi tiếp, đứng đó chờ gặp người thì hỏi thăm đường. Trên con đường thực hành pháp cũng như vậy, khi chưa rõ các học pháp, chưa thông suốt về các hướng dẫn, tâm nghi ngờ xuất hiện, ta phân vân nên không thể nỗ lực, chuyên cần, tinh tấn được. Học cho thông suốt các pháp hành là điều cần thiết để làm cơ sở cho việc thực hành.
Phương diện học trong Phật pháp có tầm quan trọng nhất định. Trong lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng chính nhờ các học giả bỏ công nghiên tầm kinh điển mà hệ thống văn học Phật giáo ngày càng phong phú và có tính liên kết chặt chẽ, góp phần nâng cao giá trị học thuật và khoa học với sự góp mặt của các bộ luận và sớ giải của các luận sư để giúp cho các hành giả hiểu rõ và kỹ hơn lời Phật dạy hầu ứng dụng trong quá trình hành trì. Chính việc xiển dương việc học như là một phần chủ yếu trong công tác xiển dương giáo pháp, trong quá khứ, nền học thuật ở Sri Lanka đóng góp phần đáng kể cho nền học thuật Phật giáo thế giới với các bộ sớ giải, luận giải và các bộ sử được biên soạn công phu và có hệ thống và được bảo trì cẩn trọng cho đến ngày nay. Hiện tại, nền học thuật của Phật giáo Nhật Bản, Trung Quốc cũng có vị trí quan trọng tương tự trong việc tập hợp, hệ thống và tạo điều kiện nhân rộng kinh sách chính thống đến với những người học Phật. Sự nghiên cứu trên phương diện khoa học và duy lý của những người phương Tây góp phần làm sáng tỏ những lời Phật dạy là một hệ thống triết học và luân lý sống hơn là một tôn giáo và điều này thu hút ngày càng nhiều người phương Tây đến với đạo Phật để tìm hiểu và thực hành. Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển ngày càng nhanh và mạnh, phương diện nghiên cứu học thuật sẽ góp phần đưa lời dạy của Đức Phật đi nhanh và đi xa trong thế giới số hóa hiện nay.

Không phải học chỉ để học…

Thế nhưng, nếu quá thiên trọng đến phương diện học thuật mà coi nhẹ việc thực hành thì không thể nào tránh khỏi tình trạng ‘bên bồi bên lở’ và đi chệch hướng để rồi xa dần tôn chỉ của đức Phật. Một ví dụ điển hình là ở Sri Lanka, truyền thống tu tập thiền định dần mất đi vị trí chủ đạo nên không được tiếp truyền, nhường bước cho học thuật và giáo dục học đường lên ngôi, trong khi đó, ở Myanmar, truyền thống tu tập thiền định, chìa khóa mở cửa giải thoát, vẫn được bảo trì và phát triển ngày càng mạnh mẽ cho đến ngày nay. Ở phương diện cá nhân, nếu quá chuyên tâm vào việc học mà lơ là việc thực hành pháp là một thiếu sót lớn, thậm chí là một sai lầm. Không ai phủ nhận giá trị của việc học pháp thấu đáo để biết phương pháp thực hành, nhưng quá chú trọng vào một phương diện đến mức dường như quên đi phương diện chính yếu khác là thực hành thì sự đầu tư lớn về thời gian, năng lượng và sức khỏe cho việc học trở thành phung phí, vì học mà không vận dụng được gì cho việc tu tập.
Khi quá nghiêng lệch cán cân về phương diện học, người thực hành pháp ngày càng xa tôn chỉ và tâm ý của Đức Phật, rằng học chỉ là phương tiện, tu mới là cứu cánh. Trong Trung Bộ kinh, số 22, Kinh Ví dụ con rắn, Đức Phật dạy chánh pháp như là chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Trong Kinh Tập, chương số 2: Tiểu phẩm có bài Kinh chiếc thuyền cũng đề cập đến hình tượng này. Một hình ảnh tương tự như vậy được tìm thấy ở kinh Viên Giác, chương VI: Thanh tịnh tuệ, Đức Phật nói chánh pháp như là ngón tay chỉ mặt trăng. Những giáo pháp Ngài dạy là phương tiện để thực hành, là để chỉ trăng chứ không phải là trăng. Như vậy, học chỉ là phương tiện để tu tập chứ bản thân việc học không nên xem là cứu cánh. Kinh nghiệm tu tập và chứng ngộ không thể nào được thành tựu bằng tri thức “thâu vào” qua con đường sách vở mà phải bằng con đường kinh nghiệm tự thân. Những gì được trình bày trong sách vở chỉ là những hướng dẫn điển hình, là thuyền bè qua biển, là ngón tay chỉ trăng mà thôi.
Trong Tương ưng bộ kinh, tập II, chương 1, phẩm 5, đức Phật khuyến tấn “Ông hãy học pháp môn này. Này Tỷ-kheo, Ông hãy học thuộc lòng pháp môn này. Này Tỷ-kheo, pháp môn (này) liên hệ đến mục đích và căn bản Phạm hạnh”. Ta chỉ nên dành thời gian, công sức và năng lượng vào việc học bổ ích, liên quan đến mục đích giải thoát, nếu không, ta sẽ đi lệch hướng và một khi đã lạc, càng đi càng xa. Một khi đã vùi đầu vào học những điều không liên hệ đến mục đích giải thoát, thì càng học, càng xa bến giác mà gần sông mê! Càng học, càng trở lui lại đời sống thế tục, dù thân ta vẫn ở trong chùa, vẫn đầu tròn, áo vuông, vẫn kệ kinh sớm chiều đều đặn, mà tâm ý và cách sống không khác với lúc ta chưa xuất gia là mấy. Bởi lẽ những nội dung học không liên quan đến giải thoát thì liên quan đến đời sống thế tục vậy. Ta vừa bước ra còn chưa kịp thấm nhuần nếp đạo đã phải quay lui trở về lối cũ nếu tiếp tục học những kiến thức thế tục hoặc học giáo pháp mà không thực hành thì cũng chẳng giúp được gì cho ta trên con đường hành trì giáo pháp.

Chỉ học những gì liên quan đến thực hành pháp

Trên con đường thực hành pháp, chúng ta được dạy rằng “tu thì phải học, nhưng nên nhớ là học để tu”… nghĩa là ta học để có hiểu biết, để việc nắm bắt vấn đề nhanh nhạy và chính xác hơn, để hiểu lời dạy của Phật Tổ, của các bậc thầy rõ hơn nhằm ứng dụng trong việc hành trì. Các bậc Thầy cũng thường răn nhắc “tu mà không học là tu mù, học mà không tu là cái đảy đựng sách”. Trong kinh Pháp cú, đức Phật nhắc rằng “người nào dù thuộc làu kinh điển mà không hành trì, chẳng có lợi ích gì, như người chăn bò thuê, ngày ngày đếm bò cho chủ mà lợi lạc về bơ sữa thì ta không có phần” (Câu số 19). Tất nhiên một khi có duyên học Phật và thực hành lời Phật dạy, ta không muốn tu mù, lại càng không muốn làm chiếc túi đựng sách, hay như nhân viên ngân hàng suốt ngày đếm tiền cho người khác, mà phần mình chẳng có chút lợi ích nào! Do vậy, vừa học vừa hành, vừa học vừa tu; lý thuyết hỗ trợ thực hành, thực hành làm sáng tỏ lý thuyết, ta vững tin hơn trên con đường thực hành giáo pháp.
Tinh thần chỉ học những điều cần thiết mà không phí thời gian, năng lượng và sức khỏe cho những điều không đem lại lợi ích thiết thực là tôn chỉ của Đức Phật khi Ngài nói rằng những gì Ngài biết như lá trong rừng, còn những gì Ngài quyết định chỉ dạy cho chư đệ tử chỉ là nắm lá nắm lá simsapā Ngài đang cầm trong tay. Đó là những giáo lý cốt lõi liên hệ đến việc nhận thức khổ đau, hiểu nguyên nhân khổ, trạng thái an vui hết khổ và con đường diệt khổ (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm IV, kinh Simsapā). Do vậy, học pháp, suy ngẫm, thực hành và chứng đạt nên hiểu là các phương diện trong cuộc sống tu tập hơn là các giai đoạn tuần tự, hết giai đoạn này đến giai đoạn kế tiếp. Ngay cả khi hiểu các phương diện này rồi, cần có sự hòa hợp và phân bố cân bằng hợp lý giữa các phương diện này thì sự thực hành pháp mới thật sự có hiệu quả.
Trong rất nhiều bài kinh, đức Phật nói đến tầm quan trọng của việc học pháp, hiểu rõ và hành trì pháp. Kinh Phúng tụng, trường bộ kinh số 33: phần Bảy pháp, Đức Phật nói đến một trong bảy điều thù thắng vi diệu là các thầy tỳ kheo tha thiết hành trì học pháp và khát vọng hành trì học pháp trong tương lai. Đức Phật luôn nhấn mạnh,  học cần phải vận dụng trí tuệ để quán sát. Ngài dạy, khi học các pháp, cần quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì được trí tuệ quán sát, nên ý nghĩa trở thành rõ ràng (Kinh ví dụ con rắn, 22 Trung bộ kinh).
Sau khi Đức Phật nhập diệt, những lời Đức Phật dạy được kiết tập trong kinh điển, thay thế Phật, là kim chỉ nam cho những người biết hướng đến mục đích giải thoát. Học pháp, tu đạo và chứng ngộ giải thoát là lộ trình tu tập của tất cả những ai muốn theo dấu chân Phật. Học, ở một số nơi trong kinh được hiểu là chánh kiến, yếu tố đầu tiên trong Bát chánh đạo. Trong kinh Trung bộ, kinh số 117, Đại kinh bốn mươi, Đức Phật dạy “Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu. Và như thế nào là, các Tỷ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu? Tuệ tri tà kiến là tà kiến, tuệ tri chánh kiến là chánh kiến. Như vậy là chánh kiến của vị ấy.” Trong kinh này, Đức Phật nói, người nào có chánh kiến sẽ thành tựu các yếu tố còn lại là chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Như vậy, ‘chánh kiến’ ở đây là chánh tri kiến, cái thấy biết chân chánh nhờ vào kiến thức, tri thức và suy luận. Như vậy, học điều cần học là chánh tri kiến, là yếu tố then chốt để thành tựu các chi phần khác trên con đường tu tập thành tựu đạo đế. Trên tinh thần này, đề cao và đặt nặng vào vấn đề học giáo pháp là xu hướng của một số cá nhân và cộng đồng.
Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng dạy rằng “học là biết đặng tu hành, chớ phải đâu học là để học, học mãi cho điên, cho chán, cho chết, cho hết thì giờ tự vận. Trong đời kẻ học mà để hành, là phải đâu đi học lún cố mênh mông, đường nào cũng học, lập vập xa vời, để điên đầu rối ruột. Như người đọc truyện, đọc đủ thứ, đọc tối ngày, đọc mướn ăn tiền, buông ra quên hết, không ích lợi chi cho nó, và không được cái hành chi cả. Cho nên người tu trong đạo Phật, cần phải biết rằng : Từ văn học, là nghe nói, để tiến lên tu học, là suy gẫm, và đến hành học là học trong việc làm biết nơi sự đi, thì mới mong đắc học” (Chơn Lý, tr. 644).

Cân bằng giữa học và thực hành: một cuộc sống lý tưởng

Trong cuộc sống tu học, pháp học và pháp hành luôn song hành trên con đường tu tập của mỗi hành giả. Học-tu song hành để có thể vững chãi trên đường thực hành có lẽ là tôn chỉ của nhà Phật y cứ trên lời di huấn của Đức Bổn Sư. Trước khi vào Niết Bàn, Đức Phật ân cần khuyên nhắc chư đệ tử Ngài là hãy “dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa” (Kinh Đại Bát Niết Bàn, số 16, Trường Bộ) nên việc học chánh pháp và thực hành chánh pháp là lẽ đương nhiên của những người tu Phật. Tuy nhiên, cần có sự cân bằng giữa học và hành như thế nào cho hợp lý và hiệu quả là điều chúng ta cần lưu tâm.
Đức Phật cũng cảnh báo cho tất cả, với những người còn trẻ, chớ say sưa kiêu mạn nghĩ rằng ta trẻ mãi và tuổi già còn xa lắm mới đến mà không dốc tâm học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Những ai khi đang khỏe đừng có say sưa kiêu mạn ngỡ rằng ta sẽ khỏe mãi, không bệnh mà lơ là không dốc tâm học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Khi đang sống, ta đừng có say sưa kiêu mạn mà ảo tưởng rằng ta cứ sống hoài trên cuộc đời này mà từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩn thứ 4, kinh số 39). Cụm từ “say sưa kiêu mạn” và “trở lui lại đời sống thế tục” được đức Phật dùng nhiều lần để nhắc nhở các đệ tử phải tận dụng tốt nhất những gì ta đang có, siêng năng học pháp và thực hành pháp.
Đối với tăng ni trẻ, ưu tiên cho việc học là xu hướng ngày càng tăng qua môi trường giáo dục học đường đào tạo Phật học trong nước và ngoài nước. Người đi học thường tìm thấy cái hay cái đẹp trong kho tàng kinh điển Phật giáo trong quá trình nghiên cứu và điều này càng hấp dẫn, lôi cuốn người học nhiều hơn. Khi đang ở trong môi trường học đường, áp lực thi cử, thời gian giới hạn nhất định dành cho từng khóa học… là những yếu tố khách quan “cuốn” nhiều người đang học lao vào việc học mà tạm thời coi nhẹ việc ứng dụng tu tập. Thêm vào đó, càng học, chúng ta có cảm giác là bể học không có bờ và muốn bơi lội mãi để thỏa mãn nhu cầu học hỏi, tìm hiểu của mình. Nhiều người đam mê vào học thuật nghiên cứu đến mức coi đây là việc chính của mình hơn là gia công tu tập. Tệ hơn nữa, một số tăng ni hết khóa này, học tiếp khóa khác, hết trường nọ, ghi danh vào tiếp trường kia, trường đạo, trường đời gì cũng không bỏ sót mà không thật sự xác định mục đích học của mình. Đi học ban ngày chưa đủ, đi tiếp ban đêm. Đến một lúc nào đó, họ hoàn toàn mất tự chủ, lao vào các khóa học, bằng cấp, kiến thức không liên hệ đến mục đích giải thoát.
Có người biện hộ rằng, đang khi học thì phải dốc toàn tâm toàn trí, dành trọn thời gian để theo trường lớp, các khóa học, xong chương trình đào tạo học đường thì mới ứng dụng để tu tập. Nói như vậy là cắt một khoản thời gian nhất định để học, sau đó mới tu. Khi nào bản thân người học nhận thấy học đến đây được rồi thì dừng việc học, rồi mới tập trung cho việc tu. Thế nhưng, vấn đề là cần học pháp đến mức độ nào thì gọi là đủ để tu. Giả sử ta vào đạo lúc 20 tuổi, phải học 20 năm, rồi sau đó ta sẽ tu, là sai. Thử nghĩ xem, vô thường trong từng sát na, biết sống chết lúc nào mà chia với đợi? Vả lại, nếu sống đến đó, liệu có thể bắt đầu thực hành pháp được chưa hay viện lý do khác! Đó là chưa kể những người trên 30 tuổi, 40 tuổi… mới vào đạo mà còn dành một thời gian dài chỉ để học (tạm thời lơ là việc tu), khi nào mới chịu dừng ôm tập vở đến trường!
Vẫn biết học là cần thiết, song chúng ta cần học pháp trước một thời gian hợp lý rồi định hướng vừa học vừa ứng dụng trong cuộc sống tu tập, nhất là phải dành thời gian thực hành thiền định. Cần phải vượt qua những khó khăn đặc trưng của môi trường học đường để việc học và hành song song với nhau trên từng chặng đường tu tập trong cuộc sống. Lama Thubten Yeshe cho rằng trước tiên là phải học, chưa học mà tu thiền là lầm lỗi. Trong cuốn sách, “Advice for Monks and Nuns”, Lama Thubten Yeshe dẫn lời của Ngài Sakya Pandita rằng: “Người chưa học pháp mà tu thiền định cũng giống như người cụt tay mà leo vách đá.” Tất nhiên, đúng là ta không thể chế ra Coca-Cola mà chưa biết gì đến (công thức chế) Coca-Cola cả. Và cũng như thế, ta không thể hành thiền khi chưa biết gì đến giáo pháp. Do vậy, học pháp đúng đắn là học đi đôi với hành, học để hành vì chỉ có thực hành mới đem lại lợi ích thiết thực. Học pháp chân chánh sẽ đưa đến an lạc cho người học. Đức Phật dạy, sau khi học các pháp và quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ, ý nghĩa kinh điển trở thành rõ ràng. Những ai học pháp không vì lợi ích muốn chỉ trích người khác, không vì lợi ích muốn khoái khẩu biện luận, và họ đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Những pháp ấy đưa họ đến hạnh phúc và an lạc lâu dài. (Trung bộ kinh, kinh số 22, kinh ví dụ con rắn).
Ở một chiều hướng khác, nhiều người quá bảo thủ theo xu hướng “tu rục”, chỉ trích những người theo xu hướng giáo dục học đường, cho rằng không cần học gì cả, chỉ công phu tu tập là đủ. Những người theo quan điểm này thường quá đề cao vai trò của tu tập mà không nghiên tầm kinh điển. Họ còn viện dẫn những thế hệ tăng ni đi trước, nhiều người không học mà vẫn tu tốt đó sao. Tệ hơn nữa là có một số vị y cứ trên kinh nghiệm cá nhân sai lạc hoặc hiểu những hướng dẫn thực hành trong kinh điển một cách lệch lạc theo cách nhìn chủ quan của mình rồi cứ thế thực hành, kết quả không đâu, có khi còn có tác hại nghiêm trọng trong quá trình nỗ lực thực hành thiền. Một số trường hợp như thế đã xảy ra đối với các vị sư thực hành theo truyền thống sơn lâm của Theravāda cũng như theo truyền thống Zen, công sức bỏ ra nhiều mà không đem lại kết quả gì trong tu tập.
Như vậy, chú trọng quá nhiều đến học thuật nghiên cứu mà ít để tâm đến tu tập thiền định là một sai lầm. Tương tự như vậy, không nghiên cứu hoặc hiểu biết sai lạc về giáo pháp mà đặt nặng về tu tập là một thiếu sót lớn. Cả hai xu hướng đều không phải là chủ trương của Đức Phật vì một trong những nguyên tắc căn bản của giáo lý đạo Phật là Trung đạo, nghiên cứu giáo điển và thực hành thiền định cần phải đi đôi với nhau như con chim muốn bay cần phải đủ cả hai cánh. Vừa học vừa hành, vừa sống vừa tu mới là chủ trương của đạo Phật.
Cuộc sống con người bình thường vốn có nhiều giới hạn. Không ai có thể sống đến 150 năm trên cuộc đời và cũng chẳng ai khỏe mạnh hoài không đau bệnh hay trường sanh bất lão. Chính vì vậy, chịu sự chi phối của các quy luật vũ trụ, chúng ta biết cuộc sống vốn mong manh. Quỹ thời gian của mỗi có  giới hạn và cuộc sống của mỗi cá nhân có thể dừng lại bất cứ lúc nào khi các nhân duyên tạo nên cuộc sống không còn hòa hợp đủ để duy trì thân ngũ uẩn này nữa. Hơn ai hết, chúng ta cần biết lập sơ đồ cuộc sống của chính mình và tổ chức cuộc sống theo lối sống Trung đạo, vừa học pháp vừa hành pháp song song để cuộc sống tu học mình được nhiều kết quả mỹ mãn nhất. Nếu quá chú trọng đến phương diện học thuật nghiên cứu mà cuộc sống thực hành thiền định mờ nhạt thì chúng ta chưa có kỹ năng sống an lạc và hóa giải khổ đau. Nếu không chịu học mà chỉ chăm thực hành, ta quờ quạng và mất phương hướng trong hành trì, cuối cùng cũng bế tắc trong đau khổ và cố chấp. Những tưởng chúng ta nên thực hành pháp tu trung đạo rất tuyệt vời của đức Phật. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang diễn đạt mội cách bình dân mộc mạc rằng “…vừa làm vừa ăn, vừa đi vừa tới từng bước một, mà được yên vui trong tâm mỗi lúc ( Chơn Lý, tr. 656).