Friday, April 3, 2015

DẠY PHẬT PHÁP CHO TRẺ EM (Kỳ 1)

(Bài này đã được đăng trên Nguyệt san Giác Ngộ, số 226 - tháng 1/2015)
Người tu học Phật không chỉ hướng đến mục đích giải thoát cá nhân mà còn phát nguyện duy trì mạng mạch chánh pháp, và cách duy trì căn bản nhất, hiệu quả nhất là thông qua con đường giáo dục. Không phải ngẫu nhiên mà đức Phật đề cao sự cảm hóa bằng con đường giáo dục và xem đó mới đích thực là thần thông trong đạo Phật, chứ không phải là thần thông biến hóa, phù phép lạ lùng vốn được nhiều người ngưỡng mộ và ưa chuộng. Với Ngài, một vị thầy vĩ đại, bằng con đường giáo dục, giúp người khác chuyển hóa đời sống khổ đau, bức bách, bất an thành đời sống hạnh phúc, tự tại, bình an mới thật sự là phép màu. Hiểu được thâm ý của đức Phật, người phật tử chân chánh không những biết ứng dụng Phật pháp trong đời sống của mình mà còn hướng dẫn người khác thực hành pháp để sống bình an và hạnh phúc như mình. Đây là cách mồi đèn cho ánh sáng Phật pháp được lan tỏa đến nhiều người ở nhiều nơi, góp phần nuôi dưỡng chánh pháp tồn tại lâu dài ở nhân gian thông qua con đường giáo dục.

Đừng đợi trẻ lớn rồi mới dạy

Như vậy, giáo dục Phật giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người tu học Phật. Đối tượng giáo dục hẳn nhiên là con người ở mọi lứa tuổi thuộc mọi giai tầng của xã hội. Tuy nhiên, trong mô hình hoằng pháp hiện tại ở Việt Nam, các hình giáo dục Phật giáo chú trọng quá nhiều đến người trưởng thành. Các lễ hội văn hóa Phật giáo, khóa tụng niệm hằng đêm, các khóa tu định kỳ, các buổi thuyết giảng theo lịch, các băng đĩa tụng kinh, giảng pháp phổ biến trên mạng inernet, các chuyến đi từ thiện… chủ yếu tổ chức dành cho người lớn. Vậy thì thế hệ trẻ khi nào mới là lúc thích hợp nhất để tiếp cận đạo Phật?
Các nhà tâm lý giáo dục, từ các nhà phân tâm học như Sigmund Freud, Carl Jung, Alfred Adler đến các nhà tâm lý học hành vi như  I.P. Pavlov, B.F. Skinner hay các nhà tâm lý học nhân cách như Carl Rogers và Abraham Maslow hoặc các nhà tâm lý học xã hội như Jean Piaget, L.S. Vygotsky đều đồng ý rằng con người ở tuổi nhỏ sẽ tiếp thu kiến thức và kỹ năng nhanh hơn và quá trình học diễn ra dễ dàng hơn so với tuổi lớn. Như vậy, giáo dục Phật giáo cũng cần định hướng phổ cập kiến thức và kỹ năng thực hành cho trẻ em song song với các chương trình dành cho người trưởng thành. Đợi các em trở thành người lớn rồi mới hướng dẫn cách sống đầy nhân bản của đạo Phật, e rằng quá trễ. Khi xác định đạo Phật là kỹ năng và nghệ thuật sống tỉnh thức, sống bình an, sống hạnh phúc thì việc giáo dục đạo Phật cho trẻ em là điều vô cùng cần thiết, vì các kỹ năng này được huân tập càng sớm càng tốt. Nhiều phụ huynh phật tử có quan niệm rằng, hồi xưa, có ai hướng dẫn mình, giờ mình cũng biết tu vậy, cứ nuôi con lớn, khi đó, nó sẽ tự chọn tôn giáo nào để theo, mình không nên và không thể can thiệp. Nghĩ như vậy là bỏ đi cơ hội học đạo quý báu của thế hệ trẻ. Nếu cứ để mỗi người tự tìm lấy con đường đi của mình, việc gì ngay sau khi thành đạo, đức Phật phải khẩn thiết khuyến tấn chư tỳ kheo “hãy đi vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp” (Đại phẩm 19-20, Luật tạng).
Tôi thiết nghĩ giáo dục Phật pháp cho trẻ em cần được các bậc phụ huynh trong gia đình phật tử quan tâm đặc biệt, vì gia đình, nơi các thành viên có quan hệ huyết thống gần nhất dành cho nhau nhiều thời gian và tình cảm yêu thương, là môi trường giáo dục tốt nhất cho các em,  nhất là về phương diện tâm linh và tinh thần. Với vị trí của phụ huynh, ta đưa con em mình đến với đạo Phật như thế nào? Bài viết này sẽ đưa ra vài gợi ý.
Dạy gì?
Dạy gì? Tất nhiên là dạy Phật pháp, những lời đức Phật dạy được lưu giữ trong các tạng kinh và được người tu học Phật, tại gia cũng như xuất gia, ứng dụng trong cuộc sống của mình. Thế nhưng, không thể đem nguyên xi giáo lý cao siêu đầy tính triết học của đạo Phật để nói với tuổi trẻ, vì khả năng hiểu và tiếp thu của các em giới hạn theo lứa tuổi và đang dần phát triển và hoàn thiện theo thời gian. Do đó, để có hiệu quả cao nhất, đơn giản hóa và cụ thể hóa giáo lý đạo Phật mới có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ.
Giảng giáo lý căn bản bằng ngôn ngữ dễ hiểu
Theo học thuyết của J.Piaget, mỗi lứa tuổi có đặc trưng riêng về chất lượng trí tuệ và được coi là một giai đoạn phát triển tương ứng với độ tuổi của trẻ. Các em phát triển khả năng trí tuệ ngày càng cao, hiểu được các khái niệm phức tạp và trừu tượng hơn khi tuổi tăng dần. Như vậy, trẻ em nhỏ tuổi chỉ có khả năng suy nghĩ cụ thể, nhận thức trực quan mà hạn chế trong việc nắm bắt các khái niệm trừu tượng. Do đó, để hướng dẫn giáo lý đạo Phật cho các em, phụ huynh cần linh động ứng dụng trong đời sống thực tế bằng một giáo lý đã “chế biến” nhưng không pha tạp, chứ không thể đem nguyên văn những gì được ghi trong kinh sách ra rao giảng với các em. Ví dụ giáo lý nhân quả sẽ được các em tiếp nhận và thực hành nếu chúng ta phân tích để các em hiểu mối tương quan giữa hành động và kết quả rất cụ thể, rằng, “nếu con siêng năng và học giỏi, con sẽ được kết quả tốt trong học tập; nếu con ngoan, con được cha mẹ và thầy cô giáo yêu thương; nếu con nhường nhịn, hòa nhã với bạn bè, con được bạn bè yêu thích và con sẽ có nhiều bạn; nếu con thật thà không lấy cắp đồ dùng học tập của bạn, con được mọi người quý mến…” Với cách này, chúng ta có thể tập cho các em có thói quen nghĩ đến kết quả trước khi hành động. Cứ thuần theo nếp sống như thế, các em sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc trước khi quá muộn. Đây chính là cốt tủy của giáo lý nhân quả mà đức Phật muốn nhắn gởi chúng ta: hãy nghĩ đến hậu quả trước khi hành động để tránh đau khổ cho mình và cho người.
Một phụ huynh phật tử kể lại rằng, cô đã thành công trong việc dạy pháp Tứ đế cho đứa con gái 6 tuổi. Mới nghe có vẻ tức cười, nhưng đó là sự thật. Một hôm nọ, do vừa nhận được bộ đồ mới từ một người bà con vừa gởi tặng, bé xúng xính mặc thử rồi khoe mọi người, thế là thức khuya hơn mọi ngày, sáng hôm sau, đến giờ mà không chịu dậy. Ba vào phòng gọi dậy, trong trạng thái nửa ngủ, nửa thức, bé phụng phịu giận ba. Thế là mẹ vào, ngồi đối thoại với bé. Cuối cùng, người mẹ đã giúp bé hiểu ra, sáng nay bé không sảng khoái, nên bực bội (khổ); do tối qua ham khoe đồ mới, đến giờ ngủ mà không chịu ngủ (tập), vậy mà giận ba là không đúng; thế nhưng trạng thái uể oải sẽ qua đi, bé trở nên hoạt bát như mọi ngày thôi (diệt); bé nghe có lý, không nằm nán nữa mà ra khỏi giường, chạy lại xin lỗi ba, hứa sẽ không thức quá khuya nữa. Tiếp đó, bé chạy ra sân, hít thở khí trời buổi sáng trong lành, trở nên năng động và vui vẻ để bắt đầu một ngày mới (đạo). Người mẹ kể lại với tôi mà trong ánh mắt còn ngời lên niềm hạnh phúc vì đã bắt đầu biết dạy Phật pháp cho con theo cách đơn giản và bình dân như vậy.
Tập hành thiền chánh niệm
Nói đến hành thiền, nhiều người nghĩ phương pháp này dành cho các thiền sư, hoặc người xuất gia, hay ít ra, những người phật tử trưởng thành mới có thể thực hành. Đây là một cách nghĩ lệch lạc làm cho phương pháp định tâm này chưa được phổ biến rộng rãi ở các nước phương Đông, ngay ở các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời. Thông thường, người phương Đông tiếp cận Phật giáo đầu tiên qua phương diện cung kính và cúng dường, trong khi đó, người phương Tây tiếp cận Phật giáo đầu tiên qua việc thực hành thiền. Do vậy, cho dù mới bén rễ trên mảnh đất phương Tây xa lạ trong thời gian không lâu, hành thiền trở thành một nếp sống cho nhiều người phương Tây, kể cả những người không theo Phật giáo. Trên cơ sở đó, hướng dẫn thiền cho trẻ em cũng được người phương Tây chú trọng hơn mà chúng ta lại yếu và thiếu, trong khi đó, phụ huynh phật tử ở các nước phương Đông có nhiều lợi thế hơn để làm việc này. Ở Việt Nam chẳng hạn, chúng ta có truyền thống Phật giáo lâu đời và hình ảnh người tu, chùa chiền chẳng hề xa lạ với một đứa trẻ, nên việc các phụ huynh phật tử đưa trẻ em hòa nhập vào môi trường đạo Phật có thể diễn ra dễ dàng và tự nhiên nếu biết cách. Thêm vào đó, mối liên hệ giữa các thành viên gia đình ở các nước phương Đông rất gần gũi và thân mật. Nếu biết khai thác thế mạnh này, ta có nhiều cơ hội để dạy trẻ em thực hành thiền định. Tiếc rằng chúng ta chưa tận dụng được những thuận lợi này để dạy các em hành thiền, trong khi đó, người phương Tây không có được những thuận lợi như vậy mà họ lại thành công hơn ở phương diện này.
Trẻ em chưa đủ ý thức và nhất là không thể kiên trì khoanh chân lim dim mắt ngồi yên như người lớn được, vì đặc tính của tuổi trẻ là năng động, hiếu kỳ và nhanh chán. Chúng ta phải có cách linh hoạt hơn để đưa các em vào các hoạt động với sự hỗ trợ của các hình ảnh trực quan sinh động trong đó đòi hỏi các em phát huy kỹ năng chú tâm, quán sát và cảm nhận cảm xúc của mình trong thời điểm hiện tại. Nói đến sách hướng dẫn thiền cho trẻ em, tuyệt vời nhất phải kể đến cuốn Moody Cow meditates của Kerry MacLean được các trung tâm thiền và trường học cũng như gia đình phương Tây ứng dụng để hướng dẫn thiền cho các em thiếu nhi. Ví dụ điển hình nhất trong cuốn này được nhiều người đón nhận là ta lấy nước đổ gần đầy một chiếc lọ thủy tinh trong suốt có nắp đậy. Giở nắp ra, cho vào đó khoảng một muỗng cà phê hạt kim tuyến loại hạt lớn (còn gọi hạt long lanh, loại hạt nhiều màu sắc được dùng trang trí để tạo nên sự lấp lánh), rồi lắc đều. Dưới ánh sáng mặt trời, các hạt kim tuyến sáng rực, long lanh lơ lửng trong nước thành một hỗn hợp đủ màu sắc rất đẹp, rồi trong vài phút, các hạt này dần lắng xuống đáy lọ. Cho các em quan sát quá trình chuyển động hỗn độn rồi dần lắng xuống của những hạt kim tuyến và yêu cầu các em liên tưởng đến quá trình  nổi loạn rồi dần lắng các cảm xúc trong lòng mình thế nào.
Tôi từng hướng dẫn vài phụ huynh phật tử thí nghiệm quá trình này với con của họ và kết quả thật đáng khích lệ: các em rất thích quan sát quá trình này, có khả năng nhận biết cảm xúc của mình, ghi nhận chúng và rút ra bài học trong tương lai. Một phụ huynh kể lại, có lần đứa con học lớp 3 của chú ấy về nhà với vẻ mặt tức tối, rằng bị bạn ở lớp trêu chọc, kêu tên cha mẹ của bé ra, bé tức quá. Chú ấy hỏi, “vậy con muốn làm gì bạn?”, bé trả lời ngay “con muốn đục vào mặt tụi nó mấy cái cho hả tức, con muốn hét vào mặt chúng ‘đồ mất dạy’…”. Chú ấy bình tĩnh nói “nhưng bây giờ, trước mặt con là ba nè, đâu có bạn con ở đây mà tức. Thôi, lại đây chơi cái này với ba…” Thế là chú ấy soạn những thứ cần thiết (tôi đã nêu ở trên) rồi thao tác, bảo bé hít thở sâu và quan sát hiện tượng các hạt kim tuyến chạy loạn xạ rồi dần lắng xuống, nước dần trong trở lại. Đứa bé chăm chú quan sát mà quên đi cơn giận, vẻ mặt cau có đã thay bằng nụ cười. Người cha hỏi “con thấy lòng con có giống vậy không?” Đứa bé đồng ý là lòng em không khác những hạt kim tuyến này, các giận dữ, bực bội dần chìm sâu xuống và tâm dần bình yên hơn. Sau trò chơi này, bé cũng hết giận đứa bạn kia và cũng bỏ hẳn ý định “đục vào mặt” cho hả tức, cũng không còn muốn “hét vào chúng” nữa. Sau đó, mỗi lần bé tức giận, ba của bé thường nhắc bé “chiếc lọ kim tuyến của lòng con sao rồi?”, nhờ đó, bé nhanh lấy lại thăng bằng và trở về trạng thái bình thường.
Tôi tin chắc thực nghiệm về chiếc lọ kim tuyến này, ngay cả người lớn còn thích thú, huống nữa trẻ em! Tương tự như vậy, sáng kiến và linh hoạt của các bậc phụ huynh sẽ góp phần khai thác nguồn tài liệu vô cùng phong phú trong cuộc sống đời thường để làm đề tài cho các em tập chú tâm, định tâm và lắng nghe cảm xúc của lòng mình trong hiện tại.
Dạy trẻ những phẩm chất và hành vi tốt
Học và thực hành theo giáo lý đạo Phật, người phật tử có nhiều chuyển biến tích cực, các phẩm chất và hành vi tốt ngày càng được nuôi dưỡng và phát huy. Giáo lý đạo Phật dạy con người tinh thần trách nhiệm bản thân, tự tin, tự chủ, thành thật, tôn trọng sự sống và yêu thương người khác, tha thứ, hỷ xả, rộng lượng, điềm tĩnh, cân bằng và thận trọng trong suy nghĩ cũng như hành động. Một khi cha mẹ đã thấm nhuần các phẩm chất tốt này rồi, việc làm gương và dạy con nuôi dưỡng các phẩm chất ấy không còn là vấn đề khó khăn. Khi giảng giải những giáo lý căn bản cho các em qua các tình huống đời thường, chúng ta lồng vào đó những lời khen tặng, nhắc nhở, động viên các em làm việc tốt, tránh việc xấu và phân tích để các em nhận thức rõ mối tương quan nhân quả trong hành động của mình.
Ví dụ bảo các em không giết hại sinh mạng con vật theo cách kinh điển khô khan, có thể không thuyết phục được. Thế nhưng, trong từng tình huống cụ thể, nếu ta biết cách vận dụng lời Phật dạy về việc giết hại, các em nhận thức rất tốt và có thể thực hành vấn đề này. Có lần người phật tử than với tôi, có đứa con trai 7 tuổi, ưa bắt chim sẻ con vừa mới tập bay, sau đó để chết, cô cảm thấy xót. Bé cứ canh chừng, chim tập bay, mất thăng bằng rơi xuống đất là bé chụp ngay, bỏ vào lồng. Chừng vài ngày sau là chim chết vì không biết cách chăm. Người mẹ này muốn khuyên con đừng làm vậy nữa mà bảo con đừng làm thế, con chuyển việc bắt giữ chim con từ công khai sang lén lút. Tôi chỉ cách và người phật tử ấy làm theo như sau và có kết quả khả quan. Khi nói chuyện với con, người ấy khơi dậy tình thương yêu gia đình bằng những lời đối thoại qua lại giữa hai mẹ con, đem hoàn cảnh nó để so sánh với mình. Cuối cùng, thằng bé hiểu ra, mất chim con, ba mẹ chim rất buồn, rất khổ vì nhớ thương con, cũng như ba mẹ bé mỗi khi đi xa buồn nhớ bé vậy. Thế là từ đó, thằng bé không còn bắt nhốt chim nữa, vì sợ ba mẹ chúng buồn. Có lần thấy cặp bồ câu nhà hàng xóm thường đến đậu trên cây trong vườn nhà bé, bé bảo ba mẹ làm nhà cho bồ câu ở, kẻo khi trời mưa ướt lạnh. Như vậy, em bé 7 tuổi đã làm được điều Phật dạy, rằng:       
 “Ai cũng sợ gươm đao
 Ai cũng sợ sự chết
 Suy ta ra lòng người
 Chớ giết, chớ bảo giết” (Pháp cú 129)
Các phẩm chất đạo đức khác cũng vậy. Thông qua tình huống thực tế, bằng ngôn ngữ dễ hiểu, phụ huynh cần giải thích thật đơn giản để ngang tầm hiểu biết và nhận thức của các em, chúng sẽ tiếp nhận dễ dàng, qua đó, khắc sâu vào tâm trí chúng những phẩm cách cần nuôi dưỡng. Khi giải thích về tương quan nhân quả giữa hành động và kết quả tương ứng, ta nhấn mạnh trách nhiệm bản thân đối với hành động của chính mình để trẻ em dần huân tập tinh thần trách nhiệm. Như một người giáo viên thông minh và khéo léo, tất cả những vật dụng có sẵn trong phòng học đều trở thành đồ dùng dạy học để tiết học hiệu quả và lý thú; với người phật tử sáng tạo và linh hoạt, tất cả các sự kiện, hoạt động trong cuộc sống đời thường đều có thể trở thành bài học lý thú cho các em nếu biết tận dụng cơ hội. (Còn nữa)