Saturday, May 16, 2015

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH

Là con người, ai cũng có muốn hạnh phúc, toại nguyện mà không thích khổ đau hay đối mặt với nghịch cảnh; thế nhưng, muốn là một việc, thực tế cuộc sống lại là việc khác, khi khổ đau và những điều không như ý là điều ta có thể gặp bất cứ lúc nào trên đường đi của mình. Nhìn mình, nhìn người khi đối mặt với nghịch cảnh, ta tự hỏi, tại sao có những người có thể thành công hơn những người khác khi đối mặt với môi trường làm việc khó khăn? Tại sao có những người được trải nghiệm cuộc sống với những thành công trong khi những người khác lại hay gặp thất bại? Theo giáo sư Paul Stoltz, một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về khả năng vượt khó của con người thì câu trả lời nằm ở khả năng khắc phục khó khăn trong cuộc sống của mỗi người.

Hãy xem nghịch cảnh là thử thách hơn là chướng ngại

Trên đường đời, ta không thể nào mong đi trên con đường dài trải nhựa êm ả nâng niu từng bước chân ta. Chướng ngại, nghịch cảnh là điều tất yếu vì đời không phải chỉ toàn một gam màu hồng. Khi đang bước, ngẩng đầu nhìn lên, trước mặt là đỉnh núi, ta thấy có một chướng ngại vật trên đường đi của mình. Vậy ta sẽ làm gì? sẽ bỏ cuộc, hay bằng cách nào đó, khơi dậy nội lực, xoay xở tìm phương hướng và thúc đẩy bản thân tiếp tục leo lên hoặc đi vòng qua nó? Viết đến đây, tôi nhớ đến câu nói của William Cullen Bryant rằng “khó khăn là bảo mẫu nuôi dưỡng những con người vĩ đại”.  Cứ mỗi lần gặp nghịch cảnh mà vội thối chí nản lòng, ta đã thua cuộc rồi và ta không thể nào đi tiếp để có thể đến nơi ta muốn.
Nếu xem nghịch cảnh là chướng ngại, ta sẽ chùn bước, bỏ cuộc. Ngược lại, nếu ý thức được nghịch cảnh là một phần chất liệu làm nên cuộc sống sinh động này, ta sẽ có tâm lý đương đầu tốt hơn. Đã là một phần cuộc sống, nên ta không thể nào tránh, không thể né, thậm chí không thể “gia hạn” thời gian để mình chuẩn bị rồi mới “đón” nhận chúng, vì tất cả diễn ra theo quy luật khách quan lạnh lùng, ngoài tầm kiểm soát chủ quan của ta. Do đó, cách tốt nhất là ta xem đó là thử thách cần vượt qua để bước tiếp, để rồi chuẩn bị cho mình những kỹ năng đón nhận và vượt qua những nghịch cảnh như là một bước chinh phục những thử thách trong cuộc sống.
Tôi lại nghĩ đến thân phận con người, cụ thể là bản thân tôi. Tính đến nay, tôi đã trải qua hai phần ba cuộc đời, gặp phải không ít những khó khăn, vất vả, nếm cũng khá nhiều những đắng cay, thâm độc, đểu giả, bạc bẽo của cuộc đời, nghe đủ những lời nói vu khống, cáo buộc vô cớ, mỉa mai, quy chụp tàn nhẫn của người đời. Lúc đầu tôi cũng buồn lắm, nghĩ tại sao những việc ở đâu đâu mà đổ khống lên đầu mình khi quyền lực rơi vào tay những người độc ác, thâm hiểm và ích kỷ nhỏ nhen, ganh tỵ tật đố như thế này. Nhưng rồi, bình tâm lại, tôi tự xét và biết đâu là cốt lõi của vấn đề, đồng thời tôi cũng hiểu động cơ đằng sau những việc người ta làm nên chấp nhận không thắc mắc. Tôi hiểu rằng tôi không thể can thiệp và không có trách nhiệm gì với việc người khác làm, tâm tôi đỡ bất an hơn. Tôi trở về soi xét bản thân mình, không quan tâm đến người ta làm gì, dù điều ấy đầy ác ý và đưa tôi lên bờ xuống ruộng. Khi soi tâm mình, hiểu được những hạn chế, vụng về của mình và sửa đổi cho tốt hơn,. Mỗi lần chạm mặt nghịch cảnh là mỗi lần ta được tiêm vác-xin chủng ngừa. Tiêm lần đầu, có thể bị sốt phản vệ, nhưng các lần tiêm nhắc sau đó sẽ không có việc gì vì cơ thể đã quen thuốc. Nhờ chủng ngừa mà khả năng kháng bệnh của ta tăng lên đáng kể. Những người có thái độ tích cực đối với nghịch cảnh thì trong đầu họ luôn nghĩ rằng, nghịch cảnh không phải là một tảng đá cản lối bước chân ta đi, mà hãy xem đó như một thềm đá nâng bạn bước cao hơn, là bước đệm cần thiết để đi đến thành công.

Nghịch cảnh rèn nghị lực

Cây mọc trên triền núi đất cằn tuy xấu và chậm lớn hớn so với cây được chăm kỹ trên đất màu mỡ, nhưng gỗ nó chắc hơn nên được nhiều người ưa chuộng, vì giá trị thực tế nó đóng góp cho cuộc đời này lớn hơn. Người có hoàn cảnh khó khăn mà biết nỗ lực vượt khó thường có tính cách trưởng thành theo kiểu “già trước tuổi”, chín chắn, vững chãi, bản lĩnh trong cuộc sống; trong khi đó, người được nuông chìu, gặp toàn việc suông sẻ và may mắn, không được trang bị các kỹ năng sống, thường ngã ngựa ngay cú vấp đầu tiên trong đời. Khi gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống, người chưa trải nghiệm thử thách sẽ không biết cách ứng xử và vượt qua gian khổ. Có nếm trải đắng cay, con người ta mới hiểu ra được nhiều điều, mới nhìn nhận tường tận được những sự thật mà người ngoài cuộc không thể hiểu, và người sống một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc, lại càng không thể nhận ra vấn đề. Chính hoàn cảnh sống khó khăn đó đã giúp họ giúp họ nhìn lại mình, rèn luyện bản thân, hoàn thiện bản thân, họ sẽ trở nên khiêm tốn hơn và cảm thông với người khác hơn.
Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh của viên đá trong bài “Cuộc sống và những va đập” tôi viết trước đây. Từ một mảnh đá đầy sắc cạnh nhưng trải qua thời gian dài lăn lóc, đụng chạm với bao nghịch cảnh, nó được mài giũa trở nên những hòn đa cuôi nhẵn nhụi, tròn trịa. Cũng như con người, khi phải va chạm, lăn lộn với cuộc sống nhiều, nếm trải đủ thứ đắng cay, chạm mặt bao người tráo trở, thâm độc thì sẽ được cuộc đời dạy cho bao nhiêu là bài học quý giá. Được cuộc đời gọt giũa, nên con người mới có thể trở thành một viên đá cuội tròn trịa để đóng góp sức mình cho đời, có thể trang trí trên hòn non bộ điểm tô cảnh quan, có thể lát trên sân hay rải trên lối đi để đỡ chân bao người qua lại. Tôi cảm thấy rằng viên đá cũng còn có giá trị và sự hữu ích, huống hồ con người. Ít nhiều, ta vẫn là người hữu ích và có một giá trị riêng không ai thay thế được. Trong chúng ta, dù có ai nhỏ nhoi đến đâu đi nữa thì cũng vẫn có giá trị riêng và biết đâu ta đang là một bài học lớn cho những người đang sống xung quanh.
Những chướng ngại lớn đã đến và qua đi với tôi càng cho tôi niềm tin rằng, vượt qua nghịch cảnh là cách thực tế và hiệu quả nhất để rèn nghị lực. Khi quen dần với “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” như Trịnh Công Sơn đã từng viết, tôi cố gắng vượt qua những tổn thương mà người đời đã mang đến cho tôi. Không để mình bị tổn thương với những ác ý của người đời, tôi mạnh mẽ hơn, cố gắng sống tốt với chính những người đã làm tổn thương tôi. Sau bao nhiêu biến cố trong cuộc đời mình, tôi đã rút ra được rất nhiều bài học và trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Sự thật là nếu không có những nghịch cảnh, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra tiềm năng thật sự của mình và biết cách phát huy nó để cuộc sống mình ý nghĩa hơn.Tôi thấy mình cần có bổn phận cảm ơn cuộc đời này bằng những việc làm tích cực cụ thể: nỗ lực hơn để trau luyện tâm mình, bao dung hơn với những người hại mình, bình thản hơn với nghịch cảnh trong đời và dấn thân góp sức cho cái thật, cái sạch, cái tốt của cuộc đời.
Như cuộc đời của Steve Jobs. Hàng loạt “nghịch cảnh” trong đời đã làm bệ phóng cho Jobs tạo ra bước đột phá trong cuộc đời mình. Nếu không bỏ học, hẳn ông đã không bao giờ thành lập Apple. Nếu không bị sa thải khỏi Apple, ông đã không phát minh ra neXT và phát triển phần mềm nguyên thủy của iPhone, iPad, iPod, iMac cho thế giới sử dụng ngày nay. Chính Steve Jobs đã phát biểu trong buổi lễ ra trường của Đại học Stanford năm 2005 rằng “bị sa thải khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất xảy ra với tôi. Áp lực của một người thành công được thế chỗ bằng cảm giác nhẹ nhõm của người bắt tay làm lại từ đầu. Điều đó giải phóng tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời mình”. Ông nói thêm “Tôi đoan chắc rằng không có những thứ này (neXT và những thứ ông phát minh sau đó) nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Đó là thuốc đắng, nhưng tôi tin người bệnh cần phải uống.” (The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything. It freed me to enter one of the most creative periods of my life. […] I'm pretty sure none of this would have happened if I hadn't been fired from Apple. It was awful-tasting medicine, but I guess the patient needed it).

Gặp nghịch cảnh là cơ hội để tiến thân

Khó khăn chỉ là chướng ngại trước mắt, tạm thời và có giới hạn, và điều quan trọng là ta có thể vượt qua. Chỉ khi nào có cái nhìn tích cực như vậy, ta mới không chùn bước trước nghịch cảnh. Ta nên xem nghịch cảnh là bàn đạp để vững chãi hơn, là cơ hội để tiến thân trong cuộc sống.
Nhờ những chướng duyên nghịch cảnh, ta sớm trưởng thành hơn. Bằng cách lóng tâm, nhìn sâu vào lòng mình, tôi thông suốt được vấn đề và nghĩ rằng, ở một phương diện nào đó, mình phải cám ơn những người đã mang đau khổ đến cho tôi, gây khó khăn và cay nghiệt với tôi. Cảm ơn ở đây không phải vì họ tốt với mình, để rồi họ nghĩ chính họ là những người ban ơn cho ta để rồi tiếp tục đối xử với bao người khác cũng theo cách như vậy. Cảm ơn ở đây là nhờ họ như một cái duyên để ta có cơ hội thí nghiệm trong việc ứng dụng những kỹ năng đã học, đã thực hành và biết mình ở đâu trên chặng đường ứng dụng lý thuyết vào cuộc sống để tiếp tục nỗ lực hành trì với sự điều chỉnh hợp lý. Cái ơn lớn hơn ta cần nghĩ tới là những thiện căn, thiện duyên  để mình học được kỹ năng sống với nghịch cảnh từ những người thầy tốt, những thiện tri thức chân tình đã giúp ta thêm sức mạnh và làm nền cho niềm tin đủ lớn vượt qua những thử thách này mà vươn đến thành công.
Bản lĩnh, khí phách của con người trước nghịch cảnh là ý chí không đầu hàng trước số phận. Chất anh hùng ấy ít nhiều đều có trong mỗi người nếu biết khơi dậy. Bill Gates (chủ tịch Tập đoàn Microsoft) có nói: “Những ai tự chế được bản thân hoặc tự vượt lên chính mình dù chỉ trong khoảnh khắc cũng đều có “máu” anh hùng. Những lúc như vậy, chỉ số AQ nơi họ tăng đột biến”.
Thực tế cho thấy rất nhiều người tốt về cảm xúc, tốt về nhân cách nhưng... việc không thành, cuộc đời vẫn lắm bất hạnh. Nói như tác giả của chỉ số AQ (Paul G.Stoltz): “Người tốt vẫn có thể là người không bền lòng theo đuổi mục đích.
Dù biết đó là mục đích cao đẹp nhưng họ không đủ can trường để đi tới. Bởi vì, bao giờ cũng vậy, mục đích cao đẹp luôn đi kèm với những thử thách cực kỳ khó mà chỉ ai dám vượt khó mới có thể tới đích”.
Ai trong chúng ta cũng biết Walt Disney - nhà doanh nghiệp và cũng là nhà văn hóa tài danh của nước Mỹ. Nhưng thuở cơ hàn lúc nhỏ của ông thì ít người để ý. Trong lời tự bạch về thời lận đận của mình, ông đã rút ra ba điều tâm huyết:
1. Khó khăn không phải ở hoàn cảnh trói tay, mà ở chí khí cạn kiệt khiến ta không quyết tiến.
2. Ta phải “tiến” cả những lúc trắng tay, không tiền. Không tiền để mua báo, nhưng lặn lội đến sạp báo hoặc thư viện để coi báo. Đó là một cách để tiến.
3. Khi có tiền mà không lo học hành và luyện tập, kể như không tiến. Đó là lúc tiền thì dư dả mà chí khí thì mất sạch!

Vượt qua nghịch cảnh – hạnh phúc nhiều hơn

Cái gì cũng có cái giá của nó. Dù khó khăn cách mấy nhưng cố gắng, kiên trì thì chúng ta sẽ thành công, và một khi thành công, ta thấy được giá trị của sự nỗ lực của mình không hề uổng phí. Ngược lại, nếu dễ dàng từ bỏ khi chưa cần đến một sự cố gắng nào, bạn sẽ phải sống trong sự dằn vặt vì bỏ lỡ thứ mà có thể bạn sẽ đạt được. Sự hối hận vì đã không cố gắng hết sức mình. Cũng giống như trong một cuộc thi điền kinh. Có những người gần cán đích, chỉ cần quyết tâm nỗ lực một tí nữa là đến đích thì lại bỏ cuộc chỉ vì thiếu “một tí” vốn rất quan trọng. Ngược lại, có những người dù đã mệt mỏi nhưng sự mệt mỏi đó đã không cho phép họ dừng lại để rồi qua một chút nỗ lực để đưa họ thành công thành công. Chúng ta cần nhớ rằng “cây quỵ ngã khi đốn xong búa chót; thành xây nên bởi viên đá sau cùng” (Giác Huệ). Và chắc hẳn, sự thành công đó sẽ mang lại niềm hạnh phúc lớn lao hơn cả. Chỉ khi trải qua khó khăn, trắc trở, người ta mới lại càng thêm trân trọng những gì mình đã đại được, và giữ gìn những thành quả ấy. Chúng ta sẽ không thể trưởng thành nếu cuộc sống của mình bình lặng và an toàn. Những cực khổ sẽ giúp ta có thêm kinh nghiệm, có thêm dũng khí để đối mặt với mọi việc trong cuộc sống. Mọi sự cố gắng đều sẽ được đền đáp. Những thành công đạt được sau khi cố gắng, nỗ lực hết mình mới là thành công thật sự. Chẳng ai có thể phủ nhận những thành quả mà chính bản thân bạn dành được cả. Trái lại, việc gì người ta có được quá dễ dàng sẽ khiến họ dễ lãng quên, không biết trân quý. 
Sự thành đạt hay niềm hạnh phúc sau khi vượt qua chướng ngại để có được thành công, bao giờ cũng có “giá” phải trả. Giá càng “đắt” và càng chính đáng (ngay thẳng) thì hạnh phúc càng lớn và càng đáng để ta tự hào. Chỉ số AQ còn có một ý nghĩa như thế. Samuel Johnson cho rằng: “đấu tranh với nghịch cảnh và chinh phục chúng là hạnh phúc lớn nhất của con người.” Cuộc sống đâu chỉ toàn màu hồng. Vượt qua gian khổ, thử thách, vượt qua cả những nỗi đau, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng được niềm vui của sự thành công.
Tự nhìn lại chặng đường mình đi qua, những gì tôi có trong hiện tại đều nhờ vượt qua những thử thách trong nghịch cảnh và những thành quả hôm nay, chưa hẳn được coi là thành công với một số người, nhưng tôi trân trọng những thành quả chắt chiu từ kinh nghiệm sống này, là hoa trái được kết từ nghịch cảnh trong quá khứ. Qua một mùa đông giá lạnh, tôi thấy mình “xanh” hơn, vững vàng hơn để có thể chịu được cái nóng của mùa hè và cái lạnh của mùa đông tiếp theo cùng những mưa gió bão táp không lường trước của trời đất.  Dòng đời ghềnh thác thăng trầm như đường sin, biết đâu là vinh-nhục, được-mất, thành-bại mà vội nhếch mép cười nhau. Việc chưa viên mãn như mình muốn không phải là thất bại trong cuộc sống. Ai trong chúng ta cũng đang áp dụng phương pháp “trial and error” (thử và sai) đó thôi. Người có thái độ sống tích cực luôn hiểu rằng, gặp nghịch cảnh không phải là thất bại, chỉ khi nào bỏ cuộc mới thực sự thất bại trong cuộc sống này. Cánh cửa này đóng, nhiều cảnh cửa khác mở ra nếu chúng ta biết cách mở!