Saturday, March 26, 2016

HÀI LÒNG VỚI CUỘC SỐNG

Lời dạy thứ hai trong 108 lời dạy của ngài Dalai Lama là “Điều cốt yếu có thể mang lại hạnh phúc cho quý vị chính là biết hài lòng với những gì đang là chính mình trong những giây phút hiện tại. Sự toại nguyện bên trong nội tâm đó sẽ biến cải cảm quan của quý vị khi phóng nhìn vào vạn vật chung quanh, và nhất định quý vị sẽ tìm thấy sự an bình trong tâm thức.

Ít hài lòng về cuộc sống

Thường chúng ta ít khi hài lòng về mình và về cuộc sống của mình. Trước hết là không hài lòng với những gì mình đang có trong hiện tại. Lúc nào ta cũng thấy thiếu không cái này thì cái khác. Nếu phải đi làm suốt tuần ta than thiếu thời gian nghỉ ngơi. Nếu gặp dịp nghỉ các ngày lễ ngay trước ngày cuối tuần nối những ngày nghỉ lên đến 4 hoặc 5 ngày ta than ở nhà chán quá, thiếu chỗ đi! Ở phố ta chê ồn và ô nhiễm chỉ vì cảm thấy thiếu sự an tịnh, trong lành của miền quê, thế nhưng về quê ta chê buồn, chê vắng, chê thiếu tiện nghi, thiếu phương tiện giải trí, vì cảm giác thiếu hơi phố thị! Công việc làm ăn thuận lợi, ta than thiếu thời gian nghỉ ngơi và hưởng thụ. Công việc làm ăn bế tắc ta than thiếu tiền thiếu nợ. Cái cảm giác thiếu hụt và trống vắng như một phần của cuộc sống khiến ta chao đảo, bối rối và bất an. Hầu như lúc nào ta cũng là nạn nhân của chính mình mà bản thân ta không hề ý thức việc này.

Thursday, March 10, 2016

SỐNG CHÂN THẬT: CÓ KHÓ LẮM KHÔNG?

Một điều rất thật: con người ít chịu sống thật

Thiếu chân thật là một biểu hiện tâm lý xuất hiện ở mọi con người bình thường, kể cả những người được cho là ‘chân thật’ hoặc tự nhận mình ‘chân thật’. Cái gọi là ‘chân thật’ ở đời chỉ mang tính tương đối mà thôi. Thiếu chân thật có thể được hiểu qua nhiều khía cạnh, trong nhiều tình huống khác nhau trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống mà hơn ai hết, mỗi người tự biết mình chân thật với mình và với người đến mức độ nào. Mức độ chân thật được xét từ trong động cơ chứ không thể chỉ căn cứ trên hành vi. Không ai hiểu động cơ trong mỗi hành động của mình bằng chính bản thân mình cả. Ai cũng có thể hiểu lầm mình, chỉ có mình thì không, trừ phi cố tình tự đánh lừa mà thôi.

Tuesday, March 1, 2016

TÌM HIỂU VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG CHƠN LÝ

Dẫn nhập

Bát chánh đạo là một trong những giáo lý căn bản nhất của đạo Phật, do đó, tất cả các học giả và hành giả đều chú trọng về đề tài này là một điều tất nhiên. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang cũng không ngoại lệ. Trong 60 bài giảng (cùng với 9 bài chuyên về Luật dành riêng cho giới xuất gia) của Ngài được kiết tập lại trong bộ Chơn Lý, Bát chánh đạo là một trong số những bài được coi là quan trọng nhất thể hiện quan điểm, đường hướng hành trì và tôn chỉ của hệ phái Khất sĩ. Bát chánh đạo trong Chơn Lý là một sự diễn đạt khác của tôn chỉ: Nối truyền Thích Ca chánh pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam của Tổ sư Minh Đăng Quang. Bài Bát chánh đạo này được nhiều vị trong hàng đệ tử học thuộc lòng, coi đây là kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của mình. Cùng với một số bài khác trong Chơn Lý, bài Bát chánh đạo được đọc tụng thường xuyên trong các giờ học Chơn Lý tại các cơ sở tịnh xá.