Sunday, May 19, 2019

THẤU HIỂU NHÂN QUẢ, THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Cuộc sống hiện đại đưa đến nhiều vấn đề làm cho chúng ta phiền tâm mệt trí, thân tâm đều nặng nề. Nếu để cho những phương diện tiêu cực của cuộc sống bao trùm và cuốn  mọi sinh hoạt của mình vào trong, cả thân và tâm của bạn trở nên bệnh hoạn. Khi ấy, bạn như đang mang một căn bệnh truyền nhiễm, hễ giao tiếp với người, nói năng, hành động, tác ý nghĩ đến ai, là bạn đang phóng thích những tâm lý tiêu cực này đến người khác, như đang lây lan vi rút bệnh truyền nhiễm cho người mà bạn đang giao tiếp vậy. Do đó, để không làm khổ mình, khổ người, bạn cần phải chăm sóc, hàm dưỡng tâm, trí và thân của mình. Một cách hiệu quả bạn có thể làm để vơi nhẹ những tâm lý tiêu cực đang đè nặng lên vai mình là nhận thức rõ được hậu quả do những hành động của mình gây ra.
Đặc biệt hơn, nếu bạn có thể thấu hiểu và từ đó thực hành luật nhân-quả của nghiệp, thuận theo đó, định luật này dẫn dắt để bạn có một cuộc sống bình an. Để có thể làm được như vậy, bạn cần thấu hiểu 10 luật căn bản của nhân quả như sau.

Wednesday, March 27, 2019

SỐNG TỈNH THỨC


Tỉnh thức là gì?

Cuộc sống vốn luôn vận hành, chúng ta thường xuyên chịu nhiều áp lực nặng nề với bao lo toan không hồi kết của kiếp người. Chính vì vậy mà Bùi Giáng đã từng viết “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc; Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay…”. Những tất bật hối hả với cơm, áo, gạo, tiền làm chúng ta mệt nhoài và căng thẳng, lắm lúc chao đảo đến mất thăng bằng. Tâm trí luôn mệt mỏi vì hoạt động hết “công suất”. Lúc thì một ý tưởng tiếc nuối những kỷ niệm đẹp một thời trong dĩ vãng khởi lên, hoặc một niệm ân hận day dứt với những lỗi lầm không đáng có trong quá khứ gợi về, khi thì những lo nghĩ, toan tính, dự định cho những điều không có gì chắc chắn ở tương lai lại lảng vảng trong đầu. Ít khi chúng ta biết trân quý và sống với hiện tại, để có thể đem tâm về chung sống với thân. Đây là một nghịch lý mà phần lớn chúng ta dễ mắc phải! Ta muốn hạnh phúc và hạnh phúc ấy chỉ có mặt trong hiện tại, sao ta lại bỏ hiện tại đi tìm hạnh phúc hư ảo ở những vọng tưởng xa xôi? Để đời sống mình có thêm nhiều ý nghĩa, chúng ta cần sống và thể nghiệm từng phút giây trong hiện tại nhiệm mầu với chánh niệm tỉnh thức.

Wednesday, March 13, 2019

NGHỆ THUẬT SỐNG HẠNH PHÚC


Có rất nhiều cách giúp chúng ta sống hạnh phúc. Bài viết này ghi lại 7 điều cần phải làm nếu bạn chọn cách sống hạnh phúc.
1. Đừng nghe lời đàm tiếu. những lời ong tiếng ve thật ra không đáng để bạn bận lòng, bởi vì chúng nhiều lắm. Nếu dành trọn cả quỹ thời gian được sống trong kiếp này để nghe và ngóng những lời đàm tiếu của thiên hạ về mình và về người khác vẫn không bao giờ đủ. Kiếp sống con người là quý, thời gian được sống là quý, nên bạn cần tận dụng từng giây phút quý báu của đời mình để làm nhiều việc khác cần thiết, ý nghĩa và quý giá hơn. Cứ chánh niệm nhắc mình đừng để lỗ tai vướng vào những việc không liên hệ đến mình, và không hùa theo để bàn tán chuyện thiên hạ. Làm được điều này là bạn đang chế tác nguồn hạnh phúc lớn lao và vững chãi cho chính mình.

Sunday, March 10, 2019

KHÔNG CÓ GÌ LÀ MẶC ĐỊNH, HÃY TRÂN TRỌNG TẤT CẢ!


Trong cuộc sống, nếu bạn cứ một chiều sống cho người khác, làm tất cả những gì có thể, làm quần quật quên cả phần mình với khái niệm “hy sinh là hạnh phúc”, tất cả vì những người thân yêu của mình, nếu không khéo, đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra, bạn đã sai và góp phần “làm hư” những con người này! Cái “không khéo” tôi muốn nói ở đây là bạn đã không giúp họ cảm nhận và chấp nhận sự hy sinh của bạn dành cho họ, họ không biết trân quý những gì đang có mà đương nhiên coi đó là mặc định!

Monday, January 21, 2019

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 3-hết)

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 1)
QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 2)

5. Vài điều cần nhìn lại

Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không đơn thuần là mối quan hệ trực tiếp giữa hai con người, hoặc hai thế hệ kế tiếp mà là sự trao truyền kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng tu tập thông qua một chuỗi tiếp nối dài lâu của nhiều thế hệ được kết tụ vào trong người thầy để rồi truyền trao cho người đệ tử. Thông qua quan hệ thầy-trò, giá trị và hiệu quả giáo dục thiền môn – một mô hình giáo dục căn bản và truyền thống nhất của đạo Phật được thể hiện. Trước sự thay đổi của môi trường xã hội, mối quan hệ thầy-trò theo đó cũng có nhiều thay đổi như một hệ quả tất yếu. Để có thể duy trì và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong mối quan hệ này, cả thầy lẫn đệ tử cần có sự thay đổi để thích nghi với nhu cầu thời đại.

Saturday, January 12, 2019

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 2)

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 1)

4. Quan hệ thầy-trò: những thay đổi trong thời đại ngày nay

a. Đệ tử có ít thời gian gần gũi thầy

Hầu hết nội dung học tập và thực hành căn bản cần thiết cho một người đệ tử mới vào đạo được quy định rất cụ thể và chi tiết trong luật. Do đó, theo cuốn Giới sa-di và sa-di-ni (HT. Trí Quang dịch giải), đức Phật quy định, người xuất gia 5 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học. Điều này từ xưa đã được áp dụng có hiệu quả ở hầu hết các chùa trên con đường giáo dục trọn đời dành cho một vị xuất gia. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, vấn đề này trở thành một thách thức lớn cho cả thầy và trò. Từ khi các trường Phật học được thành lập đến cấp thấp nhất là trường sơ cấp ở các quận, huyện thì người mới xuất gia chưa được bao lâu đều được đưa vào học trường sơ cấp. Đây là mô hình học đường hóa lối giáo dục gia giáo ngày trước, nên đối tượng chủ yếu là người mới xuất gia. Một khi vào môi trường học đường chính quy, thời gian học suốt tuần như học sinh phổ thông, nên thời gian đệ tử gần gũi thầy bị giảm đi đáng kể. Từ đó, tình thầy trò trở nên ít gắn kết, thầy cũng không sát sao đệ tử để kịp thời chỉ dạy, uốn nắn vốn rất cần thiết ở giai đoạn chập chững vào đạo này. Thêm vào đó, chương trình học gồm có nhiều môn, và Luật chỉ là một môn trong số ấy. Do đó, không có đủ thời gian để người mới vào đạo chuyên học và tinh tường về giới luật như Luật định. Giáo dục học đường dành cho người mới vào đạo là chủ trương của giáo hội và là xu hướng chung của thời đại, một người thầy không thể tách mình đứng ra ngoài guồng quay chung của thời đại, nên dù muốn dù không, vẫn phải cho đệ tử vào trường, dù thời gian vào chùa còn quá ngắn.

Wednesday, January 2, 2019

QUAN HỆ THẦY TRÒ TRONG THỜI HIỆN ĐẠI (kỳ 1)


1. Mối quan hệ thầy-trò trong đạo

Trong xã hội truyền thống Việt Nam, mối quan hệ thầy-trò vô cùng cao quý và thiêng liêng. Trong Phật giáo, mối quan hệ này càng có ý nghĩa nhiều hơn khi người thầy đóng vai trò kép để kiêm nhiệm luôn vai trò cha mẹ đối với đệ tử. Do đó, bên cạnh việc truyền trao kiến thức, người thầy còn có trách nhiệm nuôi dạy đệ tử vốn còn nặng nề hơn cả cha mẹ nuôi dạy con. Hai nhiệm vụ lớn lao và thiêng liêng này hòa quyện làm một nên mô hình giáo dục thiền môn có những nét đặc trưng riêng không giống môi trường học đường. Một số phương diện chính yếu mà người thầy cần làm đối với đệ tử là truyền trao kiến thức, hướng dẫn phương pháp tu học, dạy kỹ năng sống, định hướng nhận thức và thái độ sống, truyền cảm hứng để tự học và tự giác trong tu tập.