Thursday, February 25, 2016

TÌM LẠI CHÍNH MÌNH

Con người vừa là một thực thể sinh học vừa là thực thể xã hội, do đó, nhu cầu cộng đồng là một trong những nhu cầu thiết yếu của tất cả chúng ta. Từ sâu thẳm trong tâm thức, con người rất sợ đơn độc và cảm thấy cô đơn khi bên cạnh không có người. Con người bình thường không thể sống một mình ở cả phương diện xã hội lẫn tâm lý. Họ cần lắm những mối quan hệ con người, cần lắm một cộng đồng để qua đó, họ ghi dấu sự tồn tại của mình và tìm sự nương náu về tâm lý. Như những con cừu muốn xích lại gần nhau thành bầy để tìm hơi ấm của nhau, con người cũng thích tụ họp thành nhóm để có đoàn thể, cộng đồng. Nhiều người ở một mình thì sợ, ở đông thì không sao, sống nơi vắng thì không yên tâm, tụ hội chen chúc nơi đông đúc thì chẳng có vấn đề gì. Ở một mình dù trong một thời gian ngắn là điều khó làm được đối với nhiều người. Cái tâm lý sống dựa dẫm vào người khác dần trở thành thói quen của con người sống trong xã hội và vô hình trung, ai cũng thấy đây là một điều bình thường. Sống một mình, với họ, mới là điều “không bình thường”. Thế mới biết tâm lý “sống một mình” đã dần mất đi trong xã hội con người. Thật ra, ưa tụ hội và thích đám đông là cách sống từ chối quyền tự chủ của mình và giao cho các yếu tố bên ngoài định đoạt để rồi đổi lấy sự bất an, căng thẳng và lệ thuộc khi tự đánh mất chính mình.

Thursday, February 18, 2016

KHÔNG LÀM TỔN HẠI MỌI LOÀI

Có thể nói mà không sợ sai rằng Phật giáo là tôn giáo duy nhất tôn trọng quyền sống của tất cả các loài. Với giá trị nhân bản vốn được biết đến như một nền tảng trong toàn bộ giáo lý, Phật giáo là tôn giáo vì con người, hướng đến con người, nhưng không xem con người là chủ thể của cõi sống và là chủ thể phải được phục vụ bởi các loài vật khác. Bởi từ ngàn xưa, từ bi và trí tuệ là “dấu ấn” xác định lời Phật dạy và trong tinh thần này, con người và loài vật đều có quyền sống như nhau. Không giết và không hại vật là một trong những phương diện quan trọng, nhất quán xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống kinh điển. Viết về nguyên tắc sống đạo đức đầu tiên của người cư sĩ tại gia: không giết hại đã được bàn rất nhiều từ xưa đến nay. Tuy nhiên, tìm hiểu về những lợi ích của việc không giết hại như là một biểu hiện sự tôn trọng quyền sống của mọi sinh vật dường như vẫn chưa được triển khai đầy đủ. Bài viết này là một sự bổ khuyết phần nào về phương diện này.