Tôi
dành entry này để viết về những học viên “đặc biệt” của khóa học… khá đặc biệt.
Đó là những người khắp các nẻo miền đất nước tham gia khóa học cử nhân Phật học,
hệ đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
Họ là ai?
Họ
là những người xuất gia vừa lo việc chùa, việc giáo hội và cố gắng lắm để theo
học chương trình cử nhân Phật học mà lẽ ra, họ dành ra 4 năm xuyên suốt để theo
học khóa này theo hệ thường xuyên. Họ là những người vừa làm vừa học, vừa trang bị tri thức cho tự
thân, vừa phụng sự trên tinh thần độ tha. Ngoài công việc, họ còn phải tranh thủ sắp xếp thời gian để còn vào mạng lấy bài, nghe, đọc và học…Đó là những tăng ni theo học hệ từ xa, phần lớn còn lại là cư sĩ.
Entry này tôi viết chủ yếu về những người cư sĩ theo học Phật pháp ở khóa IV hệ đào tạo từ xa này.
Entry này tôi viết chủ yếu về những người cư sĩ theo học Phật pháp ở khóa IV hệ đào tạo từ xa này.
Họ là...
Họ
là những người từ miền Bắc xa xôi, miền Tây sông nước, miền Đông đất đỏ, miền
Trung khô cằn và miền cao nguyên nắng gió… không có điều kiện dự lớp vào các buổi
học cuối tuần (vốn được khuyến khích nên có mặt nếu có điều kiện, nhưng không bắt
buộc), vì khoảng cách địa lý là cả một vấn đề. Chính vì vậy họ mới chọn học
theo hệ từ xa.
Họ
là những người hưu trí, tóc bạc phơ, râu trắng như cước; nhìn họ, như thể mình gặp mấy ông tiên, bà tiên trong chuyện cổ
tích: quắc thước, hiền lành, tóc như mây, tay cầm tập viết, vào lớp chăm chú
nghe nghe, ghi ghi với đôi kính lão dày cộm…Có người không nắm được bài trên lớp, tìm chùa nơi tôi ở, đi hai chặng xe buýt đến tận nơi hỏi bài. Khi ra về, tôi phải đưa bà qua đường đến trạm xe buýt, đợi đưa bà lên xe buýt mới yên tâm về chùa (vì bà kể, khi đi, không rành đường, đi quá mấy trạm phải đi xe ôm ngược lại chùa).
Họ
là những người làm đủ các ngành nghề trong xã hội, đã về hưu, sắp về hưu, đang
công tác… Người là bác sĩ, người là dược sĩ, hay luật sư. Có nhiều người đang đứng trên bục
giảng trường đại học, người dạy cấp II, cấp III, sau những giờ trên bục giảng, họ lại làm “học sinh” đặc biệt của khóa học này.
Họ
là những người bận rộn với công việc trong cuộc sống hối hả này, cũng phải lo
toan bao điều trong cuộc sống, có một gia đình cần trách nhiệm, có cha mẹ lớn
tuổi cần phụng dưỡng, có bao bổn phận cần phải chu toàn, với bao nhu cầu của cuộc
sống… không chỉ cho bản thân họ mà còn cho những người liên quan và liên đới…
Họ là
những học viên vô cùng đặc biệt: tăng sĩ có, cư sĩ có, già có, trẻ có, nam có,
nữ có… Có người râu tóc trắng như mây, lắm người tóc muối tiêu (mà muối nhiều
hơn tiêu!), có người gởi mail mà nhìn “ảnh đại diện” trên gmail, thấy chừng gần
bằng tuổi cha mình ở nhà, nhìn mà cảm động quá đi thôi. Họ là những người làm
đủ các ngành nghề trong xã hội, từ nhiều miền sống trên dải đất hình chữ S này.
Một học viên đây... |
“Học từ xa” – vượt trở ngại để “kết tình thân gần”
“Mỗi
người mỗi nước mỗi non” và nhân duyên cùng học một khóa trong lớp học đặc biệt
này đã kết nối những con người xa lạ lại với nhau. Họ cùng gặp nhau ở lớp học,
phòng thi và các cách giao lưu qua điện thoại, mail và truyền thông qua các
trang mạng xã hội để cùng chia sẻ ĐAM MÊ HỌC PHẬT PHÁP qua hình thức học từ xa…
Một
số có thể dự lớp thì nơi họ gặp nhau
là giảng đường Học viện Phật giáo Việt Nam tại
thành phố Hồ Chí Minh vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Có nhiều học
viên tận miền Trung xa xôi đi xe cả ngày cả đêm mới tới. Có người từ miền Tây
làm suốt một tuần, cuối tuần lại khăn gói về thành phố dự lớp. Có người kể rằng
ở huyện nào ở Sóc trăng ấy, vẫn chưa có điện, nên có được cái laptop xài vài tiếng
đồng hồ, hết điện, ôm máy chạy xe ra thị trấn sạc điện, vào tiệm internet để
load bài học, rồi chạy về nhà đọc và ghi chép. Xa là vậy, họ vẫn tranh thủ đến
cuối tuần cũng ráng lên để cập nhật thông tin, tài liệu, gặp huynh đệ chia sẻ
việc học trực tiếp, để về quê rồi, không biết hỏi ai. Có người công việc văn
phòng bề bộn, lịch hẹn làm việc kín cả tuần, vẫn khéo sắp xếp thời gian, có thời
gian học, lại còn tạo sợi dây liên kết trong các học viên, cung cấp thông tin kịp
thời, tài liệu đúng lúc và bao nhiêu là việc khác để duy trì một tổ chức của
490 con người tham gia khóa học.
Nếu
có một tổ chức cố định thì việc quản lý con người và điều hành công việc trở
nên đơn giản hơn nhiều. Còn đây, một “lớp” gồm 490 thành viên (khóa IV) mà mô
hình học không tập trung (chỉ tập trung 2 ngày cuối tuần dành cho những học
viên có thể tham dự tùy chọn, chứ không bắt buộc) thì việc quản lý, trao đổi
thông tin, tài liệu, gởi thông báo… là cả một vấn đề. Có nhiều học viên chọn mô
hình học này vì điều kiện công việc, vì là cư sĩ tại gia, vì đam mê học và
nghiên cứu Phật pháp…, nhưng lại không biết sử dụng máy vi tính, không biết hoặc
không đủ điều kiện kết nối internet – vốn là điều kiện cần thiết để có thể “học
từ xa”. Thế nhưng, nhờ sự năng nổ, nhiệt tình của Ban cán sự lớp, con tàu “đào
tạo từ xa” khóa này vẫn đang vận hành tốt. Dù nhiều khó khăn nhất định, họ vẫn
tràn đầy cảm hứng, nhất là… gần đến ngày thi.
Đến gần kỳ thi…
Theo
quy định chung của Học viện, một số môn học, do tính chất nội dung, mà học viên
có thể chọn làm bài ở nhà hoặc thi tại lớp. Thế rồi họ ơi ới gởi mail “Sư ơi, sư hỡi; đề sư cho là làm
bài ở nhà; thế còn tiểu luận thì sao…?” Nhiều học viên đến sát ngày thi “sư ơi,
làm sao bây giờ; con muốn làm bài ở nhà chứ không làm tại lớp, mà con ‘tưởng’ với
môn này không cần làm đơn (cũng có lý khi ‘tưởng’ như vậy, vì môn này là rèn kỹ
năng, nên tất nhiên những công đoạn nghiên cứu đều phải… làm ở nhà!), nên không
đăng ký, giờ thì… trễ rồi. Vì thấy thông báo của Học viện là làm tiểu luận mới
đăng ký, còn môn Phương pháp nghiên cứu thì… cho mấy câu hỏi làm ở nhà chứ không phải là đề tiểu luận…”. Có học viên còn
báo cho tôi biết không thấy sắp sơ đồ phòng thi môn Phương pháp nghiên cứu, vậy
là được làm ở nhà. Tôi liền gởi thông báo ngày thi để xác chứng rằng: đến giờ này, nếu chưa đăng ký làm bài tại nhà, giải pháp duy nhất là đúng ngày giờ đến Học viện
để thi!
Ôi!
Khi vỡ lẽ ra thì dở khóc dở cười! Lẽ ra, thông báo cần ghi ở phạm vi rộng hơn
tí, rằng“học viên nào chọn cách làm bài ở nhà thì phải đăng ký” (thay vì ghi “làm tiểu luận”). Tùy tính chất từng môn, đâu phải môn nào cũng “ép” vào cái
khung “làm tiểu luận” là sao? Những thông báo thế này mang tính pháp quy, cần
phải dùng ngôn ngữ khoa học chuẩn xác, rõ ràng và đủ nghĩa. Cũng do một số học
viên hiểu theo cách quá máy móc. Do vậy, khi phát hiện ra vấn đề thì mọi thứ đã
“chậm một giây” mất rồi! Học viên sắp thi mà bản thân tôi lo lắng, thương cảm
và có một chút bất an! Tôi riêng nói về thành phần cư sĩ dự lớp môn tôi phụ
trách, vì nhiều vị trong số này liên hệ mail với tôi. Rất nhiều người trong số
họ đều lớn tuổi, trong số đó, phần nhiều họ là những người đang làm việc hoặc
đã nghỉ hưu từ các ngành nghề sử dụng chất xám thường xuyên. Vậy mà giờ chót, bị
động do không chuẩn bị, việc thi cử trở nên áp lực và họ bắt đầu lo lắng…
Tôi
đành phải “phá lệ” cho số điện thoại vài người, để khi thắc mắc bài thì hỏi trực
tiếp để tôi kịp thời hỗ trợ (giải thích lại bài học, yêu cầu của từng phần thực
hành), vì nhiều người trong số họ không dùng mail, không biết sử dụng máy tính…Thấy
mà tội! Với người lớn tuổi, tư duy sâu sắc, nhận định vấn đề thấu đáo, nhưng
trí nhớ thì kém dần, kém lắm. Nghĩ là thương quá đi thôi. Nhìn lại bản thân
mình, sau tuổi 40, tôi nhận ra trí nhớ mình bị suy giảm trầm trọng. Hồi trước,
tôi nhớ rạch ròi 20 số điện thoại không hề lẫn lộn. Sau này, tuổi lớn dần, lại
thêm sự “xâm thực” của thế giới số, có điện thoại di động nhớ giùm, kỹ năng nhớ
kém và sa sút đến đáng buồn. Trước đây, mỗi lần ôn bài, hòa thượng giáo thọ bảo
tôi kể 100 pháp duy thức, thì y như là bật máy, tôi tuôn ra 100 pháp trong vòng
vài phút. Ngày trước, bước lên xe là tôi nhớ ngay số xe, phòng khi mình quên
sót đồ đạc hay có gì cần liên hệ sau này, bây giờ thì chịu thua. Khi xưa là vậy
mà giờ không nhớ nổi một câu kinh! Thấy những người lớn tuổi phải học, phải nhớ,
mới thấy thương làm sao!
Đi thi…
Những
ngày gần thi, nhóm học viên ở miền Tây liên hệ với tôi thường xuyên, vì họ
hoang mang và lo lắng khi không hề chuẩn bị tinh thần và không học bài chuẩn bị
thi. Thế nhưng, với họ, học Phật pháp là niềm vui, thi cử sao cũng được. Theo
chia sẻ của một vị trong nhóm, họ tự nhận mình là những “Bùi Kiệm” lên phố đi
thi! Mỗi người một nơi: có người ở Vĩnh Long, có người Cần Thơ, có người ở Kiên
Giang, có người ở An Giang… Họ hẹn đợi nhau ở bến xe miền Tây và cùng nhau rủ về
một nhà trọ bình dân để tá túc qua đêm và chuẩn bị kỳ thi giữa kỳ. Sau ngày thi
đầu tiên, tối đến, cả nhóm tranh thủ ghé thăm tôi. Gặp họ, tôi thật cảm động.
Cái chân chất của người miệt vườn sông nước thật dễ thương. Cả nhóm đều nhận là
Hai Lúa Miệt Vườn, dù trong số họ, có người là bác sĩ, có người là dược sĩ, có
người là giảng viên đại học… nhưng với tư cách là học viên – những học viên đặc
biệt của lớp học đặc biệt, trông họ sao mà dễ thương…
Ra
khỏi phòng thi, một số học viên nhắn tin “làm bài tạm được cô ơi…”, tôi thở
phào nhẹ nhõm! Trời đất, nghĩ mà mắc cười. Tôi trải qua không biết bao nhiêu kỳ
thi, mà sao không lo lắng nhiều như vậy, mà giờ, sinh viên mình thi mà mình lại
lo như thể mình là người đi thi không bằng! Nỗi thông cảm và đồng cảm sâu sắc với
người lớn tuổi phải ngồi trong phòng thi, thật không thể diễn tả bằng lời! Có lẽ
tôi trải qua tất cả các kỳ thi trước 40 tuổi, trước khi trí nhớ suy thoái dần đến
mức “phá sản” như bây giờ!
Sau kỳ thi…
Sau
hai ngày thi thứ bảy và chủ nhật (21-22/11/2015), tất cả đều vội vã lên xe về lại
quê nhà. Những học viên miền Tây ở tỉnh xa về đến nhà cũng quá nửa đêm, có người tận miền
Trung xa xôi thì ngày hôm sau mới đến nơi, đành nghỉ phép ngày thứ hai vậy.
Họ bảo
mệt mà vui…
Họ
trông đến cuối tuần để lại lên đi học…
Những
người xa hơn tiếc vì không thể dự lớp mỗi tuần, chào nhau và hẹn gặp qua mạng ảo,
qua điện thoại và lại gặp mặt vào kỳ thi tới…
Họ í
ới thông báo với tôi “cô ơi, cô hỡi… học Phật pháp vui quá là vui..”
Thế
đấy...
Họ
trở về với cuộc sống thường ngày, vẫn tiếp tục công việc hằng ngày của mình, phục
vụ xã hội, chăm lo gia đình, chu toàn bổn phận làm cha, làm mẹ, làm con, làm
ông, làm bà, làm nhân viên, làm sếp, làm công dân trong xã hội và gia đình. Cuộc
sống bề bộn sẽ cuốn họ vào các công việc họ làm mấy chục năm qua. Thế nhưng,
khác hơn những năm qua, họ biết sắp xếp mọi thứ và dành “một ngăn” để học Phật
pháp, để giao lưu với bạn đạo, để trao đổi tài liệu học tập và để kết nối tình
thân.
Nơi họ gặp nhau…
Tất nhiên họ gặp nhau tại Học viện Phật giáo Việt
Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, vì đây là nơi tổ chức khóa học này. Đặc biệt,
trong ngày thi, họ gặp nhau đông đủ. Tuy nhiên, ban cán sự lớp có cách làm cho
tình thân gắn kết hơn qua việc chia các nhóm nhỏ để tiện bề trao đổi việc học.
Lấy cơ sở là địa bàn cư trú để chia nhóm, tuy nhiên, các học viên có thể tự do
và linh động hoán đổi, ghép, tách nhóm làm sao cho thuận tiện nhất thì thôi.
Các thành viên trong từng nhóm nhỏ có thể
trao đổi, gặp gỡ trực tiếp bất cứ nơi nào thuận tiện cho nhóm khi nào họ có điều kiện.
Họ thường xuyên gặp nhau qua email, facebook…
để trao đổi tài liệu và kết nối tình thân.
Họ hẹn nhau ở sân ga, bến xe khách để cùng nhau gắn kết trong vài ngày ngắn ngủi đi thi.
Họ gặp nhau trong các giờ học, chia nhau từng hộp cơm chay bình dân, chia nhau từng tài liệu tìm được
(có người nhiệt tình trên mức cần thiết, phổ biến cả những tài liệu không cần
thiết…), họ trao nhau những thông tin cá nhân, những câu chuyện thường ngày trong
các giờ giải lao…
Họ gặp nhau trong phòng thi, trước và sau giờ thi…, cũng rôm rả như những học trò nhỏ tuổi thường
làm.
Điều
căn bản nhất: họ gặp nhau ở tinh thần học
Phật pháp, ở sự đam mê học hỏi giáo lý, những nghệ thuật sống tỉnh thức và
hạnh phúc của đức Phật thông qua các môn học. Họ gặp nhau trong tình Đạo mênh
mông không phân biệt, không ranh giới.
Họ
là những con người xa lạ nhau; cho đến khi cùng học một khóa, họ quen biết và kết
nối qua kênh “học Phật pháp từ xa”! Đây là nơi để biến lạ thành quen.
Họ
là những người không cần bằng cấp, vì cái bằng Phật học này họ không để làm gì.
Họ học chỉ vì tìm môi trường để nuôi dưỡng cảm hứng và đam mê nghiên cứu, tìm
tòi Phật pháp thông qua các môn học.
Họ
là những người biết đổi hạnh phúc hưởng thụ bình thường của cuộc sống, vốn được
xem là chính đáng là nghỉ ngơi hai ngày cuối tuần để tái nạp năng lượng sau một
tuần làm việc mệt nhọc, mà lại dùng thời gian này vào việc học Pháp. Cách đánh đổi
này, trong một bài viết, tỳ kheo Thanissaro gọi là cách trao đổi khôn ngoan,
cách “đổi kẹo để lấy vàng”.
Một
khi ý thức được hạnh phúc bình thường họ có quyền hưởng thụ là những cái kẹo ít
giá trị, họ đã bỏ đi để đổi lại những giờ học Phật pháp được sánh như túi vàng
nhiều giá trị hơn. Tinh thần ấy, động cơ ấy, tâm niệm ấy, cảm hứng ấy đáng được
trân trọng biết dường nào…
Mong
sao họ biết cách nuôi dưỡng đam mê học Phật pháp trong suốt thời gian theo khóa
học mà không phải “ra trường sớm”. Hơn thế nữa, mong sao tất cả nuôi dưỡng tinh thần, cảm hứng học Phật pháp suốt cả cuộc đời thì quả là đáng quý!