Monday, April 27, 2009

Mâu thuẫn giữa hành động và niềm tin


Khi có ai đó hỏi ta, điều gì làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc và có ý nghĩa, một vấn đề khởi lên là chúng ta có khuynh hướng trả lời mà câu trả lời ấy không xuất phát từ đáy lòng mình. Trong những lúc thế này, cái tâm ý thức của ta có một câu trả lời và tâm vô thức có một câu trả lời khác và như vậy, chúng ta trở nên tự mâu thuẫn. Một cách dễ dàng giúp bạn biết được bạn đang có xung đột nội tâm như vậy hay không là hãy nhìn kỹ vào những việc làm hằng ngày của mình, xem nó có phù hợp với những gì mình tin hay không. Nếu bạn nói rằng gia đình là quan trọng thì bạn coi, mỗi tuần mình vẫn chưa dành được bao nhiêu thời gian đúng nghĩa cho gia đình. Nếu bạn nói đời sống tâm linh là quan trọng mà mỗi tuần chỉ có vài tiếng đồng hồ cho việc tu tập. Nếu bạn nói giúp mọi người là quan trọng mà lục hoài trong trí nhớ những việc dạo gần đây mình làm được cho người khác thì tìm hoài không ra việc gì để làm ví dụ. Rõ ràng là có một khoảng cách khá lớn giữa những gì chúng ta tin một cách có ý thức và những gì chúng ta làm một cách vô thức trong cuộc sống hằng ngày.

Your Actions vs. Your Beliefs

When we ask what makes a happy and meaningful life, one problem that can arise is the tendency to respond with an answer that doesn’t really come from the heart. At such times the conscious mind has one answer and the unconscious has another, so we become conflicted. An easy way to tell if you suffer from such an inner conflict is to see how well your daily activities match up with your beliefs. If you say that family is important to you but somehow don’t find much quality time with your each week; if you say that spirituality is important but spend only a few hours a week engaged in spiritual practice; if you say that helping others is important but you can’t think easily of recent examples of your doing so, then there’s probably a significant gap between the beliefs you hold consciously and the unconscious ones that are running your life.

Lorne Ladner, from The Lost Art of Compassion (HarperSanFrancisco)

Hòn sỏi và lời nói


Uploaded on authorSTREAM by nhatkyao

Saturday, April 25, 2009

Cuộc sống

Cuộc sống là một quá trình thay đổi không ngừng. Ấy vậy mà có khi mình quên bẵng không nhớ đến điều này mới tệ chứ. Nhớ đến đặc tính độc đáo này của cuộc sống, mà còn nặng lòng khi những gì ngày hôm nay không còn được như ngày hôm qua hôm kia là thực hành chưa giỏi kỹ năng chấp nhận này rồi, đúng không? Tôi chưa thuộc bài thì về học lại bài cũ vậy!

Friday, April 24, 2009

Con đường


Những khó khăn chúng ta gặp không phải là những gì cản trở trên đường mình đi, mà chính những khó khăn ấy tạo nên con đường. Những khó khăn ấy là những cơ hội để đánh thức mình. Liệu chúng ta có học được gì khi một tình huống không mong đợi xảy đến không? Một tình huống vô duyên cớ như một cuộc điện thoại làm bạn thức giấc khi đang ngủ? Bạn có thể khi nhìn tình huống như thế, thấy ra điều gì cần học ở đây không? Bạn có để nó đi vào trong tâm mình không? Bằng cách học làm như vậy, chúng ta bắt đầu xây dựng những bước căn bản trong việc học cách mở lòng ra để đón nhận những gì cuộc sống mang lại cho mình. Ngay cả khi chúng ta không thích điều này, chúng ta hiểu rằng khó khăn này là sự luyện tập của mình, là con đường mình đi và chính là cuộc sống của mình.

Our difficulties are not obstacles to the path; they are the path itself. They are opportunities to awaken. Can we learn what it means to welcome an unwanted situation, with its sense of groundlessness, as a wake-up call? Can we look at it as a signal that there is something here to be learned? Can we allow it to penetrate our hearts? By learning to do this, we are taking the first basic step toward learning what it means to be open with whatever life presents us. Even when we don’t like it, we understand that this difficulty is our practice, our path, our life.

–Ezra Bayda, from Being Zen: Bringing Meditation to Life (Shambhala)

Thursday, April 23, 2009

Chuyển chất độc thành thuốc hay


Tác giả: Ashok Gollerkeri

Dịch Việt: Hằng Như


Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin.

Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình. Cách đây mười năm, cá nhân tôi và gia đình đã lâm vào tình cảnh như thế. Đó là thời điểm chị gái tôi đổ vỡ trong hôn nhân. Chị ấy cũng gặp khủng hoảng về tài chính do tình hình công việc không được như ý. Đồng thời lúc đó, cha tôi nhập viện, bác sĩ chấn đoán là tim có vấn đề và cần phải mổ cấp cứu tạo đường tắt (bypass surgery).[1] Còn bản thân tôi, cũng trong cùng thời điểm đó, đang có công ăn việc làm, đùng một cái, tôi bị chứng bệnh mà tâm lý học gọi là ‘khủng hoảng nhân thân’[2] (identity crisis), vậy là mất việc và mất cả một thời gian dài, tôi mới bình phục hẳn. Thế rồi gia đình tôi vỡ ra thành từng mảnh. Chỉ còn một người duy nhất trong gia đình tôi, vào thời điểm ấy, không bị ảnh hưởng trực tiếp, đó là mẹ tôi. Ông trời đã ưu ái mẹ tôi để Người có một trái tim tràn ngập yêu thương.


Một khi thế giới vỡ vụn, dường như mọi nơi mọi chốn đều bao phủ một màu đen ngòm. Làm sao có thể thấy được tương lai vào thời điểm mà trong một gia đình bốn người, có đến ba thành viên ở trong tình thế như vậy. Trong tình cảnh đó, liệu chúng tôi có còn đủ sức để sống cho đến ngày mai không nữa. Trong u ám của chán chường, mẹ tôi tình cờ gặp được triết lý Phật giáo, một triết lý chắn chắn có khả năng giúp cho những người đau khổ tột cùng, nhất là các gia đình gặp nạn, vượt qua. Triết lý của Hội Sáng Giá (Soka Gakkai)[3] đặt nền tảng trên một thế giới hòa bình trong đó mọi người giúp đỡ lẫn nhau để sống một đời ý nghĩa, sống năng động và nơi ấy, mọi hoạt động đều chú trọng vào giáo dục và văn hóa. Đây là một tia sáng xuyên qua cuộc sống đầy những cạnh tranh khốc liệt, nơi mà bóng tối của nghi ngờ và thiếu tin tưởng nhau lấn át đến mức lắm khi chỉ thấy toàn một bầu trời xám xịt. Tuy nhiên, khi có dịp gặp nhiều thành viên của Hội Sáng Giá rồi chúng tôi thấy, có rất nhiều người sống hạnh phúc, họ thành thật cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp, vì giúp đỡ lẫn nhau là triết lý Phật giáo cốt lõi của Hội Sáng Giá. Mặc dù chúng tôi có nhiều bà con và bè bạn xung quanh, chính triết lý sống của Hội Sáng Giá thật sự đem lại niềm an ủi cho những tâm hồn đang khổ đau.


Dần dần, khi gia nhập Hội Sáng Giá, chúng tôi bắt đầu nhận ra những thay đổi tích cực trong môi trường xung quanh. Ca mổ tim ‘tạo đường tắt’ của cha tôi thành công, chỉ có biến chứng một tí thôi. Chị tôi cũng tìm được ‘một nửa’ của mình, một người làm kinh doanh đã đem đến cho chị tôi một tài sản lớn. Còn tôi, tôi cũng đã bắt đầu lại công việc một cách tuyệt vời nhất, trong điều kiện có thể, với sự cố vấn của một người biên tập nổi tiếng. Hai năm sau, kinh tế của chúng tôi, từ chỗ khánh kiệt, đã phục hồi trở lại và lắm khi còn có nhiều tiền nữa. Tôi còn nhớ, năm 2000, coi đây như là một mốc thời gian đặc biệt để nhớ, khi nền kinh tế phát lên, chúng tôi cũng khá lên trong đà phát triển chung ấy. Với số tiền đổ vào đầu tư trong kinh doanh của chị tôi, cha tôi lại bắt đầu phất lên với một khoản thu nhập lớn, tôi thì với đồng lương của một nhà báo cũng tạm đủ sống. Ba người từng bị bóng đen bao phủ, giờ đây, đã hòa nhập vào xã hội, chủ yếu là nhờ vào niềm tin Phật Pháp!


Đã tám năm trôi qua kể từ ngày tôi biết đến Phật Pháp, tôi đã viết được một cuốn sách về các phương pháp làm thay đổi một con người và những lợi ích do sự thay đổi kia đem đến. Qua triết lý sống nhấn mạnh tinh thần không bạo động, thuần thiện trong cuộc sống, cảnh giác không để cho những cảm xúc tiêu cực như sân giận khởi lên, tôi đã trở thành một con người bình an hơn nhiều, một con người hoàn toàn khác với chính con người tôi trước đó. Lợi ích lớn nhất trong sự thay đổi này được phản ánh qua mối quan hệ giữa tôi với gia đình. Trước đây, tôi cũng yêu thương cha mẹ nhưng không thể nào gắn kết với hai đấng sanh thành được, bởi vì bản thân tôi khi vừa lớn lên gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống và những rối loạn làm cho tôi có cảm giác gần như bị đẩy ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ. Bây giờ, tôi đã cảm nhận được về tình cảm cha mẹ dành cho mình rồi. Chúng tôi yêu thương nhau nhiều hơn và để tâm chăm sóc nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình hơn bao giờ hết. Tất cả đều nhờ vào niềm tin Phật pháp!


Đạo Phật dạy rằng, nguyên nhân của những rắc rối cũng như lợi ích của mình không nằm ở bên ngoài mà ở bên trong chính con người mình. Do đó, thay vì chống đối và căm ghét môi trường sống, chúng ta thay đổi mình ngày càng tốt hơn, môi trường quanh ta sẽ bắt đầu phản ánh sự thay đổi ấy và trở thành nguồn sống có giá trị và lợi ích. Vấn đề này không dễ dàng chấp nhận trên lý thuyết mà cần phải thực hành thì mới nhận ra được. Với việc cầu nguyện và tự quán sát nội tâm, tôi đã bắt đầu nhận ra những lỗi lầm của mình, ít ra cũng thấy được một số lỗi, và đấu tranh kịch liệt với chính mình để thay đổi thành một con người cho ra ‘người’. Lợi ích đạt được, rõ ràng là kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài, đôi khi cũng chịu đựng đớn đau. Đây là cái mà Hội Sáng Giá gọi là ‘cách mạng con người’ và tôi đang trên đà cách mạng con người của chính bản thân tôi.
Tôi có được nhiều lợi ích trên các phương diện khác nữa như là một kết quả tất yếu trong quá trình thay đổi này. Khi tôi nỗ lực để tự hoàn thiện mình và trưởng thành hơn theo hướng niềm tin tôi vừa tìm được, sau nhiều năm tháng, tôi nhận ra rằng có sự thay đổi dần dần cách môi trường xung quanh phản ứng với tôi. Mối quan hệ giữa tôi với sếp được cải thiện. Trong chín năm qua, tôi có ba người sếp, người sau tốt hơn người trước! Thật ra, tôi có thể nói được như vậy khi gia đình tôi và những người sếp của tôi đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của mình. Điều này cũng cho bạn một ý niệm rằng những người này đã có vai trò tích cực thế nào đối với tôi rồi. Tất cả những điều này đều diễn ra trong một con người, trước đây hiếm khi hòa đồng được với các sếp của mình, một gã lười nhác, bê trễ cho đến khi cuộc đời anh ta gặp phải một khúc quanh vào năm 1997!


Vẫn biết không phải mọi thứ đều dễ dàng. Một điều tôi thường xuyên cầu nguyện trong cuộc sống là hãy cho tôi tìm được một ‘ý trung nhân’ là người bạn đồng hành tốt nhất mà một người đàn ông như tôi có thể có. Và người ấy đến với tôi là để sống đời chứ không phải để có mối quan hệ chóng vánh ‘vào tháng năm ra tháng chín’ bởi vì hôn nhân ngày nay thấy sao mà bấp bênh quá. Hẳn có người nói, nghĩ đến điều đó thì đã quá muộn màng rồi, nhưng tôi lại cho rằng, thà trễ còn hơn không. Và tôi tin chắc rằng, nhờ vào sự chuyển hóa đáng kể từ nội tâm, một người bạn đời như ý cũng sẽ gặp trong thời gian không xa.


Hôm nay, khi nhìn lại những khủng hoảng kinh hoàng của kiếp sống con người từng đe dọa gia đình tôi, tôi cảm thấy biết ơn khi mình đã được đưa ra khỏi bờ vực thẳm nhờ gặp được Phật Pháp. Thật ra, tôi nhận thấy rằng chính những khó khăn trong cuộc sống đã đánh thức tôi trong Pháp Phật và từ đó, tôi cảm nhận được niềm an lạc vô biên. Trong Phật pháp, quá trình này được gọi là chuyển chất độc thành thuốc hay.

Chú thích của người dịch:

[1] Khi có đoạn động mạch vành nuôi tim bị tắc nghẽn nhiều, người ta có thể mổ để tạo một đường cho máu đi tắt tới nuôi tim mà không phải qua cái khúc bị nghẹt đó. Phẫu thuật này gọi là mổ tạo đường tắt.


[2] Còn gọi là ‘khủng hoảng bản sắc’. Nhà phân tâm học Erik Erikson là người đầu tiên đặt tên gọi cho bệnh này. Đây là một loại khủng hoảng tâm thần, triệu chứng là người bệnh không biết mình là ai. Bệnh này thường xuất hiện trong quá trình chuyển tiếp qua các giai đoạn phát triển (theo ông thì đời người có 8 giai đoạn phát triển).


[3] Hội Sáng giá là một phái của Phật giáo Nhật Liên tông, do ngài Tsunesaburo Makiguchi (1871 - 1944) sáng lập, với mục tiêu là vận động thực hiện một cuộc ‘cách mạng con người’ (Human Revolution), thay vì chỉ nghĩ đến mình thì nên nghĩ đến người khác, thay vì chỉ tạo hạnh phúc cho mình thì hãy làm cho những người xung quanh cảm thấy hạnh phúc. Bắt đầu từ những người xunh quanh, rồi truyền cảm hứng lan rộng hơn, dần dần tạo thành làn sóng lớn tác động lên toàn nhân loại.

Bài này đã post ở Lá Xanh và Đọt Chuối Non:

Chuyển chất độc thành thuốc hay

Chuyển chất độc thành thuốc hay


Wednesday, April 22, 2009

Cám ơn


Hôm nay, tôi có lý do để cám ơn nơi này, cám ơn một số người mỗi sáng đi vô và mỗi tối lại đi ra khỏi chiếc cổng sắt đằng kia...
Cám ơn C.I.E.

Saturday, April 18, 2009

Sống một đời an vui giữa thế giới ‘bận rộn’!



Tác giả: Roz Trieber
Dịch Việt: Hằng Như

“Mọi người sẽ cho bạn nhìn thấy mặt tích cực của họ. Hầu hết tất cả mọi người đều có mặt tích cực. Hãy đợi đi. Mặt tích cực sẽ hiển lộ.” R. Pausch

Có phải một ngày bình thường của bạn như thế này không?

Vừa mới thức dậy vào buổi sáng, bạn đã nổi cáu lên rồi, thế là bạn đã quyết định, hôm nay, một ngày ‘tồi tệ’ rồi đây. Bạn bắt đầu phàn nàn vì không hoàn thành hết những công việc đã dự định trong bảng liệt kê ‘những điều cần làm’ và không hài lòng vì không nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp như bạn mong đợi. Thôi thì, đằng nào bạn cũng có thể làm tốt hơn họ nhiều. Rồi bạn nghĩ đến chuỗi công việc con bạn sẽ làm trong ngày, rồi bạn suy tính, liệu chúng nó có hoàn thành hết ngần ấy công việc không và kết quả có như mình mong đợi không. Tất nhiên là bạn sẽ không có đủ thời gian để có một bữa điểm tâm ‘đầy đủ dinh dưỡng’, chỉ có bánh rán và cà phê rồi vội vã lao vào công việc. Nếu may mắn, bạn ăn trưa ngay bàn làm việc; không thể chuyển môi trường ấy sang môi trường ăn trưa thoải mái được trong khi bạn có cả núi việc cần làm. Thế là lòng bạn lại đầy bực bội và sân giận. Ngồi nhiều lại đau lưng nữa chứ.Với bất kỳ lý do gì, lúc nào bạn cũng có thể trở nên cáu gắt được cả. Thế rồi, khi trở về nhà, uống một, hai ly bia hay rượu, rồi đi đón con từ bãi tập thể thao, hoặc bạn có thể bạn đón con trên đường đi làm về. Sau đó bạn ăn vội vàng ba miếng hay kêu cơm phần, lại trở về văn phòng hay về nhà làm việc tiếp!

Động cơ nào làm cho bạn thay đổi?

Các nghiên cứu cho thấy rằng những tiêu cực trong bản thân mình thường diễn ra trong cuộc sống là động cơ thúc đẩy bạn thay đổi thái độ và hành vi. Có khi nào sau khi gặp một biến cố dễ sợ trong cuộc sống, bạn hiểu ra được điều gì thật sự quan trọng trong đời và làm thế nào để có cuộc sống cân bằng trong thế giới ‘bận rộn’ này với niềm an ổn, thỏa mãn, bình lặng và vui vẻ không? Sao ta lại không để cho những căng thẳng lên đến mức đỉnh điểm để rồi chính nó là động cơ thúc đẩy cho mình thích nghi cuộc sống bằng cách thay đổi những thói quen của mình?
Thay đổi những thói quen trong cuộc sống

Nhìn kỹ thói quen với tâm chánh niệm: chánh niệm là một trạng thái con người “chú tâm và ý thức điều gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại.” Bạn luôn có những lời thì thầm trong đầu về những gì bạn đã làm và chưa làm được hay những việc hoạch định cần phải làm mà không có thời gian để chú tâm vào BÂY GIỜ hay hiện tại. “Khi bạn chỉ tập trung vào ngay giây phút hiện tại hay chú tâm vào môi trường hiện tại, bạn có thể đạt được trạng thái an tịnh, tinh thần sảng khoái, và cảm giác toại nguyện.” (Kabat-Zinn, 2007).

Những giây phút thế này chưa từng xảy ra trước đó. Chúng ta có mối liên hệ gì với những giây phút này?

Về tư tưởng của bạn; hãy để tư tưởng trôi đi như chiếc lá vờn bay trong gió. Bạn chỉ có những giây phút này để chọn lựa mình nên chú tâm vào điều gì. Những gì xảy ra trước đây 10 phút, thì cũng đã xảy ra rồi. Bạn có thể chọn lựa tập trung tâm ý vào những gì đang diễn ra mà không phải những gì đã xảy ra rồi hay suy nghĩ những gì sẽ đến trong tương lai. Đừng bỏ lỡ những giây phút quý giá này, tất cả trong tầm tay của bạn. “Hãy đến với sự an tịnh và sử dụng phương pháp ‘tập trung vào vấn đề’ để xử lý tình huống” (Kabat-Zinn, 2008). Hãy làm điều tốt nhất với những gì bạn đang làm ngay bây giờ. Hãy tập chấp nhận lòng tự ái, sống cởi mở, bao dung và tha thứ.

Hãy buông xả những phán xét về các việc bạn và người khác làm vì như thế, bạn buông xả đi rất nhiều về tâm chấp mắc vào kết quả mình mong cầu.

Một nền tảng để quản lý và giảm trạng thái căng thẳng là CHẤP NHẬN cuộc sống như nó diễn ra mà không phán xét và ý thức đầy đủ về giây phút hiện tại (Kabat-Zinn, 1990). Hãy nhận thức rõ về luật vô thường rằng không có gì trên cuộc đời này là ổn định cả; cuộc sống là không chắc chắn. Bất cứ bạn đang ở nơi nào, giây phút hiện tại đang hàm chứa cả nhân lẫn quả. Chah (2005) gọi khái niệm này là “hiện tại là quả của quá khứ và là nhân của tương lai.” Bất cứ ở nơi đâu, mọi thứ đều có mặt đồng thời. Điều này không có nghĩa là chúng ta không hoạch định gì cho tương lai. “Chúng ta có thể để tâm đến tương lai bằng cách để tâm đến ngay trong giây phút hiện tại” (Kabat-Zinn, 2007). Một khi chúng ta có trách nhiệm về những hành động mình làm, chấp nhận hiện tại, buông xả không phán xét, và tin tưởng vào bản thân mình, bạn sẽ khám phá ra nhiều cơ hội mới để thành tựu những mục đích mới mà mình mong muốn để những gì mình làm đem lại kết quả tốt đẹp nhất.

Sau đây lầ những thói quen tôi thực hành để cuộc sống tốt hơn sau khi trải qua chuỗi ngày sống với bệnh ung thư tuyến tụy, giải phẩu túi tụy và tôi học được cách sống với bệnh tiểu đường loại I mà không buồn bực, sân hận hay sợ hãi:

– Tôi chú tâm để nhìn thấy cái đẹp, cái tốt của thế giới quanh mình một cách có chủ ý.

– Tôi nhìn và giải thích nhiều vấn đề theo hướng tích cực một cách có chủ ý.

– Tôi thực tập thiền chánh niệm mỗi ngày.

– Tôi đọc sách về tâm linh của các tác giả có khả năng truyền cảm hứng cho người đọc.

– Tôi hạ chỉ số phán xét của tôi đến 75%.

– Tôi thật sự buông xả nhiều về sự để tâm vào những kết quả tôi mong đợi.

– Tôi sống với tâm cởi mở, nuôi dưỡng các tình cảm tâm linh như yêu thương, biết ơn, kính sợ và tinh thần vươn lên.

Tôi có cuộc sống an lạc, tràn ngập niềm vui, đầy ắp hân hoan, toại nguyện, yêu thương, làm việc mỗi ngày cũng như viết các bài đăng báo và nhiều cuốn sách về hạnh phúc dạng điện tử, vui chơi và sống trọn vẹn với giây phút hiện tại hoặc tham gia các buổi thuyết trình về đề tài làm thế nào để “Cuộc sống đầy ắp tiếng cười.”

À có một điều tôi quên đề cập đến, tôi không còn sợ chết vì căn bệnh unng thư nữa. Tôi chọn cách tôi sống khi còn đang được sống. Bạn cũng có thể làm như vậy. Bạn không cần tạo thêm một căng thẳng nào khác ngoài những căng thẳng bạn đã tạo ra cho bản thân mình. Các thói quen này chỉ có hiệu quả chỉ khi nào bạn hành động và duy trì thực hành.

Không có thần dược nào cả; chỉ có sự chấp nhận cuộc sống với tất cả những gì chúng ta đang đón nhận, hãy có tâm thế sẵn sàng để chú tâm và ý thức trong giây phút hiện tại. Hãy tập buông xả tâm gắn kết vào những ước mong kỳ vọng kết quả nào đó trong tương lai.

Nếu bạn cho phép mình biểu hiện tâm thiện lành thường xuyên hơn và buông xả những ý niệm bạn cho là đúng, đừng nghĩ đến việc cần một di chúc, không phàn nàn gì cả, thoải mái vui cười mà không cần e dè, bạn có thể sống một đời an lạc và chính đời sống như thế sẽ nuôi dưỡng những gì tinh túy và thâm thúy nhất trong con người bạn. Khi ấy, sẽ không đủ chỗ trên diễn đàn vòng tay bè bạn ở Facebook® để lưu vào đó những người muốn kết bạn với bạn đó thôi!

Một ngày của bạn có đầy ắp những điều làm cho bạn cảm thấy vui, hài lòng và bình an trong một thế giới cho là ‘bận rộn’ này không? Nếu không, những gì bạn cần làm để có được cảm giác hài lòng nhỉ? Tôi mời bạn ghé thăm trang www.cancerrocks.com để hiểu thêm mối liên hệ giữa thân thể, tinh thần và tâm linh để rồi thay đổi những thói quen nhằm có được cuộc sống vui vẻ, hân hoan và bình an và nếu bạn muốn, hãy chọn mục nhận thư chia sẻ về ‘những ý tưởng lành mạnh’ của tôi trên trang nhà.

Tài liệu tham khảo:

Chah, J. (2005). Everything rises, everything falls away. Boston; Shambhala Publishing.

Gordon, J.S. (2008) Unstuck. New York: Penguin Press.

Kabat-Zinn (2007), Arriving at your own door. New York; Hyperion.

Kabat-Zinn, J. (1990). Full catastrophe living. New York; Bantam Dell.

Pausch, R.(2008). The last lecture. New York; Hyperion.

Diener. D. (2008). Happiness:unlocking the mysteries of psychological wealth.

International Positive Psychology Association, Presentation July 22, 2008.

  • Tôi post lại ở blog cá nhân này để làm tư liệu.

Thursday, April 16, 2009

Ăn chay và sức khỏe xương




Chế độ ăn uống, tôi nghĩ do sự lựa chọn của mỗi cá nhân tùy thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng ta thường thấy người ta chọn ăn món này, không ăn món kia, phần lớn để đáp ứng sở thích và nhu cầu dinh dưỡng trong món thức ăn ấy. Một số người chọn lựa thức ăn cho mình một phần vì lý do sức khỏe do cá nhân ấy mắc phải một số bệnh nào đó hoặc muốn phòng ngừa theo sự khuyến cáo của các chuyên viên y khoa. Ăn mặn hay ăn chay cũng là một sự lựa chọn tương tự: vì lý do tôn giáo, vì lý do sức khỏe, vì sở thích...

Tôi là một người ăn chay trường từ nhiều năm nay và đây là sự chọn lựa của tôi, cho đến bây giờ, tôi bằng lòng với sự chọn lựa này. Thật ra, tôi thích ăn chay từ nhỏ, nhưng cha mẹ không đồng ý, đành chìu lòng cha mẹ cho đến khi tôi được quyền thực hiện sở thích của mình. Khi còn nhỏ, tôi cũng ngây thơ như bao đứa trẻ cùng xóm thôi, nhưng tôi là đứa bé khá mẫn cảm.

Tôi còn nhớ, khi ấy, bên cạnh việc canh tác ruộng đất, nhà tôi nuôi vịt để kiếm thêm thu nhập. Thế là, chị em chúng tôi thay phiên, một buổi đi học, một buổi chăn vịt. Thế rồi, ngày vịt lớn, cha mẹ tôi bán vịt. Hôm người ta đến bắt vịt, nhìn chúng chạy tán loạn thất thần, tôi buồn quá. Một lần khác, tôi thấy con bò nhà hàng xóm ghì lại và chảy nước mắt khi chủ nó bán cho người khác, tôi cũng thấy thương. Tôi hiểu được nó cũng có những nỗi lo sợ, bất an chẳng khác nào con người chúng ta. Thương con vật, không muốn ăn thịt cá, tôi đòi ăn chay trường, nhưng cha mẹ không cho, sợ tôi suy dinh dưỡng, não chậm phát triển, còi xương.... Thế là tôi chỉ ăn chay mỗi tháng bốn ngày theo truyền thống của một gia đình theo Đạo Phật.

Sau này, khi tôi ăn chay, không ít người tin như cha mẹ tôi và khuyên tôi không nên duy trì chế độ ăn này. Tôi vẫn không thay đổi ý kiến. Tôi quan niệm, cuộc sống của mình không phải đong đếm bằng số năm tháng mình có mặt trên cuộc đời, mà giá trị của cuộc sống là ở chỗ mình làm được gì cho mình và cho người khác trong ngần ấy năm được sống. Tôi nghĩ, giả dụ tôi không làm được gì lợi ích cho ai, chỉ một việc tôi không trực tiếp giết mạng sinh vật khác để làm thức ăn cho mình cũng tốt rồi. Cứ tin rằng ăn chay không dinh dưỡng bằng ăn mặn và dễ mắc bệnh về xương, tôi vẫn cứ ăn chay. Dù có sớm bị loãng xương hơn người ăn cá thịt, dù xương xốp dễ gãy vỡ hơn người không ăn chay, dù có thiếu đạm một tí so với người có chế độ ăn bình thường, thậm chí có chết sớm hơn vì ăn chay, tôi vẫn hài lòng với chế độ ăn chay của mình. Tôi vững lập trường như vậy vì theo tôi, ngoài việc duy trì thân thể vật lý này, ta còn có phương diện khác trong con người cần nuôi dưỡng và chăm sóc, đó là tâm của mình.

Ngày nay, tôi đọc được tin vui, một nhóm nghiên cứu người Việt Nam, làm một nghiên cứu về chế độ ăn chay và sức khỏe của xương từ năm 2007 và nay, họ vừa công bố kết quả trên tạp chí Osteoporosis International.[1] Osteoporosis International là một tạp chí mà theo lời giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư viện y Garvan, Úc, là tạp chí uy tín nhất thế giới về loãng xương.

Nghiên cứu này tiến hành trên hai nhóm đối tượng. Một nhóm là người ăn chay, gồm 105 sư cô thuôc 20 ngôi chùa ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm thứ hai gồm 105 phụ nữ ăn mặn nở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đưa ra kết quả là:

“chúng tôi chỉ ra rằng mặc dù các tu sĩ ăn chay quả thật có lượng đạm và calxi thấp, nhưng mật độ xương trong cơ thể họ hoàn toàn chẳng có khác gì so với những người ăn thực phẩm với nhiều chất đạm động vật.”

“Lượng calxi mà các tu sĩ Phật giáo trong nghiên cứu của chúng tôi rất thấp, chỉ khoảng 370 mg mỗi ngày (trong khi đó lượng cần thiết là khoảng 1.000 mg). Họ cũng ăn ít lượng đạm, trung bình chỉ khoảng 35 g mỗi ngày, so với người ăn mặn là 65 g.”
[2]

Cũng như các tác giả nghiên cứu công trình này, tôi không khuyến khích mọi người ăn chay mặc dù, theo tôi, ăn chay vẫn là lựa chọn tốt hơn. Tôi viết mấy dòng này chỉ để chia sẻ với các bạn về kết quả nghiên cứu khoa học về mối liên quan giữa chế độ ăn chay trường và sức khỏe của xương mà tôi đọc được. Điều này sẽ giúp cho những người đang chọn chế độ ăn chay trường không còn phải lo lắng ‘thiếu chất’, ‘suy dinh dưỡng’ như mối lo của cha mẹ tôi trước đây. Nay có chứng cứ khoa học rồi, niềm tin thông thường rằng ăn chay còi xương, suy dinh dưỡng kể ra nặng về cảm tính. Lượng đạm và can-xi trong chế độ ăn chay ít hơn chế độ ăn mặn, điều này đã được biết đến, đồng thời cũng được nêu ra trong kết quả nghiên cứu tôi vừa nêu trên, nhưng không vì thế mà xương kém khỏe. Các bạn đang ăn chay, vì lý do này hay lý do khác, nên tiếp tục duy trì chế độ ăn này mà không phải lo xương sớm bị giòn, bị loãng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu này tạo niềm tin cho những ai đang dự định chuyển sang chế độ ăn chay mà sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của xương thì hãy mạnh dạn gạt bỏ ý niệm đó và chọn chế độ ăn chay mà không cần chần chừ vậy.

Các nhà nghiên cứu tham gia công trình cũng lưu ý rằng nghiên cứu này chưa đo lường nồng độ vitamin D, một yếu tố quan trọng cho việc duy trì sức khỏe của xương. Trong khi chờ đợi các nghiên cứu về hàm lượng vitamin D trong chế độ ăn chay và ăn mặn cũng như mối liên hệ giữa vitamin D và sức khỏe của xương, chúng ta có nguồn bổ sung vitamin D miễn phí nhờ vào sự hào phóng của thiên nhiên là ánh sáng mặt trời. Nếu chúng ta tắm nắng, hoặc đơn giản là không che chắn và ‘trốn’ nắng trước 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều mỗi ngày, tôi tin chúng ta sẽ không thiếu vitamin D.

Hạnh phúc có thể đạt được ngay bây giờ

Bạn có thể nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được trong tương lai, thế nhưng, nếu bạn học được cách dừng lại không chạy nữa, bạn sẽ thấy rằng ta đang có dư điều kiện để có được hạnh phúc ngay bây giờ. Giây phút duy nhất chúng ta sống thật sự là giây phút trong hiện tại. QUá khứ đã đi qua, còn tương lai thì chưa đến. Chỉ có trong giây phút hiện tại chúng ta mới có thể chạm đến cuộc sống và đích thực là sống.


Happiness is Possible Right Now
You may think that happiness is possible only in the future, but if you learn to stop running, you will see that there are more than enough conditions for you to be happy right now. The only moment for us to be alive in is the present moment. The past is already gone and the future is not yet here. Only in the present moment can we touch life and be deeply alive.

–Thich Nhat Hanh, from "Teachings on Love."

Wednesday, April 15, 2009

Cần...

Chúng ta không cần thống trị thế giới. Chúng ta không cần chống lại thế giới để tự vệ. Chúng ta không cần bảo thủ một cái gì cả. Điều chúng ta cần duy nhất là có mặt đích thực tại đây - toàn tâm toàn ý, có mặt trọn vẹn, không bị ràng buộc – để thích ứng trong từng hoàn cảnh cụ thể.

(We don’t need to control the world. We don’t need to defend ourselves against it. We don’t need to preserve anything. We only need to be here— totally, completely, freely— responding to the actual occasion)
–Steve Hagen, from "Buddhism: It’s Not What You Think".

Khi bánh không còn xốp...



Cô bé Sa-mi rất thích ăn bánh ya-ki-mo-chi, một loại bánh bằng bột nếp nướng mà Mẹ vẫn thường làm cho cô bé ăn từ thuở bé. Biết cô bé thích ăn loại bánh này, ngày nào mẹ cũng làm bánh ya-ki-mo-chi. Thế là cô bé ngày càng ghiền hơn!


Khi vào đại học, đi học xa nhà, Sa-mi chỉ được ăn bánh mẹ nướng mỗi khi có dịp về thăm nhà. Cô vẫn còn thích ăn thứ bánh bột nướng ấy khi đi xa, nhưng không thường xuyên vì bánh ở các cửa hiệu không ngon bằng bánh mẹ làm. Sa-mi lại nhớ và thèm ăn bánh bột nướng do chính tay mẹ làm. Bánh mẹ làm xốp và ngon lắm, ngon hơn bất kỳ bánh ya-ki-mo-chi nào Sa-mi có dịp ăn mà chỉ khi đi xa rồi, Sa-mi mới có dịp so sánh. Mẹ nhồi bột kỹ lắm. Loại bánh này là thế, càng nhồi bột nhuyễn bao nhiêu, khi nướng lên, bánh xốp, phồng và cho hương vị thơm ngon bấy nhiêu.

Thấy Sa-mi thích, mẹ vẫn cứ làm bánh bột nướng mỗi khi cô bé có dịp về nhà. Ngay cả sau khi có chồng đi xa, thỉnh thoảng Sa-mi về thăm gia đình và lần nào cũng thế, cô lại được ăn bánh ya-ki-mo-chi mẹ làm.Cứ thế, tình cảm mẹ con gắn bó qua món ăn khoái khẩu này của cô con gái. Sa-mi luôn ngập tràn hạnh phúc nghĩ về mẹ mỗi khi thấy món bánh ya-ki-mo-chi. Mọi việc sẽ bình thường nếu không có một ngày kia, trong dịp về thăm nhà như thường lệ, mẹ vẫn làm món bánh ya-ki-mo-chi cho con gái ăn, nhưng lần này, Sa-mi không còn thấy miếng bánh nướng xốp và ngon như bao lần trước.


Cô gái giật mình thảng thốt. Mẹ không còn khỏe như xưa để nhồi bột nhuyễn nữa rồi. Bột không nhuyễn thì bánh không thể nào xốp được. Chợt đưa mắt nhìn tóc mẹ, Sa-mi thấy tóc muối tiêu ngày càng nhiều trên đầu mẹ. Tự nhiên, khóe mắt cay cay, dòng lệ lăn dài trên má. Sa-mi chạnh lòng, biết sức khỏe mẹ đang giảm khi tuổi đời ngày càng chất thêm nặng trên vai.


Với miếng bánh ya-ki-mo-chi mẹ làm cho cô không còn xốp và ngon như trước, Sa-mi biết mình cần phải làm gì trước khi mọi việc trở thành quá muộn...




· Entry này viết theo lời kể của một người bạn.

Tuesday, April 14, 2009

Làm mới!

Lâu nay bận lu xu bu, không có thời gian chăm sóc đến món ăn 'phi vật thể' này. Hôm nay, cô bé Hạt Mít nhà tui quở, cổng vào nhà tui bị sét gỉ rồi. Thế là cô bé xúi tui, lượm bài cũ post trước đây, post lên lại gọi là 'làm mới'! Đúng là xúi bậy, phải không bà con? điều quan trọng là nghĩ ra ý niệm đó để xúi cũng...ngồ ngộ hén!