Wednesday, January 28, 2015

LÀM GÌ? KHÔNG LÀM GÌ CẢ…

Thỉnh thoảng, tôi gặp vài huynh đệ, bạn bè hỏi “dạo rày làm gì?”, tôi trả lời “không làm gì cả!”. Ai cũng ngạc nhiên và thất vọng với câu trả lời của tôi. Trong thâm tâm họ, tôi cần phải làm gì đó, cái mà họ cho “phật sự” thì mới phải, thì mới xứng đáng với thời gian tôi được sống trong môi trường này, xứng đáng với thời gian tôi dành cho việc học của mình. Họ cứ thắc mắc “học rồi không làm gì à?”, “giảng dạy gì đi!” Tôi chỉ cười lắc đầu…

Tuesday, January 27, 2015

THỨC ĂN NUÔI DƯỠNG CÁC PHÁP ÁC

Khái niệm thiện-ác
Thói quen của nhiều người là sáng ra, mở TV hoặc vào các trang web lướt xem tin tức thời sự trước khi bắt tay vào công việc một ngày mới. Hôm nào đọc tin, thấy ở nơi này, người ta cướp của giết người, nơi nọ có kẻ hận tình, giết người yêu rồi tự tử… lòng ta nặng trĩu với cái ác của con người. Ta tự nhủ rằng thành phần ác đến mức như vậy trong xã hội chỉ là một số nhỏ, trong khi đó, nhiều người trong chúng ta vẫn giữ được một ngưỡng nhất định và có thiện chí cùng nhau chung tay xây dựng một xã hội hiền lương, tốt đẹp hơn. Đây chính là ý tưởng của những người có lương tri và cũng là ước mơ của những người đệ tử Phật có trí tuệ và có tấm lòng.

Sunday, January 18, 2015

CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN (Kỳ cuối)


Thay đổi cách nghĩ để vô hiệu hóa sân giận
Trước khi nổi cơn sân giận, hẳn có một duyên cớ, sự kiện nào đó làm ta không hài lòng. Trước khi sự bực mình ấy chuyển thành cơn giận có thể thiêu đốt tâm can mình, chúng nên thay đổi cách suy nghĩ để kịp thời ngăn chặn khi tâm sân giận chưa kịp khởi lên. Đừng để tâm vào những khía cạnh tiêu cực mà nên nhìn vào những khía cạnh tích cực của một vấn đề để vô hiệu hóa cơn giận đang lù lù nổi lên và sẵn sàng nổ tung. Khi một việc gì không được như ý mình muốn, dẫu việc ấy rành rành là do ai đó gây ra, hãy tìm xem có biện pháp nào để khắc phục hậu quả không, hơn là chăm vào tìm lỗi của ai. Đức Phật cũng đã nhắc khi ta bị thương vì trúng mũi tên độc, việc cấp bách và cần thiết nhất là rút mũi tên ra, chữa lành vết thương chứ không phải truy tìm ai bắn mũi tên, đó là người tên gì, tộc tánh gì; kẻ đó cao hay thấp, da đen, da sẫm hay da màu; hắn ở làng nào, thị trấn, thành phố nào? (Tiểu kinh Malunkya, Trung bộ kinh số 63). Nếu tìm được giải pháp thì theo đó mà hành động, bằng không, thì cứ chấp nhận và cho qua. Ích gì khi buồn và bực với cái mình không thể thay đổi chứ?

Friday, January 16, 2015

CÁC KIỂU CƯỜI...

Thời đại này, nếu không khéo né, ai cũng có nguy cơ… bội thực thông tin! Thông tin nhiều, hình ảnh đi kèm cũng nhiều. Thú vị hơn, hình ảnh thay lời, mỗi lúc mỗi xuất hiện nhiều hơn. Có nhiều bản tin, nhất là tin tức thời sự, như một bộ hình sự kiện, nội dung cần chuyển tải được hiểu bằng hình thay cho con chữ. Cách này đơn giản, cứ bấm máy rồi post hình lên, vừa nhanh vừa đỡ tiêu hao năng lượng hơn ngồi đó nắn từng con chữ. Như vậy, hình ảnh cũng là một phương tiện ngôn ngữ. Hình nhiều, có dịp “chiêm ngưỡng” nhiều khía cạnh của loại hình ngôn ngữ này; kể ra, ngôn ngữ hình ảnh có khi phong phú và đa dạng còn hơn cả ngôn ngữ màn hình trắng chữ đen! Đọc văn tự thì ngoài thông tin, học cách viết, cách dùng từ, ý tưởng giữa hai dòng chữ, thật là thú vị. Đọc ngôn ngữ qua hình ảnh, ta cũng học được từ những tấm hình kia nhiều thứ, trong đó, tôi ấn tượng nhất là học từ… nụ cười! Hôm nay ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, tôi viết đôi điều học được từ nụ cười ở đây!

Thursday, January 15, 2015

LỌC BA LẦN HÃY NÓI...

Thời Hy Lạp cổ đại, Socrates được mọi người đồn là uyên bác hơn người, ai cũng tôn trọng. Một hôm, có một người quen đến gặp vị triết gia vĩ đại này và nói “Ngài có biết tôi nghe người ta nói gì về người bạn của Ngài không?
Socrates trả lời: “Đợi một tí nhé. Trước khi kể cho tôi nghe một điều gì, tôi muốn anh làm một trắc nghiệm nho nhỏ. Trắc nghiệm này gọi là phép lọc ba lần.”
“Lọc ba lần?”

Friday, January 9, 2015

CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN (Kỳ 2)

Những cách chuyển hóa cơn giận
Không đồng hóa với cơn giận
Một trong những yếu tố làm chất xúc tác sân hận một khi khởi lên là bốc ngọn không ngừng là chúng ta cảm thấy mình đúng khi nổi giận. Khi thấy mình đúng, chúng ta hoàn toàn đồng hoá mình với cơn giận. Thế nhưng, đức Phật dạy đã giận thì không có giận đúng. Vì vậy, điều đầu tiên chúng ta cần phải làm để đối trị tâm sân hận là thấy rõ mình không phải là cơn giận. Chúng ta nên cảm nhận nó một cách rõ ràng là một cảm xúc, nó khởi lên, lớn dần và giảm tốc lực cũng như cường độ trước khi biến mất.

Sunday, January 4, 2015

NGÀI DALAI LAMA - hiện thân của tâm từ vô lượng

Đức Dalai Lama nhận giải thưởng Santokbaa
Ngày 2 tháng 1 năm 2015, Ngài Dalai Lama có mặt tại Surat, Gujarat để nhận giải thưởng Santokbaa. Giải thưởng này do Hiệp hội kim cương SRK trao tặng.
Giải thưởng này do ông Govind Dholakia, một đại gia ngành kim cương xuất thân từ Gujarat, chủ tịch Hiệp hội SRK lập ra, bắt đầu trao giải từ năm 2007, nhằm vinh danh những người có phẩm cách đạo đức giống người mẹ yêu quý của ông: sống hết mình vì lợi ích của mọi người, tạo nên một sự đổi mới, gây ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng và xã hội với tình thương yêu cao cả.

Thursday, January 1, 2015

CHUYỂN HÓA CƠN GIẬN (kỳ 1)

Đức Phật nói rằng sân giận có một cái ngọn tẩm mật (madhuragga) và một cái rễ tẩm thuốc độc (visamula) (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 8, kinh Đoạn sát). Bản Chú giải giải thích thêm rằng sân giận có rễ độc vì nó tạo nên đau khổ lâu dài, và nó có ngọn tẩm mật vì có vẻ như nó tạo cho người đang nổi cơn thịnh nộ sự khoái trá, hả dạ khi người ta ăn miếng trả miếng với nhau. Vì vậy nếu suy xét sâu xa, chúng ta sẽ thấy rằng nổi giận không phải là một biện pháp tốt về lâu về dài mà có rất nhiều biện pháp thay thế khác để có thể cảm thấy an toàn, mạnh mẽ và được người khác tôn trọng hơn trong ứng xử với nhau. Vậy nên khi sân nổi lên là lúc ta bị điên, bị khùng, như con ngựa chứng, như con trâu hoang không được thuần thục, thật đáng xấu hổ!