Friday, July 22, 2016

BIỂU TƯỢNG HOA SEN VÀ NGỌN ĐÈN TRONG GIÁO PHÁP KHẤT SĨ

1. Biểu tượng là di sản văn hóa

Theo Nguyễn Văn Hậu (1996), giảng viên khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa Hà Nội, “Nói đến đời sống văn hóa không thể không nói đến biểu tượng. Nó được xem như là “hạt nhân cơ bản” của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc”. Cụ thể hơn, trong bài viết “Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc”, ông Nguyễn Như Hảo, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội cho rằng “Các biểu tượng Phật giáo đã hình thành nên những di sản văn hóa vật thể và “di sản văn hóa phi vật thể”. Chúng là một trong những yếu tố cốt lõi  nhất làm nên “bản sắc văn hóa” của cộng đồng - dân tộc Việt Nam”. Chu Hy, một triết gia đời Tống đã giải thích: “Tượng là lấy hình này để trỏ nghĩa kia”, tức là dùng cái tri giác để nói lên cái khó có thể tri giác, hay dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v… Như vậy, rõ ràng biểu tượng luôn chứa đựng, hàm chứa trong nó những giá trị văn hóa nhất định.

Tuesday, July 12, 2016

“LẤY LÒNG ĐỂ SỐNG” TỐT HƠN “SỐNG ĐỂ LẤY LÒNG”!

Chạm tay vào phím gõ về đề tài này, tôi nhớ lại câu chuyện gia đình mình cách đây vài năm:
Ngày công bố điểm thi, nhỏ chị biết mình đậu cả hai trường đại học với số điểm khá cao, vui ra mặt, dù chưa có điểm chuẩn vẫn chắc suất vào một trường đại học có uy tín lớn. Hai chị em mừng rơn sau nhiều ngày chờ đợi. Ngày lên đường nhập học, nhỏ chị tỏ ra điềm tĩnh, cố cho mọi người thấy tâm thế sẵn sàng ra đi và bắt đầu cuộc sống xa nhà để ba mẹ yên tâm, nhưng rồi vừa quay lưng là khóe mắt đỏ hoe. Đứa em thoáng buồn vài giây nhưng rồi kịp nén lòng, vui vẻ tiễn chị “từ nay, em được sở hữu nguyên một phòng học và chiếc máy vi tính,” để chị không bịn rịn phút chia tay. Thế rồi ngay sau khi chị rời nhà, nhỏ em nước mắt giọt ngắn giọt dài nói với mẹ “chị đi rồi, mình con ở nhà, buồn lắm”…

Sunday, July 10, 2016

BẢO HỘ SỰ SỐNG CON NGƯỜI

Quan niệm của đức Phật về sự hình thành con người 

Nguồn gốc xuất hiện của con người trên trái đất này là một câu hỏi muôn thuở và ai trong chúng ta cũng muốn tìm hiểu. Các lý thuyết tôn giáo cũng như các nhà khoa học đã nỗ lực đưa ra những lý giải khác nhau về vấn đề này. Hầu hết các tôn giáo hữu thần chấp nhận con người là sản phẩm do thượng đế sáng tạo, trong khi đó, các nhà khoa học cho rằng con người là hậu duệ của một giống vượn người trải qua một chuỗi quá trình tiến hoá lâu dài theo thuyết tiến hoá của Darwin. Trước vấn đề này, Phật giáo vốn tin tưởng vào thuyết tái sanh, luân hồi theo nghiệp, cho rằng tất cả các loài chúng sanh lên xuống, qua lại quanh quẩn trong vòng luân hồi sinh tử, tùy vào nghiệp mình đã gây tạo trong quá trình sống ở những kiếp sống trước. Theo sự mô tả của đức Phật trong kinh Đại sư tử hống (Trung bộ kinh số 12) và kinh Phúng tụng (Trường bộ kinh số 33), mỗi chúng sanh, theo nghiệp nhân mình đã tạo, được sinh ra thông qua một trong bốn cách thế khác nhau, tùy vào từng chủng loại. Bốn loại đó là: noãn sinh – sanh ra từ trứng (gà, chim…), thai sinh – sanh ra từ bào thai của người mẹ (người, chó, mèo…), thấp sinh – sanh ra từ sự ẩm thấp hay từ rịn rỉ của các thành tố, đất, nước v.v (trùng, bọ…) và hóa sinh – do hóa hiện mà sanh ra, không phải trải qua các giai đoạn phôi thai (nhộng hóa tằm, nhộng hóa ve sầu…).