Thursday, July 30, 2015

CẮT XÉN KHI TRÍCH DẪN

Thanissaro Bhikkhu
Hằng Như dịch
Lời người dịch: Thấy bài viết này có góc nhìn khá lý thú khi bàn về đoạn trích rất phổ biến trong bài kinh Kalama, tôi dịch và chia sẻ ở đây.
Nhiều người thường chỉ biết đến một đoạn trích trong kinh điển văn hệ Pāli, một phần của bài kinh Kalama (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65 – AN 3.65) mà không hiểu nhiều về các bản kinh nguyên thủy của đức Phật cho rằng kinh điển cổ xưa không đáng tin cậy.
 Những trích dẫn từ đoạn kinh này xuất hiện dưới nhiều hình thức và có độ dài ngắn khác nhau. Một số trích dẫn ngắn gọn cô đọng và súc tích, như dòng tin nhắn được đóng dấu trên chiếc bì thư có lần tôi nhận được, ghi rằng “hãy theo nhận định riêng của bạn về đúng và sai” (Đức Phật). Có khi cũng thấy dòng chữ chạy trên hình nền máy vi tính rằng “Không tin gì cả, bất luận điều đó do ai nói, không tin ngay cả những gì do Ta nói, nếu nó không phù hợp với sự thẩm định và trải nghiệm của chính bạn” (Đức Phật).
Ngay cả những dẫn chứng có tính học thuật từ bài kinh này cũng đưa ra đoạn tương tự. Đây là toàn bộ lời trích từ bài kinh xuất hiện trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây:
 Khi tự mình biết rằng những điều này là thiện…, những điều mà khi thực hành, sẽ đưa đến an lạc và hạnh phúc, này Kalama, hãy chấp nhận và thực hành những điều ấy (Đức Phật).
Xâu kết những câu trích này lại với nhau, ta thấy rằng chúng ta có khuynh hướng nhặt lấy những gì mình thích từ những bài kinh nguyên thủy và bỏ đi những điều chúng ta không thích khi trích dẫn. Không cần hiểu ngữ cảnh rộng hơn của bài pháp, chủ ý của đức Phật khi giảng bài pháp ấy, cứ thế, ta trích theo cảm tính những gì mình thích.
Thế nhưng, nếu nhìn vào toàn bộ đoạn này trong bài kinh Kalama, ta thấy rằng những câu trích này chỉ phản ánh một phần của toàn cảnh mà thôi. Thái độ hoài nghi về thẩm quyền để có thể tin cậy ở bên trong lẫn bên ngoài: “Do vậy trong trường hợp này, này Kalama, đừng tin những gì do đồn đãi, hay do truyền thuyết, truyền thống, kinh điển, do lý luận diễn dịch, do suy luận hời hợt, do suy luận loại suy, do những điều ấy phù hợp với quan điểm lập trường của mình sau khi cân nhắc các quan điểm khác nhau, do thấy thích hợp dựa trên xác suất xảy ra, hoặc do suy nghĩ ‘đây là lời nói của Thầy mình’ mà tin”.
Hãy chú ý đến những từ viết đậm, những từ này thường bị bỏ đi hoặc lướt qua khi đoạn kinh này được trích dẫn. Khi đức Phật nói rằng ta không nên căn cứ vào lý luận diễn dịch, vào suy luận hời hợt hoặc suy luận loại suy, Ngài nhắc ta không thể luôn luôn tin tưởng vào khả năng lý luận của chính mình. Khi Ngài nói rằng ta không nên tin những điều do chúng phù hợp với quan điểm lập trường của mình sau khi cân nhắc các quan điểm khác nhau (nghĩa là chúng phù hợp với niềm tin vốn có của mình), do thấy thích hợp dựa trên xác suất điều ấy xảy ra, Ngài nhắc ta không thể luôn luôn tin tưởng vào sự phán đoán dựa trên kinh nghiệm của mình. Và tất nhiên, ta không thể luôn luôn đặt niềm tin vào các bậc thầy, kinh điển hay truyền thống. Vậy thì ở nơi đâu ta có thể đặt niềm tin tưởng của mình? Ta phải đặt tất cả mọi việc vào sự thẩm định tâm ý, lời nói và hành động của chính mình, để xem điều gì thật sự đưa đến khổ đau và điều gì đưa đến chấm dứt khổ đau.
Khi nào tự mình biết rõ các pháp này bất thiện, các pháp này là có tội lỗi, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh khổ đau, thì nên từ bỏ chúng.
Khi nào tự mình biết rõ các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì nên chấp nhận và sống với chúng (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65 - AN 3.65).
Từ “pháp” trong các đoạn này bao hàm ba-trong-một: lời dạy của đức Phật, tâm ý và hành động. Giáo pháp có sự liên hệ một cách tự nhiên với các trạng thái tâm và hành động mà tâm điều khiển, nên chúng cần được thẩm định qua kết quả hành động. Chánh pháp là những gì khi thực hành đem lại hạnh phúc an lạc chân thật, trong khi đó, tà pháp thì không.
Thế nhưng ngay cả khi thẩm định kết quả hành động của chính mình, ta cũng không thể đơn giản lấy ý kiến riêng của mình về “những gì đưa đến kết quả tốt đẹp” như là một tiêu chuẩn đáng tin cậy. Xét cho cùng, ta có thể dễ dàng thiên lệch với sự chi phối của tham, sân hoặc si mà thiết lập chuẩn mực quá thấp. Do vậy, cần phải kiểm tra để xem có bị những tâm lý tiêu cực này chi phối hay không, đức Phật khuyên rằng ta nên đối chiếu với quan điểm của những người có trí, vì nếu những chuẩn mực của ta không được thử thách, kiểm chứng so với nhận định của người có trí thì ta sẽ không bao giờ có thể trưởng thành.
Bây giờ, nếu ta mong nhanh chóng tìm đến nguồn có uy quyền thật sự đáng tin cậy, điều này có vẻ giống như một chiếc bẫy: nếu ta không đủ sáng suốt để tin tưởng vào sự thẩm định của mình, làm sao ta có thể nhận ra được ai thật sự là người có trí? Thế nhưng đây không phải là một chiếc bẫy. Đơn giản như cách ta bắt đầu học bất kỳ một kỹ năng nào – ví dụ khả năng thẩm định về nghề mộc của ta trở nên tốt hơn khi tự bản thân ta thành thạo nghề mộc – và cách đức Phật chỉ ra làm thế nào để tiếp cận giáo pháp cũng giống như thành thạo một kỹ năng vậy. Cũng như bất kỳ kỹ năng nào, chỉ khi nào ta sẵn lòng tha thiết học hỏi, ta mới có thể phát triển sự nhạy bén từ bên trong và nâng cao khả năng thẩm định một người nào đó có thật sự thông thái hay không.
Khi đưa ra lời khuyên làm thế nào để học kỹ năng này, đức Phật nói, không phải đấng sáng tạo bảo ta tin gì là ta tin nấy, mà tin vào thẩm quyền của người chuyên gia biết rõ lãnh vực ấy; bằng trải nghiệm bản thân, vị ấy hiểu rõ điều gì đưa đến kết quả tốt, điều gì không không đưa đến kết quả tốt. Nếu ta muốn học từ vị ấy, ta cần phải sáng suốt chấp nhận sự quan sát, thẩm định của người ấy về cách làm thế nào để được lợi ích nhất. Điều đầu tiên là nhận ra rằng trước ta, đã có nhiều người thành công và rất thành thạo kỹ năng này rồi và thế là họ có nhiều điều quan trọng để chia sẻ, hướng dẫn.
Trong số những điều các vị này dạy ta, tất nhiên, có nhiều điều họ học được từ những bậc có trí tuệ trước họ, và cứ thế, có những điều các bậc thầy học được từ đức Phật. Một số kiến thức này được truyền đạt qua lời nói, nhưng trong số các phẩm chất làm cơ sở để tìm người có trí – và để học hỏi được từ họ –  thì đức Phật chỉ ra rằng cần chú trọng đến trí tuệ hơn là lời nói. Trong bài kinh Tăng chi bộ kinh, chương VII, kinh số 64 (AN 7.64), Ngài dạy rằng một người đáng được tôn trọng cần có đủ bảy phẩm chất: biết pháp, biết nghĩa, biết rõ về bản thân mình, biết ước lượng vừa đủ, biết đúng thời điểm và đúng nơi, biết hội chúng, biết nhìn và đánh giá con người.
Điều đáng chú ý là trong số các phẩm chất trên, chỉ có hai yếu tố đầu tiên liên quan đến kiến thức về ngôn từ. Có hiểu biết về pháp, nghĩa là biết rõ điều gì do đức Phật nói, điều gì không phải của đức Phật nói. Có hiểu biết về nghĩa ở đây là biết giải thích các khái niệm và ý tưởng khó hiểu trong giáo pháp: hiểu được các nguyên tắc chung thể hiện giá trị của pháp, và các phương pháp căn bản để thực thi những nguyên tắc này. Đây là những điều ta cần nắm vững trong các bài pháp thoại và các cuốn sách về giáo lý.
Nhưng đức Phật không sử dụng phương pháp dùng một cỡ giày cho tất cả chân có kích thước khác nhau, không có một phương pháp duy nhất có thể ứng dụng trong mọi tình huống. Thậm chí Ngài đưa ra các nguyên tắc bề ngoài có vẻ như mơ hồ lại ứng dụng cho các giai đoạn tu tập cụ thể. Ví dụ như, giáo lý vô ngã có lợi ích trong một số trường hợp, lại trở thành có hại trong một số trường hợp khác. Đây là lý do đức Phật đưa thêm vào bảng danh sách các phẩm chất này thêm năm yếu tố nữa, đó là sự nhạy bén trong cảm nhận để chuyển những phương pháp và nguyên tắc này thành những kỹ năng thuần thiện.
Biết rõ về bản thân mình nghĩa là biết những điểm mạnh, điểm yếu của mình về các phương diện tự quán sát, đức hạnh, khả năng học, lòng rộng lượng bao dung, trí tuệ và sự nhạy bén trong nhận thức vấn đề. Nói cách khác, ta cần hiểu rõ những phẩm chất nào quan trọng để tập trung phát triển, và có thể thẩm định một cách khách quan điểm nào mình cần phải nỗ lực thêm cho hoàn thiện.
Biết ước lượng vừa đủ áp dụng chủ yếu về các nhu cầu ăn, mặc, ở và thuốc trị bệnh trong cuộc sống của mình, nhưng cũng có thể áp dụng với những điều không thể nhìn thấy, như biết rõ khi nào ta cần bớt đi ham muốn, nỗ lực, tập trung hay tư duy trong quá trình thực hành pháp và khi nào ta cần nhiều hơn những thứ này.
Biết thời nghĩa là biết rõ khi nào nên lắng nghe, khi nào nên ghi nhớ những gì được nghe, khi nào nên nêu thắc mắc và khi nào nên tìm nơi thanh vắng để tự mình thực hành pháp.
Biết hội chúng nghĩa là biết cách tiếp chuyện và cư xử với mọi người đủ mọi tầng lớp và có hoàn cảnh xuất thân khác nhau trong xã hội.
Biết người nghĩa là biết cách thẩm định người nào xứng đáng thọ nhận giáo pháp và người nào không thích hợp cho việc học pháp.
Dù rằng có thể nói về năm phẩm chất này, nhưng chúng ta không thể nào thể hiện chúng qua ngôn từ được. Đây là những thói quen đã trở thành nếp sống, và cách để học được những phẩm chất tốt đẹp này là học từ những gương tốt quanh ta: người đã thuần thục những phẩm chất này thông qua cách thể hiện của họ trong cuộc sống.
Đó là lý do tại sao đức Phật, trong quá trình nỗ lực xây dựng giáo pháp cho các thế hệ tương lai, đã không để giáo pháp tồn tại trong hình thức khô khan của ngôn từ. Ngài thiết lập hệ thống tăng đoàn và xây dựng một đoàn thể hàm chứa trọn vẹn bảy phẩm chất truyền thống này, hiện thân của Ngài về cách sống cũng như lời nói. Để đảm bảo được giá trị tiêu chuẩn của chánh pháp được bảo tồn qua thời gian, đức Phật trước hết nêu quan điểm rõ ràng rằng, Ngài không muốn người nào can thiệp vào làm lệch lạc những lời dạy của Ngài.
Này các tỳ kheo, có hai hạng người xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người giải thích những gì Như Lai có nói, có thuyết là Như Lai không nói, không thuyết. Một hạng người nữa là giải thích những gì Như Lai không nói, không thuyết là Như Lai có nói, có thuyết (Tăng chi bộ kinh, chương II, kinh số 23 - AN 2.23)
Dễ dàng hiểu rằng tại sao đức Phật nhấn mạnh điều này đến vậy. Trong khi nói, đức Phật vô cùng thận trọng khi chọn từ ngữ để sử dụng, và Ngài muốn những ai trích lại lời Ngài cũng thận trọng như vậy. Sự trung thực, theo quan điểm của Ngài, là một biểu hiện của tâm từ. Từ ngữ mà Ngài sử dụng một cách có chủ ý được xem như chuẩn mực để thẩm định đâu là chánh pháp và đâu không phải chánh pháp. Tất cả những gì phù hợp với điều Ngài nói được chấp nhận là chánh pháp, còn những gì trái với lời Ngài tuyên bố thì không phải chánh pháp. Như vậy, lẽ đương nhiên Ngài cảnh tỉnh các đệ tử Ngài không làm lệch lạc đi chuẩn mực ấy. Nếu không nghiêm túc, những thế hệ sau không biết tin cậy vào đâu để y cứ mà tìm kiếm phương cách đoạn tận khổ đau.
Do vậy, để bổ sung vào việc thành lập các nguyên tắc nhằm xác định đâu là lời Phật dạy, đâu không phải lời Ngài nói, đức Phật còn thiết lập những quy ước áp dụng cho tăng già dùng để giải quyết khi chúng tăng có sự bất đồng ý kiến về vấn đề này.
Để ý nghĩa của chánh pháp có thể được đảm bảo, đức Phật đưa ra nguyên tắc rằng các vị thầy giáo thọ nên cho phép người học có thắc mắc gì thì hỏi công khai. Ngài không muốn những người giữ cương vị làm thầy sa đà trong cách nói mà Ngài gọi là khoa trương, sử dụng ngôn ngữ rỗng tuếch, “những tác phẩm văn chương, những tác phẩm của ngoại đạo, âm thanh hoa mỹ, từ ngữ hoa mỹ” (Tăng chi bộ kinh, chương II, kinh số 46 – AN 2.46). Ngài khuyến khích các đệ tử tập trung vào những lời dạy đưa đến đoạn tận khổ đau, và khích lệ các đệ tử tìm hiểu kỹ càng những lời dạy này để làm cho ý nghĩa những lời dạy trở nên rõ ràng sáng tỏ. Sự hiểu biết thấu đáo nhất chỉ có thể đạt được khi có cơ hội thảo luận công khai trong niềm tin thanh tịnh đầy thiện chí.
Để có thể truyền trao nếp sống thuần thục trong chánh pháp, đức Phật đưa ra mô hình xây dựng mối quan hệ thầy-trò lý tưởng là trò theo sát sao sống bên cạnh thầy trong một thời gian dài. Người học trò phải ở với Thầy tối thiếu là 5 năm, đáp ứng những gì thầy cần. Đây là cách để người học trò quan sát Thầy và học hỏi, đồng thời để người thầy có cơ hội quan sát học trò thông qua tất cả các tình huống gặp phải trong cuộc sống.
Để khả năng thẩm định của mình tiếp tục phát triển qua thời gian, đức Phật không bắt buộc chúng ta phải theo ở với một vị thầy nhất định nào đó trọn đời. Ta nên tìm một người thầy chân chánh theo khả năng thẩm định có thể của mình, nhưng qua thời gian, nếu biết ra vị ấy thiếu đi sự chân chánh thì ta có thể từ bỏ để đi tìm một vị thầy chân chánh khác.
Đồng thời, đức Phật nhận thấy rằng không phải ai cũng có thời gian và có ý muốn sống chung lâu dài với thầy, do đó, Ngài sắp xếp và phân chia công việc một cách hợp lý. Những tăng ni nào đã trải qua thời gian sống bên thầy rồi thì được phép rời tu viện đến những nơi mà các đệ tử cư sĩ tại gia có thể dễ dàng tới lui để học hỏi từ những kết quả tu tập của các vị ấy.
Như vậy, rõ ràng đức Phật không phải có thái độ bất cẩn và thiếu trách nhiệm trong việc bảo trì lời nói và nếp sống thuần thục của Ngài. Hiểu rõ những khó khăn gặp phải trên đường tìm tòi chánh pháp, Ngài không thể tin tưởng vào chúng ta, với tham, sân và si ngự trị, mà có thể tự mình tìm được chánh pháp. Ngài biết chúng ta cần sự giúp đỡ. Mặc dù Ngài thấy được viễn cảnh trong tương lai, những lời dạy của Ngài sẽ đến lúc không còn tồn tại nữa, nhưng Ngài không đơn giản cho phép Ngài thay đổi hay đảm bảo rằng nó sẽ luôn đưa đến kết quả tốt đẹp nhất. Ngài thiết lập một phạm vi an toàn khá rộng để đảm bảo rằng những lời nói và những cách xử sự  đáng tin cậy sẽ tồn tại lâu dài.
Nhưng nơi đạo Phật theo kiểu chắp vá rời rạc đang phát triển quanh ta ở phương Tây, nhiều ranh giới an toàn đã bị bỏ đi. Đặc biệt, ý tưởng về việc thầy và trò chung sống với nhau, tạo một môi trường chú trọng đến việc thuần thục nếp sống trong đạo như một kỹ năng, hầu như thiếu vắng hoàn toàn. Những quy điều trong nhà đạo trở thành những quy định mang tính chung chung mơ hồ và các phương cách để kiểm chứng chúng trở nên một thứ lắp ráp khô khan đến mức trần trụi.
Chúng ta một lần nữa đoan chắc rằng tất cả những gì chúng ta làm thay đổi trong đạo Phật là để đạt được kết quả tốt nhất, rằng đạo Phật luôn luôn có sự thích nghi với văn hóa bản địa mỗi khi du nhập vào một nơi nào đó, và chúng ta có thể tin tưởng đạo Phật có sự thích nghi sáng suốt khi đến các nước phương Tây. Nhưng nhìn như vậy là thấy đạo Phật như thể một tác nhân có ý thức, một sức mạnh gá vào văn hóa một cách khôn ngoan biết cách thích nghi với môi trường để tồn tại. Thật ra, đạo Phật không phải là một tác nhân và đạo Phật không có thích nghi, con người thích nghi đạo Phật thì đúng hơn, trong số đó, có người hiểu được việc họ đang làm, có người không hiểu. Chỉ vì sự thích nghi ấy tồn tại và chiếm ưu thế không có nghĩa đó đã là pháp chân chánh. Đơn giản là nó giải quyết được những mong muốn và lo sợ cho số đông thính chúng mà thôi.
Chắc chắn chúng ta sống ở phương Tây dễ dàng có cách nghĩ rằng đức Phật muốn chúng ta chắp vá giáo lý của Ngài theo cách ta thích. Nhiều người trong chúng ta đã chuốc họa vào thân do các thế lực tôn giáo và chúng ta không muốn liều mình để rồi phải chuốc họa theo cách như thế nữa. Chúng ta cũng có niềm tự hào văn hóa: chúng ta thích nghĩ rằng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn những người Phật tử châu Á, biết rõ đâu là giá trị thuần túy trong truyền thống tín ngưỡng của họ, đâu đơn giản là những tập tục văn hóa, như thể là ta không có tập tục văn hóa của riêng mình. Và làm thế nào để ta biết đó “chỉ là tập tục”? Một chiếc va li sờn mòn cũ kỹ có thể chứa toàn châu báu và những chìa khóa quan trọng thì sao.
Như vậy, điều ta thật sự muốn là có một người thiết kế pháp có đúng không? Như đức Phật đã từng nói, một trong những phản ứng tự nhiên khi chạm mặt với khổ đau là tìm người nào có thể cho ta lời khuyên tốt để ta biết cách làm cho khổ đau chấm dứt. Nếu cho ta lựa chọn, ta sẽ thích theo sự hướng dẫn đáng tin cậy để biết cách chấm dứt khổ đau hơn là tự mình mày mò tìm ra những phương cách áp dụng một cách mơ hồ và không có gì chắc chắn có đúng không?
Hoặc nếu ta đem những điều mình tự rút ra ấy mà bán, nó chẳng đem lại lợi ích gì, liệu có ai để mắt tới? Nhiều người thỉnh thoảng cho rằng trong sự phong phú đa dạng của thế giới hậu hiện đại chúng ta đang sống, cần một đạo Phật hậu hiện đại, trong đó, không có cách lý giải của ai bị phê bình cho là sai cả. Nhưng đó là một sự đổi chác, đổi sự hoàn toàn tự do không bị khổ đau ràng buộc thành cái ít giá trị hơn, đó là tự do phê bình. Và điều này không quan tâm đến mặt khác của phương trình hậu hiện đại: đó là khi các tổ chức cảm nhận được nhu cầu của mình để ép vào khuôn mẫu để các tổ chức có thể thu lợi từ chúng ta. Một trong những thủ đoạn phổ biến để tư nhân hóa là cung ứng cho ta ít, chải chuốt nhiều để chúng ta phải trả tiền nhiều cho việc đó. Liệu có phải điều này đang diễn ra ở đây không?
Đức Phật không ngây thơ đến mức nghĩ rằng chúng ta có thể luôn biết điều gì có lợi nhiều nhất cho mình. Đã từ rất lâu trước thời hậu hiện đại, đã có vô số không tin tưởng vào cả những kinh điển cổ xưa và nhận thức của mình về những điều tưởng chừng rất hợp lý. Ngài giúp cho con người thời hậu hiện đại một cách tốt hơn qua việc đưa ra một giải pháp cho vấn nạn này. Thật là một điều đáng xấu hổ nếu ta thích ý tưởng tự tạo mô hình giáo pháp cho riêng mình và để cho giải pháp mà đức Phật dành cho ta chết đi.