Thursday, June 18, 2015

CHỈ CẦN LÀM NHỮNG ĐIỀU ĐÃ HỌC Ở TRƯỜNG MẪU GIÁO

Nguyên tác: Robert Fulghum
Người dịch: Hằng Như
Ông Robert Fulghum có môt bài viết ngắn tựa đề là: “Những gì tôi thật sự cần biết tôi đã học trong trường mẫu giáo.” (All I Really Need to Know I Learned in Kindergarten).
Bài này đã được một Nghị sĩ Hoa kỳ mang ra đọc trước Thượng Nghị viện, với mục đích để nó được ghi lại và lưu mãi vào trong Hồ sơ Quốc hội Hoa kỳ (Congressional Record). Ông nói, nếu như người ta biết đơn giản hành xử theo những điều ấy, thì biết bao nhiêu vấn đề của quốc gia và thế giới đều sẽ được giải quyết tốt đẹp.
Xin dịch và chia sẻ  những kinh nghiệm của ông Robert Fulghum về cách sống của mình. Đơn giản là cứ thực hành những gì ta đã được học từ trường mẫu giáo. Cứ kiên định như vậy, an vui và hạnh phúc có có mặt trong mỗi bước chân của mình.
“Tôi tin rằng mình đã biết hết tất cả những điều cần thiết để sống một cuộc đời có ý nghĩa – thật ra nó cũng không có gì là phức tạp lắm. Tôi biết chắc là vậy. Mà tôi cũng đã biết nó từ lâu lắm rồi. Thế nhưng, sống đúng theo những điều này lại là một việc khác. Và những điều tôi muốn nói đến là:
Tất cả những gì mà tôi thật sự cần biết để sống, để xử sự và để hiện hữu trong cuộc đời, tôi đã học được hết trong lớp mẫu giáo. Tri thức về cuộc sống không phải tìm thấy nơi đỉnh núi cao của các trường học, mà là trên những đụn cát ở trường mẫu giáo.
Và đây là những điều mà tôi đã học được từ nơi ấy:
    Chia sẻ tất cả.
    Chơi cho công bằng.
    Đừng đánh người khác.
    Lấy cái gì ở chỗ nào thì trả lại đúng vị trí ấy.
    Bày ra cái gì thì dọn dẹp những cái ấy
    Không lấy những gì không phải của mình.
    Khi làm tổn thương ai,  hãy nói xin lỗi.
    Rửa tay trước khi ăn.
    Dội nhà vệ sinh.
    Dùng bánh nóng và sữa lạnh sẽ tốt cho ta.
    Sống một cuộc sống quân bình, học một chút, suy tư một chút, vẽ một chút, tô màu một chút, múa hát một chút, chơi một chút và làm việc một chút mỗi ngày.
    Trong giờ nghỉ trưa, ngủ một giấc ngắn.
    Khi bước vào đời, cẩn trọng ngó chừng xe cộ, nắm tay nhau và đứng chung lại với nhau.
    Lưu tâm đến những điều kỳ diệu.  Nhớ hạt giống ta gieo trong chiếc ly xốp nhỏ: rễ nó đâm xuống và cây mọc lên, không ai biết do cách nào hay vì sao, nhưng tất cả chúng ta cũng giống y như vậy.
Những con cá vàng nhỏ, chú chuột vàng và chuột trắng, và ngay cả hạt giống nhỏ ta trồng trong chiếc ly – rồi sẽ chết. Và ta cũng vậy.
Nhớ những quyển sách hình Dick và Jane cùng những con chữ đầu tiên mà chúng ta tập đọc, và chữ quan trọng hơn hết tất cả là: NHÌN.
Và tất cả những gì mà bạn cần biết đều nằm đâu đó trong những điều ấy. Từ quy luật vàng đến tình thương và đến vấn đề căn bản là vệ sinh hằng ngày. Cho đến sinh thái học và chính trị học và sự bình đẳng, hay nếp sống lành mạnh, tất cả đều chứa hết ở trong đó.
Chỉ cần lấy ra một điều trong số ấy, rồi đưa nó vào cái mớ từ ngữ phức tạp của thế giới người lớn, rồi đem áp dụng vào đời sống gia đình, hay ở công sở, hay trong quốc gia, hoặc thế giới của mình, và nó cũng vẫn là rất rõ ràng, chân thật và chính xác.
Thử nghĩ xem, cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu nếu như tất cả chúng ta – trên toàn thế giới – được ăn bánh quy ngon với sữa vào khoảng ba giờ chiều mỗi ngày, rồi ôm chiếc mền quen thuộc của mình và ngủ một giấc ngắn. Hoặc là quốc gia nào cũng có một chính sách là lấy gì ở nơi đâu thì trả lại cho nơi đó và dọn dẹp hết những gì mình đã bày bừa ra.
Và điều này sẽ mãi vẫn là rất thật, cho dù ta có lớn bao nhiêu tuổi – khi bước chân vào cuộc đời, bao giờ cũng nên nắm tay nhau và đứng chung lại với nhau.”
Tôi viết những dòng này lúc tôi 65 tuổi, cái tuổi không quá già, thật sự là vậy, nhưng cũng đã xa trường mẫu giáo lâu rồi. Thật là một chặng đường dài để quay lại trường mẫu giáo. Bây giờ tôi biết gì?
Trường mẫu giáo không phải là nơi chứa đầy bọn trẻ.
Nó không đơn giản như vậy. Đó là nền tảng. Bài luận này trả lời những câu hỏi mà mỗi người chúng ta thắc mắc, không sớm thì muộn, khi đưa mắt nhìn ra cửa sổ lớp học và tự  hỏi: tại sao tôi lại ở đây? Tại sao tôi phải đi học?
Chúng ta được đưa đến trường học để trở thành văn minh – được giới thiệu với bộ máy căn bản của xã hội con người. Từ rất sớm trong cuộc sống, ta được đem ra khỏi nhà để đưa vào đời. Đến trường học. Ta không có sự lựa chọn trong việc này. Xã hội coi trọng việc học ở trường và chúng ta phải học, đây là điều bắt buộc. Đây là luật. Ở trường, chúng ta được dạy những nền tảng mà văn minh nhân loại y cứ vào. Những thứ này được giải thích bằng ngôn ngữ vừa tầm cho những đứa trẻ nhỏ có thể hiểu.
Ví dụ, sẽ không có giá trị gì khi bảo một em bé 6 tuổi rằng “các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, xã hội loài người không thể phát huy chức năng của mình nếu không có sự phân phối công bằng các nguồn tài nguyên trên trái đất”. Câu này là chính xác, nhưng nó quá thâm thúy và khó hiểu, một đứa trẻ thì không thể nào hiểu nổi những từ vựng như thế. Tuy nhiên, khi bảo một đứa trẻ rằng, có 20 đứa trẻ và chỉ có 5 quả bóng, tương tự như thế, chỉ có 4 cái giá vẽ, 3 bộ xếp hình, 2 con chuột lang và một cái nhà tắm. Để công bằng, chúng ta cần chia sẻ nhau để cùng sử dụng.
Tương tự như vậy,  một đứa trẻ 6 tuổi không thể nào hiểu nổi câu “Cuối cùng, vấn đề được chứng minh rằng, bạo lực phản tác dụng trong các mối quan hệ mang tính xây dựng giữa những con người và giữa các xã hội với nhau”. Hoàn toàn chính xác. Thế nhưng đứa trẻ sẽ hiểu rằng sự ngăn chặn ở thế giới và ở trường học diễn ra như nhau: đừng đánh người khác, những điều không tốt sẽ đến. Một đứa trẻ cần phải hiểu quy luật này kết hợp với quy luật thứ nhất: người ta sẽ không chia sẻ và chơi công bằng nếu bạn đánh họ.
Thật khó để có thể giải thích cái giá phải trả của việc gây ô nhiễm và phá hủy môi trường với một đứa bé 6 tuổi, thế nhưng, ta đang phải trả giá đắt hiện nay vì người lớn không lưu tâm đến việc hướng dẫn trẻ em những điều như: dọn dẹp sạch sẽ những gì mình bày ra; lấy gì ở đâu, cần đặt chúng lại đúng nơi đúng chỗ; đừng lấy những gì không thuộc về mình.
“Lịch sử của xã hội trở nên rõ ràng hơn thông qua sự hiểu biết lịch sử của bệnh hơn là thiết lập các học thuyết triết học và chính trị về nó”. Điều này quá đúng. Hệ thống bảo vệ sức khỏe cộng đồng căn bản. Giữ tay sạch sẽ và quên đi điều này là quan trọng. Thế nhưng dạy một đứa trẻ khi sử dụng bồn cầu xong, nhớ dội nước và rửa tay thường xuyên là đủ lắm rồi.
Và cứ như thế. Từ ngày đầu tiên chúng ta được dạy những từ ngữ mình có thể nắm được, chính những điều này tạo nên nền tảng cho văn hóa và cộng đồng. Mặc dù thầy cô giáo có thể gọi những bài học đầu tiên này là “các quy tắc đơn giản”, chúng thật sự được tinh chiết từ những nỗ lực lớn và tất cả những tiêu chuẩn có tính thực nghiệm của con người.
Một khi ta được dạy những điều này, ta sớm phát hiện ra ta đang tham gia một khóa thí nghiệm. Chúng ta được yêu cầu phải thử thực hành những quy tắc này trong cuộc sống thường ngày. Tri thức chỉ có ý nghĩa khi nó được phản ánh qua hành động. Loài người đã tìm ra con đường khó khăn để họ chính là những gì họ làm, chứ không phải những gì họ nghĩ. Điều này đúng với cả trẻ em và người lớn, đúng ở trong phạm vi lớp học cũng như ở phạm vi quốc gia.
Thỉnh thoảng tôi ngạc nhiên vô cùng về những gì chúng ta không nắm bắt đầy đủ ở trường mẫu giáo. Trong những năm tôi còn làm giáo sĩ, tôi luôn nghĩ nhớ về điều này khi có người đến và nói với tôi rằng “tôi vừa đi bác sĩ về và bác sĩ bảo rằng tôi chỉ có thể sống trong một thời gian giới hạn nữa thôi”. Tôi suýt hét toáng lên “Cái gì? Anh không biết sao? Đến tuổi này rồi mà anh phải đi trả tiền cho bác sĩ để bác sĩ nói cho anh biết điều đó à?
Hồi còn học ở mẫu giáo, ông ở đâu trong tuần học mà ông lấy cái ly nhỏ, để vào ít bông gòn, để hạt giống vào đó và tưới nước? Sự sống bắt đầu từ đó, ông nhớ lại chưa? Một cái cây lớn dần lên, rễ đâm xuống dưới. Một điều kỳ diệu. Và sau mấy ngày, cái cây chết. Sự chết. Cuộc sống ngắn ngủi. Ông ngủ gục suốt tuần học đó hay ông bệnh đến mức phải nghỉ học nằm ở nhà hay sao mà không biết điều này?
Tôi nén không nói ra những điều này, nhưng tôi suy nghĩ. Và đúng như vậy. Ý niệm đó đã cho chúng ta nhìn toàn cảnh ngay từ đầu. Sự sống-và-chết.  Sự chết của cuộc đời. Chỉ là một sự kiện. Một sự kiện ngắn ngủi. Không được quên điều này.
Có một điều khác nữa mà không phải người nào cũng dễ dàng thấy ngay: hầu như ai cũng không thể đi qua cuộc đời này chỉ đơn độc một mình. Chúng ta cần tìm một nhóm người hỗ trợ - đó là gia đình, bạn bè, đồng sự, nhóm, đội, tổ chức tôn giáo như nhà thờ hay bất cứ thứ gì. Ở trường mẫu giáo, chúng ta được khuyên hễ còn sống trên cuộc đời này, ta còn áp dụng quy tắc này: Khi bước vào đời, nắm tay nhau và đứng chung lại với nhau.” Sự nguy hiểm ở ngoài đó nếu ta đơn độc một mình. Ai cũng cần có người với mình. Luôn đòi hỏi phải có tập thể.
 Những điều ta học được từ trường mẫu giáo cứ được lặp đi lặp lại trong suốt thời gian chúng ta sống trên cuộc đời. Nó được lặp lại trong các hình thức phức tạp hơn, đa dạng hơn, chắc chắn là như vậy. Những điều ấy xuất hiện trong các bài diễn thuyết, từ điển, kinh sách, các quy tắc công sở, luật tòa án, các bài thuyết giảng và các tài liệu hướng dẫn. Cuộc sống sẽ kiểm chứng chúng ta liên tục để xem liệu chúng ta có hiểu và thực hành những điều đã được học ở năm đầu tiên đến trường hay không.