Tuesday, June 6, 2017

CHÁNH PHÁP-TƯỢNG PHÁP-MẠT PHÁP!

Tôn giả Ca-diếp hỏi đức Phật: “do nhân gì, do duyên gì, thuở trước, học giới có ít hơn nhưng các Tỳ-kheo chứng đắc chánh trí nhiều hơn, còn ngày nay học giới có nhiều hơn, nhưng các Tỳ-kheo chứng đắc chánh trí ít hơn?”
Đức Phật trả lời rằng “trong thời các chúng sanh suy giảm, trong thời diệu pháp biến mất, thời các học giới nhiều mà các tỳ-kheo chứng đắc chánh trí thì ít”. Đức Phật tiếp tục giải thích, chỉ khi nào tượng pháp ra đời thì diệu pháp sẽ biến mất; cũng như khi vàng giả xuất hiện thì vàng thật biến mất (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương V, kinh số 13: Tượng pháp).
“Tượng” là tương tợ, na ná, giông giống chứ không phải “chính nó”. ‘Tượng pháp” là “giống như pháp” mà không phải pháp! Đây là cái thời mà phần đông - đông đến mức tạo thành một xu hướng chủ đạo - đều tôn cái ngọn, bỏ cái gốc, “lập lờ đánh lận con đen”, lấy phương tiện làm cứu cánh và biện minh, biện hộ những việc làm của mình dưới các nhãn hiệu khá đẹp đẽ, hòa nhoáng như “dấn thân”, “từ bi”, “vị tha”, “uyển chuyển”…
Thật ra, chính yếu tố con người, không phải yếu tố nào khác, làm cho chánh  pháp tồn tại hay biến mất. Đừng đổ thừa “cái thời đại” nó vậy! “Thời mạt pháp mà!” Không có thời nào “mạt”, chỉ có con người suy đồi!

Sunday, June 4, 2017

ĐỨC PHẬT DẠY MỘT ĐƯỜNG, TA LÀM MỘT NẺO !

Hôm nay có duyên đọc lại một bài kinh hay, gõ mấy chữ ở đây:
Phật thì dạy thế này : “Ta không tán thán các vị xuất gia có sự liên hệ, với các gia chủ. Nhưng với các trú xứ ít tiếng ồn, ít tiếng động, thoát khỏi hơi thở của nhiều người, những chỗ ở cô độc xa vắng loài Người, thích hợp cho đời sống Thiền tịnh, Ta tán thán sự liên hệ với những trú xứ như vậy” (Tăng chi bộ kinh, chương VII, phẩm VII, kinh số 58 : Ngủ gục).
Còn đệ tử Ngài ngày nay thì toàn tìm chỗ phố thị phồn hoa, đông người lui tới mà ở thôi! Toàn là tự hào khi có nhiều mối quan hệ với người thế, coi đó là một thứ phước gì ghê gớm, chứ không chỉ phước hữu lậu thế gian!
Thậm chí phần đông, đông đức mức trở thành “mainstream” cho rằng, chỗ nào xôn xao nhiều người ra, lắm kẻ vào (không cần biết ra vào vì mục đích gì!) thì đó là dấu hiệu của một đạo tràng hưng thạnh!
Xưa và lỗi thời rồi nếu ai đó còn ưa thích những trú xứ lặng lẽ ở tận xa xa không gần khu dân cư phố thị! Đắng lòng là thế!!! Sợ đói? Chắc là không! Sợ buồn? Có lẽ có chút chút! Sợ xa và không được biết tới, ví như những vì sao bé xíu xa xăm mất hút trong bầu trời đầy sao? Có đó! Sợ nghèo? Vấn đề này tế nhị quá! Trên lý thuyết thì tu mà làm gì để có khái niệm giàu với nghèo? Thực tế thì tự cảm nhận!!!

Mình cứ tự hào là “Thích tử”, “Thích nữ” mà sao Phật dạy một đường, ta làm một nẻo vậy trời!