Sunday, October 11, 2015

VẪN NÊN ĐỌC SÁCH GIẤY, BỚT XÀI ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH….

Tại các sảnh đợi máy bay ở các phi trường, tôi thấy có những người lặng lẽ ngồi đợi với cuốn sách giấy trên tay, mắt chăm vào từng trang sách, hoặc cầm bút đánh vào các ô chữ sudoku trên tờ báo, tôi biết chắc… đó không phải là người Việt! Quả thật, khi tôi có dịp lại gần thì thấy sách viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, nên họ có thể là người phương Tây, có thể người Nhật, hoặc người từ một xứ nào khác…. Nếu tôi thấy một nhóm nhí nhố soạn đồ ăn ra dùng, nói cười huyên thuyên, thoải mái chốn công cộng… như thể nhà mình, trên 80% khả năng nhóm đó là nhóm người Việt! Còn những người thuộc độ tuổi thanh niên đến trung niên, người nào cũng lo việc riêng của mình, không quan tâm đến người bên cạnh làm gì, chỉ chăm vào màn hình chiếc điện thoại thông minh – tài sản bất ly thân của mỗi người – lên facebook đọc tin, gởi tin nhắn hoặc chơi các trò chơi, tôi tin chắc 100% họ là người Đông Nam Á, trong đó có lớp trẻ người Việt chúng ta (tôi đoán và tự kiểm chứng nhiều lần và lần nào tôi cũng đúng!).
Tôi không hề nói xấu người mình! Thương còn không hết, sao có thể nói xấu! Đây là một sự thật, rằng giới trẻ bây giờ nghiện xài điện thoại thông minh hơn là đọc sách, thích chơi game qua các trò chơi bạo lực, tạo cảm giác mạnh hơn là ngồi trầm ngâm giải ô chữ sudoku, thích gõ các tin nhắn giao lưu, kết bạn hơn là dán mắt vào các trang sách tử tế trong lúc chờ đợi ở  các ga tàu, sân bay. Chúng ta cần chấp nhận sự thật ấy chứ không nên tránh né vấn đề này.
Người Nhật có thói quen đọc sách giấy ở phòng chờ sân bay
Có lần tôi tự thắc mắc, tại sao ở phương Tây, khoa học kỹ thuật phát triển cao như vậy, máy móc hiện đại vậy mà đi đâu họ cũng lè kè theo cuốn sách giấy trong ba lô, tiện lúc nào rút ra đọc ngay, mà không phải cứ chăm vào iphone, ipad là sao? Nói đâu xa, người Nhật Bản ở cùng châu lục với mình thôi, là xứ sở điện tử, mà sao đi đâu họ cũng đọc sách giấy trong giờ rảnh mà không dán mắt vào những chiếc điện thoại thông minh. Nhìn cảnh người Nhật trên các chuyến tàu điện ngầm, trong khi chờ đợi đến trạm, ta thấy một số ít hơn tranh thủ ngủ, còn phần lớn họ đọc sách. Họ đọc cả trong tư thế đứng trong một chặng đường dài, lắc lư theo nhịp tàu chạy. Mặc dù cuộc sống họ bao phủ bởi công việc, họ tính toán, sắp xếp việc chính xác đến từng phút, nhưng hễ có được chút thời gian trống giữa các công việc, là họ đọc sách. Còn mình? Ứng dụng điện tử, mọi thứ đi sau người ta, sao người mình cứ chúi mũi vào những thiết bị này còn người ta quá thừa mứa mà họ không “nghiện” như mình?
Tôi kể lại đây câu chuyện ông Peter Bregman, một CEO của Bregman Partners, một công ty chuyên huấn luyện giới doanh nhân về nghệ thuật tổ chức, làm việc có hiệu quả và nghệ thuật lãnh đạo. Ông Bregman là một người rất bận rộn và lúc nào cũng muốn làm sao cho công việc có hiệu quả hơn, thành tựu được nhiều hơn. Nhưng có lần ông khám phá ra rằng, hiệu năng và sự sáng tạo không nằm ở sự bận rộn, nhanh lẹ, hay hoàn tất được nhiều. Mà ngược lại là trong khi ta không làm gì hết, khi ta là một người “vô tích sự”, chỉ ngồi không và biết có mặt với những khoảng trống trong cuộc sống.
Ông Bregman có chia sẻ lại một kinh nghiệm của mình như sau: Vì sao tôi mang trả lại chiếc iPad.
Chỉ khoảng hơn một tuần sau khi mua chiếc máy tính bảng iPad, tôi mang ra tiệm trả lại. Vấn đề không phải ở chiếc iPad, mà vấn đề là ở nơi tôi.
Tôi rất thích những kỹ thuật công nghệ mới, nên thường không  mua dòng sản phẩm đầu tiên. Tôi đợi đến dòng sản phẩm thứ hai của ipod, iphone và của Macbook Air mới mua. Thế nhưng, máy tính bảng iPad thì rất là đặc biệt so với những sản phẩm trước đó của Apple. Rất đẹp. Rất khéo léo. Rất tinh vi. Rất là biến hóa. Thế là vào 4 giờ chiều ngày chiếc iPad 3G được bán ra, lần đầu tiên trong đời, tôi đứng sắp hàng 2 tiếng đồng hồ chờ đợi mua.
Tôi nhờ người ta thiết kế chiếc iPad ngay tại tiệm, vì tôi muốn chắc rằng mình có thể sử dụng được nó ngay tức thì. Và tôi đã dùng nó luôn. Tôi mang nó theo khắp nơi. Nó nhỏ, mỏng và nhẹ, tại sao lại không mang theo chứ?
Tôi dùng nó để trả lời email. Tôi cũng dùng nó để viết bài. Tôi xem phim trên đó. Tôi đọc tin tức, xem thời tiết và xe cộ giao thông mỗi ngày. Và lẽ dĩ nhiên, mỗi khi có ai chỉ vừa hỏi đến thôi, là tôi đã sẵn sàng mang ra khoe chiếc iPad của mình.
Nhưng cũng không mất bao lâu tôi đã đối diện được với cái khía cạnh đen tối của cái công cụ rất là hiệu quả này. Lý do là: nó quá tốt!
Quá dễ mà. Quá tiện lợi. Quá nhanh và quá bền. Lẽ dĩ nhiên là nó có những khuyết điểm, nhưng chẳng có gì là đáng kể. Phần lớn, nó có thể làm hết những gì mà tôi cần và muốn. Và cuối cùng thì đó lại chính là vấn đề.
Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng muốn nằm trên giường xem một đoạn phim nào đó trên chiếc iPad trước khi ngủ. Nhưng điều ấy có nên chăng? Vì xem hết phần này rồi thì mình lại muốn xem thêm phần kế tiếp. Và sau hai giờ, tôi được tiêu khiển nhưng mệt, và thật ra tôi có được gì thêm hơn chăng? Hay tốt hơn là tôi được ngủ đủ bảy tiếng, thay vì là chỉ có năm tiếng thôi?
Cái thông minh và tiện lợi của máy tính bảng là nó là một máy điện toán mà ta có thể sử dụng ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Trên xe buýt. Trong khi đứng chờ thang máy. Trong xe trên đường ra phi trường. Giây phút rảnh nào của ta cũng có thể là một giây phút của iPad.
Thế thì tại sao đó lại là một vấn đề? Dường như tôi có thể làm việc rất tốt và hoàn tất được nhiều việc. Mỗi giây phút, tôi đều có thể sản xuất hay là tiêu dùng có hiệu quả.
Nhưng có một cái gì đó bị đánh mất trong những sự bận rộn và có hiệu năng ấy. Đó là sự nhàm chán
Nhàm chán là một điều rất quý cho ta, đó một trạng thái tâm mà chúng ta nên theo đuổi. Khi ta nhàm chán thì tâm ta sẽ đi tìm kiếm, khám phá những gì là mới lạ hơn và hay ho hơn. Và đó cũng là nơi mà sự sáng tạo phát khởi.
Như vậy, qua những gì Peter Bregman chia sẻ, tôi hiểu cái cảm giác “nhàm chán” (samvega) để rồi làm cơ sở cho một công cuộc tìm kiếm cái mới, khám phá hướng đi như một lối thoát  (pasada) mà ông Peter Bregman nói đến. Tỳ kheo Thanissaro có một bài viết rất hay về hai tâm lý samvega và pasada này (tôi đã dịch trong cuốn “Tâm và Đạo”). Đức Phật ngày xưa, khi còn là thái tử trong cung vua, đầy đủ vật chất trần gian mà bế tắc khi nghĩ đến thân phận kiếp người. Nhờ tâm lý nhàm chán (samvega) này mà Ngài quyết chí tìm lối thoát khổ cho mình và cho nhân loại (pasada)…
Khi nghĩ rằng, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là đủ, thì ta cứ chăm vào màn hình, luôn bị cuốn vào trong các tiện ích của nó, bị nó hấp dẫn, thôi miên và khó có thể rời được. Như vậy ta luôn bận rộn, lăng xăng với mớ thông tin không đâu vào đâu và những trò tiêu khiển chỉ mua vui trong chốc lát, sau đó thì trống rỗng, hụt hẫng, rồi lại tiếp tục lao vào trong bận rộn với những việc vô ích. Cái hỗn độn của mớ thông tin ấy làm tắc nghẽn tư duy và khả năng sáng tạo.
Đọc sách giấy, chúng ta đọc trong một thời gian nhất định nào đó thôi, vì với người thích đọc đến mức nào, cũng không thể đọc sa đà, vì một cuốn sách giấy không đủ hấp dẫn đến vậy. Bản thân nó chứa thông tin, kiến thức trong một hình thức đơn sơ, giản dị và mộc mạc như người nông dân miệt vườn. So với sự đa dạng phong phú của những gì trên mạng internet, trò chơi, hình ảnh và mọi thứ có thể dễ dàng được đáp ứng với chiếc điện thoại thông minh đầy hấp dẫn, lôi cuốn với phần nghe nhìn sôi động, thì những cuốn sách giấy không thể nào bì được. Bù vào đó, những cuốn sách tử tế được viết nghiêm túc, ngoài khối kiến thức bản thân chúng truyền tải, chúng sẽ gợi ý cho chúng ta những suy ngẫm, tư duy sâu sắc. Nhờ sách giấy không hấp dẫn như phương tiện điện tử, ta mới có những khoảng lặng cần thiết để chiêm nghiệm, tư duy và sáng tạo. Chẳng lạ gì giới trẻ ngày nay chỉ sôi nổi trên bề mặt mà lười tư duy, chậm suy nghĩ và rất kém trong sáng tạo. Sự nhận định cũng không sâu sắc như những thế hệ trước, những người thường tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cuộc sống qua những cuốn sách giấy.

Viết đến đây, tôi nhớ đến cuốn sách “Sứ mệnh của văn nghệ hiện đại”, kỷ vật của người anh trai đầu (đã mất năm 1977, khi anh mới 17 tuổi) mà tôi còn giữ. Anh đọc cuốn sách này khi mới 16 tuổi, đọc xong, anh ghi một câu ở trang đầu cuốn sách như thế này: 

Hồi đó, lứa tuổi 16 của anh đã biết chọn những sách văn học như thế này để đọc, đọc xong lại có những nhận định sâu sắc đến thế. Câu nhận định này, ngay cả người lớn, không phải ai cũng nhận thức được và viết ra như vậy. Bây giờ, mấy đứa cháu tôi (cũng là cháu anh), lớn tồng ngồng rồi mà chỉ mê đọc... truyện tranh thôi! Sách giấy, khuyến khích tụi nó đọc, chúng còn lười. Thời gian dành cho điện thoại thông minh, yêu cầu giảm bớt, chúng ngần ngại không muốn...
Đâu cần điện thoại thông minh; mà có khi nhờ không có điện thoại thông minh, con người thế hệ trước mình thông minh và chịu khó đọc, chịu khó tư duy và suy ngẫm đến thế!