Tuesday, November 27, 2018

ĐẠO QUÂN NÀO THẮNG?

Trong tâm chúng ta có hai đạo quân luôn tranh chiến quyết liệt không một phút giây ngừng nghỉ, đó là “hạnh phúc” và “khổ đau”. Nếu bạn tiếp lương và nuôi dưỡng đạo quân nào, đạo quân ấy sẽ mạnh mẽ hơn và chiến thắng. Quyền chọn lựa đứng về phía nào nằm trọn vẹn trong lòng bàn tay của bạn vậy.
Có người kể tôi nghe câu chuyện thế này. Một hôm, khi cô đang cắm điện nấu cơm cho bữa ăn trưa, bỗng nhiên cúp điện, nồi cơm vừa mới sôi lăn tăn. Không hề có sự chuẩn bị cho sự cố này, cô hơi bị động, kèm theo chút bực bội. Cô ấy liền lấy lòng nồi cơm điện bắc sang bếp ga để nấu tiếp. Vừa bật ga cô ấy vừa càm ràm trách móc “cái ông nhà đèn này, bực mình hết sức. Người ta đang nấu cơm, tự nhiên cúp điện à”. Thế rồi, nồi cơm cuối cùng cũng được nấu chín. Hôm đó, điện cúp đến 5 giờ chiều. Nóng nực khiến bực mình, cô đi ra đi vào, cầm điện thoại, coi bâng quơ như một cách giải tỏa tâm lý. Khi mở loạt tin nhắn chưa đọc, cô thấy tin nhắn báo lịch cúp điện. Thì ra, nếu biết thì mọi việc trở nên đơn giản vô cùng và có thể chủ động công việc của mình. Chỉ vì thiếu thông tin nên cô bị động và bực mình trách móc.

Wednesday, October 17, 2018

NÓI TRONG CHÁNH NIỆM


Lời nói là phương tiện truyền thông đặc trưng nhất ở loài người. Đây là tặng phẩm đặc biệt cuộc đời dành riêng cho con người. Sử dụng lời nói hiệu quả là cách bạn biết trân quý món quà vô giá chỉ có ở con người để xứng đáng phẩm hạnh của một chúng sanh cao quý nhất giữa những loài hai chân.
Những bậc hiền triết xưa, những người có tài năng, trí tuệ và tâm lành, thường khuyên dạy chúng ta, trước khi nói, cần phải suy nghĩ thật kỹ những gì mình sắp nói. Cụ thể, suy nghĩ ở các phương diện sau:

Tuesday, October 2, 2018

CHUYỂN HÓA HẬN THÙ


Ở đâu có hận thù, ở đó chỉ có hủy diệt và mất mát. Ở đâu có yêu thương, ở đó có sức sống và lợi lạc. Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn với gam màu hồng của tư duy tích cực khi con người có thể chuyển hóa hận thù thành bao dung, thông cảm, chuyển hóa hiểu lầm thành thấu hiểu, yêu thương.
Hôm nay, lướt tin buổi sáng, vào facebook nhà báo Thu Uyên, người phụ trách chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” (NCHCCCL), tôi đọc được câu chuyện về hai người con lưu lạc từ nhỏ, một người ở miền Nam và một người ở Thái Bình, đến khi tìm được mẹ thì những người con này không muốn nhận mẹ.
Trường hợp người con lưu lạc ở miền Nam: người mẹ già, ốm yếu tội nghiệp đã đăng ký với chương trình tìm con. Sau thời gian dài với nhiều nỗ lực đầy tâm huyết của những người làm chương trình,  người con lưu lạc đã được tìm ra. Đến lúc này, người con không muốn nhận mẹ, vì trong lòng người ấy còn hận mẹ với lý do “hồi nhỏ mẹ cho tôi đi để lấy 5 phân vàng”. Thế rồi, người mẹ ấy vừa mới mất khi chưa kịp gặp mặt con.

Thursday, September 27, 2018

GIỮ LỜI HỨA


Giữ lời hứa là cách làm tăng giá trị bản thân, tăng uy tín trong cộng đồng, tăng niềm tin yêu và thiện cảm của mọi người dành cho bạn mà không có tiền bạc hay thứ gì khác có thể đổi được.Giữ lời hứa nghĩa là bạn đang đem lại niềm vui cho người khác một cách thiết thực đến không ngờ.
Khi bạn hứa với ai là sẽ làm một điều gì đó cho họ, có nghĩa là bạn ở vị trí của người thi ân, bạn đang nuôi dưỡng trong tâm một điều thiện và tự thấy phải có bổn phận thực hiện điều này. Với người tử tế, lời hứa mang theo sự nhắc nhở thường trực trong tâm, là động cơ thúc đẩy bạn thực hiện lời hứa. Lời hứa là “tem bảo chứng” về giá trị con người và khi lời hứa được thực hiện là lúc mọi người có dịp kiểm chứng nhân cách của người hứa. Giữ lời hứa là cách làm tăng giá trị bản thân, tăng uy tín trong cộng đồng, tăng niềm tin yêu và thiện cảm của mọi người dành cho bạn mà không có tiền bạc hay thứ gì khác có thể đổi được. Giữ lời hứa nghĩa là bạn đang đem lại niềm vui cho người khác một cách thiết thực đến không ngờ.

Wednesday, September 12, 2018

SỐNG NĂNG ĐỘNG


Hãy sống năng động, hành động tích cực, làm lợi ích cho bản thân mình và cho người khác. Bằng mọi giá, phải sống có ích, thì bạn mới phần nào đền ơn cuộc đời này. Một người hạnh phúc không phải luôn có những hoàn cảnh tốt mà là người luôn có thái độ tốt trong mọi hoàn cảnh với cách sống năng động và dấn thân.
Có một người nọ cảm thấy mệt mỏi khi làm việc dưới sự chỉ đạo của người sếp bảo thủ, gia trưởng, coi nhân viên như người giúp việc. Ấm ức trong lòng mà không thể nói được, bạn ấy gồng mình chịu đựng. Từ một người năng nổ, nhiệt tình, bạn ấy dần biến thành một người thụ động, ù lỳ và chán nán. Hơn một lần bạn ấy có ý định chuyển chỗ làm, nhưng ngại phải bắt đầu từ vạch xuất phát khi chuyển chỗ làm mới, nên vẫn cứ phải gắng gượng cho qua ngày.

Saturday, September 8, 2018

SỐNG TỬ TẾ

Sự tử tế chẳng bao giờ mất cả và đó là vẻ đẹp bất tử của cuộc sống này. Nó luôn hiện diện ở mỗi con người. Khi không hiện, nghĩa là nó ẩn; nếu không ở hình thức này thì nó tiềm tàng ở hình thức khác. Sự tử tế nằm sâu kín nhất trong sự cảm thông, tha thứ, yêu thương và che chở.
Trong Luận Ngữ có chép rằng, khi Trọng Cung hỏi Khổng Tử thế nào là nhân, Khổng Tử đáp: “điều gì mình không muốn [người khác làm cho mình], đừng làm cho người (kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân). Là người tử tế, cần thể hiện lòng nhân theo nguyên tắc trên. Điều này cũng có thể ngầm hiểu rằng, “điều mình muốn người khác làm cho mình, thì mình cũng nên làm cho người khác.” (Kỷ sở dục, khả thi ư nhân). Muốn  nhận sự tử tế từ người khác thì bản thân mình trước hết cần sống tử tế.
Nguyên tắc thì ai cũng biết rành, hiểu rõ, mà ứng dụng trong cuộc sống thật xa vời. Ai cũng biết tử tế là một phẩm chất tốt, nhưng người sống tử tế thường chịu nhiều thiệt thòi và đây là lý do mà người sống tử tế trong xã hội ngày càng hiếm hoi hơn.

Friday, August 31, 2018

NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ CHE


Như voi chiến ra trận, bằng mọi giá, phải giữ chiếc vòi, vì đó là sinh mạng của nó. Cũng như vậy, người tử tế phải biết giữ lời nói của mình, tôn trọng sự thật, và điều này cần trở thành một phần trong nhân cách của bạn. Đây là yếu tố tạo nên niềm tin tưởng, sự yêu quý và nể trọng của người chung quanh dành cho bạn. Đặc tính của chân thật là tự nó có khả năng tỏa sáng ở mọi lúc mọi nơi, nên không thể che là vậy.
Đức Phật dạy, trên đời có ba thứ không thể che giấu lâu dài, đó là: mặt trời, mặt trăng và sự thật (Tăng chi bộ kinh, Chương III, phẩm XIII, kinh số 129: Che giấu).
Mặt trời, có khối lượng lớn gấp hàng ngàn lần khối lượng trái đất, là một lò lửa khổng lồ, cách trái đất mấy trăm triệu cây số, làm sao có thể che được? Mặt trăng tuy có kích thước và khối lượng nhỏ hơn trái đất (khoảng 2% khối lượng trái đất), cũng đã lớn lắm rồi, lại cách rất xa trái đất chúng ta đang sống thì làm sao chúng ta có thể che được? Do vậy, những ai chủ quan qua mặt người khác, làm như thể không ai biết chuyện ấy, trong khi mọi việc cứ bày ra rành rành đó, thì người ta hay mỉa mai rằng “đừng lấy tay che mặt trời” là vậy.

Sunday, August 26, 2018

ĐẠO QUÂN NÀO THẮNG?


Trong tâm chúng ta có hai đạo quân luôn tranh chiến quyết liệt không một phút giây ngừng nghỉ, đó là “hạnh phúc” và “khổ đau”. Nếu bạn tiếp lương và nuôi dưỡng đạo quân nào, đạo quân ấy sẽ mạnh mẽ hơn và chiến thắng. Quyền chọn lựa đứng về phía nào nằm trọn vẹn trong lòng bàn tay của bạn vậy.
Có người kể tôi nghe câu chuyện thế này. Một hôm, khi cô đang cắm điện nấu cơm cho bữa ăn trưa, bỗng nhiên cúp điện, nồi cơm vừa mới sôi lăn tăn. Không hề có sự chuẩn bị cho sự cố này, cô hơi bị động, kèm theo chút bực bội. Cô ấy liền lấy lòng nồi cơm điện bắc sang bếp ga để nấu tiếp. Vừa bật ga cô ấy vừa càm ràm trách móc “cái ông nhà đèn này, bực mình hết sức. Người ta đang nấu cơm, tự nhiên cúp điện à”. Thế rồi, nồi cơm cuối cùng cũng được nấu chín. Hôm đó, điện cúp đến 5 giờ chiều. Nóng nực khiến bực mình, cô đi ra đi vào, cầm điện thoại, coi bâng quơ như một cách giải tỏa tâm lý. Khi mở loạt tin nhắn chưa đọc, cô thấy tin nhắn báo lịch cúp điện. Thì ra, nếu biết thì mọi việc trở nên đơn giản vô cùng và có thể chủ động công việc của mình. Chỉ vì thiếu thông tin nên cô bị động và bực mình trách móc.
Thì ra…, cái “ông nhà đèn” bị oan!

Tuesday, August 14, 2018

NÓI TRONG CHÁNH NIỆM

Lời nói là phương tiện truyền thông đặc trưng nhất ở loài người. Đây là tặng phẩm đặc biệt cuộc đời dành riêng cho con người. Sử dụng lời nói hiệu quả là cách bạn biết trân quý món quà vô giá chỉ có ở con người để xứng đáng phẩm hạnh của một chúng sanh cao quý nhất giữa những loài hai chân.
Những bậc hiền triết xưa, những người có tài năng, trí tuệ và tâm lành, thường khuyên dạy chúng ta, trước khi nói, cần phải suy nghĩ thật kỹ những gì mình sắp nói. Cụ thể, suy nghĩ ở các phương diện sau:
(1)                 Điều mình sắp nói có đúng không?
(2)                 Điều ấy có đem lại lợi ích cho người nghe không?
(3)                 Có truyền cảm hứng tích cực cho người nghe không?
(4)                 Có cần thiết cho người nghe không?
(5)                 Bạn có tử tế khi nói ra điều này không?

Friday, August 3, 2018

CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU


Trong cuộc sống, con người luôn đối mặt với khổ đau. Khi khổ đau có mặt, hoặc bạn phải chịu đựng và quỵ ngã, hoặc bạn sẽ nỗ lực vươn mình tìm cách chuyển hóa, vượt qua và đứng lên ngay chỗ mình vừa ngã xuống. Chỉ những người sáng suốt mới làm được việc này và một khi làm được, bạn đã biết sử dụng khổ đau làm chất liệu để xây dựng cuộc sống hạnh phúc và bình an.
Nếu cầm một ly nước trong giây lát, ai cũng đã từng làm và biết rằng; không có vấn đề gì. Nếu cầm ly nước ấy trong một tiếng đồng hồ, cánh tay sẽ mỏi nhừ và đau nhức. Nếu liên tục trong 24 tiếng đồng hồ cầm ly nước có cùng trọng lượng như vậy trên tay, chắc hẳn phải đi cấp cứu!

Thursday, July 26, 2018

KHÓ KHĂN- ĐAU KHỔ LÀ CẦN THIẾT


Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa và thú vị nếu bạn xây cuộc đời mình bằng những giọt mồ hôi mặn chát của nỗ lực và vươn lên không ngừng, cộng với những giọt lệ rỉ ứa từ thất bại cùng với những dòng nước mắt hạnh phúc của thành công.
Đau khổ, bất toàn và không như ý là những sự thật hiển nhiên của cuộc đời như nắng, mưa, sông núi vẫn đang hiện diện gần gũi bên ta. Đã là sự thật hiển nhiên thì bạn không cần hoài công tránh né, vì “chạy trời cũng không khỏi nắng”. Sẽ là chọn lựa khôn ngoan nếu bạn học cách đương đầu với khó khăn, học kỹ năng chuyển hóa đau khổ và tập chấp nhận sự bất toàn và không như ý, cả ở trong ta lẫn ở ngoài ta.

Wednesday, July 18, 2018

HỌC KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG


Còn sống là còn học; còn học là còn tiến bộ và đây là cách tự tạo cơ hội cho bạn mỗi ngày mỗi tốt hơn để cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. Học là cả một quá trình không bao giờ có điểm dừng. Cuốn sách đời không có trang cuối cùng, và bạn chỉ có thể học khi chấp nhận mình còn nhiều điều chưa biết.
Một cô dâu mới về nhà chồng khá vụng về việc bếp núc. Dù trước khi làm đám cưới, cô có tham gia học một khóa nấu ăn ngắn ngày, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu, vì những gì học được vẫn chưa có thời gian để thực hành. Người mẹ chồng thấy con dâu không giỏi nấu nướng, nghĩ con gái thời nay không khéo nội trợ là chuyện bình thường, nên bà cũng thương mà thật lòng chỉ dẫn. Ấy vậy mà cô con dâu mới muốn lấy điểm với mẹ chồng, không muốn mọi người biết mình vụng về, cứ nghĩ đơn giản: mình coi những chỉ dẫn trên mạng, cùng chút ít kiến thức học được, rồi theo đó làm, sẽ được thôi. Thế là món nào cô cũng nói biết làm, biết nấu. Cuối cùng, đã hơn một tháng qua mà cô dâu mới vẫn lóng ngóng chưa nấu được một món ăn nào cho ra hồn. Cô cứ biện hộ “con thấy họ chỉ dễ quá, mà sao bắt tay vào làm nó không giống vậy”. May mắn người mẹ chồng rất bao dung và thông cảm, nói “không sao, con cứ tập, cứ học rồi sẽ thạo. Cái gì không biết, cần mẹ giúp thì cứ nói”.

Thursday, July 5, 2018

TỪ BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN


Biển cả mênh mông được tạo ra từ vô số giọt nước nhỏ; cây đại thụ trưởng thành từ chiếc mầm bé tí xíu mỏng manh; bao thành tựu vĩ đại của nhân loại có được nhờ những nỗ lực từng bước không mệt mỏi của con người. Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Để có thành công lớn, bạn phải biết trân trọng, chắt chiu từ những nỗ lực nho nhỏ mỗi ngày.
Cách đây không lâu, trong một lần về quê, tình cờ tôi gặp lại nhóm bạn học chung phổ thông. Qua thăm hỏi, tôi hiểu thêm về cuộc sống và công việc làm của các bạn. Nói chung, một số bạn thì mất liên lạc, còn lại ai cũng ổn theo cách riêng của mỗi người. Trong câu chuyện, các bạn có nhắc đến một người bạn, thời cấp 3 học khá tốt. Sau khi tốt nghiệp đại học, cũng như bao người mới tốt nghiệp khác, bạn ấy xin đi làm. Thế nhưng, qua nhiều lần xin việc, chỗ nào bạn ấy cũng chê lương khởi điểm thấp, công việc nặng nhọc, tính chất công việc không phù hợp với những gì được đào tạo… nên ba năm sau, khi các bạn khác cùng tốt nghiệp đại học đã ổn định công việc, bạn ấy vẫn thất nghiệp, vẫn chưa “hạ chuẩn” và chưa thôi ảo tưởng: làm phải đúng chuyên môn, phải làm thầy chứ không làm thợ. Sau đó, các bạn cùng lớp bặt tin bạn ấy cho đến nay, không biết cuối cùng, bạn ấy làm công việc gì và cuộc sống ra sao…

Monday, June 25, 2018

SÁCH "VỮNG LÁI THUYỀN ĐỜI"


Cuốn sách “Vững Lái Thuyền Đời” vừa ra mắt bạn đọc. Sách gồm 50 bài viết, dày 274 trang, giá bìa 45000 đồng (đã có trợ giá).
Liên hệ đặt sách: Hinh PackViet
Điện thoại: 01208493606 
Trên trang blog cá nhân, tôi sẽ lần lượt post các bài viết trong cuốn sách này: 

THAY LỜI TỰA

Cuộc đời là những chuỗi dài chập chùng duyên khởi. Mỗi người chúng ta có duyên gặp qua, mỗi nơi chúng ta có dịp dừng lại là một nhân duyên hội ngộ đầy ý nghĩa. Tất cả những duyên lành ấy đã ươm mầm cho những bài viết này, vốn được hình thành từ những câu chuyện rất đỗi đời thường mà người viết biết được qua các cuộc trao đổi, lắng nghe và đồng cảm với người trong cuộc.

Monday, May 28, 2018

MỪNG PHẬT RA ĐỜI


Người bình thường chỉ tổ chức sinh nhật khi còn sống, và thường chủ nhân phải mời, nhắc thì người khác mới nhớ đến ngày sinh của mình. Rồi sau đó, chỉ rất ít người thân trong gia đình còn nhớ đến ngày sinh của người đã mất và việc này cũng bị bụi thời gian phủ mờ để rồi ngày sinh của người đã mất dần trở thành dĩ vãng. Chỉ có những bậc vĩ nhân, sau khi không còn trên cõi đời, vẫn được nhiều người nhớ đến và kỷ niệm ngày sinh, bởi lẽ họ chưa từng chết, bởi lẽ họ vẫn còn truyền cảm hứng cho đời, bởi lẽ mọi người vẫn đang hưởng được nhiều lợi ích từ vị ấy.

Đức Phật là một bậc vĩ nhân của những bậc vĩ nhân, và Ngài vẫn đang sống giữa lòng nhân loại, dù Ngài đã cách xa chúng ta hơn 26 thế kỷ. Liên Hiệp Quốc đã quy định, ngày sinh của Ngài là ngày hội lớn của nhân loại, bởi bao người đang an vui và hạnh phúc nhờ sự có mặt của Ngài trên cuộc đời này.
Vui thay Phật ra đời!

Tuesday, April 24, 2018

YÊU THƯƠNG LÀ THIỆN CHÍ


Yêu thương ai cũng có nhưng yêu thương đúng cách không phải là điều dễ dàng. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng, thương yêu là phải thân cận đối tượng mình có cảm xúc yêu thương. Sự thật không hẳn như vậy.
Thương yêu một ai đó đúng nghĩa là thể hiện thiện chí, tâm lành với người đó, chứ không nhất thiết ở gần. Đức Phật dạy chúng ta tập thương tất cả mọi đối tượng, ngay cả người không ưa mình, thậm chí ghét mình nữa. Với người không ưa mình, thân cận họ là một nguồn khổ đau hơn là an lạc; do vậy, thương yêu những người này là tránh xa khỏi tầm ngắm của họ. Thậm chí nếu bạn có thể bao dung, bỏ qua, không giận dai mà người kia còn ôm hiềm hận, sự nỗ lực gần gũi, thái độ thân thiện để xóa bỏ ranh giới sân hận lúc này dễ bị hiểu lầm là “đạo đức giả”.
Cũng có người khi thấy bạn muốn thể hiện lòng yêu thương, liền nhanh chóng lợi dụng lòng tốt ấy. Với những người này, thương yêu là không yếu lòng trước những kịch bản thảm thiết mà họ rất khéo dàn dựng để lợi dụng bạn. Với người lười biếng, yêu thương là làm thế nào đánh động tâm thức họ để họ chịu đi làm, dù bị ghét cũng được.
Và rồi có rất nhiều loài động vật ngoài kia có thể cảm thấy sợ hãi với cách thể hiện tình thương bộc lộ ra bên ngoài của con người. Đối với chim trời cá nước, thương yêu chúng là tôn trọng môi trường sống tự nhiên của chúng, đừng bắt giữ, giam nhốt chúng trong lồng trong chậu để thỏa mãn đam mê của mình. Trong những trường hợp này, thiện chí được thể hiện từ một khoảng cách xa cần thiết, rằng bạn tự hứa với lòng mình không bao giờ làm hại những con người và những chúng sanh kia, trải rộng tâm thương yêu của mình bao phủ họ, mà không cần thân thiện, gần gũi hay chiếm hữu. 
Điều quan trọng là bạn cần biết thể hiện thiện chí thế nào cho phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, từng tình huống cụ thể. Nên nhớ, yêu thương là thiện chí, chứ không phải cứ một bề thân thiện, vỗ về, gần gũi và quan tâm mới là yêu thương!

Tuesday, April 10, 2018

THUẬN THEO NHÂN QUẢ

Gặp gỡ, quen biết ai trong cuộc sống này, ngẫm lại, có duyên mới gặp. Những mối quan hệ mà xã hội đặt để trách nhiệm như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân… lại càng có duyên sâu dày hơn, có thể duyên kết từ nhiều kiếp trước, chứ không chỉ một kiếp. Các mối quan hệ xã hội khác cứ ngỡ là mình có quyền chọn, thật ra là do “nghiệp của mình chọn” cũng quanh quẩn trong những duyên mình đã tạo từ trước.
Vậy đủ biết: người thân kiếp này phần lớn là người đã thân quen từ kiếp trước; bạn tốt kiếp này phần nhiều là người bạn đã đối xử tốt ở một hoặc nhiều kiếp trước; người gây phiền phức cho bạn hầu hết là người bạn đối xử tệ bạc ở kiếp trước. Hiểu như vậy để bạn không quá bận tâm vào những điều tưởng chừng như vô lý ở đời. Hiểu như vậy để bạn tiếp tục nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp đang có, hóa giải những hiềm hận, mâu thuẫn với những người bạn cho là “oan gia” với lòng bao dung, tha thứ để đừng dây dưa nợ nần qua những kiếp sau nữa.

Vì vậy, hãy sống tốt với người thân, hết lòng với bạn bè, rộng lượng thứ tha cho những người làm bạn tổn thương và coi đó là cách xin lỗi cho những sai lầm của mình đã trót làm trong vô minh ở những kiếp quá khứ.
Nhân quả là một quy luật khách quan vận hành qua nhiều kiếp sống, chứ không chỉ ở kiếp hiện tại này. Nếu bạn tin sâu nhân quả, bạn mới có thể ngưng thắc mắc về những điều bạn không thể lý giải bằng suy luận thuần túy. Nếu tin sâu nhân quả, bạn mới có thể sống hết lòng với người, dấn thân vì cộng đồng trong tinh thần thương yêu, bao dung và tha thứ.
Luật nhân quả mạnh lắm, nếu chọn cách sống thuận theo nhân quả, bạn sẽ có an lạc, thảnh thơi; nếu chọn cách đi ngược lại, bạn không đủ sức chống chỏi, như một mình đi ngược dòng thác đang ầm ào đổ xuống, bạn chỉ chuốc lấy đau khổ mà thôi.

Wednesday, April 4, 2018

NGÀY VÍA QUAN ÂM


Lễ lạy bồ-tát Quan Âm thật sự có ý nghĩa và lợi ích khi bạn đem tâm thành hướng về Ngài, một bậc bi-trí viên dung, coi Ngài là tấm gương sáng để soi lại chính bản thân mình, nỗ lực phát huy hai đức tính bi và trí vốn có nơi mỗi người chúng ta.
Hôm nay 19 tháng 2 ân lịch là ngày lễ vía Quan Âm.
Hình tượng bồ-tát Quan Âm trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người. Tôi vẫn thường thấy một số Phật tử về chùa, ra quỳ trước tượng đài Quan Âm, lâm râm khấn vái một hồi lâu và lạy có vẻ vô cùng thành tâm. Xong họ lại sát tượng, đưa hai tay chạm vào đài sen, nhón chạm đôi bàn chân trên tượng đài rồi vuốt lên tóc, miệng không ngớt thì thầm cầu nguyện. Ở nhiều chùa, nơi thân tượng Quan Âm, chỗ vừa tầm tay với, là một đoạn mòn bóng chỉ vì có quá nhiều người thường vuốt tượng rồi vuốt lên đầu như thể làm vậy sự cầu xin của mình thành tựu như ý. Người ta tha thiết cầu nguyện  như thể xin sự ban phát mọi điều tốt đẹp từ vị bồ-tát này.
Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, mà là rất phổ biến ở mọi vùng miền trên khắp nước ta. Theo tín ngưỡng văn hóa người Việt, mỗi năm có ba ngày lễ vía Quan Âm: 19/2, 19/6 và 19/9 âm lịch. Trong những dịp này, như một thói quen tâm linh, nhiều người quy tụ về chùa, hướng về bồ-tát Quan Âm, nguyện cầu Ngài từ bi hộ độ cho bản thân và gia đình được vạn sự an lành.
Tín ngưỡng Quan Âm trở nên phổ biến trong quần chúng, không chỉ đối với người theo đạo Phật mà với cả người không theo tôn giáo nào (theo đạo Ông Bà) bởi lẽ, hầu hết mọi người tin rằng có một vị bồ-tát có lòng từ vô lượng, trí tuệ siêu tuyệt, có khả năng nhìn thấu hiểu đúng, lắng nghe tiếng khổ của chúng sanh trong ba cõi mà ứng hiện cứu giúp. Vì lẽ đó mà họ ra sức cầu nguyện, tha thiết van xin để được cứu khổ, ban vui và đón nhận những gì may mắn nhất về phần mình.
Khổ ở khắp nơi: ngay cả trong tự thân của mỗi người, trong mỗi một tập thể nhỏ nhất là gia đình, ngay thềm cửa nhà mình cho tới nơi làm việc, chợ búa, hàng quán… đâu đâu cũng có nỗi khổ niềm đau có mặt. Do vậy, nếu có một vị bồ-tát có thể tiếp cứu vô số khổ đau cho chúng sanh ba cõi, thì không gì tuyệt vời hơn. Thế nhưng,  nếu hiểu rằng cứ thụ động ngồi đó chờ cứu giúp thì bạn đã sai rồi. Tin rằng có một đấng toàn năng có thể hô biến với đau khổ là điều hão huyền, bởi lẽ vạn pháp vận hành không ngoài sự chi phối của luật nhân-quả.
Hoàn toàn đặt niềm tin vào tha nhân là “phiên bản lỗi” về niềm tin trong Phật giáo. Đạo Phật nguyên chất không dạy con người nuôi dưỡng niềm tin mù quáng và thiếu cơ sở như vậy. Các chùa thường tổ chức cúng vía là dùng phương tiện để tiếp cận với nhiều thành phần trong xã hội. Đây là cách làm để tạo cơ hội cho bà con Phật tử có dịp về lễ Phật, tỏ lòng tôn kính đối với chư Phật và bồ-tát để nương vào các hạnh lành của chư Phật và bồ-tát, hâm nóng tâm nguyện lành, làm mới thân tâm… Tuy nhiên, nhiều người Phật tử bỏ qua tất cả những giá trị này mà thiên về lễ lạy, cúng bái, cầu nguyện chư Phật và bồ-tát với những gì mình mong ước, là không phù hợp với chủ trương của một đạo Phật – đạo của trí tuệ và từ bi.
Lễ lạy bồ-tát Quan Âm thật sự có ý nghĩa và lợi ích khi bạn đem tâm thành hướng về Ngài, một bậc bi-trí viên dung, coi Ngài là tấm gương sáng để soi lại chính bản thân mình, nỗ lực phát huy hai đức tính bi và trí vốn có nơi mỗi người chúng ta. Tin vào bồ-tát Quan Âm là một lòng tin tưởng vào những gì đã Ngài thành tựu, bạn cũng có thể thành tựu, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của mình, chứ không phải tin rằng Ngài có thể làm thay phận việc của bạn để bạn rảnh tay ngồi đó đợi hạnh phúc chạy về.
Niềm tin là mẹ của các công đức, là điểm xuất phát cho mọi hành trình và là nhân tố ban đầu quyết định mọi thành công. Tuy nhiên, chỉ có niềm tin chân chánh mới có thể đem lại những kết quả ấy.
Niềm tin chân chánh là phải tin vào chính mình. Niềm tin đúng sẽ cho ta động lực, năng lượng và sức mạnh để làm việc mình muốn. Ý tưởng tự tin vào chính mình là điều đức Phật nhấn mạnh ngay cả lúc Ngài sắp rời xa chúng đệ tử. 
Trước sau như một, đức Phật khẳng định vai trò chủ đạo của tự thân để những người bình thường như bạn và tôi, đừng có ảo tưởng mà giao hết vận mệnh của mình vào các thế lực bên ngoài. Chỉ có bản thân bạn mới có vai trò quyết định mức độ thành tựu những gì mình mong muốn. Tất cả những gì ngoài thân đều có giá trị trợ giúp và bạn chỉ có thể nhận được sự trợ giúp ấy khi đã nỗ lực tự thân vận động không ngừng nghỉ.
Thay vì cầu, nguyện, mong, chờ thì hãy tự tin bắt đầu làm phần việc của mình đi thôi!

Sunday, March 18, 2018

TỪ TỪ ĐI…

Mỗi lần máy bay hạ cánh, khi vừa đáp xuống đường băng, động cơ máy bay chưa tắt, hành khách đã vội bật điện thoại liên hệ với người thân đi đón, mặc dù tiếp viên thông báo yêu cầu chưa được phép mở điện thoại. Gấp gáp làm gì, từ từ đi!
Khi dừng ở bãi và chờ nhân viên mặt đất ráp thang, nhiều hành khách thiếu kiên nhẫn đã bắt đầu đứng dậy vội vàng lấy hành lý, rồi nôn nóng choán hết lối đi, bất chấp việc yêu cầu ngồi nguyên tại chỗ. Trên thực tế, trừ trường hợp khẩn cấp, tiếp viên không phải là người mở cửa máy bay, vì đây là nhiệm vụ của nhân viên mặt đất. Ai còn trong khoang máy bay đều phải chờ, mình nôn nao có ích gì, từ từ đi!

Cuộc sống mỗi ngày, nhất là ở các thành phố lớn, diễn ra hối hả từ sáng sớm. Khi đi ra đường, nhìn mặt ai cũng căng thẳng vì áp lực thiếu thời gian. Khi đèn giao thông từ vàng sắp chuyển qua đỏ là lúc chúng ta nên giảm tốc và dừng lại. Ấy vậy mà nhiều người tranh thủ vượt qua, bất chấp nguy hiểm, mới đến giữa ngã tư thì đèn đã chuyển sang đỏ và luồng xe bên kia đang ào tới. Nhiều tai nạn giao thông xảy ra do người cả hai hướng đều hối hả càn lướt lên theo kiểu này. Thậm chí nhiều người chở theo con nhỏ vẫn vội vàng chạy ẩu để nhiều em bé học từ cha mẹ mình để rồi khi lên lớp, cô giáo hỏi về các tín hiệu giao thông đã trả lời rằng “đèn xanh là được phép đi, đèn đỏ thì dừng lại, còn đèn vàng là tranh thủ vượt cho nhanh”. Nôn làm gì bạn, từ từ đi!
Đợi đèn đỏ, đồng hồ đếm ngược từng giây. Chỉ vài chục giây thôi mà nhiều người đi xe máy cứ càn tới, chen vượt lên, có khi cán lên cả chân người dừng xe phía trước, đèn chưa kịp bật xanh đã vội vàng rồ ga vượt lên, khi dòng xe hướng kia chưa kịp qua khỏi ngã tư, thật là nguy hiểm. Vội vàng chi lắm mà chạy như ma đuổi, từ từ đi!

Nhiều người sống vội vàng hối hả, lao mình theo công việc mà quên đi mọi thứ khác. Cuộc sống trở nên mất cân đối và một số phương diện có nhiều ý nghĩa và giá trị dần bị bỏ quên. Lắm người cả ngày không nói được lấy vài câu với người thân cùng sống chung một nhà, thở chung một bầu không khí với mình chỉ vì quá bận rộn với công việc, lúc nào cũng thiếu thời gian. Cuộc sống cứ hối thúc và lôi chúng ta vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền để càng ngày càng hối hả, càng lúc càng xa người thân. Đâu cần phải tất bật như vậy, từ từ đi!
Sống nhanh, sống vội, sống thực tế theo kiểu “mì ăn liền”, tôn trọng các giá trị sống thực dụng, chỉ quan tâm đến lợi nhuận vật chất trước mắt mà bỏ đi những giá trị đạo đức, tâm linh lâu dài, góp phần làm cho thức ăn, rau củ quả nhiễm độc tràn lan mọi nơi, để rồi bệnh viện ở tất cả các tuyến đều quá tải vì lối sống chụp giựt của nhiều người. Đâu cần phải kiếm tiền nhanh mà bất chấp, từ từ đi!
Nhiều người sống sòng phẳng đến mức lạnh lùng; khi vừa nhận từ ai món gì, họ nhanh chóng tìm cách trả món nợ ân tình ấy càng nhanh càng tốt, để khỏe nhẹ vì không muốn giữ trong tâm cảm giác mắc nợ. Họ không biết rằng, khi nào còn giữ trong tâm mình cảm giác ta mắc nợ người, mắc nợ cuộc đời, ta mới có trách nhiệm và sống tốt hơn. Có những thứ không cần vội vàng, hối hả, nôn làm gì, từ từ đi!
Người thân trong gia đình, bạn bè quanh ta… dần không còn vị trí quan trọng gì với bạn khi công việc và tiền bạc cứ xâm thực vào tâm và chiếm ưu thế, đòi chuyển nhượng hết “cổ phần” và các mối quan hệ tình thân nhạt dần theo năm tháng. “Ta vô tình nhẹ lướt qua nhau” cho đến lúc cảm nhận sự mất mát của người thân với tâm lý hụt hẫng, đã quá muộn để quay về. Hãy sống chậm hơn và trọn vẹn hơn với người thân, vội vã làm gì, từ từ đi!

Sống hối hả, tất bật thì không có thời gian cho suy nghĩ trước và đang khi hành động, không có thời gian để dừng lại và soi chiếu việc mình làm, nên cuộc sống trở nên hời hợt đến vô vị, khi chưa kịp cảm nhận và thưởng thức cuộc sống thì đã hết một đời. Ai cũng có mỗi một cuộc đời để sống, ai muốn thật sự “sống” với trọn vẹn nghĩa của từ này, hãy sống chậm. Đang sống trong bận rộn có nghĩa là đang chết trong bận rộn. Hãy sống chậm để hiểu thật rõ: sống ở đời, điều bạn thật sự cần và thật sự muốn là gì!

Wednesday, March 7, 2018

THẤU CẢM

1.    THẤU CẢM LÀ GÌ?

Thấu cảm không chỉ là thông cảm hoặc đồng cảm, mặc dù có sự liên quan giữa các trạng thái tâm lý này. Tiếng Việt ta có nhiều từ “thấu” rất hay như thấu hiểu, thấu đáo, đau hay lạnh thấu xương thấu tủy. Thấu có nghĩa là xuyên suốt, toàn diện, thấm nhuần, hòa lẫn, hòa nhập, giao thoa trọn vẹn. Vậy thấu cảm là sau khi cảm nhận, hiểu biết thấu đáo, hiểu tận ngọn nguồn, có sự thông cảm và đồng cảm khi chủ thể thâm nhập sâu hơn và hòa nhập vào tâm người đối diện như thể làm một.

Tuesday, March 6, 2018

KHÔNG AI NỢ BẠN BẤT CỨ MÓN GÌ

Sống ở đời, thường chúng ta ít khi hài lòng về người khác, hay trách móc, giận hờn… Sâu thẳm trong lòng, bạn thấy bạn xứng đáng nhận được nhiều hơn từ người khác. Có khi nào bạn tĩnh tâm ngồi nhìn lại chính mình, thử hỏi mình là ai để có yêu sách đó? Thử hỏi mình đã làm được gì cho người khác, cho cuộc sống đang cưu mang và phục vụ mình lâu nay? Liệu đòi hỏi nhận về của mình có quá nhiều so với những gì mình đã cho đi?

Hãy sớm nhận ra rằng không ai nợ bạn bất cứ món gì, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và không mong chờ điều gì từ bên ngoài, càng không thất vọng khi không được đáp ứng. Không ai phải có trách nhiệm yêu thương bạn. Đừng coi tất cả những gì bạn có là điều hiển nhiên mà không hề khởi tâm biết ơn. Có người chưa bao giờ biết mở miệng nói lời “cảm ơn” cũng không hề có biểu hiện gì của sự biết ơn, ngược lại còn than van, trách móc đủ điều. Nếu bạn làm thế, bạn sẽ đánh mất tất cả, vì bạn không còn xứng đáng để nhận gì. Những gì tốt đẹp không thuộc về bạn một cách mặc định, bạn buộc phải nỗ lực để xứng đáng với đặc ân đó.

Sở dĩ người ta yêu thương bạn vì nơi bạn có cái gì đó khiến họ hạnh phúc và thoải mái khi tương tác, thế là họ tự nguyện yêu thương. Khi hiểu rằng, những gì tốt đẹp người khác dành cho bạn, đó là do bạn đã xứng đáng được nhận những thứ đó, bạn có đủ lý do để tự hào về tình yêu thương, sự quan tâm ấy. Sự tôn trọng, quý mến của người khác dành cho bạn, thật ra là do chính bạn đã xây dựng nên. Điều này cũng có nghĩa, bao lâu bạn còn xứng đáng, là bạn còn sống trong tình yêu thương của mọi người.
Hãy để người khác đến với bạn bằng tình yêu thương tự nguyện chứ không phải tình thương “từ thiện” khi ở vào một vị trí nào đó trong mối quan hệ tình thân mà xã hội đã đặt để!

Thursday, March 1, 2018

RẰM THÁNG GIÊNG

Dân gian có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Ngày trăng tròn đầu tiên trong năm được coi là một lễ hội quan trọng bởi lẽ đây là thời điểm mọi người đặt vào tâm niệm bao lời ước nguyện, mong muốn một năm tròn đầy sự an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển viên mãn như ánh trăng tròn kia. Thế nhưng, cầu nguyện đúng nghĩa là gắn vào tâm một “tự kỷ ám thị tích cực”, tạo một cú hích tâm lý, lập một niềm tin kiên định rằng bản thân mình phải sống và hành động để có sự viên mãn này. Nếu bạn muốn có một cuộc sống hạnh phúc, hãy coi sự mong muốn là khởi điểm, là động cơ, là niềm tin, là phương châm sống để tạo nhân an lành.

Cầu nguyện suông là “quái thai” của niềm tin Phật giáo. Cứ “khoán trắng” cho các bậc thần linh, trời đất và bản thân bạn không hề hướng đến sự bình an bằng những việc làm cụ thể và thiết thực của hành động, tư duy và lời nói thì đợi suốt kiếp bạn cũng không an, vì nó trái với luật nhân-quả.
Thay vì tin phước lộc tự dưng đến nhờ cầu nguyện, hãy tin luật nhân quả. Đây là sự thật của các sự thật, là tôn giáo của các tôn giáo, là chân lý không bao giờ thay đổi. Không gieo thì không có cái để gặt; không tạo nhân an lành mà muốn an lành là điều xưa nay chưa từng có!


Wednesday, February 28, 2018

CÁI HÒA

Sống ở đời, hãy tìm cái hoà trong các mối quan hệ. Nếu cố công tìm lấy sự chiến thắng thì cái giá phải trả lớn lắm! Có khi phải sống quãng đời còn lại trong trong áy náy và bất an. Hãy bình tĩnh suy nghĩ trước khi đánh đổi. Ai hiểu được kiếp người quý giá ra sao, ý thức được làm người hạnh phúc hơn bao loài khác thế nào sẽ biết cách sử dụng giá trị của con người một cách ý nghĩa nhất. Khi ấy, con người sẽ sử dụng năng lượng để sống hòa hợp thay vì dùng năng lượng ấy để gây hấn và tranh đấu.

Saturday, February 24, 2018

ĐỪNG BỎ HÌNH BẮT BÓNG!

Mỗi người chúng ta sống giữa đất trời mênh mông với thời gian vô cùng không gian vô tận. Hiện tại ngay bây giờ, ngay ở đây là những gì đầy đủ nhất, nhiệm mầu nhất mà cuộc sống đã ban tặng.
Đừng nghĩ nhớ về quá khứ. Bạn thấy đó, nhìn về quá khứ, với những gì đã xảy ra, dù có đẹp như mộng, hạnh phúc như mơ, dù có làm bạn thỏa mãn đến tận cùng của hạnh phúc thế gian thì giờ cũng không còn; chính vì không còn thì chúng mới thành “quá khứ”, nếu còn kéo dài đến giờ, chúng được gọi bằng một cái tên khác là “hiện tại” rồi!
Đừng mơ tưởng tương lai. Sẽ không có gì chắc chắn khi tương lai còn ngoài tầm tay với, như áng mây trời thấp thoáng xa tít trên đỉnh núi còn mờ sương mai. Nhiều người tự cho mình là người biết lo xa nên ngồi mơ tưởng đủ thứ tốt đẹp, nhưng toàn là mơ ước viển vông treo tận ngọn cây! Thế rồi chống chế “ước mơ không tốn tiền, chuyện gì không mơ!” Liệu có ích gì khi dùng năng lượng và thời gian hiện tại chỉ có ở lúc này làm điều vô ích như vậy chứ?
Thời điểm giao thời trong dịp Tết thế này là lúc chúng ta ôn lại quá khứ để có bài học, chứ không phải nhắc lại để hâm nóng khổ đau, tiếc nuối hạnh phúc đã xa bay. Đây cũng là thời điểm để nhìn về tương lai tràn đầy hy vọng như một định hướng thực tế cần đầu tư ngay trong hiện tại, bắt đầu từ nơi bạn đứng, ngay từ bây giờ, chứ không phải viển vông ảo tưởng!

Hiện tại gói trọn bài học từ những thành công và thất bại, từ niềm vui cùng nỗi buồn trong quá khứ và mang đầy tiềm năng, sức khỏe và năng lượng dồi dào nhất cho cuộc sống phía trước ở tương lai. Hiện tại là tất cả! Hãy sống thật trọn vẹn với hiện tại nhiệm mầu, vì hiện tại chỉ có một mà thôi: đó là bây giờ và ở đây!

Saturday, February 10, 2018

TẾT – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN TU TẬP

Tết Nguyên đán là thời điểm chuyển giao của năm cũ sau khi hoàn thành một chu kỳ thời gian bốn mùa để bước sang năm mới. Đây là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất trên khắp đất nước. Với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi giai tầng xã hội, từ thành thị đến thôn quê, từ miền Bắc đến miền Nam đất Việt, Tết là thời điểm vô cùng đặc biệt, quan trọng và thiêng liêng. Đây là lễ hội thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, thể hiện sự giao hoà giữa con người và con người cũng như giữa con người và thiên nhiên. Bên cạnh những giá trị nhân văn, đạo đức và thẩm mỹ trong lễ hội truyền thống này, dưới cái nhìn Phật pháp, Tết còn là cột mốc để nuôi dưỡng tâm linh trong pháp lành và điều này góp phần làm cho lễ hội truyền thống này càng thêm nhiều giá trị.

Thursday, February 1, 2018

HỌC KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG

Một cô dâu mới về nhà chồng khá vụng về việc bếp núc. Dù trước khi làm đám cưới, cũng có tham gia học một khóa nấu ăn ngắn ngày, nhưng rồi chẳng đâu vào đâu, vì những gì học được vẫn chưa có thời gian để thực tế. Người mẹ chồng thấy con dâu không giỏi nấu nướng, nghĩ con gái thời nay không giỏi nội trợ là chuyện bình thường, nên bà cũng thương mà thật lòng chỉ dẫn. Ấy vậy mà cô con dâu muốn lấy điểm trong mắt mẹ chồng, không muốn mọi người biết mình vụng về, cứ nghĩ đơn giản coi những chỉ dẫn trên mạng rồi theo đó làm. Thế là món nào cô cũng nói biết làm, biết nấu. Cuối cùng, đã hơn một tháng qua mà cô dâu mới lóng cóng chưa nấu được một món ăn nào cho ra hồn. Cô cứ biện hộ “con thấy họ chỉ dễ quá, mà sao bắt tay vào làm nó không giống vậy”. May mắn người mẹ chồng rất bao dung và thông cảm, nói “không sao, con cứ tập, cứ học rồi sẽ thạo. Cái gì không biết, cần mẹ giúp thì cứ nói”…

Ở đời, cái gì nửa vời cũng không đi đến đâu. Trong số những thứ nửa vời, biết nửa vời là cái nguy hiểm nhất. Khi bạn biết nửa vời mà chính bản thân bạn không ý thức điều này, tưởng “trạm trung chuyển” đã là bến đỗ, bạn sẽ mạnh dạn hành động một cách ngu xuẩn mà không e dè gì! Cho đến việc không có kết quả như mong muốn, vỡ lẽ ra thì mọi việc đã quá muộn màng, không còn cơ hội để sửa sai nữa rồi.
Vẫn biết vậy nhưng nhiều người vì sỉ diện hão nên muốn thể hiện một diện mạo hoàn hảo trong mắt mọi người. Thế là dù chỉ biết đại khái, nửa vời họ vẫn nhận bừa là biết. Đến khi “lỡ đường lỡ bột” thì họ lại biện hộ bằng nhiều cách để đẩy trách nhiệm về người khác hoặc đổ thừa cho hoàn cảnh. Một trái xoài chín thì vỏ nó tự chuyển sang màu vàng và cơm tự mềm, cho mùi thơm và vị ngọt. Nếu nhuộm màu cho vàng, nắn bóp cho mềm cơm thì trái xoài xanh ép chín kia cũng không thể nào cho mùi thơm và vị ngọt.
Không biết không có gì xấu, chỉ có không trung thực, che chắn bằng mọi cách mới là chướng ngại trên con đường học hỏi và tiến bộ của bản thân mà thôi! Khổng Tử từng dạy một câu rất hay “biết thì nói biết, không biết nói không biết. Đó mới thật là biết”. Mình cứ thật lòng, ai cũng thương quý và hết lòng chỉ dạy những chỗ chưa biết của mình. Thay vì vòng vo như vậy, bạn hãy mạnh dạn xác nhận mình có “biết” hay “không biết”.
Nếu biết đến nơi đến chốn, khi bắt tay vào việc là chỉ có làm, chỉ có hoàn thành và hoàn hảo mà thôi. Biết nửa vời mà cố chấp cho là đã “chín”, bạn dễ dàng làm cho người khác bực mình, không tin tưởng và nhiều hậu quả bi đát trở về với bạn như một sự phản hồi trung thực nhất về sự tắc trách của bản thân. Sự khoe mẽ mà ngôn ngữ bình dân gọi là “nổ” sẽ không giúp gì cho bạn, chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi.
Nếu không biết, cũng chẳng sao, ai mà chẳng có nhiều điều chưa biết. Bạn không cần phải giấu cái dốt của mình một cách khờ khạo như thế. Cứ thẳng thắn chấp nhận nơi mình đang đứng, chỗ mình chưa biết để còn được học hỏi, để có cơ hội thực tập và dần thuần thục. Cứ ảo tưởng như rót nước ngọt có ga mạnh tay, thoạt nhìn thì đầy ly, để tí xíu ga lắng xuống thì thực chất chỉ có tí xíu. Cách tốt nhất để sống thoải mái là hãy sống “thật” mà không phải cố gồng lên để bao bọc, che chắn bản ngã của chính mình.
Nếu không biết, hãy chấp nhận không biết là cách sống khôn ngoan và chân thật để còn có cơ hội học hỏi và để người khác thương mà tận tình chỉ bảo cho. Còn sống là còn học; còn học là còn tiến bộ và đây là cách tự tạo cơ hội cho mình mỗi ngày mỗi tốt thêm lên. Học là cả một quá trình không bao giờ có điểm dừng.
Mỗi ngày qua, sách đời lật sang một trang với bao bài học mới mẻ và bổ ích. Cuốn sách đời không bao giờ có trang cuối cùng các bạn ơi!

Tuesday, January 23, 2018

TỪ BƯỚC CHÂN ĐẦU TIÊN!

Cách đây không lâu, trong một lần về quê, tình cờ tôi gặp lại nhóm bạn học chung phổ thông. Qua thăm hỏi, tôi hiểu thêm về cuộc sống và công việc làm các bạn. Nói chung, một số bạn thì mất liên lạc, còn lại ai cũng ổn theo cách riêng của mỗi người. Trong câu chuyện, các bạn có nhắc đến một người bạn, thời cấp 3 học khá tốt. Sau khi tốt nghiệp đại học, cũng như bao người tốt nghiệp khác, bạn ấy xin đi làm. Thế nhưng, bạn ấy không chịu làm nhân viên thường mà muốn làm lãnh đạo vì bạn ấy học chuyên về quản lý! Thế rồi qua nhiều lần xin việc, chỗ nào bạn ấy cũng chê lương khởi điểm thấp, công việc nặng nhọc, tính chất công việc không phù hợp với những gì được đào tạo… nên ba năm sau, khi các bạn khác cùng tốt nghiệp đại học đã ổn định công việc, bạn ấy vẫn thất nghiệp và vẫn chưa “hạ chuẩn” và vẫn chưa thôi ảo tưởng: vào là làm sếp chứ không làm lính! Sau đó, các bạn cùng lớp bặt tin bạn ấy cho đến nay, không biết cuối cùng, bạn ấy làm công việc gì và cuộc sống ra sao…

Monday, January 15, 2018

ƠN ĐỜI, ƠN NGƯỜI…

Có lần chúng tôi đến thăm một ngôi nhà mới theo lời mời của gia chủ. Nhà mới, mọi thứ tiện nghi, khang trang. Chủ nhà dắt khách đi từng phòng, giới thiệu chức năng của mỗi nơi cùng cách bố trí đồ nội thất trong nhà. Sau khi giới thiệu xong một phòng, chủ mời khách sang phòng kế tiếp. Người chủ nhà đưa khách rời phòng mà không hề tắt đèn và quạt. Thế là một sư cô nhắc “tắt đèn quạt chú ơi” thì chủ nhà bảo “kệ đi sư cô, để cho sáng mát tí có sao. Không hết bao nhiêu điện đâu”. Tôi chợt nghĩ ra, đây không phải là người đầu tiên và là càng không phải người cuối cùng suy nghĩ theo hướng này. Đâu phải chúng ta có đủ tiền trả hóa đơn điện là chúng ta có quyền xài điện phung phí sao?

Tuesday, January 9, 2018

KHÔNG NÊN LO LẮNG!

Thường bạn hay lo lắng rất nhiều điều trong cuộc sống…
Lo lắng về tương lai, một thứ lo lắng không cần thiết nhưng “ngốn” rất nhiều năng lượng! Tương lai là một phương trời mịt mờ vô định, vậy mà chúng ta cứ lo lắng, dù rằng không thể nào can thiệp được…. Có lúc bạn dành quá nhiều năng lượng và thời gian để lo lắng cho rất nhiều chuyện trong tương lai nhưng rồi nó không xảy ra, bạn lại tự an ủi, biện hộ “kệ, dù sao lo vẫn còn hơn không”, mà vẫn không lý giải được cái “hơn” đó là gì! Ngày nào cũng có quá đủ nỗi khổ của ngày đó rồi, sao lại đeo mang thêm nỗi khổ lo lắng cho ngày mai khi không có gì là chắc chắn? 

Thường bạn hay lo lắng việc của người khác, khi bạn hoàn toàn không có khả năng can thiệp vào. Loại lo lắng vô lý này thường thấy xuất hiện ở cha mẹ khi nghĩ về con cháu. Các đấng sinh thành thường pha trộn tình cảm thương yêu và sự bất lực của mình đối với công việc của con cháu thành một thứ chẳng giúp được gì cho ai, đó là lo lắng. Cha mẹ lo lắng cho con dần thành một thói quen khó bỏ. Nếu được ai đó khuyên đừng nên lo lắng nữa, vì đó là chuyện của con cháu, cứ để tụi nó tự đương đầu, tự giải quyết, lo cũng không được gì… thì bạn sẽ nhận được câu trả lời: “người chứ phải gỗ đá gì mà không biết lo!” Tưởng tượng và suy diễn là thức ăn để nuôi dưỡng lo lắng trong trường hợp này để một việc nhỏ xíu cũng có thể trương phồng to như quả núi bóp nghẹt con tim!
Khi bạn cảm nhận rằng những người xung quanh đang kỳ vọng vào bạn nhiều hơn khả năng của bạn. Vì không muốn làm người khác thất vọng, bạn đang chịu một áp lực không nhỏ để trở thành mẫu người mà người khác muốn: bạn lo lắng! Thật vô ích khi làm như vậy, vì dù nhón chân vói tay, bạn vẫn không thể làm những điều ngoài khả năng vốn có của mình. Thêm nữa, bạn chọn cách sống để làm vừa lòng người khác, không phải sống cho mình, mà lại không đủ khả năng để làm điều đó, bạn tự chuốc lấy sự căng thẳng, bất an là điều không thể tránh khỏi.

Lo lắng những điều không mang lại cho bạn một giải pháp thiết thực chẳng khác nào như đang ngồi trên chiếc chiếc ghế bập bênh (rocking chair), thấy có đong đưa chuyển động, nhưng chẳng đưa bạn đi tới đâu cả! Lo lắng cũng giống một con chuột chạy trên bánh xe, cứ lòng vòng rồi cũng chẳng tới đâu. Có chăng, nó chỉ tạo nên một cảm giác ảo như thể đang chuyển động! Lo lắng không thay đổi bất cứ điều gì ngoại trừ làm cho bạn đau khổ.
Không phải chuyển động nào cũng đưa ta đi tới! Nếu sự lo lắng không giúp bạn tìm được giải pháp, nó sẽ khiến vấn đề của bạn tồi tệ hơn hoặc tạo thêm vấn đề khác cho bạn và tạo áp lực không cần thiết cho những người thân chung quanh.
Lo lắng chỉ cần thiết khi đó đồng nghĩa với sự lưu tâm và là biểu hiện tinh thần trách nhiệm của bạn đối với những việc bạn sẽ phải làm. Mà có chăng, cũng chỉ nên lo lắng ở mức vừa phải, đủ để tạo một cú hích tâm lý cho bạn có sự chuẩn bị chu đáo nhất trước khi bắt đầu việc đó mà thôi. Còn ngồi đó mà lo suông, lo “chay” những điều xa vời ở tận đâu đâu thì thật là uổng phí cuộc đời!

Những nghiên cứu về lo lắng đã chỉ ra những số liệu thống kê sau: 40% những lo lắng chẳng bao giờ xảy ra. 30% những gì ta lo lắng đã xảy ra rồi. 12% là những nỗi lo không cần thiết (ví dụ người khác nghĩ về bạn như thế nào) 10% là những điều nhỏ nhặt, không quan trọng (như việc lo ăn gì, mặc gì…), 8% những gì ta lo ngại thực sự xảy ra. Trong số đó 4% những âu lo xảy ra là ngoài tầm kiểm soát của mình và chúng ta không thể làm gì để thay đổi kết quả. Những nỗi lo này có thể bao gồm sức khỏe, chết của người thân hay một thiên tai nào đó. 4% những lo lắng còn lại là lo lắng về những điều mà chúng ta không thể hoặc nếu có, cũng rất ít sự toàn quyền kiểm soát và can thiệp.
Như vậy, trang bị những kỹ năng nhận định, xoay xở  và giải quyết vấn đề, giữ tâm bình thản khi đối mặt với thực tế hóa ra lại dễ chịu đựng hơn nhiều so với những nỗi lo lắng bạn tạo ra để tự hành hạ tâm mình! Dale Carnegie trong cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” khuyên chúng ta rằng “hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất” là nghệ thuật để giảm thiểu những lo lắng không cần thiết vậy.
Nên nhớ: Lo lắng không làm vơi cạn những phiền toái của ngày mai, mà nó vắt cạn sức sống của ngày hôm nay. Lo lắng không thể lấy đi những phiền toái của ngày mai, nhưng nó lấy đi sự bình an của ngày hôm nay!