Wednesday, December 16, 2015

CHUNG SỐNG NHẸ NHÀNG VỚI MỌI NGƯỜI

Đến với cuộc đời này, ta mang nặng ân tình nhiều người, từ cha mẹ, ông bà tổ tiên huyết thống đến cả những người không quen đã góp mặt trong dây chuyền duyên sinh để ta có cuộc sống hiện tại. Ta sống đây là nhờ ơn của bao người, dù ta có ghi nhận điều này hay chối bỏ, nhưng sự thật là như vậy. Do vậy, ta cần phải có bổn phận và trách nhiệm với cuộc sống này để trả ơn những gì ta đang thọ hưởng. Trả ơn có nhiều phương diện và nhiều cấp độ. Ở cấp độ thấp nhất là ta phải tự biết lo cho bản thân mình để đừng trở thành gánh nặng cho ai. Ta biết tự định hướng cuộc sống mình để đừng làm phiền đến ai khi chưa thật sự cần thiết. Nếu ta không đóng góp được gì cho lợi ích chung của nhiều người thì ít ra cũng đừng để người khác phải lo cho mình. Làm được như thế, ta đã phần nào đền ơn cuộc đời này với sự có mặt của mình. Để có thể làm được những điều tưởng chừng bình thường và đơn giản này, ta cần phải khắc sâu và thực hành thường xuyên một số nguyên tắc căn bản trong cuộc sống để chúng trở thành một phần trong nếp sống thường ngày như cơm ăn, nước uống, khí thở thiết thân với mình, cụ thể:

Siêng năng

Con người được sinh ra với một ít khả năng và rất nhiều tiềm năng. Cùng với thời gian, sự nỗ lực, ý chí và nghị lực của con người sẽ biến tiềm năng thành khả năng để phục vụ cho đời sống. Hiểu biết và phát huy tối đa tiềm năng con người là điều thu hút sự quan tâm không chỉ ở mức độ cá nhân mà còn của cả xã hội. Một người bình thường chỉ có thể sử dụng tối đa 10% chức năng của não, còn 90% kia vẫn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác và phát huy. Theo nhiều tài liệu khác thì con người thường chỉ sử dụng 3-5% năng lực bộ não. Xin trích dẫn trở lại những con số này để bạn tin một điều: tiềm năng để phát triển, học tập, xử lý vấn đề, hoàn thiện bản thân… trong bạn là con đường rộng mở và thênh thang biết chừng nào. Tiếc rằng bấy lâu nay chúng ta lo đi tìm kiếm khắp nơi để “đem vào”, hấp thụ kiến thức và thông tin về thế giới bên ngoài, những chuyện thuộc về quá khứ, hoặc những điều nằm ở tương lai chưa xảy đến… mà không học cách sử dụng hiệu quả khối cơ thể nặng khoảng 1,4 kg nằm ngay phía trên cổ nhưng dường như quyết định phần lớn đời mình. Chỉ cần siêng năng một cách có phương pháp và nghệ thuật, ta có thể khơi nguồn mạch để dòng suối trí tuệ tuôn chảy từ bên trong vốn không giới hạn.
Chính siêng năng là cách ta khám phá, khai thác và phát huy tiềm năng của mình. Chính siêng năng, ta nhận ra sự tác động tích cực của mình vào cuộc sống để làm thay đổi chính mình và góp phần thay đổi cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Hầu như trong chúng ta, ai cũng biết lười biếng là một tật xấu, nhưng lại không chịu nỗ lực để thắng bệnh lười ấy mà còn tìm đủ lý do để biện hộ cho sự lười biếng của mình, nào là tôi không gặp may mắn, nào là không đủ thời gian, nào là điều kiện không cho phép, nào là thiếu vốn làm ăn chứ không phải tôi không chăm làm, nào là  sức khỏe không cho phép chứ không phải tôi không muốn bắt đầu, nào là bị cấp trên không ưa đì đọt nên tôi không thể thăng tiến trong công việc, nào là “lực bất tòng tâm”...
Muốn tiến bộ, chúng ta cần thành thật với bản thân chứ đừng tự lừa dối mình và dối người, cố tìm ra lý do để hợp lý hóa, miễn sao không phải lỗi của bản thân là được, việc đến đâu, ra sao thì ra. Hãy tập nói: “Tôi không có lý do chính đáng nào để bào chữa cho việc này, thực sự rằng tôi có thể, chỉ vì tôi chưa thật sự nỗ lực mà thôi”. Và đừng chần chừ gì nữa, hãy hành động! Khi bạn đã nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình rồi, kết quả thế nào, bạn cũng nên hoan hỷ chấp nhận, vì khả năng mình chỉ có chừng ấy mà thôi, dù đã kiễng chân vói tay rồi mà cũng chỉ bấy nhiêu, thì hãy hài lòng với chính mình. Nhược bằng chưa phát huy hết những gì mình có, ta có lý do chính đáng để không hài lòng về mình và quyết tâm nhiều thêm nữa.

Cần phải “biết”, chứ không phải “tưởng” là…, “nghĩ” là…

Đừng bao giờ nói chữ “tưởng” hay “nghĩ”, vì đây là cách gián tiếp phủ nhận trách nhiệm của mình. Thay vì vòng vo như vậy, bạn hãy mạnh dạn xác nhận mình có “biết” hay “không biết”. Nếu biết, thì không còn mờ ảo “tưởng” với “nghĩ” ở đây, mà xác quyết rõ ràng mình làm gì, vì mục đích gì, phương cách thực hiện thế nào cho có hiệu quả… Nếu không biết, cũng chẳng sao, ai mà chẳng có nhiều điều chưa biết. Bạn không cần phải giấu cái dốt của mình một cách khờ như thế. Cứ thẳng thắn chấp nhận mình không biết để còn được học hỏi, để có cơ hội thực tập và dần thuần thục. Để có thể sống “thật” với những sự kiện thật (từ thật ở đây cũng mang tính tương đối trong thế giới tục đế này thôi) mà không phải sống với “tưởng” và “nghĩ”. Trước khi thực hiện một việc gì, bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng, cẩn thận mọi chi tiết để khi bắt tay vào việc là chỉ có biết, chỉ có làm, chỉ có hoàn thành và hoàn hảo mà thôi. Cứ đem cái luận điệu “tôi tưởng”, “tôi nghĩ” thì đi đến đâu, bạn cũng dễ dàng làm người khác bực mình, hậu quả bi đát trở về với bạn như một sự phản hồi trung thực nhất về sự tắc trách của bản thân để rồi tự chuốc lấy sự không hài lòng, mất thời gian, công sức, có khi cả tiền bạc nữa cho việc dựa theo suy đoán của mình mà không căn cứ trên các nguyên tắc nhất định.
Cần phải luôn BIẾT để đáp ứng nhu cầu công việc và xoay xở với những tình huống trong cuộc sống. Biết có nghĩa là luôn tìm hiểu thông tin liên quan, đọc kỹ, làm đúng nguyên tắc, kiểm tra hai lần, ba lần để biết thông tin có chính xác hay không. Đừng tạo cơ hội cho sự “tưởng” - đồng nghĩa là tạo cơ hội cho sự rủi ro với tính cẩu thả và vô trách nhiệm của mình. Nếu không biết, hãy nói không biết để còn có cơ hội học hỏi hoặc nói bạn sẽ kiểm tra lại thông tin. Chỉ khi nào thành thật nhận ra cái mình không biết, bạn mới thấy được lỗ hổng kiến thức nào để kịp thời bổ sung. Đừng vì xấu hổ mà lấp liếm bằng những phỏng đoán cảm tính thiếu cơ sở của mình, hậu quả có thể sẽ nghiêm trọng hơn cần thiết. Tự ti càng tự ti hơn, mặc cảm dập dồn mặc cảm với thái độ sống thiếu chân thật của mình.

Không chủ quan, không ỷ lại

Trong mọi công việc, người ta thường thất bại chỉ vì quá chủ quan. Muốn hoàn thiện bản thân và tạo sự dễ chịu cho người xung quanh, bạn không nên chủ quan. Chủ quan và ỷ lại người khác khi đã giao việc rồi là cặp song sinh của cùng một gia đình! Hễ chủ quan, bạn có thể phó mặc cho người khác. Ngay cả khi giao việc cho người khác rồi, cũng không có nghĩa bạn hết trách nhiệm đâu. Bạn vẫn luôn phải là người theo dõi, giám sát, kiểm tra và chịu trách nhiệm. Người ta nói “cẩn tắc vô áy náy” quả không sai đâu.
Công việc nào bạn đã nhận, nó trở thành của bạn và bạn không được lơ là bỏ đó, rồi quên bẵng đi, hoặc nghĩ rồi người khác sẽ thay mình làm việc ấy thôi, hoặc chuyển giao ngay cho người khác một cách vô trách nhiệm, còn bạn chỉ là người lập công theo kiểu “ăn hoa hồng” với người cấp trên, ngụy tạo rằng chính bạn là người làm công việc ấy, thì không phải là người đàng hoàng rồi. Với cách này, bạn mất điểm rất nhiều trong mắt người xung quanh. Bạn, chính là bạn, hãy luôn làm chủ công việc chứ đừng chủ quan mà “khoán trắng” cho người khác để hết trách nhiệm, để rồi khi có sơ suất gì thì mới vỡ lẽ ra mình không biết gì cả. Không ai thích cộng tác với người chủ quan và ỷ lại vào người khác như thế.

Cẩn trọng và nghiêm túc trong công việc

Cẩn trọng và nghiêm túc trong công việc tạo niềm tin tưởng cho cấp trên khi đã giao việc cho mình và tạo nên tình cảm tin yêu và thoải mái cho những người cùng làm việc với mình. Cái tật làm việc ẩu không chỉ đem lại hậu quả không tốt đẹp cho mình mà tạo ấn tượng vô cùng tiêu cực cho người quanh ta. Nếu bạn làm việc ẩu, làm cho nhanh, cho qua, làm lấy lệ, làm tàm tạm và nghĩ vậy là được rồi, thì sẽ không bao giờ bạn có cơ hội có được niềm vui thưởng thức thành quả lao động hoàn hảo của mình. Bạn sẽ không bao giờ biết đến sự hài lòng vốn là kết quả của bao công sức bỏ ra và được đền bù xứng đáng. Khi làm ẩu, ta thể hiện tính lười biếng, cẩu thả, đặt ra tiêu chuẩn thấp, thậm chí không có chuẩn nào cả, được chăng hay chớ cho các công việc mình làm. Với người kỹ tính, họ luôn có sự cầu toàn trong công việc, nỗ lực tối đa trong khả năng có thể, cẩn trọng và nghiêm túc trong từng chi tiết nhỏ nhất của công việc để có kết quả tốt nhất có thể.
Khi đã tận tâm, tận lực cho công việc, ta đón nhận kết quả với sự trân trọng vô cùng, vì đó là sản phẩm được kết tinh từ sức lao động và tâm huyết của bản thân mình. Nếu không thể đặt toàn tâm toàn lực vào công việc, tốt nhất là đừng làm. Làm qua loa chỉ thêm gây phiền cho người khác. Với tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, hễ làm công việc gì, ta cũng biết cách để thích và tìm được niềm vui trong công việc. Nếu không làm được việc mình thích, thì hãy tìm cách thích việc mình miễn cưỡng. Làm như chơi, học như chơi, sống như dạo chơi trong cuộc đời, mỗi ngày trôi qua là một ngày tràn ngập niềm vui và tròn đầy ý nghĩa. Cuộc sống là vậy, muốn sự hiện diện của mình có ý nghĩa mà không phải chỉ là sự tồn tại “vô duyên”, hãy làm tốt nhất những gì mình có thể.