Monday, December 25, 2017

TÌM CHỖ ĐỂ CẢM ƠN CHO ĐÚNG!

Ngày xưa, đức Phật dạy, chỗ lý tưởng nhất cho chư tăng ni ở là một nơi không quá xa khu dân cư đến mức cư sĩ Phật tử khó khăn mới tới được, cũng không nên ở quá gần nơi dân ở để đủ yên tĩnh mà tu học. Ở xứ mình, ban đầu, chùa chiền cũng được xây dựng theo tiêu chí này. Thế nhưng, khi “người sinh mà đất không sinh” đã khiến cho mọi chùa chiền dần gần nơi sinh sống của người dân hơn. Vì lẽ đó, chùa tôi đang ở, nơi thành phố đông dân nhất nước này, thì ở phòng cuối cùng dãy lầu cửa hướng ra mặt sau, thì lại là nơi gần dân nhất.
Âm thanh từ những sinh hoạt của bà con khu phố hai bên con hẻm và âm thanh rao hàng từ các xe bán hàng dạo dọc con hẻm cứ dội vào phòng. Tôi cũng đã dần quen với thứ âm thành này và không quan tâm đến, coi như đây là một thứ tạp âm như nhạc nền. Thế nhưng, thỉnh thoảng âm thanh với âm lượng lớn bất thường, cũng làm tôi phải bận tâm một tí.
Mới sáng nay, tôi nghe hai người hàng xóm gây lộn nhau, một người nói lớn tiếng: “Tôi cảm ơn cô, nhờ cô mà tôi tu được hạnh nhẫn nhục”… Sau đó, tôi không để ý nghe họ nói gì nữa, vì câu nói này nó choán lấy suy nghĩ trong đầu tôi …
Người nói câu ấy chắc là một Phật tử. Tất nhiên trong tình huống này, bạn nhẫn nhịn được là tốt, là tu. Thế nhưng, khởi tâm cảm ơn người chửi mình, liệu có ổn không? Nếu bạn đi vào một vạt cỏ may và bông cỏ ghim vào đầy hai ống quần, bạn ngồi đó kiên trì gỡ ra từng bông cỏ có đầu nhọn như kim may vào quần áo bạn một cho đến cái cuối cùng, liệu bạn có nên cảm ơn đám cỏ kia không? Nếu ở trong một tập thể mà bạn bị đì đọt vì lợi ích nhóm, vì bị ganh tỵ thì bạn phải nỗ lực và kiên nhẫn nhiều hơn. Thế nhưng, bạn phải có nghĩa vụ biết ơn những người không công tâm, công bằng và có ác ý với bạn sao?

Rõ ràng bạn học được tính kiên nhẫn khi làm sạch những bông cỏ may đan vào quần áo, hoặc học được tính nhẫn nhịn, bao dung khi tiếp xúc với người hàng xóm không biết điều, hay làm việc với người không công tâm. Thế nhưng, bạn không cần, và không nên có ý niệm biết ơn cỏ dại hay người hàng xóm kia hoặc người cộng sự nọ. Xét cho cùng, họ không hề có tấm lòng tử tế giúp bạn, tại sao bạn phải có nghĩa vụ biết ơn họ?
Khi khởi tâm biết ơn cũng là lúc trong lòng bạn đang rất trân trọng những gì bạn nhận được. Nếu biết ơn người hàng xóm quá quắt đang chửi mình, vậy chửi mắng người khác là hay, là đáng trân trọng và người đem đến điều ấy cho bạn cần được coi như người thi ân sao?
Trong những tình huống như vậy, bạn nên khởi tâm biết ơn cha mẹ: người cho bạn thân-tâm này để bạn có thể tiếp thu kiến thức và trải nghiệm cuộc sống. Bạn nên khởi tâm biết ơn các bậc thầy lành, bạn tốt đã chỉ cho bạn những kỹ năng để có thể sống bình thản trước giông bão cuộc đời. Bạn nên khởi tâm cảm ơn những người đã thành công nhờ nhẫn nhục và kiên trì mà bạn biết và coi đây là những bậc ân nhân đã cho bạn niềm tin và động lực để thực hành những hạnh quý này. Nói chung, bạn chỉ nên biết ơn những người đã góp phần đem lại sự lợi lạc trong tâm mình. Những người này đã nỗ lực tận tình giúp đỡ bạn, và với những gì họ làm cho bạn, họ đã dạy bạn nhiều bài học quý giá về sự kiên trì, lòng bao dung và cảm thông. Khi khởi tâm biết ơn những đối tượng này, cũng là lúc bạn biết trân trọng những gì họ dành cho bạn và mỗi lần như thế, các hạnh lành này được khắc sâu hơn trong tâm trí.
Do vậy, phải tìm đúng “địa chỉ” để biết ơn thì bạn mới là người biết tri ân đúng nghĩa và để có thêm nhiều lợi ích cho bản thân mình trong cuộc sống!

Wednesday, December 13, 2017

GIỚI THÂN HUỆ MẠNG THẦY CHO…

Trong nhà đạo, chúng ta thường dùng câu ‘Thầy là người cho chúng ta giới thân huệ mạng để tỏ lòng biết ơn của người đệ tử khi bày tỏ lòng mình đối với Thầy. Thế nhưng, đây không chỉ là những lời hoa mỹ được dùng trong các bài tác bạch, trong các sự kiện liên quan đến người Thầy của mình, mà hơn thế nữa, đây có phương châm sống, con đường sống và mục đích sống của mỗi một người đệ tử vậy.
“Giới thân” là dùng các nguyên tắc đạo đức để kết thành thân. Điều này có nghĩa là nhờ học hỏi Thầy qua gương sống động của bản thân Thầy (thân giáo), lời Thầy chỉ dạy (khẩu giáo) và tâm ý Thầy luôn mong mỏi người đệ tử thấm nhuần trong nếp sống đạo đức (ý giáo) mà người đệ tử ấy có giới tướng trang nghiêm, giới hạnh thanh tịnh.
“Huệ mạng” nghĩa là lấy trí tuệ làm đời sống của chính mình. Nói cách khác, mọi suy nghĩ, hành động và lời nói đều được vận hành dưới sự soi sáng của lý trí, của tuệ giác. Đó là nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc. Muốn làm được điều này, người đệ tử cần nghe nhiều, biết rộng, ý thức mạnh mẽ, huân tập dần dần để trí tuệ trở thành đời sống của chính mình. Tất cả những điều này có được là nhờ sự dạy dỗ, bảo ban, giám sát và hướng dẫn của Thầy vậy.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là đã cảm nhận đầy đủ được ơn sâu nặng giáo dưỡng của Thầy, người đã nuôi chúng ta lớn lên bằng chất liệu của chánh pháp. Thầy là người cho đệ tử:
Mặc thì áo giới ấm êm,
Ăn thì sữa pháp, cơm thiền nuôi thân” (NT. Huỳnh Liên).
Mỗi ngày thân và tâm người đệ tử được ướp đẫm hương vị bình an của đời sống đạo đức, của thiện lành, của yêu thương để rồi nguồn tâm an tịnh, trí tuệ tỏa sáng cho đệ tử theo đó hành động, nói năng và suy nghĩ sáng suốt, đem lại lợi ích cho mình và cho người.

Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là khẳng định rằng thân mình được kết tinh bằng giới và cuộc sống của mình là hiện thân của trí tuệ. Nói một cách khác, dưới sự dẫn dắt của thầy, người đệ tử luôn thể hiện đạo phong, oai nghi tế hạnh, cách ăn nói, hành xử và suy nghĩ hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc đạo đức và cách sống, và cách xử  lý mọi vấn đề của mình luôn hợp lý, khế hợp lời Phật dạy, sáng suốt, đem lại hiệu quả tích cực trong cuộc sống.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là luôn đặt mình dưới sự dìu dắt, nâng đỡ, định hướng của Thầy, chúng ta đang trên con đường hình thành giới thân huệ mạng ấy, với một lòng tin tưởng tuyệt đối vào người thầy tâm linh của mình. Như đức Tổ sư Minh Đăng Quang viết trong bài Chơn Lý “Hột giống”, tâm đang được thuần thục trong pháp thiện được ví như hột đã tượng hình trong vỏ trái, nhưng hột đó còn non, còn mềm thì chúng ta phải nương vào thầy để tự nuôi dưỡng hột cho đến lúc già, chắc, không hư hoại với thời gian.
Một khi người đệ tử sống đúng theo tinh thần câu nói này có nghĩa là ý thức được vai trò kế thừa, nhiệm vụ lớn lao thầy trao lại cho mình là mỗi người tự làm ngôi chùa di động chuyên chở đầy giới và tuệ, để tự thân an lạc và hạnh phúc, đồng thời và góp phần đem lại bình an và hạnh phúc cho người . Người đệ tử như vậy đã thừa kế thầy mình đúng theo tinh thần đức Phật dạy rằng “là đệ tử chân chánh, hãy thừa tự giáo pháp, không thừa tự tài vật” (Trung bộ kinh, kinh số 3: Thừa tự pháp). Gia tài Thầy để lại không phải là ngôi chùa vật chất mà nhiều người mê mờ tham đắm tranh nhau để làm chủ, mà đó là ngôi chùa tâm linh được xây bằng giới, định và tuệ. Đây là điều mong mỏi nhất của một người thầy ở những người đệ tử mà thầy đã vắt tim vắt óc, đem hết sức lực, thời gian và năng lượng để nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời mình vậy!
Thầy già như chuối chín cây… Thầy là ngọn đèn đã dần hao gầy sau một thời gian dài thắp sáng soi đường cho đệ tử. Để thầy được thanh thản, an ủi tuổi già phần nào, hãy ướp tẩm thân tâm mình trong từng giây từng phút với giới và tuệ cho dần viên mãn, trọn vẹn “giới thân, huệ mạng”. Đệ tử làm được điều này thì các bậc thầy yên tâm khi “tre già” thì đã có “măng mọc” và lớp măng này mạnh khỏe, đủ sức để thay tre!
Một đời sống chánh niệm tỉnh giác, thuần thục giới để xâu kết đạo đức thiện lành thành thân, định hướng cuộc sống và xử lý mọi tình huống bằng tuệ là món quà quý giá nhất của người đệ tử trân trọng dâng lên cúng dường người thầy đã trọn đời cống hiến cho đạo pháp và đào tạo nên những người đệ tử là chúng ta vậy!

Thursday, December 7, 2017

CHUYỆN CỦA MÌNH, TỰ LÀM MỚI CHẮC…

Lúc trước, tôi có đọc một câu chuyện thế này. Có con chim Chiền Chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Mẹ con quây quần hạnh phúc bên nhau. Rồi một ngày, khi lúa những ngọn lúa chín vàng đong đưa trong gió, bác nông phu và những người con thường ra đồng thăm lúa. Một hôm, lúa đã chín, bác nông phu cầm những bông lúa mẩy hạt (hạt no tròn) nặng oằn, nói với mấy người con “lúa này thu hoạch được rồi, để ít bữa lỡ mưa lớn bão to không kịp thu hoạch là hư hết. Chúng ta phải nhờ cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch cho nhanh”.
Bầy chim Chiền Chiện con trong tổ ngay sát đó nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy lớn nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến. Khi chim Chiền Chiện Mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con nhao nhao kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được.
"Đừng sợ, các con ạ, bác ấy nói vậy chứ chưa tiến hành đâu”, Chiền Chiện mẹ nói.
Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín, và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ Chiền Chiện con. Hôm đó, bác nông phu lại nói với mấy người con “nếu không gặt gấp đám lúa này, chúng ta sẽ thất thoát nhiều. Không được rồi. Ngày mai, cả nhà chúng ta đều ra đồng hết, không ai ở nhà, để gặt đám này cho rồi”.

Cũng như hôm trước, lũ Chiền Chiện con chỉ chờ Chiền Chiện mẹ về để kể  lại những gì chúng nghe ngày hôm nay. Nghe xong, Chiền Chiện mẹ bảo: “Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta định nhờ ai đó thì việc trì trệ, chậm chạp, chứ họ đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu”.


 Cả nhà chim tíu tít lo bay tới bay lui dọn tổ đi ngay buổi trưa đó. Quả không sai, đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, bác nông phu và những người con ra đồng gặt lúa. Cả nhà Chiền Chiện đã di dời trước đó, chỉ để lại một cái tổ rỗng không.
Vậy đó các bạn. Việc của mình, mình phải chủ động nó mới thành, còn ngồi đó đợi người khác giúp thì không có gì chắc cả, lại thêm lo lắng, căng thẳng và bất an, vì quyền quyết định, lẽ ra là của mình, chúng ta đã giao nộp cho người khác! Ai biết tự quyết định đời mình, người ấy ở thế chủ động để quyết định nhiều thứ, kể cả hạnh phúc của đời mình! Còn nếu trông chờ vào sự giúp đỡ, nghĩa là thở bằng buồng phổi của người khác, thì không có gì chắc chắn, ổn định và bền vững cả.
Sự giúp đỡ của người khác, nên coi đó là một thứ gia vị, cho cuộc sống này thêm đậm đà, thêm hương sắc. Người khác có thể giúp chúng ta để công việc tốt hơn, hạnh phúc chúng ta trọn vẹn hơn, nhưng ỷ lại và chờ đợi nơi người khác, coi đó là yếu tố chính quyết định phần việc của mình thì cái chúng ta nhận lại được chỉ là thất vọng và khổ đau do chính mình tạo ra mà thôi!
Đừng quá lệ thuộc vào một ai đó trên cuộc đời này, bởi vì ngay cả cái bóng của bạn cũng bỏ rơi bạn khi bạn đi trong bóng tối!
Đừng mong chờ ai đó đem lại hạnh phúc cho mình! Đừng đặt chìa khóa hạnh phúc của mình vào túi người khác! Đơn giản là khi họ đi xa, hạnh phúc của mình cũng theo đó bay xa! Cũng đừng viển vông mở rộng cửa nhà mình, ngồi đó đợi một “tảng” hạnh phúc từ trên trời rơi xuống ngay cửa để chúng ta lăn vào nhà mà cất! Hạnh phúc là thứ chúng ta phải tự làm, phải tự xây mới có được vậy!
Hãy tự ra đồng, chịu lao động, chịu đổ mồ hôi, hãy nỗ lực và cần mẫn để tự gặt lấy mảnh ruộng cuộc đời của mình đi các bạn!
Đức Phật cũng nhiều lần nhắc nhở và khuyến khích “hãy tự làm ngọn đèn cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, đừng nương tựa vào ai khác” (Trường bộ kinh số 16: Đại bát Niết-bàn; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh Tự mình làm hòn đảo).