Thursday, June 25, 2015

CÁT BỤI TRẢ VỀ CÁT BỤI: có gì đáng lo?

Chết là một hiện tượng khách quan

Chết là một hiện tượng phổ quát diễn ra hằng ngày, hằng giờ, hằng phút trên thế giới và có thể lúc này đây, khi tôi đang ngồi gõ những dòng chữ này, cái chết đang diễn ra với ai đó ở một nơi nào đó trên hành tinh này. Ấy vậy mà ai cũng muốn né tránh đề tài này, né tránh đến mức không muốn nói đến, không muốn biết và không muốn đọc cả những bài viết thế này. Thế nhưng, vẫn còn một ít người dám nhìn vào sự thật, vì biết rằng đã là sự thật, thì không thể khác. Tôi viết về sự chết để nhắc chính mình và dành cho số ít người ấy.
Chết là gì? mỗi một con người có định nghĩa riêng cho mình tùy vào vốn tri thức, quá trình thẩm thấu cuộc sống và kinh nghiệm thực tế với chính bản thân cũng như qua quá trình tiếp cận với những người thân xung quanh. Dù quan niệm về ‘chết’ có khác nhau thế nào đi nữa, tôi tin rằng tất cả đều nhất trí ở một điểm chung: chết là một điều chắc chắn xảy ra với tất cả chúng ta và trong số những người bình thường, không ai biết được ‘điều chắc chắn’ ấy khi nào thì đến với mình. Vì thế cái chết luôn là một ẩn số, là nỗi ám ảnh, căng thẳng và lo sợ của nhiều người. Trong căng thẳng và lo sợ ấy, hầu hết mọi người đều có cách phản ứng như nhau: tránh né đến mức không dám nghĩ đến, không dám gọi “đích danh” hiện tượng này mà nói chệch đi bằng nhiều từ khác như mất, qua đời, quá vãng, quy tiên, khuất bóng, khuất núi, ra đi vĩnh viễn, an giấc ngàn thu, viên tịch, ra đi, lâm chung… Dù có gọi bằng từ gì đi nữa, chết là một sự thật không thể tránh khỏi.

Chết có đáng buồn không?

Chết là một sự mất mát cho những người thân còn ở lại trên cuộc đời này, nên điều hẳn nhiên, cái chết của người thân đem lại nỗi buồn khó phai cho nhiều người. Bởi vậy, để chia sẻ sự ra đi của một người, chúng ta thường diễn tả cảm xúc của mình như “thành thật chia buồn”, “thành kính phân ưu”, “vô cùng thương tiếc báo tin…”, v.v.. Điều này mới nghe qua tưởng chừng nghịch lý với quan niệm “sống gửi, thác về” của dân gian hay “vô thường là quy luật, chết không có gì đáng sợ” theo quan điểm đạo Phật, nhưng thật ra không có gì mâu thuẫn ở đây.
Thứ nhất, vẫn biết chết không có nghĩa là mất hẳn, không có gì đáng sợ. Có thể không sợ, nhưng ta vẫn có lý do chính đáng để buồn, do đó, trong kinh, đức Phật gọi “sự chết áp đảo đời” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm VII, kinh Bị áp đảocuộc sống do già chết thiêu đốt(Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 52). Chúng ta đang sống ở một thế giới chịu tác động và chi phối bởi cảm xúc vì vậy, việc chia ly, mất người thân là nỗi đau buồn cho tất cả. Khi một con người có mặt trên cuộc đời này, họ trở thành một mắc xích, một thành viên trong nhiều cấu trúc cộng đồng cố định và không cố định trong xã hội như gia đình, công sở, các tổ chức người ấy tham gia, nhóm bạn bè… Bao nhiêu năm sống gắn bó và chia sẻ nhiều thứ trên cuộc đời này, tình cảm là chất keo dính đã gắn kết giữa người ấy và các thành viên khác là một điều hiển nhiên. Khi một người ra đi, rời khỏi tổ chức mà người ấy hiện diện như một thành viên, ngay lúc đó, một khoảng trống chưa thể lấp đầy hoặc điều chỉnh tức thời, nhất là về mặt cảm xúc. Buồn và hụt hẫng trước sự ra đi của một người thân là phản ứng phổ biến, một nỗi đau rất người, một nét văn hóa đầy tình người.
Thứ hai, theo quan niệm của Phật giáo, được làm người là một việc rất khó, khó như một con rùa mù trăm năm may mắn lắm mới bám vào được một thanh gỗ mục và tìm được lỗ hổng duy nhất trên thân gỗ mục trôi nổi giữa lòng đại dương mà chui vào (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm V, kinh Lỗ khóa). Ở một bài kinh khác, đức Phật cảnh tỉnh các đệ tử sự may mắn, hiếm hoi khi được làm thân người khi đưa ra hình ảnh ẩn dụ rằng, con người một khi mất đi, được tái sanh làm người trở lại cũng ít ỏi, hiếm hoi như đất trên đầu móng tay, so với đất của sơn hà đại địa (Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm VII, kinh Người khác). Vì làm người là một phước đức và thuận duyên lớn để tu tập, chuyển hóa nghiệp lực của mình; vì vậy, chết là mất đi một cơ hội lành, nên đây là một điều đáng buồn.
Như vậy, không nói đến các bậc đã ngộ lẽ vô thường, không còn bị cảm xúc chi phối khi “thu thần an nhiên thị tịch”, hay những vị đã bước qua ranh giới sanh tử của đời thường, đối với người bình thường, buồn đau với cái chết của con người là điều bình thường rất người. Thế nhưng, chúng ta cần hóa giải nỗi buồn ấy như như thế nào là điều quan trọng. Buồn đau không có nghĩa cứ phải khóc than thảm thiết, kể lể đủ điều trong tiếc nuối, đấm ngực kêu la đến ngất xỉu như là những cách giải tỏa cảm xúc đang bức bách trong người. Để giảm shock, chúng ta cần trang bị cho mình một tâm thế vững chãi hơn, để có thể chấp nhận “tử sanh là một nhịp cầu phải qua” đối với tất cả, không hề có ngoại lệ.

Những điều cần làm trước khi đối mặt với cái chết

Vô thường là một quy luật khách quan có thể đến với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, nhưng chúng ta ít để tâm đến cho đến khi có một người thân yêu của mình ra đi. Khi đó, chúng ta sực tỉnh và giật mình nhận ra trễ quá rồi. Xe đang chạy với tốc độ bình thường, ta còn có thể làm chủ tốc độ; thế nhưng khi xe bắt đầu lao dốc, mọi việc ra khỏi tầm kiểm soát, ta không thể nào can thiệp được gì. Hà huống gì vô thường là quy luật khách quan, lạnh lùng, thờ ơ với những cảm xúc của con người. Nếu ý thức sớm để rút ra những bài học từ vô thường, lúc nào ta cũng không thể can thiệp được vào sự vận hành của nó, lại càng phải sớm ý thức và rút ra những bài học thực tế, cụ thể:

1. Trân quý sức khỏe

Vì vô thường, ta không biết ta còn khỏe được đến lúc nào. Biết cách giữ sức khỏe tốt, duy trì thể lực là điều cần thiết vì sức khỏe làm nên chất lượng cuộc sống mỗi người. Không có sức khỏe, dù có ý tưởng hay, ta không thể nào thực thi được ý tưởng ấy thành hiện thực. Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của đời người mà không gì có thể đánh đổi được. Để bảo trì sức khỏe ở thể trạng tốt nhất, duy trì chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và đủ dinh dưỡng là điều vô cùng cần thiết. Cân bằng các thành phần dinh dưỡng trong từng bữa ăn, với quan điểm ăn để sống, sống để mượn thân tạm này làm lợi ích cho người, cho đời trước khi trả thân tứ đại này về với tứ đại bên ngoài. Có nhiều người không vượt qua khỏi sự ham muốn của mùi vị mà chấp nhận rước bệnh vào thân chỉ để ăn những thứ không phù hợp với cơ thể và có hại cho sức khỏe. Không ít người biết ăn món đó vào là bệnh mà vẫn cứ ăn, ăn rồi lập tức đi uống thuốc. Do vậy, người có đời sống chừng mực, cân bằng sẽ biết khôn ngoan chọn lựa thức ăn, cách ăn, thời điểm ăn hợp lý để có thể lực tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.
Ngủ nghỉ đúng giờ và đủ giấc cũng là yếu tố cần thiết hỗ trợ cho việc duy trì sức khỏe tốt. Ngoài ra, một nếp sống lành mạnh, điều độ, chế độ dinh dưỡng phù hợp, vận động cơ bắp, tập thể dục thường xuyên, sống hài hòa với thiên nhiên và giữ cho tinh thần thanh thản, sống nhẹ nhàng, thái độ sống tích cực sẽ góp phần duy trì sức khỏe.

2. Trân quý thời gian

Một khi biết chết là một quy luật không thể khác, ta ý thức được quỹ thời gian của ta trên cuộc đời này có hạn. Nếu không có hiện tượng ‘chết’, tất nhiên không cần thiết có sự chọn lựa nào, chắc tốt hơn. Thế nhưng, như vậy sẽ chán lắm đấy. Nếu cuộc sống được ‘bảo hành’ là ‘vĩnh cửu’, chúng ta sẽ thừa mứa mọi thứ, thừa mứa đến mức không thấy cái gì đáng quý cả. Cuộc sống không có gì để quý thì vô nghĩa quá. Làm sao chúng ta có cảm giác ngon miệng nếu chúng ta có thể ăn bất cứ lúc nào mình muốn? Cũng vậy, không có chết, hẳn chúng ta không biết quý từng ngày, từng giây phút trong cuộc sống đầy ý nghĩa này?
Cuộc sống được tạo ra từ quỹ thời gian chúng ta được sống. Quỹ thời gian của ta trên trần gian này không ai giống ai, mỗi người có được quỹ ấy là bao nhiêu thời gian, cũng không ai biết. Chỉ biết rằng ai cũng có ngân hàng thời gian riêng, mỗi ngày, ta bị trừ dần vào tài khoản thời gian sống, đồng thời được chi ra 86400 (24 giờ x 60 phút x 60 giây) giây thời gian đúng vào 0 giờ 0 phút mỗi ngày. Khi đêm về, nó xóa hết phần thời gian bạn chưa kịp đầu tư vào việc có ích trong ngày. Ngân hàng này không chuyển bất cứ khoản sai ngạch nào còn lại trong ngày và cũng không cho ai chi trội. Nếu ta không tận dụng được khoản gởi đó, người thiệt thòi chính là bản thân mình. Không thể quay lại quá khứ, cũng không thể cưỡng lại ngày mai. Ta phải sống trong hiện tại chỉ bằng khoản đã được gởi của chính ngày hôm nay.
Cần yêu quý cuộc sống và thời gian mình được dành cho để sống. Chúng ta không có khả năng biết được chúng ta còn được bao nhiêu thời gian trong ‘ngân hàng cuộc sống’ dù biết không trước thì sau, thời gian ấy sẽ đến hồi cạn kiệt. Chính cuộc sống đầy bí ẩn, chúng ta phải trân quý từng sát na sống nhiệm mầu mình đang có được. Khi mình không có khả năng lựa chọn điểm dừng của cuộc sống, mọi chọn lựa trong suốt khoảng thời gian này trở nên vô cùng quan trọng. Cuộc sống sẽ cho ta quá ít cơ hội để chọn ‘nháp’ một phương thức nào đó vì không ai có thể quay lui trục thời gian để xóa ‘nháp’. Do đó, thật cẩn thận và cân nhắc khi chọn lựa một giải pháp cho một vấn đề. Hệ trọng hơn, cần thận trọng thật nhiều khi chọn cho mình một con đường sống.
Do vậy, hãy đầu tư thời gian của từng ngày một cách khôn ngoan để làm lợi nhiều nhất cho sức khỏe, hạnh phúc, và sự thành đạt của chính bản thân mình. Người biết trân quý thời gian sẽ thận trọng khi sử dụng thời gian, vì không thể dùng cách lệnh undo (xóa nháp), redo (làm lại) để có thể bắt đầu lại được. Chia thời gian hợp lý cho nhiều việc lợi ích cho mình cho người chứ không chỉ sống để đáp ứng nhu cầu cơm áo gạo tiền là người biết học từ quy luật vô thường.

3. Nuôi dưỡng đời sống tâm linh để bình an hơn

Khi có dịp quan sát cái chết đang diễn ra với một người nào đó, ta thấy rằng thật ra biểu hiện của cái chết không quá ghê gớm, mà cảm giác sợ chết mới khủng khiếp làm sao. Sở dĩ nhiều người sợ chết, dù biết không thể nào tránh khỏi, vì sống với cảm xúc hồi tưởng về quá khứ quá nhiều. Trong suốt thời gian có mặt trên cuộc đời, ta in dấu sự tồn tại của mình qua chuỗi hành động cùng bao sự việc mà kết quả và ảnh hưởng của chúng đến con người và môi trường sống như cuốn phim lưu trữ trong não bộ ta. Với nguồn dữ liệu phong phú này, có cái ta hài lòng, có điều ta ân hận, có thứ khiến ta sung sướng khi nghĩ nhớ đến, có loại khiến ta khổ đau tột cùng… ký ức quá khứ đã lấy đi sự bình an cần có của mỗi con người trong thời điểm cá nhân ấy sắp chạm đến ngưỡng cửa chết.
Thêm vào đó, vì chưa thật sự chuẩn bị cho chuyến lữ hành tiếp theo sau khi dừng lại ở trạm xe “cuộc đời” nên chúng ta vẫn còn bề bộn nhiều thứ chưa sắp xếp, nhất là những toan tính, dự định, những kế hoạch trong tương lai… có liên quan đến người thân trong gia đình. Cái cảm giác lo sợ không có người thay thế để tiếp tục gánh vác phần việc đời còn lại khiến cho người sắp ra đi thật sự căng thẳng, âu lo và vô cùng bất an.
Lại nữa, một sự thật không thể phủ nhận là sau bao nhiêu sống trên đời, mỗi con người đều gắn bó và có tình cảm sâu đậm với con người, tài sản, vật dụng… mà mình tiếp xúc bấy lâu. Sợi dây tình cảm này sẽ kéo trì người ấy trước ranh giới mong manh của tử biệt sanh ly. Tâm trạng này nặng nề, hụt hẫng và lắm bất an.
Chỉ có nuôi dưỡng nguồn tâm linh từ khi ta còn trẻ và khỏe, với nguồn năng lượng sống dồi dào, ta hướng tâm đến sự quán chiếu thường xuyên về bản chất của cái chết, một hiện tượng có tính quy luật, thì tâm ta dần thấm nhuần và vững chãi khi đối mặt với sự ra đi của người thân và chuẩn bị kỹ cho chuyến đi xa của bản thân mình. Bên cạnh việc chu toàn bổn phận, trách nhiệm xã hội ở đời, ta cần sử dụng năng lượng cuộc sống hợp lý để đầu tư cho đời sống đạo đức bên cạnh đời sống vật chất. Đầu tư cho đời sống tâm linh là đầu tư vào bất động sản, tài sản không mất đi khi ta lìa đời. Khi đi ra mà có lộ phí mang theo sẽ giúp ta an tâm và bình thản hơn trước lúc lên đường. Khi biết nuôi dưỡng đời sống tâm linh, ta sẽ bình an hơn, tự tại hơn khi cái chết đang đến với chính mình, ngay cả khi mình còn đang mạnh khỏe.

4. Biết trân quý các mối quan hệ tình người ta có

Vô thường sẽ chia cắt mối quan hệ giữa ta với những người thân trên cuộc đời này. Mối quan hệ này nuôi dưỡng tình cảm và là động cơ hỗ trợ ta nhiều phương diện khác, song nó qua mong manh trước sự khắc nghiệt, lạnh lùng của quy luật sống. Do vậy, ta cần nâng niu, trân trọng những con người ta quen thân, những mối quan hệ nối kết sợi dây tình cảm gia đình và cộng đồng. Đối với quan hệ với người thân trong gia đình, ta hẳn có một mối duyên lành sâu sắc với những người có quan hệ huyết thống trong kiếp sống hiện tại, nên chia sẻ nguồn gene di truyền, chia sẻ hoàn cảnh xuất thân, môi trường sống chung, môi trường giáo dục và rất nhiều thứ khác. Do đó, ta cần yêu thương người thân của mình, cụ thể là cha mẹ, anh chị em, con cái… trong gia đình. trân quý những gì mình đang có và khéo nuôi dưỡng các mối quan hệ với người thân hơn. Chính cuộc sống mong manh, chúng ta cần sống hết lòng với người thân của mình để một khi vô thường đến, ta không còn cơ hội để sống trọn vẹn nghĩa con người với nhau.
Không chỉ người thân trong gia đình, ta cần trải lòng sống tốt với tất cả để tận dụng mọi cơ hội nuôi dưỡng tâm lành. Tất cả mọi người có quan hệ với ta trong mối duyên sinh. Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta tồn tại đây không hề độc lập mà sự tồn tại của mình là một mắc xích trong các mối quan hệ với nhiều người và nhiều yếu tố khác nhau. Trân trọng người khác và môi trường sống là trân trọng chính bản thân mình. Sống quan tâm lẫn nhau và tôn trọng quyền được sống, được tồn tại của con người, các sinh vật khác và môi trường mình sống là quan tâm đến chính mình vậy. Cuộc sống mong manh, các mối quan hệ con người mong manh nên ta cần chắt chiu hơn tình người trong kiếp người ngắn ngủi này.
Tất cả mọi người đều là quyến thuộc kiếp trước: trong nhiều kiếp sống chúng ta đã trải qua, trên đời này, khó có thể tìm được một người nào chưa từng là cha, mẹ, anh, chị em hay bà con thân thuộc của mình (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương IV, phẩm 2). Đức Phật nói về luân hồi, về nhiều kiếp sống trước để nhắc chúng ta rằng tất cả mọi người là thân bằng quyến thuộc của ta, là những người ta cần được cư xử đầy tình thương yêu và trân trọng vì ai cũng là người thân của mình.

Thay lời kết: biết thì dễ, thực hành mới khó

Biết thì dễ mà thực hành thì khó thì khó. Kiến thức về vô thường, sự chết đến bất ngờ, đột ngột thì ai trong ta cũng biết. Thế nhưng, được mấy ai ‘sống’ với một ‘sự thật ai cũng biết’ đó. Những trường hợp chết ‘bất đắc kỳ tử’ của những người ta quen biết và không quen biết, cũng chỉ đủ cho ta chột dạ rùng mình trong lúc ấy và cảm giác ‘nhìn người mà ngẫm đến ta’ cũng chỉ lưu lại với tâm ta một thời gian nữa mà thôi. Sau đó, cái tâm thế ‘chuẩn bị cho chuyến trở về’ ấy vẫn chưa đủ mạnh, những tưởng mấy chuyện đó đến với ai khác, chứ không (hoặc chưa) đến với mình! Tâm thức mê muội của ta cứ thế, viện cớ này hay lý do khác để tránh né cái một sự thật rằng: một ngày nào đó, ai trong chúng ta cũng phải ‘khăn gói ra đi’ và không hề được báo trước. Có khi quên, có khi giả vờ quên và thậm chí có khi cố tình quên cuộc sống quá mong manh, ta lo nghĩ quá nhiều cho những việc chưa xảy ra, ta chịu ‘nợ nần’ cho những điều lẽ ra ta cần giải quyết trong ngày hôm nay, tôi đành khất lại cho ngày mai, thậm chí cho những ngày sau. Ý niệm ‘sớm muộn gì tôi cũng chết’ thì ai cũng hiểu từ lâu; còn thực hành thì ôi thôi, lòng tham ngăn lối và ai cũng sẵn sàng nghĩ…chuyện đó có lẽ đến với mình…muộn hơn. Do vậy, hiểu rõ vô thường, ta vẫn khổ đau nhiều mỗi khi chạm mặt với vô thường! Thực hành quán chiếu mỗi ngày là cách duy nhất để ta có thể vững tâm hơn vậy.