Thursday, October 1, 2015

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

Nhà tâm lý danh tiếng của Mỹ JB Watson từng tuyên bố: “Hãy mang đến cho tôi chục đứa trẻ khỏe mạnh..., tôi cam đoan với bất cứ đứa trẻ nào tôi cũng thành công trong việc giáo dục biến nó thành một chuyên viên theo ý muốn: y sĩ, luật gia, nghệ sĩ, thương gia hoặc thành một kẻ ăn mày hay một tên trộm cướp, cho dù tài năng, năng khiếu thiên hướng hay chủng tộc của đứa bé đó như thế nào”.
Watson là nhà tâm lý học hành vi, nên ông đặt tầm quan trọng đặc biệt đến sự sửa đổi hành vi ở một con người. Ông xem giáo dục như một công cụ có thể nhào nặn con người theo ý muốn của mình. Quan niệm này có phần cực đoạn và sai lầm vì đã bỏ qua vai trò trọng yếu của di truyền, của những năng hướng tự nhiên, vốn quan trọng không kém giáo dục. Thế nhưng, quan điểm của ông có ưu điểm làm nổi bật tầm quan trọng của giáo dục, điều mà người xưa đã nói: “Dạy con từ thuở còn thơ...”; vấn đề còn lại là: phải giáo dục con theo mục đích nào?
Ðó là vấn đề căn bản, vì tùy theo từng mục đích, chúng ta lựa chọn những điều nên dạy cũng như phải lựa chọn phương pháp giáo dục thích hợp. Bài viết này không bàn đến những vấn đề to lớn nêu trên. Dựa vào sự nghiên cứu của các nhà giáo dục và các nhà tâm lý hiện đại, chúng tôi chỉ xin trình bày một số quy tắc hướng dẫn thái độ của bậc làm cha mẹ trong việc dạy con.

 1. Hãy tỏ ra hợp nhất với chính mình

Qui tắc này bắt buộc ta phải sống và hành động theo đúng nguyên lý mình đã đề xướng ra. Quy tắc hợp nhất này không chỉ là việc đi đôi giữa nói và làm, mà còn thể hiện cả ở cách ứng xử công bằng và linh hoạt đối với từng đứa con. Nói cách khác, người hành động hợp nhất là người không hành động tùy hứng hoặc tùy theo cảm tính của mình đối với riêng từng đứa con. Có khi ta tỏ ra rất nghiêm khắc với đứa này nhưng lại dễ dãi đối với đứa khác là điều không nên. Có người dạy con làm một đường nhưng chính mình, trong hoàn cảnh tương tự, lại làm một nẻo. Dạy con không được nói dối nhưng chính mình lại nói dối trước mặt con cái. Sách Cổ Học Tinh Hoa kể lại truyện thầy Tăng Tử là người thực hiện sự hợp nhất giữa lời nói và hành động rất đáng cho chúng ta học hỏi và thực hành theo. Sách kể: Vợ thầy Tăng Tử hứa với con là sẽ làm thịt lợn khi đi chợ về. Lúc vợ về, thầy Tăng Tử đi bắt lợn làm thịt. Người vợ nói: “Tôi nói đùa nó đấy mà!” Thầy liền bảo: “Nói đùa là thế nào? Ðừng khinh trẻ thơ không biết gì. Cha mẹ làm gì nó thường hay bắt chước. Nay mình nói dối nó, chẳng là mình dạy nó nói dối ư?” Nói xong Tăng Tử đi làm thịt lợn cho con ăn thật.
Các nhà tâm lý cho biết: sự mâu thuẫn nơi người cha người mẹ có những tác dụng không tốt cho con trẻ. Trước hết, chúng không vâng lời cha mẹ khi chúng nhận thấy cha mẹ chúng bất nhất. Chúng sẽ tự hỏi: ta nên làm điều cha mẹ nói hay điều cha mẹ làm? Rất có thể con làm theo điều cha mẹ nói để tránh né các hình phạt và quở trách từ cha mẹ, nhưng từ vô thức, chúng bắt chước những gì cha mẹ làm. Ngoài ra, sự bất nhất của cha mẹ nhiều khi gây ra những hỗn loạn tâm lý nghiêm trọng nơi con, có khi trầm trọng đến mất niềm tin, không có điểm tựa trong cuộc sống, thiếu định hướng trong tương lai và có thể đi vào con đường hư hỏng. Do vậy, tự bản thân mình nhất quán, không mâu thuẫn thì mới có thể làm gương tốt và điểm tựa vững chãi cho con.  

2. Không tránh né trả lời câu hỏi của con cái

Óc tò mò là một năng hướng tự nhiên của mỗi con người, từ khi cá nhân ấy hòa nhập vào môi trường xã hội. Với sự tò mò, trẻ em thường thắc mắc, muốn tìm câu trả lời từ người lớn, nhất là người chúng tin tưởng như cha mẹ mình. Tò mò, tự nó không xấu, nếu được hướng dẫn, nó sẽ phát triển và trở thành một yếu tố thuận lợi cho sự ham học hỏi, tìm tòi, khám phá về sau. Vì vậy, khi con cái đặt một câu hỏi, chúng ta không nên xua đuổi chúng bằng cách nói: Ðừng làm mất thì giờ của cha mẹ! Sao con lại hỏi ngớ ngẩn thế? Tại sao con hỏi những chuyện kỳ cục vậy?... Thái độ không tôn trọng những thắc mắc của con thường thấy ở cha mẹ, vì với cha mẹ, con lúc nào cũng chỉ là đứa trẻ nhỏ. Tâm lý chung là vậy, cha mẹ nào cũng thương yêu, cưng chìu, và trong mắt cha mẹ, con mình lúc nào cũng bé bỏng, cần được che chở, yêu thương, nên con dù đã trưởng thành, vẫn không thể nào “lớn” với cha mẹ. Khi cảm thấy những thắc mắc, câu hỏi của mình không được tôn trọng, đứa bé nản chí và óc tò mò có thể bị mai một.
 Để tạo điều kiện tốt nhất cho con phát triển toàn diện, cha mẹ cần quan tâm con mình không chỉ về phương diện thể chất, thể lực mà còn tạo điều kiện tốt nhất để phát triển tư duy, tinh thần, tình cảm và những tính cách cần thiết trong cuộc sống. Lắng nghe, quan tâm và tôn trọng ý kiến, giải đáp những thắc mắc của con là điều cha mẹ cần làm. Đây là cách để cha mẹ hiểu con mình nhiều hơn, từ đó dễ dàng hướng dẫn, chỉ dạy và định hướng cho con phát triển phù hợp với thiên hướng của con hơn. Cha mẹ nên khuyến khích con đưa ra thắc mắc, câu hỏi với những điều mới mẻ, vì như thế, trẻ trở nên năng động, thích động não, tư duy và biết quan sát, cảm nhận thế giới bên ngoài và thích khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống. Đừng ngại mất thời gian với con trong những trường hợp này. Đừng đem suy nghĩ của người lớn áp đặt lên con trẻ khi thấy rằng những điều đơn giản, dễ hiểu đến thế mà con cũng thắc mắc, sao ngớ ngẩn thế. Thử nhớ lại, khi chúng ta bằng tuổi của con mình bây giờ, ta cũng có vô số thắc mắc cho riêng mình và mong muốn được hiểu biết, được khám phá nhiều điều mới mẻ. Sao không cho trẻ cơ hội để học hỏi và phát triển trí não cũng như khả năng cảm thụ thế giới nhiệm mầu ta đang sống?

3. Không ngại nhìn nhận cái mình không biết

Có những người làm cha mẹ muốn tạo hình ảnh tốt đẹp về mình trước mắt con cái bằng cách gồng mình làm cho chúng nghĩ rằng cái gì mình cũng biết và cái gì mình cũng làm được và mình là người tốt. Thái độ này đưa tới những hậu quả tai hại mà chính cha mẹ khi làm điều này cũng không lường hết được. Con cái không nhỏ mãi để luôn luôn tin tưởng điều cha mẹ nói, nhất là khi chung sống trong một môi trường gia đình. Khi chúng lớn khôn, kiến thức chúng thâu nhặt được từ học đường và các môi trường xã hội rộng hơn phạm vi gia đình, chúng sẽ dễ dàng thấy ra sự thật và có sự nhận định chính xác về cha mẹ mình. Từ đó, chúng dần mất đi phần nào sự kính trọng khi thấy rõ cha mẹ nói sai, làm sai và cố tình bao biện, tự sơn vẽ một lớp sơn hào nhoáng để thể hiện mình. Sự tin tưởng, yêu thương, quý trọng dần giảm đi và đây là nguy cơ cho nhiều tệ hại khác trong quá trình phát triển nhân cách ở trẻ khi nó không tìm được điểm tựa vững chắc ở cha mẹ.
 Ðã là người, chúng ta không đủ khả năng và thì giờ để có thể biết mọi chuyện. Đây là một sự thật và chẳng có gì xấu hổ với con cái hay bất cứ ai rằng, có nhiều điều ta biết, nhưng còn rất nhiều điều ta không biết. Do đó, khi đứng trước những câu hỏi vượt khỏi tầm hiểu biết của mình, thái độ hợp lý nhất là nên trả lời: cha (hay mẹ) không biết. Không phải ai cũng có khả năng trả lời thỏa đáng những câu hỏi có tính chuyên môn cần kiến thức học đường mà không phải cha mẹ nào cũng có thể đáp ứng được. Những câu hỏi như “tại sao mây thì trắng trong khi đó lá cây xanh còn hòn than lại đen?”, “Tại sao ban đêm trời tối?”, “Tại sao ban đêm ta thấy sao trời mà ban ngày thì không?”, “Tại sao chim bay mà vịt không thể bay?”, “Cá sống dưới nước làm sao thở được?” v.v... Trong những trường hợp tương tợ, ta nên hướng dẫn con cái tìm câu trả lời thích đáng nơi sách vở hay nhờ người có kiến thức hơn mình về phương diện này giải đáp. 

4. Hãy để con cái nhiều thì giờ rảnh rỗi

Giáo dục con cái không có nghĩa luôn luôn kè kè bên con để đóng vai trò ông thầy, cô giáo, người giám thị hoặc người bảo mẫu. Nhiều cha mẹ chẳng muốn rời con, lúc nào cũng để mắt tới con và một khi như thế, thường cha mẹ bắt buộc hoặc mong muốn đứa trẻ làm theo ý mình, nhất cử nhất động gì cũng không được trái ý. Như vậy, trẻ em sẽ sống trong trạng thái căng thẳng, luôn chuẩn bị tâm lý đối phó và không hề cảm thấy thoải mái. Trong môi trường sống nặng nề như vậy, trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder – ADHD), gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành và các hoạt động khác trong cuộc sống. Tuổi thơ của trẻ em cần được tôn trọng, thời gian học, vui chơi, ngủ nghỉ cần cân đối một cách hợp lý thì chất lượng cuộc sống sẽ tốt đẹp.
Một sự thật hiển nhiên rằng tâm lý và đặc biệt trí tuệ của trẻ em phát triển tốt đẹp khi chúng sống trong những môi trường phong phú và có có nhiều cơ hội học hỏi từ sự kích thích của môi trường sống. Nếu cha mẹ cứ khư khư giữ chặt con cái bên mình, vô hình trung đã hạn chế môi trường tiếp xúc của trẻ. Ngoài quan hệ giữa cha mẹ và con cái, còn có nhiều quan hệ, nhiều hoàn cảnh trong đó trẻ con tự chúng thâu nhặt nhiều hiểu biết và kinh nghiệm thực tế sinh động thông qua sự tiếp xúc. Chúng có thể học hỏi khi chơi chung cùng một nhóm bạn, khi quan sát một cành hoa, hay một bầy cá đang vui đùa trong bể nuôi, và ngay cả khi chúng bị vấp ngã, bị gặp khó khăn gì trong quá trình chơi và tiếp xúc với trẻ lối xóm, các em dần trưởng thành hơn. Theo ý kiến một nhà giáo dục, trong một ngày, chúng ta không nên dành quá một tiếng rưỡi để dạy con. Việc “thuyết giảng” lý thuyết với con không có tác dụng nhiều đâu. Nên để chúng có tự do suy nghĩ , đùa giỡn, tự do sống với tuổi trẻ con ngây thơ hồn nhiên của chúng, đừng giam nhốt nó vào khuôn khổ mình tạo ra mà thêm nặng nề, và cách giáo dục như vậy không hề có hiệu quả.

5. Giúp con cái có một quan niệm tích cực và trung thực về bản thân

Mỗi đứa trẻ là một thế giới với nhiều điều tiềm ẩn độc đáo, rất riêng và con của chúng ta cũng vậy. Đã là độc đáo thì không thể so sánh đứa bé này với đứa bé khác. Cha mẹ nên khuyến khích con phát huy tất cả những tiềm năng của bản thân và hãy luôn là mình. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ cư xử của cha mẹ. Tâm lý trẻ thường cố gắng sống theo sự mong muốn của cha mẹ. Nếu cha mẹ không “đóng giày” sẵn và ép con mình vào khuôn ấy thì con chẳng bao giờ muốn gồng mình để trở thành một người khác. Muốn con mình trở thành một người khác, cha mẹ tự tạo áp lực không đáng có cho chính mình và con của mình nữa.
Cha mẹ cần giúp con có một nhận thức trung thực về bản thân mình và có thái độ sống tích cực, phát huy tối đa tiềm năng của mình trong điều kiện và môi trường sống thực tế của chúng mà không gò ép chúng vào một khuôn khổ nào theo ý mình. Ai cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Cha mẹ khéo đánh thức con mình phát huy các ưu điểm thì các nhược điểm tự nó giảm dần. Nếu chúng ta không đánh giá cao những tính cách và ưu điểm của con thì đứa trẻ rất tự tin, lạc quan và trở nên mạnh dạn, bản lĩnh và có suy nghĩ, hành động tích cực. Nếu đứa trẻ mang tâm lý tiêu cực - nghĩa là nghĩ mình kém cỏi về nhiều phương diện - trẻ con sẽ trở nên nhút nhát, không mạnh dạn có sáng kiến và cũng không mạnh dạn bày tỏ ý nghĩ của chúng. Ðó là những khuyết điểm dễ đưa tới sự thất bại trong học tập cũng như trong giao tiếp. Vì vậy, cha mẹ nên làm cho con cái có một quan niệm đúng đắn và tích cực về bản thân chúng và về cuộc sống. Nói cụ thể hơn, cha mẹ cần tạo cho con cái tự tin thể hiện mình và luôn phấn đấu để càng hoàn thiện hơn. Khen vừa phải đúng lúc đúng việc là điều cần thiết, chê quá lời để con trẻ nhụt chí, mặc cảm, tự ti là điều nên tránh của những bậc cha mẹ gương mẫu vậy.

6. Giúp con cái ý thức về người khác

Khuynh hướng tự nhiên của hầu hết trẻ con là chỉ biết nghĩ đến mình mà ít biết nghĩ đến người khác. Khi các nhu cầu có tính bản năng thôi thúc, chúng chỉ muốn thỏa mãn mà không cần biết gì thêm. Lúc thèm ăn, chúng đòi ăn và không cần biết thứ thức ăn đó dành cho ai; khi muốn nói chúng bật miệng nói, mà không cần biết điều nó nói có nên hay không. Khuynh hướng đó nếu không được hướng dẫn để tự ý thức sớm, chúng thành những đứa bé, những thiếu niên ích kỷ, thiếu tính kiên nhẫn và thiếu lễ độ. Hướng dẫn trẻ em sớm nhận thức hành vi của mình và chuẩn mực đúng sai trong phép cư xử mà không áp đặt là điều nên làm. Nếu cha mẹ không hướng dẫn, không phân tích đúng - sai, hay - dở cho trẻ hiểu mà cứ la rầy thì trẻ em trở nên lỳ lợm, vô lễ, khó dạy.
Ý thức về người khác, lễ phép, biết nhường nhịn nhau là những bài học đạo đức vỡ lòng cha mẹ cần chủ động hướng dẫn cho con từ rất sớm để sau này con hòa nhập tốt trong đời sống cộng đồng. Con người là một tế bào của xã hội, không ai có thể tồn tại độc lập. Nếu sống chỉ biết mình mà không biết người thì sẽ thất bại sớm khi chưa ra khỏi phạm vi gia đình. Nếu không được định hướng sớm, đứa bé có thể coi sự hiện diện của người khác như không có, hoặc người khác chỉ là phương tiện hiện diện để phục vụ chúng thì tính ích kỷ, nóng nảy, vô lễ được nuôi dưỡng, sau này rất khó thay đổi và trở thành người bướng bỉnh, chỉ biết bản thân mình. Người như vậy sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, bị mọi người xa lánh và không muốn giao du, cộng tác hay thiết lập các mối quan hệ trong công việc cũng như trong các hoạt động xã hội. Không cha mẹ nào muốn con mình trở thành người như vậy. Để con trở thành một người dễ thương, dễ hòa đồng, biết quan tâm đến cảm xúc người khác, cha mẹ sớm tập cho con những thói quen lễ độ, khiêm tốn, hòa nhã, cộng tác ngay từ khi bé còn nhỏ để không phải hối tiếc về sau.

7. Giúp con cái phát triển về cả hai phương diện thể xác và tinh thần.

Tuổi thơ ấu và tuổi thiếu niên là khoảng thời gian quí báu để con cái phát triển thể chất, tích lũy kiến thức đồng thời tạo cho chúng những tính cách tốt và thói quen hữu ích. Từ nhỏ, tập cho trẻ vận động, tham gia các trò chơi tập thể, cho con học bơi, chơi thể thao, tập đi bộ, đi xe đạp... để con mình có điều kiện rèn luyện thể lực để cho người phát triển về thể xác, đồng thời học được kỹ  năng chơi chung, sống chung. Thêm vào đó, khi tham gia các trò chơi tập thể, các em phải tôn trọng các nguyên tắc nhất định trong mỗi cuộc chơi và điều này góp phần giúp trẻ em biết sống nguyên tắc, tôn trọng những luật lệ chung trong cộng đồng.
Ngoài việc rèn luyện thể lực, cha mẹ cũng nên cho con cái học hỏi nhiều thứ từ môi trường sống, chứ không chỉ kiến thức ở trường, để kích hoạt óc tò mò, tinh thần hiếu học của chúng, và làm sao tạo cho chúng biết quý trọng sự học hơn mọi giá trị vật chất, đồng thời có tâm yêu thương, quan tâm, chia sẻ đến người khác. Trong thời đại số hóa, ngay cả trẻ em cũng sớm tiếp cận các phương tiện điện tử, cha mẹ cần phải thật cẩn thận về vấn đề này. Cần nghiêm khắc với con, không phải chìu chuộng những đòi hỏi không chính đáng như sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh chỉ để chơi game. Nhiều bậc phụ huynh lấy việc “được phép chơi game” như một cách thưởng để khuyến khích con học, hay làm một việc gì đó. Những câu nói như “Giỏi, làm hết 3 bài tập đó, mẹ cho chơi game”, “con lau bàn đi, xong mẹ cho chơi game”… thường được số đông cha mẹ áp dụng cho con cái mình. Tuy nhiên, đây không phải là cách tốt để giáo dục con cái. Khi con làm một điều gì tốt, hoàn thành một nhiệm vụ học tập hay công việc, ta lại đem game ra ‘thưởng”, như vậy ta ngầm khuyến khích trẻ chơi game à? Liệu cứ đem “game” ra câu nhử có thể giúp trẻ hoàn thiện nhân cách chăng?
Vì giáo dục là một việc trọng đại và vô cùng phức tạp cho nên những quy tắc được trình bày trên đây không thể bao quát hết mọi khía cạnh. Tuy nhiên, những quy tắc này là những gợi ý quan trọng đối với những vị có ý thức trách nhiệm trong vai trò làm cha làm mẹ. Trong Tam Tự Kinh, Vương Ứng Lân viết “dưỡng bất dục, phụ chi quá; giáo bất nghiêm, sư chi đọa” (Nuôi con mà không dạy bảo, đó là lỗi của người cha. Dạy con mà không nghiêm, đó là lỗi của người thầy). Dạy con càng sớm, ta càng dễ dàng hướng dẫn con sớm thuần thục trong nếp sống lành mạnh, đạo đức và phát triển toàn diện con người. Sự nghiệp “trồng người” cần cả một quá tình lâu dài, liên tục với sự đóng góp của nhiều người, trong đó cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục một con người. Ý thức điều này, việc nuôi con khó một, việc dạy con nên người khó hơn muôn phần. Nuôi dạy con tốt là tặng phẩm quý giá nhất các bậc cha mẹ dành cho cuộc đời này vậy.