Wednesday, November 19, 2008

Nhân ngày nhà giáo 20/11

Trong năm, có vài ngày đặc biệt đối với chúng ta như là những cột mốc để gợi nhớ, để nghĩ về, để hâm nóng và tái hiện cảm xúc của mình. Ngày 20 tháng 11 cũng là một trong những ngày như thế. Là con người, ai cũng đã và đang là học sinh cả, mặc dù môi trường học và tư cách ‘học sinh’ ấy có thể hiểu ở nhiều lãnh vực và phương diện khác nhau trong cuộc sống. Vì thế, nghĩ nhớ và thể hiện tấm lòng biết ơn của mình đối với người từng dạy dỗ mình là một truyền thống đẹp. Phương tiện để biểu lộ lòng biết ơn ấy với thầy cô giáo hiện tại cũng như thầy cô giáo cũ có nhiều cách. Một trong những cách phổ biến nhất là trải lòng mình bằng các con chữ. Phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay cho phép chúng ta chia sẻ thông tin, kiến thức dễ dàng bằng nhiều cách, trong đó mạng ảo liên kết toàn cầu là một phương tiện hữu hiệu. Chính nhờ đó tôi đọc được những áng văn mượt mà, những bài thơ đầy hình tượng, rất ư là 'thơ' của nhiều người. Đọc xong vài tản văn và dăm bài thơ ấy, tôi khởi tâm viết entry này.
Một bàn tay đưa xuống, một bàn tay với lên, chạm và cảm được nhau, đó là "giáo dục"
Tôi thấy trong các bài văn thơ về nội dung ngày nhà giáo Việt Nam tôi đã đọc, nhiều tác giả dùng hình tượng 'người đưa đò' để chỉ cho người thầy/cô giáo của mình và học sinh là 'những người hành khách' trên con đò ấy. Hình ảnh con đò bao giờ cũng đẹp. Tuy không có được cảm xúc dạt dạo như người viết văn làm thơ, nhưng phần nào tôi cũng cảm nhận được cái đẹp của con đò trên dòng sông. Chiều chiều mà nhìn đò trên sông Hàn (Đà Nẵng) thì sẽ cảm được cái đẹp mà buồn sâu thẳm của dòng sông Lạnh này. Ngắm đò ngang hay đò xuôi trên dòng sông Thu Bồn (Quảng Nam) yên ả, ta cảm nhận sự thanh bình, tươi đẹp của sông nước đất trời. Con đò và dòng sông đi vào thi ca, hội họa sinh động và đẹp lắm. Thế nhưng, khi đem hình ảnh thơ mộng này mà ví với công việc giảng dạy và hình tượng hóa thầy cô là con đò, tháng ngày miệt mài, thầm lặng đưa khách sang sông thì tôi không thấy đẹp chút nào, lại chùng lòng một chút thì có. Chắc người dùng hình ảnh con đò là người thầy/cô vì nghĩ rằng như thế là ghi nhận sự hy sinh, công sức đóng góp của thầy cô, khi khách qua sông (học sinh) tiếp hành trình phía trước, mấy ai còn nghĩ nhớ đến người lái đò trên bến sông xưa! Đúng vậy, thế nhưng, các bạn ạ, thật ra người thầy lý tưởng không đơn giản chỉ làm nhiệm vụ của một người đưa đò và học sinh đúng nghĩa không chỉ là người ngồi trên chiếc đò ấy.
Chắc hẳn các bạn đã từng đi đò hay ít ra, cũng nhìn thấy và hiểu được phương tiện vận chuyển thô sơ bằng đường thủy này. Khi dùng đò để sang sông, hành khách cứ việc ngồi trong khoang và người lái đò sẽ đưa hành khách sang bờ bên kia. Là hành khách, phải ngồi yên, hay ít ra không di động nhiều, không được nghịch nước, không được làm gì để con đò phải dao động chòng chành, nếu không, sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi, có khi cả đến tính mạng. Nói chung, hành khách giao phó sinh mạng mình cho người lái đò giữa sông nước mênh mang và ngồi yên là cách tốt nhất. Trong khi đó, người lái đò, với lộ trình sẵn có, lèo lái con đò qua dòng sông đưa khách lên bờ. Khi đã thành người thợ lái đò không cần học hỏi gì thêm, chỉ kinh nghiệm sông nước theo kiểu “nghề dạy nghề” là đủ rồi.
Nếu việc học mà như việc đi dò thì uổng quá, người thầy cô mà làm nhiệm vụ của ông lái đò thì nhàm chán vô cùng. Người học sinh mà chỉ biết ngồi yên như hành khách trên đò thì thụ động và bất lực quá. Thử nghỉ 12 năm phổ thông, rồi 4 đến 6 năm đại học, rồi sau đó nữa, nếu người học thụ động làm người khách đi đó thì khi tốt nghiệp, ra đời, liệu có kỹ năng gì để phục vụ, cống hiến cho xã hội? Trong khi đó, ở một môi trường giáo dục tốt, người học sinh phải là người chủ động trong việc học của mình và người thầy/cô phải là người hướng dẫn, định hướng và tổ chức việc học. Khi nào nhận thấy rằng, dạy và học không còn là hai quá trình mà chỉ là một quá trình dạy-và-học, thì khi đó, có sự tương tác hỗ trợ từ hai phía để phát huy tối đa sự năng động và sáng tạo của học sinh cũng như sự sáng tạo và khéo léo của người dạy để giáo dục có hiệu quả. Điều này e còn quá xa vời đối với môi trường giáo dục Việt Nam, nơi mà mỗi khi nghĩ nhớ về thầy cô, hình ảnh con đò và người đưa đò xuất hiện trong đầu và tuôn ra thành chữ!
Đã từ lâu, người ta đã biết dùng hình ảnh để chuyển tải ý tưởng. Sự chọn hình ảnh gì cho một khái niệm, ý tưởng nào đó phản ánh cách nhận thức và thực tế cuộc sống. Tôi thấy các tác giả dùng hình ảnh con đò và người đưa đò để chỉ việc dạy và thầy cô giáo là chính xác vì đó là một thực tế. Không biết ông bộ trưởng bộ giáo dục có thấy rõ hình tượng này trong tất cả các cấp giáo dục không nhỉ? Mới mấy ngày thôi, chiều ngày 17 tháng 11 vừa rồi, trong buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy” do Sở GD-ĐT TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông phát biểu rằng “ để có giờ học tốt, học sinh phải là đồng tác giả trong quá trình giảng dạy.”
Trời đất! chừng nào thì học sinh Việt Nam mới có thể là ‘đồng tác giả’ trong quá trình giảng dạy đây khi mà mục đích của giáo dục vẫn là “học để thi”? Làm sao học sinh có thể là ‘đồng tác giả’ khi sách giáo khoa có giá trị như văn bản pháp quy, cái gì trong đó thì cứ nhét hết vào đầu rồi è cổ ra mà học tất tần tật để phục vụ cho kỳ thi mà thôi. Chính không gian giáo dục bị thu hẹp đến mức không thể thu hẹp được nữa là chỉ thông qua những gì được viết trong sách giáo khoa và cách kiểm tra đánh giá kiểu “định chuẩn” trong các bài thi thì không trách gì, người học sẽ mất hết hứng thú tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Thầy cô cũng chẳng cần học hỏi, nghiên cứu gì hơn, cứ giáo án cũ mà sử dụng là đủ rồi. Một môi trường dạy và học thụ động, nhàm chán và đơn điệu như thế thì chỉ có thể ví với hình ảnh con đò và người lái đò mà thôi. Sự so sánh hình tượng có tính phổ biến này cho thấy, còn lâu và lâu lắm chúng ta mới có thể đổi phương pháp dạy và học mà trong đó, người học là trung tâm để có thể tham gia ‘đồng tác giả’ với người dạy trong quá trình tích lũy tri thức.

Ồ, tôi đã cố nhét vào đầu em 1/8 lượng thông tin rồi; xem thử nó vào được bao nhiêu! 
Cách dạy hiện này vẫn là nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh (xem hình minh họa). Thầy cô xem các em học sinh là cái bình không và thầy cô rót kiến thức vào. Hình ảnh các em đến trường như tờ giấy trắng để rồi thầy cô viết lên trên đó! Khi chúng ta còn thấy những hình ảnh này là quen thuộc và đúng, con đường cải cách giáo dục còn xa vời vợi. Không phải thay đổi sách giáo khoa là cải cách giáo dục. Lại càng không phải thay đổi học chế niên chế sang học chế tín chỉ là cải cách giáo dục. Triết lý “bình mới, rượu cũ” không góp phần gì vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Mô hình đào tạo như vậy chỉ là biểu hiện của căn bệnh hình thức, làm cho cả thầy lẫn trò thêm lúng túng và phụ huynh hoang mang mà thôi.
Khi nào trong xã hội, người ta cảm thấy quen thuộc với hình ảnh thầy cô giáo với người làm vườn, và các em học sinh như những đóa hoa (như tổng thống Nehru của Ấn Độ cảm nhận và tôi đã đề cập trong entry ‘ngày thiếu nhi’) hay người thầy là người hướng dẫn du lịch và các em sẽ là người khám phá, tìm tòi trong cuộc du ngoạn ấy thì ta biết, diện mạo giáo dục đã thay đổi. Trong một nghiên cứu gần đây về môi trường giáo dục Việt Nam cho thấy có một số nhỏ giáo viên bắt đầu có cái nhìn thoáng và cập nhật hơn về cách dạy, cách học của học sinh. Thế nhưng, đó cũng chỉ là vài cánh én nhỏ trong trời xuân lộng gió mà thôi. Khi nào cả cơ chế thay đổi, cách nghĩ của con người trực tiếp tham gia công tác giảng dạy thay đổi và quan trọng hơn, người học biết phát huy sự sáng tạo, năng động của mình và đủ tự tin làm chủ quá trình tích lũy tri thức, thì mới có thể gọi là ‘cải cách’ hay ‘đổi mới’. Trong một môi trường dạy và học thụ động mà muốn học sinh là ‘đồng tác giả’ trong quá trình giảng dạy thì đó chỉ là…một giấc mơ đẹp!

Logo của CIE (central Institute of Education)
Hiện tại, nhìn cái cặp các em oằn lưng mang đến lớp mỗi ngày, chúng ta đủ hiểu chủ trương của hệ thống giáo dục hiện tại. Học thuộc lòng những thông tin quy định trong sách giáo khoa là điều các em sợ nhất mà vẫn phải làm. Tôi từng chứng kiến một em bé, ôm chồng vở học và bài tập ra, chất trên bàn cao khỏi tầm nhìn của bé, ngán quá, bật khóc mà nói rằng “phải chi làm con sâu, con kiến cho khỏi phải học…” (và đây là sự kiện tạo cảm hứng cho tôi chọn đề tài nghiên cứu cho mình. Phần Prologue của nghiên cứu, tôi có kể lại nhân duyên chọn đề tài này). Người lớn nghe câu này không khỏi “cười ra nước mắt”. Nếu học sinh được tạo cơ hội và có động cơ để khám phá, tìm tòi đến tận cùng và tự do trình bày những gì các em hiểu mà không sợ bị chê đúng, sai, hay, dở, các em sẽ tự tin và sẽ không thấy việc học là tẻ nhạt và gánh nặng. Khi nào hình ảnh người lái đò không còn xuất hiện quá phổ biến trên văn đàn khi nghĩ nhớ về thầy cô của mình; thay vào đó, hình ảnh thầy cô giáo có thể ví như người dạy bơi, (nếu coi quá trình học là một dòng sông hay một cái biến cần qua), tôi biết giáo dục Việt Nam đã…chuyển mình và hòa nhập vào thế giới. Khi đó, chúng ta có quyền hy vọng thế hệ trẻ sẽ biết 'bơi' trong biển tri thức của nhân loại.
Trường tôi đang theo học có chủ trương giáo dục của mình qua logo của trường (hình trên). Đó là hai ngọn đèn, một ngọn đèn nhỏ và một ngọn đèn lớn. Ngọn đèn nhỏ là người học, ngọn đèn cao hơn là người dạy. Người học phải là ngọn đèn cháy sáng, người dạy chỉ là ngọn đèn lớn hơn tiếp lửa cho ngọn đèn nhỏ bùng sáng thêm lên để tự soi lối đi của mình mà thôi. Người dạy không làm thay công việc của người học được. Đây là hình tượng hóa về ý tưởng giáo dục của Rabindra Nath Tagore mà trường chọn làm tôn chỉ. Nội dung ý tưởng này được khắc trên một phiến đá gắn trên tường (hình ở dưới) như là lời nhắc nhở giáo viên và sinh viên xác định động cơ, nhiệm vụ của mình trong quá trình dạy và học.
Tôi đã dịch nội dung câu nói của Tagore trong một entry cũ, nhưng để cho tiện, tôi chép nội dung lại ở đây vậy.

Mục tiêu đào tạo của CIE (được khắc trên tường bên ngoài giảng đường chính)
NHÀ GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG
Một nhà giáo không thật sự dạy nếu bản thân người ấy không tiếp tục học hỏi. Một ngọn đèn không thể chiếu sáng cho ngọn đèn khác nếu tự thân ngọn đèn ấy không tỏa sáng. Một nhà giáo coi như đã chết về kiến thức chuyên môn nếu không làm cho tri thức của mình luân lưu sống động mà chỉ biết lặp đi lặp bài bài học cũ mèm để cho học trò nhồi nhét vào đầu. Một nhà giáo như thế không có khả năng kích thích học trò tìm tòi trong học tập. Chân lý không chỉ là những gì cần thông báo mà phải có sự đam mê khám phá. Nếu niềm đam mê ấy chết đi, học chỉ là sự tích góp thông tin và như vậy, chân lý mất đi ý nghĩa vô cùng tận của nó. Phần lớn những gì chúng ta học ở trường không thể sử dụng được vì đối với hầu hết các thầy cô giáo của chúng ta, các môn học chỉ là những mẩu thí nghiệm trên các sinh vật đã chết, qua đó học trò có thể làm quen với những điều đã học nhưng không liên hệ gì đến cuộc sống và tình thương yêu.
A teacher can never truly teach unless he is still learning himself. A lamp can never light another lamp unless it continues to burn its own flame. The teacher who has come to an end of his subject who has no living traffic with his knowledge merely repeats his lesson to his students can only loads to their mind. He cannot quicken them. Truth not only must inform but also must inspire. If the inspriation dies out and the information only accumulates then truth lossses its infinity. The greater part of our learning in the school has been a waste because of most of our teacher, their subjects are like dead specimens of once living things, with which they have a learned acquaintance but no communication of life and love. (Rabindra Nath Tagore)

Tôi thấy có nhiều thiệp đẹp trên các trang mạng điện tử về nội dung ngày 20 tháng 11, nhưng tôi không chọn những thiệp đẹp mắt ấy mà chọn chiếc thiệp đơn giản hơn post lên entry này (từ báo Tuổi trẻ) vì thấy nó có ý nghĩa hơn, theo cách nghĩ của tôi. Một cánh tay bé nhỏ đưa lên, một cách tay người lớn đưa xuống, chạm nhau, làm nên ý nghĩa giáo dục. Cánh tay nhỏ bé ấy cần ‘đưa lên’ các bạn ạ, thì lợi ích và chất lượng giáo dục mới có và tồn tại lâu dài trong sự tương giao giữa hai thế hệ. Tôi lại chèn vào tấm thiệp này logo của trường mà tôi đang theo học, hai ngọn đèn, một lớn, một nhỏ đang tiếp nhau và cháy sáng. Xin gởi vào đây tâm niệm lành và biết ơn đến các thế hệ thầy cô giáo tôi đã và đang học.