Sunday, July 12, 2015

CHỌN LỐI TA ĐI…

Đường đời vạn nẻo

Cuộc sống đang vận hành không ngừng tạo nên sự sinh động, muôn sắc màu luôn biến đổi ở nhiều cấp độ khác nhau trong ta và quanh ta ở mọi lúc mọi nơi. Đa dạng của cuộc sống tạo nên muôn chiều trong nhận thức, thái độ và phản ứng của con người đối với những gì đến với ta. Những lúc thành công hay viên mãn trong cuộc sống, ta hân hoan và hạnh phúc, thấy đời thật đáng yêu và đáng sống. Thế nhưng, không ít lần chúng ta gặp gian nan thử thách, khổ đau, thậm chí có lúc tưởng chừng như bế tắc. Trong mệt mỏi chán chường, ta thấy đời như đêm đen không một ánh sao đêm. Thật ra, thăng trầm của cuộc sống là một thực tế không thể tránh khỏi, có điều, khi không toại nguyện điều gì, ta đau khổ vì lòng ta muốn những gì đến với mình phải khác đi, phải suôn sẻ hơn, có lợi cho mình hơn là thực tế phũ phàng không như ý ta đang gánh chịu… Nếu bình tâm và có cái nhìn thực tế, ta sẽ nhận ra rằng, trong cuộc sống duyên sinh và cộng sinh này, không có cái gì có thể hoàn toàn độc lập mà tồn tại, không có điều gì gọi là “tự nhiên” như thể từ trên trời rơi xuống và “vận” vào ta như một điềm hên hay một vận xui. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó, nên ta muốn nó diễn ra theo ý mình cũng không thể được. Nếu không hiểu được những quy luật khách quan vận hành cuộc sống, ta trở thành nạn nhân và bị dòng đời cuốn vào trong sự thăng trầm này và bị dìm cho đến chìm trong những lượn sóng nhấp nhô ấy cùng bao khổ đau, căng thẳng, bất an và dao động không ngừng nghỉ trong tâm.
Với cái nhìn khách quan, ta sẽ có thái độ tích cực và thực tế hơn với cuộc sống nhiều gam màu này. Nhìn lại cả một chặng đường dài đã đi qua, nếu công tâm với chính mình, ta thấy chuỗi ngày qua là chắp nối của những vui-buồn, thành công-thất bại, hạnh phúc-khổ đau… đan xen hòa quyện vào nhau chứ đâu chỉ là là đơn sắc một màu ảm đạm với thất bại và khổ đau. Hiểu được vậy, mặc cho sóng đời nhấp nhô, gió đời lộng thổi, ai cũng có những buổi mai nắng hồng rực rỡ, trời quang mây tạnh chứ không chỉ có những đêm trường mịt mờ giông bão. Vấn đề là chúng ta có thể làm gì để vượt qua những đêm đen của cuộc đời trong tâm trạng bình thản hơn, hay ít ra cũng không quá hãi hùng hoảng loạn? Nên an phận cho số trời? Hay là vận dụng những gì hoàn cảnh cho mình và tập trung nội lực để bật dậy? chắc không ít người chọn giải pháp thứ hai, vén mây mù để trời xanh hiển lộ, nhưng bằng cách nào đây lại là một câu hỏi lớn.

Muôn hướng tìm lối đi

Chúng ta thử xem một số động vật phản ứng thế nào với nghịch cảnh trong cuộc sống. Nếu bỏ một con chim ó vào trong một vị trí nào đó có một tấm chắn quây tròn hoặc bất cứ hình thù gì có đường kính hoặc chiều dài không quá 3 mét, không cần che chắn gì ở trên, chúng ta có thể cầm tù loài chim có khả năng bay lượn bậc nhất này một cách dễ dàng. Thoạt nhìn, chúng ta có thể nghĩ, sao chúng kém thông minh quá vậy? chỉ cần bật chân một cái là thoát khỏi tấm chắn đơn sơ ấy và sải cánh vào trời xanh để thỏa sức vẫy vùng trong tự do không cầm cố. Thế nhưng, chim ó đã không biết làm vậy. Mỗi khi muốn bay lên từ mặt đất, chim ó phải chạy lấy đà khoảng 3,5 mét đến 4 mét rồi mới có thể bật lên và tung cánh bay. Và khi thấy không đủ khoảng trống, nó chỉ biết quanh quẩn ‘chờ thời’ thôi. Thậm chí nó không hề bay lên thử, dù chỉ một lần. Nó phản ứng như thế là thuần túy theo bản năng mà không hề chuẩn bị tâm lý thích nghi khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Nó sẽ đi loanh quanh trong chỗ quây, cam chịu cảnh tù đày dù ngay bên trên nó, khoảng trời bao la vô tận đang chờ đón. Chỉ một điều là, nếu nó chịu khó thử tung cánh, nếu không đủ không gian phẳng để lấy đà, nó có thể học được nhiều bài học quý báu từ kinh nghiệm thực tế này và biết đâu, rất có thể nó làm được điều gì đó để thay đổi cuộc đời theo hướng tốt hơn.
Còn dơi, loài sinh vật nhanh nhẹn phi thường trong không gian đêm vốn có nhiều đặc điểm lạ. Một trong những đặc điểm lạ lùng ở dơi là loài động vật này không thể cất cánh từ một mặt phẳng. Nếu chúng ta đặt nó lên sân hoặc sàn nhà thì tất cả những gì nó có thể làm là lê lết thân hình một cách khổ sở, đáng thương, té lên té xuống trông thật vô lý và tức cười mà không thể bay lên được. Nhưng nếu đặt nó vào một vị trí có mô cao hơn một tí, từ đó nó có thể quăng mình vào không khí thì chỉ trong nháy mắt, nó sẽ bay vút đi như một tia chớp.
Tương tự như vậy, nếu một con ong nghệ bị rơi vào một cái lọ thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nó sẽ vật vã, kiên trì tìm một lối thoát ở loanh quanh đáy lọ mà không bao giờ nhận ra lối thoát ở bên trên cái lọ không đậy nắp ấy. Khoảng trời không thông thoáng phía trên dường như trở thành xa xỉ và vô nghĩa với nó quá chừng. Nó sẽ vắt kiệt sức tìm kiếm một con đường thoát thân ở quanh đáy lọ, chỉ quanh quẩn đáy lọ. Loanh quanh trong vô vọng, thậm chí có khi nó chết rũ tội nghiệp nơi ấy nếu không may mắn gặp được ai đó cứu nạn.
Con người không phản ứng theo những cách trên vì con người là sinh vật duy nhất trên trái đất có tiềm năng và khả năng thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh hoặc kỳ diệu hơn, có thể tác động hoàn cảnh làm cho nó xoay chuyển theo hướng có lợi cho mình mà không phải lệ thuộc một cách thụ động vào nó. Tất cả những điều kỳ diệu này có được nhờ trí hiểu biết, khả năng xoay xở và khéo thích ứng với sự đa dạng của tình huống. Nét đặc trưng này chỉ có ở con người. Nhận thức, thái độ và kinh nghiệm không chỉ tạo ranh giới rạch ròi giữa con người và con vật, mà ngay trong cùng chủng loại con người, chúng cũng làm cho người này khác hẳn người kia. Giữa dòng đời muôn hướng, con người vận dụng tất cả những kỹ năng mình có để chọn hướng đi thích hợp nhằm chuyển hóa và hoàn thiện mình trong cuộc sống.

Chọn điểm khởi đầu

Hiệu quả và chất lượng của quá trình thích ứng và cải thiện hoàn cảnh tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức, thái độ và tâm huyết của mỗi cá nhân. Thực tế cho ta thấy, trong cuộc sống, mỗi người có cách phản ứng và xoay xở khác nhau khi phải đối diện với những khó khổ và những điều không như ý từ cuộc sống. Nếu khi chúng ta cứ đòi hỏi phải có người “bày cỗ sẵn” cho ta ăn, phải có đủ điều kiện, như loài chim ó cần không gian thoáng rộng mới có thể bay; cần một bệ phóng như loài dơi mới có thể vung cánh; hoặc như ong nghệ kia loay hoay dò dẫm loanh quanh nơi đáy lọ cuộc đời theo bản năng mà không dám nghĩ ngẩng đầu nhìn lên để có thể nghĩ đến một giải pháp ngoạn mục nào khác, chúng ta đã hoài phí đi những tiềm năng quý giá chỉ có ở con người. Nếu phản ứng với khó khăn của hoàn cảnh theo cách “không cần ai dạy cũng biết” nặng tính bản năng như vậy, liệu ta có khác nào các loài động vật thấp kém hơn ta? Những kỹ năng sống và xoay xở tình huống nếu không được phát huy, nó sẽ mãi tồn tại ở dạng tiềm ẩn, dự trữ mà không hề hành hoạt. Những lúc rối trí như thế là lúc ta cần đến những kỹ năng này nhất, chúng lại nằm im lìm “trong kho” ở dạng tiềm năng mà không được kích hoạt để chuyển hóa thành kỹ năng xử lý vấn đề. Nếu không phát huy giá trị của những kỹ năng này một cách thiện xảo, chúng ta cũng chỉ biết loay hoay vật lộn với những khó khăn và nỗi thất vọng ngày càng tăng mà không nhận ra rằng giải pháp hiệu quả nhất có khi đã sẵn có và đang ở rất gần.
Cuộc sống phong phú và đa dạng, không có cái gì cố định, do vậy, không có giải pháp nào là duy nhất cho một vấn đề của dòng sống vẫn cứ đang cuộn chảy không một sát na dừng nghỉ. Một khi ý niệm về ‘một giải pháp duy nhất’ đã được lập trình trong đầu thì chúng ta tự đóng khung nhận thức và không thể nào nghĩ đến các giải pháp khác cho một vấn đề khó khăn trước mắt. Vô hình trung, chúng ta đóng cửa chặn đường tất cả các cơ hội khác có thể còn tốt hơn. Nhận thức và thái độ sống có vai trò lớn trong việc mở rộng tầm nhìn và linh hoạt hơn trong hành động. Có rất nhiều tình huống trong cuộc sống chỉ cần chúng ta thay đổi thái độ, cách nhìn và cách nghĩ, chứ chưa cần nỗ lực tác động gì, thì cũng đã dễ dàng thoát khỏi những vấn đề đang làm ta khổ sở tưởng chừng như bế tắc. Một cánh cửa trước mặt ta đóng lại không có nghĩa các bên khác đều là những vách chắn bịt bùng, không còn ‘lối ra’ nào khác. Với thái độ bình thản, vững chãi, vận dụng sức mạnh nội tâm có thể được chế xuất từ tâm an định và khả năng thích ứng của con người, con đường “thoát hiểm” có thể tự động mở ra một cách nhiệm mầu đến không ngờ. Đến lúc này chúng ta mới hiểu thật ra, có một hướng ta tưởng là vách chắn ấy lại là cửa thoát và cần định hướng chiếc cửa ấy bằng cách nhìn trong bình thản, chánh niệm tỉnh giác, đặt vào đó chiếc chìa khóa thái độ, xoay đúng hướng, cửa sẽ mở.
Bước tiếp theo là bắt tay vào giải quyết vấn đề thực tế trong cuộc sống. Một mục đích tốt là cần thiết, song chưa đủ; chúng ta cần có hướng thực thi tốt và từng bước hoàn thành tốt kế hoạch đã vạch ra thì kết quả mới có thể mỹ mãn. Mọi thứ đều khởi điểm từ cách nhìn và thái độ của mình vậy. Với cách nhìn càng sát với hiện thực khách quan, ta càng dễ dàng có giải pháp phù hợp và hiệu quả với vấn đề ta đang xoay xở. Cách nhìn đúng đắn này được gọi là chánh kiến trong đạo Phật. Đây là bước đầu tiên mang tính quyết định hướng giải quyết vấn đề. Bước đầu tiên đặt chân trên lối đúng, ta không lo gì lầm đường lạc lối mà không về đến đích.
Thiếu chánh kiến là ta loay hoay không định hướng và phung phí cuộc đời như Bùi Giáng đã nói:
         Nửa đời bỏ lạc thâu canh,
    Nửa linh hồn bỏ nước xanh lên bờ. 
Khổ đau về chẳng hẹn giờ,
  Hoang liêu phố rộng bước hờ hững đi. (Bùi Giáng- Mưa Nguồn)
 Ta có thể đã bỏ nửa đời, hai phần đời và thậm chí nhiều thời gian hơn nữa, lang thang trên vạn nẻo đường đời vô định, đắm chìm trong khổ đau nếu không có nhận thức rõ ràng, sáng suốt về mục đích cuộc sống. Bước chân mỏi trên phố rộng mà không tìm ra lối “thoát hiểm” qua những khe hẹp của cuộc đời thì chỉ lãng phí một đời mà thôi. Do vậy, chọn được điểm khởi đầu đúng là đã thành công ở bước đầu rồi vậy.

Qua lăng kính nhận thức

Điểm khởi đầu đã có, định hình con đường đi cần thực tế, không huyễn hóa thì mới đến đích thành công. Điều này cũng tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân về cuộc sống. Nhận thức của chúng ta về hiện thực cuộc sống là quá trình chụp và lưu ảnh ảo của thế giới khách quan vào não bộ của mình trên nền tảng của những hiểu biết, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống và sự thẩm thấu cuộc sống của mỗi con người. Vì thế, những gì ta thấy, nghe và cảm nhận cuộc sống đều mang tính chủ quan. Kiến thức và kỹ năng sống cho ta biết “độ phân giải” cao hay thấp của chiếc “máy hình” tâm thức, để rồi những ảnh chụp được ấy phản ánh độ chính xác của cảnh thật đến mức nào. Khi nào hình ảnh được “chụp” vào trong não bộ có độ chính xác cao, ảnh càng gần với hiện thực khách quan. Khi ấy, mọi thứ trở nên dễ dàng và thoải mái hơn khi ta bắt nhịp được với sự vận hành luôn chuyển biến của thế giới bên ngoài. Hiểu rõ những quy luật vận hành cuộc sống, ta không mấy khó khăn để chấp nhận và điều chỉnh mình cho phù hợp. Điều này có nghĩa là ta có khả năng làm chủ được dòng cảm xúc, có khả năng hòa mình vào dòng đời và đây là nền tảng cho mọi sự thành công lớn nhỏ trong cuộc sống.
Nhận thức khách quan và đúng đắn là điểm khởi đầu thuận lợi cho chặng đường dài nhiều thử thách cam go phía trước. Với cái nhìn thực tế, không tránh né (tâm lý thường tình của con người là ưa tránh né hơn là trực diện vấn đề mình đang gặp phải), ta cần xác định đâu là vấn đề mình đang đối mặt cần phải giải quyết. Đây là bước căn bản đầu tiên theo công thức của Tứ Diệu Đế để giúp con người giải quyết vấn đề đau khổ mà mỗi chúng sanh luôn đeo mang trong kiếp sống này. Định vị vấn đề (khổ đế) là cơ sở để tìm hiểu tính chất, và nhất là nguyên nhân của vấn đề (tập đế). Bước tiếp theo là hướng đến thiết lập một trạng thái bình an trong tâm (diệt đế) khi vấn đề được giải quyết rốt ráo và cuối cùng là dùng giải pháp hợp lý (đạo đế) để thực thi việc giải quyết vấn đề, khai thông bế tắc, đem lại kết quả mỹ mãn cho công việc, thiết lập sự bình an và hạnh phúc cho nội tâm.

Tiếp nguồn năng  lượng

Xác định vấn đề và từng bước gỡ rối vấn đề theo công thức Tứ Diệu Đế rất khoa học vừa trình bày trên là cách hiệu quả nhất để hóa giải khó khăn trong cuộc sống. Để vững bước trên hành trình “chân cứng đá mềm”, nỗ lực và tinh tấn có vai trò hỗ trợ vô cùng đắc lực. Với sự tiếp sức của nỗ lực và tinh tấn, trong những tình huống đối mặt với những điều không như ý, con người mới có đủ năng lượng để gượng lại và bám trụ tại nơi mình đang đứng mà không bị “rơi tự do” hay không tụt dốc mà rơi vào tình trạng bế tắc và tuyệt vọng. Ý chí và nghị lực giúp ta sống vững vàng trong khó khăn, tiếp sức cho ta đủ khả năng hóa giải khó khăn, vô hiệu hóa chướng ngại, vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt để không đầu hàng hoàn cảnh mà vẫn duy trì quỹ đạo nghĩ lành và sống thiện.
Gặp nghịch cảnh buông xuôi là điều dễ làm, thế nhưng, dòng đời sẽ đưa ta về đâu trên lối về vô định ấy? Ở đời, muốn thành tựu bất cứ việc lớn nhỏ nào cũng cần phải nỗ lực, huống gì là trên hành trình sống thiện, cần phải nỗ lực nhiều lần hơn, kiên định nhiều hơn vì ta chọn con đường đi ngược lại những cám dỗ có tính bản năng được huân tập lâu đời nơi mỗi con người. Như nước chỉ có thể chảy xuôi từ nơi cao về chỗ trũng, con người một khi buông xuôi cũng đi từ nơi cao về chỗ thấp, sa sút về mọi phương diện, nhất là đạo đức – cái cần phải rèn luyện luôn luôn mới có thể không trượt dốc.
Nỗ lực và tinh tấn đóng vai trò quan trọng trong việc trau rèn phẩm hạnh đạo đức và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Trong kinh đức Phật dạy, người nỗ lực và tinh tấn mới có thể đạt được những gì chưa đạt, thành tựu những gì chưa thành tựu, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ (Tương ưng bộ kinh, Tập, I, chương XI, phẩm 1). Muốn thành công, phải nỗ lực, tinh tấn luôn luôn, không có điểm dừng nghỉ nếu chưa thành tựu mục đích của mình. Bằng trải nghiệm tự thân, đức Phật khuyên rằng, muốn thành tựu mục đích giải thoát, thì dù có thịt nát xương tan cũng không được rời bỏ tinh tấn, nỗ lực (Tương ưng bộ  kinh, Tập II, chương X, phẩm 3). Nỗ lực và tinh tấn là chất xúc tác có tác dụng kích hoạt nguồn năng lượng để tạo nên một sức mạnh hỗ trợ trên từng chặng đường ta đang đi. Kinh còn dạy rằng, căn cứ vào sự nỗ lực, kiên trì và tinh tấn của một người, ta có thể biết đó là người trí hay kẻ ngu. Người nào đặt sự nỗ lực, kiên trì và tinh tấn của mình vào việc thiện thì đó là người trí, còn ngược lại là người ngu (Tăng chi bộ kinh, chương IV, kinh số 115).
Nỗ lực và tinh tấn cho ta nguồn năng lượng để không chồn chân mỏi gối trên đường dài ta đi tới. Với nguồn dưỡng chất tâm linh này, ta nhẹ bước giữa trăng thanh, gió mát dẫu đường phía trước vẫn còn diệu vợi xa xăm…

Tự thân dấn bước trên đường ta đi

Muốn có lối thoát trong những tình thế cam go mà ai trong chúng ta cũng gặp phải, không lúc này thì lúc khác trong cuộc sống, chúng ta cần có cách nhìn mới, ý tưởng mới cho một vấn đề không mới. Theo lối mòn, tưởng chừng như an toàn nhưng thường không có hiệu quả và nhất là không thể giải quyết công việc trong các tình huống gay cấn vì tính chất thay đổi thường xuyên của vạn vật. Dòng sống luôn trôi chảy và lịch sử không bao giờ lặp lại nên cần có một thái độ thoáng mở để đón nhận sự mới mẻ, linh hoạt của vạn vật. Cần phải có tầm nhìn và sức bật mới có thể vươn lên khi cuộc đời không ‘chìu’ mình.
Mỗi chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Ta không có quyền chọn sống hay không sống, mà chỉ có thể chọn sống như thế nào. Ta chính là kiến trúc sư kiến tạo cuộc đời mình và  mỗi người phác họa chân dung của bản thân in dấu trên cuộc đời này theo cách của riêng mình. Giá trị của tự thân vận động của con người được đức Phật nhấn mạnh trong rất nhiều bài kinh. Đoạn kinh có tính kinh điển nhất đặt trọng tâm vào vai trò cá nhân thường được trích dẫn nhiều nhất là “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” (Trường bộ kinh số 16: Đại bát Niết-bàn; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm 5, kinh Tự mình làm hòn đảo).
Những người khôn ngoan là những người biết nhận thức chín chắn, khách quan nhất có thể, chọn cho mình một góc nhìn phù hợp nhất với bản thân mình trong từng hoàn cảnh cụ thể, có thái độ tích cực hướng đến chuyển hóa bản thân. Theo hướng nhìn này, người ấy sẽ hoạch định con đường tốt nhất và đơn giản nhất, luôn dành trọn nguồn năng lượng tích cực cho đến khi thành tựu mục đích bằng những bước đi hiệu quả nhất. Người nào bình tâm và biết sử dụng nguồn nội lực của mình, phát huy tối đa tiềm năng con người sẽ có nhiều khả năng nghĩ ra những phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề một cách khôn ngoan nhất. Chọn điểm khởi đầu ngay từ nơi mình đứng, với sự nỗ lực và tinh tấn không ngừng nghỉ để tiếp nguồn năng lượng hóa giải những chướng ngại trên đường ta đi. Được vậy, ta vẫn có thể thong dong bước trên đường đời còn nhiều gập ghềnh lồi lõm này.