Friday, October 27, 2017

HẠNH PHÚC: CÓ CẦU ĐƯỢC KHÔNG?

Thỉnh thoảng tôi thấy trên facebook có những trang share nhau bức thông điệp đại loại như “sáng nay, ai thấy tượng Mẹ Quan Âm này, gõ chữ “A”, gia đình bạn sẽ bình an, hạnh phúc, cầu gì được nấy… Nếu bạn bấm “like”, hạnh phúc và những điều may mắn sẽ đến nhiều hơn và nếu bạn “share”với người khác,  thì những điều này còn dồi dào và dài lâu hơi thế nữa ”... bla bla…
Thế là tôi thấy rất nhiều người gõ chữ “A”, rồi “like”, rồi “share”… Tôi cảm thấy thương cho họ quá! Lý do thương đầu tiên: tâm lý chung, ai cũng muốn gia đình mình được bình an, hạnh phúc, vui vẻ… nói chung, mọi thứ tốt đẹp ở thế gian, rủ nhau chạy về nhà mình ngay cả không cần đọc thần chú “vừng ơi, mở cửa!”  Thấy họ… tha thiết quá mà thương!
Lý do thứ hai để thương: họ muốn hạnh phúc, muốn đủ đầy mọi điều tốt đẹp nên ai xúi gì, nghe nấy mà không còn biết gì nữa! Họ không biết cách để hiện thực hóa những cái muốn của mình!
Tôi xin nói thẳng, nói thật rằng: sẽ không có hiệu quả nào đâu khi làm điều đó! Hạnh phúc! Bạn nghĩ đó là cái gì mà dễ dàng, chỉ thò tay gõ phím chữ “A” là hạnh phúc ùa nhau chạy về chất đầy nhà bạn?
Bạn có thể gõ phím chữ “A” để có hạnh phúc, nhưng phải gõ chỗ khác, gõ cách khác mới được! Nếu bạn muốn, tôi thử gợi ý, chỉ gợi ý thôi nhé, còn mỗi người sẽ có một cách gõ đặc trưng cho mình, qua gợi ý của tôi, bạn sẽ biết tự tìm ra cách gõ, không ai giống ai.
Bạn muốn gõ chữ “A” để có hạnh phúc, đúng không? Mới sáng vừa thức dậy, nghĩ về những người thân trong gia đình bạn, rồi hàng xóm, bà con, rồi những người nơi chỗ làm lát nữa bạn gặp, rồi những người bán hàng các thứ mà bạn có dịp giao tiếp, bạn gõ vào tâm mình: “Ai ai cũng dễ thương!” chữ “A” này (trong chữ “Ai”) chắc chắn đem lại cho bạn hạnh phúc! Ra đường, giờ đi làm là giờ cao điểm, bạn đã lường sự việc và đi sớm 5 phút, nên khi tham gia giao thông, bạn không cần phải quá hối hả, bạn gõ vào đầu: “Ai gấp tôi nhường” (cũng chữ “A” nhé) để vẻ mặt vẫn giữ được sự vui tươi và điềm tĩnh; bạn cũng gõ vào tay và chân câu đó để bạn giảm ga, đạp thắng. Đến nơi làm, bạn dồn năng lượng và tâm trí vào công việc một cách trọn vẹn, bạn gõ vào tâm dòng chữ “Ai làm gì mặc kệ, tôi lo việc mình” (lại chữ “A” nữa). Trưa ở chỗ làm hoặc về nhà, bạn nhớ gõ vào tâm câu: “Ăn gì cũng được” (chữ “A” đó nha), bạn có bữa ăn hạnh phúc, dù ăn món gì. Rồi cuối ngày, về với mái ấm gia đình, bạn gõ vào tâm câu “An vui cả ngày” (chữ “A” nữa!).
Với những chữ “A” này, tâm bạn tươi mát suốt ngày vì nó được nuôi dưỡng trong môi trường an toàn. Gõ được những dòng chữ có chữ “A” này, chắc chắn bạn biết cần phải làm gì rồi. Suy nghĩ, dự định và hành động tích cực thế này thì đảm bảo hạnh phúc sẽ theo các bạn trên từng bước chân! Bạn sẽ không có cơ hội để làm phiền lòng người khác, không có cơ hội để bực bội sân si… Một khi biết gõ vào tâm những câu ấy thì tâm sẽ chỉ đạo mọi hành vi, lời nói của bạn cùng xây dựng lâu đài hạnh phúc!

Đây chỉ là gợi ý nhỏ để bạn gõ chữ “A” đúng cách để có hạnh phúc. Bạn có thể gõ chữ “B”, “C”… thậm chí hết bảng chữ cái để có hạnh phúc và muôn điều may mắn. Mong muốn của bạn sẽ thành nếu bạn biết cách gõ.
Mong muốn hạnh phúc không có gì sai, thậm chí vô cùng chính đáng! Có điều mong suông thì không bao giờ thành. “Mong” chỉ là điểm xuất phát của một quá trình thiết lập, nuôi dưỡng hạnh phúc. “Mong” là điểm ta bắt đầu rót năng lượng hành động để đi đến cái đích mà mình muốn. Thay vì ngồi đó muốn có hạnh phúc, chúng ta cần chăm sóc cái nhân đưa đến hạnh phúc, thì mới có hạnh phúc được. Do vậy, thay vì tin quàng tin xiên ở thế lực bên ngoài nào có thể bê nguyên một khối hạnh phúc to đùng thả vào nhà mình, ta hãy tự tin vào bản thân mình. Khi ấy, niềm tin như bình xăng vừa mới nạp, sẽ cung cấp nhiên liệu cho quá trình xây dựng hạnh phúc, thay vì mong cầu hạnh phúc. Điều kỳ diệu ở đây là bình xăng niềm tin càng chạy càng được sạc và đầy hoài (theo kiểu bình xăng khô ấy!) Ta phải chắt chiu từng giọt hạnh phúc bằng những việc làm bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Hãy tin vào chính mình, chỉ có mình là ông thần đem lại hạnh phúc và mọi điều tốt đẹp cho gia đình mình, đừng cầu ở đâu xa!
Tin ở bản thân mình là đi được nửa chặng đường! Phần còn lại, đòi hỏi chúng ta có phương pháp đúng, có kỹ năng, cùng một chút nghệ thuật, một chút kiên định và cần mẫn, ta sẽ có được điều mình muốn.
Hạnh phúc như ngọc ở trong đá,
Hạnh phúc như mật ở trong hoa,
Không đến với ai không cần cù tìm kiếm!


Thursday, October 26, 2017

KHÓ QUÁ…. BỎ QUA!

Trên đời này, có rất nhiều việc diễn ra ngoài sự kiểm soát, điều khiển của mình. Trong số đó, lại rất những cái không theo ý chúng ta muốn. Đối trước tình huống này, tâm lý thường tình, ta căng thẳng, bất an, buồn bực, trách móc, ganh tỵ và đau khổ, tùy theo mức độ. Hãy nhớ lại từ sự trải nghiệm của mình, cứ mỗi lần đối mặt với những sự thật không mong muốn, ta đau khổ, căng thẳng và bất an như thế nào. Nếu chuyện không như ý đến từ đầu ngày, ta có trọn một ngày căng thẳng và bất an! Với năng lượng tiêu cực đó, ta làm hư cả một ngày của bản thân của gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác.
Trong thời đại @ thì không chỉ những người chung quanh trong tầm nhìn, tầm nghe bị ảnh hưởng mà cả người xa hơn cũng bị lây! Sóng wifi phủ tới đâu, ta đem năng lượng tiêu cực là một loại bệnh “truyền nhiễm” phát tán đến đó!
Đừng nhấn ga, hãy đạp thắng! Lùi lại một tí (giống như coi TV, ngồi gần không thấy rõ), ta sẽ thấy rõ bản chất của vấn đề. Sự không như ý trong cuộc sống có thể giáng xuống đầu chúng ta bất cứ lúc nào, không chừa một ai. Những gì ngoài tầm tay mình, ta không thể can thiệp được, tại sao ta phải cố gắng để can thiệp rồi bất an và đau khổ? Một sự thật rõ ràng mà những ai đã từng “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” sẽ hiểu và chấp nhận: có những việc ta chỉ có thể chấp nhận, không thể làm gì khác!
“Muốn mà không được” là một trong tám hình thái khổ ở thế gian mà đức Phật đã chỉ ra. Từ đó, Ngài dạy, muốn hạnh phúc, trong những trường hợp này, cần tu tập tâm xả. Nói theo ngôn ngữ bây giờ là “thôi thì, khó quá… bỏ qua!”
Đây là kỹ năng giữ tâm thanh tịnh, bình thản, điềm tĩnh, không bấn loạn trước nghịch cảnh chướng duyên. Đây là cách để chúng ta giữ được năng lượng cuộc sống và đầu tư vào những việc ta có thể góp phần làm thay đổi để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.

Hãy tập chấp nhận từ những việc hiển nhiên nhất. Ví dụ sáng nay đi làm, ta muốn trời nắng đẹp mà trời lại mưa, thì chuyện gì phải bực bội khi hiểu rõ “nắng mưa là chuyện của trời”! Việc của mình là sẵn sàng một chiếc áo mưa đủ tốt cho chúng ta khỏi ướt! Trời mưa còn đỡ, đời mưa còn dễ sợ hơn! Nên cứ phải trang bị cho mình sự bảo hộ cần thiết để không phải chịu đựng những cái khổ không cần thiết!

Chính chúng ta, không ai khác, là người họa sĩ vẽ nên tâm trạng vui buồn cho chính mình. Chọn trang phục nào để mặc trong ngày hôm nay là quyền của bạn, cũng giống vậy, tâm mình màu xám hay màu hồng là do ta tự vẽ vậy!
Vừa thức dậy, tự nhắc mình “ngày hôm nay, tôi sẽ không để tâm mình căng thẳng với những gì tôi không thể kiểm soát, can thiệp được”, chắc chắn ta có một ngày trọn vẹn ngập tràn hạnh phúc!

Monday, October 23, 2017

CỨ PHẢI SỐNG TỬ TẾ

Khi liên tiếp gặp nhiều người không tốt, ta có cảm giác như cả thế giới không tử tế! Ta muốn hờn cả thế gian này! Khi niềm tin xói mòn và bạc màu, ta vẫn thường nghi ngờ rằng “đời này chẳng còn ai tử tế cả, tuyệt chủng hết rồi!” Cái cảm giác chùng lòng khi nghĩ cuộc đời này thật phũ phàng và cay đắng, khi gặp ai đó quay lưng, bạn bè bội tín, người mình từng hết lòng tin tưởng bán đứng mình không cần đặt cọc… nó mới nặng nề, chơi vơi, hụt hẫng làm sao! Niềm tin vào con người và cuộc sống tả tơi từng mảnh vụn!
Dù là như vậy, cũng không nên mang cặp kính đen để nhìn khắp thế gian. Với cách khái quát hóa thiếu cơ sở khoa học như vậy, chúng ta chịu nhiều thiệt thòi khi tự mình làm cho bản thân bị “mù màu”: thấy ai cũng xấu ác, đáng nghi ngờ! Đêm có đen thì hãy ngẩng nhìn lên, trên bầu trời cao và xa kia, muôn vì sao lấp lánh đó mà!
Một vài, thậm chí nhiều, cá nhân ta gặp có thể đối xử tệ với ta, nhưng số người đó chưa đủ để đại diện cho tất cả!
Dù thế nào đi nữa, cuộc đời còn nhiều mảng màu khác, chỉ vì ta chưa đủ duyên lành để gặp đó thôi!
Đừng vội quy kết, cứ vẫn phải tư duy tích cực và tin tưởng vào cuộc sống! ít ra cũng còn những người thân yêu luôn bên cạnh, chia sẻ, đồng cảm, thấu cảm với chúng ta mà! Họ là người tử tế!
Người tử tế trên đời này còn nhiều lắm. Nếu bạn chưa gặp được người tử tế, bạn hãy là người tử tế đi! Với cách này, ta gặp ngay được người tử tế, chính là mình đây, đâu cần tìm kiếm đâu cho xa xôi!

Nguyên tắc sống và tư duy tích cực để có hạnh phúc và an lạc cho mình là: muốn có bạn tốt, bản thân mình phải là người bạn tốt; muốn gặp người tử tế, bản thân mình phải là người tử tế!

Saturday, October 21, 2017

XÉT ÍT THƯƠNG NHIỀU


Chúng ta đang sống trong cuộc đời là nơi chưa hoàn hảo và sẽ không bao giờ hoàn hảo! Đây là một sự thật, dù có “duy ý chí”, gồng lên cỡ nào cũng không thể phủ nhận sự thật này. Chất liệu chính yếu tạo nên cuộc đời này là con người, và lẽ dĩ nhiên, hầu hết họ đều chưa hoàn hảo. Do vậy, đừng nhìn những cái khuyết, thiếu, kém, dở và những thứ mình cho là chưa được của người khác để phiền lòng và trách móc.
Tâm lý lấy mình làm trung tâm là một thói quen của tất cả, ta thấy mình xứng đáng được nhiều hơn những gì ta đang có, về mọi phương diện. Đây là lý do từ nhỏ mình đã biết trách móc sớm hơn nhiều cái biết khác! Còn nhỏ thì trách mẹ sao gọi con dậy sớm. Lên lớp thì thầy cô cho bài nhiều, bắt học nhiều. Lớn tí nữa học nhiều môn nhiều người dạy thì trách thầy A dạy khó hiểu, cô B nghiêm quá. Ra trường đi làm trách việc nhiều lương ít, về nhà thì so sánh chồng/vợ mình với người hàng xóm với tâm bực bội cau có… Xâu chuỗi những trách móc, giận hờn lại, đó là chuỗi ngày không hạnh phúc, đã lấy đi một phần lớn quỹ thời gian cuộc sống của bạn! Vô lý quá đúng không? Bạn trách người khác, đồng nghĩa với việc bạn tự thấy mình tốt hơn, đáng để được đối xử tử tế hơn. Ấy vậy mà ở đây, chính bạn là người đối xử quá tệ với bản thân mình! Bạn đày đọa mình trong căng thẳng, buồn bực, ghen tỵ, trách móc… thì đời còn gì vui? Bạn đáng được hưởng nhiều hơn vậy mới phải!

Vấn đề nằm ở cách nghĩ, nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người. Trong cái thân này thôi, cả thế giới sanh khởi! Trong cái thân này thôi, hạnh phúc hay khổ đau có mặt! Một cách nhìn nhận vấn đề rất khoa học là hãy chấp nhận sự chưa hoàn thiện ở tất cả những con người trong đời này, trong đó có bản thân mình, cũng như những gì liên quan đến cuộc sống của mình, để cố gắng tốt hơn mỗi ngày, bổ khuyết cho nhau. Steve Jobs cùng các cộng sự đã chọn quả táo khuyết làm logo cho Apple cũng không ngoài ý tưởng này! Có thể bạn đang sở hữu một chiếc iphone, ipad với hình ảnh này nhưng chưa bao giờ đọc được thông điệp mà người tạo ra nó muốn chuyển tải: tất cả còn chưa hoàn thiện và chúng ta phải góp phần dần hoàn thiện ở mức tốt nhất có thể.
Nếu chúng ta cứ phiền trách những người khác vì những lỗi không đáng, ta là người chuốc lấy khổ đau, đầu tiên và nhiều hơn. Ai không làm vừa lòng mình, ta “nghỉ chơi” ngay thì chỉ sau một thời gian ngắn, ta sẽ không còn thấy ai đáng để mình duy trì mối quan hệ cả! Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy vô cùng cô đơn, vì nhu cầu xã hội, nhu cầu giao tiếp của bạn vẫn còn đó! Để mình không đi vào ngõ cụt, chúng ta cần thay đổi cách nhìn: nếu đường này dẫn vào ngõ cụt, chắc chắn đi ngược lại ngả đối diện sẽ có đường ra! Lối mở cho tất cả chúng ta: đừng xét nét, đòi hỏi, mong muốn ở người khác nhiều quá. Hãy xét ít lại và thương nhiều hơn, cuộc sống sẽ chuyển tone màu sáng ngay và hạnh phúc lại ngập lòng. Khi ấy, bạn sẽ cảm nhận hạnh phúc, tự nó giản đơn lắm, ở ngay trong ta và quanh ta, ở ngay nơi những con người gần gũi nhất của mình chứ không đâu xa!
Một bức tường được xây bởi 1000 viên gạch mà có 2 viên gạch lệch ở hàng dưới cùng (vì chưa kinh nghiệm lúc đầu), người có cách nhìn tích cực sẽ thấy bức tường đẹp khi nhìn 998 viên gạch kia, người xét nét sẽ chê bức tường vì 2 viên gạch lệch!
Hãy làm người hào phóng đi bạn! Có khi mọi người cũng đang chịu đựng mình mà ta không biết đó thôi!
Chúc các bạn luôn là người xét ít, thương nhiều!

Wednesday, October 18, 2017

KHÓ KHĂN, ĐAU KHỔ LÀ CẦN THIẾT...

Đau khổ, bất toàn và bất như ý là những sự thật hiển nhiên của cuộc đời. Đã là sự thật hiển nhiên thì ta không cần hoài công tránh né, vì “chạy đường trời cũng không khỏi nắng”. Sẽ là chọn lựa khôn ngoan nếu ta học cách đương đầu với khó khăn, học kỹ năng chuyển hóa đau khổ và tập chấp nhận sự bất toàn và bất như ý ở trong ta và từ bên ngoài đến với ta!
Những người có hoàn cảnh khó khăn từ nhỏ là người có nhiều cơ hội để rèn luyện những kỹ năng vượt khó để rồi những người này, khi gặp cảnh khốn khó, lao đao, hoàn cảnh bất hạnh… thì khả năng thích nghi, sinh tồn và vươn lên của họ tốt hơn so với nhiều người có hoàn cảnh “thuận buồm xuôi gió”. Một cái cây được trồng trên triền đồi khô cằn sẽ có giá trị sử dụng tốt hơn cái cây cùng loại được trồng ở đất đồng bằng phì nhiêu hơn! Cây rừng hoa dại mọc hoang ngoài đồng nội sẽ thích nghi với môi trường sống hơn hẳn cây cảnh ta chăm chút cưng chìu!
Chỉ số vượt khó AQ (Adversity Quotient) không phải là một hằng số vốn sẵn có nơi mỗi con người! Từ khi sinh ra, ta có tất cả mọi thứ ở dạng tiềm năng, chưa được kích hoạt. Cùng với thời gian năm tháng, mọi tiềm năng, tùy vào nhu cầu của cuộc sống, tùy vào thái độ, nhận thức cuộc đời và tùy vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân mà mỗi người thể hiện mỗi khác. Chỉ số AQ cũng như vậy, sẽ biến thiên tùy vào kỹ năng đương đầu với khó khăn và đau khổ. Cứ mỗi lần đương đầu với một khó khăn, là lúc chúng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và là dịp tốt để trui rèn bản lĩnh và tính cang cường vốn rất cần thiết nơi con người mình.
Đừng mong đường ta bước không chông gai, chỉ mong mình có đủ kỹ năng để tự trang bị một đôi giày, và đủ chí khí để mạnh mẽ, tự tin bước qua rừng gai mà vẫn an toàn. Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa nếu chúng ta xây cuộc đời mình bằng những giọt mồ hôi của nỗ lực, của vươn lên không ngừng, cộng với những giọt nước mắt của thất bại cùng với những giọt nước mắt của thành công!
Cứ mỗi khó khăn qua đi, can đảm và nghị lực ở lại! Mỗi con người trưởng thành thêm lên sau mỗi lần đi xuyên qua khó khăn, đau khổ. Văn hào W. Goethe từng phát biểu: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Hãy vững tin một điều rằng Sức sống trong bàn tay trong bàn chân (Trịnh Công Sơn- Dựng lại người, dựng lại nhà). Do đó:
Với những ai đang sống để trở thành can đảm hơn, đau khổ có thể trở thành nguồn lý tưởng để trưởng thành. Một đời sống bình lặng không khó khăn bất cứ ở phương diện nào cũng như một chiếc thuyền không, hễ gặp bão một cái là lật úp ngay!” (Khenpo Sodargye- Đi xuyên qua đau khổ).

Sunday, October 8, 2017

CHỚ LO LẮNG - HÃY SỐNG AN LẠC (Kỳ 11)

Đức Phật nói gì về ăn thịt?

Ajahn Brahmavamso
Ngay từ lúc đạo Phật được hình thành hơn 2500 năm về trước, các Tăng Ni vẫn sống nhờ vào khất thực. Trước kia và hiện giờ cũng vậy, họ không được phép trồng tỉa để lấy lương thực, không được tích lũy thực phẩm, cũng như không được tự nấu nướng thức ăn. Thay vào đó, mỗi buổi sáng họ dùng bữa bằng bất kỳ thứ gì các Phật Tử tự nguyện dâng cúng. Cho dù thức ăn có giàu năng lượng hay kém phẩm chất, khoái khẩu hay khó ăn, tất cả đều được họ chấp nhận với lòng tri ân và được xem như là dược phẩm để duy trì sự sống. Ðức Phật đã đặt ra nhiều giới luật ngăn cấm chư Tăng không được đòi hỏi thức ăn mà họ ưa thích. Kết quả là chư Tăng chỉ nhận các loại thực phẩm giống hệt như thức ăn người dân thường hay sử dụng - và thông thường thì các thực phẩm đó có thịt cá.

Saturday, October 7, 2017

THẬT SỰ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM (Phần 2 và Hết)

ANDREW OLENDZKI

Liên Trí dịch

THẬT SỰ  phần THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM (Phần 1)
Phần này hay quá! Vì muốn chia sẻ phần chánh niệmnày mà bỏ công dịch nguyên bài cho ý trọn vẹn, dễ hiểu hơn!

Chánh niệm và những tâm sở đồng hành

Theo A-tỳ-đàm, chánh niệm (sati, 29) là một tâm sở thiện, chỉ sinh khởi trong một số tình huống đặc biệt. Ngày nay, trong hầu hết các cách  nói thông thường, chúng ta hay dùng thuật ngữ này để chỉ bất cứ các yếu tố nào đã nêu trên hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố này. Trong các bài kinh nguyên thủy, đặc biệt là kinh Niệm xứ (Trung bộ kinh số 10), hành giả đi đến một chỗ vắng, ngồi kiết già, giữ lưng thẳng, đặt chánh niệm vào sự hiện diện trước mặt. Luận A-tỳ-đàm đưa ra một định nghĩa về chánh niệm có bốn phương diện, theo cách giải thích trong các bản sớ giải A-tỳ-đàm: (1) thể của nó là giữ tâm không dao động, hoặc giữ tâm không trượt khỏi đối tượng đang trú tâm; (2) dụng của nó là làm vắng bặt sự xáo trộn, ghi nhớ không quên sót (từ “niệm” xuất phát từ chữ “ký ức”); (3) tướng của nó là trạng thái đối đầu một lãnh vực cảm nhận bằng giác quan một cách khách quan; và (4) nhân trực tiếp là cảm thọ mạnh mẽ hay bốn cơ sở của chánh niệm (thân, thọ, tâm và pháp). Tất cả những định nghĩa này đưa ra sự hiện diện rõ ràng hơn của tâm, nhấn mạnh sự chủ tâm vào đối tượng kinh nghiệm trong giây phút hiện tại, một tính chất đặc biệt của tác ý. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều hơn nữa qua việc quan sát nhóm mà nó đi cùng.

Monday, October 2, 2017

THẬT SỰ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM (phần 1)

Andrew Olendzki
Liên Trí dịch
Khi thuật ngữ “chánh niệm” ngày càng được sử dụng rộng rãi, thường có sự nhầm lẫn, cho rằng chánh niệm là “có mặt trong giây phút hiện tại”. Andrew Olendzki nghiên cứu luận tạng A-tỳ-đàm đã khám phá ra thật sự thực hành chánh niệm là làm gì, và nó diễn ra thế nào. Bài viết này rất thú vị khi Ông cho rằng, không thể có “chánh niệm” về cơn giận nếu chúng ta chỉ ý thức, biết rõ cơn giận đang có mặt, không can thiệp gì, cho phép nó có mặt, không phê phán, không đè nén, không để nó sai sử... Cái đó không thể gọi là “chánh niệm”! Nói cách khác, giận và chánh niệm không cùng hiện hành trong một sát na tâm (được nói đến ở phần cuối bài này rất thú vị!).
Tôi rất tâm đắc ý này, đọc bài viết thấy hay quá, nên dành thời gian dịch để chia sẻ với người có duyên. 
Tiếng Anh được sử dụng rất phong phú trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là khi giải thích những đặc tính của thế giới vật chất, thế nhưng khi cần diễn đạt những sắc thái đặc thù thuộc sự trải nghiệm nội tâm, ngôn ngữ này trở nên khá vụng về. Đây là một trong những lý do gây nên sự bối rối, khó hiểu khi bàn luận về tâm, thiền định và tâm lý nói chung.