Wednesday, August 12, 2015

NHỮNG BÀI HỌC CUỘC SỐNG TỪ LỜI PHẬT DẠY

Đức Phật có mặt trên cuộc đời này như một viên ngọc quý đẹp từ mọi góc nhìn. Ở phương diện tâm linh, Ngài là nhà tâm linh tuyệt vời khi mở ra con đường sáng cho nhân loại để tự mình giải thoát khổ đau đày đoạn kiếp người. Ngài là ngThân sống trong hiện tại mà để tâm tham đắm giong ruổi theo những pháp bị thời gian chi phối là quá khứười đầu tiên và duy nhất “bãi nhiệm” vai trò sáng tạo của Phạm Thiên để con người biết rõ vị trí của mình mà thoát khỏi sự nô lệ tâm linh vào một đấng sáng thế. Ở phương diện xã hội, Ngài là nhà cải cách xã hội đem lại công bằng xã hội và sự bình đẳng giới, cũng như có nhiều cải cách đáng kể cống hiến cho xã hội Ấn Độ thời bấy giờ như chủ trương hòa binh, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Ở phương diện giáo dục, Ngài là một bậc thầy vĩ đại, Ngài dạy cho chúng ta nhiều bài học thiết thực trong cuộc sống để có nhiều an vui, hạnh phúc hơn. Trong bài viết này, tôi muốn nhìn Ngài là một nhà giáo dục đã chỉ dạy cho chúng ta nhiều bài học thiết thực ứng dụng trong cuộc sống của mình. Tôi xin khái quát những bài học thiết thực từ lời Phật dạy qua 10 điều sau:
1. Bắt đầu từ đơn giản và nho nhỏ thôi
Bình nước đầy do từng giọt nhỏ vào. Bắt đầu từ cái đơn giản nhất, đơn vị nhỏ nhất để dần hoàn thành và hoàn thiện cái lớn hơn. Không có cái lớn nào tự nhiên từ trên trời rơi xuống mà là sự kết tinh từ những cái nhỏ mà thành. Ralph Waldo Emerson từng nói, “mỗi người nghệ sĩ đều xuất thân từ người nghiệp dư”. Tất cả chúng ta đều khởi đầu từ những việc nhỏ nhất tưởng chừng đơn giản nhất. Ai muốn bắt đầu là thành công ngay một cách quy mô chỉ là mơ tưởng hão huyền mà thôi. Ai cũng đi lên từ bước chân đầu tiên, như bất cứ cầu thang nào cũng bắt đầu từ bậc thang thấp nhất nối liền mặt đất đó thôi. Nếu có sự nỗ lực, có kỹ năng, sự toàn tâm toàn ý, kiên nhẫn một cách có phương pháp, chắc chắn ta sẽ thành công. Không ai có thể ngủ một đêm, choàng tỉnh dậy biến thành người thành công như có phép màu. Không có con đường tắt đi đến thành công mà con đường ấy chỉ có thể đến với những ai biết bằng đầu từ một giọt nước nhỏ thôi, và kiên trì lao động miệt mài một cách có phương pháp và nghệ thuật cho đến khi chiếc bình đầy tràn nước:
Cây quỵ ngã: do đốn xong”búa chót”
Thành xây nên: bởi viên đá “sau cùng”
Sợ làm chi, chỉ một trận thư hùng
Mà kẻ thắng, là thắng khi “trận cuối”. (Giác Huệ)
Tất cả những thiện ác trên cuộc đời này đều bắt đầu từ những giọt nước nhỏ rồi dần được tích chứa:
Điều ác nhỏ, chớ khinh,
Tưởng quả chẳng đến mình.
Kẻ ngu, ác dồn chứa,
Như nước nhỏ đầy bình. (PC 121)
 Điều thiện nhỏ, chớ khinh,
Tưởng quả chẳng đến mình.
Bậc trí, thiện dồn chứa,
Như nước nhỏ đầy bình.(PC 122)
Có nhỏ mới có lớn, có bắt đầu mới có thể đến đích. Coi thường những cái nhỏ thì cái lớn không thể nào thành tựu. Đức Phật nhắc các đệ tử không nên coi thường những cái nhỏ như đứa bé trai dòng họ vua chúa, đốm lửa nhỏ, con rắn nhỏ và vị tỳ kheo nhỏ tuổi (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III), vì những cái nhỏ trong hiện tại này hàm chứa một tiềm năng rất lớn và có thể tạo nên nhiều thay đổi lớn lao đến không ngờ.
Cứ bắt đầu bằng những chi tiết nhỏ thôi, đơn giản thôi để không phải choáng ngợp và áp lực, nhưng cứ thế, kiên trì mỗi ngày, chuyên cần mọi lúc, siêng năng mọi nơi, mọi nỗ lực và toàn tâm toàn ý ta đặt vào trong từng việc một sẽ đưa ta đến thành công và an ổn trong sự thảnh thơi và vững chãi.
Cuộc hành trình dài cũng bắt đầu từ từng bước chân, vạn lý trường thành cũng được xây từ từng viên gạch một đó thôi.
2. Tâm ý là chủ đạo
Tâm ý chỉ đạo mọi hành động của chúng ta, có điều không phải ai cũng hiểu được điều này, vì hầu hết chúng ta thiếu kiểm soát, thiếu chánh niệm nên không thể ý thức hết vai trò của tâm ý. Những câu kinh mở đầu pháp cú nói lên tầm quan trọng của tâm ý:
Tâm dẫn đầu các pháp. 
Tâm là chủ, tạo tác. 
Nếu nói hay hành động, 
Với tâm niệm bất tịn
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo chân bò. (Pháp cú 1)
Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình. (Pháp cú 2)
Tâm ý có nhiệm vụ quyết định, thân và lời nói chỉ là công cụ của tâm ý mà thôi. Tâm ý là nguồn, thân và lời nói là nhánh ngọn. Để có thể sống chân chánh, trước hết, cần phải có suy nghĩ chân chánh. Ý tưởng quyết định hành động, hành động quyết định kết quả. Một suy nghĩ đúng sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp trong khi đó, một suy nghĩ sai sẽ đưa đến kết quả khổ đau. Nếu chánh niệm, ta có thể nhận biết sự việc khi còn ở giai đoạn động cơ để kịp thời can thiệp và chuyển hướng hành động theo ý muốn để có kết quả tốt nhất có thể. Thay đổi thái độ, nhận thức và suy nghĩ là thay đổi cuộc sống vậy.
Nhiều người cứ quy cho nghiệp như là một yếu tố tiền định quyết định cuộc sống mỗi người, thế nhưng nghiệp là tập quán các, là những thói quen cho tâm ý chủ trì, nên chung quy lại, tâm ý dẫn đầu trong mọi lối đi. Đức Phật dạy chính tâm ý là tác giả của tất cả những hành động, lời nói thiện hoặc ác của mỗi người. Không ai làm cho mình thanh tịnh, không kẻ nào khiến mình nhiễm ô, tất cả đều trong tầm tay của mỗi người. Ai cũng có quyền quyết định mình trở thành người như thế nào, thanh tịnh hay nhiễm ô do mình tự chọn vậy (Pháp cú 165). Hạnh phúc và đau khổ cũng do mình tự chọn lựa. Chọn lựa ở đây là chọn cách thức để đưa đến hạnh phúc, chuyên chú tâm vào hiện tại để sống hạnh phúc trong từng sát na sống, chứ không đơn giản muốn có hạnh phúc là hạnh phúc liền có mặt. Nhiều người do tâm tham, sân và si chế ngự chi phối, nên cứ tạo ra nhân đau khổ mà trong lòng thì mong có quả hạnh phúc. Ví như nấu đá mà mong thành cơm là ảo tưởng viển vông, mơ hồ và không thể nào thành tựu, “nguồn đục trào ra nước há trong”?
3. Tha thứ
Tha thứ là thuốc chữa lành vết thương sân hận trong lòng mình. Ôm giữ cơn giận chẳng khác này nắm lấy hòn than nóng ném vào người khác, dù có ném đúng vào họ hay không, tay ta bị bỏng trước tiên. Khi nào chưa thể tha thứ được cho ai đó, ta tự giam cầm mình trong ngục tù của đau khổ và bất an chứ không phải ta đang giam cầm đối tượng làm tổn thương đến mình. Do vậy, hãy tha thứ càng sớm càng tốt cho bản thân mình vậy. Chủ trương của đức Phật đối với thù hận được xác định rõ ràng qua câu Pháp cú số 5:
Hận thù diệt hận thù,
Đời nay không thể có,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu. (Pháp cú 5)
Khi bị người khác xúc phạm, ta cần thấu hiểu chính họ cũng có những nỗi khổ đang chịu đựng. Vì không an lạc, họ đổ vấy lên ta qua sự vụng về làm tổn thương ta. Đây là bước đầu tiên để tha thứ và bắt đầu xây dựng lại những gì vừa đổ nát, nối lại truyền thông. Học cách tha thứ cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng tâm kiên nhẫn: kiên nhẫn để kềm chế và giải tỏa tâm sân hận trong ta; kiên nhẫn để chờ đợi sự thức tỉnh và nhận chân vấn đề từ người xúc não ta. Tha thứ là kiên nhẫn với những vụng về, khiếm khuyết và chưa hoàn hảo ở người và ở mình. Tha thứ là kiên nhẫn để chờ đợi người và mình tiến bộ hơn, vững chãi hơn. Sự an tịnh sẽ được thiết lập trong tâm khi ta học được cách thực hành kiên nhẫn bằng phương pháp tha thứ.
Ta chỉ có thể tha thứ khi tâm đủ bao dung để nhận ra rằng ai cũng có thể mắc phải lỗi lầm, không lúc này thì khi khác, bản thân ta cũng vậy. Tha thứ có nghĩa là chấp nhận được sự không hoàn thiện ở người và ở mình. Tha thứ không chỉ là biểu hiện của tâm kiên nhẫn mà còn là biểu hiện của tâm từ, bao dung trong chấp nhận, bao dung trong tin tưởng vào một sự thay đổi tích cực trong tương lai. Trong phương pháp tu tập tâm từ, một phương pháp thiền định Phật giáo, có nội dung là “tôi tha thứ tất cả những lỗi lầm của người khác, dù vô tình hay cố ý, gây đau khổ cho tôi. Tôi cũng tha thứ tất cả lỗi lầm mà tôi tự tạo khổ đau cho mình” (Kinh Lòng Từ, Kinh Tập).
Một khi trong lòng không còn ôm hiềm hận mà tình thương yêu nhuần gội tâm mình và lan tỏa ra môi trường sống quanh ta, hạnh phúc sẽ ngập tràn, như đức Phật từng nói:
                            Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù !
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù ! (Pháp cú 197)
4. Trăm nói không bằng một làm
Nói thì dễ, làm mới khó. Có nhiều điều đứa bé 7 tuổi nói được mà ông già 70 tuổi làm cũng không trọn. Bao lời hay, dù có nói bao nhiêu lần, cũng sẽ bay theo gió và hoàn toàn vô dụng nếu ta chỉ nói suông. Muốn có lợi ích thiết thực, hãy hành động theo hướng tích cực. Muốn lợi ích lâu dài, hãy hành động tốt hằng ngày. Muốn lợi ích mãi mãi, hãy nhuần gội tâm ý, lời nói và hành động trong pháp thiện luôn luôn không dừng nghỉ.
Tụng nhiều hành chẳng theo kinh,
Thì phần lợi ích dễ thành tựu cho,
Khác nào những kẻ chăn bò,
Đếm bò cho chủ sữa bơ không dùng. (Pháp cú 19)
Tụng ít hành đúng theo kinh,
Thì phần lợi ích được thành tựu cho,
Dứt phiền não, dứt âu lo,
Tịnh thanh giải thoát cơ đồ sa môn. (Pháp cú 20)
Đức Phật cho rằng nói hay mà không làm hay thì lời nói ấy như loài hoa có sắc mà không có hương (Pháp cú 51). Nếu người nào nói lời lành và việc làm đi đôi với lời nói thì như loài hoa vừa có sắc lại đượm hương (Pháp cú 52), đem lại lợi ích cho mình, cho người, đóng góp tích cực cho xã hội. Trong cuộc sống cũng như trong quá trình thực hành Pháp, chỉ khi nào ta biết vận dụng những vốn liếng hiểu biết để thuần thục một kỹ năng, ứng dụng vào cuộc sống một cách thực tế thì mới có thể làm thay đổi cuộc sống. Benjamin Franklin, vị tổng thống Mỹ được in hình trên tờ 100 dollars là con người của hành động. Ông thường chủ trương nói ít làm nhiều, “làm hay luôn tốt hơn là chỉ nói hay”.
Lời nói không có nhiều ý nghĩa, nếu ta chỉ nói suông về những dự định của mình thì không thể biến chúng thành hiện thực. Đường dài rồi cũng có lúc về đích nếu ta thật sự bước trên con đường ấy. Chỉ có sự thực hành mới đưa ta đến chỗ hoàn thiện. Chỉ có sự thực hành mới đóng góp thiết thực cho cuộc sống này. Chỉ có sự thực hành mới làm nguồn hạnh phúc thật sự và lâu dài cho mỗi bản thân.
5. Lắng nghe và thấu hiểu
Khi thấu hiểu những kiến thức cần thu thập, thấu hiểu người khác, hiểu hoàn cảnh và hiểu môi trường ta đang sống nhiều hơn, ta sẽ bình an hơn trong cuộc sống, vì sự thấu hiểu nhiều hơn sẽ giúp ta sống hòa nhập tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Đặc biệt hiểu người khác là bắc được chiếc cầu nối cảm thông và yêu thương, mở rộng tâm từ bi của đạo Phật đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Nếu ta cứ khư khư mong người khác hiểu mình và mình không chịu hiểu người khác thì mọi việc trở nên nặng nề, áp lực và bất an.
Khi hiểu người khác càng nhiều, sân giận càng ít, bình an càng có mặt thường xuyên hơn trong tâm thức. Hãy hướng đến sự bình an thật sự hơn là so kè từng chút một để tranh nhau đúng – sai, hay – dở, hơn – thua, được – mất. Đức Phật dạy rằng, một trong những phẩm chất của một vị sứ giả của đức Phật ở đời, thay Phật hoằng hóa chúng sanh, là biết lắng nghe và biết làm người khác lắng nghe (Tăng chi bộ kinh, chương VIII, phẩm thứ II, kinh số 16: Sứ giả).
Trong một bài kinh, đức Phật dạy rằng, lắng nghe và thấu hiểu là những tiêu chuẩn của người biết lo cho mình và biết lo cho người. Đó là mẫu người biết học các điều hay lẽ phải, học nhanh, có trí nhớ tốt, chịu khó lắng nghe, tư duy về những điều đã học, đã nhớ, hiểu rồi là ứng dụng trong cuộc sống. Thêm vào đó, người này còn có khả năng liệt kê, mô tả mạch lạc rõ ràng, phân tích nghĩa cặn kẽ các vấn đề, dạy bảo, nhắc khuyên, động viên người khác học và làm vui lòng người khác. (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm X, kinh số 97: Lợi ích cho mình). Rõ ràng lắng nghe và thấu hiểu sẽ hỗ trợ để phát huy những phẩm chất khác vừa kể trên.
Lắng nghe và thấu hiểu là một công đoạn trong quá trình học tập bất kỳ một kỹ năng nào trong cuộc sống và thực hành pháp (Kinh Canki, Trung bộ kinh số 95). Muốn thấu hiểu cần phải lắng nghe. Đây là một kỹ năng, một nghệ thuật sống, một hạnh lành cần phải có sự quán chiếu, điềm tĩnh và kiên nhẫn cần huân tập qua thời gian mới có thể thuần thục được. Khi người đối diện c muốn chia sẻ điều gì, nếu ta có thể lắng nghe trong thấu hiểu, lòng ta bình an lắm, đồng thời, ta trợ duyên cho người khác bình an khi chia sẻ những vấn đề mình đã lắng nghe và thấu hiểu. Đơn giản là lắng nghe trong chánh niệm, ta đã làm được nhiều điều cho mình và cho người.
Trong kinh đức Phật nhắc các đệ tử biết lắng nghe và thấu hiểu trong việc tiếp thu giáo pháp để ứng dụng trong cuộc sống cá nhân hầu đem lại hạnh phúc an vui cho tự thân. Tuy nhiên, vấn đề lắng nghe và thấu hiểu có thể áp dụng trong phạm vi rộng hơn trong mối quan hệ xã hội với con người. Khi lắng nghe người khác, đối tượng cảm nhận được ý kiến của họ đang được tôn trọng; thấu hiểu người khác, ta thông cảm cho người, bao dung với người, lòng ta nhẹ nhàng thanh thản và tâm từ được nuôi dưỡng sung mãn hơn.
Gần đây có một thuật ngữ tâm lý học được mọi người chú ý: nghe hết mình. Để hiểu thấu người thứ hai, rất cần phải huy động toàn bộ sự chú ý, sự nhạy cảm, trí thông minh và hiểu biết của mình vào việc nghe, nghĩa là nghe với toàn tâm toàn ý, nghe trọn vẹn, nghe trong chánh niệm. Năng lực thấu hiểu người khác và hiểu rõ bản thân mình là hai thứ có liên quan mật thiết với nhau và có thể bổ sung cho nhau. Khi hiểu mình sâu hơn, ta thấu hiểu người khác nhiều hơn; khi thấu hiểu người khác cũng là lúc ta nâng cao hơn khả năng quán chiếu nội tâm.
6. Tự chế ngự tâm để thắng phục bản năng
Thắng ngàn quân ở bên ngoài là một việc làm dễ dàng hơn nhiều so với tự thắng phục mình, vì các thế lực bên ngoài chỉ tấn công trong những thời điểm nhất định và một cuộc chiến dù có lâu dài vẫn có lúc ngưng nghỉ gián đoạn và chắn chắn sẽ đến hồi kết thúc, nhưng cuộc chiến bên trong với những dục vọng, ham muốn có tính bản năng thì thường trực và liên tục, không có một sát na ngưng nghỉ và vô cùng dai dẳng, nếu không nỗ lực, sẽ không có hồi kết; nếu không chánh niệm, người thua cuộc luôn là chúng ta.
Thắng người đâu sánh thắng mình,
Chiến công tự thắng liệt oanh trên đời. (Pháp cú 103)
Người thành công ở đời là người có khả năng làm chủ cảm xúc tốt, chánh niệm tỉnh giác, hiểu rõ việc mình sắp làm, việc mình đang làm và biết thẩm định chính xác tương quan nhân-quả của những việc này: hành động này sẽ đưa đến kết quả thế nào, những ảnh hưởng của nó ra sao, có tác động thế nào đến bản thân mình, có tác động thế nào đến những người liên quan... Chuẩn mực để thẩm định giá trị và kết quả của một việc là:
“Hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người trí chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ sở, tâm ưu phiền, hành động như vậy là hành động bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy. 
Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không có hại cho cả hai, được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm an lạc, tâm hoan hỷ. Hành động như vậy là hành động thiện và chúng ta phải thực hành”(Kinh Kalama, Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65).
Hoặc như trong bài kinh giáo giới La Hầu La (Trung bộ kinh số 61), đức Phật dạy trước khi hành động, quán xét, đang hành động, quán xét, sau khi hành động, quán xét, việc gì có lợi ích cho mình cho người thì làm, việc gì không lợi ích thì từ bỏ.
Nếu chúng ta chìu theo bản năng, rõ ràng ta không cần một nỗ lực nào, dù rất nhỏ. Thế nhưng, như con nước chảy xuôi từ nơi cao về chỗ thấy, con đường xuôi theo sự đòi hỏi thỏa mãn dục vọng có tính bản năng là con đường đi xuống, đi lui về thời kỳ đồ đá, đi ngược lại sự tiến hóa của con người. Mất nhiều triệu năm để con vật tiến hóa thành con người nhưng chỉ mất vài triệu đồng để một con người biến mất chất người và trở về phẩm cách của con vật. Chỉ có đủ khả năng chế ngự tâm ý và làm chủ những hành động của mình mới có thể giúp con người đi lên. Làm chủ thì ở thế chủ động và hạnh phúc vô cùng so với thân phận lệ thuộc, bị sai sử khi là nạn nhân của tâm không chế ngự. Sự lựa chọn nằm trong tầm tay của mỗi người vậy.
7. Sống hạnh phúc với bình an nội tại
Hạnh phúc chân thật là hạnh phúc được chiết xuất từ tâm bình an từ  bên trong, không có bất kỳ một thứ gì từ bên ngoài có thể đem lại cho ta hạnh phúc thật sự và lâu dài. Đừng bao giờ hướng tâm ra bên ngoài để tìm cầu một đối tượng nào đó để mong nó có thể đem đến cho ta hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có thể tìm kiếm một cách có phương pháp từ bên trong. Hạnh phúc như ngọc ở trong đá, hạnh phúc như mật ở trong hoa, không đến với ai không cần cù tìm kiếm. Bình an không thể có từ một công việc mới, một chiếc xe mới, ngôi nhà mới hay với nhiều tài sản mà bình an được thiết lập tự cách nhìn mới, nhận thức mới, thái độ sống mới trước những vấn đề không mới của cuộc đời.
Hạnh phúc chân thật của an lạc không thể đến từ các nguồn bên ngoài, vì không ai có đủ quyền năng ban phát cho ta hạnh phúc, mà hạnh phúc chân thật phải được chiết xuất từ bên trong tâm hồn mình. Đức Phật dạy muốn có hạnh phúc thì phải thực hành để đạt được an lạc như sau: “muốn có an lạc, không thể do cầu xin an lạc hay tán thán an lạc để làm nhân đến an lạc. Vị Thánh đệ tử muốn có an lạc cần phải thực hành con đường đưa đến an lạc. Do vị ấy thực hành con đường dẫn đến an lạc, sự thực hành đưa vị ấy nhận lãnh được an lạc, vị ấy nhận lãnh được an lạc.” (Kinh Tăng Chi bộ, Chương V, Phẩm V: Vua Munda, kinh Khả Lạc)
Sống an tịnh, quân bình trung đạo, an trú trong hiện tại là đạt được hạnh phúc bây giờ và ở đây. Giá trị nhân bản của đạo Phật thật thâm thúy khi đặt trọng tâm vào sự nỗ lực của bản thân mỗi người để có được hạnh phúc bây giờ và ở đây. Mỗi người đều có quyền giữ chiếc chìa khóa hạnh phúc của đời mình. Để người khác chi phối cảm xúc của mình bằng cách cho phép tâm buồn, vui, ưa, ghét… tùy theo sự tác động của các yếu tố bên ngoài là ta tự nguyện đem chìa khóa hạnh phúc trao cho người khác và chịu sự quyết định từ bên ngoài. Như vậy, ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc thật sự khi cứ mệt nhoài đuổi bắt cái bóng của hạnh phúc. Hạnh phúc chân thật và lâu dài như nguồn nước trong mát uyên nguyên nằm trong tâm mỗi người và muốn thưởng thức dòng nước ấy, tự thân ta phải nỗ lực đào từng lớp đất một cách có phương pháp và nghệ thuật để tìm mạch nước ấy.
8. Sống trong ý niệm biết ơn
Đức Phật dạy chúng ta luôn sống trong ý niệm biết ơn khi sống trong thế giới duyên sinh đầy màu sắc này. Trong trập trùng duyên khởi, ta luôn là người thọ ơn. Mỗi sáng dậy, mở mắt ra là ta liền khởi niệm biết ơn, vì ta có thể học nhiều điều từ cuộc sống trong ngày hôm nay. Dẫu ta không học được nhiều điều hôm nay, ta cũng có thể học ít, dẫu không thể học chút ít, thì ta vẫn còn mạnh khỏe, dẫu có không mạnh khỏe thì ít ra ta vẫn còn sống chứ chưa chết, nên ta vẫn còn quá nhiều lý do để cám ơn cuộc đời.
Đừng bao giờ có cái nhìn tiêu cực về cuộc sống, về con người và môi trường quanh ta. Trong một tích tắc thời gian, ta cũng có thể nhận ra trăm ngàn lý do để ta khởi niệm biết ơn cuộc đời, biết ơn tất cả. Sáng nay ta thức dậy, trên hành tinh này vẫn có nhiều người không thể thức dậy được nữa. Tối qua ta đi ngủ và sáng nay thức dậy, nhiều người ngủ tối qua như ta nhưng không bao giờ thức giấc nữa. Lại có nhiều người khác lên giường nằm rồi mãi tìm giấc ngủ suốt đêm mà giấc ngủ không chịu đến và sáng dậy thì bơ phờ, mệt mỏi vô cùng. Ta thức dậy sáng nay với một trạng thái sảng khoái sau một đêm ngủ ngon và sâu, mới thấy mình may mắn biết dường nào, thì tại sao không thể khởi lên một niệm biết ơn vào mỗi bình minh ta thức giấc? Một con tim biết cảm nhận ân huệ cuộc đời trong mọi lúc mọi nơi sẽ biết mình cần làm gì và sống như thế nào với cuộc sống này.
Có lẽ do tâm tham chi phối, người ta luôn muốn có nhiều hơn những gì trong hiện tại, nên chưa thể dừng lại để thấy mình đã thọ ơn cuộc đời này quá nhiều, cho nên Đức Phật dạy người biết ơn, nhớ ơn khó tìm được ở đời. (Tăng Chi Bộ Kinh, chương III, phẩm XII, kinh số 112). Nếu biết nhìn sâu và thấu hiểu sự tồn tại của mình trong vô vàn sự nối kết, đỡ nâng từ con người và vạn vật trong cuộc sống này, ta không thể nào cho phép mình làm người vong ơn, và như thế là ta thuộc vào nhóm người “khó tìm được ở đời” mà đức Phật khen ngợi. Một khi ý thức mình là người thọ ơn cuộc đời, ta sẽ nhắc mình luôn khi sống trong pháp thiện: hành động thiện, nói thiện, suy nghĩ thiện để không làm tổn thương đến con người và môi trường như là nghĩa cử của người biết ơn. Đức Phật dạy các đệ tử cần phải học hạnh biết ơncảm tạ. Dầu cho ta có thọ ơn chút ít cũng cần trân trọng ơn ấy, không để cho mất đi”(Tương ưng bộ kinh, Tập III, chương IX, kinh Con giả can). Chính sự nâng niu ân tình trong ý niệm này mà ta chỉ có thể cho phép mình sống vì người và cho người chứ không được phép làm tổn thương, và đây góp phần làm nên giá trị cuộc sống của cá nhân mình đối với con người và xã hội.
9. Chân thật với chính mình
Chân thật với chính mình là một phẩm chất vô cùng quý báu và cần thiết để ta có thể tiến bộ và học hỏi trong cuộc sống. Đức Phật từng dạy rằng, chân thật là tài sản của người có trí, và là điều kiện cần thiết để đem đến hạnh phúc thật sự cho mỗi người (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm IV, kinh số 32: kinh Bánh xe). Chân thật với chính mình thể hiện khả năng thẩm định bản thân một cách trung thực với tâm chân thành, tha thiết trong học hỏi và sửa đổi để ngày càng hoàn thiện hơn. Biết rõ nơi mình đang đứng là cách tốt nhất để cuộc hành trình của chúng ta không lãng phí công sức, năng lượng và thời gian. Trong cuộc sống xã hội cũng như trong vấn đề tu tập, biết nói biết, không biết nói không biết, đó là biết vậy. Đức Phật dạy:
“Ngu mà tự biết mình ngu
Ngu vầy là trí phải ngu đâu mà!
Ngu mà chẳng biết mình ngu
Tưởng mình là trí mới ngu thật là”. (Pháp cú 63)
Khi sống chân thật, lời nói luôn đi đôi với việc làm và ta cảm thấy tự tại, thoải mái với sự chân thành này. Đức Phật từng tuyên bố “Như Lai nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy” (Kinh Thanh Tịnh, Trường bộ kinh số 29).
Nếu vì sỉ diện hão mà tự sơn phết cho ta một vỏ bọc hoàn hảo để tạo ấn tượng tốt ban đầu với mọi người là một tai họa lớn mình tự giáng xuống đầu mình vậy. Cái áp lực che đậy sự thật tạo cho ta tâm trạng bất an không đáng có. Liệu lớp sơn phết  mạ ở bên ngoài ấy có thời gian bảo hành được bao lâu? Rồi khi tróc lớp sơn ấy, ta sẽ thành người thế nào? Giá trị của một món đồ dùng ở chỗ tinh ròng một chất liệu từ trong ra ngoài; tương tự như vậy, giá trị  con người ở chỗ chân thật, nói sao làm vậy, làm sao nói vậy. Biết chấp nhận  mình với tất cả sở trường, sở đoản ta đang có là bước chân đầu tiên vững chãi trên đường dài vạn dặm. Với sở trường, ta nỗ lực phát huy nhiều hơn nữa để gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp từ việc làm của mình. Với sở đoản, ta rút kinh nghiệm, để tâm nhiều hơn để khắc phục khó khăn, vượt qua chướng ngại trong công việc và cuộc sống. Cuộc đời sẽ thanh thản hơn nhiều và ý nghĩa đóng góp cho cuộc sống cũng thật hiệu quả và trọn vẹn.
10. An lạc suốt hành trình
Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà ta có thể tận hưởng từng bước khám phá… Và hạnh phúc không phải là cảm giác khi tới đích mà là trên từng chặng đường đi. Vì cuộc đời là những chuyến đi, nên quyết định cứ đi đi để tìm thấy chính mình – giữa cuộc sống, giữa con người, giữa những yêu thương… “Cứ đi rồi sẽ đến – Cứ tìm rồi sẽ thấy – Cứ gõ cửa sẽ mở”. Cứ sống và đóng góp, hành động tích cực vì lợi ích cho mình và cho người, hạnh phúc hiện diện ngay trong hiện tại. An lạc trong từng bước chân trên hành trình cuộc đời được đức Phật gọi là an trú trong hiện tại, được Ngài nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các bài kinh. Đức Phật xác quyết rằng pháp của Ngài đem đến hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại, chứ không đợi thời gian nào khác (Tăng chi bộ kinh, chương XII, phẩn II, kinh số 14). Sống với hiện tại là có hạnh phúc trong hiện tại. Thân sống trong hiện tại mà để tâm tham đắm giong ruổi theo những pháp bị thời gian chi phối là quá khứ đã trôi vào dĩ vãng và tương lai còn xa mờ không có gì đảm bảo thì chắc chắn ta sẽ không có an lạc hạnh phúc vậy (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương I, phẩm 2; Tập I, chương IV, phẩm 3).
Sống là một cuộc hành trình, tu tập là một cuộc hành trình dài, do vậy, đừng bỏ qua hành trình ta đang đi mà chỉ biết hướng đến mục đích, mà phải biết cách thưởng ngoạn mọi chi tiết đẹp đẽ trên dọc đường đi. Hành trình cuộc sống chỉ giới hạn trong con số dưới trăm, ta có thể thấy ngắn khi muốn sống lâu hơn trên đời này, nhưng mấy mươi năm cuộc đời trở thành dài lê thê nếu ta phải chịu đựng một cách nặng nề mỗi ngày để hướng đến mục đích còn xa tít ở tương lai. Nhiều người nghĩ ráng sống để đạt được mục đích cuối cùng của cuộc sống là ra đi thanh thản, nhưng sống không thanh thản thì làm sao có cái chết thanh thản được mà mong!
Thay vì mong chờ và hy vọng, ta cần chế tác hạnh phúc trong mọi lúc, mọi nơi, trên mỗi bước chân đi ta đều cảm nhận hạnh phúc, chứ không đợi đến đích mới có hạnh phúc. Khi đi du ngoạn leo núi, nếu ta biết thưởng thức những kỳ hoa dị thảo dọc đường đi, ta không cảm thấy mệt mỏi và cảm giác mong ngóng nhanh tới đỉnh núi cũng không còn, vì niềm vui thường xuyên có mặt ngay trong hiện tại trên suốt hành trình. Đừng đặt mục đích xa tít trong tương lai còn mờ mịt trên cơ sở những điều ta nghĩ là sẽ đem lại cho mình hạnh phúc. Không chắc như vậy đâu! Chi bằng ta cứ sống hài lòng với hiện tại, thanh thản trong cuộc sống mỗi ngày, hạnh phúc sẽ ngập tràn trong hiện tại.
Cuộc sống là sự chắp nối từng ngày, từng ngày qua. Mỗi ngày mỗi hạnh phúc tất nhiên ta có một đời hạnh phúc viên mãn. Khởi hành cuộc hành trình tốt, từng bước chân vững chãi trong chánh niệm và tỉnh thức, hạnh phúc có mặt trong hiện tại nhiệm màu này chứ không cần tìm kiếm đâu xa. Cái ta vọng tìm thật ra là cái bóng của hạnh phúc chứ không phải là hạnh phúc chân thật vậy.