Monday, April 6, 2015

SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐÁNH GIÁ: Thầy chọn trò hay trò chọn thầy?

Nguyên tác: Thanissaro Bhikkhu
Người dịch: Liên Trí 
Lời người dịch:
Mối quan hệ Thầy-trò giữa những người xuất gia trong đạo Phật là một mối quan hệ thiêng liêng, bền chặt với thời gian. Trước khi chính thức thiết lập mối quan hệ này, thường thì người phát tâm xuất gia có thời gian “thử duyên” tại một nơi có một người thầy tâm linh mà mình có ý định gắn bó đời mình với vị ấy để được học hỏi, được hướng dẫn trong một môi trường thích hợp để trau sửa trên con đường mình chọn. Đây là thời gian quan trọng để người mới phát tâm tập sống đời xuất gia, đồng thời để người thầy có dịp quan sát người học trò để quyết định nhận người này làm đệ tử hay không. Quan điểm xưa nay là vậy. Thế mà trong bài viết này, thầy Thanissaro có một quan điểm mới hơn, rằng bước đầu ấy không phải chỉ để thầy quan sát chọn đệ tử mà người đệ tử cũng quan sát, đánh giá người thầy tương lai của mình để quyết định có nên chọn vị ấy làm thầy hướng dẫn mình hay không. Ý niệm này hoàn toàn đúng về phương diện lý, nhưng trên thực tế lại là một điều hơi lạ đối với văn hóa tu viện ở Việt Nam. Thấy thú vị, tôi dịch bài này chia sẻ với người có duyên.
Khi Đức Phật bảo Ananda rằng toàn bộ sự thực hành phạm hạnh là ở chỗ có được một người thiện tri thức, Ngài không nói về sự ấm áp và cảm giác an tâm về tình thương yêu của người khác. Vấn đề là Ngài chỉ ra ba sự thật không thoải mái, về sự mê mờ và tin tưởng, vốn đòi hỏi sự sáng suốt để thẩm định, đánh giá.
Sự thật không thoải mái thứ nhất là bạn không thể thật sự tin tưởng vào chính mình có thể xuyên thấu sự vô minh để nhìn chính bản thân mình. Khi đang trong vô minh, ta thật sự không biết mình đang vô minh. Bạn cần một người bên ngoài mà ta thật sự tin tưởng để giúp ta chỉ ra điều này. Đây là lý do tại sao khi đức Phật khuyên những người Kalama để hiểu biết về chính mình, một trong những điều Ngài dạy họ, để biết rõ bản thân mình thế nào, hãy căn cứ vào cách người trí đánh giá về hành vi của mình. Khi Ngài chỉ dạy cho con trai Rahula, cách để quán sát những hành động của chính mình là hãy nhìn vào tấm gương. Ngài dạy Rahula rằng, nếu thấy hành động nào của mình gây tổn hại, hãy bộc bạch điều ấy với một người thiện tri thức đồng phạm hạnh. Với cách này, Rahula có thể học cách  mở lòng với người khác, và cả với chính bản thân, về lỗi lầm đã gây tạo, đồng thời, đây là cách để học hỏi tích lũy tri thức từ bậc thiện tri thức để sửa đổi, mà không phải tự tạo điều gì mới mẻ trên con đường thực hành giáo pháp của mình.
Do vậy, nếu bạn thật sự muốn trở thành người thuần thục, khéo léo trong suy nghĩ, lời nói và hành động, bạn cần một người thiện tri thức đáng tin cậy để chỉ ra những điểm tối của chính bản thân mình. Bởi vì những điểm đen tối nhất bao quanh những thói quen không tốt, vụng về, và nhiệm vụ chính yếu của người thiện tri thức đáng tin cậy ấy là chỉ ra những lỗi lầm cho ta. Chỉ khi nào chính ta thấy rõ lỗi lầm, ta mới có thể sửa lỗi; chỉ khi nào sửa lỗi, thì ta mới có được lợi ích thiết thực mà người thiện tri thức vì lòng thương yêu mà thật lòng chỉ lỗi cho ta.
Người hiền trí chỉ lỗi và khiển trách, như chỉ chỗ chôn vàng. Thân cận người như vậy, chỉ tốt hơn cho ta chứ không xấu. (Pháp cú, câu 76)
Khi quán xét lỗi lầm của mình,  một người thiện tri thức giống như một người huấn luyện ngựa. Có lần, người huấn luyện ngựa đến thăm đức Phật, đức Phật hỏi ông về cách dạy ngựa. Ông đáp rằng, với một số con ngựa, ông dùng biện pháp ngọt ngào. Với một số con ngựa khác, ông dùng biện pháp mạnh. Một số khác nữa thì phải cần tới cả hai biện pháp trên. Nhưng nếu cả ba phương pháp đó đều không thành công thì ông sẽ giết con ngựa ấy đi. Ông làm vậy là để đảm bảo uy tín xưa nay của những người kế thừa làm nghề huấn luyện ngựa. Thế rồi ông hỏi đức Phật dạy các đệ tử Ngài bằng phương pháp nào, đức Phật trả lời “cũng theo cách tương tự như vậy”. Có những đệ tử chỉ cần nhắc nhở nhẹ nhàng là đủ. Có những đệ tử phải dùng lời khiển trách mạnh. Ngoài ra cũng còn có những vị phải dùng kết hợp cả hai biện pháp trên. Nhưng nếu cả ba phương pháp đó đều không thành công, Ngài cũng sẽ giết người đệ tử ấy. Người huấn luyện ngựa sửng sốt, cho đến khi nghe đức Phật giải thích cho ông hiểu từ “giết”. Ngài sẽ không chịu trách nhiệm huấn luyện  người đệ tử ấy nữa, điều này có nghĩa là cơ hội trưởng thành về đời sống tâm linh trong giáo pháp của người đệ tử ấy đã chết đi.
Do đó, điều kiện đầu tiên để giữ một người thiện tri thức là sẵn lòng đón nhận sự khiển trách, ngọt ngào cũng như nghiêm khắc. Chính vì lý do này, đức Phật khuyên các đệ tử của Ngài dạy pháp không vì mục đích tiền bạc, vì một khi người ta đã bỏ tiền ra để trả, họ có quyền quyết định cần phải dạy điều gì. Hiếm có người nào bỏ tiền ra để cần nghe những lời khiển trách. Thế nhưng, ngay cả nếu người dạy pháp miễn phí đi nữa, bạn gặp phải sự thật không thoải mái thứ hai mà đức Phật nói đến: bạn không thể mở lòng mình ra để phán xét bất cứ người nào. Sự phán xét của chúng ta có sức mạnh, và vì sức mạnh ấy có thể đem lại lợi ích hoặc tác hại lâu dài, nên ta cần phải rất thận trọng trong việc chọn một bậc thiện tri thức để thân cận. Đừng để rơi vào thế kẹt giữa phán xét và không phán xét. Phán xét là cân nhắc trong việc tự động đặt niềm tin vào cái mình thích hay không thích, còn không phán xét là cứ nhắm mắt tin rằng, với tư cách một người dạy pháp, vị thầy nào cũng đem lại lợi ích như nhau. Thay vào đó, hãy sáng suốt, thận trọng trong việc chọn một người để ta đặt niềm tin, để rồi sự đánh giá, thẩm định của người ấy ta xem như thể đó chính là sự đánh giá của bản thân mình.
Điều này dường như đưa ta đến một tình huống khó xử tưởng chừng như mâu thuẫn. Bạn cần một người thầy tốt để giúp bạn phát triển năng lực quán xét, nhưng chỉ người nào có năng lực quán xét tốt mới có thể nhận ra ai là người thầy tốt. Và ngay cả khi không có một cách nào tốt nhất để xử lý tình huống này, thì bạn có thể chọn cách mà vẫn thường bị xem là ngu xuẩn: nhất định bạn sẽ có cách nếu bạn sẵn lòng học hỏi từ kinh nghiệm. Và may mắn là đức Phật đã khuyên ta về cách làm thế nào để phát triển năng lực thẩm định, đánh giá, để chúng ta biết mình cần tìm kiếm gì trên con đường đi của mình. Thật ra, những lời Phật dạy về cách chọn một người thiện tri thức là sự thực hành sơ bộ về nhận thức sâu sắc: học cách phát triển khả năng quán xét một cách khôn ngoan để chính bản thân mình cũng có thể trở thành một người thiện tri thức, trước tiên là cho chính mình, sau nữa là cho những người xung quanh.
 Bước đúng đắn đầu tiên là hiểu rõ phán xét là gì theo hướng tích cực có lợi ích. Không phải phán xét theo kiểu quan tòa đang ngồi trên ghế, nghe cáo trạng để phán xét là có tội hay vô tội, mà nghe với tâm thái của một người thầy dạy đàn piano đang lắng nghe bạn chơi đàn. Một người thiện tri thức không thông qua phán quyết cuối cùng về tiềm năng của bạn với tư cách một người chơi piano. Thay vào đó, người ấy đang đánh giá quá trình tiến bộ của bạn: người ấy sẽ lắng nghe do động cơ nào để bạn hành động như vậy, lắng nghe bạn thực hiện công việc như thế nào với sự thúc đẩy của động cơ ấy, để rồi đi đến quyết định nên làm gì, làm như thế nào để giúp bạn. Nếu có trục trặc gì, người ấy sẽ chỉ ra trục trặc ở chỗ nào, từ trong động cơ hay ở giai đoạn thực hiện ý định ấy, rồi đưa ra những lời khuyên hữu ích, để bạn thử áp dụng, xem có hiệu quả hơn không. Người ấy cứ tiếp tục làm như vậy, lắng nghe, góp ý, cho đến khi hài lòng với việc bạn làm mới thôi. Nguyên tắc quan trọng ở đây là người thiện tri thức không bao giờ hướng đến phán xét con người bạn, thay vào đó, người ấy sẽ chú trọng vào hành động của bạn, luôn dõi mắt theo để tìm những giải pháp tốt hơn nhằm ngày càng nâng cao tiêu chuẩn để công việc được hoàn thiện nhất trong khả năng có thể của bạn.
Đồng thời, bạn cũng đang học được từ người thiện tri thức cách đánh giá thẩm định công việc mà mình đang thực hiện: suy nghĩ chín chắn hơn về động cơ của mình, lắng nghe thận trọng hơn về quá trình thực hiện động cơ ấy, nâng cao tiêu chuẩn hơn để hoàn thành công việc tốt nhất, và học cách nghĩ thoáng hơn, rộng hơn để có sáng kiến mới và tìm các giải pháp tốt nhất, chứ không chỉ quanh quẩn trong các lối mòn suy nghĩ có tính định kiến. Điều quan trọng hơn cả, là bạn học được cách nhận định, đánh giá công việc bạn làm, chứ không phải đánh giá chính bản thân bạn. Với cách này, bạn không đặt nặng vào con người mà chú trọng vào các thói quen của bạn, bạn sẵn lòng hơn để nhận ra những thói quen không tốt để nỗ lực từ bỏ chúng và huân tập các thói quen tốt thay thế.
Tất nhiên, khi bạn và thầy của bạn đang đánh giá sự tiến bộ của bạn trên từng công việc cụ thể, thì đó là một phần trên chặng đường dài thể hiện mối quan hệ thầy trò đang tiến triển tốt đẹp. Người thầy phải thẩm định đánh giá, cứ lặp đi lặp lại như vậy, nếu bạn có được lợi ích từ sự hướng dẫn của thầy, thì bạn cứ tiếp tục theo sự hướng dẫn ấy. Thế nhưng, không ai trong số các đệ tử có thể đánh giá được, liệu có xứng đáng để thầy bạn làm việc đó hay không. Đơn giản là thầy bạn biết tự quyết định, căn cứ trên sự tiến bộ của bạn, có đáng để tiếp tục hướng dẫn bạn với tư cách một người thầy đối với đệ tử hay không.  Thầy bạn cũng nhìn xa hơn khi xem xét những lời góp ý, nhắc khuyên của thầy có thật sự giúp bạn để công việc trở nên hiệu quả hơn không. Nếu một trong hai người quyết định dừng lại mối quan hệ  thầy-trò, điều này không có nghĩa thầy bạn là một người thầy tồi, hoặc bạn là một người đệ tử tệ, mà đơn giản là người ấy không phải là người thầy dành cho bạn, hoặc bạn không phải là người đệ tử dành cho người thầy ấy mà thôi.
Tương tự theo cách như vậy, khi đánh giá về một người bạn định chọn làm thầy tâm linh, nên nhớ rằng không có phán quyết cuối cùng trong đạo Phật. Khi tìm cho mình một vị thầy, bạn muốn tìm người ấy đánh giá bạn dựa trên những hành động như là một phần trong quá trình trau sửa để tiến bộ, thì bạn cũng phải có cách nhìn như vậy đối với người thầy của mình. Và bạn đừng cố gắng lấy hình ảnh của một siêu nhân làm mẫu để đánh giá một người nào đó chiếu theo những đặc tính mà bạn cho là cần thiết phải có này. Đơn giản là bạn xem xét những hành động của vị ấy có chứa đựng những kỹ năng mà bạn muốn huân tập và thuần thục hay không, có chứa các phẩm hạnh đạo đức và hành động đủ để bạn đặt trọn niềm tin với tư cách một người hướng dẫn, một người huấn luyện bạn hay không. Sau cùng và trên hết, cách duy nhất để chúng ta biết về người khác là thông qua hành động của người ấy để sự đánh giá của mình mang tính khách quan nhất trong khả năng có thể.  Đồng thời, bởi vì trong quá trình đánh giá, ta muốn đưa người đó vào một tiêu chuẩn nhất định, thì cũng công bằng thôi nếu ta căn cứ vào những gì họ đang thể hiện làm cơ sở đánh giá. Ta làm điều này với mục đích tự bảo vệ mình. Và với mục đích tự bảo vệ này, đức Phật khuyên chúng ta nên tìm kiếm hai phẩm chất nơi một vị thầy: trí tuệ và sự chân thật. Để có thể thẩm định hai phẩm chất này, cần có thời gian cùng với sự nhạy bén, do vậy mà đức Phật khuyên rằng, để hiểu người nào đó, cần có thời gian dài tiếp cận với người ấy càng nhiều càng tốt, và để ý quan sát kỹ lưỡng cách người đó hành động như thế nào.
Có lần, khi vua Pasenadi đến viếng thăm đức Phật, thì có một nhóm người tu theo đạo lõa thể đi ngang. Nhà vua bước đến, quỳ gối, cung kính đảnh lễ họ. Sau đó, vua đến đảnh lễ Phật và hỏi: “những vị lõa thể ấy có xứng đáng để cung kính đảnh lễ hay không?” Đức Phật trả lời rằng, nhà vua chỉ có thể có câu trả sau khi dành thời gian dài tiếp cận các vị ấy, và để ý quan sát họ một cách cẩn thận. Nhà xua khâm phục với sự cẩn trọng của đức Phật, thưa thêm rằng “Thật ra những người này là do thám của nhà vua. Sau khi đi dò la tin tức của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ, họ đang trên đường trở về. Và lát nữa thôi, họ tắm rửa và thay y phục, trở về hưởng thụ cuộc sống đời thường bên cạnh vợ con”. Do vậy, bạn không thể đánh giá một người nào đó qua các biểu hiện ấn tượng ban đầu. Biểu hiện của trí tuệ dễ dàng bị đánh lừa. Ngày xưa, người ta ấn tượng với các hình thức tu cực kỳ khổ hạnh; ngày nay, sự quảng bá rầm rộ của các sách Phật pháp và các khóa tu với mục đích thu hút người khác trên bề nổi, tuy hình thức xưa và nay có khác, tính chất của vấn đề là như nhau.
Tuy nhiên, để không lãng phí thời gian và tránh những nỗi đau không đáng có trên con đường tìm kiếm, Đức Phật nói đến bốn dấu hiệu ban đầu để nhận biết những người không có trí tuệ và sự chân thật đủ để ta đặt trọn niềm tin mà chọn làm thầy. Những dấu hiệu cho thấy sự không đáng tin cậy về phương diện trí tuệ có hai. Dấu hiệu đầu tiên là người ấy không có biểu hiện biết ơn khi nhận sự giúp đỡ từ người khác, đặc biệt là khi nhận sự giúp đỡ từ cha mẹ hay thầy tổ. Người vô ơn không bao giờ hiểu được giá trị của các điều thiện, họ không biết giá trị của nỗ lực để trở thành một người có thể giúp người khác và như vậy, những người này sẽ không bao giờ biết nỗ lực để làm thiện, để trở thành người biết giúp đỡ người khác. Dấu hiệu thứ hai của thiếu trí tuệ là không nắm vững giáo lý về nghiệp. Họ phủ nhận việc chúng ta có tự do lựa chọn cho bản thân mình, hoặc họ dạy rằng, một người có thể gánh thay nghiệp mà người khác đã tạo trong quá khứ. Những người như thế không có gì đảm bảo rằng họ nỗ lực một cách thành tâm trên con đường tu tập, do vậy, không thể đặt trọn niềm tin vào sự hướng dẫn của họ.
Sự biểu hiện của thiếu chân thật cũng có hai dấu hiệu. Thứ nhất, khi một người nào đó không hề cảm thấy xấu hổ khi nói dối một cách có chủ ý và tính toán. Có lần đức Phật dạy “người như thế thì không có ác nào mà họ không dám làm”. Dấu hiệu thứ hai là khi họ không thảo luận các vấn đề trong tinh thần khách quan, công tâm và thẳng thắn. Họ cố tình hiểu sai ý của người đối nghịch, hồ đồ quy chụp người đối nghịch chỉ vì những lỗi nhỏ nhặt không đáng, cố tình bỏ đi những chi tiết chính đáng của người đối lập. Loại người này, đức Phật nói, không đáng để ta nói chuyện, đừng nói đến chuyện chọn họ làm thầy hướng dẫn con đường tu tập. Đối với những người không thể hiện những dấu hiệu ban đầu này, đức Phật dạy chúng ta cách nhận định về trí tuệ và chân thật qua hành động của họ trong một thời gian dài tiếp xúc.
Một vấn đề đức Phật yêu cầu bạn tự hỏi mình là, có phải những hành động của người thầy bị tham, sân và si làm động cơ chi phối mà người ấy ba hoa lòe những kiến thức mà chính người ấy không hiểu rõ, hoặc bắt người khác làm những điều mà những người này không hề thích thú. Để kiểm chứng trí tuệ của người thầy, đức Phật khuyên chúng ta nên chú ý cách người mà bạn có ý định chọn làm người hướng đạo ấy trả lời về vấn đề thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, và nhìn vào cách họ giải quyết vấn đề khi gặp nghịch cảnh chướng duyên. Để kiểm chứng tính chân thật, hãy nhìn vào những phẩm hạnh của người ấy thể hiện thông qua các công việc sinh hoạt hằng ngày, và mức độ chân thật của người ấy trong tiếp xúc với người khác. Người ấy có biện hộ cho việc phá giới, kéo người khác xuống cho bằng với hành vi thấp kém của mình thay vì nỗ lực nâng mình lên cho cao bằng với họ không? Người ấy có tranh thủ giành phần hơn về mình một cách không công bằng hay không? Nếu có như vậy, tốt hơn bạn nên chọn cho mình một người thầy khác.
Tuy nhiên, đây là nơi sự thật không thoải mái thứ ba của đức Phật có mặt: bạn không thể đánh giá công tâm về sự chân thật của người khác nếu bạn không phát triển phần nào đức tính này. Đây có lẽ là sự thật không thoải mái nhất trong trong tất cả, vì nó đòi hỏi chúng ta nhận trách nhiệm về sự đánh giá của mình. Nếu bạn muốn thử nghiệm xem người nào đó liệu có khả năng trở thành người thầy tốt hướng dẫn mình hay không, bạn phải tự mình trải qua vài phép thử nghiệm. Nó cũng giống như nghe một người chơi đàn piano. Nếu bạn càng điêu luyện với tư cách một người chơi piano, bạn càng có khả năng thẩm định đánh giá khi nghe người khác chơi piano.
May mắn quá, đức Phật cũng cho chúng ta những hướng dẫn cần thiết để phát triển tính chân thật, và điều này không nhất thiết đòi hỏi bạn phải có sự thuần thiện bẩm sinh. Yêu cầu ở đây là xác định cho được sự chân thật và trưởng thành; đó là nhận ra rằng chính hành động của mình tạo nên tất cả những sự khác nhau trong cuộc sống, để bạn cần phải thận trọng chọn cách hành động như thế nào, sẵn lòng chấp nhận lỗi lầm, với bản thân mình và với người khác, và sẵn lòng học hỏi kinh nghiệm từ lỗi lầm của mình để không lặp lại lỗi tương tự như vậy nữa. Ta học được từ lời Đức Phật dạy Rahula, trước khi hành động về thân, lời nói hay suy nghĩ, hãy nhìn kết quả sẽ tạo nên từ hành động của mình. Nếu hành động ấy đưa đến hại mình, hại người thì không làm. Nếu bạn không thấy có những nguy hại gì, thì hãy làm. Trong khi hành động cũng tiếp tục xem xét, nếu bạn không gây hại thì mới tiếp tục làm, nếu gây hại, dừng lại ngay, nếu không có hại gì, tiếp tục làm cho đến khi hoàn thành. Khi hoàn thành xong việc, nhìn xuyên suốt cả quá trình từ khi bắt tay làm đến khi có kết quả, nếu nhận thấy có gây ra nguy hại nào, hãy bộc bạch điều này với một người ta tin tưởng trên con đường tu tập phạm hạnh, khởi tâm xấu hổ về lỗi lầm mình gây nên, quyết không lặp lại nữa. Nếu xét suốt một quá trình ấy mà không gây ra lỗi lầm nào, hãy khởi tâm hoan hỷ và tiếp tục trau luyện như vậy trong cuộc sống.
Khi rèn luyện mình theo cách như vậy, bạn học được bốn nguyên tắc căn  bản về việc đánh giá theo cách tích cực lành mạnh. Thứ nhất, bạn đang đánh giá hành động của bạn, chứ không phải chính bản thân bạn. Nếu bạn có thể học được cách tách ly cảm giác về bản ngã ra khỏi hành động của mình, bạn có khuynh hướng dễ dàng nhận lỗi với chính mình, và ít có thái độ phòng vệ khi người khác chỉ giùm lỗi cho mình. Nguyên tắc này cũng áp dụng với tâm lý xấu hổ mà đức Phật khuyên chúng ta nên có khi phạm lỗi lầm. Nguyên tắc này không phải nhắm vào bạn, mà nhắm vào hành động của bạn. Người có lòng tự trọng cao thì có cảm giác hổ thẹn, khi họ nhận ra đã làm một việc thấp kém hơn giá trị vốn có của bản thân, họ không muốn lặp lại điều này nữa. Tâm lý hổ thẹn như vậy không phải là sự bạc nhược yếu đuối. Nó đơn giản là giúp bạn ghi nhớ bài học mà ta đã học mà thôi.
Điều này liên quan đến nguyên tắc quan trọng thứ hai về sự đánh giá lành mạnh, đòi hỏi sự chánh niệm, đúng theo nghĩa gốc của từ này: luôn giữ điều gì đó trong tâm. Loại chánh niệm như thế cần thiết để phát triển khả năng đánh giá, vì nó giúp cho bạn nhớ lại những bài học bạn đã học đi học lại và hiểu ra làm cái gì thì tốt, làm cái gì là không tốt. Bởi vì chúng ta thường cố gắng quên đi những lỗi lầm của mình, chúng ta phải trau luyện sự chánh niệm của mình thường xuyên để nhớ những bài học ta đã học được từ lỗi lầm của mình để không phải học đi học lại mãi những bài học này.
Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói chánh niệm được định nghĩa là trạng thái không quán xét của tâm, nhưng đó không phải là cách đức Phật hiểu về chánh niệm. Ngài thường so sánh chánh niệm với người gác cổng trong ý nghĩa là với sự hỗ trợ của chánh niệm, bạn thẩm định điều gì nên làm, điều gì không nên làm.
Giống như trên vọng gác biên giới quốc gia có một người canh giữ, người ấy thông mình, dày dạn kinh nghiệm và có  trí tuệ, chỉ cho vào thành những người quen, còn người lạ thì chặn lại không cho vào thành, nhằm bảo vệ người bên trong và đề phòng người bên ngoài. Tương tự như vậy, một đệ tử của các bậc thánh phải luôn chánh niệm, thận trọng, ghi nhớ trong tâm những việc đã làm, đã nói, kể cả những việc đã làm đã nói từ lâu rồi. Với tâm chánh niệm như một người canh gác cổng thành, đệ tử của các bậc thánh bỏ đi những pháp không thiện, phát triển các pháp thiện, ngăn chặn những lỗi lầm, phát triển không lỗi lầm, quán xét tự bản thân mình với sự thanh tịnh. (Tăng chi bộ kinh, 7..63)
Như vậy, chánh niệm thật sự đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng thẩm định, đánh giá.
Khi bạn cố gắng áp dụng những bài học đã được học, bạn khám phá ra nguyên tắc thứ ba về sự đánh giá lành mạnh: rằng những bài học bạn học được từ sự sai lầm của chính mình, nếu bạn lưu tâm đến chúng, rõ ràng chúng sẽ tạo nên một sự khác biệt. Giây phút hiện tại không phải hoàn toàn mới mẻ không liên quan gì đến quá khứ để có thể nói những bài học của ngày hôm qua không có lợi ích gì cho ngày hôm nay. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục tìm kiếm những điều tinh tế mới mẻ để áp dụng những bài học có được từ trong quá khứ nhưng nguyên tắc chung về nguyên nhân gây khổ đau và làm thế nào để chấm dứt khổ đau thì luôn giống nhau.
Nguyên tắc thứ tư là bạn học từ sự đánh giá của người khác để có những lợi ích. Khi bạn chọn một người tin cậy để giải bày những lỗi lầm, bạn mở lòng để đón nhận những lời phê bình từ người ấy, bạn cũng muốn áp dụng những gợi ý đề nghị của người ấy để xem liệu có sự tiến bộ nào không. Khi đức Phật nói với di mẫu Ngài, bà Gotami, rằng mỗi người có thể kiểm chứng sự thuần chân của chánh pháp khi nhìn vào kết quả do sự hành trì đem lại. Nếu sự hành trì ấy đem lại những phẩm chất cao quý như không tham ái, khiêm cung, hài lòng, đầy nghị lực, nhẹ nhàng thanh thoát, đó là pháp chân chánh. Người nào đem pháp này dạy cho bạn ít ra cũng đã được kiểm chứng là một thiện tri thức chân chánh như vậy. Và như thế bạn đang học ngày càng nhiều hơn cách để tự đánh giá thẩm định mình.
Một số người phản đối cho rằng, nếu chú trọng việc tìm những bậc thiện tri thức đem lại lợi ích cho mình là ích kỷ, và là một điều thiếu nhân bản nếu cứ thường xuyên soi xét người khác xem liệu họ có đáp ứng những gì mình cần hay không. Nói như vậy là hiểu chưa đúng lời Phật dạy. Những lợi ích có được từ mối liên hệ với thiện tri thức không chỉ dừng lại với bản thân bạn mà thôi; và trong quá trình kiểm chứng người thiện tri thức ấy, bạn cũng đang kiểm chứng chính bản thân mình vậy. Khi bạn huân tập những phẩm hạnh từ một thiện tri thức, bạn trở thành người có thể được chọn làm thiện tri thức của những người khác. Điều này cũng giống như tập luyện đàn piano với một người thầy giỏi. Khi bạn trở thành một người chơi piano thuần thục rồi, không chỉ bạn mà nhiều người khác đều có thể thưởng thức sự biểu diễn của bạn. Bạn chơi càng hay, thì bạn đem lại nhiều niềm vui càng nhiều hơn cho người khác. Càng hiểu quy trình chơi đàn bao nhiêu, bạn dạy cho người khác càng hiệu quả bấy nhiêu, nếu người ấy thật lòng muốn học từ bạn. Chính vì vậy, truyền thống giáo dục nhằm trao truyền những phẩm hạnh đạo đức ưu việt được thiết lập nhằm đem lại lợi ích cho cuộc đời.
Do vậy, khi tìm một người thiện tri thức, ta đặt mình vào trong chuỗi dài nối liên tục không dứt của các bậc thiện tri thức, kéo dài từ trong quá khứ nơi đức Phật, và tiếp nối kéo dài đến tương lai. Tham gia vào trong giềng mối này có thể đòi hỏi chúng ta chấp nhận các sự thật không hề thoải mái, như cần mở lòng học hỏi từ những phê bình, góp ý và sẵn lòng nhận lãnh trách nhiệm về hành động của chính mình. Nếu vượt qua được thử thách, bạn học được năng lực thẩm định, đánh giá rất con người, điều mà khi chưa huân tập, có thể dễ dàng gây nên nguy hại, mà một khi đã được trau luyện, thi nó đem lại nhiều lợi ích hơn.