Tuesday, October 28, 2008

Nhìn kỹ...bà già hay cô gái?!


Nhìn kỹ...,
Bạn sẽ thấy thú vị khi nhìn hình này cũng như các hình khác thuộc loại illusion như thế này. Ở góc độ tâm lý học, nhìn, nghĩ, hiểu và sống theo cách nhìn hình loại này coi ra ý vị lắm! Các bạn thử đi nhé.
Khi mình y cứ vào 'nền' khác nhau, sẽ thấy 'vật' hiển thị khác nhau. Hoạt động của tâm thức cũng theo một nguyên tắc 'nền'-'hình' tương tự như vậy.

Monday, October 27, 2008

CHÂN THẬT


Chân thật lúc nào cũng được tất cả mọi người đón nhận, ngay cả những người chưa biết sống và nói chân thật cũng hiểu được giá trị của chân thật. Trong cuộc sống, ai cũng thích được cư xử bằng tấm lòng chân thật, nghe lời chân thật và ai cũng thích chứng minh và mong được nhìn nhận mình là người chân thật. Ấy thế mà oái oăm thay, hiếm ai có thể sống thật và nói được lời chân thật với tất cả mọi người trong mọi lúc mọi nơi.

Bản thân tôi, cũng nhiều lần sống giả dối và nói không chân thật và cứ mỗi lần như thế, tôi đều có lý do để biện minh cho việc mình làm và sau một vài giây áy náy, mình tự trấn an mình như là một cách gián tiếp ủng hộ cách sống thiếu chân thật mà nhất là qua lời nói như thế.


Tôi vẫn biết đường tròn , đường thẳng hay hình phẳng gì cũng chỉ tồn tại trên lý thuyết mà thôi. Trên thực tế, làm gì có vật thể gì tròn, thẳng hay phẳng tuyệt đối đâu. Liệu các chuẩn mực đạo đức cũng nên nhìn theo hướng như vậy để cảm thấy thong dong hơn khi không phải quá e dè vẽ khung cho mình tự đứng chăng? Tôi cứ băn khoăn về phương cách và động cơ sử dụng lời nói trong giao tiếp hằng ngày, sao cho được phần người mà không lỗ lã phần ta.


Từ kinh nghiệm bản thân mình, tôi nói dối, tôi tin rằng người bình thường trong thế gian này, ai cũng…nói dối! (tôi chỉ nói những người bình thường như tôi à nghen). Trong tiếng Anh, từ nhân cách (personality) có nguồn gốc từ chữ Latin persona, nghĩa là cái mặt nạ mà người diễn viên thường mang khi biểu diễn trên sân khấu. Bởi vì con người thường có tâm lý cải trang, che chắn, một cơ chế tâm lý tự vệ - tất nhiên là có nói dối - để bảo vệ mình, nói đúng hơn là hình ảnh của mình trong mắt mọi người, nên từ persona dùng để chỉ nhân cách con người. Nói cách khác, trên sân khấu cuộc đời, mỗi một con người chúng ta, dù là người chân thật nhất, phải đóng nhiều vai diễn khác nhau. Môi trường xã hội bắt buộc phải thế, mỗi con người đều phải đảm trách các vai diễn khác nhau tùy thuộc vào các vai trò khác nhau trong xã hội. Một người vừa có thế là cấp dưới của một số người nhưng cũng là sếp của nhiều người khác, vừa là cha/mẹ của một vài đứa trẻ nhưng vừa là con của cha mẹ mình, v v.

Trong mỗi vai trò, có một chuẩn mực đạo đức tương đối quy định trách nhiệm và bổn phận của mình. Đi ra khỏi ngưỡng quy ước chung của xã hội sẽ không được chấp nhận. Ai cũng muốn mình được đánh giá và nhìn nhận tích cực với những gì chúng ta thể hiện với người khác. Chính vì bổn phận và trách nhiệm mỗi người tự nhận biết và thấy rằng mình phải thực hiện, nói dối được sinh ra và nuôi lớn song hành cùng các mối quan hệ. Chính cái tâm lý TỎ RA mà mình không dám sống thật với mình và với người. Tôi lấy mối quan hệ cha/mẹ với con làm ví dụ.

Mình là một người cha/mẹ chưa đủ tốt, chưa gương mẫu mà không muốn con mình buồn và xấu hổ khi có người cha/mẹ như mình, thế là trước mặt con, mình TỎ RA tốt. Để làm được cái gọi là TỎ RA ấy thì chỉ còn sống thiếu chân thật và nói dối với con cái. Nói dối, trong trường hợp này, là để giữ hình ảnh một người cha/mẹ gương mấu trong mắt con. Ừ mà đúng là giữ ‘hình ảnh’ thiệt, vì chỉ có cái ‘ảnh’ là đẹp thôi, còn thực chất thì không được như vậy. Chắc ít cha mẹ nào đủ cam đảm để nói với con “ba/mẹ có lỗi, ba/mẹ xin lỗi con”, hoặc “về mặt này, cha/mẹ chưa được tốt, cha mẹ sẽ sửa đổi”. Tôi tin rằng, ngay cả trong ý tưởng, các bậc cha mẹ cũng ít ai dám nhìn lại mình một cách đúng đắn để thấy những điều vụng về thiếu sót của mình như vậy. Thường thì người ta hay dùng uy quyền của cha mẹ như là ‘bùa hộ mạng’ khi gặp gay cấn với con cái. Thế là thay vì nỗ lực hoàn thiện mình, cha mẹ gắng tìm cách khéo hơn, tinh vi hơn để ngụy trang và che đậy. Trong những lúc thế này, thiếu chân thật và dối trá sẽ len lỏi vào trong tâm thức, trong cách nghĩ, lời nói và hành động để duy trì cái quyền lực ‘bất khả xâm phạm’ của cha mẹ.


Nói cho cùng, chúng ta sống thiếu chân thật vì để bảo vệ cái ‘ta’ của mình. Cái ‘ta’ ấy chúng ta tự dệt nên với nào là uy tín, thể diện và cả sĩ diện nữa. Để không ‘mất mặt’ mà cần làm cho ‘đẹp mặt’ thì chúng ta phải có nhiều chiêu thức và mánh lới để bao bọc, hộ trì, tự vệ và phản công khi có cảm giác cái ‘ta’ của mình bị đe dọa. Chúng ta làm việc này cả trong ý thức và vô thức. Gọi là vô thức nhưng động cơ tâm lý này âm ỉ chạy bên trong, ẩn sâu dưới bề mặt ý thức như mạch nước ngầm, có tác dụng dẫn dắt và điều khiển tâm thức thực hiện tốt chức năng che chắn, phòng vệ và phản công khi cần thiết.


(entry tiếp theo ở mục ‘mỗi tuần một từ’, tôi sẽ bàn tiếp về từ 'chân thật')

LỄ HỘI DIWALI

Giới thiệu


Deepavali, còn gọi là Diwali là một lễ hội chính ở Ấn Độ và là lễ hội quan trọng nhất với người theo đạo Hindu. Lễ hội Diwali được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng Kartika theo lịch Ấn Độ vốn tính theo quỹ đạo của mặt trăng (âm lịch), thường nhằm vào tháng 10 hoặc tháng 11. Năm 2008, lễ Diwali nhằm vào ngày 28 tháng 10 (mồng Một tháng 9 âm lịch) và lễ cầu nguyện chính được mọi gia đình tổ chức vào đêm trước đó.



Lễ hội Diwali, với người Hindu có ý nghĩa như lễ giáng sinh với người cơ đốc giáo. Người theo đạo Jain và đạo Sikh cũng tổ chức lễ hội này với ý nghĩa riêng của tôn giáo họ. Các lễ hội ở Ấn Độ đều gắn liền với các truyển thuyết và lễ hội Diwali cũng không là ngoại lệ. Ngày nay, tín đồ các tôn giáo Hindu, Jain và Sikh trên khắp toàn cầu coi đây là “lễ hội ánh sáng” với ý nghĩa đốt ánh sáng trí tuệ và thiện lành để xua tan bóng tối ngu muội và xấu ác nơi mỗi con người chúng ta.

Monday, October 20, 2008

TỰ KỶ LUẬT


Tự kỷ luật là một kỹ năng thấy và quản lý, điều khiển những ý nghĩ , lời nói và hành động mang tính bản năng và là nghệ thuật nhận định sâu sắc những gì bí ẩn nằm sâu trong tâm thức của mình. Mặc dù bản năng mạnh mẽ và những việc làm theo quán tính có thể bền vững như người ta vẫn thường biện hộ “non sông dễ đổi, bản tính khó dời,” nhưng người có tính tự kỷ luật cao không dễ dàng chấp nhận có một sức mạnh nào lớn hơn ý chí và nghị lực của chính mình.

Những suy nghĩ, lời nói và hành động có tính bản năng thật ghê sợ, chúng có thể tạo cho mình một ảo giác để dễ dàng uy hiếp. Bản năng thúc giục, phỉnh phờ, đe dọa, dụ khị và gào thét như thể lăm lăm trong tay nó là cây gậy đầy sức mạnh và uy quyền. Thế nhưng, nhìn cho kỹ, xét cho sâu, không có cây gậy nào trong tay của bản năng cả. Chúng ta không nên có ảo tưởng và bị uy hiếp trước sức mạnh của bản năng. Bản năng có sức mạnh thật, nhưng do chính mình dung dưỡng và hèn nhát, nên nó mới dám lấn lướt đó thôi. Tất cả cũng chỉ do thói quen mà ra. Lâu nay, ta quen đầu hàng bản năng vì chưa một lần mình dám vượt lên trên sự sợ hãi và yếu đuối, hoặc nếu có, cũng chưa nỗ lực đúng mức hoặc đúng cách. Thử ‘phản công’ một lần xem sao, thử phát hiện ra những gì đằng sau cái gọi là bản năng tưởng chừng như không gì lay chuyển được ấy! Hãy dám một lần can đảm đừng chìu chuộng bản năng, hãy quan sát bên trong mình, điều gì đang xảy ra với các cảm thọ.


Theo gương các bậc đi trước nhiều kinh nghiệm, tôi đã thử áp dụng và có khi thất bại, có lúc thành công. Tôi học được một bài học từ kinh nghiệm của mình: hãy kiên quyết và phải trang bị cho mình tính tự kỷ luật. Cho dù bảy lần liên tiếp thất bại, đừng nản lòng với lần thứ tám! Việc cần làm là chúng ta đừng can thiệp vào các hành động bản năng và các cảm thọ cơ thể. Không cần đem bất cứ một loại thức ăn nào như chìu chuộng, biện hộ hay trá hình để nuôi chúng đâu. Chỉ quan sát coi chúng tung hoành ra làm sao và gắng đọc những thông tin chúng gởi qua phản ứng cơ thể và những tín hiệu qua các cảm thọ. Hãy coi chúng sẽ thế nào nếu không theo lề thói xưa nay mà chìu chuộng chúng. Chúng cần phải được đánh động để hiểu rằng con-người cần phải khác với không-phải-con-người.

Anh em con nhà bản năng cũng khá đông, nào là bất an, lo lắng, thiếu kiên nhẫn, vô tổ chức, tùy tiện, đớn đâu, bực bội… Hãy quan sát hành vi và phản ứng của mối đứa, mình sẽ hiểu ra cần phải làm gì với ‘đám giặc’ này. Coi vậy chứ nếu biết cách, điều phục chúng tuy có khó khăn, nhưng không quá sức như mình tưởng lâu nay đâu. Tuy mình chưa đủ sức để thuần hóa chúng hoàn toàn, nhưng dụng công đúng mức và có phương pháp, chúng cũng bớt hung hãn, ngông nghênh và phần 'con' sẽ giảm đi cho phần 'người' hiển lộ.

Có thể chiến thắng bản năng với điều kiện, nhớ đem theo ngọn đèn trí và quan trọng là đừng quên mặc áo giáp của tự ý thức kỷ luật, vì các hành động bản năng ẩn nấp rất khéo léo và khôn ngoan trong những ngõ ngách tối tăm. Cần đôi giày kiên nhẫn nữa, thì không có gì đáng sợ cả. Một điều thú vị là bản năng sợ giáp tự kỷ luật vô cùng. Nếu mặc áo này mà xung trận thì chúng không còn đường sống nữa. Các hành động bản năng chỉ có thể sống trong môi trường yếm khí và khi ngôi nhà không còn chìm trong bóng tối, chúng tự động ra đi, nhường chỗ lại cho những hành động có ý thức và đầy trách nhiệm.

Saturday, October 18, 2008

THỰC HÀNH PHÁP Ở GIA ĐÌNH - NHÌN LẠI LỜI NÓI ĐÚNG

Hằng Như dịch từ bản tiếng Anh "Family dhamrma - Right speech recosidered" của Beth Roth ở trang tricycle.
http://www.tricycle.com/web-exclusive/family-dharma-right-speech-reconsidered

Đức Phật đã hướng dẫn rõ ràng về tầm quan trọng của ngôn ngữ và làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ hiệu quả nhất trong giao tiếp. Lời nói đúng, hay còn gọi là lời nói khôn ngoan, lời nói đạo đức là lời nói đem lại an lạc và hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác. Nói lời đúng là một trong năm nguyên tắc đạo đức, là không giết hại mà bảo hộ sự sống, không lấy cắp mà chỉ nhận những gì được cho, không dùng năng lực tính dục để xâm hại mình và người khác, không uống các chất gây say nghiện làm cho tâm trí mê ám. Đức Phật dạy rằng, đạo đức là căn bản để thực hành thiền và là nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc sống tâm linh thanh thản yên vui. Đức Phật gọi các nguyên tắc đạo đức này là “năm món quà tặng” vì khi thực hiện năm nguyên tắc này, chúng ta đem lại món quà lớn cho bản thân mình và cho những người xung quanh. Đó là món quà của sự tự do, không sợ hãi, không thù hằn và không áp bức.


Không những là một thành tố cấu thành năm nguyên tắc đạo đức căn bản này, nói lời đúng còn là một trong các yếu tố tạo nên con đường thánh tám ngả. Cùng với thấy biết đúng, tư duy đúng, hành động đúng, nuôi mạng đúng, nỗ lực đúng, tỉnh thức đúng và quán chiếu đúng. Ở đây, từ ‘đúng’ không có nghĩa là trái nghĩa với sai hay xấu được nhận định trên bình diện đạo đức mà đúng, nghĩa là đưa đến an vui hạnh phúc cho bản thân mình và cho người khác. Con đường thánh tám ngả là con đường đưa đến sự giải thoát, được mô tả là hạnh phúc, an vui trong nội tâm, tự do không còn bị khổ đau ràng buộc trong đời sống. Con đường này còn giúp cho người thực hành thoát khỏi những cảnh giới khổ đau ở những kiếp sống sau.

Đức Phật đưa ra một định nghĩa rõ ràng về lời nói đúng. Theo định nghĩa của Ngài, lời nói đúng là “không nói sai sự thật, không nói lời hiểm độc, không nói lời thô lỗ cộc cằn và không nói chuyện nhảm nhí vô ích.” Nếu dùng thuật ngữ nhà Phật diễn đạt, nghĩa là từ bỏ nói dối, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác và từ bỏ nói lời phù phiếm. Nói cách khác, theo hướng tích cực, các nguyên tắc này là động cơ giúp chúng ta chỉ nói sự thật, nói những lời làm cho mọi người hòa hợp, dùng lời nói hòa nhã, dịu dàng và nhỏ nhẹ và nói trong tỉnh thức để lời nói của mình có mục đích và lợi ích.

Dùng lời nói đúng là một cách thực hành tỉnh thức. Bằng cách thực hành này, chúng ta ý thức rõ hơn về cơ thể, tâm ý và tình cảm của chính mình. Chính sự tỉnh thức giúp chúng ta có thể nhận biết những điều mình sắp nói ra trước khi những lời đó được thốt ra. Như vậy, sự tỉnh thức cho ta sự tự do chọn thời điểm mình nói, chọn điều mình nói và cách mình nói như thế nào. Với sự tỉnh thức, chúng ta thấy rõ rằng tâm thức là mảnh đất để cho lời nói sinh sống. Chúng ta học cách kềm chế lời nói trong những lúc mình giận dữ, thù hận và bối rối thiếu bình tĩnh, đồng thời chúng ta cũng học cách luyện tâm để tâm thức thường xuyên hướng về các trạng thái tâm thức thiện lành như yêu thương, tốt bụng và đồng cảm. Từ trong các trạng thái tâm thức thiện lành này, lời nói đúng sẽ phát sinh một cách tự nhiên.

Muốn thực hành nói lời đúng, chúng ta cần lưu tâm đến luật nhân quả nghiệp báo. Chúng ta cần thường xuyên quán sát để thấy rằng, nhiều loại lời nói khác nhau sẽ đưa đến kết quả khác nhau. Có lời nói gây nên đau khổ cũng có lời nói tạo ra hạnh phúc. Người Tây Tạng có câu cầu nguyện rằng “Cầu mong bạn hạnh phúc và làm cho mình hạnh phúc. Cầu mong bạn hết khổ và làm cho mình hết khổ.” Khi chúng ta hiểu được nguyên tắc vận hành của luật nhân quả, chúng ta mới có thể cảm nhận được ý tưởng sâu sắc trong lời cầu nguyện này.

Thực hành lời dạy về lời nói đúng là thừa nhận mình chưa hoàn hảo. Lỗi lầm là một phần quan trọng trong quá trình học của mỗi con người. Chúng ta cần học trong những lúc mình nói dối, nói phóng đại sự thật, nói lời thêu dệt, nói lời độc ác thô tháo, nói đùa giỡn vô ích, nói không đúng thời để cảm nhận được hậu quả của những lời nói ấy, nó tạo sự căng thẳng không thoải mái cho thân, lo âu mệt nhọc cho trí và ăn năn hối hận cho tâm biết dường nào. Chúng ta cũng hiểu ra được những lời nói không tốt ấy làm hỏng các mối quan hệ cá nhân và có thể làm giảm đi sự an bình của thế giới quanh ta như thế nào.


Bởi vì lời nói đúng là phần rất căn bản trong những lời dạy của Đức Phật, chúng ta cần biết thêm nghe đúng, như là một phần bổ sung cho nói đúng, cũng không kém quan trọng. Vậy nghe đúng là gì?

Tự điển Webster định nghĩa ‘nghe’ là ‘chú ý đến âm thanh’ và ‘để lắng nghe’. Như vậy, nghe một cách hiệu quả nghĩa là chú ý nhiều hơn là âm thanh, do đó, đòi hỏi chúng ta không chỉ dùng hai lỗ tai mà được. Nếu chúng ta tỉnh thức ngày càng nhiều hơn trong các mối quan hệ bình thường, chúng ta sẽ thấy rằng nghe là sự chú tâm vào các cảm thọ thân thể, ý tưởng và tình cảm cũng như giọng nói, biểu hiện trên khuôn mặt người nói, cử chỉ khi nói, những khoảng lặng khi dừng lại, ý nghĩa tiềm ẩn và nhiều sắc thái phong phú cùng với nội dung lời nói được phát ra. Nghe như thế này, thiền sư Nhất Hạnh gọi là “lắng lòng nghe”, bác sĩ Rachel Naomi Remen thì gọi đây là cách “lắng nghe hết lòng”, còn Joan Halifax, người giảng dạy Phật pháp và là huấn luyện viên tại bệnh viện dành cho người hấp hối, gọi đây là “lắng nghe từ trái tim” và Quakers gọi là “ lắng nghe chân thành”. Cũng giống như những cách thực tập tỉnh thức khác, nghe đúng vừa là một kỹ năng vừa là nghệ thuật sống. Trong cuốn sách “thiền nghe”, cô Rebecca Sharif viết “lắng nghe là một nguồn tự nhiên cá nhân lớn nhất của chúng ta, đây là một trong những khả năng phát triển nhất của mình.”

Nói lời đúng, theo tôi, là nguyên tắc khó nhất trong năm nguyên tắc đạo đức và là phương diện tinh tế nhất của con đường thánh tám ngả. Cuộc sống hằng ngày, bất kể là ở nhà, nơi làm việc hay trong cộng đồng, đã cho ta vô số cơ hội để thực hành tỉnh thức và lòng từ ở lãnh vực cần dùng lời nói trong giao tiếp với mọi người. Và mặc dù thực tập trong nhiều năm, chúng ta vẫn gặp thử thách ghê gớm để có được nói đúng và nghe đúng trong môi trường gia đình.

Khi hai con tôi, Emilio và Claudia còn nhỏ, chúng tôi sử dụng khá thành công khi áp dụng các công cụ giao tiếp dùng trong hoạt động nhóm và giải quyết xung đột với người lớn. Trong các cuộc họp mặt gia đình, buổi thảo luận và nhất nhất không làm gián đoạn người khác khi nói để cho sự truyền thông được liên tục. Thế nhưng, khi các cháu lớn một chút, nói đúng và nghe đúng trở nên một thử thách, nhất là khi phải bàn đến những hành vi không được tốt và sự bất đồng trong quan điểm. Tôi nhận thấy rằng, chúng tôi đã ý thức tạo ra môi trường để có sự lắng nghe đúng, vì nếu không có khả năng lắng lòng nghe, tất cả những lời nói đúng trên đời này không có ý nghĩa bao nhiêu cả.

Vào lúc Emillo vào lớp 6, do nhiều ảnh hưởng kết hợp, bao gồm cả cái mà nếu gọi chính xác là “hóc-môn dữ dội” hội tụ cùng một lúc. Bất chợt, cậu bé không chịu nghe những gì tôi muốn nói. Cũng khó cho tôi khi phải kiên nhẫn với những điều cậu bé không muốn nghe. Tất nhiên là càng xung đột nhiều trong quan điểm, truyền thông nhau lại càng khó hơn. Sự kiên nhẫn, tôn trọng và phụ thuộc vào nhau một thời đã tạo cho chúng tôi cảm giác rất thoải mái dần dần mất đi cùng với năm tháng. Kỹ năng nói và nghe chúng tôi đã khéo nuôi dưỡng giờ thay vào là sự mất tin tưởng, thiếu kiên nhẫn và phản ứng tự vệ. Lúc nào cũng vậy, tôi nghĩ rằng tôi đến với con trai tôi trong tinh thần cởi mở và thân thiện để thực hiện điều mà tôi gọi là nói đúng và đối diện với chính mình để tìm lại trong tôi trạng thái không được ý thức ấy. Thế nhưng chỉ trong vài giây, tôi không chịu nổi nữa, liếc nhìn lưng đứa con trai tôi, nó lao vụt ra khỏi phòng, tay đấm vào hư không và miệng tuôn ra một dòng âm thanh không thể nào hiểu được.

Tôi tư vấn nhiều phụ huynh khác, cả chuyên gia nữa, tất cả đều khẳng định rằng những biểu hiện của con trai tôi là bình thường của một đứa bé ở tuổi dậy thì. Họ nói rằng mối quan hệ giữa tôi và con trai đang trải qua thời kỳ thay đổi bình thường của sự phát triển. Thế là tôi hiểu được hành vi của con trai tôi, sự thất vọng trong tôi và mối quan hệ giữa chúng tôi hỏng đi thật là đau đớn. Tôi tin chắc rằng có một cách gì đó hay hơn và hiệu quả hơn. Tôi quyết định tìm cho ra mới được. Thế là tôi bắt đầu một quá trình thử nghiệm dùng lời nói đúng và lắng nghe đúng, một quá trình đầy thử thách và sáng tạo mở ra, luôn đưa đến kết quả là sự kết hợp giữa sự thất vọng với vài kết quả khả quan.

Tôi có cảm nhận đáng kể sau khi cách giao tiếp gây đổ vỡ xảy ra lần đầu tiên vài tháng. Lúc ấy, Emilio có hành vi phản ứng dữ dội và cực đoan, tôi có cảm giác tôi đang bị tấn công. Như vậy, tôi đáp lại con tôi trong cảm giác bị tấn công. Rõ ràng chúng tôi có vấn đề tiềm ẩn. Tôi cần con tôi giúp tôi nói ra tôi nên tiếp xúc với nó theo cách thế nào để con tôi cảm thấy an ổn và không bị đe dọa.

Một thoáng im lặng, Emilio đồng ý nói chuyện với tôi về vấn đề trong truyền thông giữa hai bên. Con tôi nói rằng nó cảm thấy bị phê bình và tấn công khi tôi cố gắng nói chuyện với nó về những xung đột hay khó khăn, dù là chuyện nhỏ nhặt nhất. Chúng tôi thỏa thuận với nhau rằng tôi cần thay đổi cách nói để con tôi có thể nghe trong tinh thần cởi mở với những gì tôi muốn nói.
Vài tuần sau, tôi và con trai thảo luận một số bước ‘mở đầu’ để xây dựng một giai đoạn giao tiếp có nghệ thuật hơn. Emilio đề nghị rằng, thay vì bàn về những vấn đề khó khăn, nó muốn tôi nói cho nó biết điều tôi dự định nói, rồi hỏi nó thời điểm nào là thuận tiện nhất để thảo luận. Đây là một yêu cầy hay và hợp lý, tôi thật sự tôn trọng. Chúng tôi cũng thỏa thuận với nhau rằng, nếu có sự thay đổi giờ giấc đã định cho cuộc nói chuyện, thì sẽ dời lại trong vòng vài hôm kể từ lúc tôi đến nói chuyện với cậu bé. Tôi đề nghị rằng, khi chúng tôi thảo luận một vấn đề khó giải quyết, con tôi có thể quyết định trả lời ngay khi vấn đề được nêu lên hoặc suy nghĩ kỹ rồi trả lời sau đó vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày. Nó thích đề nghị này. Nó nói nó không trả lời ngay lập tức mà cần lắng nghe chăm chú hơn, giảm cảm giác cấp bách của vấn đề và khi đã suy nghĩ kỹ lưỡng, nó sẽ trả lời.

Những cuộc nói chuyện tiếp theo, chúng tôi nói về phản ứng tự vệ của nó khi gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi giải thích cho con tôi biết, tự vệ là một phản ứng tự nhiên của hầu hết tất cả chúng ta, vì mình tin rằng cách này cần thiết và hiệu quả. Và khi đối mặt với sự đe dọa và coi như kẻ thù, tự vệ có thể phục vụ được phần nào mục đích, nhưng khi nói chuyện với người thân, tâm lý này làm cản trở sự truyền thông. Emilio nói rằng nó cảm thấy trở nên ít tự vệ hơn khi tin tưởng vào ý định của tôi hơn. Tôi xác quyết với con tôi rằng thiện chí của tôi là xây dựng sự truyền thông giữa tôi và nó tốt hơn và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp chứ không có ý chỉ trích phê bình nó cũng như thể hiện quyền lực của người mẹ. Chúng tôi nói về cách làm thế nào để tôi thể hiện ý định của mình. Emilio yêu cầu rằng, để mở đầu cho cuộc thảo luận một vấn đề khó khăn, tôi nên nhắc như thế này “Emilio, mẹ yêu con. Mẹ mong hai mẹ con mình cùng nhau tháo gỡ vấn đề mẹ sắp nói ra đây.” Chúng tôi đồng ý với nhau rằng con tôi cũng dùng những lời mở đầu tương tự như vậy để nói về một vấn đề có thể tôi không muốn đề cập đến.

Sau khi lập nên những nguyên tắc này rồi, chúng tôi bắt đầu nói đến việc làm thế nào để duy trì được sự cởi mở trong khi theo bản năng, lúc đó mình muốn khép kín lòng mình lại. Tôi đưa ra cho Emilio nhiều ví dụ để con tôi thấy tôi sử dụng sự chú ý, nhìn thẳng vào nội tâm mình như thế nào để chống lại sự kháng cự khi nói chuyện với người lớn. Ví dụ tôi tập trung ý thức cảm nhận hơi thở, buông thư toàn thân và cố gắng duy trì trạng thái không phản ứng gì cả trong khi người kia đang nói. Tôi hỏi liệu con tôi có thể nghĩ ra năm cách tương tự như vậy để áp dụng cho mình không. Vài phút trôi qua, Emilio đưa tôi coi hai tờ giấy nhỏ, trên đó nó viết ra 10 ý kiến với chữ nhỏ xíu: thở, tự nhắc mình rằng mình không phải đang bị phạt, cố gắng buông thư, cố gắng chuyển tải những gì mình muốn biểu hiện bằng lời nói, không huơ tay xung quanh hay đảo mắt nhìn hoặc lầm bầm, phải ý thức rõ tay mình đang đặt ở đâu, đừng cắt lời hay nói chen vào những lời mỉa mai như “con không thích điều đó”, “rồi sao nữa?”, “có vấn đề gì với việc này chứ?”, hãy im lặng một tí trước khi trả lời lại những gì mẹ nói, đếm nhẩm từ 1 đến 5 trong đầu và trả lời câu hỏi của mẹ vào lúc khác hay vào ngày khác.

Tôi rất vui vì chúng tôi đã làm được nhiều điều khả quan và trong vòng vài tháng và có sự cải thiện nhiều về khả năng nói và lắng nghe. Thế nhưng khi này khi khác, sự truyền thông thỉnh thoảng vẫn bị trục trặc và mỗi lần như vậy, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm giải pháp để làm cho tình thế trở nên tốt hơn.

Tôi cố gắng đặt những trục trặc trong truyền thông giữa tôi và Emilio vào trong một bối cảnh lớn hơn. Tôi nói với cậu bé về sự quan trọng và phức tạp của việc lắng nghe và khi không thể truyền thông nhau trong tinh thần kiên nhẫn và tôn trọng, nó sẽ làm hỏng không chỉ các mối quan hệ cá nhân mà còn gây nên bao vấn đề khác đe dọa thế giới xung quanh mình. Tôi bảo Emilio rằng nếu chúng ta tiếp tục làm cho mối quan hệ của mình ngày một tốt hơn, không những chúng ta có thêm lợi ích trong mối quan hệ của mình mà còn lợi ích cho tất cả các mối quan hệ khác của tôi cũng như con tôi trong hiện tại cũng như trong tương lai. Tôi nói với Emilio rằng, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy nghe điều mình không thích hoàn toàn khác với nghe điều mình thích thú. Emilio đồng ý liền, rằng khi phải “nghe trong áp lực” thật ra đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nữa.

Để minh họa điều này rõ hơn, chúng tôi cùng nhau chơi ‘trò chơi lắng nghe’. Tôi đưa cho Emilio bốn mảnh giấy trắng và yêu cầu con tôi viết vào đó bốn câu mà nó thích nghe tôi nói với nó. Việc này khá dễ dàng. Cậu bé viết ngay “Emilio à, cô giáo khen con là con đã làm bài thật xuất sắc ở trường.” “Chúng ta sắp đi đón chú cún Luna của mình.” Chúng ta chuẩn bị sang tiểu bang Virginia để thăm người bà con.” “ Con thật giỏi Caporiera (Caporiera là nghệ thuật đánh võ của người Brazil tóc xoăn mà con tôi theo học vào thời điểm ấy). Khi Emilio viết xong, tôi đưa cho nó bốn mảnh giấy nữa. Lần này tôi yêu cầu con tôi viết ra bốn điều cậu bé không thích nghe tôi nói. Emilio bối rối một chút. Tôi gợi ý những điều hầu hết mọi người không thích nghe. Cậu bé nói “phê bình và phản đối.” Tôi nói thêm vào rằng hầu hết mọi người phản ứng theo cách tự vệ khi nghe người khác nói điều gì họ không đồng ý hay có ý chỉ trích cá nhân. Với sự gợi ý này, cậu bé liền đặt bút ghi bốn câu tiếp “ sao giường con nhỏ xíu thế này?” “Trường trung học cơ sở con sẽ học vào năm tới là một ngôi trường tồi tệ.” “Border Collies là giống chó xấu nhất.” “Nghe nói em của con là con nuôi ở Bolivia.” “Tại sao con bé ấy không phải là ở Mỹ nhỉ?”

Tiếp đó, tôi yêu cầu nó viết ra bốn câu ‘vô thưởng vô phạt’. Cái này hơi khó hơn. Thế là tôi cho ví dụ một số việc có tính chất trung tính. Nó viết “con nghĩ trời sắp mưa.” “Ba đang trồng cỏ ở vườn sau.” “Claudia đang quét nhà bếp.” “Mưa đêm qua làm ngập bờ sông.”

Đến lúc này thì Emilio ngạc nhiên với cách tôi xử lý các mảnh giấy này. Tôi nói tôi sẽ lần lượt đọc lên từng câu một để Emilio có thể cảm nhận được những phản ứng khác nhau khi nghe các câu khác nhau. Tôi hỏi nó muốn tôi đọc liên tục bốn câu cùng loại hay đọc ngẫu nhiên. Emilio trả lời “ngẫu nhiên,” thế là tôi xóc mấy tờ giấy trước khi lật úp chúng trên tấm thảm. Tôi đọc lớn từng câu một, dừng lại sau mỗi câu để Emilio cảm nhận phản ứng của mình.

Không có gì đáng ngạc nhiên, với những câu có ý tiêu cực, Emilio nói rằng “con khựng lại và không muốn nghe nữa.” “ Các cơ bắp con căng ra.” “Con cảm thấy nhức nhối trong lòng.” “Ngực con cứng và co thắt lại.” “Con dằn lòng lại.” “Con muốn cắt lời mẹ và nói đừng có đọc nữa.” “Con cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.” và “ con cảm thấy da mình nóng lên.”

Đáp lại những câu có ý tích cực, Emilio ghi nhận “niềm vui vỡ òa lên khắp toàn thân.” “Sức sống trỗi dậy mãnh liệt hơn bên trong.” “Con cảm thấy có khoảng không bên trong, giống như một cái cổng lớn dao động đang mở ra.” “Cơ bắp con cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn.” “Toàn thân con cảm thấy rất năng động, như thể muốn chạy đi liền,” và “Niềm vui ngập tràn tâm trí con.”

Đáp lại những câu trung tính, Emilio nói rằng, toàn thân, hơi thở và nhịp tim của cậu bé cảm thấy thoải mái, nhưng không phấn khích và nó cần cố gắng chú tâm nhiều hơn mới có thể ghi nhận được cảm nhận về thân thể.

Emilio ngạc nhiên về những phản ứng của mình đối với các câu mà chính nó vừa viết ra trước đó vài phút. Sự quán sát của nó làm nổi bật một điều là nó phải đương đầu để điều khiển những phản ứng của mình như thế nào nếu không ý thức được những gì đang xảy ra. Chúng tôi nói về những ý tưởng, tình cảm và cảm thọ phản ứng như thế nào ở tất cả mọi người. Tôi nói với con trai tôi rằng nếu ý thức càng nhiều về các phản ứng này, chúng ta có thể hiểu mình nhiều hơn và thời gian cần để quyết định một việc cần nói hay làm sẽ ngắn lại, như vậy chúng ta sẽ ý thức nhiều hơn khi chọn hành vi của mình.

Ở cuộc thảo luận tiếptheo, tôi và Emilio bàn về một ý tưởng khác là làm thế nào để duy trì truyền thông nhau một cách cởi mở. Chúng tôi mua một cuốn sổ để viết những điều cần thảo luận mà không muốn nói ra. Tôi đùa nói cuốn sổ đó là người bạn thân tình của chúng tôi. Chúng tôi thỏa thuận nhau về những nguyên tắc ghi trong cuốn sổ này. Tôi nghĩ cuốn sổ này là phương tiện thích hợp để tôi truyền thông với con trai bằng hình thức viết và cũng nhờ nó, chúng tôi khởi đầu có sự truyền thông nhau tốt hơn. Chúng tôi đặt cuốn sổ ở vị trí giữa và người nào viết vào sổ thì khi viết xong, đặt sổ vào bên trong lối đi vào phòng người kia. Người kia có trách nhiệm đọc và hồi đáp trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Loại sổ tôi mua để dùng cho mục đích này là loại ở ngoài bìa có một cái ô nhỏ để học sinh ghi tên mình vào. Tôi hỏi Emilio chúng ta nên ghi tên cuốn sổ này là gì, nó trả lời “tôi yêu bạn, người bạn nhật ký của Emilio,” rồi nó liền viết dòng chữ này vào ô trống trên bìa sổ.

Tôi duy trì cuốn nhật ký này trong vòng hai năm. Nó chưa được viết đầy, nhưng chúng tôi có được nhiều lợi ích trong việc sử dụng nó thường xuyên. Rõ ràng là nó giúp cho cả hai mẹ con tôi. Nó chứa đựng cả ý kiến và hồi âm của mỗi người. Ngoài những gì được viết ra, Emilio còn vẽ tranh màu về cơ thể mình để diễn tả những biểu hiện tình cảm và cảm thọ của thân thể. Emilio cũng phác họa ra cảm nhận của tâm khi khó khăn lắm mới có thể điều khiển lời nói hay hành vi và vẽ sơ đồ mô tả cơn giận nổi lên nhanh như thế nào. Chúng tôi cùng nhau giải tỏa những hiểu lầm và giải thích tại sao chúng tôi đã đành động thiếu kiên nhẫn và thiếu tôn trọng nhau như vậy. Chúng tôi xin lỗi nhau, bỏ qua cho nhau, tha thứ cho những lúc đi quá đà và công khai xác nhận tình thương yêu và chăm sóc lẫn nhau. Thỉnh thoảng tôi cười lớn khi viết vào sổ hay đọc phản hồi của Emilio. Nhiều lúc buồn tôi cũng khóc, vào lúc khác tôi lại cảm thấy hạnh phúc vừa ngọt vừa đắng trong tình yêu thương và sự gắn kết.

Tất nhiên, nhiều lúc truyền thông vẫn cứ tiếp tục bị bế tắt. Khi ấy, tôi đến Emilio với một tâm đầy thân thiện và nỗ lực hết mình để dùng lời nói đúng, nhưng cũng chỉ được trong vài giây, có khi vài phút, cuộc trao đổi dừng lại đột ngột. Emilio lao ra khỏi phòng và cả hai chúng tôi đều cảm thấy buồn đau, thất vọng và giận dữ. Tôi tranh đấu để giữ sự an tịnh và không làm cho tình thế trở nên tồi tệ hơn với những phản ứng để tôi phải hối tiếc về sau. Tôi sử dụng các cách như cảm nhận hơi thở, gọi tên các ý tưởng và tình cảm khởi lên và lặp lại những cụm từ về lòng từ và giữ tâm trầm tĩnh để hỗ trợ, nhưng vẫn không đủ. Tôi tự nói với chính mình trong nhiều năm rằng tôi không xử lý vấn đề trên phương diện cá nhân, nhưng rồi thật khó mà chỉ ra rằng làm thế nào để không đứng trên phương diện cá nhân đây. Tôi cần một điều gì khác giúp tôi để vượt qua những giây phút khó khăn này, một phương cách nào đó giúp tôi giảm đi sự gắn chặt mình với cái ngã đang bị ngược đãi ấy. Cuối cùng tôi cũng đã tìm ra một phương cách. Dừng lại để thở một hơi thở có ý thức, rồi tự nhủ thầm với chính mình rằng “đây là bản chất của tuổi dậy thì.”

Tôi không hiểu sao những con chữ này có tác dụng với tôi nhiều đến thế. Cụm từ này trở thành đồng minh đắc lực nhất cho sự nỗ lực của tôi để duy trì một chừng mực nào đó sự chấp nhận và cân bằng trong những lúc có xung đột với con trai tôi. Sự xung đột vẫn cứ tiếp tục xảy ra, tiếp tục gây buồn lòng nhưng mức độ gây buồn cũng giảm đi và bớt đi phần cá nhân so với trước và chúng tôi chuyển hóa những nỗi buồn này cũng nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Tôi và Emilio cùng nhau đi một chặng đường dài và cũng còn lắm lỗ hổng cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì lẽ đó, nói đúng và lắng nghe đúng là một quá trình rèn luyện tỉnh thức suốt cả đời. Tôi bỗng nhớ lại lời của Christine Longaker, một người làm tại bệnh viện dành cho người hấp hối. Trong một tuyển tập do Mark Brady làm chủ biên, cô có viết một chương với tựa đề “trí tuệ của sự lắng nghe”. Cô ấy viết “bạn phải lắng nghe một cách toàn tâm, không chỉ với lỗ tai. Hãy lắng nghe với cơ thể, với tim, với mắt, với năng lượng mình có được, tất cả những gì mình có. Nghe trong yên lặng, không gián đoạn. Hãy lấp kín những khoảng trống trong im lặng của mình bằng tình yêu thương.” Những khoảnh khắc tôi có thể lắng nghe như thế, với con tôi hay với người khác thật hiếm hoi. Những từ này truyền cảm hứng cho tôi trong khả năng có thể, vì vậy tôi cảm thấy biết ơn.

Wednesday, October 15, 2008

TRÍ TUỆ CẢM XÚC (3)


Tôi đã viết hai entry giới thiệu vài nét căn bản về ‘trí tuệ cảm xúc’, hôm nay, thấy cần viết thêm vài điều nữa để kết lại vấn đề này. Trong entry này, tôi đề cập tiếp làm thế nào để phát triển trí tuệ cảm xúc của mình.

Ở entry trước, tôi có nói đến vài phương pháp luyện tập cảm xúc là hít thở thư giãn và viết nhật ký cảm xúc. Những phương pháp này nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất để cảm xúc hiển thị rõ ràng hơn để chủ nhân nó nhận diện cảm xúc của mình dễ dàng hơn và có thêm thời gian và điều kiện để ngăn ngừa những hành động do suy nghĩ cạn cợt và cảm xúc bốc đồng gây nên. Có những cảm xúc, chỉ cần nhận diện được nó, gọi đúng tên nó là đã có thể quyết định được sự việc, như vậy, vấn đề đã được giải quyết và hai phương pháp này khá hiệu quả để đối trị các loại cảm xúc như vậy. Tuy nhiên, có những cảm xúc sâu sắc có tác động lớn đến bản thân mình thì vấn đề hóa giải nó cần nỗ lực nhiều hơn. Sau đây là một số phương pháp khác để nâng cao trí tuệ cảm xúc.

Trách nhiệm với bản thân


Mức độ chúng ta chịu trách nhiệm với bản thân mình biểu hiện trí tuệ cảm xúc mà mình có được. Trách nhiệm bản thân bao hàm cả việc mình chịu trách nhiệm khi quyết định việc của mình, trong điều kiện cụ thể của mình và cả việc chịu trách nhiệm về hậu quả do quyết định của mình đem lại. Cho dù điều kiện khách quan tác động thế nào đến công việc của mình, hãy sáng suốt phân tích vấn đề và tìm cho ra nguyên nhân thành bại ở chỗ nào. Dẫu cho bị tác động của môi trường bên ngoài, cảm xúc và hành động phản ứng là từ nơi mình và mình có khả năng nhận biết, kiểm soát và điều chỉnh chúng một cách phù hợp. Tập nhìn nhận và chịu trách nhiệm bản thân từ những việc nho nhỏ trong cuộc sống. Ví dụ những tác nhân bên ngoài sau đây có tác dụng ‘bấm nút’ cảm xúc của mình, bạn hãy tự nhìn vào trong dòng cảm xúc đang chảy liên tục trong người để nhận diện chúng.

Bạn mất đi cơ hội được tiến cử.
Ngân hàng từ chối đơn vay vốn của bạn.
Trời mưa suốt tuần nghỉ trong khi bạn chờ đợi những ngày nghỉ này từ lâu lắm và đã lên kế hoạch.
Bạn dồn hết tâm lực để viết một cuốn sách và cả 10 nhà xuất bản đều từ chối không chịu xuất bản.

Trong các ví dụ trên, rõ ràng nguyên nhân dẫn đến kết quả không như ý và làm cho bạn cảm thấy khổ sở, buồn bực, giận dữ, phiền lòng và không thoải mái là do từ bên ngoài, chúng ta vẫn thường làm vậy. Mình sẽ nghĩ do người này, tại sự kiện kia hay vì mình không may mắn. Tuy nhiên, làm như vậy nghĩa là chúng ta đem vận mạng của mình, công việc và cả bản thân mình giao phó cho người khác hoặc hoàn cảnh. Chúng ta bắt ngoại cảnh thay mình chịu trách nhiệm. Điều này chẳng giúp được gì cho mình để cuộc sống mình nhẹ nhàng thanh thản hơn cả. Hãy đặt mình là người chịu trách nhiệm bản thân và công việc và các tác nhân bên ngoài chỉ là yếu tố phụ thuộc (duyên) như một chất xúc tác (nếu thuận hướng với công việc của mình) hay lực ma sát (nếu ngược hướng với công việc của mình). Đừng cảm thấy bất lực, buông tay hay bế tắc trong những tình huống khó khăn. Trong cuộc sống, không có con đường duy nhất. Hơn lúc nào hết, trí tuệ cảm xúc có thể giúp chúng ta khai mở nhiều con đường mới.

Nếu bạn hỏi, liệu chúng ta làm gì đối với những việc không như ý xảy ra, tôi chỉ có thể nói rằng, chúng ta giữ tâm bình an, không chao đảo, không cuống cuồng lo lắng thái quá thì con đường sẽ rộng mở đón chào bước chân ta phía trước. Mặt nước trong thì mọi thứ trong hồ đều có thể thấy rõ, nước đục ngầu thì chẳng thấy được gì. Tâm an tịnh như mặt nước phẳng lì và tâm chao đảo như hồ nước bị khuấy đục nên không còn thấy gì nữa. Hãy bình tĩnh để tìm ra nhiều giải pháp khác và chọn giải pháp tối ưu để thực hiện dự định kế hoạch của mình. Mọi chọn lựa đều ở trong ta và ta có quyền quyết định. Càng phát huy trách nhiệm cá nhân, chúng ta càng nâng cao trí tuệ cảm xúc. Một khi dám nhận trách nhiệm về vận mạng của chính mình, không có việc gì không thể. Trí tuệ cảm xúc thể hiện ở phương diện này có thể rèn luyện và phát triển.

Chăm sóc cảm xúc của chính mình
Phương pháp này có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được một cách liên tục trong cuộc sống. Có người ngạc nhiên khi tôi dám nói rằng, rất nhiều người trong chúng ta không hề biết lắng nghe cảm xúc. Cảm xúc, thật ra đó là phản ứng của tâm thức đối với tác động bên ngoài cũng như những suy nghĩ của chính mình. Cố tình lờ đi, không đoái hoài đến cảm xúc, không giải quyết được gì. Kềm chế, thô bạo với cảm xúc, chúng ta không thể có quyết định sánh suốt. Do vậy, phải biết cách tiếp cận cảm xúc của chính mình. Những nhà tâm lý trị liệu khi tiếp xúc với gia chủ, câu hỏi đầu tiên người ta đặt ra là anh/chị bây giờ cảm thấy như thế nào? Tương tự như vậy, vấn đề đầu tiên chúng ta cần làm với cảm xúc của mình là hiểu rõ bây giờ, mình đang cảm thấy thế nào? Vui, thư thái, nhẹ nhàng, tự hào, tự mãn, buồn, giận,hờn, tức tưởi, căm ghét…muôn màu muôn vẻ cảm xúc, chúng ta cần biết và nếu có thể, gọi tên chính xác cảm xúc đang có trong ta.

Khi xác định được mình đang có cảm xúc gì, vấn đề tiếp theo là hãy tập ‘lắng nghe’ cảm xúc ấy ‘nói’ gì. Tôi đã nói ở trên, cảm xúc là một phản ứng của cơ thể. Như vậy, mỗi cảm xúc có mang theo một thông điệp, hãy cố lắng nghe, bằng tâm chứ không phải bằng tai, thông tin mà cảm xúc đó mang lại. Phải dám nhìn thẳng vào cảm xúc đó, dù nó có tiêu cực thế nào đi nữa thì mới có thể nâng cao được trí tuệ cảm xúc. Nếu che chắn và tránh né, mình không dám đối diện với chính mình thì đừng hy vọng mình khá hơn về khả năng nhận diện và điều khiển cảm xúc của mình. Hãy tập chấp nhận để tiến bộ hơn. Hãy xác định cảm xúc trong mối liên hệ nhân quả. Ví dụ khi mình đang bực, mình hiểu rằng “tôi bực mình quá đi thôi”. Chỉ dừng lại ở đây để rồi phản ứng là trút giận lên cô A thì hậu quả có thể tệ hại. Nói như vậy là chưa xác định được cảm xúc của mình trong mối quan hệ nhân quả. “Cô A làm cho tôi tức quá” cũng chưa thật sự đúng. Nói một cách chính xác về cảm xúc, ta có thể diễn đạt “tôi CẢM THẤY tức giận vì cô A không thực hiện điều đã hứa với tôi.” Cần phản ứng như thế nào đây để người xung quanh không nghĩ rằng, vì mình quá tự tôn cái bản ngã nên khi bị thất hứa, cảm thấy không được tôn trọng và mình không đáng để bị như vậy. Để mình được hiểu đúng và cần giữ hình ảnh mình trong mắt người khác, chúng ta cần có quyết định sáng suốt và hợp lý sau khi nhận thông tin từ cảm xúc của chính mình.
Nếu thực hiện một hành động theo phản xạ bản năng thì lắm khi phải hối hận vì sự bốc đồng và hành động thiếu ý thức của mình. Do đó, nếu một người biết cách ‘lọc’ cảm xúc của mình qua quá trình vừa trình bày trước khi đi đến hành động, người đó đang luyện tập trí tuệ cảm xúc. Nếu một cảm xúc khởi lên và chúng ta đã hành động rồi gặt hái hậu quả không như ý. Chỉ ngồi đó ân hận cũng không giúp được gì. Cách tốt nhất là bình tâm phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để rút kinh nghiệm và học hỏi từ cảm xúc của chính mình.

Việc thấu hiểu những điều bản thân cảm thấy và lý do tại sao cũng như ý thức được khuynh hướng hành động sẽ giúp chúng ta dần trở nên nhạy cảm với những tình cảm và mong muốn của bản thân. Trên cơ sở này, chúng ta có hành động hợp lý với đối tượng, phù hợp với hoàn cảnh và chinh phục được những người cộng sự với mình kiểu ‘tâm phục khẩu phục’.Một điều cần nhớ là cần tôn trọng cảm xúc của mình và đừng bao giờ can thiệp vào việc kềm chế chúng. Triệt tiêu cảm xúc, ví dụ như tức giận, là một điều không đúng và kềm chế cảm xúc với mục đích triệt tiêu cảm xúc lại càng sai lầm nhiều hơn. Tức giận là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất và khi bộc phát thành hành động, nó có thể gây ra những hậu quả khiến chúng ta phải ân hận về sau. Hãy tôn trọng cảm xúc giận dữ của mình, nhưng đừng đồng hóa mình với cảm xúc giận dữ ấy. Hãy đủ tỉnh táo để quyết định mình nên phản ứng thế nào với cảm xúc đó.Và cách tốt nhất để làm những cảm xúc không mong muốn ra đi là hãy chấp nhận nó và giúp giải tỏa nó theo những cách tích cực nhất mà mình có thể.
Mỗi người có mỗi cách riêng để ôm ấp và sống với cảm xúc của mình. Có người ngồi một mình ở một nơi vắng vẻ, có người đi dạo hoặc trao đổi với một người thân tín về cảm xúc mình đang có/đang chịu đựng. Đối với một người, ở các thời điểm khác nhau và tùy thuộc vào tính chất vấn đề khác nhau, người ấy cũng có thể có nhiều cách khác nhau để sống với cảm xúc của mình.
Bằng bất kỳ hình thức nào, việc mình cần làm là tập trung nhìn kỹ, nhìn sâu vào cảm xúc, phân tích nó trong các mối liên quan nhân quả và từ đó, chọn cho mình một phương án hành động phù hợp nhất. Câu “không có vấn đề gì đâu”, “Tôi không buồn đâu” không bao giờ giúp chúng ta hết buồn và có hướng giải quyết tốt. Thực ra các cảm xúc là một hệ thống thông tin rất quan trọng và cần thiết cho chúng ta. Cảm xúc là những phản hồi về những lựa chọn và hành động của ta. Khả năng giúp chúng ta nhận thức được cảm xúc, định hướng hành động phù hợp với hoàn cảnh, môi trường giao tiếp và giúp ta điều chỉnh cuộc sống của mình là trí tuệ cảm xúc. Nói cách khác, giữa trái tim và khối óc có một mối liên hệ, biểu hiện của nó chính là trí tuệ xúc cảm EQ. EQ không ổn định như IQ mà nó thay đổi tùy thuộc vào con đường tự học, kinh nghiệm sống tích lũy được, trí tuệ và tài năng phát triển theo dòng thời gian. Mỗi người đều có thể tập cho mình những phẩm chất ấy. Những nỗ lực và dụng công có phương pháp sẽ là những viên đá lót đường đưa ta đến thành công hơn trong cuộc sống.

Sunday, October 12, 2008

PHÉP THỬ!

Hôm nay cuối tuần, viết lên đây câu chuyện vui thư giãn vậy.

Có một cô nàng nọ, cứ băn khoăn không biết chồng mình có thương yêu mình nhiều không. Ở nhà thì thấy anh ấy cũng quan tâm lắm, nhưng ai biết được, ‘cánh đàn ông ấy mà’, đi ra là nhìn liếc các bóng hồng, có nhớ vợ ở nhà đâu.

Một hôm, cô ả nghĩ ra một phép thử. Sau khi anh chồng ra khỏi nhà đi làm, cô ả bày hiện trường như thể có người xấu đột nhập vào nhà, cướp của và giết người. Sau khi lên kịch bản và dàn dựng hiện trường, cô nàng gọi điện cho chồng với giọng kinh hoàng: “anh yêu, về ngay đi! tính mạng của em đang bị đe dọa. Có kẻ lạ mặt đột nhập vào nhà mình. Nó bới tung mọi thứ trong nhà. Em sợ quá, nó đang bắt em mở cửa phòng nè. Anh về liền đi, kẻo không kịp, em sợ quá!...” Anh chồng đáp "anh về ngay thôi!"

Thế là anh chồng hoảng quá, phóng xe về nhà liền. Vừa tung cửa chạy vào, thấy nhà cửa lộn xộn, mọi thứ rối tung lên. Không thấy người lạ nào trong nhà cả. Anh mở cửa phòng ngủ, chỉ có cô vợ nằm bất động trên giường, mặt tái nhợt nhạt.

Anh bước lại gần, thấy cô vợ nằm im bất động, bên cạnh có dấu máu loang lổ. Anh vội vàng la lên “gọi công an! gọi công an, 113”. Miệng anh nói, tay anh bấm máy điện thoại di động 'tít tít'. Thế là cô vợ tung mền ra, khóc la tru tréo “đó, thấy chưa, anh đâu có thương em. Nếu thương yêu em, anh đã lo ôm xác em mà khóc mới phải, đằng này…”

Máy điện thoại chưa kịp kết nối với 113. Anh chồng tắt máy, chưng hửng. Nét thất vọng về nhau hiện rõ trên khuôn mặt cả hai người…

Đố các bạn biết, sau đó, chuyện gì sẽ xảy ra với hai người này???!!!
Cùng nhau nhìn về một hướng, quả không dễ, phải không nào?!

Saturday, October 11, 2008

BA CÁI BÁNH ÍT

Câu chuyện này tôi đã nghe nhiều người kể và nghe nhiều lần rồi. Ấy thế mà vẫn thấy hay và chí lý. Đơn giản, nó phản ánh cái phản ứng tâm lý thường tình ở con người khi 'xúc sự'. Hôm nay, tôi lại thích thuật lại câu chuyện này...
Xưa có một lão thầy pháp đi hành nghề, dắt theo một chú đệ tử nhỏ.
Trong lúc cầu đảo cho gia chủ, lão lén lấy được ba cái bánh ít và dúi cho thằng đệ tử đang đứng quạt hầu sau lưng.
Ðám xong, hai thầy trò ra về. Trên đường về lão thầy pháp bảo đệ tử lấy bánh ít ra ăn lót dạ. Thằng bé ấp úng nói:
- Khi ấy con tưởng thầy cho con nên con ăn hết cả rồi…
Hai thầy trò đành tiếp tục đi, thầy trước trò sau. Ðược một quãng, ông thầy quay lại mắng đệ tử:
- Bộ tao là tù nhân sao mà mày đi tò tò phía sau như công an áp giải tội phạm vậy?
Trò nghe quở, lật đật chạy đi trước. Ông thầy lại nạt nộ:
- Bộ mày là thầy tao sao mà dám đi trước tao?
Chú bé liền đi ngang hàng với ông thầy, bấy giờ ông thầy liền trợn mắt quát:
- Bộ mày là bạn bè tao sao mà dám đi ngang hàng với tao?
Chú học trò khổ sở, lúng túng, đành vòng tay thưa:
- Thưa thầy, vậy con phải đi cách nào cho đúng lễ đây?
Ðến lúc này, ông thầy pháp mới chịu nói…huỵch tẹt ý mình với thằng đệ tử ngây ngô:
- Mày muốn đi kiểu nào cũng được… miễn sao…miễn sao… có ba cái bánh ít trả lại tao thì đúng lễ ngay. (theo 'cặn bã ký ức')

Thật là khổ! Chính vì muốn người khác hiểu và đáp ứng những nhu cầu của mình mà loài người phải có thật nhiều từ ngữ để nói một cách dài dòng, quanh co như lão thầy pháp trên đây vậy. Đi đường vòng rồi mà không đạt được mục đích thì hoặc làm thinh chịu đựng hoặc nói huỵch tẹt ra cho rồi. Sự thật, đôi khi khó nói biết là bao, nhất là cái sự thật ấy được chủ nhân nó ý thức được không có gì là tốt đẹp cả. Kiếm cớ để bao biện cho cái vụng về và chưa được tốt của mình là một thói quen cần phải ý thức nhiều chúng ta mới nhận ra và cần cố gắng lắm thì mới có thể kềm chế và chuyển hóa.

Thursday, October 9, 2008

LỄ HỘI VIJAYADASHAMI


Vijayadashami còn gọi là Dussehra, Dashehra, Dashain, là lễ hội của người theo đạo Hindu và đạo Jain ở nhiều nơi, nhất là trên đất nước Nepal và Ấn Độ cũng như người theo các tôn giáo này ở nước ngoài. Lễ này được tổ chức vào ngày thứ mười trong mùa lễ 10 ngày 9 đêm của tháng Ashvin theo lịch Hindu (thường là tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch). Theo Sanskrit, “Vijay” nghĩa là “chiến thắng” và “Dashami” là ngày thứ 10. Người ta tổ chức lễ này để kỷ niệm ngày thần Rama (hiện thân thứ 7 của thần Vishnu) giết chết thần quỷ 10 đầu Ravana để xiển dương cái thiện chiến thắng cái xấu ác trong cuộc sống. Trong dịp lễ này, người ta cầu nguyện, tụng kinh, thực hành các nghi lễ tôn giáo và đốt hình nộm của thần quỷ Ravana với ý nghĩa tiêu diệt cái ác.

Thần Ravana 10 đầu

Người ta tổ chức lễ hội này rất trang trọng với một niềm tin tâm linh là mở đầu một vận may, một dịp ‘làm mới’ trong năm. Ở Nam Ấn, Đông Ấn và Tây Ấn, lễ hội Vijayadashami là lễ hội cao điểm nhất trong chuỗi ngày lễ hội 10 ngày 9 đêm Navaratri. Chữ Navaratri theo Sanskrit nghĩa là chín đêm (nava nghĩa là 9 và ratri nghĩa là đêm). Trong suốt 10 ngày 9 đêm này, chín hóa thân khác nhau của thần nữ Shakti (còn gọi là Devi) được thờ kính và cầu nguyện. Chuỗi lễ dài ngày này khép lại với lễ hội Vijayadashami, năm 2008 này nhằm vào ngày 9 tháng 10.
Theo truyền thuyết, thần nữ Durga, còn có tên là Chamundeshwari hay Mahishasura Mardini, đã đánh thắng quỷ Mahishasura. Người ta cho rằng sự kiện này diễn ra ở một vùng đất gần Karnataka, thuộc Mysore.


Thần nữ Durga 10 tay

Ở một số nơi thuộc Bắc Ấn, người dân tổ chức lễ hội vào ngày này với cùng ý nghĩa nhưng kỷ niệm một sự kiện khác. Đó là kỷ niệm thần Rama (hiện thân của thần Vishnu), thống lãnh thành cổ Ayodhya (nay thuộc bang Uttar Pradesh), chiến thắng quỷ Ravana, trị vì đảo Lanka.

Truyền thuyết về cây Sami

Lễ hội này cũng có một chút liên quan đến sử thiên Mahābhārata, đặc biệt là sự kiện anh em Pandavas
bị lưu đày vào rừng trong một năm. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, những người này đã tìm đến một nơi cất giấu vũ khí là cây sami, nằm gần chỗ ở của chư thần. Đến cuối năm, họ đến chỗ cây sami thì thấy vũ khí vẫn còn nguyên.


Cây sami
Thế là họ thờ kính cả thần nữ Durga, người đã hộ trì sức mạnh cho họ chiến thắng và cây sami, nơi chở che vũ khí cho họ. Trong khi đó, Kauravas đã xâm chiếm vùng đất kia. Thế là anh em nhà Pandavas đem quân sang đánh và họ giành được chiến thắng ngay trong ngày đó. Ý nghĩa trong sự chiến thắng của các anh em Pandavas đã ảnh hưởng đến con người trong cuộc sống. Họ trao nhau lá sami như là lười chúc mừng chiến thắng và nỗ lực trước khi làm một việc nào đó.


Tổ chức lễ hội

Người ta thường tụ tập ca múa, hát mừng tại nhiều tụ điểm. Các đền thờ lúc nào cũng tấp nập người vào ra cầu nguyện và làm lễ. Người ta luân phiên tụng kinh suốt ngày, bắc loa phóng thanh thật lớn trong những ngày lễ hội này. Đêm đến, pháo nổ đì đoạch liên tục. Nhiều nơi bắn pháo hoa tạo nên những luồng sáng phá tan bóng tối mờ bạc ban đêm trông thật đẹp. Người ta làm hình nộm của Ravana rồi đốt với ý nghĩa là giết chết xấu ác để cho ánh sáng của thiện lành sẽ chiến thắng bóng đêm xấu ác và tội lỗi.

Đốt hình nộm quỷ Ravana


Trong ngày lễ này, người ta còn tổ chức rước hình tượng thần Durga để tỏ lòng kính ngưỡng đến vị nữ thần này. Hình tượng thần nữ Durga oai lẫm cưỡi sư tử, có 10 tay và cầm vũ khí để chống cự quyết liệt với quỷ ác Mahishasur. Suốt 9 ngày đêm chiến đấu ròng rã, đến ngày thứ 10 thì thần nữ đánh bại và giết chết quỷ Mahishasur. Trong ngày lễ hội này, khí giới và các đồ kim loại cũng được thờ cúng.
Thần nữ Durga cưỡi sư tử giao chiến với quỷ Mahishasur
Ngày đầu tiên trong lễ hội kéo dài 9 đêm 10 ngày này, người ta gieo mấy hạt lúa mạch trong một cái chén nhỏ và dặt trên bàn thờ thần cầu nguyện suốt 9 ngày đêm. Đến ngày thứ 10 là lễ Vijayadashami, nếu tất cả các hạt lúa mạch này nảy mầm tốt, người ta tin rằng đây là điềm báo tốt lành, hanh thông cho những gì sắp xảy ra trong tương lai. Họ đem những mầm lúa mạch này trân trọng đặt lên trên đầu hoặc giắt lên vành tai với niềm tin chúng đem lại điều tốt lành cho bản thân họ.
Ý nghĩa của lễ hội này rất hay khi con người có dịp để nhắc mình hãy ủng hộ cho cái thiện và loại trừ cái ác. Do vậy, lễ hội này trở thành một nét văn hóa hơn là lễ hội mang tính tôn giáo. Ở đây, những người không theo đạo Hindu và đạo Jain vẫn tổ chức lễ hội này vì trên cuộc đời này, người lương thiện nào lại không vui mừng và ủng hộ cái thiện lành trong cuộc sống.

Monday, October 6, 2008

ĐỘNG CƠ

Trong các giáo trình tâm lý học đại cương, phần ‘động cơ’ thường được xếp chung một chương với ‘cảm xúc’. Tôi vừa có entry về ‘cảm xúc’ (trí tuệ cảm xúc) thì nay lại có duyên viết vài dòng về ‘động cơ’.


Sáng nay, tôi có dùng từ ‘động cơ’ khi tôi nói tôi hiểu được động cơ và việc làm của một người (còn khá trẻ) đối với tôi. Trời đất ạh, thế mà cô bé đó hiểu là tôi nói cô bé có ‘ý đồ đen tối’ hay còn gọi là ‘mưu đồ’. Thế là trời đất quay cuồng vì CẢM THẤY cái ngã bị tổn thương. Tôi được…một bài học thấm thía! Cô bé ấy (nhỏ hơn tôi 20 tuổi) bắt đầu gọi tôi là BẠN và xưng là TÔI và đang…lên lớp giảng bài! Đại loại như thế này “tôi đến với bạn tôi LỢI DỤNG gì mà nói là động cơ”… bla bla...nhiều lắm, nhiều lắm lắm! Thế là tôi đành…bỏ của chạy lấy người.


Tôi không hiểu học sinh thời nay được học hành thế nào mà khi bước ra khỏi chiếc ghế phổ thông trung học mà các khái niệm căn bản cũng chưa nắm vững. Tôi có nhắc em về tra lại tự điển tiếng Việt thì em chủ quan và tự hào nói rằng, đã hiểu rất rõ nghĩa từ này. Thôi thì…cười (mà cười méo) huề!


Em mới hơn 18 tuổi mà, quá thừa nhiệt huyết, niềm tin vào bản thân và đầy sức sống, chỉ thiếu kinh nghiệm, để khẳng định mình và những hiểu biết mình có được. Một câu nhắc nhở chí lý của người đi trước, tôi đã từng nói với em, bây giờ tôi nhắn nhủ lại là “năm 20 tuổi, con thông minh hơn cha; năm con 30 tuổi, con thông minh bằng cha và năm 40 tuổi, con phải chấp nhận sự thông minh của cha”. Rồi đây, cuộc đời sẽ dạy cho em hiểu được thêm nhiều điều và tâm tánh sẽ thuần hơn. Chắc khi ấy, nếu tôi dùng từ này, em cũng không đến nỗi nổi xung thiên mà gọi tôi bằng BẠN và xưng bằng TÔI và dùng những lời lẽ khó nghe mà người ta gọi là 'xúc phạm' đâu. Tôi đợi đến năm em 30 rồi 40 tuổi, không phải vì để được em công nhận tôi thông minh bằng em hay hơn em, nhưng để thấy em trưởng thành hơn và biết nhìn xa trông rộng hơn thôi.


Em hạ hỏa chưa? Lòng tự ái của em tạm lắng chưa vậy? khi nào lòng em bớt tràn và cảm xúc bị chạm tự ái vơi bớt được tí nào thì mời em vào đọc entry này nhé. Entry này tôi riêng viết tặng em đây. Tôi thấy tôi cần ‘giải hoặc’ cho em về sự hiểu lầm khái niệm này.


Em à, hầu hết các tự điển Tiếng Việt đinh nghĩa động cơ (nghĩa thứ 2) là “những gì thôi thúc con người có những ứng xử nhất định một cách vô thức hay hữu ý và thường gắn liền với những nhu cầu”. Còn hành động là “làm việc gì để đạt được mục đích, ý nguyện”. (tôi tra Wiktionary tiếng Việt, link ở đây
http://vi.wiktionary.org/wiki/Trang_Ch%C3%ADnh). Như vậy, khi tôi nói tôi hiểu động cơ và việc làm của em, nghĩa là tôi hiểu và lý giải được việc em làm, hiểu được vì sao em lại làm như vậy. Nói gọn là tôi tin tôi hiểu em (trong việc cụ thể nào đó) và dòng chảy tâm lý để thúc đẩy em hành động như vậy. Việc này là tốt, vì có hiểu nhau mới cảm thông nhau, tại sao em đùng đùng lên như vậy?

Thật ra, ý tưởng nghiên cứu động cơ hoạt động của con người đã tồn tại rất lâu trong lịch sử tâm lý học. Bằng các cách tiếp cận và nghiên cứu khác nhau, các nhà tâm lý học đã tìm cách lý giải tại sao con người có thể thực hiện được hành vi nào đó, tại sao hoạt động của anh ta có thể kéo dài trong một thời gian nhất định hoặc ngưng lại đúng lúc. Động lực thúc đẩy hoạt động của con người là vô thức hay ý thức? Tại sao con người không phải lúc nào cũng ý thức về động cơ của mình?...


Một hoạt động của con người có thể do nhiều động cơ khác nhau đồng thời tác động, trong đó có những động cơ chủ đạo và những động cơ thứ yếu.Những động cơ này nằm trong những mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong một hoàn cảnh hoạt động cụ thể tạo thành một hệ thống gọi là hệ thống động cơ. Hệ thống động cơ này tương tác hỗ tương, đôi khi mâu thuẫn nhau và cuối cùng, động cơ nào chiếm ưu thế sẽ thúc đẩy hành động diễn ra theo hướng đó để thỏa mãn mục đích của hành động. Em nhớ nha, mục đích của hành động, chứ đừng vội nghĩ xiên nghĩ quàng, TÔI được gì ở BẠN mà gọi là mục đích… (lại nghĩ đến lợi dụng, trục lợi thì lại không đúng rồi). Tôi muốn em có cách tiếp cận khách quan và khoa học hơn em ạ. Thuần túy cảm tính chỉ dừng lại ở chỗ cho phép em phản ứng theo bản năng thôi, vậy thì uổng lắm!


Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, động cơ là tác ý, là ý nghiệp. Điều này quan trọng lắm trong quá trình phát triển nhân cách, các mỗi quan hệ xã hội và sự thành công hay thất bại trong cuộc sống của mình đó em ạ. Em còn nhớ câu kệ Pháp cú đầu tiên xác định tầm quan trọng của tâm ý không? (Tâm) ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác… Ý là động cơ đó thôi. Không những trong Phật giáo mà bình thường, pháp luật thế gian cũng đặt trọng tâm vào động cơ của hành động bên cạnh hậu quả của hành động. Một người phạm tội giết người với động cơ cố ý (cố sát) sẽ bị kết án nặng hơn là giết người vì vô ý (ngộ sát).

Một ví dụ nữa, nhà hàng xóm bị cháy vì đứa con vô ý đốt giấy làm lửa bén vào đồ gỗ gần đó. Đứa bé hàng xóm nghe kêu la “lấy nước dập! lấy nước dập!” Em vội vàng vớ lấy lon sữa bò, múc một lon nước, lật đật chạy sang. Gần đến nơi, em vấp té, thế là lon nước đổ hết. Đến nơi, thấy người cha tức giận đứa con gây nên hỏa hoạn, ông bưng gàu nước, tức quá, ông tạt vào người con, may sao đứa con tránh được và nước trong gàu văng vào đám cháy, góp phần làm tắt ngọn lửa…

Tuy đứa bé kia không góp phần làm tắt ngọn lửa cháy nhà hàng xóm em ạ, nhưng so với hành động của người chủ nhà (người cha) thì động cơ ấy quý gấp nhiều lần. Em biết sao mà quý không? Em bé ấy có động cơ tốt, động cơ ấy sẽ nuôi dưỡng tâm niệm lành và thúc đẩy hành động tốt. Trong tương lai, chắc chắn em làm được nhiều việc giúp người và có ích cho xã hội. Người hàng xóm kia, tuy có góp phần làm cho đám cháy tắt đi, nhưng động cơ là tạt nước vào đứa con gây cháy như là một trừng phạt cho việc bất cẩn chứ không phải để dập lửa, có đúng không?


Tôi nói hơi nhiều một chút vì tôi thấy em hiểu quá sai khái niệm căn bản của từ ‘động cơ’ và thế là em trút mọi giận dữ lên tôi như một cách để chứng tỏ sự trong sạch của em khi em hiểu rằng ‘động cơ’ đồng nghĩa với ‘mưu đồ’. Em huy động toàn bộ những từ có nghĩa xấu xa nhất trong kho tàng từ vựng em có được để dành cho tôi. Nếu em còn gọi được tôi là BẠN, xưng TÔI (dù em nhỏ hơn tôi nhiều mà) thì cũng không nên dùng từ ngữ nặng nề đến vậy em ạ. Tôi nói với em, tôi hiểu động cơ và hành động của em, để nhắn với em một điều rằng, tôi hiểu em! Tôi không ngờ em phản ứng bằng cách dựng lên một con người rơm rồi tự quật ngã xuống như vậy.

Tôi không buồn em vì em còn quá nhỏ mà! Gọi là ‘quá nhỏ’ vì khái niệm căn bản của một từ đơn giản như thế em vẫn hiểu sai và phản ứng theo kiểu tự vệ “xù lông nhím” đó mà. Tôi mong được nhìn thấy em trưởng thành hơn. Đúng ra, 18 tuổi, đủ tuổi để chịu trách nhiệm xã hội rồi, đâu còn nhỏ hở em? Mà tôi nhớ, lâu lắm rồi, em đã khẳng định với tôi, em đã là người lớn cơ mà!

Tôi đã từng thương yêu em và có thể bỏ ra hàng giờ mỗi tuần để lắng nghe, trao đổi, nhắc nhở, chia sẻ với em những gì có thể. Tôi từng thay em viết lên cảm xúc của mình và chính em cảm động về bài viết ấy. Tôi đã từng nuôi lớn niềm tin về em rằng một ngày nào đó, em sẽ hiện thực hóa những dự định, mơ ước của mình. Tôi đã từng hiểu và thông cảm cho những sai lầm của em, nhưng em đã phụ lòng tin và tấm lòng tôi đã dành cho em, đúng không em? Em cần được thương yêu và hướng dẫn, nhưng có lẽ điều này nhờ vào những người nào có duyên với em thôi. Còn tôi, chắc tôi không tiếp tục như cách lâu nay tôi dành cho em, đơn giản vì nó không có tác dụng. Chuyện gì không có hiệu quả, tôi sẽ không phí thời gian và tâm lực tiếp tục làm đâu. Em từng có khoảng thời gian khá dài chung sống với tôi, (dù khi ấy em còn nhỏ lắm), và thời gian sau này, mình trao đổi qua mạng nhiều, chắc em cũng hiểu tính tôi, đã nói là làm và đã làm thì làm 'đến nơi đến chốn'. Entry này thay lời tạm biệt đến em.

Tôi không tiếp tục mối quan hệ với em, có nghĩa là tôi đã chịu thua. Trong giáo dục, như thế là thất bại. Tôi đành chịu vậy! Môi trường em sống, những mỗi quan hệ xã hội quanh em và những người trách nhiệm về em có tác động quá lớn và nếu cần thiết phải có một sự thay đổi nào đó, khả năng tôi không đủ để làm việc này. Tôi buông tay...


Chào em, chúc em gặp được nhiều thiện tri thức trong cuộc sống và nhanh trưởng thành hơn!

MÈO NGAO


Sáng nay, Mèo Ngao vui lắm...

Mèo Ngao đang khám phá, 'ngâm cứu' và biết ra nhiều điều mới lạ, ít ra là mới lạ với Mèo Ngao...

Mèo Ngao là vậy đó! có nhiều điều Mèo Ngao biết mà thiên hạ mù tịt, nhiều điều Mèo Ngao ngỡ là sẽ được cấp bằng 'sáng chế' thì thiên hạ sắp...giải nghệ rùi!!!

he he he!!! Mèo Ngao đang thám hiểm và khám phá (vừa 'khám' vừa 'phá')! Để coi, cái laptop này có chịu đời nổi với Mèo Ngao không đây?! Nếu hôm sau, thấy Mèo Ngao xuất hiện bên một laptop khác thì biết chuyện gì đã xảy ra rồi đó!

Bà con đợi xem sao hén!!!

Sunday, October 5, 2008

TRÍ TUỆ CẢM XÚC (2)

Người kém trí tuệ cảm xúc dễ mất thăng bằng trong cuộc sống


Cuộc sống vốn phức tạp và thăng trầm với biên độ lớn nhỏ khác nhau không theo một quy luật nào cả. Sự khắc nghiệt của cuộc sống làm cho con người mệt mỏi khi bị sóng gió cuộc đời va đập dạt xô. Thường trong va chạm, lăn lộn ở trường đời, con người ta mất thăng bằng trong cảm xúc nặng nhẹ khác nhau với nhiều lý do, ví dụ do tai họa bất ngờ, áp lực công việc, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không được êm ấm, đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân. Người có trí tuệ cảm xúc tốt sẽ biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình hiệu quả hơn trong những lúc bị tác động tâm lý sang chấn. Đối với người có trí tuệ cảm xúc hạn chế, một khi mất cân bằng trong cảm xúc, họ thường bị sa ngã, hư hỏng vì ý chí và nghị lực lúc này kém hẳn so với lúc bình thường. Nếu quá mất thăng bằng về cảm xúc, con người thường chệch choạng trong định hướng cuộc sống. Họ có ảo tưởng sẽ tìm sự lãng quên, khuây khỏa trong bạn bè, cờ bạc, rượu chè và chơi bời trác táng. Họ lao vào nướng tiền trong các trò chơi vô bổ tổn hại đến sức khỏe và tinh thần như những con thiêu thân. Có người quá bế tắc đến mức tự hủy hoại mạng sống của mình. Lúc ấy, họ không đủ tỉnh táo để thấy được đúng-sai trong việc mình làm và hậu quả của những việc làm đó. Họ có ảo giác sẽ quên hết mọi chuyện và các rắc rối tự động được giải quyết không cần một nỗ lực nào sau một hay nhiều lần vào ‘mê hồn trận’. Những người như vậy, dù có thành đạt trong kinh doanh hay lãnh vực chuyên môn của mình, họ cũng chưa phải là người thành công một cách toàn diện và bền vững trong cuộc sống vì chính họ cũng không nhận diện được cảm xúc và không làm chủ được tâm ý của mình. Sự thành công trong sự nghiệp sẽ khó tồn tại với người có trí tuệ cảm xúc không ổn định.

Ý thức cảm xúc chính mình


Trí tuệ cảm xúc có thể rèn luyện và phát triển tùy thuộc vào ý thức và nỗ lực từng người. Khả năng phát triển trí tuệ cảm xúc trước hết phụ thuộc vào mức độ ý thức về cảm xúc của mình. Muốn làm chủ cảm xúc thì chúng ta phải có khả năng ‘đọc’ cảm xúc của mình vốn thay đổi rất nhanh nhạy. Những cảm xúc thay đổi liên tục ấy mang theo những thông điệp cho cơ thể mình, thông báo một cảm xúc với những gì đang diễn ra trong hiện tại, cảm xúc khi hồi tưởng về quá khứ thường là nuối tiếc hay cảm xúc khi nghĩ hướng đến tương lai thường là bất an thì lo lắng không biết nó xảy ra như thế nào. Tất cả những cảm xúc vui, buồn, khó chịu, dễ chịu, thoải mái, bồn chồn...chúng ta nên ghi nhận. Đơn thuần chỉ ghi nhận chứ đừng phản ứng lại gì cả. Cứ theo dõi, mình đang có cảm xúc gì và cảm xúc này muốn nói với mình điều gì, chúng ta ắt sẽ tìm thấy ngay câu trả lời xuất hiện trong đầu mình.
Tập cho mình có thói quen ghi nhận cảm xúc của mình, khả năng tập trung, ý thức được dòng chảy của cảm xúc cũng như những thay đổi trong dòng chảy này, chúng ta sẽ nắm quyền kiểm soát và làm chủ được cảm xúc. Đây là một quá trình cần thực tập liên tục, kiên trì và kết quả sẻ đến tự nhiên. Không nên và không thể can thiệp thô bạo vào dòng cảm xúc như ‘bắt’ nó dừng lại không được tiếc nuối với những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay mơ tưởng ở tương lai. Hãy ghi nhận, chỉ thuần túy ghi nhận và ý thức thật rõ về diện mạo và những dấu hiệu mà các cảm xúc này mang đến cho cơ thể. Trong Phật giáo có một phương pháp thực tập nhằm luyện cho mình kỹ năng và nghệ thuật nhận diện cảm xúc một cách tinh nhạy gọi là thiền định.

Vài phương pháp luyện tập trí tuệ cảm xúc

Thư giãn và hít thở:Chúng ta có thể đơn giản hóa phương pháp thực tập thiền định của Phật giáo thành một vài động tác tập thể dục nhẹ, ngắn gọn để có thể nâng cao kỹ năng ý thức cảm xúc một cách thường xuyên xen kẽ với công việc thường ngày bận rộn của mình. Những lúc ngồi thư giãn, thay vì tán dóc, hóng chuyện, bồi hồi nhớ về và nuối tiếc quá khứ, viển vông với tương lai xa vời, chúng ta có thể tập thể dục như sau. Ngồi thẳng lưng, giữ thân ở tư thế thoải mái, không gồng mình, chú tâm vào hơi thở ra, hơi thở vào. Hãy theo dõi tư tưởng và cảm xúc của mình trong tư thế thư giãn này. Không đánh giá nhận xét, chỉ cần làm một việc đơn giản là ghi nhận cảm xúc. Đây là một trong những cách làm cho trí tuệ cảm xúc ngày càng phát triển.

Hơi thở là cái thiết thân với mỗi con người và liên quan chặt chẽ với cảm xúc. Khi cảm xúc thay đổi, hơi thở cũng thay đổi theo và khi có thể duy trì hơi thở đều đặn, cảm xúc cũng được ổn định theo. Điều này chúng ta có thể nhận biết qua kinh nghiệm cá nhân. Khi lo lắng bồn chồn, hơi thở trở nên cạn và gấp gáp. Do đó, luyện tập hằng ngày trong những lúc rảnh rỗi, dăm ba phút đứng chờ đèn đỏ, vài phút giải lao tại văn phòng, chúng ta nên luyện tập bài tập đem thân và cảm xúc về với hơi thở.

Viết nhật ký cảm xúc


Chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp viết nhật ký cảm xúc. Việc này nên làm thường xuyên và duy trì thành nếp quen trong cuộc sống, nó sẽ trở thành công cụ giúp mình ý thức và làm chủ cảm xúc mình tốt hơn. Có thể viết hai lần trong một ngày. Mỗi sáng, khi vừa thức dậy, chúng ta có cảm xúc thế nào, hãy ghi nhận và dành đôi ba phút để viết ra những cảm xúc ấy vào nhật ký riêng. Tối đến, một lần nữa, mình ghi nhận cảm xúc mình đang có vào nhật ký. Ngay khi có diễn biến tâm lý đột ngột, hít thở sâu và chậm vài hơi thở, nếu có thể, nên đặt bút viết vài dòng về cảm xúc của mình lúc đó. Đây là cách ‘an toàn’ nhất để tự bảo vệ mình hơn là lao vào các thú vui vô bổ để rồi đem lại nỗi khổ niềm đau cho chính bản thân mình và những người thân. Đặt bút viết, chúng ta dễ dàng nhận ra sự sai lệch trong hành động của mình do sự mất thăng bằng cảm xúc gây ra. Trong sự buồn nản và thất vọng, nếu một người có ý định đi uống rượu thì hãy đặt bút viết “buồn chán quá, tôi đi uống rượu đây”. Khi viết ra như vậy, tôi tin rằng, rất nhiều người kịp nhận ra rằng đây là một quyết định thiếu sáng suốt và kịp dừng lại hành động ‘uống rượu’ này. Một khi viết ra, cảm xúc của mình được tái hiện rõ ràng hơn và mình có cơ hội điều chỉnh tốt hơn. Vả lại, thời gian để ý tưởng xuất hiện ra trên trang giấy có tác dụng như một cái thắng làm hãm tốc độ của ý tưởng đang vận hành và điều khiển hành động lao về phía trước. Những cảm xúc tiêu cực và bốc đồng có thể được dừng lại đúng lúc và con người chỉ chao đảo tạm thời trong phút chốc rồi sẽ lấy lại được trạng thái cân bằng. Đây là một cách hiệu quả để phát triển trí tuệ cảm xúc.

Điều quan trọng để phát triển trí tuệ cảm xúc là mình phải thành thật chịu trách nhiệm về những ý tưởng và cảm xúc của mình. Lắm khi chúng ta đẩy trách nhiệm ấy sang người khác qua cách phản ứng của mình. Không dám nhìn nhận và thiếu trách nhiệm trong những trường hợp này là cản lực lớn nhất cho quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc. Đôi khi nó còn phản tác dụng nữa. Ví dụ khi ta nổi giận, ta cho rằng ‘ai đó’ làm mình giận và mình có quyền giận. “Chị A làm tôi buồn”, “anh B làm tôi tức”, “ông C không đáp ứng nhu cầu của tôi”… thường xuyên xuất hiện trong đầu mình. Thế là bao nhiêu cảm xúc bực bội, khó chịu và tức tối mình sẵn sàng đổ lên đầu người đó, thậm chí đổ trên đầu bao nhiêu người vô tội khác theo quy luật tâm lý 'chuyển đối tượng' theo kiểu 'giận cá chém thớt'. Bao nhiêu mối quan hệ bị bào mòn và rạn nứt vì sự phản ứng của mình, những phản ứng mà mình thấy là có lý mà người khách quan thấy vô lý. Nếu mình biết bình tĩnh để ‘nhìn vào trong’ thay vì ‘trông ra ngoài’, chúng ta kịp thời ghi nhận cảm xúc của mình, có thời gian suy nghĩ để điều chỉnh và phản ứng hợp lý với tình huống và đối tượng, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Cách phản ứng và mức độ phản ứng của mỗi người trong cuộc sống phản ánh trí tuệ cảm xúc của người đó.


Người ta thường nói “khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống”. ‘Khôn’ là chỉ cho người có chỉ số thông minh IQ cao còn ‘biết’ là chỉ cho người có chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ cao vậy. Vẫn biết yếu tố thông minh qua chỉ số IQ rất quan trọng để xử lý vấn đề và giải quyết công việc, nhưng nó cần trí tuệ cảm xúc qua thông số EQ để có thể thành công và hạnh phúc ở đời. Bên cạnh trí thông minh, nhận biết, ý thức và điều chỉnh cảm xúc là một phần trong quá trình phát triển trí tuệ cảm xúc, hoàn thiện nhân cách và tạo nên cuộc sống thành công để có thể nhẹ nhàng bước đi giữa bao nhiêu bề bộn của đời thường.

Friday, October 3, 2008

CUỘC SỐNG VÀ NHỮNG VA ĐẬP

Hành trình của hòn sỏi…

Có một lần, lâu lắm rồi, tôi đọc được một câu chuyện đơn giản mà giàu triết lý sống, đó là câu chuyện về hòn sỏi. Tôi xin kể lại đây lời tự thuật của hòn sỏi với các chi tiết tôi còn nhớ được. Hòn sỏi kể về chuyến đi đầy cam go của mình như sau:



Tôi vốn xuất thân từ một tảng đá khổng lồ trên núi cao. Tôi nằm đó, trải qua sương gió, nắng mưa trong bao năm tháng dài đăng đẳng. Sau một thời gian, nắng, nóng, mưa và lạnh làm cho người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra thành từng mảnh nhỏ, góc cạnh lởm chởm và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi qua các dòng sông con suối rồi xuôi về biển. Do liên tục bị va đập, lăn lộn trên đường ra biển, tôi bị thương tích đầy mình. Mỗi lần bị va đập, những góc cạnh của tôi đau đớn vô cùng nhưng rồi chúng cũng bớt xù xì lởm chởm mà tròn dần trên chặng đường tôi đi. Và chính những dòng nước cuốn tôi đã xoa dịu và làm lành những vết thương của tôi. Cùng với đớn đau, tôi học được nhiều bài học quý báu và cuối cùng, tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ.”

Wednesday, October 1, 2008

NHỮNG LÁ THƯ GỬI NGƯỜI ĐÁNH BOM TỰ SÁT (HT Nhất Hạnh)

Hiện tại, HT Nhất Hạnh cùng phái đoàn Làng Mai đang có mặt tại Ấn Độ. Hòa Thượng tổ chức nhiều khóa tu và thuyết giảng nhiều đề tài. Đây là bản dịch một phần bài giảng của HT được đăng trên ‘Thời báo Ấn Độ’ hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2008.

http://timesofindia.indiatimes.com/Letters_to_a_suicide_bomber/articleshow/msid-3550104,curpg-1.cms


Nội dung sau đây trích từ pháp thoại HT Nhất Hạnh giảng về đề tài “những lá thư gửi người đánh bom tự sát” và nhiều lá thư về đề tài này của các thiền sinh được đăng tải trên “Mindfulness Bell”.

Làm thế nào để chúng ta áp dụng lời dạy này trên nền tảng tâm từ bi?
Bạn có thể viết một lá thư cho người bạn trẻ ở đất nước bạn, hay ở Iraq có ý định tự tử. Ở Pháp, có nhiều thanh nam thanh nữ tự tử mỗi ngày. Ở Anh và Mỹ cũng vậy. Đất nước nào cũng có tình trạng như vậy cả.

Là một thiền sinh, một pháp sư hay một nhà thơ, bạn hãy viết cho người bạn trẻ kia một lá thư, bạn viết theo kiểu như nhà thơ Rainer Maria Rilke đã từng viết một lá thư cho một nhà thơ trẻ hơn. Chúng ta có thể viết một lá thư cho một người khủng bố trẻ, bởi vì những ý tưởng anh ta ấp ủ ấy làm bản thân anh ta khổ đau và nhiều người khác khổ đau nữa.

Tôi hiểu rằng những người khủng bố trẻ không muốn mọi người gọi mình là ‘kẻ khủng bố’. Mấy người này thích dùng từ ‘người đánh bom tự sát’ hơn. Với tư cách là một công dân Anh, là một công dân Mỹ, bạn có thế viết một lá lá thư từ những gì bạn thực tập được, từ sự tự do của chính bản thân mình. Ở đất nước các bạn, mọi người vẫn nuôi nấng những ý tưởng về hòa bình, an toàn và chính sách chống khủng bố. Chính vì ấp ủ những ý tưởng này, chúng ta ủng hộ cho bạo động và khủng bố.Thực tập là nhận ra được những ý niệm nào đưa ta đến sợ hãi, khủng bố thì chúng ta từ bỏ những ý niệm này để hiểu và thương, đồng thời giúp người khác cũng có được hiểu và thương.
Bạn có thế bắt đầu viết thế này:
“Này người bạn thân mến, tôi biết bạn không muốn người ta gọi mình là ‘tên khủng bố’, mặc dù người ta vẫn gọi bạn là ‘khủng bố’ đấy. Bạn thích được gọi là ‘người đánh bom tự sát’. Có thể bạn nghĩ rằng bạn làm như thế là để đem lại công bằng, là vinh danh Chúa,đấng Allah. Bạn nghĩ bạn đang làm một việc đúng.

“Bạn tin rằng có nhiều người muốn phá hoại tôn giáo của bạn, đất nước bạn và cuộc sống riêng của bạn. Đó là lý do để bạn tin rằng bạn đang hành động theo một hướng đúng. Bạn trừng phạt những người xấu ác, kẻ thù của Chúa, của đấng Allah. Và bạn tin chắc rằng phần thưởng là bạn được rước về nước Chúa, về thiên đường.

“Ở đất nước tôi, cũng có nhiều người có niềm tin theo cách như vậy. Họ tin rằng họ phải đến đất nước bạn và tìm những người như bạn để giết - giết vì mục đích an toàn và hòa bình, giết như là để phục vụ Chúa.

“Tất cả chúng ta đều có quan điểm sai lầm. Trong quá khứ, tôi cũng từng có ý niệm sai lầm như thế. Và chính nhờ vào sự thực tập, tôi đã có thể chuyển hóa những quan niệm sai lầm đó. Tôi có thể hiểu được bản thân mình nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng tôi hiểu bạn và những người trong đất nước của tôi, kể cả những người đánh bom tự sát.”
Có thể có vài chục người trong chúng ta muốn viết một lá thư từ những hiểu biết của mình, từ sự tự do của bản thân. Chúng ta có thể kết hợp tất cả những lá thư này thành một lá thư chung không những dành cho các người sắp chết hôm nay, mà cho cả những người sắp chết ngày mai hay ngày mốt ở Trung Đông, nhưng cũng có thể cho những người ở ngay trong đất nước của mình. Nhiều người ấp ủ các ý tưởng và quan niệm nào đó khiến họ trở nên tuyệt vọng, giận dữ và tham lam. Họ phải chịu đựng khổ đau và tiếp tục làm cho người khác, cả cha mẹ và xã hội của họ cũng khổ đau theo.

Bất luận sống ở đâu, Anh, Mỹ, Ai Cập hay Châu Á, chúng ta đều có những quan niệm sai lầm. Chúng ta có quan niệm sai lầm về chính bản thân mình, quan niệm sai lầm về người khác, bạn bè mình và kẻ thù của mình nữa. Khổ đau do quan niệm sai lầm mà ra. Do đó, một lá thư là nỗ lực đầu tiên để thử dẹp bỏ đi các quan niệm sai lầm, không chỉ với người sắp tự tử mà còn cho những ai có duyên đọc được lá thư ấy.
Thư là một hình thức đối thoại, với mục đích giúp nhau bỏ đi những quan niệm sai lầm vốn đã ăn sâu trong suy nghĩ của mình từ lâu. Như vậy, đây là một pháp thực tập rất sâu.
Này người bạn thân mến,
Tôi nghe một người bạn nói về bạn. Cô ấy nói rằng cả chồng và con trai bạn đều đã chết. Bạn buồn khổ và thất vọng đến mức không thiết sống nữa. Bạn muốn chết và bạn muốn những người đã gây cho bạn sự đau khổ cùng cực và phá hoại gia đình bạn phải chịu đựng khổ đau như bạn đang phải chịu đựng. Do đó, bạn chỉ có một quyết định duy nhất rằng, hành động cuối cùng bạn có thể làm là trở thành một người đánh bom tự sát. Và bây giờ bạn hành động – đem theo nhiều người cùng chết với bạn. Và như thế, tất cả những khổ đau, thất vọng, tuyệt vọng và bất lực bạn đã chịu đựng đó, đã thôi thúc bạn hành động để rồi tiếp tục gieo rắc chúng ngày càng nhiều hơn cho những người còn sống.

Ồ, ước gì tôi có thể có mặt với bạn lúc chồng và đứa con trai bé bỏng của bạn mất đi. Ước gì tôi có thể cầm tay bạn, an ủi bạn và giúp bạn vượt qua nỗi đau lớn lao đó, nỗi đau ấy quá lớn và nếu đơn độc, một người khó lòng vượt qua được. Ước gì tôi có thể nói chuyện với bạn, để bạn biết rằng bạn không hề một mình, dẫu rằng khổ đau này quá lớn và chi phối bạn nhiều, bạn có thể vượt lên để sống tiếp. Khổ đau có thể được chuyển hóa – nó sẽ thay đổi. Và sân hận được phóng thích theo một hướng khác. Bằng cách này, khổ đau có thể chấm dứt thay vì gây đau khổ nhiều hơn cho người khác và cho chính mình.

Tôi cũng đã từng có những khổ đau và thất vọng như thế. Gia đình tôi – bà tôi, dì, các bác các chú, những người bà con cả thảy có thể 25 người – đã bị chết trong chiến tranh trước khi tôi chào đời. Cha tôi may mắn còn sống và ông tiếp tục sống. Thế rồi tôi ra đời. Tôi vô cùng biết ơn cha tôi vì ông đã không tự hủy hoại mạng sống của mình! Suốt đời tôi luôn nhớ da diết về nguồn cội của mình, mặc dù tôi không biết được những người thân ấy. Có một nỗi đau sâu lắng trong lòng mà tôi không biết gọi tên nó là gì nữa.
Ước gì tôi có mặt ở đó để nói với bạn rằng, chúng ta hãy cùng nhau ôm ấp nỗi khổ niềm đau này và tìm ra một con đường để tiếp tục sống. Hãy tìm ra một con đường sống để có thể thật sự chữa lành nỗi khổ niềm đau này, không chỉ cho chúng ta mà cho cả nhân loại. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu cội nguồn đích thực của khổ đau là gì.

Tôi hiểu rằng nếu tôi lớn lên và bản thân kinh qua những biến cố như bạn, tôi cũng có thể phản ứng như bạn đã làm mà thôi. Và nếu bạn có tuổi thơ giống tôi và những kinh nghiệm như tôi, bây giờ bạn vẫn có thể sống. Bạn cũng có thể nói với tôi rằng, này người bạn thân mến, con người không phải là kẻ thù của nhau. Chính sân hận và khổ đau mà mình không biết cách hóa giải mới chính là kẻ thù, nó gây nên đớn đau cho thân tâm ta nhiều nhất. Không phải một mình bạn chịu đựng khổ đau này đâu. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, con người cứ thế không ngừng chữa lành vết thương của mình bằng cách trừng phạt người khác, làm cho họ đau khổ nhiều hơn. Và như vậy, khổ đau tiếp nối khổ đau mãi đến bây giờ.

Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một người nào đó trong gia đình bạn tìm được cách khác để chữa lành đau khổ, tìm được cách để hiểu và có mặt với khổ đau để rồi chuyển hóa nỗi khổ niềm đau ấy với lòng thương yêu? Như vậy, bạn đã có một cơ hội khác trong cuộc sống. Điều gì xảy ra nếu bạn chính là một người như thế trong gia đình bạn? Và thay vì trở thành người đánh bom tự sát, sao bạn và tôi không cùng nhau tìm hiểu, học hỏi và thực tập để tìm ra con đường khác đó? Bây giờ, nếu bạn vẫn còn sống, có thể bạn có thêm con cái và bạn có thể dạy cho chúng biết cách hóa giải khổ đau để tình thương yêu có mặt. Chúng ta hãy cùng nhau trải rộng hiểu biết và thương yêu đến càng nhiều người hơn. Và có thể một ngày nào đó, hòa bình sẽ được thiết lập trên hành tinh này, trong trái tim chúng ta và khi ấy, chúng ta thật sự hạnh phúc.

Ước gì tôi có mặt với bạn lúc đó, hỡi người bạn yên mến.
Dịch từ bản tiếng Anh:
LETTERS TO A SUICIDE BOMBER

Following are excerpts of Dharma talks on "Letters to a suicide bomber" given by Zen Master Thich Nhat Hanh and letters written by practitioners and published in the Mindfulness Bell.
How can we apply these teachings on compassion?
You may like to write a letter to a young man who is about to commit suicide in your country, or in Iraq. In France, many young men and women commit suicide everyday. In the United Kingdom and in America, also. In every country.
As a practitioner, as a dharma teacher, as a poet, you can write that young man a letter, the way Rainer Maria Rilke wrote a letter to a young poet. We can write a letter to the young terrorist, because he entertains ideas that make him suffer and make others suffer. I learned that the young terrorists, they don't like to be called terrorists. They prefer the term 'suicide bombers'. You can, as a British citizen, as an American citizen, write him a letter - from your own practice, your own liberation. People in your countries still entertain ideas concerning peace, safety, and terrorism. Because we continue to entertain these ideas, we support violence and terror. The practice is to recognize the notions that have led to fear, to terror -- to remove all these notions in order for us to be understanding, to be compassionate, and to help other people to be understanding, to be compassionate at the same time. You may begin like this:
"Dear Friend,
I know you don't want to be called a terrorist, although many people are calling you a terrorist. You prefer to be called a suicide bomber. You may think that you are acting in the name of justice, in the name of God, of Allah. You think that you are doing the right thing. "You believe that there are people who want to destroy your religion, your nation, your way of life. That is why you believe that your act is an act in the good direction. You punish the evil people, the enemies of Allah, of God. And you are certain that as a reward you'll be welcomed right away to the Kingdom of God, into paradise.
"In my country there are people who believe that way, too. They believe they have to go to your country and find young people like you to kill -- to kill like that for the sake of safety and peace, to kill like that in service to God.
"We all are caught in our wrong views. In the past I have entertained wrong views like that. But I have practiced, and that is why I've been able to transform these wrong views. I'm able to understand myself better. I feel that I understand you and the people in my country, including the ones who commit suicide every day."
Maybe there are a few dozens of us who would like to write a letter from our own insight, from our own liberation. We may combine all these letters into a collective letter that could be read not only by the young people who are going to die and to make people die tomorrow and the day after tomorrow in the Middle East, but also in our own country. Many young people entertain ideas and notions that are at the foundation of their despair, their anger, their craving. They suffer and they continue to make other people suffer, including their parents and their society. No matter where we live, in England, in America, in Egypt, in Asia, we all have our wrong perceptions. We have wrong perceptions of ourselves, and we have wrong perceptions of other people, our friends, our enemies. Suffering is the outcome of wrong perceptions. So the letter is first of all an attempt to remove wrong perceptions -- not only in the young person who is going to kill himself but in those who are going to read the letter. The letter is a form of dialogue; the aim is to help each other remove wrong perceptions that have been there a long time. So this is a very deep practice.
Dear Friend,
I heard about you from a friend. She said you lost your husband and your son. Your grief and despair were so great you no longer wanted to live. You wanted to die and you wanted the people who hurt you so deeply and destroyed your family to suffer in the same way that they made you suffer. So you made the only decision you could - that your last action would be as a suicide bomber. And now you are gone - taking others with you. And all the grief, despair, hopelessness, and powerlessness you felt when you made your decision continue to spread out into more and more people's lives.
Oh, how I wish I knew you - had been there with you when your husband and little boy died. How I wish I had been there to hold you, to comfort you, to help you to hold all your pain that was too much for one person to hold alone. How I wish I was there talking to you, letting you know you are not alone, and that even though this pain and grief are so intense and consuming, life can go on. The pain can be transformed - it will change. And the anger and hatred can be released in a different way. In a way that can put an end to suffering, instead of creating more suffering for others and for ourselves. I also have known such pain and despair.
My family - grandmother, aunts, uncles, cousins, altogether maybe twenty-five people - were killed in a war before I was even born. My father somehow survived, and somehow continued his life. And I was born. How grateful I am to him, that he didn't kill himself! All my life I missed my roots, my family so much, without even knowing them. And there was deep despair in my heart - without even being able to name it.
How I wish I were there to tell you - let us do this together, let us hold this pain and despair together, and find a way to continue living. Find a way to live that can really heal this suffering which is not just ours, but all humans. Together learn to see what the true source of this suffering is. I know if I grew up as you did and had the same experiences, I also could do the same as you did. And if you had some of my childhood and experiences you could be alive now. And you could say this to me - Dear Friend, people are not the enemy. It is the hatred, anger, and pain that we do not know how to handle that is the enemy, that tortures us and hurts us the most. You are not alone in this. For generation upon generation we humans have continued to try to heal our pain by inflicting more pain on others. And so it continues until now. But what if someone in your family had been able to find another way to heal their pain, to find a way of understanding and being with the pain that could transform it to compassion and love? Then you would have a different chance in your life. And what if you were that person in your family? And instead of being a suicide bomber, you and I together explored, learned, practiced, and found another way? Then you would still be alive now, and you would perhaps have more children and teach them how to handle their pain so that compassion and love could be born. Together we could spread this understanding, compassion, and love out into more and more people's lives. And maybe one day, there would be peace on this earth, peace in our hearts, and we could be truly happy.
Oh, how I wish I were there with you, dear friend.