Wednesday, November 18, 2015

CON ĐÒ AI LÁI???

Sáng hôm qua (17.11), trong giờ học mình phụ trách, ở lớp có tiết sinh hoạt đột xuất (có lẽ đột xuất với mình, vì cứ nghĩ đến giờ học là chỉ học thôi; chứ về phía sinh viên thì có sự chuẩn bị) khá bất ngờ và vui. Các bạn sinh viên chúc ngày Nhà Giáo, có đốt pháo bông giấy kim tuyến, rồi văn nghệ ca hát…. Hết 1 tiết học quý báu. Mà thôi… chìu số đông; một năm chỉ có một ngày này. Vui nhất là khi nghe đại diện sinh viên chúc ngày Nhà Giáo, trong đó có nói rằng, người học là con đò và người đứng lớp là làn gió đẩy những con đò ấy ra dòng để lướt nhẹ nhàng hơn
Người học như hình ảnh con đò đã là biểu tượng xưa cũ. Ngạn ngữ Ấn Độ có câu “sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”. Hình ảnh con đò, con thuyền được nhắc đến trong ngày Nhà Giáo là không mới. Nhưng tiếc rằng, trong ngày tri ân những người “vắt tim, vắt óc và vắt phổi” để cống hiến cho sự nghiệp ‘trồng người” thì hình ảnh rất thơ, rất nhạc, rất họa này được ví cho thầy cô giáo mới đáng buồn làm sao!
 Vậy nên sáng nay, nghe được câu “người học như con đò”, tôi tâm đắc vô cùng! Tôi từng viết về trăn trở của mình qua hình ảnh  con đò” này trong bài “Nhân ngày nhà giáo 20/11” từ mấy năm trước; mong sao chức năng của người học được trả về đúng vị trí vốn có: tự lực, năng động, chủ động còn người dạy chỉ là trợ duyên như làn gió đẩy thuyền lướt nhẹ nhàng hơn trên dòng sông thì đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng biết dường nào.
Tôi vui suốt buổi khi hình ảnh con thuyền, con đò được sinh viên nhận về phần mình…
Cho đến trưa về nhà, khi mở quà tặng, mới thấy:

Một chiếc ly sứ Minh Long thật đẹp mang theo hình ảnh một con đò với dòng chữ:
“Mai kia quay Bắc trở Đông
Hồn tôi vẫn hướng về ông lái đò”.
Tôi cảm thấy chùng lòng…
Mới hồi sáng, sinh viên “xung phong” đứng ra nhận mình là người lái đò kia mà. Sao giao “con đò” qua cho người thầy nhanh quá vậy?!
Thì ra, nói cũng chỉ là nói cho có văn có chương, có hình có ảnh thôi…
Hay nhìn theo hướng tích cực hơn, những gì đại diện sinh viên phát biểu là ước mơ của một nền giáo dục năng động đặt trọng tâm vào người học, còn tặng phẩm thể hiện thực tại của cơ chế giáo dục hiện hành: người đứng lớp vẫn làm nhiệm vụ của ông lái đò…
Cũng không thể kỳ vọng ở người học nhiều hơn khi lỗi là “lỗi hệ thống” từ “hard disk drive” chứ không phải mấy cái “software” nương gá vào đó…
Thì cứ vậy thôi, trong suốt 90 phút trên lớp, thì người dạy vẫn cứ phải “nói đủ” 90 phút, người học chỉ ngồi như thế, thỉnh thoảng trả lời rồi, chưa, hiểu, không..., vẫn cứ thụ động trên chiếc đò thôi. Để chuyến đò cập bến an toàn, nhiệm vụ đặt hết trên vai người lái đò. Còn người học, có chăng sự hợp tác ở đây là ngồi yên, không nghịch nước để thuyền phải chòng chành nguy hiểm giữa dòng. Đúng quá luôn, chỉ cần giữ trật tự trong lớp, không quậy phá, không làm việc riêng trong giờ học đã là quá tốt, quá lý tưởng với vai trò của một người học!
Còn lâu và lâu lắm…, khi hình ảnh người thầy, người cô phải tách hẳn ra khỏi hình ảnh quen thuộc của ông lái đò, và gắn vào hình ảnh người chăm vườn, người hướng dẫn du lịch, người đạo diễn chương trình… thì mới mong vai trò của người học và người dạy thay đổi.
Còn lâu và lâu lắm…. mới đến cái ngày đó!
Chắc khi đó, cả tôi và các bạn sinh viên của mình đều đã thành người thiên cổ.
Thay đổi hệ thống giáo dục là một sự thay đổi lớn và không hề dễ dàng đối với tất cả các quốc gia và xã hội. Với Việt Nam, mọi việc trở nên muôn phần khó khăn hơn khi sự thay đổi thường được làm từ trên thượng đỉnh, trên bàn giấy của các quan chức cao cấp trong ngành hơn là từ thực tế dạy và học ở các trường phổ thông.
Biết không làm được gì…
Mà cũng nói ra cho vơi bớt nỗi lòng…
Vì lẽ đó, nghiên cứu về “Ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa xã hội đến quá trình dạy và học ở trường Việt Nam” tốn hao sức khỏe, sức trẻ, năng lượng, thời gian và tiền bạc trong suốt 5 năm quý giá của tôi vẫn còn cất nguyên trong ngăn tủ; cũng như mọi ý tưởng đều được cất vào trong ngăn kỷ niệm mà thôi…
Những ý tưởng của John Dewey, Jean Piaget, Lev. Vygotsky, Jerome Bruner và những nhà triết học, tâm lý học chủ trương vai trò chủ đạo của người học... còn lâu lắm mới có thể chạm vào cổng trường học Việt Nam...