Wednesday, September 23, 2015

TÁC HẠI CỦA NGỦ NƯỚNG

Chúng ta đều biết rằng ngủ là một nhu cầu sinh lý tất yếu không thể thiếu đối với mỗi người chúng ta. Trung bình mỗi người cần khoảng 8 tiếng mỗi ngày để ngủ. Chúng ta không nên nghĩ rằng ta dành một phần ba thời gian trong ngày để ngủ, nghĩa là ta dành một phần ba cuộc đời mình để ngủ và như vậy, ngủ sẽ làm lãng phí thời gian, mà cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng đây là một nhu cầu sinh lý tất yếu để sống và tồn tại! Chỉ khi chúng ta có một giấc ngủ đầy đủ, ngủ sâu và ngon giấc thì ngày làm việc tiếp theo sau giấc ngủ ấy mới thực sự có ý nghĩa với hiệu quả cao trong công việc và học tập. Ngủ đủ giấc mỗi ngày là yếu tố quan trọng để tăng cường và nâng cao sức khỏe, chính vì thế mỗi người cần phải ngủ đủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Đối với người già, người sức khỏe yếu có thể ngủ nhiều hơn từ 9-10 tiếng. Tuy nhiên, ta chỉ nên ngủ đủ giấc theo quy định chứ không nên ngủ tùy tiện, ngủ quá nhiều mỗi ngày bởi nó sẽ gây ra những tác dụng ngược lại. Chúng ta cùng tìm hiểu những tác hại nguy hiểm của việc ngủ quá nhiều, ngủ ráng khi trời đã sáng, mà ta quen gọi là ngủ nướng.

1. Thừa cân, béo phì

Khi ăn, ta nạp năng lượng vào cơ thể để các bộ phận cơ thể sử dụng trong các hoạt động. Khi ngủ, các bộ phận trên cơ thể ở trong trạng thái nghỉ ngơi vì thế mà lượng năng lượng cần tiêu hao không nhiều; do vậy, cơ thể có thể tích lũy được rất nhiều năng lượng để chuẩn bị cho một ngày mới. Thế nhưng, nếu ngủ nhiều hơn mức cần thiết thì năng lượng được “để dành” trở nên quá nhiều, liền chuyển qua dạng dự trữ dưới hình thức mỡ thừa. Bởi vì khi ta nạp năng lượng vào cơ thể bằng thức ăn và các chất dinh dưỡng nhưng lại không sử dụng nó để hoạt động thì kết quả là năng lượng và các chất dinh dưỡng ấy sẽ tích tụ thành lượng mỡ thừa trong cơ thể ngày một nhiều gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.
Thêm vào đó, thời gian ngủ nướng sẽ không cố định và ổn định, chất lượng giấc ngủ rất kém. Điều này dễ dàng dẫn đến rối loạn chuyển hóa và gây nên béo phì. Một khi béo phì, con người trở nên thụ động, lười biếng, thèm ăn, thích ngủ và như thế, càng tăng cân nhiều hơn. Càng tăng cân, con người càng kém linh hoạt, tâm trí lúc nào cũng lờ đờ, không ngạy bén, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí não. Người càng béo phì thì càng mặc cảm và ngại giao tiếp, sự học hành, công việc và biết bao việc trong cuộc sống bắt đầu tụt dốc từ đây.

2. Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

Lúc vận động, tim thường đập rất nhanh, các cơ tim co bóp mạnh hơn, quá trình tuần hoàn máu của tim tăng nhanh. Lúc cơ thể nghỉ ngơi, nhịp tim, sự co bóp của các cơ tim và sự tuần hoàn máu giảm xuống. Chính vì thế, nếu thời gian ngủ quá dài, các cơ quan hô hấp và tuần hoàn được nghỉ ngơi quá lâu, đến khi cần hoạt động lại, nó làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim và hệ tuần hoàn dần dần gây ra các bệnh về tim mạch như huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch. Nói cho dễ hiểu, giống như các công chức nhà nước, hai ngày cuối tuần thứ bảy và chủ nhật được nghỉ ngơi, những tưởng thứ hai đi làm người sẽ rất khỏe và tràn đầy năng lượng sau thời gian nghỉ ngơi tái nạp năng lượng, thế nhưng, ngày thứ hai là ngày uể oải nhất của các công chức nhà nước. Sau hai ngày nghỉ, con người trở nên chây lỳ và tánh ỳ vẫn còn ở thế chủ động. Tương tự như vậy đối với hệ tim mạch cho những người ngủ nhiều hơn mức cần thiết. Nếu ngủ không theo quy định nề nếp sinh hoạt nào mà tùy tiện, bạ đâu ngủ đó, rảnh lúc nào ngủ lúc ấy thì nguy cơ và đe dọa đối với hệ tim mạch càng tăng lên.

3. Tăng khả năng tử vong

Tệ hại hơn nữa, tương tự như ngủ quá ít, việc ngủ quá nhiều của đưa đến nguy cơ tử vong cao. Do vậy, nếu sợ chết sớm và chết đột ngột, đừng ngủ nướng là một trong những cách hạn chế nguy cơ này! Giáo sư Franco Cappuccio, công tác tại trường đại học y khoa Warwick  ở Anh và các cộng sự thực hiện nghiên cứu suốt 10 năm trên nhiều cá thể thuộc nhiều cộng đồng người làm các ngành nghề khác nhau đã đưa ra kết luận rằng: những người ngủ bình quân dưới 4 tiếng/ngày hoặc trên 10 tiếng/ngày, dù nam hay nữ, đều có tỷ lệ tử vong cao vì nó gây ra những rối loạn về hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, là nguồn gốc phát sinh nhiều căn bệnh nguy hiểm và suy giảm hệ miễn dịch nhanh chóng. Như vậy đủ hiểu chúng ta cần một chế độ sinh hoạt tương đối ổn định để đồng hồ sinh học của mình hoạt động nhịp nhàng là điều cần thiết để nâng cao tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Nếp sống thăng bằng, trung đạo của đạo Phật là cách sống rất khoa học để duy trì thể trạng bền bỉ và sức khỏe dẻo dai cho thân. Dưới con mắt đạo, thân này như chiếc thuyền để mỗi người nương gá vào mà tu tập tâm; thân không còn thì tâm không có chỗ nương gá. Do vậy, cần bảo trì thân thể khỏe mạnh trong suốt quá trình sống và việc ngủ điều độ, hợp lý, hợp thời là một trong những điều kiện cần thiết để có thân thể khỏe mạnh. Một tinh thần vững chãi chỉ có thể có trong một thân thể khỏe mạnh vậy.

4. Làm tổn thương và gây ra các bệnh về hệ hô hấp

Phòng ngủ thường là nơi kín đáo, thường là nơi kín đáo nhất trong nhà, nên diện tiếp xúc với môi trường thông thoáng bên ngoài không nhiều. Đây là môi trường để các sinh vật yếm khí trú ấn. Sau suốt một đêm dài ta ở trong phòng ngủ, ta “tiêu xài” khá nhiều khí ô-xy (O2) và thải ra nhiều cac-bon-nic (CO2). Do vậy, vào buổi sáng không khí trong phòng ngủ khá ô nhiễm, ngột ngạt, chứa nhiều vi khuẩn, nhiều khí CO2, thiếu dưỡng khí. Chính vì thế khi ngủ nướng vào buổi sáng, ta sống trong môi trường ô nhiễm với các khí độc mỗi lúc một nhiều hơn. Điều này rất dễ làm tổn thương và gây ra các bệnh về hệ hô hấp như cảm cúm, viêm họng, ho,…Lượng O2 cần thiết cho quá trình hô hấp bị giảm đi nên hơi thở cạn, nhịp tim đập nhanh, khiến ta dễ bị mệt và uể oải.

5. Gây ra những tổn thương đối với hệ tiêu hóa

Khi ta ngủ, hầu như tất cả các cơ quan đều giảm cường độ làm việc vì cơ thể cần năng lượng ít hơn. Thế nhưng, hệ tiêu hóa vẫn “chăm chỉ” và “siêng năng” hơn nhiều anh em khác trong “đại gia đình” cơ thể. Khi ta ngủ, dạ dạy vẫn co bóp không ngừng để tiêu hóa thức ăn. Do vậy, sau một giấc ngủ, tỉnh dậy ta có cảm giác đói. Qua một đêm dài, dạ dày ta trống rỗng nhưng hoạt động của dạ dày vẫn diễn ra, vẫn tiết dịch vị, vẫn co bóp thường xuyên dù không có thức ăn.  từ đó khiến dạ dày hoạt động kém hiệu quả và gây nên các bệnh về dạ dày như đau dạ dày, viêm dạ dày, loét dạ dày,…
Thêm một hệ lụy nữa, một người ngủ nướng không thể là người sống nguyên tắc, nghiêm túc giờ giấc, vì chính chữ “nướng” đã nói lên điều đó. Do vậy, có khi nướng 5 phút, có hôm nằm ráng đến 10 phút, có khi “tứ đại bất an” ngủ thêm đến nửa tiếng… không phải là điều lạ với người ngủ nướng. Chính điều này khiến người ngủ nướng ăn uống không đúng giờ, và thế là hệ tiêu hóa không “hiểu” nổi chủ mình! Kết quả là dễ gây co thắt đường tiêu hóa. Triệu chứng này nếu lặp lại lâu ngày sẽ khiến ta bị viêm dạ dày mãn tính và có thể mắc chứng khó tiêu.

6. Mất tập trung, làm việc kém hiệu quả, suy giảm trí nhớ

Buổi sáng ngủ nướng trên giường, giấc ngủ không thể ngon, không thể sâu được mà đó là một trạng thái ngủ chập chờn, nửa tỉnh nửa mê. Do vậy, sau một lát ngủ nướng, khi thức dậy chúng ta có cảm giác mơ hồ mông lung, đầu óc thiếu tỉnh táo và sáng suốt. Nhiều người lầm tưởng rằng, ngủ càng nhiều thì sẽ càng có tinh thần khỏe khoắn, nhưng ngược lại sau khi ngủ nướng, chúng ta lại cảm thấy nặng đầu, khó tập trung tinh thần vào làm việc gì được, vì chất lượng giấc ngủ kém do ngủ quá nhiều và ngủ trong môi trường ban ngày với nhiều tiếng động và nhiều ánh sáng. Đó là do ngủ nướng, một giấc ngủ dài khiến não phải tiêu hao rất nhiều ô-xy, khiến tổ chức não xuất hiện triệu chứng “thiếu dinh dưỡng” tạm thời, đồng thời cơ thể sẽ bị mất khả năng cân bằng hormone. Chính vì vậy khi tỉnh dậy sau giấc ngủ nướng, ta cứ ngỡ mình khỏe hơn, những kỳ thật sẽ có cảm giác mệt mỏi, nặng đầu, mơ màng, thiếu sức sống, lười hoạt động, khó tập trung, làm việc không hiệu quả. Khởi đầu một ngày bằng tâm trạng mệt mỏi, thiếu sinh khí như thế thì suốt ngày sẽ uể oải, thụ động và làm việc không hiệu quả. Nếu tình trạng mệt mỏi, nặng đầu và các triệu chứng kể trên kéo dài sẽ dẫn đến việc suy giảm trí nhớ, rất nguy hiểm và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống chúng ta. Tệ hơn nữa, triệu chứng này nếu duy trì quá lâu có thể làm tổn thương trí nhớ và thính lực.

7. Gây rối loạn đồng hồ sinh học của cơ thể

Cơ thể chúng ta hoạt động ổn định thì nhịp sinh học của cơ thể hoạt động đều đặn như một chiếc đồng hồ cơ học. Do vậy, mỗi người có một đồng hồ sinh học riêng, không đồng nhất giữa người này với người kia. Cơ thể chúng ta rất nhạy với sự thay đổi nếp sinh hoạt và khi thay đổi môi trường sống. Nhiều người đến nơi lạ thì một vài đêm đầu tiên không ngủ được, hoặc ngủ không ngon. Nếu di chuyển đến một địa điểm xa nửa vòng trái đất với múi giờ cáhc nhau đến nhiều giờ thì thời gian đầu, họ không ngủ được vào ban đêm, vì đồng hộ sinh học đã quen với nếp sinh hoạt cũ, cần một thời gian để thích nghi. Một khi ta ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ thì các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ dần dần đi vào nhịp hoạt động ổn định, hiệu quả và điều độ. Nếu ta ngủ nướng một cách tùy tiện hoặc bạn ngủ nhiều sẽ làm cho các hệ cơ quan trong cơ thể bắt đầu “loạn nhịp”, “rối đội hình”, hoạt động kém hiệu quả so với chức năng của nó và điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe lâu dài của chúng ta.
Rối loạn đồng hồ sinh học thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn trao đổi chất, rối loạn các cơ chế chuyển hóa trong cơ thể, đưa đến các bệnh do rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, cao mỡ trong máu, béo phì… Đây là hậu quả không lường của việc sinh hoạt không điều độ, trong đó có ngủ nướng.

8. Tạo ra cảm giác chán ăn sáng

Đáng lẽ sau một đêm dài dành cho hoạt động ngủ nghỉ để tái nạp năng lượng, sáng ta sẽ thức dậy, đủ thời gian để vệ sinh cá nhân, thể dục, vận động cơ bắp và nạp năng lượng bằng một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất để chuẩn bị cho một ngày hoạt động thật hiệu quả và tràn đầy năng lượng sống, thì đằng này, người ngủ nướng lại ngủ quên cả ăn sáng. Đến khi thức dậy thì đã quá giờ ăn, kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, uể oải, lười biếng khiến người ấy có cảm giác không muốn ăn.
Bởi lẽ thời gian ăn sáng đã bị “thâm thiếu” do việc ngủ nướng rồi, nên họ hối hả cho kịp giờ vào làm, vì công việc nào cũng thường bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng là tình hình chung ở nước ta. Thế là họ sẵn sàng đổi bữa ăn sáng mà lấy chút ngủ nướng chẳng tới đâu – một sự đánh đổi lỗ quá nhiều: ngủ thêm chút đỉnh trong bất an, chập chờn, nửa mơ nửa thực mà cái mất là bỏ đi bữa ăn sáng – một bữa ăn quan trọng nhất trong ngày mà không phải ai cũng hiểu ra điều này. Bỏ qua bữa sáng khi bắt đầu một ngày mới có thể dẫn đến thiếu hụt các vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vì buổi sáng là thời gian tốt nhất để cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu. Người sống khoa học và hợp lý thì xem bữa ăn sáng là bữa ăn của ông hoàng, còn người ngủ nướng là sống hoàn toàn phản khoa học khi bỏ đi bữa ăn quan trọng nhất trong ngày này.

9. Cơ bắp uể oải, lười hoạt động

Cả đêm ta ngủ, cơ bắp được nghỉ ngơi. Việc ngủ dậy quá muộn vào buổi sáng hôm sau khiến cho cơ bắp “chây lười” sau một thời gian thư giãn quá dài. Khi không vận động cơ bắp, máu lưu thông không tốt, chân tay vì thế bị tê mỏi, cơ thể ê ẩm, khó chịu. Đây chính là lý do khiến bạn lười hoạt động, cả ngày cứ ở trong trạng thái mệt mỏi như thế. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cơ thể đặc biệt là sự phát triển hệ xương và hệ cơ. Ngủ quá nhiều sẽ không những không giúp ta thoải mái như ta tưởng, ngược lại còn khiến cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi hơn rất nhiều.  Khi dậy, toàn bộ cơ thể sẽ cảm thấy rã rời và lười hoạt động. Không người nào có thể sống và  làm việc hiệu quả trong một cơ thể uể oải với sức ỳ nặng nề như vậy. Hơn nữa, khi cơ thể không hoạt động quá lâu, cơ bắp cũng sẽ trở nên rệu rạo và kém linh hoạt. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh yếu cơ.

Đức Phật nói gì về ngủ nghỉ?

Đức Phật rất tuyệt vời khi Ngài không cân đo đong đếm bằng các con số định lượng cụ thể như khoa học hiện đại, nhưng đã nhìn thấu bản chất và hậu quả của việc ngủ nghỉ quá độ. Những gì Ngài dạy về ngủ nghỉ đánh động tâm thức của chúng ta để rồi tự mỗi người nhìn lại mình, chọn cho mình cách sống thật ý nghĩa.
Đức Phật nói rằng, ngủ nghỉ không bao giờ thỏa mãn. Rõ ràng đây là điều ta muốn, chứ không phải điều ta cần. Ta cần ngủ 6 đến 7 tiếng mỗi ngày là đủ, còn muốn thỏa mãn thì nhiều hơn, như thể cho ta ngủ cả ngày, không ăn để ngủ, ta cũng thích. “Hưởng thọ ngủ nghỉ, này các Tỷ-kheo, không bao giờ thỏa mãn” (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm XI, kinh số 104).
Chính ngủ nhiều, con người trở nên kém sáng suốt, đang dọn lối đi xuống con đường thấp kém, những cõi sống của các chung sanh thiên nặng về nhu cầu bản năng như ăn và ngủ:
Con heo thích ngủ, tham ăn,
Muôn đời tiếp tục bán thân làm hàng.
Người ngu thích ngủ, tham ăn
Muôn đời tiếp tục trói trăng luân hồi. (Pháp cú 325)
Quá đam mê ngủ nghỉ là tự mình lệ thuộc vào các thói quen hạ liệt, thấp kém. “Người có tâm triền phược sống thiên nặng về khoái lạc sàng tọa, về khoái lạc ngủ nghỉ, về khoái lạc thụy miên  (Tăng chi bộ kinh, Chương V, phẩm XXI, kinh 206). Để ngủ nghỉ chi phối, ta bị chướng ngại và triền phược này cản lối trên đường tu tập. Đức Phật dạy “tỳ kheo nào ăn cho đến thỏa thê, cho đến bụng chứa đầy, sống thiên nặng về khoái lạc về sàng tọa, khoái lạc về ngủ nghỉ, khoái lạc về thụy miên, là bị triền phược trói buộc. Người nào chứa tâm hoang vu, tâm triền phược này thì không thể nào tiến bộ, trưởng thành và phát triển trên con đường thực hành giáo pháp” (Trung bộ kinh số 16: Kinh tâm hoang vu).  Ngài còn nhấn mạnh “người nào ưa thích ngủ nghỉ là tự mở cánh cửa đi vào bại vong (Kinh Tập 96); hoặc “ưa ngủ nghỉ khiến cho một vị tỳ kheo tu tập thối chuyển tâm, làm cho tâm thối đọa” (Tăng chi bộ kinh, Chương V, phẩm IX, kinh số 89; phẩm XV, kinh số 149).
 Chỉ khi nào ta có mục đích cao hơn để phấn đấu, ta mới không “chúi mũi chúi lái” vào các giấc ngủ vô bổ ấy. “Chỉ những tỳ kheo nào đêm ngày thao thức tìm cách đoạn trừ phiền não, hệ phược cột trói mình mới thức nhiều ngủ ít” (Tăng chi bộ kinh, Chương V, phẩm XIV, kinh số 137).
Người nào đam mê ngủ nghỉ thì khi lâm chung không hiền thiện vì còn quá ái luyến những nhu cầu tầm thường của cái thân này nên tâm hướng về các cảnh giới thấp kém (Tăng chi bộ kinh, chương VI, phẩm II, kinh số 14).
Thánh đạo sẽ không hiển lộ đối với người ngủ gục, biếng nhác, cứ ngồi ngáp dài, buồn rầu, ăn uống quá độ (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương I, phẩm 2, kinh Ngủ gục, biếng nhác)
Có lần thấy  một thầy tỳ kheo ngủ ngày, đức Phật nhắc nhở “đã vì lòng tin, xuất gia, bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình, cần phát triển niềm tin ấy mà tinh tấn lên, chớ để cái ngủ chinh phục mình (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương IX, kinh số 2: Săn sóc, hầu hạ). Cắt giảm giờ ngủ nghỉ quá độ, không đúng thời cho việc nghiên cứu kinh điển, thực hành nếp sống chánh niệm của người xuất gia là điều cần thiết. “Ngủ nghỉ có chừng mực, chớ có ngủ quá nhiều, mà hãy luôn luôn tỉnh thức, nỗ lực và nhiệt tâm trên con đường thực hành pháp” (Kinh Tập 926).

Nên rèn thói quen dậy sớm

Không ai phủ nhận giấc ngủ giúp cho chúng ta có thời gian nạp năng lượng để tiếp tục hoạt động và thường sau giấc ngủ, ta cảm thấy hưng phấn, sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới đầy sinh động với hiệu quả công việc cao nhất. Đó là giấc ngủ vừa đủ – không quá ít mà cũng không có nhiều. Ta khỏe khoắn sau một đêm ngủ hay đơn giản sau một giấc ngủ ngắn buổi trưa, có người ngộ nhận, hễ ngủ là khỏe và họ tưởng, càng ngủ nhiều, càng khỏe. Sự thật không phải vậy. Ngủ sẽ giúp cho ta khỏe với điều kiện giấc ngủ ấy vừa phải, ngủ sâu, ngủ điều độ và hợp lý. Tuyệt nhiên ngủ nướng không có lợi ích gì cả, mà tai hại thì nhiều, cụ thể là 9 điều nêu trên. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe và duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất, ta nên duy trì nếp sinh hoạt ổn định, điều độ, nói KHÔNG với ngủ nướng. Dù đó là ngày lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, ta cũng nên ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ để đảm bảo cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe thật tốt.
Ngủ dậy sớm, ta sẽ cảm nhận sự uyên nguyên của đất trời thật mầu nhiệm qua ánh bình minh, qua tiếng chim kêu sớm, qua ánh sao nhấp nháy tạm biệt trước khi lẩn vào trời xanh, qua ngọn cỏ ngậm sương mai đong đưa trong gió nhẹ… ta cảm thấy khoan khoái, người tràn đầy năng lượng cho một ngày mới.
Ngủ dậy sớm, ta bắt đầu một ngày thật tươi mới, tinh khôi để có 24 giờ tinh khôi quý báu. Bắt đầu công việc một ngày từ sớm, với năng lượng dồi dào, đầy sinh khí, đến cuối ngày, ta thấy khối công việc mình làm được thật nhiều và chất lượng khá hoàn hảo, nhìn lại, ta sẽ hài lòng với một ngày sống nhiều ý nghĩa.
Ngủ dậy sớm, ta có thời gian đầu ngày trong không gian yên tĩnh, lắng đọng, là thời điểm hoàn hảo nhất để ngồi thiền, tập yoga hoặc thể dục. Bầu không khí trong lành buổi sáng kết hợp với sự yên tĩnh là những điều kiện rất tốt để ta “nạp năng lượng” cho trí não và tinh thần của mình qua các phương pháp lắng tâm. Những động tác thể dục lại giúp bạn khởi động cơ thể, nhanh chóng tăng cường lưu thông và “đánh thức” các cơ quan trong cơ thể sau một đêm ngơi nghỉ, trở về với “vị trí” và phận sự của mình.
Ngủ dậy sớm, ta có đủ thời gian để không mệt nhoài chạy đua với thời gian, là cơ hội để ta tạo cho mình tâm trạng thoải mái, giảm căng thẳng và duy trì cân bằng cảm xúc. Một cơ thể khỏe mạnh kết hợp với tinh thần thoải mái là điều kiện tốt nhất để phòng ngừa bệnh tật, tăng cường sức khỏe vậy.
Ngủ dậy sớm, ta có đủ thời gian để được thưởng thức bữa ăn “như ông hoàng” – bữa ăn sáng của mình để kịp thời cung cấp năng lượng mà cơ thể tiêu hao qua một đêm ta ngủ, giúp ta tập trung hơn cho công việc, trí não minh mẫn hơn.
Cần duy trì giờ giấc ngủ ổn định và điều độ, ta góp phần làm cho sức khỏe, tinh thần, hiệu quả công việc tốt lên và nhờ đó, chất lượng cuộc sống sẽ tốt hơn và cuộc đời sẽ thêm nhiều niềm vui.