Tuesday, July 12, 2016

“LẤY LÒNG ĐỂ SỐNG” TỐT HƠN “SỐNG ĐỂ LẤY LÒNG”!

Chạm tay vào phím gõ về đề tài này, tôi nhớ lại câu chuyện gia đình mình cách đây vài năm:
Ngày công bố điểm thi, nhỏ chị biết mình đậu cả hai trường đại học với số điểm khá cao, vui ra mặt, dù chưa có điểm chuẩn vẫn chắc suất vào một trường đại học có uy tín lớn. Hai chị em mừng rơn sau nhiều ngày chờ đợi. Ngày lên đường nhập học, nhỏ chị tỏ ra điềm tĩnh, cố cho mọi người thấy tâm thế sẵn sàng ra đi và bắt đầu cuộc sống xa nhà để ba mẹ yên tâm, nhưng rồi vừa quay lưng là khóe mắt đỏ hoe. Đứa em thoáng buồn vài giây nhưng rồi kịp nén lòng, vui vẻ tiễn chị “từ nay, em được sở hữu nguyên một phòng học và chiếc máy vi tính,” để chị không bịn rịn phút chia tay. Thế rồi ngay sau khi chị rời nhà, nhỏ em nước mắt giọt ngắn giọt dài nói với mẹ “chị đi rồi, mình con ở nhà, buồn lắm”…
Câu chuyện trên là một ví dụ trong muôn ngàn chuyện ta làm hoặc thấy người khác làm trong cuộc sống này. Cứ thế, khi quyết định một việc gì, ta thường nghĩ đến người thân của mình để làm sao hạn chế tối đa hoặc nếu có thể, tránh bị tổn thương. Chúng ta vẫn thường làm vậy từ thuở còn bé thơ không cần người nhắc mà không hề thắc mắc tại sao ta lại làm như vậy.
Rồi khi lớn khôn, đến một thời điểm mà người ta thường nói một cách hình tượng là “đủ lông đủ cánh,” chúng ta bắt đầu suy nghĩ và đặt câu hỏi tại sao, vì lý do gì mình làm một điều gì đó. Ấy là lúc chúng ta ra khỏi vòng tay ấm êm của gia đình, hòa nhập vào xã hội và đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm pháp lý và xã hội về những hành động của mình. Mối gắn kết với các người thân trong gia đình cũng dần loãng đi vì tình cảm, thời gian, tâm lực và sức lực ta chia sẻ với những công việc và học hành cũng như các mối quan hệ khác trong xã hội. Khi mối quan hệ xã hội rộng dần, vòng liên kết với con người của ta lớn hơn, đó là lúc ta dần nhận ra rằng, quan hệ giữa con người và con người là quan hệ phức tạp nhất. Theo thói quen, nhiều người vẫn nỗ lực làm hài lòng người chung quanh, nhưng  một sự thật phũ phàng tất yếu là kết quả cuối cùng vẫn là sự thất bại! Không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Đến lúc đó, chúng ta nhận ra rằng mọi cố gắng lâu này đều vô ích, nhất là khi tiêu chí, sở thích và mục đích sống của những người liên quan đến mình cũng không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau nữa. Chỉ trăm người thôi đã có muôn ngàn nết, làm sao chìu cho xuể!
Đây là lúc khái niệm “văn hóa sống” được thể hiện rõ nét nhất qua cách ứng xử của mỗi người đối với người và đối với chính bản thân mình. Theo cảm tính và bản năng tự vệ, vì không thể làm hài lòng tất cả, một số người chọn cách sống làm hài lòng một nhóm người nào đó theo họ là có quyền lực đủ để che chắn đem lại sự an toàn cho họ. Điều này có thể dùng ngôn ngữ “trần trụi” nhất để diễn đạt là “sống lấy lòng” để được yên thân. Với loại người này, nhân cách và lòng tự trọng được phong kỹ lại cất vào đâu đó khi đã sống bám vào người khác như chiếc phao cứu sinh để tìm sự an ổn. Tuy vậy, họ luôn sống trong sự bất an, căng thẳng và lo lắng vì sự an ổn của bản thân, đã tạm thời và tạm bợ, lại còn do người khác quyết định.
Có lẽ người biết suy nghĩ nào cũng không khỏi thắc mắc, liệu có cần thiết để ta dành quá nhiều năng lượng để sống vừa lòng người khác để rồi cái đạt được là con số không tròn trĩnh? Khi bắt đầu thấy vô lý và trống rỗng nếu cứ nỗ lực sống để làm vừa lòng người khác mà không tới đâu, ta chọn con đường đi khác hơn. Khi tâm lý samvega (biểu hiện của khổ đế) – tâm lý cảm thấy bức bách, không hài lòng khởi lên, trước khi để nó “rơi tự do” vào vùng âm u của chán nán, ta nên duy trì tâm lý này ở mức cần thiết, đủ làm động cơ thúc đẩy tâm lý pasada (biểu hiện của đạo đế) – tâm lý hướng đến tìm một giải pháp tốt hơn xuất hiện ngay sau tâm lý hụt hẫng kia. Lúc này, ta cần tỉnh táo để kịp nhận ra một sự thật rằng, ý nghĩa đích thực của cuộc sống không nằm ở chỗ hướng ngoại mà là hướng vào nội tâm.
Khi ý thức được như vậy, chúng ta thấy cần trang bị cho mình một nội lực dày chắc để có thể là chính mình và dám sống cho chính mình. Ở đây, một sự quyết tâm, kiên định không kéo dài thêm nữa chuyện làm vừa lòng những người ngoài, đáp lại sự mong đợi và nhìn ngắm của ai đó mà không có gì cho mình. Nếu tự thân mình đủ trưởng thành để suy nghĩ và hành động chín chắn, mình không cần bận tâm đến chuyện làm vừa lòng người khác. Điều căn cốt ở đây là việc mình làm, nếu xuất phát từ một nội tâm thấm đẫm ý thiện lành, thì những gì mình làm đem lại lợi ích và hoan hỷ cho mình lẫn cho người theo cái nhìn hướng thượng và hướng thiện.
Nếu không có lập trường và quan kiến rõ ràng và vững vàng, sớm muộn gì chúng ta cũng bị lôi trở về với tâm lý quen thuộc tưởng chừng an toàn là cố gắng làm vừa lòng người khác, vì đây là một thuộc tính tâm lý phổ biến ở con người. Một khi tự bản thân mình không có nền tảng để đặt một điểm tựa, những tâm lý tiêu cực như giả dối, sống khéo léo đậy che, thể hiện cách sống đa nhân cách, chìu lụy, lấy lòng, nịnh bợ và cả thủ đoạn sẽ xuất hiện và hiện hình ngay khi ta khởi tâm muốn làm vừa lòng người khác. Điều này chẳng khác nào bệnh biểu hiện ngoài da nhưng nguyên nhân là do rối loạn nội tiết tố, thay vì uống thuốc để trị tận gốc từ bên trong, người bệnh nhân ấy cứ tìm đủ thứ thuốc xoa, xức bên ngoài, mất công tốn tiền mà chẳng đem lại hiệu quả nào. Người không lo chỉnh sửa tâm ý mình cho trọn lành mà cứ sống trên bề mặt hình thức để lấy lòng người khác thì không đem lại ích lợi thiết thực nào cả.
Một khi chúng ta ngóng trông ra bên ngoài để được thừa nhận, tán đồng, hỗ trợ hoặc định hướng thay vì nhìn vào bên trong con người mình, suốt đời chúng ta tự hy sinh mà không đem lại lợi ích cho ai cả. Những người chọn cách sống này tưởng như thế, chúng ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người thân nhưng chúng ta đã lầm rồi. Hạnh phúc như nước hoa, không thể vẩy lên làm thơm vật khác mà không giữ lại mùi thơm cho mình. Hạnh phúc như sương mai, không thể làm ướt đẫm ngọn cỏ lá cây mà không thể giữ lại cho mình những giọt nước long lanh. Ta chỉ có thể cho những gì ta có. Bản thân mình không có hạnh phúc, thì đừng có hoang tưởng nghĩ rằng mình có khả năng đem lại hạnh phúc cho người khác. Thật ra, không có gì là không đúng nếu cha mẹ định hướng, thậm chí quyết định thay cho mình khi chúng ta còn thơ ấu. Thế nhưng, chúng ta không nên dựa dẫm thành nết khi đã đủ khôn lớn để quyết định việc mình làm và con đường mình đi. Cha mẹ cũng chỉ ẵm bồng con cái trong mấy tháng đầu đời, khi biết đi rồi thì hãy tự đi trên đôi chân của mình. Nếu cứ có thói quen dựa dẫm, phụ thuộc, dù đó là là một lời khen, một sự chấp nhận hay một cảm giác an toàn, ta đã đánh mất mình. Trong môi trường này, hạt giống nội lực không có dịp nảy mầm và phát triển.
Đợi người khác ban bố sự hài lòng là sống phụ thuộc và lệ thuộc nên luôn căng thẳng, bất an; trong khi đó, sống với tâm thuần thiện, chân thành, hướng thiện là cách mình tự chế xuất niềm hạnh phúc cho tự thân. Hãy tập đương đầu với hoàn cảnh bên ngoài, tập chấp nhận khổ đau và tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua. Thậm chí, chúng ta cần học những bài học từ những lần thất bại trong cuộc sống, nhưng vẫn cứ phải là mình, vẫn cứ phải đứng vững trên đôi chân của mình vậy. Hãy tận dụng những lợi thế của bản thân và hoàn cảnh để nuôi dưỡng nội tâm, phát huy nội lực và tạo cho mình một bản lĩnh, tự tin để không bị ‘mất mình’ trong cuộc sống ngày càng phức tạp với nhiều mối quan hệ chồng chéo đa diện vốn dĩ của cuộc đời. Hãy đón nhận ánh sáng mặt trời tự trong tâm và chăm sóc, tưới nước cho những hạt giống tâm hồn. Hoa trái sẽ đơm kết trong nay mai. Dẫu có vụng về chút cũng chẳng là vấn đề gì to tát, miễn chân thật nhìn nhận vấn đề để sửa đổi cho dần hoàn thiện, ta sẽ tiến bộ. Giỏi che khéo đậy thì làm màu tí đỉnh để có “bộ gió” đẹp trước mặt người khác vậy thôi, nhưng thực chất không giúp ta tốt hơn. Vậy nên có câu “chân thật bất hư” đó mà.
Nhân cách làm người của mình là hệ rễ ăn sâu vào lòng cuộc sống để ta đứng vững. Mỗi con người đều có khả năng đó mà không phải làm cây tầm gởi để dựa dẫm vào ai khác. Một khi bám đất, cây tự đứng, tự lớn và vững chãi với bão táp, phong ba, còn tầm gởi, chỉ cần một trận gió hơi lớn tí là đã không bám trụ nổi và sáng hôm sau nằm chỏng quèo trên đất rồi. Ông bà ta có câu “cây ngay không sợ chết đứng!” Dù có chết, vẫn cứ phải thẳng, để khi chết rồi, cái thân cây thẳng ấy vẫn còn có thể sử dụng để làm được vật gì đó lợi ích cho đời! Cứ “lấy lòng để sống” nghĩa là trải tâm mình ra để sống chân thật thì được mình được người, còn “sống để lấy lòng” là cách sống thiếu chân thật và có động cơ vụ lợi nên sẽ không bao giờ bền.
Không bao giờ quá muộn màng để đánh thức và nuôi dưỡng những chất liệu nuôi lớn con người thật của chính mình. Ánh sáng của nhận thức phát ra từ nội tâm sẽ không bao giờ cạn nếu chúng ta biết cách ấp ủ, nuôi dưỡng và phát huy. Trải nghiệm bản thân để thành nhân là một quá trình gian nan nhưng thật xứng đáng để ta dành công sức đầu tư thực hiện. Đây là cách tuyệt vời để chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang sống cuộc đời của chính mình, đang thật sự sống và biết phương pháp làm thế nào để bản thân mình hạnh phúc đồng thời làm cho người khác hạnh phúc.
Cứ vững chãi sống như con tê giác một sừng, bản lĩnh sống một mình trong rừng (Kinh Tập) và làm tròn phận việc của mình. Hãy cứ đứng thẳng lưng mà sống! “Lấy lòng để sống” tốt hơn “sống để lấy lòng”! Chỉ bốn từ (sống, lòng, để, lấy) này thôi mà đổi vị trí các con chữ là đổi cả một thái độ sống, nhân cách sống và đổi cả quy trình nhân quả của mỗi một cá nhân! Quyền chọn lựa là ở mỗi người vậy!