Friday, June 24, 2016

ĐẠO ĐỨC LÀ LÒNG QUYẾT TÂM GIÚP ĐỠ

Lời dạy thứ tư (trong 108 lời dạy) của Ngài Dalai Lama Hãy bố thí mà không mong đợi một sự hồi đáp nào và cũng không tính toán gì cả. Không vì mong muốn tìm sự thích thú mà bố thí hay là để người khác yêu quý mình, bố thí như thế mới có thể mang lại hạnh phúc lớn hơn cho mình. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. Điều duy nhất có thể đem tất cả chúng sinh đến gần nhau hơn chính là tình thương yêu”.

Bố thí không mong hồi đáp

Quan sát cuộc sống quanh mình, chúng ta thấy phần lớn người ta thường bố thí đều mong chờ một sự hồi đáp tương xứng nào đó. Đó không phải là một hành động bố thí đúng nghĩa mà chỉ là một hình thức đầu tư, không hơn không kém. Người bố thí mà mong sao cho những gì thu về có giá trị hơn, giúp mình thỏa mãn hơn, lấp vào chỗ trống mình đang thiếu thì đó không phải là bố thí đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật. Khi bố thí, nếu trong tâm mình khởi lên một mong cầu được hồi đáp, dù đó là sự biết ơn từ người nhận, là quả báo tốt đẹp ở tương lai hay bất cứ gì khác đều không trọn vẹn. Nếu khởi tâm mong cầu hồi đáp, sự bố thí của mình là một việc trao đổi hay sao? Mong cầu là biểu hiện của tâm tham, mà bố thí, ngược lại, là biểu hiện của tâm vô tham. Đem tâm mong cầu đặt vào trong việc bố thí, thì “nước tham một dải đen sì” (NT Huỳnh Liên) sẽ nhuộm pháp bố thí thành màu đen tối, mất hết ý nghĩa cao đẹp và thiêng liêng. Do đó, muốn việc bố thí trọn vẹn ý nghĩa này, người bố thí cần làm với tâm hoàn toàn tinh khiết, không tham cầu gì cả. Chỉ có sự buông xả tuyệt đối mới có thể giúp chúng ta thực thi  bố thí đúng nghĩa của nó, bố thí không chờ đợi một sự hồi đáp nào.

Bố thí không tính toán

Có thể bạn cười khi nghe nói bố thí mà còn tính toán! Ấy thế mà có đấy, lại còn nhiều nữa chứ! Nhiều người dưới lớp áo bố thí để ngụy trang cho cái tâm tham vi tế của  mình. Người bố thí có tính toán, so đo hơn-thua, được-mất là người bố thí trên hình thức, nhưng tâm lại là người “nhận bố thí”! Có thể họ cho đi một ít vật chất thừa mứa để đổi lấy danh hão, cảm giác thỏa mãn tạm thời, để thể hiện quyền lực ảo với người. Họ muốn nhận lại nhiều hơn cái họ đưa ra, vì một khi đã tính toán thì không ai muốn nhận phần thua thiệt về mình! Đây là tâm ích kỷ, tham lam được trá hình dưới lớp vỏ bố thí. Nếu mượn những người bất hạnh làm đối tượng để thực thi sự bố thí, để rồi thông qua đó, mình được biết đến với danh nghĩa một người tốt, bao dung, rộng lượng, biết chia sẻ hay đánh bóng tên tuổi với một mục đích cá nhân nào đó… thì thật tội nghiệp cho người nhận bố thí quá! Đừng làm cho họ vốn đã bất hạnh càng thêm đắng cay tủi hổ vì bị tổn thương với hành động tưởng chừng nhân đạo mà trở thành vô cùng phi nhận đạo của người bố thí đặt trên nền tảng của tâm tham cầu! Chính vì lẽ đó, Ngài Dalai Lama mới có lời nhắc nhở này.

Bố thí  không phải để người khác yêu quý

Bố thí là một việc lành, hẳn được nhiều người có tâm lành thương yêu, quý mến. Đây là lẽ tất nhiên rồi, nhưng về phía người thí, mong cầu điều ấy thông qua việc bố thí lại đánh mất đi ý nghĩa và lợi ích của việc này. Người bố thí với mục đích lấy lòng người khác, để người khác yêu quý là đi ngược với tinh thần bố thí trong sạch của đạo Phật, là đang xin và chờ nhận sự bố thí về tình cảm mến yêu của người khác. Vậy thì trong việc này, ai là người thí, ai là người nhận bố thí? Đây là  một sự trao đổi mà thôi! Chúng ta muốn trở thành một người bố thí thuần túy thì sự thực thi ấy phải xuất phát từ nguồn tâm thật yên tĩnh, trong sáng và vô tư tuyệt đối, không mong cầu gì cả, dù chỉ một mảy may. Điều này nói thì dễ mà làm thì muôn trùng gian khó, vì tâm con người vốn chỉ biết sống cho mình, nghĩ cho mình và muốn lợi ích cho mình mà thôi. Là con người bình thường, ai cũng lấy bản ngã mình làm tâm điểm và mọi thứ khác đều được đặt trên hệ quy chiếu này để phục vụ cho bản ngã ấy. Chỉ khi nào vượt ra khỏi hấp lực của năng lượng yêu mến bản ngã, cái chất keo bao bọc bản ngã tan loãng ra, suy nghĩ và hành động của mình mới có thể chạm đến trái tim người khác và điều này làm ta có hạnh phúc thật sự trong cuộc sống này. Khi ấy, việc gì ta làm cũng trở nên thanh tịnh và trọn vẹn.

Đạo đức là lòng quyết tâm giúp đỡ người khác

Sự quyết tâm làm một việc gì thể hiện tâm huyết, nhiệt huyết và cương quyết ta đặt trọn vẹn vào đó. Khi giúp người với sự quyết tâm, ta đã đặt trọn vẹn tâm mình vào việc bố thí và đây là biểu hiện của đạo đức. Người sống đạo đức là người không lợi dụng người khác để đem lại lợi ích cho mình trên danh nghĩa làm từ thiện. Ngày nay, hai chữ “từ thiện” bị lạm dụng nhiều và mất đi ý nghĩa cao đẹp vốn có của từ này. Nếu vì động cơ trục lợi và ham danh, rồi từ danh ấy đưa đến lợi nhiều hơn, thì việc bố thí, từ thiện phản tác dụng hoàn toàn. Đây không phải là giúp người khi danh nghĩa là “ta nuôi trẻ mồ côi” mà thực chất thì “trẻ mồ côi nuôi ta”. Có khi động cơ để bố thí, làm từ thiện ban đầu là trong sáng và có ý nghĩa tích cực, thế nhưng, khi đã lao vào công việc, nhất là bố thí, từ thiện trở thành một hoạt động chuyên nghiệp, khi tiếp xúc với tiền bạc, vật chất, với sự lôi cuốn, quyến rũ của danh và lợi, ta không giữ được “bình tĩnh”! NT Huỳnh Liên từng viết “Nhưng trong cõi trần ai bụi bặm; Giữ làm sao khỏi lấm tấc son” là vậy. Chỉ những người có đạo đức thanh cao mới tận tâm, tận lực giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện. Sự thuần khiết trong tâm hồn là nguồn năng lượng thiện lành để nuôi dưỡng sự quyết tâm giúp người. Chỉ có sự quyết tâm cao độ mới giúp người bố thí vượt qua những trở ngại, khó khăn trên con đường làm thiện, nuôi dưỡng tâm thiện của mình.

Tình thương yêu: đưa người xích lại gần nhau

Sự bố thí đích thực không mong chờ lợi lộc, không thích được ghi nhận, không vì tiếng khen tặng, cũng không dòm ngó xem của bố thí của mình được người khác sử dụng ra sao. Động cơ thúc đẩy sự bố thí phải là lòng thương yêu, trắc ẩn và thấy việc bố thí là bổn phận, trách nhiệm làm người của mình. Khi lòng yêu thương là chất liệu hàn gắn thương đau nơi người bất hạnh, là sợi dây liên kết thắt chặt tình người thì bố thí trở thành một phương tiện như chiếc cầu nối cảm thông giữa người và người trong xã hội cộng sinh này. Khi thấy sự khổ đau của người khác, ta cảm được, tâm chùng lại, tim co thắt, khóe mắt cay cay… và từ trong đáy lòng, ta có một động lực thôi thúc cần phải làm gì đó để giúp người ấy vơi đi nỗi khổ niềm đau, ta biết đó là biểu hiện của tình thương yêu đích thực. Tình thương yêu chân thật xuất phát từ đáy con tim, là một dòng năng lượng tích cực, tạo ra một từ trường an lành làm rung động trái tim người khác trong vòng từ trường này. Chính vì vậy, tình yêu thương đích thực là một thỏi nam châm hút người khác về phía mình. Điều này dễ hiểu thôi, người có tâm từ bi tạo cảm giác thân thiện, dễ gần đối với người khác. Sự bố thí xuất phát từ lòng yêu thương sẽ xóa nhòa ranh giới giữa ta và người, làm cho con người xích lại gần nhau một cách tự nhiên không hề khiên cưỡng.
Bố thí có khi là tiền bạc, vật chất, có khi là thời gian, có khi là một lời khuyên và có khi đơn giản chỉ là sự hiện diện của mình và im lặng lắng nghe thôi, nhưng tất cả đều cần được thực thi từ tấm lòng yêu thương chân thật của mình thì sự bố thí ấy mới trọn vẹn ý nghĩa, là hiện thân của đạo đức làm người. NT Huỳnh Liên từng dạy, “Cách cho hơn của đem cho; người tốt hơn là vật tốt”. Đây là điều ta cần nhớ để việc làm của mình không phản tác dụng. Nếu cho không đúng cách, ta ngậm ngùi cay đắng khi nhận ra việc ta làm không đưa đến kết quả như ý. Cho và  nhận sẽ viên mãn khi mọi thứ làm bằng sự tận tâm vậy.