Thursday, March 20, 2014

THIỆN, MỸ VÀ CHÂN (Kỳ 3)

Tác giả: Bhikkhu Bodhi
Người dịch: Hằng Như
Mỹ
Theo Đức Phật, Thiện hay sự trong sạch về đạo đức là nền tảng, một nền tảng không thể tách rời của chân hạnh phúc. Thế nhưng, để có hạnh phúc thật sự, chỉ một yếu tố Thiện thì không đủ. Để tìm được hạnh phúc bền vững hơn và ở cung bậc sâu hơn, chứ không chỉ thông qua đạo đức thiện lành, chúng ta phải bước thêm một bước nữa. Điều này đưa chúng ta đến thành tố tiếp theo của hạnh phúc, thành tố mà tôi gọi là ‘Mỹ’. Tôi không dùng từ này để chỉ vẻ đẹp cơ thể, hoặc chỉ cho khuôn mặt đẹp hay thân hình dễ thương, mà tôi muốn nói đến vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn. Trong lời Đức Phật dạy, dấu hiệu chân xác nhất để chỉ cho cái đẹp là vẻ đẹp của tâm.  Chính vì vậy mà A-tỳ-đạt-ma (abhidhamma) dùng các thuật từ sobhana cittas (tâm tịnh hảo) và sobhana cetasikas (tâm sở tịnh hảo) để chỉ cho các trạng thái tâm đẹp và các yếu tố tâm đẹp. Trên con đường đi đến hạnh phúc và bình an,  chúng ta cần khơi dậy các đặc tính đẹp này.


Để phát triển các trạng thái tâm đẹp và ý thức đẹp, chúng ta bắt đầu với các đặc tính căn bản làm nền tảng cho đạo đức. Các đặc tính này vốn có trong cá các trạng thái tâm đạo đức, và như vậy tâm đạo đức là bệ phóng để chúng ta vươn đến cái Mỹ. Mỹ đúng nghĩa không thể có được bằng các trạng thái tâm không thiện. Tuy nhiên, để đi được xa hơn trên con đường Mỹ, chúng ta cần có chủ tâm thanh lọc các trạng thái tâm về phương diện đạo đức để vươn đến đỉnh cao hơn không phải chỉ nhờ tuân giữ các giới điều về đạo đức mà được. Trong quá trình này, các đặc tính của tâm mở rộng ra, trở thành sức mạnh, cao quý và thánh thiện. Người thực hành đi vào toàn bộ phong cảnh mới lạ trong thế giới quan Phật giáo, không thể cảm nhận bằng kinh nghiệm thông thường (kaamadhaatu) mà chúng ta sử dụng hằng ngày, nhưng ở cảnh giới thanh tịnh (ruupadhaatu) chỉ có thể đạt được qua các tầng thiền.

Đức Phật dạy nhiều cách để phát triển tâm đẹp, bao gồm cả các phương pháp thực hành thiền trên các đĩa nhiều màu sắc gọi kasinas, chánh niệm trên hơi thở, tư duy về Tam bảo – Phật, pháp và tăng và nhiều đề mục khác. Một nhóm các đề mục thiền định thường được đề cập trong kinh điển là phát triển bốn thái độ cao thượng gọi là ‘phạm trú’ (brahma-vihaara): từ, bi, hỷ và xả. Các thái độ này cần được phát triển đến mức không có giới hạn, đối với tất cả chúng sanh không có sự phân biệt nào. Các yếu tố này được xem là các đặc tính tự nhiên của một chúng sanh ở cõi trời Phạm thiên, và như thế thực hành thiền định là phát triển tâm để an trú tâm ở cảnh giới phạm thiên.

Yếu tố đầu tiên là phát triển tâm từ, mettaa, và tôi sẽ giải thích phương pháp phát triển tâm từ ở đây. Đặc điểm của tâm từ là mong muốn sự an vui và hạnh phúc đến cho người khác và lòng mong muốn này phát triển rộng khắp bao trùm tất cả chúng sanh. Đặc tính này, một cách tự nhiên, ngầm chứa các nguyên tắc đạo đức, thế nhưng ở giai đoạn thực tập này, chúng ta không chỉ quan tâm đến sự an lạc và hạnh phúc của người khác, xem đó là nền tảng để hành động. Chúng ta cần thực tập tâm từ để làm tâm mình thanh tịnh, làm cho tâm tỏa sáng, đẹp và cao thượng. Như vậy chúng ta thực hành tâm từ như là một cách trau luyện có chủ tâm trong thiền định.

Để thực hành tâm từ, chúng ta chia con người ra thành bốn nhóm: bản thân mình, rồi đến một người thân, một người bình thường và cuối cùng là một người thù ghét. Người thực hành trước hết nghĩ về chính bản thân mình, mong muốn mình được an lạc và hạnh phúc, nghĩ rằng “mong tôi khỏe mạnh, mong tôi được hạnh phúc, mong tôi thoát khỏi mọi nguy hiểm và khổ đau.” Bạn lấy mình làm ví dụ cho người muốn an lạc và hạnh phúc, và bạn sử dụng mình như là trạm để phát tán cảm giác yêu thương đến người khác. Bắt đầu với mong muốn bản thân mình an lạc và hạnh phúc, chúng ta sẽ hiểu người khác cũng mong muốn an lạc và hạnh phúc như thế nào, như vậy chúng ta học cách mở rộng tâm mong muốn an lạc hạnh phúc cho người khác.

Chúng ta có thể trải lòng thương một cách tự nhiên, ấm áp, sinh động đối với bản thân mình. Để điều này được thực hành dễ dàng hơn, bạn có thể bắt đầu với hình ảnh bản thân mà mình nhận thấy được. Hãy xem mình như thể đang soi gương, mỉm cười hạnh phúc, làm cho hình ảnh của mình thấm nhuần tư tưởng “mong tôi khỏe mạnh, mong tôi được hạnh phúc, mong tôi thoát khỏi mọi nguy hiểm và khổ đau.” Khi thực hành đạt đến một mức độ nào đó đủ khả năng làm cho tình thương lan tỏa khắp người, tức là lúc bạn cảm nhận có một tia tình thương ấm áp đi ra khỏi tâm và thấm nhuần thân thể mình, bạn có thể hướng tâm thương yêu đến những người khác theo từng nhóm chúng ta chia ra ở trên.

Bắt đầu trải tâm từ đến một người thân, một người mà bạn xem là một người bạn thật sự. Tuy nhiên, bạn không nên chọn người có quan hệ tình cảm quá thiết thân với bạn, như chồng hay vợ, bạn gái hay bạn trai, cũng không nên chọn con của bạn. Trong những trường hợp này, sự gắn bó tình cảm có thể ngụy trang và tưởng đó là tâm từ và làm chệch hướng thực hành thiền định. Thay vào đó, bạn nên chọn một người như một thầy/cô giáo khả kính hoặc một người bạn thân, người mà mình có ảnh hưởng và tôn trọng, nhưng không cột vào mối quan hệ tình cảm.

Hãy mời người thân thiện này vào trong tâm bạn, và rồi tạo ra, củng cố và phát triển lòng mong muốn sự an lạc và hạnh phúc đến với người bạn mình. Khi bạn thành công trong việc làm cho lòng thương yêu lan tỏa rộng đến bạn mình, từ sâu thẳm trong lòng, bạn mong muốn bạn của mình được an lạc và hạnh phúc.

Tiếp đó, bạn nên chọn một người không thân không sơ để thực hành. Đó có thể là người mình gặp lướt qua trên đường mỗi ngày, hay người đưa thư, hay người bán hàng ở chợ, hay người tài xế xe buýt mà mình đi trên đó đến nơi làm việc mỗi ngày; một người nào đó chúng ta thấy thường xuyên đủ để biết mặt, nhưng người này và mình không có mối quan hệ cá nhân nào. Mình cần có thái độ hoàn toàn trung tính với người này: không thân thiện cũng không thù ghét.

Bạn cứ xem người này là một con người, như bản thân  mình vậy. Cất bước trên con đường thiền định, bạn cần quán chiếu rằng “ví như bản thân tôi muốn an lạc và hạnh phúc, người này cũng muốn an lạc và hạnh phúc.” Nói một cách hình tượng, bạn đem tâm bạn ra khỏi thân thể rồi đặt vào bên trong lớp da của người khác. Bạn thử cảm nhận thế giới qua con mắt của người không thân không sơ. Ý tôi không phải nói rằng bạn nên làm việc này với năng lực thần thông luyện được, hay có khả năng đọc được tâm ý người khác mà bạn nên dùng trí tưởng tượng của mình để cảm nhận điều này sẽ như thế nào với người mà mình xem là trung tính. Điều này cho phép bạn cảm nhận rằng người mà được gọi là ‘trung tính’ không phải là một người vô danh, mà là một con người giống như mình, cũng có ham muốn giống như mình là mạnh khỏe và hạnh phúc, cũng có điều không thích giống mình là chịu khổ đau.

Sau khi tưởng tượng đổi vai đồng hóa cá nhân mình với người kia, bạn trở về lại với chính con người mình, để rồi khởi tâm nghĩ rằng “cầu mong người này khỏe mạnh, mong người ấy được hạnh phúc, mong người thoát khỏi mọi nguy hiểm và khổ đau.”  Bạn tiếp tục làm cho tâm niệm yêu thương này lan tỏa khắp người không thân không sơ ấy với tia mong muốn ấm áp và rực rỡ rằng người ấy được an lạc và hạnh phúc.

Khi bạn đã thực hành thành công với người không thân không sơ, đối tượng bạn chọn tiếp theo là một người mình xem là kẻ thù: một người mình căm ghét, một người mà hễ thấy mặt họ là mình nổi giận lên. Bạn đặt mình vào vị trí người này, và thử cảm nhận thế giới từ quan điểm của người đó. Bạn sử dụng cùng phương pháp ‘hoán đổi nhân thân’ như tôi đã giải thích trong trường hợp người không thân không sơ. Thế rồi, khi tâm bạn trở nên nhẹ nhàng, nhu nhuyến với những quán chiếu như vậy, bạn trải lòng thương yêu đến người mình ghét.

Trải lòng thương đến một người thù hận thường là rất khó, vì lý do này, Đức Phật dạy nhiều phương pháp khác nhau để bỏ đi những ác cảm đối với những người như vậy. Nếu chúng ta khéo áp dụng những phương pháp này, với sự cân bằng hợp lý giữa kiên nhẫn và nỗ lực, rốt cuộc chúng ta cũng vượt qua được những ác cảm đối với người oán hận. Tiếp đến, bạn có thể trải tâm mong muốn hạnh phúc thật sự đến với người này, cho dù người ấy, tạm thời vẫn còn ích kỷ và độc ác. Bạn nên duy trì sự nỗ lực của mình cho đến khi bạn nhận thấy bạn có sự quan tâm sâu sắc và thật lòng đến an lạc và hạnh phúc của người mình oán ghét. Thế rồi bạn trải tâm yêu thương đến người đó, tiếp tục làm như vậy cho đến khi nào bạn cảm thấy người thù ghét đó như một người bạn.

Như vậy, một người học trải tâm thương yêu đến bản thân mình, rồi đến một người thân, một người không thân không sơ và một người kẻ thù. Qua thực hành, chúng ta sẽ đạt đến một mức độ là có thể trải lòng yêu thương đến tất cả mọi người một cách bình đẳng, không khác biệt, không phân biệt. Kinh điển Phật giáo gọi giai đoạn này là ‘phá vỡ các giới hạn’ vì người ấy không còn dựng lên bất cứ một giới hạn nào giữa mình và người, hoặc giữa những người bạn, những người không thân không sơ và kẻ thù.

Sau khi củng cố giai đoạn không phân biệt giữa những người khác nhau bằng cách thực hành như vậy, tiếp đến, chúng ta bắt đầu mở rộng lòng thương càng lúc càng rộng cho đến khi lòng yêu thương ấy ôm ấp tất cả chúng sanh. Chúng ta trải lòng thương đến tất cả mọi người nơi tỉnh thành mình ở, rồi quốc gia, châu lục mình ở, rồi trải đến các châu lục khác rồi đến toàn thế giới, tất cả những người với các màu da trắng, nâu, đen và vàng; nam, nữ và trẻ em, không giới hạn, rồi chúng ta trải tâm đến khắp chúng sanh, trong tất cả các cảnh giới sống.

Trong bài kinh ‘Tâm từ’ nổi tiếng, Đức Phật dạy rằng, như người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình, dù có nguy hiểm đến tính mạng, cũng như vậy, một người tu tập tâm từ trải lòng thương đến tất cả chúng sanh. Bằng cách này, một người chuyển hóa lòng thương yêu từ giai đoạn không phân biệt thành lòng thương yêu thật sự rộng khắp, đó là thể hiện đặc tính ôm ấp tất cả của tâm.

Sự phát triển lòng thương yêu này đem lại vẻ đẹp tâm hồn và chính vẻ đẹp tâm hồn là một trong những yếu tố đưa đến chân hạnh phúc và bình an. Khổ đau, không hài lòng và không toại nguyện sinh khởi từ tâm ô nhiễm, gọi là kilesas. Khi chúng ta phát triển thiền định về tâm từ, đặc tính thiện lành của tình yêu thương thuần tịnh sẽ mở rộng cho đến khi nó trở thành không giới hạn, xua tan bóng tối của nhiễm ô. Khi nhiễm ô được xua đuổi, nhiều đặc tính thanh tịnh và tuyệt vời của tâm như: niềm tin, chánh niệm, an tịnh, định tĩnh và xả ly đơm hoa kết trái. Những đặc tính thanh tịnh này sẽ song hành cùng niềm vui, hạnh phúc và bình an ngay cả trong những điều kiện ngoại cảnh khó khăn. Ngay cả khi người khác đối xử với mình rất cay nghiệt, ngay cả khi sống trong môi trường khó khăn nghiệt ngã, chúng ta vẫn giữ tâm an lạc và hạnh phúc. Do đó, thành phần thứ hai của hạnh phúc là Mỹ, cái đẹp của tâm, và một cách trau giồi cái đẹp của tâm rất hiệu quả là thông qua thiền định về tâm từ vô lượng (mettaa-bhaavanaa).

Khi tâm trở nên ổn định và trong sáng, hành giả học cách duy trì sự chú ý trên một đối tượng, bằng sự nỗ lực của tâm, người ấy tiến vào các tầng thiền cao hơn gọi là định (samaadhi). Với sự thực hành liên tục, nếu nội lực vững chãi, hành giả có khả năng đạt được những trạng thái tâm cao thượng gọi là thể nhập thiền quán. Có bốn trạng thái như vậy, với các đặc tính là tối lạc, tối thượng và an tịnh và trạng thái chứng đạt này làm cho tâm thức phấn chấn và đạt đến các bậc thiền cao thượng hơn hẳn những gì thuộc về kinh nghiệm giác quan. Các trạng thái này là đỉnh cao của tâm thức đẹp và dấu hiệu chỉ cho sự chứng đạt hoàn toàn về cái Đẹp là kinh nghiệm sống. Bàn luận đầy đủ về các vấn đề này cần một cuộc thảo luận chi tiết, nhưng những gì vừa trình bày cũng đủ để nói rằng thực hành thiền định về tâm từ giúp cho hành giả chuẩn bị tâm cho sự chứng ngộ.
(còn nữa)