Cách đây 26 thế kỷ, thái tử
Siddattha đã sanh ra tại vườn Lumbini. Lớn lên trong cung vàng điện ngọc, nhưng
rồi sau khi cảm nhận sâu sắc những bức bách của thân phận con người, thái tử
khước từ tất cả những lạc thú trần gian vốn giam hãm kiếp người trong bốn tường
thành của ăn, mặc, ở, bệnh. Ý thức được nỗi khổ đau mà kiếp sống nhân sinh gánh
chịu, Ngài quyết chí thoát trần, ra đi tìm đường thoát khổ khi ở tuổi thanh
xuân. Tràn đầy nhiệt huyết, nghị lực phi thường của tuổi trẻ, Đức Phật nỗ lực
tìm cầu chân lý giác ngộ. Với tuổi trẻ, Ngài đã thành tựu đạo quả giải thoát.
Với sức trẻ, Ngài đã dấn thân trên con đường hoằng hóa. Hơn ai cả, Ngài hiểu được tiềm năng của tuổi
trẻ. Hơn ai cả, Ngài biết được những gì tuổi trẻ có thể làm. Hơn ai cả, Ngài
biết sử dụng tuổi trẻ một cách ý nghĩa nhất. Hơn ai cả, Ngài khuyến khích mọi
người đừng lãng phí tuổi trẻ của mình.
Trải nghiệm tuổi trẻ của Đức Phật
Một năm khởi đầu từ mùa
xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là tuổi có công lực mạnh mẽ nhất
để có thể làm nên sự nghiệp cho một đời người. Chính bản thân Đức Phật, Ngài
thoát khỏi ngục vàng “khi tuổi còn trẻ, tóc đen nhánh, với tuổi thanh xuân đầy
nhựa sống” (Trường bộ kinh, số 4: Sonadanta; số 5: Kutadanta), là một điển
hình sinh động về tiềm năng của tuổi trẻ. Sự mô tả này còn có thể gặp trong kinh Thánh cầu, Trung bộ kinh số 26,
rằng “khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen
nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc
dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp
áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy,
một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ.”
Với tuổi trẻ, Ngài có thể
trải qua 6 năm ròng thực hành khổ hạnh đến cùng cực. Thử nhớ lại những hình
thức khổ hạnh được Đức Phật diễn tả lại trong Đại kinh sư tử hống, số 12 Trung
bộ kinh, như ngày ăn một hạt đậu hoặc một hạt mè (Ngài còn nhắc là đừng có
tưởng hạt đậu, hạt mè thời ấy lớn hơn hạt đậu, hạt mè bây giờ, nó cũng giống
vậy thôi), thì chỉ có sức trẻ mới chịu đựng nổi.
Với tuổi trẻ, cùng nỗ lực
phi thường một cách có nghệ thuật, để rồi Ngài chứng đạt chân lý giải thoát.
Ngài đã ngồi yên dưới cội bồ đề theo sự mô tả trong kinh sách là suốt 49 ngày đêm, để vượt qua già, bệnh, chết, sầu, ô
nhiễm và chứng đạt “vô thượng an ổn khỏi các khổ ách” (Kinh Thánh Cầu, trung bộ kinh số
26).Với sức trẻ, Ngài nỗ lực tinh chuyên thiền định, tu tập thân và tâm
đúng theo pháp của bậc thánh (Đại kinh Saccaka, kinh số 36 Trung bộ kinh).
Với tuổi trẻ, Ngài thành lập
ra một tôn giáo giải thoát cho đời và lan truyền rộng rãi khắp nơi vượt qua
không gian và thời gian. Đạo Phật hình thành trên đất Ấn với chủ trương công
bằng, bình đẳng xã hội, bình đẳng giới tính, đặt trọng tâm vào nỗ lực cá nhân… như một cuộc cách mạng vĩ đại thời ấy.
Do vậy, Ngài gặp vô số chướng ngại trên con đường hoằng hóa từ nội bộ đệ tử
cũng như từ ngoại đạo. Với sức trẻ, Ngài kiên định trên bước chân hoằng hóa và
tuyên bố “ta không tranh cãi với đời” (Kinh
Trung bộ, tập I, Kinh số 18: Kinh Mật hoàn). Mỗi ngày, Ngài đều tinh
tấn trên bước chân du hóa. Nếu gặp người nào có duyên hỏi đạo, hoặc ngươi nào
Ngài thấy đủ duyên để độ, Ngài liền đến đó để nói pháp giáo hóa. Thế đấy, Ngài
ra đi, mặc cho cái nắng chói chang như đổ lửa trên đầu, Ngài vẫn cứ kiên trì
giữa bụi đường mù mịt. Mãi cho đến chiều tối, Ngài dừng bước nghỉ ngơi. Nếu có
ngôi làng hay ngôi rừng nào gần đấy có thể nghỉ tạm qua đêm, Ngài nghỉ ở
đấy, có lúc Ngài lót lá trong rừng nghỉ lưng như vậy trong tiết mùa đông lạnh giá
với cảnh màn trời chiếu đất (Kinh Tăng chi bộ, tập I, chương 3 pháp, phẩm
4, mục 34: Về Alavī).
Với sự cống
hiến của sức trẻ, Đức Phật đã làm một sa môn học đạo, tu đạo, thành đạo và hành
đạo một cách hiệu quả. Từ kinh nghiệm bản thân, Ngài dạy rằng “Còn với tỳ kheo trẻ ; Nồng cháy với nhiệt tình, Nhưng không
con, không cái, Không của cải truyền thừa, Không con, không thừa tự, Như thân
cây tala.”(Tương ưng bộ kinh, tập I, chương III, Phẩm 1, mục 1). Do đó, trong giáo lý Ngài dạy, chúng ta thấy
Ngài rất coi trọng về tuổi trẻ. Ngài nói có bốn thứ trẻ không nên coi thường,
đó là: vua trẻ tuổi, tỳ kheo trẻ tuổi, đóm lửa nhỏ và con rắn nhỏ” (Tương ưng
bộ kinh, tập I, chương III, Phẩm 1, mục 1).
Tâm lý chung của con người: thích hưởng thụ
Dù ở độ tuổi nào, con người
ta thường có cảm giác mình hãy còn trẻ nên có tâm lý “hẹn lần hẹn lữa” với
những việc cần làm. Lúc nào chúng ta cũng cho mình cái ‘quyền’ nghĩ rằng : mình
còn nhiều thời gian nên chưa cần phải vội, hưởng thụ những niềm vui thế gian
thêm thời gian nữa rồi hãy gác lại tu tập cũng không muộn. Trên lý thuyết,
chúng ta vẫn hiểu vô thường là quy luật chung, song trên bình diện trải nghiệm
thực tế, từ sâu thẳm trong tâm thức, ta vẫn tin rằng vô thường có đến với ai
chứ cũng chưa đến với mình. Năm dài tháng rộng,hãy để đó, chúng ta vẫn còn
nhiều thời gian để hưởng thụ mà. Phải chăng vì tập khí sanh tử lâu đời chúng ta
không nhận chân được bản chất vô thường của cuộc sống? Biết khi nào là ‘sớm’
hay ‘trễ’?
Chỉ khi nào hành giả thấy nguy
hiểm trong các dục mới có thể dốc tâm hướng đến sự xuất ly, tịnh tín, an trú,
giải thoát, và đây là điểm khác nhau căn bản giữa người xuất gia và người gia
chủ.“ Đối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là
những gia chủ, thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ
các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy
vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các
Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì
được thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác
trong Pháp và Luật này giữa các Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất
ly này”. (Tăng chi bộ kinh, chương IX, phẩm 4, kinh số 41)
Ác ma luôn hiện hình dụ dẫn
đệ tử Phật trên con đường tinh tấn, tận dụng sức trẻ để tu học. Ma ăn, ma ngủ,
ma ngũ dục… là những bản năng mang tính hạ liệt, trong khi đó, muốn thực hành
pháp phải dõng mạnh đi ngược lại con lốc xoáy của bản năng. Với chư tỳ kheo đệ
tử Phật không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, ác ma đội lối bà-la-môn dụ rằng “Chư Đại đức xuất gia quá trẻ, niên thiếu,
tóc còn đen nhánh, trong tuổi thanh xuân, trong thời trẻ thơ của tuổi đời,
không thọ hưởng các dục. Chư Đại đức hãy thọ hưởng các ái dục của con người,
chớ có bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối.”
Chư vị đáp: “Này Bà-la-môn, chúng tôi không bỏ hiện tại
và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Bà-la-môn, chúng tôi bỏ
những gì bị thời gian chi phối và chạy theo hiện tại. Này Bà-la-môn, Thế Tôn đã
nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, tai họa ở
đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi
phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, và chỉ người trí mới tự mình
giác hiểu” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương IV, phẩm 3: Đa số).
Tuổi trẻ không chờ đợi ai
Đã là con người, có sinh ra
trên thế gian này, tất nhiên theo quy luật, sẽ hoại, sẽ diệt khi không còn đủ
duyên duy trì thể trạng một “con người” đúng nghĩa. Song khi nào? Không ai biết
chắc được. Đâu phải chỉ có những chiếc lá vàng khô mới rời cành. Có những chiếc
lá non còn xanh đã vội xa cành rơi xuống đất đấy chứ. Nghĩa địa biết bao người
chết trẻ? Bệnh viện đâu chỉ dành cho người già? Mọi hiện tượng trên thế gian
này đều không chắc, chỉ có một hiện tượng chắc chắn, đó là chết. Chết là một sự
thật không ai chối cãi được. Đức Phật đã khẳng định điều này biết bao lần trong
nhiều bài kinh (kinh số 10, 13, 22, 54, 75, 119 trong Trung Bộ; kinh số 22 Trường bộ;
Tương ưng bộ kinh, tập V, Chương IV, phẩm V: Về già; Tương ưng bộ kinh, tập I,
chương III, phẩm 1: vua, Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XI, phẩm 6:Bị bệnh; Tăng chi bộ
kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 51, chương III, phẩm VII, kinh số 62, chương
IV, phẩm XIII, kinh số 122; vv). Do đó, cuộc sống của chúng ta
vốn có giới hạn. Đối với người sống thọ chăng nữa, giới hạn đó tối đa cũng chỉ trên dưới 100 năm cho một
kiếp sống con người, “Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không
bỏ sót ai” (Tương ưng bộ kinh, tập V, Chương V, Phẩm Về già) hoặc thọ như
tổ mẫu của vua Pasenadi nước Kosala thọ 120 tuổi rồi cũng kết thúc bằng cái
chết (Tương ưng bộ kinh, Tập I, chương III, phẩm 3, kinh số 2: Tổ mẫu). Thế rồi, theo quy luật, thân tứ
đại sẽ trả về với tứ đại, tâm theo nghiệp lực luân chuyển xuống lên tùy tư
lương mình tích lũy được trong kiếp sống này cũng như tiềm tàng trong nhiều
kiếp sống trước. Người nào ý thức thời gian mình sống có hạn, người ấy sẽ trân
quý tuổi trẻ mình đang có, trân quý thời gian mình được dành cho để sống trọn
vẹn ý nghĩa một kiếp người.
Tuổi trẻ qua đi thì lực bất tòng tâm
Có
được thân người còn khó hơn cả con rùa mù sống trong biển cả, một trăm năm mới
nổi trên mặt biển một lần mà chui vào được lỗ bộng một thân cây trôi dạt trên
biển (Tương ưng bộ kinh, tập V,
chương 12: Phẩm 5:, mục 47: Lỗ khóa). Hiểu được điều này, chúng ta cần
trân quý tuổi trẻ hơn và tận dụng sức trẻ để sống xứng đáng một kiếp người. Nhiều kinh
điển ghi nhận rằng, Đức Phật luôn nhắc nhở con người nên sử dụng tuổi trẻ mình
có để hiện thực hóa những định hướng cuộc đời vì dòng sốngluôn vận hành, đừng
để thời gian và tuổi trẻ cứ trôi đi mãi. Tuổi trẻ đi qua, không bao giờ trở
lại, như triết gia Heraclitus từng nói, chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên
một dòng sông. Nuối tiếc không giúp được gì. Con người chỉ có thể xây dựng sự
nghiệp của mình ở tuổi thanh xuân. Đời cũng như đạo, ai cũng cần định hướng cho
mình một mục đích sống và dành năng lượng, sức trẻ để biến định hướng ấy thành
hiện thực sinh động. Chỉ có tuổi trẻ là thời kỳ sung mãn nhất để bước vững chắc
trên con đường mình đang đi, thực hiện hoài bão ởđời. Lời dạy của Đức Phật
trong kinh Pháp cú nhắc nhở chúng ta điều này:
“Lúc thanh niên cường tráng đã không kiếm ra tài của, cũng chẳng lo tu
hành, thì khi già cả chẳng khác gì con cò già bên bờ ao, chẳng kiếm ra mồi phải
khô héo chết mòn.
Lúc thanh niên cường tráng đã không kiếm ra tài của, cũng chẳng lo tu
hành, nên khi già nằm xuống, dáng người như cây cung gãy cứ buồn than về dĩ
vãng.”
(Pháp cú, kệ số 155, 156, H.T. Thích Trí Đức
dịch)
Không những đời này mà trong
các kiếp sống trước, Đức Phật cũng ý niệm được sự quan trọng của cuộc sống tuổi
trẻ, sự chắc chắn của cái chết. Ngài
nói: “đến một tuổi nào đó, ta sẽ chết. Ta
không biết thời nào ta sẽ chết. Thời ấy đối với ta bị che kín. Do vậy, trong
tuổi trẻ, ta hành trì sa môn pháp để chấm dứt khổ đau” (Câu
chuyện tiền thân, số 167). Thế đấy, mỗi ngày qua đi là mỗi lúc chúng ta
xích lại gần cái chết hơn. Tuy nhiên, chỉ có bậc giác ngộ giải thoát mới có thể
sống tri hành hợp nhất. Còn chúng ta, đến khi tuổi già đến, không còn sức khỏe
nữa thì mới tỉnh ra. Thế rồi ân hận và tiếc nuối vì một khoảng thời gian dài ta
phung phí năng lực và sức khỏe cho những việc không chính đáng.
Không
chỉ Đức Phật mà chư thánh đệ tử của Ngài cũng có kinh nghiệm tương tự như vậy.
Lấy trường hợp Angulimala làm điển hình. Với tuổi trẻ, Angulimala làm kinh
thiên động địa khắp thành Savatthi với sự hung bạo của một tên cướp giết người
không gớm tay. Với tuổi trẻ, Angulimala được Đức Phật cảm hoá, thay đổi tâm
tánh một cách đột biến và cũng với tuổi trẻ, Tôn giả Angulimala tu hành chứng
quả thánh. Bằng sự tự cảm nhận bản thân, Tôn giả nói bài kệ sau khi chứng quả
thánh:
Ai tỳ kheo còn trẻ,
Chuyên tâm hành Phật dạy,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che (Trưởng lão tăng kệ, số 873, H.T.
Minh Châu dịch).
Người trẻ
tuổi không lo tu học mà phung phí tuổi trẻ vào những việc làm vô bổ, Đức Phật
gọi là kiêu mạn tuổi trẻ, Ngài dạy “Say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này
các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời
nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời
nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác
thú, đọa xứ, địa ngục.” (Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm 4, kinh
số 39: Kiêu mạn).
Đức Phật
nói đến những trở ngại của người xuất gia lớn tuổi rằng: “Này các Tỷ kheo, thật khó tìm được một người xuất gia lớn tuổi lại
thành tựu năm pháp: một người xuất gia lớn tuổi lại tế nhị, có uy nghi tốt đẹp,
nghe nhiều, thuyết pháp, trì luật.”(Tăng Chi Bộ kinh, chương V, phẩm 6, kinh số
59: Khó tìm được). Điều này có nghĩa Ngài gián tiếp xác nhận, người
xuất gia trẻ tuổi dễ dàng hơn trong việc thành tựu năm pháp căn bản trên.
Cuộc sống vốn cho ta nhiều
bài học sinh động. Hãy nhìn những mảnh đời của bao người xung quanh, chúng ta
càng thấm thía hơn lời Đức Phật và chư thánh tăng dạy về tính chất vô thường
của cuộc sống. Những người nào tận dụng thời gian, sức lực của tuổi trẻ sung
mãn của mình để thành tựu mục đích cuộc sống là người biết cách đánh dấu tích
cực khi có duyên đến với cuộc đời này. Về già, những người như vậy thường thảnh
thơi nhẹ nhàng, đến lúc giã từ cuộc sống, họ an nhiên sau khi đã chu toàn phận
sự ở đời. Người chưa phát huy hết những gì mình có ở tuổi trẻ, thường nuối tiếc
về già. Tuổi trẻ qua đi như nước chảy về xuôi. Tiếc đấy nhưng biết làm sao hơn,
mình đâu có cơ hội quay ngược đồng hồ thời gian, ‘hoàn đồng’ thay da trẻ lại để
được bắt đầu cuộc sống thêm một lần nữa, để rồi tận dụng thời gian của tuổi trẻ
một cách hiệu quả hơn. Đến lúc chết vẫn còn bề bộn nhiều việc chưa hoàn thành,
bao kế hoạch còn dang dở, chưa sẵn sàng tâm thế vẫy tay chào tạm biệt thế gian,
làm sao an nghỉ? Như thế dù thân xác đã lìa khỏi dương trần, tâm thức không
khỏi mang theo nỗi lo âu, nuối tiếc để góp thêm năng lượng cho con tàu luân hồi
nhọc nhằn đi thêm vài ga tàu nữa trên lộ trình sanh tử.
Sử dụng tuổi trẻ để tu tập giới, định, tuệ
Biết được nghiệp chướng trầm
kha của chúng sanh, mãi đua chen trong trường đời danh lợi, chạy đua với thời
gian để bắt bóng hạnh phúc mà quên việc chuẩn bị tư lương cho đường đi trong
tương lai của mình, Đức Phật luôn nhắc nhở, phải hiểu được luật vận hành của
cuộc sống mà tận dụng tuổi trẻ để làm việc và tu tập. Có lần, thị giả Ananda
buồn khi thấy Đức Phật trở nên già hơn trước, Ngài dạy: “Này Ananda, tánh già nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe;
tánh chết ở trong sự sống.”(Tương ưng bộ kinh, tập V: Thiên Đại phẩm,
Chương V, Phẩm Về già). Lời dạy trên không chỉ nhắc nhở tôn giả Ananda
mà là cho tất cả. Nếu chịu khó suy ngẫm một tí, chúng ta sẽ không khó để cảm
nhận điều này. Thế nhưng, một khi bị cuốn vào các pháp chịu sự chi phối của
biến hoại, suy tổn, hoại diệt, ta lại quên đi sự thật này mà mãi thăng trầm
chịu sự chi phối của sầu, bi, khổ, ưu,
não. Đó là lý do Đức Phật khuyên nhắcnhiều lần trong kinh về sự suy hoại không
ai tránh khỏi của tuổi già. Ngài dạy: này các Tỳ kheo, hãy quán sát như sau: “Nay ta còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên,
tóc đen nhánh, trong buổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Nhưng rồi đến thời
già sẽ đến với thân này. Khi đã già yếu, và bị tuổi già chinh phục, thật không
dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các
trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không
đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời
ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng
đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị
già, ta sẽ sống được thoải mái” (Tăng chi bộ kinh, chương năm pháp, phẩm 8,
kinh số 78). Thế đấy, Đức Phật lúc nào cũng thương chúng sanh, như
người mẹ thương đứa con duy nhất của mình, đem những lời tâm huyết tự đáy lòng
ra để trao gởi một cách chí tình như vậy. Ở một bài kinh khác, Ngài lại nói về
năm điều bất lợi cho tinh cần: tuổi già, bệnh hoạn, đói kém, sợ giặc cướp và
tăng chúng chia rẽ; năm điều thuận tiện cho tinh cần: tuổi trẻ, mạnh khỏe, đầy
đủ vật thực, sống hòa thuận, hòa hợp (Tăng chi bộ kinh, Chương Năm pháp, phẩm VI,
kinh số 54 ). Trong năm yếu tố trên, Ngài đề cập đến sức khoẻ và tuổi
trẻ. Như thế đủ thấy Đức Phật muốn chư đệ tử Ngài làm gì để không uổng phí một
kiếp người. Điều quan trọng Ngài hướng đến là dạy cho mọi người biết hướng về
con đường lành, trở nên người trí, không bị dục vọng chi phối để thành những
người ‘trưởng lão’. Khái niệm ‘trưởng lão’ Ngài không dùng để chỉ cho người lớn
tuổi: Người lớn tuổi, 80 tuổi hay 90 tuổi, hay 100 tuổi đời, nếu người ấy thọ
hưởng các dục vọng, sống giữa các dục vọng, bị lửa nhiệt não của dục vọng đốt
cháy, bị các tư tưởng về dục vọng nhai nghiến, cố gắng tìm cầu các dục vọng;
người như vậy được gọi là kẻ ngu, không phải là bậc trưởng lão. Dầu cho một
người còn trẻ, một thanh niên trẻ trung với tóc đen nhánh, đầy đủ tuổi trẻ hiền
thiện trong thời sơ khởi của tuổi đời, mà người ấy không hưởng thọ các dục
vọng, không sống giữa các dục vọng, không bị lửa nhiệt não của dục vọng đốt
cháy, không bị những tư tưởng về dục vọng nhai nghiến, không cố gắng tìm cầu
các dục vọng; người như vậy được gọi là bậc có trí, bậc trưởng lão. (Tăng chi
bộ kinh, chương hai pháp, Phẩm 3: Người ngu, chương Bốn pháp, phẩm 3: Uruvela).
Theo lời Đức Phật dạy, trên
con đường tu tập, nên sử dụng tuổi trẻ của mình đểđoạn trừ lậu hoặc, thanh lọc
nội tâm, tu tập giải thoát. Điều Ngài muốn tuổi trẻ thấu hiểu và thực hành là
Tứ diệu đế, giáo lý cốt lõi trong lời dạy của Ngài, như là một nghệ thuật sống
để đoạn tận khổ đau. Giáo lý này Ngài giảng cho năm người bạn đồng tu trong bài
pháp đầu tiên ngay sau khi chứng đạo (Luật tang, tập IV, tr 13; Tương ưng bộ kinh,
tập V, Thiên Đại phẩm, chương 12: Tương ưng sự thật, Phẩm 2: Chuyển pháp luân). Hầu hết những bài pháp Ngài giảng sau
này trong cuộc đời hành đạo là sự mở rộng hoặc nhìn từ các phương diện khác của
giáo lý Tứ đế này mà thôi. Do vậy, Ngài nói: tất cả các dấu chân của các loài
động vật thâu nhiếp trong dấu chân voi, cũng như thế, tất cả các thiện pháp đều
thâu nhiếp trong giáo lý Tứ diệu đế (Trung bộ kinh, số 28: Đại kinh dấu chân voi).
Về phương diện thực hành, để hiểu Tứ đế, không có con đường nào khác hơn là tu
tập ba pháp: giới, định và tuệ. Đây là pháp hành duy nhất của Đạo Phật để đạt
đến an lạc, giải thoát. Tự thân Đức Phật và chư thánh đệ tử của Ngài chứng ngộ
chân lý cũng qua tiến trình này. Ngài cũng áp dụng phương pháp tu tập này để
dạy tuổi trẻ, cụ thể là Rahula, theo một trình tự khoa học,phù hợp với sự phát
triển theo lứa tuổi: nhận diện vấn đề, tìm ra nguyên nhân vấn đề, trạng thái
không còn vấn đề và phương pháp giải quyết vấn đề.
Quá trình tu tập giới, định
và tuệ được Đức Phật sử dụng dạy cho tuổi trẻ theo trình tự lứa tuổilà phương
pháp giáo dục được áp dụng hiệu quả mãi đến ngày nay. Với Rahula, đứa con duy
nhất của Thái tử Siddhartha lúc Ngài chưa thành Phật, gia nhập tăng đoàn từ lúc
lên bảy. Qua sự giáo dục của Đức Phật, tôn giả Rahula chứng quả thánh khi tôn
giả khoảng 21 tuổi. Những bài kinh trong Trung bộ và Tương ưng bộ kinh cho
chúng ta toàn cảnh về quá trình tu tập của tôn giả Rahula. Lúc còn nhỏ, dưới 10
tuổi, Đức Phật dạy Rahula giữ giới, nền tảng căn bản của cuộc sống phạm hạnh.
Một trong những giới quan trọng con người dễ mắc phải nhất là giới không nói
dối. Qua việc dùng chậu nước Rahula đem đến cho Ngài rửa chân, với phương pháp
hỏi đáp, Đức Phật đã dạy Rahula cách giữ giới để an trú trong sa môn hạnh. Ngài
nói: “đối
với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có
việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, ‘Ta quyết không nói láo, dầu nói
để mà chơi’, ngươi phải học tập như
vậy.” Thêm vào đó, qua ví dụ của cái gương là để phản chiếu, Ngài dạy
Rahula trong mỗi suy nghĩ, lời nói hay hành động, trước khi thực hiện, đang khi
thực hiện và sau khi thực hiện phải phản tỉnh, việc nào có lợi cho mình và cho
người thì hãy làm. (Trung bộ kinh, số 61: Kinh giáo giới Rahula tại rừng Ambala)
Đến giai đoạn thứ hai, khi
Rahula lớn hơn một chút, Ngài hướng dẫn Rahula tu tập thiền định. Đức Phật dạy
quán về các uẩn, giới. Trên cơ sở trưởng lão Sariputta dạy Rahula quán niệm hơi
thở, Ngài giảng rộng thêm về pháp tu tứ niệm xứ để Rahula luyện tập tâm định
tĩnh (Trung bộ kinh, số 62: Đại kinh giáo giới Rahula).
Ở giai đoạn cuối cùng, khi
Rahula trưởng thành, trở thành một vị tỳ kheo thọ đại giới rồi, Đức Phật hướng
dẫn tôn giả tu tập tuệ, quán ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã để đoạn tận lậu
hoặc, không còn chấp thủ. (Trung bộ kinh, số 147: Tiểu kinh giáo giới
Rahula, Tương ưng bộ kinh, tập II, chương 7: Tương ưng Rahula). Thế rồi
Đức Phật thường dạy tôn giả Rahula từ bỏ năm dục, để chấm dứt khổ đau (Kinh
tập, câu 337), thân cận với
bạn thiệnlành, thườngsống nơi các trú xứ xa vắng, viễn ly không ồn ào và tiết
độ trong ăn uống (Kinh tập, câu 338), không nên
tham ái vào các vật chất y áo, đồ khất thực, vật dụng và sàng tọa (Kinh
tập, câu 339),chế ngự trong giới bổn, phòng hộ các căn,
tu tập chánh niệm, sống ly tham (Kinh tập, câu 340). Nhờ những
lời chỉ dạy này, tôn giả Rahula sử dụng tuổi trẻ sung mãn của mình tinh tấn tu
tập, đắc quả thánh không bao lâu.
Tuổi
trẻ là bước ngoặt của một đời người, là tuổi có tiềm năng với nhiều thay đổi
đáng kể về tâm sinh lý. Chính đặc điểm này của tuổi trẻ, Đức Phật đã quyết định
lìa bỏ cung vàng điện ngọc để chọn riêng cho mình một con đường, con đường giải
thoát khổ đau, đem lại ánh sáng hào quang chiếu khắp muôn nơi trong suốt 26 thế
kỷ qua. Lời Đức Phật dạy, gương hạnh Ngài là bài học sống động, nhắc nhở chúng
ta hãy tận dụng thời giờ quý báu, sức khoẻ còn sung mãn của tuổi trẻ để chu toàn
bổn phận của một kiếp người, trước khi tuổi già đến. Tuổi trẻ đầy nhựa sống,
đầy nhiệt huyết và nghị lực. Chúng ta nên phát huy những gì mình đang có để
sống có ý nghĩa của một kiếp người. Thời gian và tuổi trẻ một khi qua
đi, không bao giờ trở lại.