ĐẠO PHẬT, SỨC KHỎE VÀ BỆNH TẬT
Tác giả: Pinit
Ratanakul (Tiến sĩ, hiệu
trưởng trường đại học Tôn giáo Mahidol, Salaya, Puthamoltoll 4, Nakornpathom, 73170,
Bangkok, Thailand).
Sức khỏe và bệnh tật là những trải nghiệm thông thường
của kiếp sống con người và là mối quan tâm đặc biệt của tôn giáo. Trong mỗi xã
hội, trên mỗi chặng đường lịch sử, tôn giáo đều hướng đến giá trị của an lạc và
sức khỏe, xem đây là điều tiên quyết để có một cuộc sống ý nghĩa. Tôn giáo cũng
đưa ra những phương tiện và giải pháp để giúp mọi người có sức khỏe tốt và có
khả năng chống chỏi với bệnh tật, hóa giải nỗi khổ niềm đau một cách có sáng tạo.
Nhiều người đồng ý rằng mạnh khỏe và an lạc không có nghĩa đơn giản là vắng mặt
khổ đau hoặc ít đi sự bất toàn, giảm bệnh tật và chết chóc, mà mạnh khỏe và an
lạc còn có nghĩa tích cực hơn những điều vừa nêu. Đến nay, vẫn còn nhiều tranh
cãi về nghĩa tích cực của khái niệm “sức khỏe”. Bài viết ngắn này bàn về sức khỏe
và bệnh tật theo quan điểm của đạo Phật. Nói chung, đạo Phật đã trải qua hơn
2500 năm lịch sử gắn liền với y học cả phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Là
một tôn giáo sống động, giáo lý đạo Phật ảnh hưởng nhiều đến cách nghĩ, cách
làm của người Phật tử đối với vấn đề sống và chết.
Tất cả chúng ta đều quan tâm đến sức khỏe vì đây là
giá trị của con người. Hy vọng rằng bài giới thiệu này là sự cống hiến của đạo
Phật với vấn đề đang thảo luận là định nghĩa khái niệm “sức khỏe” cũng như vai
trò, chức năng của các chuyên gia chăm sóc y tế hiện đại, những người đại diện
và có chức năng chăm sóc giá trị quý giá này ở con người.
Thế giới quan Phật giáo, lý duyên khởi và nghiệp quả
Thế giới quan Phật giáo nhìn vạn vật một cách toàn diện,
chủ yếu căn cứ trên niềm tin về sự tương duyên của tất cả các hiện tượng và
liên hệ tương quan giữa nguyên nhân và kết quả. Niềm tin này được thiết lập
trên nguyên lý duyên sinh và đây còn được gọi là định luật phụ thuộc lẫn nhau –
quan hệ nhân quả vận hành trong mọi hiện tượng, bao gồm vật lý, tâm lý và đạo đức. Trong thế giới vật
lý chẳng hạn, vạn vật trong vũ trụ liên quan chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ
nhân quả, không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc. Và thế giới dưới
lăng kính Phật giáo là một thế giới có cấu trúc hữu cơ trong đó tất cả các
thành tố đều phụ thuộc lẫn nhau. Xã hội con người cũng tương tự như vậy, mỗi
thành tố đều gắn kết chặt chẽ với nhau. Phương diện tâm lý cũng không khác,
thân và tâm không thể là những thực thể tách rời nhau mà liên quan duyên sinh
nhau trong cùng một hệ thống “con người”.[1] Thế giới
quan Phật giáo cũng bao gồm niềm tin về nghiệp báo – nguyên lý về mối quan hệ
giữa việc tạo tác và kết quả tương ứng. Trên phương diện đạo đức thì nguyên lý
duyên khởi vận hành theo một quy luật, gọi là luật nhân quả, về mối quan hệ hữu
cơ trên cơ sở nguyên nhân-kết quả.[2]
Điều này cho thấy rằng luật nhân quả trong đạo Phật
không hoàn toàn là thuyết định mệnh. Nếu chấp nhận thuyết định mệnh thì không
thể nào chúng ta đoạn tận được khổ đau. Một người xấu thường được gán cho là do
nghiệp của người ấy xấu. Thế nhưng không hẳn như vậy. Hậu quả của nghiệp có thể
giảm nhẹ đi không chỉ giới hạn ở đời này mà còn vượt ra khỏi đời này nữa vì
theo Phật giáo, cuộc sống không chỉ giới hạn ở sự tồn tại cá nhân và riêng lẻ.
Kiếp sống hiện tại chỉ là một phần của vòng luân hồi (samsara) kéo dài qua
không gian và thời gian. Một sự hiện hữu nào đó đều luôn được một chuỗi các yếu
tố lần lượt quy định và đến phiên nó, trở lại làm điều kiện để tạo nên nhiều sự
kiện diễn ra sau đó nữa. Sự tồn tại, trong cùng một thời điểm, vừa là quả của một
nhân đã tạo và là nhân đưa đến một quả khác. Chúng sanh bị giam cầm
trong vòng luân hồi của sự hiện hữu là kết quả từ chính hành động (nghiệp) của
mình, hoặc tốt hoặc xấu. Do nghiệp quy định, hình thức tồn tại của chúng ta
trong hiện tại có thể thay đổi hoặc biến mất cũng do nghiệp. Điều này có thể xảy
ra vì hiện tại không phải hoàn toàn là kết quả của nhân trong quá khứ. Hiện tại
là nhân đồng thời cũng là quả. Là quả, chúng ta bị quy định bởi các điều kiện
tương quan nhau xây dựng nên cuộc sống tương tục của chính mình về mặt sinh học
cũng như xã hội. Như thế, cuộc sống ấy chính là quả của hành động trong quá khứ.
Hiện tại của chúng ta là kết quả của chính những gì mình đã gây tạo trong quá
khứ. Là nhân, chúng ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Hiện tại chính là vật
liệu để xây dựng tương lai, mặc dù không
dễ nhận ra điều này. Với sự chọn lựa của mình, tương lai chúng ta phụ thuộc vào
hiện tại chúng ta đang làm gì và tương lai chúng ta sẽ làm gì.
Nguyên lý duyên khởi, sức khỏe và nghiệp
Với thế giới quan Phật giáo, sức khỏe và bệnh tật liên
quan đến toàn bộ thể trạng của một con người và đan quyện với nhiều yếu tố khác
như kinh tế, giáo dục, môi trường văn hóa và xã hội. Tất cả các yếu tố có tính
điều kiện này cần được xem xét đánh giá đúng mức khi tìm hiểu về sức khỏe và bệnh
tật. Sức khỏe, do đó, có thể hiểu trong một chỉnh thể trọn vẹn. Điều này nhấn mạnh
đến sự hòa hợp – hòa hợp trong chính con người mình, hòa hợp trong các mối quan
hệ xã hội và hòa hợp trong liên hệ với môi trường tự nhiên. Quan tâm đến sức khỏe
là quan tâm đến con người chỉnh thể, gồm có phương diện thân thể vật lý và tinh
thần, các mối quan hệ xã hội, gia đình và công việc, cũng như môi trường trong
đó người ấy sống và chịu sự ảnh hưởng tác động. Do vậy, hiểu sức khỏe trên mối
quan hệ với một số bộ phận nhất định của cơ thể thôi là phiến diện và đạo Phật
không chấp nhận quan điểm này. Với cách nhìn toàn diện của Phật giáo, bệnh tật
chính là biểu hiện của sự mất hòa hợp trong toàn bộ sự sống tổng thể ở con người.
Qua những triệu chứng của cơ thể, bệnh tật đã giúp chúng ta biết chú ý đến sự mất
hòa hợp này. Do đó, điều trị trong Phật giáo không chỉ là chữa trị các triệu chứng
có thể cân đo đong đếm. Đạo Phật chú trọng nhiều hơn đến sự nỗ lực trong việc kết
hợp giữa thân và tâm để vượt qua bệnh tật, chứ không phải chỉ chống chỏi với bệnh
tật bằng thuốc men. Mục đích thực tế của điều trị là giúp cho bệnh nhân có khả
năng trở về cuộc sống hài hòa trong chính con người họ, trong các mối quan hệ với
người khác và trong mối quan hệ với môi trường sống tự nhiên. Trong cách nhìn
này, trị liệu không phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để qua đó, với sự trợ
giúp của thuốc, con người nhận ra và duy trì được giá trị của sức khỏe và sự an
lạc.
Ngoài quan điểm tổng thể vừa trình bày, Phật giáo cho
rằng nghiệp là yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng sức khỏe và bệnh tật của
con người. Theo quan điểm của đạo Phật, sức khỏe tốt liên quan đến nghiệp tốt
đã tạo trong quá khứ và ngược lại. Sự lý giải sức khỏe và bệnh tật dưới lăng
kính nghiệp quả nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa đạo đức và sức khỏe. Sức khỏe phụ
thuộc vào lối sống của chúng ta, tức là tùy
vào cách nghĩ, cách cảm nhận và cách sống của mình. Bệnh là hậu quả của một lối
sống không lành mạnh, ví dụ, sống buông thả mê đắm trong dục lạc sẽ sinh ra bệnh.
Cách nhìn nhận theo quan điểm của đạo Phậtnhư vậy là yếu tố định hướng nhằm khuyến khích sự thực hành các giá trị đạo đức
và tâm linh như trải lòng thương yêu, độ lượng và tha thứ. Đây là lý do hàm chứa
trong những lời khuyên của đạo Phật dành cho những ai muốn có được sức khỏe tốt
thì nên sống đạo đức (giới), rèn luyện
tinh thần (định) và phát triển trí
tuệ (tuệ) theo con đường thánh tám
ngả (Bát chánh đạo).
Có lẽ chúng ta sẽ hiểu hơn về vai trò của nghiệp liên
quan đến sức khỏe và bệnh tật qua các trường hợp sau. Ví dụ khi bị bệnh dịch
hoành hành, cùng sống trong một điều kiện, môi trường giống nhau mà có người
qua khỏi, có người chết. Theo quan điểm Phật giáo, sự khác nhau giữa người sống
và kẻ chết khi phải trải qua cùng một trận dịch ở cùng một địa phương như thế
là do nghiệp quá khứ của những người này khác nhau. Rồi cũng có trường hợp gặp
thầy giỏi thuốc hay mà bệnh nhân vẫn chết trong khi đó có trường hợp không gặp
được điều kiện chữa trị tốt mà bệnh nhân vẫn có thể khỏi bệnh. Rồi lại có nhiều
trường hợp, khi y khoa hiện đại đã bó tay và chỉ chờ phép màu xuất hiện, thế mà
bệnh nhân tự nhiên phục hồi đáng kể một cách bất ngờ. Những trường hợp như vậy
củng cố thêm niềm tin trong đạo Phật rằng, bên cạnh những nguyên nhân gây nên bệnh
về thân, bệnh còn do nghiệp xấu trong những kiếp sống quá khứ tạo nên. Bệnh do
nghiệp gây nên thì không thể chữa lành bằng các phương tiện y khoa, mà bệnh chỉ
hết khi nào nghiệp quả được trả hết. Thế nhưng nghiệp của mỗi người là điều bí ẩn
đối với chính bản thân người đó cũng như đối với người khác. Vì vậy, không một
người bình thường nào có thể biết được bệnh nào là do nghiệp.
Do
đó, cần phải thận trọng khi đặc biệt quy kết một căn bệnh nào đó là do nghiệp, bởi
vì điều này có thể đưa đến thái độ cam chịu, chấp nhận định mệnh và không nỗ lực
tìm cách cứu chữa mà buông xuôi, giao phó cho số mạng chỉ vì chán nản. Đạo Phật
khuyên rằng, với mục đích thực tế, chúng ta nên xem tất cả các căn bệnh đều có các
nguyên nhân từ trong thân thể. Và ngay cả khi bệnh do nghiệp mà ra, bệnh đó cũng
cần được chữa trị. Không có điều kiện nào là cố định vĩnh viễn. Và vì mối liên
hệ nhân quả giữa việc đã làm với hậu quả tương ứng có tính điều kiện hơn là ấn định,
nên hễ còn sống là còn có khả năng chữa trị. Mặt khác, chúng ta cũng không thể
biết khi nào nghiệp xấu của mình đến lúc chín muồi. Do đó, chúng ta cần sử dụng
mọi phương tiện chữa trị đang hiện hành. Các phương cách chữa trị này, ngay cả
khi không thể chữa lành căn bệnh, vẫn lợi ích, vì những điều kiện hợp lý về thân
và tâm là cần thiết để nghiệp vận hành. Sự hiện diện của các mầm bệnh do nghiệp
quá khứ và do môi trường sống có nguy cơ gây bệnh đều có khả năng làm cho bệnh phát
sinh. Nhưng có điều trị là có góp phần ngăn cản ảnh hưởng tối đa của những nghiệp
xấu. Sự chữa trị này không can thiệp được vào quá trình hoạt động của nghiệp cá
nhân, nhưng có thể làm giảm đi ảnh hưởng của nó. Lời khuyên của đạo Phật dành
cho người mắc những chứng bệnh không thể chữa trị được là hãy kiên nhẫn thực hiện
các việc thiện để làm vơi nhẹ ảnh hưởng của nghiệp xấu vốn đã tạo từ trong quá
khứ. Ít ra, tự mình nỗ lực duy trì sức khỏe hoặc phục hồi sức khoẻ đã là nghiệp
tốt rồi. Tin nghiệp báo trong mối liên hệ với sức khỏe và bệnh tật không có
nghĩa là tin vào thuyết định mệnh, và cũng không phải là để bi quan. Như đã đề
cập ở trên, luật nhân quả không phải kiểm soát khắt khe và đáng nguyền rủa. Luật
này chỉ nhấn mạnh đến mối quan hệ tương quan giữa nguyên nhân và kết quả. Luật
nhân quả không hoàn toàn là định mệnh. Tin vào luật nhân quả là để có trách nhiệm
cá nhân về sức khỏe của chính bản thân mình. Sức khỏe không phải do ai đó đem
cho mình mà có. Sức khỏe chỉ có thể có được bằng chính sự nỗ lực của mỗi cá
nhân. Do đó, chúng ta không nên đổ thừa cho người khác về nỗi khổ niềm đau mình
đang chịu đựng vì bệnh tật. Bên cạnh
đó, chúng ta có thể cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn khi nghĩ rằng bệnh không nhất
thiết là lỗi của mình trong kiếp sống hiện tại, mà bệnh có thể là ‘di sản’
chúng ta kế thừa từ nhiều kiếp sống trước lâu xa trong quá khứ. Nhờ thái độ và
nỗ lực của mình trong hiện tại đối với bệnh, nghiệp tốt có thể phát sinh. Niềm
tin vào nghiệp cũng giúp chúng ta đương đầu với những nỗi khổ trong cuộc sống,
ví dụ như khổ vì bệnh thập tử nhất sinh như bị bạch cầu hay u ác tính, với tâm
bình thản, chứ không chống chỏi một cách vô vọng, hoặc sinh tâm thất vọng chán
nản và tiêu cực. Một sự chấp nhận bình thản như vậy sẽ giúp bệnh nhân vượt khỏi
sự chán chường, duy trì tinh thần tốt trong những ngày cuối đời, và như thế, sẽ
có được cái chết bình an.
Sự nhấn mạnh vào nghiệp nhân của sức khỏe và bệnh ngầm ý rằng con người cần có trách nhiệm cá
nhân đối với sự mạnh khỏe và bệnh tật của chính mình. Nghiệp tạo ra do sự chọn
lựa của chúng ta trong các kiếp sống quá khứ. Sức khỏe chỉ có thể đạt được nhờ
vào sự nỗ lực kiên trì thường xuyên của mỗi người trong đời sống hiện tại này.
Nghiệp tốt (ví dụ tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn đủ dinh dưỡng, v.v..) đưa
đến sức khỏe tốt, trong khi đó, nghiệp xấu (ví dụ thói quen sống không lành mạnh,
hủy hoại thân thể và tinh thần) trong kiếp sống này cũng như trong nhiều kiếp sống
trước đưa đến bệnh tật. Tinh thần trách nhiệm là điều cần thiết nhất trong việc
chăm sóc sức khỏe. Ngày nay, với sự phát minh của các ‘thần dược’ và với sự
phát triển của kỹ thuật tiên tiến, nhiều người nhầm tưởng rằng tất cả khổ đau
trên cuộc đời đều có thể giải quyết và khổ
đau là điều xấu, bất luận đó là đau về thân xác hay khổ về tinh thần, tình cảm,
đạo đức hoặc tâm linh. Và vì đổ thừa cho các yếu tố bên ngoài, người ta đi tìm
những phương tiện bên ngoài (ví dụ thuốc uống, thuốc chích và các phương pháp
trị liệu khác, v.v..) với hy vọng làm vơi nhẹ khổ đau, mà không tự xem xét lại
chính mình và lối sống của bản thân để tìm cách thay đổi những yếu tố liên quan
đến bệnh từ bên trong của mình. Khác hẳn với cách hiểu trên, quan điểm nghiệp của
đạo Phật về sức khỏe và bệnh tật là nhận ra một thực tế rằng bệnh do tự mình
gây nên trên nền tảng những thói quen và cách sống của bản thân. Lý thuyết nghiệp
khuyến khích mỗi người tự tìm ra nguyên nhân của bệnh, cũng như những nỗi khổ
niềm đau ở chính nơi con người mình. Điều này có nghĩa là cần phải nhìn những
nguyên nhân gây bệnh nằm trong các mối liên hệ với cách sống, những quyết định
và thái độ sống của mình để kịp nhận ra cần phải thay đổi sao cho tốt hơn. Giáo lý
nghiệp cũng ghi nhận vai trò tích cực của bệnh tật và khổ đau trong việc thanh lọc tâm, củng cố các phẩm chất
đạo đức như can đảm, thấu hiểu mình và thông cảm với người. Tuy nhiên, đạo Phật
nhấn mạnh đến nghiệp cá nhân hoặc trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe không có
nghĩa đạo Phật quy trách nhiệm cá nhân cho tất cả các loại bệnh tật. Theo quan
điểm Phật giáo, nghiệp cần được xem xét ở cả hai phương diện: cá nhân và xã hội.
Phương diện xã hội ấy còn gọi là nghiệp xã hội. Trong lãnh vực chăm sóc y tế, ngoài nghiệp cá nhân ra, nghiệp xã hội được hiểu
là các yếu tố môi trường có khả năng góp phần làm cho bệnh nặng thêm hay giảm
nhẹ đi . Các yếu tố kinh tế xã hội như những điều kiện làm việc nguy hiểm và ô
nhiễm có thể là một môi trường dễ gây bệnh cho người làm việc trong môi trường đó
và ngược lại, nếu các yếu tố này tốt thì đó là môi trường tạo nên sức khỏe tốt
cho người làm việc. Và xã hội có thể phải chịu trách nhiệm đối với công nhân và
công việc của họ nếu xã hội không duy
trì một môi trường lành mạnh cho công nhân hay không cung cấp các điều kiện làm
việc an toàn cần thiết.
Khái niệm về nghiệp xã hội còn chỉ cho trách nhiệm của
chính quyền trong việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế cho tất cả
công dân để đáp ứng các nhu cầu và tạo điều kiện về y tế cho họ.
Thân thể và bệnh về thân
Theo quan điểm Phật giáo, do nghiệp trong các kiếp sống
quá khứ, thân thể chúng ta mỗi người mỗi khác, cả về biểu hiện bề ngoài và cấu
trúc cơ thể. Thân thể con người là phương tiện để qua đó, chúng ta tiếp xúc với
thế giới, đồng thời là nơi biểu hiện của tâm mình. Là công cụ quan trọng như vậy,
nên chúng ta cần quan tâm đúng mức đến thân thể, như không hủy hoại thân thể bằng
thức ăn độc hại, uống rượu, hút thuốc hay có lúc quá sa đà vào ăn uống hoặc có
khi nhịn đói đến rã ruột. Ngay cả trạng thái giác ngộ, mục đích cao nhất trong
Phật giáo, cũng không thể thành tựu được trong một thân thể kiệt sức vì khổ hạnh
ép xác. Kinh nghiệm cá nhân của đức Phật là một bằng chứng sinh động. Rõ ràng
có sự liên hệ mật thiết giữa thân và tâm. Một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một
thân thể tráng kiện, đầy đủ sức khỏe và các chức năng của những cơ quan trong cơ
thể vận hành hoàn hảo.
Theo Phật giáo, một cuộc sống chỉ hướng đến tự thỏa
mãn hay tự chìm đắm trong dục lạc thì không đáng sống tí nào. Phật giáo do đó
khuyến khích chúng ta sử dụng thân thể mình cho mục đích sống cao hơn, đặc biệt
là để thành tựu mục đích cao nhất là thành tựu Niết bàn, giải thoát khỏi vòng
luân hồi sanh tử. Sống đạo đức và thực hành thiền định thường xuyên sẽ giúp
chúng ta tự kiểm soát tốt về tâm ham muốn, cảm thọ và tự ngã có tính bản năng của
mình. Theo quan điểm Phật giáo, một thân thể khỏe mạnh được thiết lập trên sự vận
hành bình thường của cơ thể và sự hòa hợp trong mối quan hệ hữu cơ giữa các cơ
quan bên trong. Khi một trong những cơ quan của cơ thể không vận hành hay suy
nhược, bệnh tật sẽ phát sinh. Chức năng của các bộ phận bên trong có thể hoạt động bình thường nhờ vào sự hòa hợp
và cân bằng của bốn yếu tố trong thân là đất, nước, lửa và gió. Nếu sự cân bằng
bị phá vỡ, các chức năng bình thường bị trục trặc, tình trạng bệnh sẽ xuất hiện.
Chữa bệnh là giúp cơ thể phục hồi lại trạng thái cân bằng, đưa toàn bộ cơ thể, chứ
không chỉ phần bị tổn thương đang bệnh và gây nên đau đớn kia, trở lại trạng
thái tốt nhất có thể. Vì mỗi một cơ quan trong cơ thể có quan hệ khắng khít với
các cơ quan khác, để có sức khỏe tốt, toàn bộ cơ thể cần được duy trì trong tình
trạng tốt. Thật ra, cơ thể, cũng giống như tất cả các hiện tượng khác, luôn
trong trạng thái thay đổi, suy thoái và hư hoại. Do vậy, sức khỏe của thân cũng
không thể duy trì mãi mãi. Một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và lúc nào cũng không
bệnh tật là điều không thể được. Cơ thể sống con người dễ dàng sinh bệnh. Điều
này có thể xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Bệnh là một dấu hiệu
nhắc chúng ta ý thức hơn về sự mong manh của kiếp người. Điều này ngầm ý rằng hoàn
toàn khỏe mạnh là điều không thể có được. Do đó, sự bình an của con người không có nghĩa là phải vắng mặt tất cả khổ và đau
trong cuộc sống, mà bình an nằm ở chỗ biết cách thỏa hiệp với đau và khổ, làm
thế nào để sử dụng nó như là một bệ phóng giúp mình thăng hoa và có sự hiểu biết
thông cảm với người khác. Bệnh về thân, nếu hiểu theo quan điểm Phật giáo, là sự
phá vỡ cân bằng và hòa hợp của cơ thể, khác với quan điểm có tính “quân sự” nhìn mầm bệnh như kẻ thù. Theo quan điểm “quân
sự” này, bệnh là do sự tấn công của các tế bào gây bệnh thù địch trong môi trường
vào một bộ phận nào đó của cơ thể. Những quan điểm khác nhau này đưa đến những cách
chữa trị khác nhau. Cách của Phật giáo là đem lại sự hòa hợp cho cơ thể vốn
đang mất hòa hợp với sự hỗ trợ của thuốc hay bằng cách thay đổi tư duy và cách
sống. Thuốc chỉ được dùng để hỗ trợ khả năng tự chữa lành thân thể, tức là giúp
cơ thể có thể chống chỏi với căn bệnh, phục hồi trạng thái cân bằng theo cách
riêng của nó. Khỏe mạnh là trạng thái thể hiện sự kết hợp nỗ lực chung của thân
và tâm để vượt qua cơn bệnh, hơn là sự chống chọi giữa thuốc và bệnh. Ngược lại,
nếu xem bệnh là “kẻ thù”, người ta chọn cách điều trị là dùng thuốc được chế từ
các hóa chất để đánh lại bệnh. Hiệu quả của các loại thuốc này phụ thuộc vào khả
năng tấn công của nó vào bộ phận cơ thể bị tổn thương chứ không phải năng lực
phục hồi của tự thân như quan điểm của đạo Phật.
Tâm và bệnh về tâm
Sự
khỏe mạnh của thân thể là quan trọng vì quan điểm của đạo Phật vốn coi thân là
phương tiện để thành tựu giác ngộ tâm linh. Đạo Phật không muốn con người phải
trải qua phần lớn cuộc đời mình trong tình trạng sức khỏe không tốt, vì trong
tình trạng sức khỏe tồi tệ, người ta không có khả năng đạt đến những mục đích
cao nhất. Mặc dù đạo Phật quan niệm giữa thân và tâm có mối quan hệ khắng khít
nhau, giáo lý đạo Phật đặc biệt chú trọng nhiều hơn đến tâm và sức mạnh của
tâm. Ngay trong câu kinh Pháp cú đầu tiên, đạo Phật quan niệm ta là kết quả tư
duy của chính mình. Do đó, nguồn sống và nguồn hạnh phúc hay bất hạnh nằm trong năng lực
của mỗi người. Không ai có thể hại chúng ta trừ chính bản thân mình. Tùy loại
tư duy mà thân thể chúng ta khỏe mạnh hay đau ốm, cao thượng hay thấp hèn. Chính
vì vậy, đạo Phật xem tư tưởng là nghiệp nhân tạo nên các hành động của thân và
lời nói. Vì lẽ đó, sức mạnh tinh thần được xem là vô cùng quan trọng và đạo Phật
chú trọng đến sự rèn luyện tinh thần để đạt đến trạng thái sức khỏe tốt nhất. Sự
quan tâm về sức khỏe tinh thần cũng được xem là sự nghiệp đích thực của chư
tăng ni. Sự tu tập đặt cơ sở trên niềm tin rằng thân và tâm đều có thể mắc bệnh.
Thế nhưng vì tâm có khả năng thoát ly khỏi thân, nên vẫn có trường hợp một tâm
hồn khỏe mạnh trong một thân thể bệnh tật.
Theo đạo Phật, để có được tâm khỏe mạnh, điều quan trọng
đầu tiên là có được sự thấy biết chân chánh về thế giới và con người, nghĩa là
có sự chấp nhận ba thực tướng của sự sống: thay đổi, không có thật thể và khổ
vì không được toại nguyện. Với nhận thức sai lầm, những gì đang thay đổi thì
mình lại thấy là bền vững thường còn, khổ đau thì cho là hạnh phúc, ô nhiễm lại
thấy là thanh tịnh và không có tự ngã thì cho là có tự ngã. Hậu quả là chúng ta
khao khát và tranh đấu để tìm cầu cái mà ta cho là không thay đổi, mong muốn giữ
cái ngã hư ảo được cho là thường còn để rồi chúng ta phải khổ đau và thất vọng.
Thế nhưng, khi nhận ra được thực thể này không có gì hơn ngoài cái tên được dùng
để chỉ một tổ hợp các yếu tố tâm-vật lý (danh-sắc), thì tâm không còn tìm cầu sự
thỏa mãn hay bám víu vào các đối tượng tham đắm đó nữa. Kết quả là tâm được thảnh
thơi và do đó, những nỗi khổ của tâm được đoạn trừ và sức khỏe tinh thần nhờ vậy
được cải thiện.
Ngoài việc thay đổi tư tưởng bằng cách có quan điểm
đúng đắn và giữ thái độ không tham chấp vào thế giới và con người, sức khỏe
tinh thần của chúng ta còn tùy thuộc vào năng lực chế ngự những thèm khát, hóa
giải các tâm lý tiêu cực như tham lam, thù ghét và sân hận, thay đổi các khuynh
hướng chiếm hữu và thô bạo. Tất cả những trạng thái tâm lý tiêu cực này đều có
thể là nguyên nhân gây nên bệnh về thân và tâm. Để có thể kiểm soát và hóa giải
các trạng thái tâm lý như vậy, sống đạo đức và thực hành thiền định là điều cần
thiết. Mỗi một tụ giới luật, mỗi một loại thiền định Phật giáo đều có mục đích
điều chỉnh các cảm giác, các tâm lý tự phát, các tính cách bản năng, xoa dịu
căng thẳng âu lo và loại bỏ các tư tưởng tiêu cực có khuynh hướng làm cho tâm bệnh
hoạn.
Thiền định Phật giáo không chỉ là phương tiện để chữa
lành bệnh cho tâm do tri kiến sai lầm, tham đắm dục lạc, hận thù và sân giận gây
ra, mà còn là phương pháp trau giồi tâm lý tích cực, đặc biệt là bốn tâm vô lượng:
từ, bi, hỷ và xả. Tâm từ giúp chúng ta yêu thương và bao dung với người, trong
khi tâm bi thôi thúc chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người trong đau khổ. Tâm hỷ là
khả năng vui với niềm vui của người khác và tâm xả là giữ tâm an tịnh không bị
dao động và chi phối bởi những thăng trầm vui-buồn, được-mất, danh thơm-tiếng xấu,
hạnh phúc-khổ đau của cuộc đời. Các đặc tính này nếu được rèn luyện thường
xuyên theo phương pháp Phật giáo sẽ giúp cho tâm khỏe mạnh. Những hành động
phát sinh từ tâm khỏe mạnh sẽ luôn là hành động tốt và thiện, và như thế, sẽ
góp phần tạo nên sức khỏe tổng thể kiện khang ở một con người. Sức khỏe tổng thể
được phản ánh trong mọi phương diện cuộc sống thông qua suy nghĩ, lời nói và
hành động.
Lời kết
Khái niệm về sức khỏe và bệnh tật trong đạo Phật được
thiết lập trên nguyên tắc của lý duyên khởi và luật nhân quả. Theo đó, vấn đề
này cần được hiểu một cách toàn diện trong các mối quan hệ với cả một hệ thống con
người và những điều kiện môi trường gồm cả kinh tế, xã hội và văn hóa.
Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan điểm phân
tích có xu hướng mổ xẻ con người, thân cũng như tâm, thành nhiều phần khác nhau.
Theo quan điểm chia chẻ này, sức khỏe được hiểu theo khái niệm rất hạn hẹp là sự
vắng mặt các triệu chứng bệnh và có thể đo lường được. Bác sĩ và các chuyên gia
y tế nào có quan điểm này thường chú ý đến những bộ phận nhất định nào đó trong
cơ thể con người khi thăm khám hay kiểm tra sức khỏe, mà không quan tâm đến việc
coi bệnh nhân như là một con người chỉnh thể. Như vậy, họ tự giới hạn phạm vi
chăm sóc y tế của mình ở những triệu chứng có thể đo lường được. Quan điểm toàn
diện của đạo Phật, ngược lại, chú trọng vào con người toàn diện và cho rằng con
người không chỉ là sinh vật với thân thể vật lý mà còn là con người với đầy đủ
tình cảm, tinh thần, xã hội và tâm linh. Trong một thực thể tâm-sinh lý như vậy,
bệnh của thân sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và tình cảm. Tương tự như vậy, những trục
trặc về tinh thần, tình cảm và xã hội cũng gây ảnh hưởng lên thân thể. Do đó, một
khi quan tâm đến sức khỏe con người, chúng ta phải quan tâm đến toàn bộ con người,
thân, tâm và tình cảm cũng như môi trường xã hội. Đây là mục đích lý tưởng mà một
mình y khoa hoặc các dịch vụ y tế thì không thể nào kham nổi. Thế nhưng, chúng
ta cần suy gẫm và nỗ lực hướng đến mục đích đó, bởi vì có lẽ sức khỏe tổng thể của
con người chỉ có thể đạt được khi có sự nỗ lực trong tinh thần hợp tác giữa y
khoa, cá nhân và các dịch vụ xã hội liên quan.
Nguồn: Tạp
chí Đạo đức Sinh học Châu Á và Thế giới, số 15 (2004), 162-4.
CHỦNG NGỪA TÂM LINH
Trong hai bài kinh “Nguy hại trong tương lai (1) và (2)” (Anagata-bhayani Sutta- Tăng chi bộ
kinh, chương V, phẩm VIII, kinh số 77-78), đức Phật dạy rằng chúng ta
nên tận dụng cơ hội để thực hành pháp cho thuần thục khi chúng ta còn tương đối
khỏe mạnh. Có như vậy, khi chẳng may bị bệnh một ngày, mà điều này không thể
nào tránh khỏi, chúng ta mới có thể lướt qua được. Trong bản kinh này, vị tăng
tự nhắc mình rằng “hiện tại, ta không bệnh
và không mệt mỏi, tiêu hoá tốt: không nóng quá, không lạnh quá, sức khoẻ và sức
chịu đựng trung bình. Nhưng rồi sẽ có lúc thân này bị vây bủa bởi bệnh tật. Khi
bị bệnh tật xâm chiếm, thì không dễ dàng học được những lời dạy của đức Phật. Không
dễ dàng ở tại nơi rừng sâu hay những nơi vắng vẻ. Trước khi việc khó
chịu, không vừa lòng, không đẹp ý xảy ra, ta hãy lo trước, mau nỗ lực để đắc
cho được những gì chưa đắc, đạt cho được những gì chưa đạt, chứng cho được những
gì chưa chứng, để rồi, khi có được Pháp ấy, ta sẽ sống an bình ngay cả khi bệnh
tật.”
Năm điều quán chiếu về sức khỏe
Đức Phật dạy có năm đề mục chúng ta cần quán chiếu mỗi
ngày:
·
Tuổi già
·
Bệnh
·
Chết
·
Không thường còn
·
Luật nhân quả
Tôi thường xuyên quán chiếu kỹ điều này khi đang trong
lúc tắm (khi có thể thấy chính mình trong gương phòng tắm). Mỗi khi chú tâm vào
bốn đề mục đầu (tuổi già, bệnh, chết và không thường còn), chúng ta đã chuẩn bị
tâm lý sẵn sàng để đón nhận những nghịch cảnh lớn trong cuộc sống. Thực hành
như vậy, khi nghịch cảnh đến, chúng ta sẽ có thể đương đầu với chúng trong tinh
thần ít căng thẳng hơn. Đây là một loại “chủng ngừa tâm lý” dành cho sức khỏe
tinh thần! Khi quán chiếu đến đề mục thứ 5 (luật nhân quả), tôi có động cơ nỗ lực
(tạo nghiệp tốt) chăm sóc sức khỏe tốt, như nghỉ ngơi vừa đủ, tập thể dục thường
xuyên, ăn uống chế độ dinh dưỡng, kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Đức Phật dạy
“sức khỏe là tài sản tối thượng.” Điều này nghĩa là sức khỏe là một món tài sản
vô cùng quý giá và cần phải nỗ lực mới đạt được. Đây không phải là quà tặng từ
trên trời rơi xuống. Do đó, chúng ta phải chăm chỉ tạo những điều kiện tốt để
có sức khỏe tốt.
“Ta không
thể nào vượt qua được già, bệnh và chết. Do đó, ta nên thực hành pháp một cách
miên mật để đạt đến giải thoát tuyệt đối.” (Tương ưng bộ kinh, tập I, chương
3, phẩm 3, Kinh Ví dụ hòn núi)
Câu
chuyện của Jivaka - vị lương y của Đức Phật
Jivaka được chọn làm bác sĩ riêng chữa bệnh cho đức Phật.
Ngay sau khi ra đời, Jivaka bị mẹ vốn là một cô gái làng chơi, đặt vào một
thùng gỗ, rồi bỏ ở đống rác bên lề đường. Buổi sáng hôm đó, hoàng tử Abhaya (Vô Úy), con vua Bimbisara (Bình-sa
Vương ) tình cờ đi qua con đường ấy trên lối về cung điện. Khi hoàng tử nhận ra
đứa bé vẫn còn sống, với lòng từ bi, hoàng tử ra lệnh chăm sóc, nuôi nấng đứa
bé và nhận làm con nuôi. Đứa bé được đặt tên là Jivaka. Từ ‘Jivaka’ xuất phát từ
chữ Jivati nghĩa là “vẫn còn sống”. Khi lớn lên, Jivaka theo học nghề thuốc tại
Taxila 7 năm với một lương y lừng danh tên là Aatreya, thầy thuốc phẫu thuật giỏi
nhất thời bấy giờ. Jivaka sau này phát triển một phương pháp phẫu thuật não, trọng
tâm là tách bóc ký sinh trùng hoặc côn trùng gây bệnh ra khỏi hộp sọ. Chẳng bao
lâu, tiếng tốt về người thầy thuốc với kỹ thuật y khoa mới lạ về Jivaka được
nhiều người biết đến. Thế là Jivaka được gọi vào triều đình để chữa bệnh cho
các vua và công chúa, chữa cả bệnh lỗ rò cho vua Bimbisara nữa. Từ đó, Jivaka
được chỉ định là bác sĩ hoàng gia. Nhưng, trong tất cả những người nổi tiếng mà
Jivaka diện kiến, niềm vui lớn nhất của ông là được diện kiến đức Phật, mỗi
ngày ba lần. Khi đức Phật bị thương ở chân do Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) lăn đá hại
Ngài, chính Jivaka là người chăm sóc vết thương. Vết thương ấy rất sâu và cần
giải phẩu để lấy máu bầm còn tụ lại. Dường như thuốc gây tê và phương pháp chụp
X-quang đã được sử dụng thời đức Phật, cách đây hơn 2500 năm. Jivaka dùng một
loại đá quý địa phương như là một phương tiện chụp X-quang thô sơ để kiểm tra
các bộ phận bên trong cơ thể. Còn thuốc tê được tạo thành từ hỗn hợp các loại cồn
được chuẩn bị từ trước. Một trong những thành công lớn đến ngạc nhiên trong thủ
thuật giải phẩu của Jivaka là ông giả định ông đang đóng vai trò của một người
bác sĩ khoa sản đang đưa đứa bé ra khỏi bụng mẹ trong khi người mẹ đã chết và đang
trên giàn hỏa thiêu. Đứa bé trong bụng mẹ đã được cứu sống.
Jivaka là một đại đệ tử tại gia của đức Phật. Ông nhận
thấy rằng nếu có một ngôi Tinh xá ở gần nhà sẽ thuận tiện hơn nhiều, do đó ông
xây một ngôi Tinh xá trong vườn xoài nhà ông. Ông thỉnh đức Phật và chư tăng đệ
tử Ngài đến cúng dường ngọ trai và dâng ngôi Tinh xá cúng dường đức Phật và chư
tăng. Sau buổi lễ nạp thọ ngôi Tinh xá, ông sinh tâm hoan hỷ và chứng quả thánh
đầu tiên (quả dự lưu). Chính Jivaka là người khuyên vua Ajatasattu (A-xà-thế) đến
diện kiến đức Phật để được tư vấn về con đường chuyển hóa và thực hành tâm linh
sau sự vụ Ajatasattu giết vua cha. Jivaka cũng là người yêu cầu đức Phật khuyên
đệ tử Ngài tập thể dục. Có một bài kinh được đặt tên ông: Kinh Jivaka (Trung
bộ kinh, số 55). Bài kinh này nói về những phẩm hạnh của một người đệ tử
cư sĩ tại gia cần thực hành để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.
Có một lần đức Phật đang trú tại Tinh xá Jetavana (Trúc Lâm), trong một bài
pháp, khi đề cập đến tên của các đệ tử thượng thủ của Ngài, đức Phật nói “này các tỳ kheo, trong số các đệ tử cư sĩ tận
tụy của Ta, Jivaka, con nuôi của hoàng tử Abhaya, là người tận tụy đệ nhất.”