MỘT TU SĨ CÓ THỂ LÀ MỘT BÁC SĨ KHÔNG?
Ajahn
Brahmavamso
Một số cư sĩ Phật tử hiểu lầm rằng một vị tăng có thể làm một lương
y để chữa bệnh cho người cư sĩ. Một số chư tăng trở thành thiện xảo trong cách
chữa trị bằng thảo dược và các cách trị liệu truyền thống khác, thế nhưng, có
khi nào, theo giới luật, chư tăng được phép chữa bệnh như một lương y không?
Đức Phật có lần dạy rằng, “này các tỳ kheo, vị nào chăm
sóc ta, thì hãy chăm sóc người bệnh” và câu nói nổi tiếng này được nhắc đến thường
xuyên để nói rằng vị tăng nên hành xử với người bệnh theo cách chăm sóc như một
bác sĩ. Thế nhưng, khi ta tách câu nói đó ra khỏi ngữ cảnh, nội dung sẽ không mấy
rõ ràng. Nguyên câu này nằm trong một đoạn ở Vinaya-pitaka (Luật tạng) , thuộc Mahavagga (Đại phẩm), chương 8, kệ 26, liên hệ đến
câu chuyện của đức Phật, khi đang đến thăm một vị tăng đang đau đớn vì bệnh lỵ.
Đức Phật, cùng với sự trợ giúp của Ananda, đã rửa ráy sạch sẽ cho vị tăng ấy và
sửa soạn chỗ nằm chu đáo. Ngay sau đó, đức Phật dạy chư tăng rằng “này các tỳ-kheo, các tỳ-kheo không có cha,
không có mẹ để chăm sóc mình ở đây. Nếu quý vị, này các tỳ-kheo, không chăm sóc
lẫn nhau, thì ai sẽ chăm sóc chúng ta khi chúng ta cần đến. Này các tỳ-kheo, những
ai, muốn chăm sóc Ta thì nên chăm sóc người bệnh.” (Trích từ bản dịch của Hội Pāli
Text, Luật tạng, tập IV, trang 432). Đoạn trích đầy đủ trong ngữ cảnh
như thế rõ ràng hơn nhiều khi đức Phật nói “những
ai muốn chăm sóc Ta thì nên chăm sóc người bệnh”. Bức thông điệp Ngài nhắn
gởi các đệ tử là hãy chăm sóc những người xuất gia đồng tu khi các vị này bị bệnh.
Ngài không có ý nói rằng chư tăng nên làm lương y để chữa bệnh cho cư sĩ tại
gia.
Thật ra, đức Phật nhiều lần nói rằng, là một vị tăng
mà hành nghề lương y phục vụ người cư sĩ là cách nuôi mạng không chân chánh, trực
tiếp trái ngược với yếu tố thứ năm trong Bát chánh đạo và là nghề không có nhiều
giá trị. Ví dụ, trong bài kinh Phạm võng,
kinh thứ nhất của Trường bộ kinh, đức Phật dạy rằng:
Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các
món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những nghề không chân
chánh và thấp kém như hứa sẽ dâng quà lên thần linh để cầu phước, thực hiện các
lời hứa đó, nghiên cứu ma quỷ, cầu phước khi về nhà mới, chữa bệnh cho người quá
mạnh hay quá yếu sinh lý, làm lễ súc miệng và tắm rửa, lễ tế thần lửa, làm cho
mửa, làm cho xổ, bài tiết các chất nhơ bẩn qua đường miệng, bài tiết các nhơ bẩn
qua đường dưới, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, nhỏ thuốc lỗ mũi, xức thuốc
mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bệnh đau mắt, làm thầy thuốc mổ xẻ, chữa bệnh cho trẻ
con, cho uống thuốc làm bằng các loại rễ cây, dùng các loại cây lá có tinh dầu để
hóa giải các phản ứng phụ của thuốc. Còn Sa-môn Gotama (đức Phật) tránh xa các nghề
không chân chánh kể trên.
Như vậy, rõ ràng đức Phật không tán thành việc chư
tăng sống bằng nghề thầy thuốc để chữa bệnh cho người cư sĩ tại gia. Truyền thống
này được áp dụng cho tất cả các tu sĩ Phật giáo nguyên thủy vốn được mô tả
trong sớ giải luật, do Ngài Buddhagosa (Phật Âm) biên soạn ở Tích Lan vào thế kỷ
thứ V. Văn bản có thẩm quyền này tuyên bố rằng một vị tu sĩ có thể kê đơn bốc
thuốc cho người đồng tu (chư tăng và chư ni), cho cha mẹ hay những người chăm
sóc cha mẹ mình và những người cư sĩ ở trong tu viện hay những người chuẩn bị
xuất gia, kể cả những người hộ trì chư tăng. Một vị tu sĩ chỉ cho đơn chứ không
mua thuốc cho các đối tượng sau: anh chị em, cô dì chú bác, ông bà hay bất cứ
người qua đường nào, kẻ cướp hay người bị thương do chiến tranh và những ai
không có bà con thân thích mà đến chùa để nhờ giúp trong cơn ngặt nghèo khẩn cấp.
Người tu sĩ nào kê đơn hoặc cho thuốc những đối tượng ngoài quy định, vị ấy phạm
tội (tội tác ác). Hơn nữa, nếu người ấy kê đơn hay cho thuốc người cư sĩ và nhận
quà biếu trở lại sẽ phạm tội ô chúng (ô uế hàng loạt). Điều này được nói đến
trong bộ Thiện kiến luật chú giải, một tác phẩm rất được tôn trọng ở các nước
Phật giáo Nguyên thủy. Đoạn này có thể được tìm thấy ở bộ Thiện kiến luật, bản do Hội Pāli Text xuất bản, trang 369f (tiếc rằng
tác phẩm này chỉ có bản Pāli, không tìm thấy bản dịch tiếng Anh). Câu trả lời
trong các văn bản có thẩm quyền về câu hỏi “người tu sĩ có nên làm người thầy
thuốc không?” cho thấy một sự cân đối tuyệt vời khi nhận thức được nhiệm vụ của
một vị tu sĩ đối với cha mẹ, bổn phận đối với các vị tu đồng phạm hạnh và với các
cư sĩ sống cùng quý vị xuất gia trong tu viện và lòng từ bi của một người tu đối
với những người đến tu viện để nhờ giúp đỡ trong các trường hợp cần kíp. Trong
các trường hợp này, chư tăng tuyệt đối không nhận quà tặng như là một hình thức
trả công. Hơn nữa, nên nhớ rằng vai trò
của người tu sĩ đối với cư sĩ Phật tử không phải là người thầy thuốc chữa bệnh
cho thân mà một nhà hiền triết bao dung, một lương y chữa bệnh về tâm.